Kiến nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Quỳnh Chi, phóng viên RFA, Bangkok
2013-01-22
Các nhân sĩ, trí thức vừa có bản Kiến nghị về Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp 1992 trong đó đề nghị 7 nội dung. Bản kiến nghị được 72 người
ký tên đầu tiên và tiếp tục kêu gọi ý kiến của người Việt Nam trong và
ngoài nước.
Kiến nghị nằm trong việc thực hiện tinh thần của Nghị quyết Quốc hội
về việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, với sự tham gia
của các thành phần trí thức, lãnh đạo, cố vấn ở nhiều lĩnh vực khác nhau
từ tôn giáo, pháp luật đến xã hội. Một trong những cái tên được chú ý
từ Kiến nghị là TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt
Nam. Nói với đài RFA, ông cho biết lý do ký tên vào bản Kiến nghị:
“Việc sửa đổi HP lần này không phải là bí mật mà đưa ra toàn dân
để tham gia ý kiến. Chúng tôi là những công dân Việt Nam thì chúng tôi
tham gia. Y´ kiến chúng tôi có thể đúng, có thể sai nhưng với tư cách là
một công dân thì chúng tôi cũng quan tâm đến vấn đề, suy nghĩ và có ý
kiến”.
Quyền lập hiến là của toàn dân
Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 cho rằng Dự thảo “chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ, chưa thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân với chính quyền theo tinh thần thỏa thuận kiến tạo một môi trường có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực”.
Kiến nghị nhấn mạnh có ba tiêu chí tạo ra sự chính đáng cho một hiến
pháp. Thứ nhất, là mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền, kiến tạo tự
do, dân chủ. Thứ hai là phải thể hiện ý chí chung của nhân dân. Và thứ
ba, là phải được xây dựng theo các nguyên tắc pháp luật phổ biến của thế
giới văn minh, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Từ lý do đó, Kiến nghị đưa ra bảy điểm bao gồm đề nghị về lời nói đầu
và về Chương I; về quyền con người; về sở hữu đất đai; về tổ chức Nhà
nước; về lực lượng vũ trang; về trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp; và về
thời hạn góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Theo linh mục Phaolô Nguyễn Thái
Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, mỗi điểm trong Kiến nghị có một tầm quan trọng riêng:
“Mỗi điểm có một vị trí thế. Nhưng cái đầu tiên là cái định hướng
của hiến pháp – quyền thuộc về toàn dân không phải của một đảng phái
chính trị. Vấn đề nữa là sự phân biệt giữa ba quyền hành pháp, lập pháp,
tư pháp. Rồi qua cuộc trưng cầu dân ý để nhân dân nói lên tiếng nói của
mình về hiến pháp. Đó là ba nguyên tắc căn bản của một chế độ trong
tiến trình dân chủ”.
Theo bản Kiến nghị, phần lời nói đầu của Dự thảo “không làm rõ mục tiêu của hiến pháp và chủ thể quy định hiến pháp” và nói rõ rằng quyền lập hiến phải thuộc về toàn dân, không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, kể cả Quốc hội.
Đặc biệt, Kiến nghị còn nhắc tới vai trò làm chủ của nhân dân trong
việc bầu chọn “chủ thể lãnh đạo xã hội”, nói thêm rằng “Việc đảng
cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử,
là điều kiện cho sự phát triển của đất nước”. Mặc dù là một góp ý khá
mạnh dạn và nhạy cảm vì liên quan đến điều 4 HP, đây được cho là nhằm
thực hiện điều “không cấm kỵ” trong góp ý HP mà ông Phan Trung Lý (Chủ
nhiệm UB Pháp luật QH) đã nói trước đó.
Người từng tham gia soạn thảo HP 1980 và 1992, ông Nguyễn Đình Lộc cũng khẳng định thêm:
“Xã hội chúng tôi ngày càng dân chủ hóa, dân chủ chân chính chứ
không phải hời hợt. Bản thân tính chất HP 1992 hiện nay là được ban hành
từ đầu có một ý nghĩa rất lớn là đổi mới. HP 1992 thay HP 1980 – là một
HP thực hiện cơ chế rất cũ. Cho nên HP 1992 đã làm được một điều là
thay cơ chế cũ đó. Nhưng từ HP 1980 đến 1992 thì thời gian còn ngắn quá
nên việc thay đổi không đơn giản. Cho nên bây giờ vẫn tiếp tục sữa đổi. Việc này cũng nằm trong cùng một chiều hướng đối với HP 1992”.
Quyền con người trong Hiến Pháp
Quyền con người là một trong những điều được nhắc đến đầu tiên trong
bản Kiến nghị. Trước đó, đã có ý kiến của luật gia cho rằng quyền con
người và quyền công dân cần được liệt kê một cách tách bạch trong Dự
thảo sửa đổi HP. Ngoài ra, các vị trí thức kiến nghị quyền con người cần
được ghi theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn về Quyền Con người năm 1948
và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Linh mục Nguyễn Thái
Hợp cho rằng Việt Nam cần tiến đến xu thế chung của quốc tế:
“Tự do tôn giáo nằm trong quyền con người – một quyền được công
ước QT công nhận. Thực hiện điều này thì chế độ “xin-cho” dần dần sẽ
không còn nữa hoặc giảm thiểu. Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập
và ký rất nhiều văn bản với các cơ quan quốc tế. Nếu luật Việt Nam không
phù hợp với bản Tuyên ngôn QT Nhân quyền chẳng hạn, thì lúc đó Tuyên
ngôn này vẫn có giá trị hơn luật pháp Việt Nam. Chúng tôi nghĩ là sửa
đổi HP thì Việt Nam mới đi vào hội nhập QT, cũng như hòa nhập vào công
ước mà Việt Nam đã ký kết”.
Ngoài chữ ký của những người tham gia cách mạng nhiệt thành, Kiến
nghị còn có chữ ký của những nhân vật từng là thành viên nghiên cứu, tổ
tư vấn và trợ lý của các Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt.
GS-TS khoa học Hoàng Xuân Phú cũng là một trong những người ký tên vào
Kiến nghị. Trong thời gian vừa qua, các bài viết của ông về Hiến pháp
1992 thu hút sự chú của dư luận. Theo đó, ông cho rằng hai huyệt tử của
chế độ là quy định về quyền lãnh đạo của ĐCSVN và qui định đất đai thuộc
sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý.
Quyền con người là một trong những điều được nhắc đến đầu tiên trong bản Kiến nghị. Trước đó, đã có ý kiến của luật gia cho rằng quyền con người và quyền công dân cần được liệt kê một cách tách bạch trong Dự thảo sửa đổi HP
Đất đai là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ khiến
kiện và mâu thuẩn giữa người dân và chính quyền. Từ HP 1980, đất đai
được quy định thuộc sở hữu toàn dân. Theo Kiến nghị, qui định này “hoàn
toàn xa lạ với nhân dân Việt Nam và đã gây ra rất nhiều bất ổn xã hội”.
Kiến nghị cho rằng quyền sở hữu tư nhân về đất đai cần được tôn trọng.
Trong Kiến nghị này, một cơ chế Tòa Bảo hiến và hệ thống tam quyền phân lập cùng với việc phúc quyết Hiến pháp được nói đến như một yêu cầu cần thiết. Đây là một trong những điểm được cho là gút mắc lớn nhất liên quan đến Hiến pháp Việt Nam. Từ khi hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1946, qua nhiều lần sửa đổi nhưng HP Việt Nam chưa từng được phúc quyết. Theo nhà văn Võ Thị Hảo, Hiến pháp cần được tất cả mọi người quan tâm:
“Hiến pháp là điều cần phải được bảo vệ như là giữ con ngươi của
mắt mình. Bởi vì đó là một khế ước quan trọng nhất để giữ quyền tự do và
dân chủ của người dân. Tôi cho rằng ai cũng phải quan tâm đến HP chứ
không phải chỉ nhà văn, nhà làm luật hay nhà quản lý. Mỗi một người góp
chút sức đốt thêm một ngọn lửa để đánh thức lương trì, làm mọi người
nhìn lại những gì mình làm, và để cuộc sống được tốt hơn, cho sự bạo tàn
biến mất”.
Theo thông báo của UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, thời gian lấy ý
kiến đóng góp sẽ kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ ngày 2 tháng 1. Từ ngày 23
tháng 1, cơ quan truyền thông các cấp cũng sẽ bắt đầu đăng tải toàn văn
nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo Kiến nghị trên của
giới trí thức, thời gian góp ý cho Dự thảo cần được kéo dài đến hết năm
nay.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét