Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

NGUYỄN SĨ DŨNG: HIẾN PHÁP LÀ MỘT BẢN KHẾ ƯỚC XÃ HỘI

Khế ước xã hội

04:50-03/01/2013
Nguyễn Sĩ Dũng *

Về mặt kỹ thuật, nói Hiến pháp là một khế ước xã hội, thì không có nghĩa là cả xã hội phải tham gia soạn thảo văn bản này. Việc soạn thảo Hiến pháp vẫn phải do giới tinh hoa của dân tộc đảm nhận.

Hiến pháp trước hết cần được nhìn nhận như một bản khế ước xã hội. Dưới đây là những lý do cơ bản vì sao.

Trước hết, nếu tất cả chúng ta đều sinh ra tự do, nhưng đều phải phối hợp hành động để tồn tại, thì những nguyên tắc, những khuôn khổ hành xử chung là bắt buộc phải có. Vấn đề là chúng ta bắt buộc phải có những nguyên tắc, những khuôn khổ chung này bằng cách nào. Cách thứ nhất là chúng ta tự thỏa thuận về chúng. Cách thứ hai là chúng ta bị áp đặt về chúng. Theo cách thứ nhất, chúng ta vẫn tiếp tục là những con người tự do. Theo cách thứ hai chúng ta không còn là những con người tự do nữa.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản với những nguyên tắc, những khuôn khổ hành xử chung nhất (kể cả những nguyên tắc, khuôn khổ hạn chế quyền tự do của cá nhân). Vì vậy, chúng ta chỉ có thể vẫn là những con người tự do nếu chúng ta được tự thỏa thuận về Hiến pháp.
.
Thứ hai, một bản Hiến pháp chỉ thực sự hiệu năng khi nó trở thành một thứ “kinh thánh” thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Muốn được như vậy thì nó không thể bị áp đặt. Bạn yêu tha thiết đứa con của mình nhiều khi không hẳn chỉ vì nó xinh đẹp, mà chủ yếu là vì nó do bạn sinh ra. Thế thì Hiến pháp cũng vậy. Bản Hiến văn phải là đứa con tinh thần của chúng ta, là sự kết tinh của trí tuệ, đạo đức và văn hóa tâm linh của tất cả những công dân sống trên đất nước Việt Nam. Chúng ta sản sinh ra Hiến pháp, thỏa thuận với nhau về các quy định của Hiến pháp, về các quyền và nghĩa vụ của mình, thì chúng ta tuân thủ và đấu tranh đến cùng để bảo vệ Hiến pháp. 
.
Ba là, chúng ta là gần 90 triệu người, 54 dân tộc, nhiều tôn giáo và thành phần xã hội khác nhau. Chúng ta rất chung, mà cũng rất riêng. Lợi ích của chúng ta cũng có nhiều điểm rất chung và có những điểm rất riêng. Chỉ một bản khế ước xã hội với sự tham gia xây dựng và thỏa thuận của tất cả mọi người và giữa tất cả mọi người, cái chung và cái riêng của tất cả chúng ta mới được cân nhắc đủ thận trọng, đủ cân bằng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới củng cố được khối đại đoàn kết của mình và có được sự phát triển bền vững, hài hòa. Không có Hiến pháp tốt một cách chung chung, chỉ có Hiến pháp tốt theo nghĩa được tuyệt đại đa số người Việt chúng ta chấp nhận.
.
Bốn là, với tư cách là một bản khế ước xã hội, Hiến pháp mới có thể tạo cho tất cả người Việt chúng ta một vị thế bình đẳng- bình đẳng với nhau và bình đẳng với Nhà nước. Tất cả chúng ta đều có những quyền và nghĩa vụ như nhau. Nhà nước được chúng ta phân chia quyền lực chỉ ở mức độ và trong phạm vi cần thiết để phụng sự cho công chúng. Nhà nước được chúng ta phân chia cho quyền lực và phải chịu trách nhiệm trước chúng ta, chứ không phải Nhà nước ban phát quyền cho chúng ta và chúng ta phải phục vụ Nhà nước. Đây cũng là lý do tại sao Hiến pháp thường quy định cụ thể hơn chế tài đối với các cơ quan Nhà nước hơn là các công dân.
.
Về mặt kỹ thuật, nói Hiến pháp là một khế ước xã hội, thì không có nghĩa là cả xã hội phải tham gia soạn thảo văn bản này. Việc soạn thảo Hiến pháp vẫn phải do giới tinh hoa của dân tộc đảm nhận. Vấn đề là những người này phải thể hiện bản hiến văn như một khế ước xã hội, và người dân phải được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến và phê chuẩn bản hiến văn đó.
.
Nguồn: Tia sáng
* TS Nguyễn Sĩ Dũng hiện là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

3 nhận xét :

  1. Khi nào bản khế ước xã hội này được đem ra trưng cầu dân ý với đa số được tự do trả lời " Đồng Ý ", thì bản khế ước đó mới có giá trị .

    Trả lờiXóa
  2. Bác Nguyễn Sĩ Dũng hiện là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội. Theo tôi, bốn nội dung trong bài viết ngắn gọn trên đây đều rất đúng.

    Nhưng điểm cuối cùng, "về mặt kỹ thuật", là điểm mà tôi nghĩ cần bàn bạc kỹ nhất thì bác Dũng lại viết quá ngắn, chưa tương xứng chút nào với thực tế phức tạp của một xã hội. Nói về bản chất của Hiến pháp thì còn dễ, làm sao thực hiện được "bản hiến văn" đó cho đúng với bản chất cao đẹp của nó mới là vấn đề. Ở cương vị của bác Nguyễn Sĩ Dũng, tôi nghĩ rằng bác có nhiệm vụ phải bàn về "mặt kỹ thuật" ấy một cách mạnh mẽ hơn, chi tiết hơn.

    Ngay mấy chữ "giới tinh hoa của dân tộc" là đã kẹt rồi. Thế nào là giới tinh hoa? Tiêu chuẩn nào và làm cách nào để toàn xã hội công nhận một số người là tinh hoa? Chẳng lẽ bản Hiến pháp phải dành hẳn ra một mục để định nghĩa về giới tinh hoa?

    Điều quan trọng nhất là làm thế nào để thực hiện câu cuối cùng trong bài của bác: "người dân phải được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến và phê chuẩn bản hiến văn đó"? Theo tôi thì bài của bác Nguyễn Quang A đã bàn luận kỹ hơn nhiều về điều quan trọng trên, rất đáng được Quốc Hội xem xét.

    Trả lờiXóa
  3. Hiến pháp là bản khế ước xã hội. Điều đó đã là hiển nhiên ở các nước văn minh. Thực ra các bộ luật và ngay cả các “quy định nội bộ” của các cơ quan, doanh nghiệp cũng là những khế ước xã hội ở phạm vi nhỏ hơn. Điều đó đối với thế giới văn minh đã rõ như ban ngày và ông Jean-Jacques Rousseau (Pháp) trình bày rất rõ ràng trong cuốn sách mang tên “Khế ước xã hội”. Cuốn sách ấy ra đời năm 1762, cách đây đúng 250 năm!
    Thế nhưng ở Việt Nam nó hãy còn quá mới, mới ngay cả với nhiều bậc “đại trí thức”. Trong các cuộc phiếm đàm, hễ có ai đề cao chữ “tự do”, “dân chủ” thì y như rằng sẽ có một bậc “trưởng lão”, “huynh phụ” phải bổ sung thêm cái đuôi: “nhưng không được tự do qua trớn, dân chủ quá trớn”. Đấy, họ hiểu tự do, dân chủ như cái gì đó vô luật lệ, vô chính phủ mà không thấy một điều quá ư đơn giản: chỉ khi có luật lệ thì mới có tự do, dân chủ thực sự. Nói một cách khác: tự do của người này không được xâm phạm tự do của người khác. Muốn thế thì các bên phải thoả thuận với nhau một loạt quy định chung. Ấy chính là khế ước xã hội, chính là luật pháp.
    Tôi có người đồng nghiệp cho con đi du học Mỹ, chỉ sau 3 năm sống ở Mỹ, về Việt Nam, cháu bỗng sợ đi ra đường. Vô cùng sợ. Đi ra đường ở VN là đầy rủi ro và bất trắc. Vì nó chẳng có luật lệ, hay đúng hơn luật lệ đã bị bóp méo theo ý của kẻ mạnh.
    Nhiều người bảo ở các thể chế độc tài, chỉ kẻ có quyền là có tự do, còn người dân không có tự do. Điều đó cũng không đúng. Kẻ có quyền tự do được với cấp dưới nhưng lại hoàn toàn khép nép trước cấp trên. Và ở những nước ấy, ông vua cũng không phải là tối thượng. Vì là “thiên tử” ở nước mình nhưng lại là bề tôi của nước lớn ngoại bang. Và do đứng ở quyền lực cao thì họ lại sợ những cái không đáng sợ. Một đoạn hề chèo cổ đã nói rõ điều ấy: trời sợ mây, mây sợ gió, gió sợ bờ tường, bờ tường sợ chuột cống, chuột cống sợ mèo già, mèo già sợ mẹ đĩ nhà hề, mẹ đĩ nhà nhà sợ hề, hề sợ quan, quan sợ vua, vua sợ trời, trời sợ mây, mây sợ gió,… Một chuỗi sợ đèn cù vô tận ở những chế độ chuyên chế. Chính vì thế mà Bảo Đại khi thoái vị đã nói một câu bất hủ trước dân chúng: “Trẫm thà làm công dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ”.

    Thế cho nên điều mà ông Nguyễn Sỹ Dũng nói dù chỉ là vỡ lòng về hiến pháp, có thể người phương Tây họ cười cho nhưng cũng đáng để khai trí cho dân Việt Nam lúc này.
    Cảm ơn ông Nguyễn Sỹ Dũng.

    Trả lờiXóa