Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

BỘ TƯ PHÁP: GHI TÊN CHA MẸ LÊN CMND LÀ TRÁI LUẬT VÀ CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ


Ghi tên cha mẹ lên CMND: Trái luật và Công ước Quốc tế

Thứ Ba, 04/12/2012 09:09

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Tư pháp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Như Báo Người Lao Động ngày 3-12 phản ánh, từ nay tới hết năm 2013, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an sẽ tiếp tục thực hiện cấp CMND mới với phần ghi họ tên cha mẹ công dân tại TP Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, hiện Bộ Tư pháp cũng đang nghiên cứu để có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại quy định này.

Làm thủ tục cấp CMND mới ở Hà Nội. Ảnh: VOV GIAO THÔNG
Bộ Tư pháp sẵn sàng nhận khuyết điểm
Đại diện Bộ Tư pháp cho biết lãnh đạo bộ đã giao các cục, vụ chức năng nghiên cứu kỹ về tính hợp pháp, hợp lý của Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND.  Nếu xét thấy việc thẩm định Nghị định 05 và sau đó là Nghị định 170 có sơ suất, để lọt quy định cho phép CMND ghi họ tên cha mẹ công dân thì Bộ Tư pháp sẽ không chối bỏ trách nhiệm của mình và sẵn sàng thừa nhận khuyết điểm với Chính phủ. 

“Tuy nhiên, quy định về việc này đã xuất hiện cách đây hơn chục năm nên cần phải xem xét thấu đáo. Quan điểm của Bộ Tư pháp là sớm có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại một quy định đang gây ra những phản ứng từ phía dư luận cũng như những người làm luật” - vị này nói.
Theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), sau khi nghiên cứu quy định cho phép đưa tên cha mẹ lên CMND, cục đã phát hiện điều này trái với Bộ Luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký tham gia từ năm 1989.
Hơn nữa, điều 38 Bộ Luật Dân sự 2005 về quyền bí mật đời tư thì người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha và nếu thủ tục hành chính yêu cầu ghi tên cha mẹ đứa bé thì sẽ xâm phạm quyền bí mật đời tư được quy định tại điều này.
Không cần thiết
Luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng việc đưa thêm họ tên cha mẹ lên CMND rõ ràng không cần thiết bởi từ trước tới nay, các thông tin trên CMND đã khá đầy đủ.
“Điều cần thiết ở CMND mới là kỹ thuật in ấn, công nghệ hiện đại, bảo mật và bền đẹp hơn trước. Khi đi làm các thủ tục, kèm CMND, người dân vẫn phải xuất trình một số giấy tờ khác, công an đã có thể nắm rõ lý lịch tư pháp của họ thì đâu cần thiết phải đưa tên cha mẹ họ lên đó” - ông Quốc Anh bày tỏ.
TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng việc đưa tên cha mẹ lên CMND là không cần thiết và phải dừng ngay. Ông Lộc cho rằng Bộ Công an có lý khi nói rằng việc này sẽ giúp quản lý, xác định thông tin về công dân được nhanh, dễ dàng hơn. “CMND mới hiện đại như thế, việc xác định lý lịch của mỗi công dân đâu có khó.
Việc đưa nguồn gốc con người lên CMND rất dễ gây xúc động, tâm lý không tốt với nhiều người đã có cha mẹ mất từ lâu, thiếu cha, mẹ hoặc sinh ra đã không biết cha mẹ là ai. Dù Bộ Công an giải thích những trường hợp này có thể để trống nhưng thử hỏi khi ấy công dân sẽ cảm thấy tủi thân, xấu hổ ra sao khi đưa CMND ra cho người khác xem.
“Quan điểm của tôi là không thể thực hiện quy định này. Bây giờ vẫn đang trong thời gian thí điểm, tác động chưa nhiều tới đông đảo dư luận nhân dân nên Chính phủ vẫn có thể  yêu cầu dừng lại như việc đã yêu cầu Bộ Công an hoãn xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ phương tiện giao thông theo quy định vừa rồi”- TS Lê Hồng Sơn bày tỏ.
Điều 16 Công ước Quốc tế về quyền trẻ em viết: “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em”. - Khoản 2 điều 759 Bộ Luật Dân sự quy định rõ: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của bộ luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.
Phải sửa Nghị định 170
TS Lê Hồng Sơn cho rằng CMND mới có kích thước hợp chuẩn quốc tế và đã có các thông tin cơ bản về cá nhân, quê quán, dãy 12 số chỉ được cấp cho mỗi công dân một lần. Việc Chính phủ sớm ban hành một nghị định mới thay thế Nghị định 170/2007 sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/1999 là rất cần thiết. Trong nghị định ấy phải có một chế định cụ thể quy định về hồ sơ mà công dân phải khai đầy đủ khi làm CMND (trong hồ sơ này, việc đưa họ, tên cha, mẹ của công dân đó là hết sức cần thiết). Hồ sơ lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền quản lý liên quan trực tiếp đến mã vạch, số CMND của từng công dân sở hữu CMND để khi có việc, từ những thông tin trên CMND, cơ quan có thẩm quyền có thể truy về hồ sơ gốc của công dân đó tại ngân hàng hồ sơ.
THẾ KHA
Nguồn: Người Lao động

8 nhận xét :

  1. CON CÁI, CHA MẸ, ÔNG BÀlúc 12:32 5 tháng 12, 2012

    Việc đơn giản này mà phải để Bộ phân xử sai thì e rằng cấp dưới quá duy ý chí.
    Đơn giản là thế này : Đã được cấp CMND có nghĩa là được công nhận công dân trưởng thành. Mà đã là công dân trưởng thành thì tự chịu trách nhiệm mọi hành vi trước pháp luật, cớ gì dính Cha, Mẹ vào đó.
    Hơn nữa nếu ai đó có ý kiến thêm Ông, Bà nội ngoại ... nữa thì sao đây !

    Trả lờiXóa
  2. Trước khi đem ra mẫu CMND mới chắc các bộ ngành liên quan đã có kết hợp ý kiến thống nhất , rồi mới ban hành và BCA thi hành . Cớ sao bây giờ đã cấp cho khá nhiều CD mới phát hiện ra sai sót ? Bộ TP nói là nhân trách nhiệm . Vậy Bộ nào có nhiệm vụ thu hồi và ban hành mẫu mới . Tốn tiền ngân sách QG, ai chịu trách nhiệm bồi thường ? BT Bộ TP chăng ?

    Trả lờiXóa
  3. CHỨNG MINH... TÊN BỐ
    Hoàng Xuân Phú

    Chứng minh thư nhân dân
    Giờ phải khai tên bố

    Tại sao phải làm thế?

    Bố tồi con vẫn tốt
    Bố tốt con vẫn tồi
    Không bố càng làm to
    Khai làm chi thêm rối?

    Rằng: Để khi cụ chết
    Dễ cho con thừa kế thừa[1]

    Thưa: Không phải ai ai
    Cũng mong ngày bố chết

    Thương những người không bố
    Biết khai làm sao đây?


    http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=ChungMinhTenBo-20120923


    [1] Trong bài "Chứng minh thư mới có tên bố mẹ: Thuận lợi hơn cho người dân", đăng trên An ninh Thủ đô ngày 19.08.2012, tác giả Châu Anh viết rằng: "Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) qua trao đổi với báo chí đã khẳng định, CMND mẫu mới có nhiều cải tiến không chỉ thuận tiện trong công tác quản lý đối với các cơ quan Nhà nước trong đó có ngành công an mà còn với cả người dân. Nếu để tên cha, mẹ trên CMND thì người dân sẽ thuận lợi trong một số giao dịch hàng ngày như giao dịch tại ngân hàng, thừa kế, mua bán…"

    Trả lờiXóa
  4. TRẢI BỐN NGHÌN NĂM CÒN CHẬM LỚN

    Hoàng Xuân Phú

    Cháu ngoại của tôi vừa mới sinh ra ở Đức, được 8 ngày thì gia đình nhận được một lá thư của bệnh viện, ngoài phong bì ghi người nhận là: "Herr V. D. K.".

    Trong tiếng Đức, từ "Herr" vốn dĩ được dùng để chỉ "bề trên". Từ đầu thế kỷ 17, nó được dùng để xưng hô một cách trang trọng, kiểu như "quý ông" (Gentleman). Ngày nay nó được dùng chung cho đàn ông, nhưng đi với họ hay cả họ tên đầy đủ, chứ không chỉ kèm với tên riêng, nghĩa là một cách xưng hô theo thể lịch sự. Dịch ra tiếng Việt là "ngài", "ông", hay "anh", chứ không thể dịch là "em", "cháu", hay "cu". Còn "V. D. K." là họ tên đầy đủ của bé sơ sinh. Mặc dù bé chưa được khai sinh và chưa được đăng ký cư trú, nhưng bệnh viện đã gửi thư theo tên bé, chứ không phải theo tên cha mẹ. Hơn nữa, bé còn được gọi là "Herr". Một đứa bé sơ sinh mà đã được cư xử như người lớn, với tư cách chủ nhân của chính mình.

    Cùng lúc đó thì ở Việt Nam, Bộ Công an triển khai cấp chứng minh thư nhân dân theo mẫu mới, trong đó bất kể trẻ già đều phải ghi cả tên cha mẹ. Đã có nhiều ý kiến phản đối, như: thêm tên cha mẹ vào chứng minh thư là phản cảm, là trái với Điều 38 của Bộ luật Dân sự về quyền bí mật đời tư và Điều 16 của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em... Nhưng Bộ Công an vẫn bỏ ngoài tai, nhất định triển khai dự án của mình.

    Tôi đã bình luận mấy câu về sự kiện này trong bài "Chứng minh… tên bố". Ở đây chỉ bổ sung thêm hai ý: Việc bắt dân phải khai tên cha mẹ trong chứng minh thư là biểu hiện rơi rớt của chủ nghĩa lý lịch sai trái, đã từng làm hại hàng triệu người dân và góp phần làm chậm bước tiến của Dân tộc. Nó cũng phản ánh lối tư duy và hành động kẻ cả của giới "quan phụ mẫu", luôn coi dân như con trẻ, như một thứ sở hữu của họ, nên cư xử hết sức tùy tiện, thích gì là làm nấy, bất chấp người dân có đồng tình hay không.

    Ở xứ họ trẻ con được coi trọng như người lớn, nên cả xã hội cũng trưởng thành nhanh hơn, sớm khẳng định được vị trí cường quốc hàng đầu trên thế giới. Thật đáng kính nể!

    Ở xứ mình người lớn cũng bị đối xử như trẻ con, khiến người người còi như bị chột, và nước Việt trải bốn nghìn năm mà vẫn còn chậm lớn. Đáng buồn thay!

    http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=TraiBonNghinNamConChamLon-20120923

    Trả lờiXóa
  5. Dân hai lăm triệu ai người lớn
    Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con
    (Tản Đà)
    Hai câu trên Tản Đà viết cách đây 80 năm, lúc dân số nước ta có 25 triệu.
    Bây giờ 90 triệu mà cũng chả có ai người lớn. Nước hôm nay còn trẻ con hơn hồi ấy nhiều.

    Trả lờiXóa
  6. ôi chao để dễ quản lý hơn nữa cứ đề xuất đóng thẳng số chứng minh nhân dân lên trán của công dân, còn sổ hộ khẩu thì in ngay lên má công dân cho nó tiện theo dõi!

    Trả lờiXóa
  7. Đằng nào khi bị bắt CA cũng phải kiểm tra lại hồ sơ gốc CMND trên máy khi đó tên cha, mẹ đã hiện đầy đủ rồi ( lưu tên cha, mẹ trên máy pc). Vậy thì cần gì mà in tên cha , mẹ làm gì cho rắc rối tốn giấy mực, lại còn dính đến lỗi của luật pháp quốc tế.

    Trả lờiXóa
  8. Ngồi trên trời làm luật hành dân.Thiên hạ họ cười cho

    Trả lờiXóa