Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

GÓP Ý SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP: CẦN MỘT CHƯƠNG RIÊNG CHO ĐIỀU 4

Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cần một chương riêng cho điều 4 

Thứ Năm, 24/01/2013 23:33

Nhiều ý kiến cho rằng Đảng lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Tòa án Tối cao... như thế nào cần xác định bằng một chương trong Hiến pháp. 

 

Ngày 24-1, HĐND TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (gọi tắt là Dự thảo). Cùng ngày, CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM cũng tổ chức lấy ý kiến trong các thành viên của CLB. Tại hai cuộc góp ý này, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ.


Có nhiều tiến bộ

Hiến pháp 1992 có 12 chương, 147 điều. Dự thảo có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp 1992, Dự thảo giảm 1 chương, 23 điều; giữ nguyên 13 điều; sửa đổi bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. Nhiều ý kiến đánh giá Dự thảo có nhiều tiến bộ so với Hiến pháp 1992. Trong đó có việc dự kiến thành lập một số cơ quan hiến định mới như Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước (điều 120, 121 và 122), không coi kinh tế Nhà nước là chủ đạo (điều 54) cũng là một sự tiến bộ.

Ngoài ra, luật sư Trần Quốc Thuận, ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá: “Dự thảo bổ sung quy định về quyền con người để phù hợp với nội dung các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã hàng chục năm qua là một sự kiện đáng hoan nghênh so với Hiến pháp hiện hành”. Tuy nhiên, cũng theo ông Thuận, cách thể hiện của Dự thảo có chỗ chưa rõ. 
.
 
Bác Hồ đã nói: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân”.

“Tôi đề nghị các quy phạm quy định về nhân quyền - quyền công dân phải rõ ràng, minh định, như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền hội họp, quyền lập hội, quyền biểu tình...” - ông Thuận góp ý.

Thể hiện ý chí chung của toàn dân

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; nguyên phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng điều 4 Dự thảo quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đó là khẳng định đúng đắn. Tuy nhiên, Đảng lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Tối cao... như thế nào thì cần được xác định bằng một số điều trong Hiến pháp. “Có thể dành một chương riêng, chứ chỉ có điều 4 thì chưa đầy đủ” - ông Trực nói.

Cũng góp ý cho điều 4 Dự thảo, ông Lê Văn Oanh, Chủ nhiệm Khối Trí thức CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM, đặt câu hỏi: Tổ chức quyền lực cao nhất của nước ta là Quốc hội hay Ban Chấp hành Trung ương Đảng? Theo ông Oanh, Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng thực chất QH chỉ là tổ chức hợp thức hóa các nghị quyết, đường lối, chính sách, chỉ thị của Đảng. “Đó là một nghịch lý” - ông Oanh nói. Để giải quyết nghịch lý này, ông Oanh đề nghị Hiến pháp cần quy định Tổng Bí thư sẽ kiêm luôn Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch nước phải là Tổng Bí thư, đồng thời là đại biểu Quốc hội.
.
"Có thể dành một chương riêng về Đảng, chứ chỉ có điều 4 thì chưa đầy đủ"

Nhìn chung, các đại biểu tham gia góp ý mong muốn Dự thảo sẽ được hoàn thiện và Hiến pháp mới khi có hiệu lực sẽ bảo đảm một số tiêu chí. Thứ nhất, Hiến pháp phải thể hiện ý chí chung của toàn dân, thể hiện sự đồng thuận của nhân dân để thành lập chính quyền. Thứ hai, Hiến pháp phải có mục tiêu kiến tạo hạnh phúc, tự do, công bằng, đoàn kết, loại bỏ mọi sự chia rẽ hay áp bức, hướng tới sự phát triển bền vững của dân tộc. Thứ ba, về mặt pháp lý, Hiến pháp phải được xây dựng theo các nguyên tắc pháp luật phổ thông của thế giới văn mimh, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.


Nhiều đại biểu góp ý quân đội ta có tên Quân đội Nhân dân Việt Nam mà Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định là trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam thì chưa ổn. Bác Hồ đã nói: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân”. Các ý kiến đề nghị nên học tập Bác Hồ trong vấn đề này.
.

THANH NHÀN
Nguồn: Người Lao động

Xem thêm ý kiến của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh:

Về điều 4: Không cần ghi điều 4 vào Hiến pháp

Trong thời kỳ vận động cách mạng lật đổ ách thực dân Pháp giành lại độc lập tự do cho dân tộc, Đảng Cộng sản không có chút quyền hành nào, Không điều nào quy định cho Đảng được quyền lãnh đạo, thế mà Đảng vẫn lãnh đạo được dân, dân tự giác theo sự lãnh đạo của Đảng làm Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong 2 cuộc kháng chiến vì độc lập thông nhất Tổ quốc cũng vậy. Chỉ cần Đảng có chính nghĩa, trong sạch, thực sự vì nước, vì dân, thực thi dân chủ trong mọi lĩnh vực làm cho nước mạnh, dân giầu, thì tự khắc dân sẽ tự nguyện theo sự lãnh đạo của Đảng, Không cần ghi điều 4 vào Hiến pháp.
.

Về Sở hữu đất đai: Không tước đi cái quyền "sở hữu ruộng của người cày"

Trước đây, trong thời kỳ vận động cách mạng, Đảng đã nêu khẩu hiệu: “Người cày có ruộng” hợp với nguyện vọng tha thiết của nông dân, đã động viên được hàng triệu, hàng triệu nông dân thành sức mạnh to lớn cống hiến cho cách mạng thành công. Nay lại khẳng định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là tước đi cái quyền “sở hữu ruộng của người cày”, hóa ra Đảng đã phản bội lại khẩu hiệu đã hứa với họ hay sao?
.

Về lực lượng vũ trang: Điều 70 phải ghi là "Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ Quốc Việt Nam"

Đối với bất kỳ quốc gia nào, lực lượng vũ trang sinh ra là để bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ấy. Bất kỳ đảng phái nào lên nắm quyền, lực lượng vũ trang vẫn là lực lượng chung của dân của nước, không thuộc tổ chức hoặc cá nhân nào. Đối với nước ta cũng vậy, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, nó có nhiệm vụ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc như lời Hồ Chủ tịch đã nói năm 1946: “Quân đội nhân dân Việt Nam trung với Nước, hiếu với Dân…”. Chúng tôi không đồng ý với điều 70 của dự thảo, và đề nghị phải ghi là: “Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ Quốc Việt Nam”.


  

2 nhận xét :

  1. Bài học đơn giản từ thực tiễn.lúc 10:42 25 tháng 1, 2013


    Pháp luật phải xây dựng từ thực tiễn, không từ lý luận.
    Một thực tiễn không thể chối cãi là tất cả các nước trên thế giới đứng đầu danh sách dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh là các nước đi theo cơ chế quản lý nhà nước đa đảng, không độc đảng.
    Vậy tôi cũng kiến nghị sửa đổi điều 4 hiến pháp như sau: Phải bỏ độc quyền lãnh đạo chính trị, đồng thời kiến tạo môi trường cạnh tranh chính trị lành mạnh như cạnh tranh kinh tế hiện nay.

    Trả lờiXóa
  2. Không phù hợp và sailúc 11:00 25 tháng 1, 2013

    Bản sửa đổi HP năm 1992 viết: "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với ĐCSVN, Tổ quốc và nhân dân..."

    Hoàn toàn không đúng và không phù hợp vì lực lượng vũ trang nhân dân là do nhân dân nuôi nấng bằng mồ hôi và sức lao động của cả Quốc gia để họ có nghĩa vụ bảo vệ vững Tổ quốc, chủ quyền Quốc gia và bảo vệ nhân dân và đánh thắng bất cứ kẻ xâm lược ngaoij bang nào dám xâm lược VN ta.

    Vì vậy họ phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và dân tộc VN.

    Quân đội nhân dân phải tuyệt đối tuân thủ HP và pháp luật.

    Không thể bắt chước và học mót kiểu viết của TQ khảng định là quân đội TQ tuyệt đối trung thành với ĐCSTQ.

    Bác Hồ đã khảng định: "Quân đội ta trung với nước hiếu với dân" cơ mà.

    Nay các vị nói và làm ngược lại lời dạy quá chính xác và chuẩn mực đó của Bác Hồ thì sao các vị lại dạy chúng tôi học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng HCM.

    Bác Hồ rất vĩ đại và là người hết lòng vì dân vì nước nên các vị hãy làm theo lời Bác chứ đừng có đi ngược lại lời Bác dạy như thế.

    Các vị nên cẩn thận từ hành động đến lời nói của mình khi là lãnh đạo quốc gia vì trình độ nhận thức và kiến thức của nhân dân bây giờ không phải kém hơn các vị đâu.

    Trả lờiXóa