Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

NGUYỄN SĨ DŨNG: SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP, HÃY HỌC NGAY Ở HIẾN PHÁP NĂM 1946

Học ở Hiến pháp năm 1946

Nguyễn Sĩ Dũng

21/09/2011 09:03
Để nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, về kỹ thuật lập hiến, về tư tưởng Nhà nước pháp quyền, có lẽ, chúng ta không cần phải học hỏi ở đâu xa, mà học ngay ở Hiến pháp năm 1946.  
Hiến pháp 1946 là một bản hiến văn hết sức ngắn gọn, súc tích. Toàn bộ bản hiến văn chỉ gồm 70 điều. Sự ngắn gọn này đạt được là nhờ vào việc Hiến pháp chỉ tập trung quy định những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hiến pháp, mà cụ thể là các quyền tự do, dân chủ; các nguyên tắc và cách thức tổ chức các cơ quan quyền lực Nhà nước. Đây thực sự là một bản kế ước xã hội về việc phân chia quyền: quyền của các công dân và quyền của Nhà nước; quyền giữa các cơ quan Nhà nước với nhau.
Nếu Nhà nước pháp quyền là Nhà nước được tổ chức trên những nguyên tắc và thủ tục sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ, thì Hiến pháp 1946 đã phản ánh đúng tinh thần đó.
Trước hết, để lạm quyền không thể xảy ra thì Hiến pháp đã được đặt cao hơn Nhà nước. Về mặt thủ tục, điều này có thể đạt được bằng hai cách: 1. Hiến pháp phải do Quốc hội lập hiến thông qua; 2. hoặc Hiến pháp phải do toàn dân thông qua. Hiến pháp 1946 đã thực sự do một Quốc hội lập hiến thông qua. Theo quy định của Hiến pháp 1946, nước ta không có Quốc hội mà chỉ có Nghị viện nhân dân với nhiệm kỳ 3 năm. Như vậy, đáng ra nếu không có chiến tranh, sau khi thông qua Hiến pháp, Quốc hội sẽ tự giải tán để tổ chức bầu Nghị viện nhân dân. Nghị viện nhân dân không thể tự mình sửa đổi hiến pháp. Mọi sự sửa đổi, bổ sung đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70).

Hai là, các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm. Ví dụ, Điều 10 quy định: “Công dân Việt Nam có quyền: - Tự do ngôn luận; - Tự do xuất bản; - Tự do tổ chức và hội họp; - Tự do tín ngưỡng; -Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”; Điều 12 quy định: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”. Như chúng ta thấy, Hiến pháp không đặt vấn đề Nhà nước bảo đảm các quyền đó, mà ghi nhận các quyền đó như những quyền đương nhiên (do tạo hóa ban cho).
Ba là, việc phân cấp, phân quyền được thực hiện khá mạch lạc, và nhiều cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau đã được thiết kế. Ví dụ, quyền “kiểm soát và phê bình Chính phủ” của Ban thường vụ Nghị viện (Điều 36); quyền của “nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện” (Điều 40); Thủ tướng có quyền nêu vấn đề tín nhiệm để Nghị viện biểu quyết (Điều 54)...
Việc phân cấp, phân quyền giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương cũng rất rõ. Ví dụ, Nghị viện nhân dân chỉ quyết định những vấn đề “chung cho toàn quốc” (Điều 23). Hội đồng nhân dân được quyền quyết định “những vấn đề thuộc địa phương mình” (Điều 59).
Cuối cùng, vai trò độc lập xét xử của tòa án được bảo đảm. Điều này đạt được nhờ hai cách: Một là, các tòa được thiết kế không theo cấp hành chính mà theo cấp xét xử (Điều 63); Hai là, xác lập quy phạm ở tầm hiến định là khi xét xử, thẩm phán “chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp” (Điều 69).
Hiến pháp năm 1946 là di sản to lớn về tư tưởng và văn hóa lập hiến của dân tộc. Di sản này sẽ mãi soi sáng trí óc và con tim của chúng ta trong quá trình phấn đấu xây dựng Nhà nước pháp quyền và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

11 nhận xét :

  1. Cảm ơn bác Dũng đã chỉ rõ ưu điểm của HP năm 1946 nhưng e rằng đảng sẽ cho là không ổn vì như vậy vai trò quyền lực của đảng sẽ bị suy giảm chứ không còn tối thượng như hiện tại

    Trả lờiXóa
  2. Thưa bác Nặc danh 21:56 Ngày 03 tháng 1 năm 2013! Thì chính vì vai trò quyền lực của đảng mà Hiến pháp 1946 mới bị sửa đổi mà

    Trả lờiXóa
  3. Thưa các bác! Em chỉ mới đọc lời nói đầu của bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi thôi mà đã nhận thấy bản Hiến pháp này toàn thể hiện ý chí của ĐCS thôi chứ có phải là ý chí của nhân dân đâu. Vậy là nản, không muốn tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi nữa. Theo em thấy, nếu có sửa đổi thì phải thay đổi toàn bộ, bắt đầu ngay từ lời nói đầu.

    Trả lờiXóa
  4. Càng khủng hoảng lý tưởng,lý luận, càng liều mạng mà... làm đại, làm càn.

    Liệu những phân tích rành rẽ của Tiến sĩ Dũng có góp được gì cho sửa đổi HP lần này?

    Tôi nghĩ là KHÔNG.

    Bởi nếu CÓ thì hết chuyện gì để DÂN PHẢI NÓI.

    Trả lờiXóa
  5. Một người căm thù giặc Tàu tận xương tủy anh ta đã nhiều lần xuống đường phản đối chúng gây hấn trên biển Việt Namlúc 03:25 4 tháng 1, 2013

    CÁC BẠN CỨ NGHĨ HIẾN PHÁP 1946 LÀ THỨC SỰ DÂN CHỦ. XIN HÃY ĐỌC BÀI SAU:

    NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM NGHIÊM TRỌNG CỦA HIẾN PHÁP NĂM 1946

    http://www.procontra.asia/?p=743

    Trả lờiXóa
  6. Nhưng cũng chính vì nguyên nhân đó mà đất nước,dân tộc ta ngày càng lạc hậu so với các nước trong khu vực và ngày càng bị lệ thuộc vào Trung Quóc,nên đảng cũng cần thấy rõ điều này và nên chấp nhân trả lại quyền lực đó cho dân cho nước như HP 1946 bác ND 22:14 ạ.Nếu đảng làm được điều này thì nhân dân càng ca ngợi đảng hơn việc đảng lãnh đạo nhân dân"đánh thắng hai đế quốc to"là Pháp và Mỹ.Bởi vì hai nước Pháp và Mỹ sớm hay muộn cũng đều thất bại do quy luật lịch sử họ đều là kẻ xâm lược phải không Bác?

    Trả lờiXóa
  7. Ông Phan trung Lý nói" không có vùng cấm" , nhưng ông TBT lại ký thông báo 6 điểm , trong đó "Bộ CA và QP phải kiên quyết ngăn chặn lợi dung dân chủ..." . Bên này mời gọi , bên kia đe dọa. Thế thì việc sửa HP chẳng thay đổi có lợi cho dân , cho XH được.

    Trả lờiXóa
  8. Tôi hoàn toàn đồng tình với ông Nguyễn Sĩ Dung. Ta chỉ cần lấy bản Hiến pháp 1946, giữ lại những ưu điểm của nó và chỉnh sửa lại những nhược điểm cho phù hợp với ý chí của đại đa số người Dân, không cần phải để cả một tập thể Ban soạn thảo làm việc tốn bao công sức của họ và tiền thuế của Dân, nhưng lại vẫn không đáp ứng được nguyện vọng của Dân.
    Nếu đảng và nhà nước thực sự muốn VN có dân chủ thì hãy nghiêm túc lắng nghe ý kiến của Dân một cách khách quan và thực thi một cách minh bạch. Còn "kỹ sảo" làm vừa lòng dân như từ trước đến nay đã biết rồi...

    Trả lờiXóa
  9. Ông Phan Trung Lý nói"không có vùng cấm"vì ông Lý là người đại diện của Dân,còn ông Trọng lệnh cho"Bộ CA và QP phải kiên quyết ngăn chặn lợi dụng dân chủ" vì ông Trọng là người đại diện của đảng.Thế mới thấy ý chí không thống nhất thì việc sửa hay không sửa rồi cũng chẳng đi đến đâu,bày ra chỉ làm thêm tốn kém

    Trả lờiXóa
  10. Lọ mọ bên tuanvietnam.vietnamnet.vn có bài thơ này lạ lạ, thân gởi bác Diện:

    http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-12-06-ai-cam-quyen-ai-la-dan

    Trả lờiXóa
  11. HP 1946 do những luật gia đã được học luật ở Pháp và Âu châu soạn . Trong số đó có rất ít đảng viên CS, vì lúc đó đảng viên có trình độ đại học luật là rất ít . Tiếp thu Luật từ các nước văn minh như Pháp, các nhà soạn bản HP đầu tiên cho nước VNDCCH rất tiến bộ .

    Trả lờiXóa