Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

LS. NGUYỄN VIỆT HÙNG LÊN TIẾNG VỀ KẾT LUẬN ĐIỀU TRA CỦA CA HẢI PHÒNG

Kết luận điều tra vụ Tiên Lãng chưa chặt chẽ 

 

Trong kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT CA TP Hải Phòng không thấy một dòng nhắc đến quá trình, công lao anh em ông Đoàn Văn Vươn đắp đất lấn biển trong hàng chục năm trời mới có được những khu đầm nuôi trồng thủy sản như ngày nay.


Như báo PL & XH đã phản ánh, ngày 28-12-2012, Cơ quan CSĐT CA TP Hải Phòng đã kết luận điều tra vụ án anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý dùng súng bắn đạn hoa cải bắn vào lực lượng cưỡng chế trái luật ngày 5-1-2012 khiến 7 cán bộ chiến sĩ CA, bộ đội huyện Tiên Lãng bị trọng thương. Tuy nhiên, kết luận điều tra vụ án vẫn tồn tại quá nhiều sạn.
 
Nhiều yếu tố định khung hình phạt bị bỏ qua

Theo kết luận điều tra vụ án, từ tháng 12-2012 đến ngày 4-1-2011, do không chấp hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất của huyện Tiên Lãng, ông Đoàn Văn Vươn đã tập hợp các anh em là các ông Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Thoại để bàn bạc, thống nhất lên kế hoạch chuẩn bị, thực hiện việc chống đối lại lực lượng cưỡng chế…. Cũng theo kết luận điều tra, bà Phạm Thị Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý trực tiếp tham gia làm hàng rào, trực tiếp đi mua 20 lít xăng, mua ba chiếc mũ len cho các ông Quý, Thoại và Thái (em vợ ông Đoàn Văn Quý) để thực hiện hành vi chống đối lại lực lượng cưỡng chế.

Ngoài ra, kết luận điều tra nhận định, tất cả mọi người trong nhà ông Đoàn Văn Vươn (trong đó có cả bà Thương, vợ ông Vươn; bà Hiền, vợ ông Quý – PV) đều làm theo chỉ đạo của ông Vươn.

Như vậy đã rõ, nếu “chiểu” theo kết luận điều tra của CA TP Hải Phòng, đối chiếu với các quy định về các yếu tố cấu thành tội phạm của Bộ luật Hình sự, bà Phạm Thị Hiền phải được xác định có hành vi đồng phạm giúp sức cho ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, phải chịu trách nhiệm hình sự về cùng tội danh với vai trò đồng phạm, giúp sức. Tuy nhiên, mặc dù xác định bà Hiền có nhiều hành vi “giúp” cho anh em ông Đoàn Văn Vươn chuẩn bị phạm tội nhưng bà Hiền lại chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, cùng nhóm tội danh với ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý.

Theo kết luận điều tra vụ án, ông Vươn đã có hành vi tổ chức bàn bạc, lên kế hoạch chống đối lực lượng cưỡng chế. Như vậy đã rõ, với hành vi này, các ông Vươn, Quý “chí ít” cũng phải bị xem xét ở một tình tiết tăng nặng, định khung hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự là phạm tội có tổ chức. Ngoài ra, hậu quả vụ nổ súng đã khiến 7 cán bộ, chiến sĩ CA, bộ đội huyện Tiên Lãng bị trọng thương, người nặng nhất bị thiệt hại lên đến 43% sức lao động. Hậu quả vụ án giết người có thêm một tình tiết tăng nặng nữa là làm bị thương nhiều người.

Trong kết luận điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT CA TP Hải Phòng cũng đã xác định anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý dùng hai khẩu súng bắn đạn hoa cải đều có thể gây sát thương (chết hoặc bị thương) là hung khí theo quy định của Bộ luật Hình sự phải được xác định là phương pháp có khả năng làm chết nhiều người.


Tuy nhiên, trong bản kết luận điều tra của mình, Cơ quan CSĐT xác định anh em ông Đoàn Văn Vươn chỉ vi phạm vào điểm d khoản 1, Điều 93 quy định về tội giết người có tình tiết định khung là giết người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Những yếu tố định khung hình phạt như phạm tội có tổ chức, bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người, giết nhiều người đã được bỏ qua.

LS Nguyễn Việt Hùng cho rằng kết luận điều tra vụ án có một số điểm thiếu khách quan. 

Có hay không yêu cầu đòi bồi thường về vật chất?

Cũng trong kết luận điều tra vụ án, đối với phần dân sự trong vụ án hình sự, Cơ quan CSĐT cho biết 7 nạn nhân là các ông Lê Văn Mải (trưởng CA huyện Tiên Lãng), cùng cấp dưới và 2 cán bộ Ban chỉ huy quân sự huyện không yêu cầu bồi thường về chi phí thuốc, tiền viện phí. Các nạn nhân chỉ đòi bồi thường tổn thất về tinh thần.


Mặc dù kết luận điều tra ghi nhận như thế nhưng ngay sau đó, bản kết luận điều tra lại “ghi nhận” một quân nhân đề nghị bồi thường dân sự số tiền thuốc mà nạn nhân này đã chi trả..


Liên quan đến việc bồi thường dân sự, cơ quan CSĐT “chấp thuận” yêu cầu của CA huyện Tiên Lãng, Ban chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng đòi anh em ông Vươn, ông Quý… phải bồi thường gần 60 triệu đồng, là các thiệt hại về thương tích của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền được “lượng” hóa bằng tiền.

Luật sư Nguyễn Việt Hùng, luật sư Phạm Xuân Nga thuộc Văn phòng luật sư Kinh Đô – Đoàn luật sư TP Hà Nội, người bảo vệ quyền lợi cho các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý trăn trở, các nạn nhân đã không đòi bồi thường thiệt hại về vật chất thì các cơ quan chủ quản có quyền đòi thay cho người của cơ quan tổ chức mình quản lý hay không cần phải xem xét. Tuy nhiên, khi đưa ra yêu cầu bồi thường này, Cơ quan CSĐT vẫn chưa xác định CA huyện Tiên Lãng, Ban chỉ huy quân sự huyện tham gia vào quá trình tố tụng với vai trò là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hay là bị hại trong vụ án. Trong kết luận điều tra của CA TP Hải Phòng cũng không đặt ra vấn đề này.

Theo lập luận của Cơ quan CSĐT CA TP Hải Phòng, các quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn đã có tính pháp lý. Các cán bộ CA, Ban chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng được trưng dụng, có kế hoạch phân công giao việc… Do vậy, những người tham gia thực hiện cưỡng chế là những người thi hành công vụ.

Lập luận của Cơ quan CSĐT có được các cơ quan tố tụng khác như VKS, TAND chấp thuận hay không còn là việc khác. Biết rằng, ngày 10-2-2012, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận vụ cưỡng chế là trái luật. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của huyện Tiên Lãng liên quan đến việc thu hồi đất đã được Chánh án TAND Tối cao kháng nghị, bản án có hiệu lực pháp luật đã bị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tuyên hủy. Như vậy, yếu tố công vụ của các nạn nhân trong vụ việc cần được các cơ quan công tố, cơ quan xét xử cân nhắc.

Cũng xin được nhắc thêm, khi kết luận vụ việc cưỡng chế thu hồi đất trái luật, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho anh em ông Vươn, ông Quý. Trong kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT CA TP Hải Phòng không thấy một dòng nhắc đến quá trình, công lao anh em ông Đoàn Văn Vươn đắp đất lấn biển trong hàng chục năm trời mới có được những khu đầm nuôi trồng thủy sản như ngày nay.

Luật sư Nguyễn Việt Hùng cho hay, kết luận điều tra vụ án của Cơ quan CSĐT CA TP Hải Phòng cũng không đề cập đến nguyên nhân anh em ông Vươn nổ súng tấn công vào lực lượng cưỡng chế trái luật có dấu hiện bị kích động mạnh về tinh thần do hành vi trái pháp luật là các quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế của nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền; bản án trái pháp luật và các thỏa thuận ngoài luật của TAND huyện Tiên Lãng, TAND TP Hải Phòng. Luật sư Hùng kiến nghị, cơ quan công tố cần chuyển tội danh cho anh em ông Vươn, ông Quý từ tội Giết người sang tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với tình tiết giảm nhẹ được xác định là hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong vụ án này như quy định tại Điều 95 Bộ luật Hình sự.



11 nhận xét :

  1. Theo tôi, nếu khách quan, sòng phẳng, thì không thể ép tội anh em ông Vươn, Quí với tội danh Giết người được. Bởi lẽ thứ nhất, những người thực hiện cưỡng chế đã thực thi một "công vụ" trái pháp luật (một số cán bộ huyện đã và đang bị truy tố).
    Thứ hai, theo kết luật điều tra, thì ngay từ đầu anh em nhà ông Vươn không hề có ý định giết người, mà họ tập hợp anh em là để bàn bạc, lên kế hoạch chống việc cưỡng chế.
    Thứ ba, Điều 18 Bộ luật Hình sự qui định: "Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
    Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt".

    Theo phân tích của ông Đinh Văn Quế (nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao, thì trong trường hợp cụ thể này, anh em nhà họ Đoàn chỉ có ý định “chống đối” việc cưỡng chế bằng các thủ đoạn, phương pháp có khả năng làm chết người, muốn ra sao thì ra, miễn thực hiện được mục đích là ngăn cản, chống lại lực lượng cưỡng chế thì họ chỉ phạm tội với hình thức lỗi cố ý gián tiếp (cố ý không xác định). Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử từ trước đến nay đều khẳng định phạm tội với hình thức lỗi cố ý gián tiếp thì “hậu quả đến đâu xử đến đó”. Nếu hậu quả chết người thì xử tội giết người, hậu quả gây thương tích thì xử gây thương tích...
    Rõ ràng, qua diễn biến vụ việc và kết luật điều tra, thì anh em họ Đoàn không hề bàn bạc và càng không hề có ý định giết ai. Vì thế, chỉ khi nào các cơ quan công quyền, trực tiếp là các cơ quan tiến hành tố tụng Hải Phòng, muốn trả thù gia đình nhà họ Đoàn mới cố ý gép họ vào Tội giết người mà thôi.
    Hiện nay, Nhà nước đang kêu gọi người Dân góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, thiết nghĩ, trước hết, những người có trách nhiệm trong cơ quan hành pháp cấp trung ương hãy lên tiếng bảo vệ Công lý cho vụ án Đoàn Văn Vươn. Bằng không, cho dù có sửa đổi Hiến pháp, pháp luật hợp lòng Dân thế nào đi nữa mà các điều ấy vẫn bị các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và các cơ quan tiến hành tố tụng Hải Phòng nói riêng trà đạp lên thì phỏng ích gì???

    Trả lờiXóa
  2. Khi một quyết định của chính quyền được kết luận là sai luật, thì những người được điều động để thực hiện quyết định ấy "KHÔNG ĐƯỢC GỌI LÀ THI HÀNH CÔNG VỤ". Vì thế lực lượng CA+QĐ tham gia một quyết định cưỡng chế sai luật phải được xem là tòng phạm. Người chống lại quyết định sai luật ĐƯỢC XEM LÀ HÀNH ĐỘNG TỰ VỆ BẢO VỆ CÔNG LÝ. Vì thế người đứng đầu các UBND phải là người nắm vững luật pháp và chịu trách nhiệm trước luật pháp về sự chỉ đạo của mình. Cái khó của người làm lãnh đạo cao nhất của một địa phương là ở chỗ đó, cũng là cái lo, cái thận trọng, cái mà suốt đời phải học hỏi, phải biết lắng nghe tư vấn...của người làm quan. Ngày xưa người được bổ ra làm quan có phải ai cũng giám nhận đâu, hoặc nhận một vài năm thấy sức không thể kham nổi phải tự nguyện cáo quan mà về tránh cái họa do kém cỏi gây ra. Nhiều ông quan cáo để được về nghỉ với lý do "phúc mỏng không kham được việc lớn". Ngày nay, cán bộ ta được "thăng quan" sướng như vớ được vàng chẳng ai nghĩ rằng cũng như sợ rằng bản thân không đảm trách được nhiệm vụ mà mắc vào lao lý! Thật thương cho các ông quan này xưa!!!!

    Trả lờiXóa
  3. Khi cuộc cưỡng chế tại Tiêng lãng (Hải Phòng) là vi phạm pháp luật thì những người vi phạm pháp luật không thể đòi bồi thường. Quan trọng hơn,là người trực tiếp chỉ đạo "trận đánh đẹp" này - Đỗ Hữu Ca (GĐ CAHP) không thể vô can.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như vậy ! Người ra Quyết Định sai luật và người ủng hộ, thực hiện theo cái "quyết định sai luật" ấy thì KHÔNG THỂ XEM LÀ NGƯỜI LÀM VIỆC CHÍNH NGHĨA được, và phải xem họ là những người vi phạm pháp luật. Đã vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm của hình phạt pháp luật. Tôi giả sử trong các đ/c công an hay bộ đội tham gia cưỡng chế hôm đó bị thương,mà chẳng may hy sinh, thì gia đình có dám nhận là liệt sĩ không ? Nếu dám nhận thì chiến công của người liệt sĩ ấy là gì đây, hay là đã có công tham gia cưỡng chế sai luật, hay làm nhiệm vu không đúng pháp luật !!!

      Xóa
  4. Vụ cố tình cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn không phải là vụ điển hình"Độc nhất vô nhị".Trong cả nước những vụ cưỡng chế như vậy không phải là hiếm,chỉ khác là các chủ đất bị o ép,sợ sệt nên cam chịu không dám chống trả quyết liệt như gia đình ông Vươn nên dư luận ít biết đến.Những kiểu cưỡng chế đất mượn danh vì lợi ích chung của xã hội,nhưng thực chất là vì mục đích lợi ích cá nhân ẩn chứa bên trong là rất nhiều.Muốn vạch mặt bọn"lợi ích nhóm"thì không cần tìm đâu cho tốn sức,nó hiển hiện ngay trong vụ cưỡng chế đất trái luật này.Mong rằng các luật sư vì dân,vì sự công bằng của xã hội,hãy chung tay,góp sức làm cho rõ trắng đen vụ án này,hãy bảo vệ quyền lợi cho những người dân hiền lành,chất phác,nhưng yếu thế,nên bị những thế lực của những ông quan tham chèn ép,bóc lột.Nếu vụ này anh em ông Vươn bị đẩy đến tột cùng của con đường không lối thoát,thì đây xẽ là một tiền lệ u tối cho những người dân"thấp cổ,bé họng".
    Chấn Phong.

    Trả lờiXóa
  5. Cần phải khởi tố hình sự đại tá Đỗ Hữu Ca,kẻ đã trực tiếp chỉ huy lực lượng CS thực hiện vụ cưỡng chế"trái đạo lý và trái pháp luật"để từ đó dẫn tới hậu quả đáng tiếc cho các nạn nhân là gia đình anh em Vươn Quý cùng các chiến sĩ CA.

    Trả lờiXóa
  6. Sau một năm điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị Viện kiểm sát truy tố Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm heo điểm d, khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự: Tội giết người thi hành công vụ.
    Đã có nhiều bài báo lên tiếng về cái gọi là “công vụ” trong cuộc cưỡng chế ở Tiên Lãng. Cái gọi là “công vụ” ấy là một vết nhơ khó tẩy xóa mà Lê Văn Hiền đã bôi lên chính quyền huyện Tiên Lãng và thành phố hải Phòng, làm xấu mặt những người chiến sỹ công an và bộ đội địa phương. Cái gọi là “công vụ” ấy là điển hình của sự lộng quyền, nhẽ ra phải bị xét xử trước pháp luật.
    Về sự việc đã sảy ra ở hiện trường vụ án có những điều cần lưu ý:
    Cái mà cơ quan điều tra gọi là “quả mìn” không còn tang vật, không được giám định có đúng là mìn không? Loại thuốc nổ gì? Mức độ sát thương ra sao?
    Hai khẩu súng hoa cải tịch thu được liệu có đúng là hai khẩu súng đã bắn vào lực lượng cưỡng chế không? Súng hoa cải loại gì? Có tầm sát thương thế nào? Cỡ nòng bao nhiêu? Loại đạn có chì hay chỉ là diêm sinh? Thế mà quy tội giết người, đã chết ai chưa?
    Những chi tiết đơn giản nhất của một vụ án chưa được làm rõ.
    Một chi tiết hé lộ trong kết luận điều tra, là anh em Vươn kích nổ “quả mìn” khi lực lượng cưỡng chế còn cách 40 mét, không làm ai bị thương.
    Tình tiết ấy đã chứng tỏ Đoàn Văn Vươn không có ý định giết người, mà họ chỉ dọa thôi. Nếu có ý định giết người thì họ chờ cho đối phương đến thật gần mới điểm hỏa, không điểm hỏa khi mục tiêu còn xa lắc xa lơ như thế.
    Lẽ ra khi người dân đã có biểu hiện liều lĩnh như vậy, người chỉ huy phải dừng ngay cuộc cưỡng chế lại, đề thuyết phuc. Một giờ không xong thì nhiều giờ. Một ngày không chuyển thí nhiều ngày. Đây là một vụ cưỡng chế hành chính, đâu phải vây bắt một vụ án ma túy , một tổ chức tội phạm nguy hiểm? Cái đầm tôm không có cánh mà bay. Anh em nhà Đoàn Văn Vươn có nhân thân tốt.
    Vậy mà một đại tá giám đốc công an thành phố, một bí thư, một chủ tịch huyện có mặt tại đó không đủ sáng suốt,vẫn nhắm mắt làm càn, bắt công an, bộ đội tràn lên, ép người dân cùng đường nổ súng?
    Ra quyết định thu hồi đất trái pháp luật , cưỡng chế trái pháp luật, dùng quân đội vào cưỡng chế càng trái pháp luật, chỗ đất bị cưỡng chế không vào lại xông vào chỗ không được cưỡng chế. Cái sai quấy rành rành ra đó khộng xử, lại xử người giữ đất bị chiếm?
    Thế là cái kết cục ấy đã đến!
    Tôi không hy vọng Viện kiểm sát sẽ trả hồ sơ về cho cảnh sát điều tra lại, bời suy cho cùng viện kiểm sát cũng như công an chỉ là công cụ. Muốn có thay đổi thì người xử dụng công cụ đó phải thức tỉnh lương tâm. Đấy là điều cực khó vì lương tâm mà thức tỉnh thì cái ghế đi đời! Cái ghế bợ lương tâm, không phải lương tâm bợ cái ghế!
    Hãy nghe tiếng kêu tuyệt vọng của Nguyễn Văn Khanh nguyên phó chủ tịch huyên Tiên Lãng: “Kính mong các bác, các đồng chí! Với tinh thần trách nhiệm và tình cảm của người lãnh đạo , người cha , người anh, người đồng chí với tôi và các cán bộ khác có liên quan đến vụ cưỡng chế tai Tiên Lãng, hãy kêu gọi thuyết phục những cán bộ đó thức lương tâm!”
    Lương tâm thối nát rồi còn thức với tỉnh gì!

    Trả lờiXóa
  7. Gần một thế kỷ trước thực dân Pháp đô hộ nước ta, thi hành chính sách mà nhà thơ cách mạng Tố Hữu đã miêu tả: “Chim treo trên lửa cá nằm dưới dao”. Nhưng vụ án Đồng Nọc Nạn, và nhiều vụ án khác, cán công nghiêng về phía dân lành. Còn nay, thấy rõ nhiều cán bộ vi phạm phạm pháp luật đã trở lại làm việc hoặc bố trí chức danh khác, riêng thảo dân-tép tôm dân Đoàn Văn Vươn bị công an đề nghị Viện kiểm sát kết tội quá nặng. Cách làm của Hải Phòng đề nghị xét xử công dân Đoàn Văn Vươn tội giết người là sự cố tình trả thù dân nghèo một cách quá đáng. Và như thế có nghĩa là phát sinh thêm nghịch lý: "quan xử theo Lễ, dân xử nặng Hình / Công minh pháp luật bất bình vậy sao?". Hãy chờ xem phiên tòa xét xử Đoàn Văn Vươn cán cân công lý nghiêng về đâu?
    Đoàn Văn Vươn cố gắng vươn lên chiến thắng đói nghèo. Với anh cũng như đa số người dân nông thôn Việt Nam bây giờ không dám mơ “Thiên Đường” lầu son gác tía, một mảnh đất đủ nuôi sống gia đình như cái đầm tôm của anh là thiên đường rồi. Nhưng chút hạnh phúc nhỏ nhoi ấy cũng khó giữ anh Vươn nhỉ?
    Cầu mong gió mùa Xuân ấm áp mau quét sạch rét mướt và rác rưởi đi!

    Trả lờiXóa
  8. Bị dồn cùng đường, Đoàn Văn Vươn vùng lên, biến Cống Rộc thành một “Đồng Nọc Nạn”!
    Cuộc cưỡng chế diễn ra lúc 8 giờ 30 phút ngày 5-1-2012. Bí thư huyện ủy Bùi Thế Nghĩa, Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền, Giám đốc công an thành phố Đỗ Hữu Ca trực tiếp chỉ huy và chỉ đạo cuộc cưỡng chế. Hàng trăm cảnh sát, bộ đội, súng AK, B40, chó nghiệp vụ phương tiện hỗ trợ, dàn quân như một trận đánh giặc, một mất một còn!
    Ngàn năm sau sẽ còn trơ cái bia miệng mà đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc công an thành phố Hải Phòng khắc vào lòng dân ngày hôm đó: “Cuộc cưỡng chế như một trận đánh đẹp có thể viết thảnh sách dựng thành phim!”. Mỉa mai thay cho chữ “đánh đẹp”, khốn nạn thay cho một tâm hồn bệnh hoạn một kẻ cầm quyền! Ăn cơm dân, mặc áo dân, ngày nào cũng ra rả “vì nước quên thân vì dân phục vụ” mà coi đàn áp dân là “một trận đánh đẹp”!
    Đoàn Văn Vươn như con giun đã bị xéo mãi rồi, như dòng nước đã ứ đầy rồi. Con giun xéo mãi phải quằn, tức nước phải vỡ bờ. Điều đó đã sảy ra ở Tiên Lãng, “con giun” - Đoàn Văn Vươn!
    Không ai cổ vũ một hành động bạo lực, không ai đồng tình với việc Vươn mua 2 khẩu súng hoa cải, 1 cái kíp nổ, và bắn 4 bốn phát súng làm 6 người bị thương.
    Nhưng, nếu bị dồn vào cảnh bị mất trắng khu đầm tôm đã 20 năm thấm đẫm biết bao mồ hôi, máu và nước mắt mới tạo dựng được, trước sự áp đảo của lực lượng lớn cưỡng chế thu hồi, thì rất có thể nhiều người sẽ hành động như Đoàn Văn Vươn! Là một người lính, nếu như Vươn có ý định giết người thì không việc gì phải tự chế ra súng bắn đạn hoa cải để tỏ thái độ phản ưng và tự bảo vệ mình.

    Trả lờiXóa
  9. Khi máu tham ứ lên trong lòng các vị lãnh đạo, trực tiếp là đảng chính quyền, từ xã Vinh Quang đến huyện Tiên Lãng, tiêu biểu là Chủ tịch xã Lê Thanh Liêm cùng anh ruột là Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền và Bí thư Huyện ủy Bùi Thế Nghĩa.
    Hiền, Nghĩa, Liêm cùng đồng bọn ra quyết định thu hồi đất cùa anh em Đoàn Văn Vươn.
    Anh em Vươn có quyết định cho thuê đất từ 15-10-1993, thởi gian 20 năm. Lẽ ra đến 15-10-2013 mới hết hạn hợp đồng, nhưng Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền vẫn ký quyết định thu hổi đất. Bí thư huyện ủy Bùi Thế Nghĩa, và cấp trên nhất trí cao với Hiền. Họ đã có dự án xây dựng sân bay quốc tế Tiên Lãng, 40 hec ta đất của Đoàn Văn Vươn nằm trong cái sân bay tương lai ấy. Họ dự tính mỗi mét vuông đất nhà nước bồi thường hơn một triệu, và ra tay cướp trắng 40 héc ta đất của Vươn.
    Lòng tham khiến con mắt đui mù!
    Lòng tham biến con người thành dã thú!
    Lê Văn Hiền nhắm mắt ban hành quyết định thu hồi đất trái luật. Đoàn Văn Vươn và bà con xã Vinh Quang khởi kiện. Tòa án Tiên Lãng bênh chính quyền, xử thắng cho UBND huyện Tiên Lãng. Đoàn Văn Vươn và các hộ dân kháng cáo lên Tòa án nhân dân thành thành phố Hải Phòng. Đuối lý, UBND huyện Tiên Lãng đề nghị Tòa án thành phố Hải Phòng tổ chức hòa giải.
    Trong buổi hòa giải thành, Phạm Xuân Hòa, thay mặt Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng hứa với dân: “Rút đơn kháng cáo lại, huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất”. Tin lời hứa của chính quyền như tin cha mẹ, Đoàn Văn Vươn rút đơn kháng cáo.
    Nhưng ngay lập tức chính quyền trở mặt như một kẻ bất lương, coi như vụ án đã thành, ra quyết định cưỡng chế thi hành cái bản án Tòa án nhân dân huyện đã tuyên. Lừa dân như thế, dồn dân vào đường cùng như thế, có trời đất nào chứng giám!

    Trả lờiXóa
  10. Không ai bất ngờ cả. Ngay chị Hiền, vợ anh Qúy, một người phụ nữ thôn quê cũng xác định: “Tôi không bất ngờ trước kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Hải Phòng, vì chúng tôi xác định trước, nếu để công an thành phố Hải Phòng điều tra thì không mong có công tâm!”.
    Chị Hiền nói đúng. Làm gì có công tâm khi kẻ gây án, nạn nhân, và điều tra chì là một? Nói đúng hơn, một tổ chức thống nhất vô cùng chặt chẽ, nắm quyền lực trong tay? Còn nạn nhân thật sự bị dồn thành “thủ phạm” là một dân đen, thấp cổ bé họng?
    Quả thật đã có lúc lóe lên tia hy vọng, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị phải xem xét giảm nhẹ hành vi phạm tội của anh Đoàn Văn Vươn. Nhưng Thủ tướng nói rồi bỏ đó, như cơn gió lướt qua. Các cơ quan lãnh đạo đảng chính quyền thành phố Hải Phòng hình như chẳng thèm quan tâm, từ lâu họ quen xử sự theo cách riêng của đất cảng!

    Trả lờiXóa