Trần Văn Thọ
Trí
thức có thể đối lập với chủ trương của lãnh đạo nếu thấy chủ trương đó
đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước, hoặc thấy không khoa
học, không hợp với quy luật khách quan.
Thông
thường trí thức là người hiểu biết, có trình độ văn hóa cao, có kiến
thức chuyên môn, và không bị ràng buộc vào (hoặc có ý thức tránh xa)
những lợi ích phát sinh từ quan hệ với lãnh đạo chính trị. Trí thức có
thể đối lập với chủ trương của lãnh đạo nếu thấy chủ trương đó đi ngược
lại lợi ích của dân tộc, của đất nước, hoặc thấy không khoa học, không
hợp với quy luật khách quan. Nhưng cũng không hiếm những trường hợp lãnh
đạo và trí thức tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và trí thức giúp lãnh đạo
làm nên sự nghiệp cao cả, đưa đất nước vào thời đại xán lạn. Ngày xưa
không thiếu những trường hợp minh quân gặp hiền tài và cùng làm nên
nghiệp lớn. Lưu Bang gặp Trương Lương, Lê Lợi gặp Nguyễn Trãi là những
ví dụ.
Trong thời đại ngày
nay, xã hội phức tạp hơn, vai trò của trí thức và sự thể hiện vai trò đó
cũng đa dạng hơn. Lãnh đạo tìm đến trí thức có thể trực tiếp "tam cố
thảo lư" nhưng cũng có thể qua nhiều kênh gián tiếp. Chẳng hạn lãnh đạo
thường quan tâm đến trí thức, thường đọc sách, đọc báo thì có thể tìm
thấy những ý tưởng hay, những đề khởi về con đường phát triển để tham
khảo cho các quyết sách chiến lược. Tiền đềở đây dĩ nhiên là phải có tự
do tư tưởng, tự do ngôn luận để trí thức có cơ hội phát biểu ý kiến của
mình. Mặt khác, nếu xuất hiện nhà chính trị có văn hóa, có đạo đức và tỏ
ra có bản lãnh, có lý tưởng vì đất nước thì qua các quan hệ xã hội hoặc
qua các kênh nghiên cứu, thảo luận rộng rãi, họ có thể quy tụ được bên
mình nhiều trí thức tài năng, tâm huyết.
Vào
cuối thập niên 1950 ở Nhật Bản, xuất hiện mẫu người lãnh đạo lý tưởng đó
và trí thức, trí tuệ của xã hội đã cùng với người đó làm nên một kỳ
tích chưa từng có trong lịch sử thế giới: Chỉ trong 10 năm đã biến một
nước có thu nhập trung bình và mới vừa phục hồi sau chiến tranh trở
thành một nước có thu nhập cao, thay đổi hẳn đời sống của đại đa số dân
chúng và sánh vai với các cường quốc kinh tế trên thế giới.
Tình
hình chính trị, xã hội ở Nhật vào nửa sau thập niên 1950 rất phức tạp
vì bất đồng trong dư luận và giữa các chính đảng liên quan đến chính
sách ngoại giao với Mỹ.
|
Ikeda Hayato và John Kennedy (trái)
|
Về
kinh tế, năm 1956 đánh dấu sự thành công của nỗ lực phục hưng hậu
chiến. Mức sản xuất đã khôi phục lại mức cao nhất thời tiền chiến. Nhưng
cũng trong bối cảnh đó xảy ra tranh luận sôi nổi về hướng phát triển
sắp tới. Chưa có ai vẽ ra được viễn ảnh và đưa ra chiến lược có sức
thuyết phục.
Trong tình hình dân chúng đang mệt
mỏi vì không khí chính trị, xã hội căng thẳng, và không có viễn ảnh về
tương lai kinh tế, một chính trị gia kiệt xuất đã xuất hiện. Đó là Ikeda
Hayato (1899-1965). Ikeda nguyên là quan chức Bộ Tài chính, làm đến
chức thứ trưởng thì ứng cử vào hạ viện. Trong lúc tham gia nội các, giữ
các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Công thương, ông
đã quyết chí ứng cử vào chức đảng trưởng đảng cầm quyền LDP (đồng thời
là thủ tướng) để thực hiện giấc mơ đưa nước Nhật lên ngang hàng với các
nước tiên tiến Âu Mỹ.
Ikeda nguyên là một quan
chức mẫu mực, một lãnh đạo chính trị đức độ, thanh liêm. Lúc làm Bộ
trưởng Bộ Tài chính, đầu thập niên 1950, ông dẫn đầu một phái đoàn công
du sang Mỹ. Trong tình trạng ngân sách nhà nước hạn hẹp, ông đã tiết
kiệm kinh phí đến mức chỉ thuê khách sạn ba sao và hai ba người (kể cả
Bộ trưởng) ở chung một phòng. Ban ngày đoàn của ông đi làm việc với
chính phủ Mỹ, buổi tối mọi người tập trung tại phòng ông để kiểm điểm
công việc trong ngày và bàn nội dung làm việc cho ngày hôm sau. Khách
sạn nhỏ nên phòng không có bàn, mọi người phải ngồi bệt trên sàn bàn
công việc.
Cùng với đức độ và tinh thần trách
nhiệm mà nhiều người đã biết, Ikeda đã được dư luận nhất là giới trí
thức đánh giá cao qua những phát biểu về nhiệm vụ của người làm chính
trị, về phương châm phát triển đất nước mà ông sẽ thực thi nếu được làm
thủ tướng. Có mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, ông cho rằng giai đoạn sắp
tới phải là thời đại kinh tế, Nhật phải tận dụng tiềm năng về nguồn nhân
lực của mình và hoàn cảnh thuận lợi của thế giới để vươn lên hàng các
nước tiên tiến. Thứ hai, triết lý chính trị là vì dân, vì cuộc sống của
dân chúng nên mục đích cuối cùng của phát triển kinh tế là phải tăng thu
nhập của toàn dân và mở rộng mạng an sinh xã hội để giúp người không
theo kịp đà phát triển chung.
Nhưng nguyện vọng,
quyết tâm của nhà chính trị phải được cụ thể hóa bằng chiến lược, chính
sách, trước mắt là được đồng tình của dân chúng, tiếp theo là phải được
thực hiện có hiệu quả. Lúc này Ikeda cần đến trí thức.
Đang
suy nghĩ tìm kiếm một ý tưởng chủ đạo của chiến lược phát triển đất
nước, Ikeda đọc được bài viết "Luận về khả năng bội tăng tiền lương" của
giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro đăng trên báo Yomiuri. Trong
bài viết đó, Nakayama bàn về khả năng cũng như điều kiện để tăng gấp đôi
tiền lương thực chất, cải thiện hẳn mức sống của dân chúng.
Theo
gợi ý của giáo sư Nakayama, Ikeda thai nghén một chiến lược phát triển
gọi là "Bội tăng thu nhập quốc dân" và lập ra một nhóm bảy người gồm các
trí thức tên tuổi và các quan chức, các cộng sự tài giỏi để triển khai
cụ thể chiến lược này. Đặc biệt trong số này có Shimomura Osamu
(1910-1989), nhà kinh tế vừa giỏi lý luận vừa hiểu thực tiễn và có năng
lực hình thành các chính sách cụ thể.
Lúc đó ở
Nhật đang có tranh luận sôi nổi về hướng phát triển kinh tế trong giai
đoạn tới. Ý kiến chủ đạo lúc đó là trong giai đoạn phục hưng hậu chiến
vừa qua, kinh tế Nhật phát triển khá cao (trung bình độ 8%/năm) vì khởi
điểm quá thấp, trong giai đoạn tới tốc độ phát triển chỉ có thể bằng mức
cao nhất thời tiền chiến (độ 4%) hoặc hơn một chút (5%).
Chủ
trương của Shimomura thì khác. Ông cho rằng Nhật đã qua thời hỗn loạn
hậu chiến, hiện nay tiết kiệm trong dân đang tăng, đất nước đang mở cửa
hội nhập với thế giới nên công nghệ nước ngoài sẽ được du nhập dễ dàng;
đó là hai tiền đề để đầu tư tích lũy tư bản. Đầu tư có hai hiệu quả là
vừa tăng tổng cầu vừa tăng khả năng cung cấp (sản xuất) của nền kinh tế.
Do đó có thể nói kinh tế Nhật đang bước vào thời đại bột phát mạnh mẽ.
Thời phục hưng hậu chiến phát triển 8% nên thời đại mới ít nhất phải là
10%. Ngoài giải thích về mặt lý luận, Shimomura còn dẫn chứng bằng các
kết quả tính toán chi tiết nên rất có sức thuyết phục. Trợ lý cho
Shimomura là hai chuyên viên trẻ, hồi đó chưa có máy tính nên việc tính
toán rất mất thì giờ. Trong nhóm bảy người còn có các nhà kinh tế nổi
tiếng khác như Inaba Shuzo, Takahashi Kamekichi, và một quan chức tài
giỏi là Miyazawa Kiichi (sau này cũng làm thủ tướng). Ikeda trực tiếp
tham dự nhiều buổi họp thâu đêm của nhóm này.
|
Tượng của Ikeda Hayato tại Hiroshima
|
Được
nhóm chuyên viên, trí thức triển khai về mặt lý luận và các chính sách
cụ thể, Ikeda tự tin và đã quyết định lấy Chiến lược bội tăng thu nhập
quốc dân làm cam kết chính trị trong cuộc tranh cử vào vị trí chủ tịch
đảng. Ikeda thắng cử và trở thành thủ tướng vào tháng 7 năm 1960.
Cốt
lõi của kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân là toàn dụng lao động, làm
cho dân chúng thấy cuộc sống được cải thiện rõ rệt. Phương châm cơ bản
là tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tích cực đầu tư. Công việc của
chính phủ chỉ là cố gắng tiết kiệm công quỹ để có thể giảm thuế nhằm
kích thích đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng, và bảo đảm an sinh xã hội.
Phát triển là công nghiệp hóa, là phát triển ngành dịch vụ nên lao động
phải chuyển dần từ nông nghiệp sang các khu vực phi nông. Do đó Ikeda đã
nhấn mạnh phải ra sức giáo dục bậc cao đẳng và hướng nghiệp để quá
trình chuyển dịch lao động không bị gián đoạn.
Mặc
dù Shimomura chủ trương phát triển mỗi năm 10% (thu nhập quốc dân sẽ
gấp đôi trong bảy năm), nhưng để dung hòa với nhiều ý kiến khác, trong
kế hoạch được công bố, kinh tế sẽ tăng trưởng độ 7,2% và thu nhập quốc
dân tăng gấp đôi trong 10 năm (1960-1970).
Khi
nhậm chức thủ tướng, ngoài bài phát biểu về kế hoạch bội tăng thu nhập
quốc dân, Ikeda còn tuyên bố nhiều ý tưởng được sự đồng tình của dân
chúng. Chẳng hạn, "Làm chính trị là nâng cao mức sống của dân chúng.
Phát triển kinh tế phải trên tiêu chuẩn tăng thu nhập toàn dân, làm cho
mọi người dân cảm nhận thực sự là kinh tế đang phát triển", hoặc "Chính
trị mà để người nghèo không được đi học là chính trị tồi".
Ikeda
đã thổi vào xã hội một không khí phấn chấn, tin tưởng vào tương lai.
Doanh nghiệp tích cực đầu tư, mọi người hăng hái làm việc. Trong bối
cảnh đó, đúng như dự đoán của Shimomura, kinh tế phát triển trên 10%,
chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân đạt được mục tiêu chỉ trong bảy
năm, thay vì 10 năm như kế hoạch ban đầu. Theo giá thực tế năm 2000,
tổng thu nhập quốc dân trên đầu người của Nhật vào năm 1960 là 7.700
USD, đến năm 1970 tăng lên 16.600 USD. Mức chi tiêu của một gia đình
giới lao động vào năm 1960 trung bình mỗi tháng là 32.000 yen, đến năm
1970 đã tăng lên 83.000 yen. Lương tháng của công nhân trong ngành công
nghiệp đã tăng từ 23.000 yen năm 1960 lên 72.000 yen năm 1970. Trừ đi độ
trượt giá mỗi năm vài phần trăm, trên thực chất thu nhập của giới lao
động đã tăng gấp đôi hoặc hơn. Ngoài ra, số lao động có việc làm tăng
nhiều hơn so với kế hoạch và số giờ làm việc mỗi tháng của giới lao động
giảm từ 203 giờ còn 187 giờ. Thập niên 1960 cũng là giai đoạn người
Nhật chứng kiến nhà nhà có tủ lạnh, quạt máy, máy giặt, TV,...
Ikeda
bị bệnh và mất sớm (năm 1965), lúc đương tại chức thủ tướng. Ông không
sống đến hết giai đoạn của kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân, nhưng đã
chứng kiến những thành tựu bước đầu, cụ thể là ba sự kiện xảy ra trong
năm 1964: Tổ chức Olympic Tokyo thành công, khai trương đường sắt cao
tốc (Shinkansen) Tokyo-Osaka và Nhật trở thành thành viên của Tổ chức
hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), một tổ chức của các nước tiên
tiến.
Nhà chính trị Ikeda Hayato và nhóm trí
thức cộng tác với ông đã biến giấc mơ của mình thành giấc mơ của toàn xã
hội. Họ là những người hiểu được nguyện vọng của người dân và quyết chí
đáp ứng bằng trí tuệ và tâm huyết của mình.
Tokyo, Xuân Quý Tỵ 2013
T. V. T.
Nguồn: vietnamnet.vn
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét