Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

"ĐƯỜNG LƯỠI BÒ KHÔNG CÓ CƠ SỞ PHÁP LÝ"

“Đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý”
 
Tại hội thảo quốc tế về Biển đông, các học giả cho rằng, các đảo nhỏ của Trường Sa và Hoàng Sa sẽ chỉ có 12 hải lý lãnh hải. Đường lưỡi bò và cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và gây lo ngại cho các quốc gia có liên quan.
 
 Các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: Xã luận
 Sau ba ngày làm việc tích cực với 36 tham luận và 107 ý kiến thảo luận, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” đã thành công tốt đẹp.        
                       
Một số học giả cho rằng, quá trình hiện đại hóa quân đội trong khu vực đã dẫn tới gia tăng nhanh chóng năng lực quốc phòng của các nước, tuy có mặt tích cực là giúp các nước khu vực tăng cường khả năng hợp tác trong phòng chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia trên biển, cứu trợ cứu nạn, nhưng cũng làm tăng rủi ro va chạm, đụng độ rất khó kiểm soát giữa các lực lượng ở trên biển.

Đề cập đến sự gia tăng vai trò và ảnh hưởng của các nhóm lợi ích, các học giả cho rằng, nhiều chính quyền trung ương không còn hoàn toàn kiểm soát được mọi hành vi và chính sách đối ngoại của quốc gia đó, khiến tình hình Biển Đông càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát.

Một số học giả cảnh báo, các khác biệt lợi ích giữa các nước thành viên ASEAN sẽ là thách thức lớn nhất đối với ASEAN trong những năm tới. Nếu ASEAN không duy trì được đoàn kết nội khối, vai trò của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực sẽ sụt giảm thì lợi ích của các nước thành viên ASEAN sẽ bị phớt lờ.

Để xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khu vực, các học giả đã đưa ra nhiều khuyến nghị: Các quốc gia quanh vùng biển kín và nửa kín như Biển Đông cần hợp tác và phối hợp chính sách của mình trong quản lý nguồn sinh vật biển, thực hiện nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển, đồng thời tùy theo mức độ phù hợp, mời các bên hay các tổ chức liên quan để hợp tác.

Nhiều đại biểu khẳng định, kinh nghiệm lịch sử cho thấy sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực sẽ không thể giải quyết được các tranh chấp như ở Biển Đông, do vậy các giải pháp hòa bình là con đường duy nhất. Cần thúc đẩy vai trò của ASEAN như nhân tố thúc đẩy đối thoại và hợp tác.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi tìm kiếm giải pháp lâu dài, điều cấp bách nhất hiện nay là kiểm soát không để bất đồng làm nảy sinh xung đột, khủng hoảng. Do vậy, các bên cần nhanh chóng xây dựng các cơ chế khu vực nhằm định hướng ứng xử của các bên trong các tình huống cụ thể, như việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Các bên cần làm rõ yêu sách của mình ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, minh bạch hóa chính sách và chiến lược quốc gia ở Biển Đông, nhất là chính sách hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường lòng tin. Một số học giả khuyến nghị, các cường quốc bậc trung cần liên kết lại với nhau và đóng vai trò chủ đạo trong việc duy trì môi trường luật pháp khu vực và quốc tế.

Trên khía cạnh pháp lý, các học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước luật biển 1982. Đặc biệt, khi một quốc gia tham gia vào Công ước luật biển thì phải tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định của Công ước và từ bỏ các yêu sách lịch sử về các vùng biển của mình trước đây. Các học giả đánh giá rằng, các đảo nhỏ của Trường Sa và Hoàng Sa sẽ chỉ có 12 hải lý lãnh hải. Các đại biểu nhất trí rằng, đường lưỡi bò và cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và gây lo ngại cho các quốc gia có liên quan. Lập luận về quyền lịch sử của Trung Quốc cũng không có cơ sở, quyền lịch sử của các quốc gia khác nếu có được thiết lập cũng phải nhường hiệu lực cho quyền chủ quyền và quyền tài phán mà Công ước luật biển 1982 quy định là đặc quyền cho các quốc gia ven biển.

Vì vậy, tại biển Đông, sự tồn tại của yêu sách quyền lịch sử chiếm đến hơn 80% diện tích của vùng biển nửa kín này mà không dựa trên các cơ sở pháp lý, không được thừa nhận bởi các quốc gia hữu quan, chồng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển là sự đi ngược lại các quy định của pháp luật quốc tế.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát xung đột và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, các học giả khuyến nghị các bên tranh chấp hợp tác khảo sát các điều kiện tự nhiên và địa lý của các thực thể tại Biển Đông nhằm xác định quy chế pháp lý của các thực thể này theo quy định của Công ước luật biển 1982. Trên cơ sở khảo sát đó, các bên trong tranh chấp làm rõ phạm vi các yêu sách về chủ quyền và vùng biển tại Biển Đông.

Phương Mai
Nguồn: VTV.


2 nhận xét :

  1. Trả lời phóng viên Xuân Hồng của đài BBC. Bà Bảy Vân, vợ Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn nói: "Phạm Văn Đồng có ký văn bản. Ngụy nó đóng ở ngoài đó. Cho nên giao cho Trung Quốc quản lý Hoàng Sa...Phạm Văn Đồng có ký tên..."

    Xem đoạn video clip cuộc phỏng vấn tại đây:

    http://www.youtube.com/watch?v=z8jX8YrRiG4

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những sai lầm lịch sử mà con cháu bao đời sau phải chịu Bao giờ Hoàng Sa mới trở về với Tổ Quốc VN ? Câu trả lời giành cho các nhà lãnh đạo mà tiền bối đã gây ra sai lầm .

      Xóa