Nói thật! Nói dối
Trần Anh Thái
Trần Anh Thái
Có lần chỉ vì nói thật mà tôi suýt bị một người quen cho một thụi. Chuyện không to tát nhưng làm tôi phải ngẫm nghĩ, trong đầu lởn vởn câu hỏi, tại sao vậy nhỉ? Vài ngày sau nữa nhân lúc trà dư tửu hậu, người bạn khác chứng kiến cuộc cãi cọ rỉ tai tôi: “Bác thật quá, bắt đúng gót Asin của hắn, lại ở giữa ba quân thiên hạ. Thói đời sợ nhất là mình chỉ nghĩ mà người khác đã biết, nên cố tìm mọi cách bí mật gót Asin, lộ ra là hỏng việc. Vì ngượng, vì hèn, vì hãnh tiến và vì tự ái vặt cũng có, “trung ngôn nghịch nhĩ” mà… Để làm gì ư, để cầu lợi! Thế mà bác huỵch toẹt ra, phiền là ở chỗ ấy!”. Một lần khác, tôi tuột mất người bạn thân ngót nửa năm mới mon men làm lành cũng vì “tội” nói thật. Nguyên do bạn tôi khát cái chức giám đốc. Thế là lão rốt ráo bày mưu tính kế, kiện cáo, vận động mọi người hạ nhục người đương nhiệm. Ở đời cứ làm điều ám muội thế nào cũng bị phơi trước thanh thiên bạch nhật. “cái kim trong bọc lâu ngày tòi ra”. Người đương nhiệm không ngã ngựa, “cái ghế” vẫn vững như bàn thạch; còn bạn tôi, vừa bị dư luận coi thường vừa phải chuyển công tác khác. Ngồi với nhau uống ly rượu, tôi ngứa miệng buột lời: “Lão dở hơi! Ham hố đánh đấm, mất cả chì lẫn chài!”. Lão nhảy dựng lên, mặt đỏ như máu: “Ông là cái… Đ gì, tôi làm tôi chịu, khiến ông dí mũi…”. Khổ sở vì trực thẳng mà mãi không chừa, cái tính trời nó thế, không biết mình đúng hay sai nữa…
Đôi khi tự vấn, thấy mình nhiều cái
dở, mà cái dở nào cũng thật, cứ lồ lộ phơi bày, thành ra người không tri kỷ sâu
xa khó lòng thể tất. Thế là cực đoan tặc lưỡi “dĩ hòa vi quý” cho xong. Nhưng
“dĩ hòa vi quý” người đời không tha, bảo: “Không có chính kiến, lập lờ hai
mặt”. Lại co vào “ngậm miệng ăn tiền”. Người đời lại bảo: “Láu cá, ma mãnh, đục
nước béo cò chỉ là hạng tiểu nhân náu mình vụ lợi.”. Đã thế gặp ai cũng cười,
cũng nồng nhiệt xoa tay, miệng khen rối rít mà tâm can rỗng tuếch; lại bị chụp
mũ trí trá, mưu mô, đầu cơ trục lợi. Còn “an phận thủ thường” thì nhất, nhất
nhạt nhẽo, vô tích sự, chả nên trò trống gì…
Ấy là chuyện thường ngày. Còn chuyện
lớn, chí lớn trên đường công danh sự nghiệp thì quả là nhiêu khê. Để tránh “sự
thật mất lòng”, nếu anh đứng ngoài cuộc “nước đến đâu bèo trôi đến đấy”, bị cho
là đần, thiếu trách nhiệm, không có khả năng, không dùng. Nếu anh hau háu xông
vào, thao thao bất tuyệt, nói năng trơn tru như da chạch, như tép nhảy thì rỗng
tuếch, “mồm miệng đỡ chân tay”, là con vẹt, không tin. Nếu suốt ngày quẩn quanh
thủ trưởng, nói năng lễ phép, mật ngọt rót tai, gọi dạ bảo vâng, xum xoe bợ đỡ
là hèn, không có bản lĩnh, nhu nhược,
không làm được việc lớn. Nếu anh thô lỗ, dùi đục mắm tôm, nói năng bặm
trợn, bất cần là người không biết lễ, khó bảo, khó trị, khó quản. Dùng loại
người này vất vả, khó nhọc, lúc nào cũng canh cánh không yên. Thượng sách là
nuông chiều nhưng bỏ mặc, không khen
không chê cũng không thưởng không phạt…
Xét ra, quanh đi quẩn lại cũng chỉ
còn một cách là sống thật, sống đúng mình. Nhưng sống thật, sống đúng mình đến
như quan tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An còn
phải treo mũ từ quan vì dâng sớ thất trảm, vua không tin, không dùng. Thời Duệ
Tôn Hoàng Đế, quan Ngự sử đại phu là Trương Đỗ hết lòng vì nước vì dân, thanh
liêm cương trực, ba lần dâng sớ can vua, vua không tin đành bỏ, rút lui ở ẩn.
Nguyễn Trãi tiên sinh, kinh bang tế thế, khí chất ngất trời tâm, tài kiệt hiệt
mà phải chịu chết chém ba đời, oan khuất bao trùm trời đất, chứ đâu phải chỉ
nỗi ưu tư phiền muội vì nói thẳng nói thật của hạng thứ dân…
Thế mới biết cõi người trùng khơi cơ
khổ. Hẳn nào Phật tổ hướng về nơi giải thoát, chỉ vì từ sự không thỏa mãn một
cách vô vọng đời sống.
Nhưng khốn nỗi trong mớ hỗn độn dẫn
đến âu lo phiền muội lại không phải do thế giới siêu nhiên nào mang đến mà là
tại ta, tự tâm ta: Thói hư tật xấu, tính tình, nói thật, nói dối… là thuộc tính
đương nhiên, là đời sống. Đã vậy, sống ở đời cũng không thể chối bỏ, không thể
không nhập cuộc. Dù gì vẫn phải sống, phải tồn tại… và chỉ còn cách lựa chọn. Ở
đây có hai sự lựa chọn xảy ra: Một là, vứt bỏ liêm sỉ để trở thành kẻ nịnh
thần, dối trên lừa dưới “gió chiều nào che chiều ấy”. Thực hành một cách sống
ma mị lòng người để được nâng đỡ, mua quan bán chức; làm hại dân lành... Hai,
sống như mình muốn, đúng mình, tôn vinh nhân cách. Sự lựa chọn này sẽ dẫn đến
thua thiệt mất mát; thậm chí bị gạt bỏ, bật ra khỏi dòng xoáy, lạc lõng, cô
quạnh. Nhưng nó là cuộc sống thật của mình, là “Người” …
Sử ký ghi: Thôi Trữ là bề tôi giết
vua Tề, quan thái sử nước Tề viết: “Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công”.
Quan thái sử bị giết, người em lên thay vẫn viết như vậy nên bị giết luôn. Ngay
lúc đó người em thứ ba xin lên thay không thêm bớt một chữ. Thôi Trữ sợ không
dám giết.
Chuyện nói thật quả là gian nan bể
khổ, bầm dập nổi chìm nhưng nó là lời của người công chính. Là tính thiện, là
nguồn cội của đức hạnh. Đã có biết bao người “chết vì nói thật” nhưng đó là
những cái chết được tôn kính. Cái chết chỉ là “một phần của sự sống”, được chứ
!
Nói dối!
Người ta lúc sinh thời là khóc, sau
đó mới cười, rồi tập lẫy, tập bò, tập ăn, tập nói, tập cả gói mang về… phiền là
tập gói mang về! Tập nói thì ai dạy: Bố mẹ, người trong gia đình, sau nữa là xã
hội. Đứa trẻ như tờ giấy trắng người lớn phết lên đó màu đỏ thì đỏ, phết vào
đen thì đen… cứ người lớn làm gì trẻ bắt chước làm theo. Muốn cho con hay ăn
chóng lớn người lớn bảo: Ăn đi mai bố cho đi công viên mua ô tô, tàu hỏa; hoặc
ăn đi mai cho lên phố ăn kem... Nhưng ô tô, tàu hỏa hay kem kẹo đâu phải nói là
làm ngay được, phải có kế hoạch, có thời gian; nhất là thời buổi sấp ngửa lo
ăn, lo mặc như thời nay. Thành ra nói chỉ là nói vậy, cho xong rồi quên, để
đấy. Nếu trẻ nhớ ra hỏi thì vô tư trả lời: Vài ngày nữa, bố đang bận! Nhưng vài
ngày nữa cũng không thấy, trẻ lại hỏi; lại trả lời “vài ngày nữa. Cứ vậy “vài
ngày nữa” kéo dài. Trẻ chán không muốn hỏi. Vì có hỏi cũng thế, bố nói dối.
Không phải bố, mẹ cũng vậy: “Ăn đi không ngáo ộp bắt”. Trẻ sợ ăn một vài lần vì
tưởng thật, nhưng nhiều lần khác không ăn cũng chẳng thấy ngáo ộp đâu. Lâu dần
nó biết đấy là chuyện bịa trơ ra, không sợ nữa. Nói dối tự lúc nào ngấm vào con
trẻ. Chuyện như vậy thường vẫn xảy ra, trẻ bị nhiễm, coi nói dối là đương
nhiên, không phải thói xấu…
Kiểu nói dối như vậy là nói dối có
mục đích nhằm cho con cái tốt lên, ngoan lên, không hay nhưng biết làm sao. Vì
người Việt sinh ra đã được dạy cho nói
dối, truyền đời truyền kiếp. Người ta cho rằng, nói dối như vậy cũng không quá
xấu, quá tệ nên cứ nói bừa… Hay như việc bịa ra chuyện cổ tích, thần thoại kể
cho trẻ nghe nhằm hướng trẻ tới điều tốt, là nói dối hòa bình. Rồi nói dối đến
như chú Cuội, Trạng Trình cũng khoái, vì nó dí dỏm. Tuy láu cá nhưng là láu cá
thông minh, láu cá của kẻ yếu đi từ cõi mông muội đến văn minh. Nên đời người
coi chuyện nói dối là bình thường. Ai cũng biết nói dối, biết nghe nói dối, nói
những điều vô hại, nói dối vì sự sinh tồn, thêm tiếng cười, bớt tẻ nhạt khô
nhàm…
Nếu chỉ vậy thì nói dối cũng chẳng có
gì phải ngẫm nghĩ. Nhưng vì cùng tồn tại với kiểu nói dối trên còn một loại nói
dối khác, đó là loại nói dối làm cho khuynh gia bại sản, huynh đệ tương tàn,
nhà tan nước mất chứ không phải chuyện chơi chơi.
Loại nói dối này có ở mọi nơi, mọi
thời, từ đấng quân vương đến hạng thứ dân. Thời Chiến quốc, Xuân Thân Quân là
em trai Sở Trang Vương chỉ vì nghe lời nói dối của tì thiếp tên là Dự mà bỏ vợ
cả, giết chết con trai. Thời Tam quốc, Lã Bố và Đổng Trác nghe Điêu Thuyền mà
cha con nghi kỵ giết nhau. Lưu Thiện nghe hoạn quan Hoàng Hạo mà nước Thục rơi
vào tay Ngụy. Cuối Nam Tống, Tần Cối là tể tướng, để dân trong nước lầm than,
giặc giã biên giới suốt ngày dòm ngó nhưng vẫn lừa vua đất nước thái bình, dân
đen sung túc. Hậu quả, Nam Tống bại vong bởi giặc Kim và mất nước vì giặc
Nguyên… Xem ra, cái sự nói dối từ xửa xưa đã là một thảm họa, dẫn đến tồn vong
của dân tộc.
Ấy là chuyện thời xưa, Tàu cũng thế
mà ta cũng vậy. Còn giờ thì sao, tại thời điểm này thì sao? Thì nói dối như
ranh, thành tệ nạn. Ở nhà con cái nói dối bố mẹ lấy tiền bỏ học chơi điện tử,
mua sắm tiêu vặt, ăn hút lêu lổng. Ra ngoài xã hội, bạn bè nói dối nhau để
giương vây dựng cánh, để được bốc thơm, ngụy quân tử. Cơ quan nói dối nhau để khoe
thành tích, khoe tài, thăng quan tiến chức, ăn cắp, tham ô, tranh quyền nhặt
lợi, làm đảo lộn luân thường, nhân tâm bại hoại… Thời nay, chỉ cần chịu khó đi,
chịu khó nghe, chịu khó đọc một chút là ngày ngày chứng kiến chuyện nói dối như thần. Nào là vụ
bịp bợm bằng cấp ở ngành giáo dục chưa giải quyết xong đã bộc ngay vụ nói dối
bê bối ở tổng công ty Vinashin gây xôn xao dư luận. Rồi vụ nói dối trong giải
tỏa đền bù đất ở Hưng Yên làm cho hàng trăm hộ dân điêu đứng, đến vụ án giải
tỏa, phá nhà của dân ở Đồ Sơn đích thân ông thủ tướng phải ra tay chỉ đạo…
Chuyện tày đình ở PMU18, tù nhân chưa mãn hạn đã nối tiếp tham nhũng ở đại lộ
Đông- Tây cũng do dối trá mà ra. Ấy là chưa kể chuyện cơm bữa “làm thì láo báo
cáo thì hay” trên các diễn đàn hội nghị; chuyện nói hay nhưng làm dở ẹt nhan nhản mọi nơi, mọi chỗ trong các cơ quan
công quyền…
Các bậc minh quân đời xưa vì biết
không thể nào diệt hết được bọn sàm nịnh (dối trá nịnh bợ), nên đặt ra một chức
quan gọi là Trãi Quan. Trãi Quan trên đầu đội mũ hình con trãi, cứ thấy kẻ nào
sàm tấu, sàm nịnh thì húc đến chết không tha, vì vậy mà hạn chế được bọn dối
trá, sàm nịnh.
Ngày nay, xã hội phát triển, bọn dối
trá không vụng về thô thiển mà mưu ma
chước quỉ, tinh vi hiểm ác đè đầu cỡi cổ dân thường. Ngẫm đi ngẫm lại, giá mà
có bậc minh quân, giá mà có bộ luật xử phạt triệt tiêu bọn nói dối, thì nước
Việt phúc lớn. Thời này là thời của chữ Tín, của văn minh. Văn minh luôn đối
lập với mông muội dối trá. Nếu nói dối không có thể chế hình phạt thì thành đại
họa. Nói dối - Nói như rối, dẫn đến rối loạn chứ đùa sao?
Trích từ sách Nói thật Nói dối của Trần Anh Thái.
Nxb Hội Nhà văn, H. 2012.
Trích từ sách Nói thật Nói dối của Trần Anh Thái.
Nxb Hội Nhà văn, H. 2012.
Giá như mọi người đều có tín ngưỡng thì cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao .Ví như Đạo Phật chủ trương trừ diệt tham ,sân ,si và khuyên con người giữ được thập thiện ,hoặc chí ít cũng là không phạm vào 5 giới, trong đó không phạm nói dối.
Trả lờiXóaBao giờ con người mới hết vô minh,mê mờ ,chỉ biết lao vào danh lợi như con thiêu thân lao vào lửa ,bất chấp đạo lý,để nhận quả báo và chuốc lấy những khổ đau?
Nói dối là một tội ác lớn của con người-nhất là người lãnh đạo các vị ạ!
Trả lờiXóaTất cả cũng chỉ vì THAM-nếu không có loại cán bộ có chức,có quyền THAM thì không thể nào những kẻ cấp dưới dám nói dối trá được.Thượng bất chính hạ tắc loạn.
Trả lờiXóaThời thật giả khó phân , lắm kẻ lừa đảo . Chốn quan trường thì lắm kẻ chỉ thích báo cáo anh, báo cáo thủ trưởng . Vào luồn ra cúi . Người khôn thì thủ khẩu như bình , uốn lưỡi bảy lần mới nói . Kẻ đáng sợ bề ngoài thơn thớt nói cười mà trong nhâm hiểm giết người không dao !
Trả lờiXóaTôi thấy đề tài này bác Trần Anh Thái viết... khơi khơi vậy, chứ mà quan trọng lắm. Đồng ý với bác Thái: "Thời này là thời của chữ Tín, của văn minh. Văn minh luôn đối lập với mông muội dối trá".
Trả lờiXóaMuốn gầy dựng một thế hệ biết nói thật và dám nói thật, đầu tiên thế nào ta cũng phải nghĩ đến giáo dục. Mà muốn dạy con em ta điều đó, tôi thấy điều quan trọng hàng đầu là phải cho phép chúng, khuyến khích chúng và nhất là tôn trọng chúng để chúng dám sống thật, dám bày tỏ thật những gì chúng nghĩ. Liệu chúng ta có dám đón nhận - vô điều kiện - khi một đứa trẻ hay một người trẻ bày tỏ điều nó đang thực sự suy nghĩ không?
Mới đây, một em nữ sinh lớp 8 gởi cái "tuyên ngôn" gì đó lên Facebook và bị Ban Giám hiệu đuổi học 1 năm. Cái hình phạt phản sư phạm này gây "sốc" đến nỗi đài RFI cũng phải đưa tin:
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130108-viet-nam-mot-nu-sinh-bi-duoi-hoc-do-sua-loi-cua-ho-chi-minh
Sự kết tội vô lý của BGH ngôi trường ở Quảng Nam này, ngoài việc nói lên rằng nhiều nhà giáo của chúng ta chẳng có chút hiểu biết gì về tâm lý sư phạm, còn chứng minh một điều - đáng tiếc thay không phải hiếm hoi - rằng nhiều người trong chúng ta không dám khuyến khích trẻ em sống thật những gì chúng đang LÀ, nói thật những gì chúng đang nghĩ, bày tỏ thật những tình cảm trong lòng chúng.
Ở bình diện xã hội cũng vậy. Muốn xây dựng một xã hội văn minh, phải dám chấp nhận cho mọi người được bày tỏ thật những gì người ta đang nghĩ, đang "cảm". Nói cách khác, phải dám chấp nhận tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Một người có thể có lúc có những suy nghĩ hoặc cảm nhận sai lầm, lệch lạc. Thế nhưng, chỉ khi xã hội cho phép người đó được tự do kinh nghiệm và kiểm chứng mọi góc cạnh của ý kiến của mình, thì người đó mới có cơ may thay đổi và tiến bộ.