Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

THỦY ĐIỆN SÔNG TRANH 2: BỘ TRƯỞNG XÂY DỰNG KHẲNG ĐỊNH RẤT AN TOÀN

Thủy điện Sông Tranh 2: 
Bộ trưởng nói “yên tâm”, Quốc hội cười ồ!
14/11/2012 - 07:10
Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định an toàn nhưng Chủ tịch Quốc hội bảo phải rà soát tiếp mới quyết định dừng hay tiếp tục công trình này.

Sáng 13-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của Quốc hội về thủy điện Sông Tranh 2. Trong khi Quốc hội và người dân quan tâm đến việc công trình này có an toàn hay không, người dân nên ở lại hay nên đi thì bộ trưởng dẫn giải nhiều thông tin cũ và bảo “Khi nào xảy ra sự cố thì các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”. 

Không yên tâm?

Bộ trưởng Dũng cho biết: Thủy điện Sông Tranh 2 tuân thủ các quy trình kiểm tra chất lượng, từ khâu khảo sát thiết kế đã có tư vấn độc lập của Nhật Bản. Sau khi đập đưa vào sử dụng có vấn đề thấm nước thì Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã cùng với Bộ Công Thương, chủ đầu tư, nhà tư vấn tập trung xử lý những vấn đề về thấm. Hiện nay hiện tượng thấm còn rất ít, khoảng xấp xỉ 3 lít/giây… “Khi có những vấn đề này, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã chủ động và yêu cầu chủ đầu tư thuê một tư vấn độc lập khác. Nhà tư vấn Thụy Sĩ đã kết luận là đập an toàn, tức là kiểm tra thực tế đập đã thi công như hiện nay cả về chất lượng thi công, chất lượng nền móng đều an toàn…”. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc: “Ý của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) muốn hỏi là tuyên bố dứt khoát của bộ trưởng cho dân yên tâm, hoặc dừng công trình, hoặc dân đi, hoặc dân cứ ở lại đấy nhưng vẫn an toàn. Tôi đề nghị bộ trưởng tuyên bố một cách rõ ràng, có phải là đồng bào cứ ở tại chỗ, Nhà nước sẽ đảm bảo an toàn không? Hay đồng bào phải làm sao?”.

Từ khi có đập thủy điện Sông Tranh 2, khu vực xung quanh động đất, rung lắc liên tục. Liệu người dân có yên tâm nổi? Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Dũng lại đưa ra thông số: “Xin báo cáo, hiện nay nếu đến mực nước tràn là cốt 161 thì đập có thể chịu được động đất với gia tốc nền đến 350 kg/cm2…”.

Đến đây thì Chủ tịch Quốc hội phải ngắt lời. “Bây giờ dân Quảng Nam, dân Trà My người ta không quan tâm tới con số ấy. Người ta chỉ quan tâm ở hay là đi. Đồng chí trả lời đi!”.

Bị “truy đuổi”, Bộ trưởng Dũng mới trả lời: “Nếu nước đến mực tràn thì hoàn toàn yên tâm. Bà con yên tâm ở đó, không phải đi”. Chủ tịch Quốc hội gút: “Như vậy là bộ trưởng tuyên bố rồi. Chưa tích nước thì vẫn an toàn và bà con cứ ở đấy”.


Thế nhưng một lần nữa, Bộ trưởng Dũng vội vàng nói lại: “Vấn đề đập thì an toàn nhưng nếu động đất cao hơn 5,5 độ Richter thì chúng ta phải… nghiên cứu tiếp và hiện nay đang nghiên cứu”.

Đến nước này, Chủ tịch Quốc hội phải cảm thán: “Vậy là cũng chưa biết nên đi hay nên ở!”. Lần này thì Bộ trưởng Dũng phải nói lại là: “Bà con yên tâm ở lại”.

Mới chỉ “yên tâm tạm thời”

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) vẫn chưa hài lòng, chất vấn lại: “Bộ trưởng có nghe thấy khi Bộ trưởng nói “yên tâm” thì Quốc hội cười ồ lên? Yên tâm sao được khi các nhà khoa học, cả chúng tôi, chưa nói đến nước ngoài, vẫn còn ý kiến khác nhau? Yên tâm sao được khi nó rung, lắc suốt ngày như thế. Bộ trưởng có bảo yên tâm thì dân cũng ở đó. Bộ trưởng có bảo không yên tâm thì dân cũng không còn cách nào khác, vẫn phải ở đó. Cho nên đề nghị Bộ trưởng xử lý vấn đề nào đó để các nhà khoa học ngồi chung lại có chung một tiếng nói thì dân mới yên tâm được. Bây giờ dân và Quốc hội không biết tin nhà khoa học nào cả. Bộ trưởng nói là cơ quan liên quan sẽ chịu trách nhiệm. Tôi xin hỏi: Nếu chẳng may sự cố vỡ đập xảy ra thì ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên? Xin Bộ trưởng nói rõ”.

Đến đây thì Chủ tịch Quốc hội phải “đỡ lời”: “Câu hỏi này Bộ trưởng đã trả lời, đại biểu Minh cũng thấy chưa yên tâm, tôi cũng chưa thấy yên tâm, thực tế là có vấn đề như vậy. Đến nay các nhà khoa học và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chính thức trả lời và báo cáo trước Quốc hội là có thể yên tâm. Nhưng đây mới chỉ là yên tâm tạm thời, vì còn vấn đề động đất nữa. Chúng ta sẽ tiếp tục rà soát, đến khi có kết luận thì chúng ta sẽ quyết định dừng hay tiếp tục công trình này”.

Nơi nào có xây dựng, nơi đó có tham nhũng


Cũng trong phần trả lời chất vấn sáng 13-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận hiện còn những công trình xây dựng được đầu tư dàn trải, “chưa có vốn cũng bố trí đầu tư; vốn chưa đủ nhưng vẫn bố trí đầu tư và mong những năm sau tiếp tục có vốn”. Bộ trưởng liệt kê một số nguyên nhân, trong đó có công tác quy hoạch kém, có những công trình trùng, địa phương nào cũng muốn mình là “trọng điểm” nên cứ làm.

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng cho biết: “Sẽ phải đầu tư theo quy hoạch, có kế hoạch. Chính phủ đang xây dựng Luật Đầu tư công, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phân bổ vốn hợp lý, xác định công trình nào trước mắt cần làm... Đồng thời, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các công trình thiếu vốn, thiếu thủ tục mà đã mang tiền đi đầu tư”. 

Về vấn đề thất thoát, lãng phí trong xây dựng, Bộ trưởng nói: “Công trình bị thất thoát thì có nhiều nguyên nhân, trong đó có tham nhũng nhưng nhận diện được (tham nhũng) hay không còn phụ thuộc vào kiểm tra, phát hiện của người dân và xã hội”.

Kết luận phần chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng ngay cả những công trình đưa điện, đưa nước về địa phương, xây kè, đập… đều có vấn đề. “Một trong các nguyên nhân làm công trình kém chất lượng còn do tham nhũng, lãng phí, có một bộ phận không nhỏ trong ngành xây dựng (tham nhũng). Nơi nào có xây dựng thì có bộ phận không nhỏ (tham nhũng) này” - Chủ tịch Quốc hội nói.

QUỲNH NHƯ
Nguồn: Pháp Luật Tp HCM

BS: Đề nghị Quốc hội ra nghị quyết nhốt tay Dũng này dưới chân đập thủy điện để ổn định tâm lý cho bà con địa phương! 

3 nhận xét :

  1. Dù có xẩy ra nổ đập tôi khẳng định bộ trưởng Dũng vẫn an toàn,cùng lắm là chỉ xin lỗi và nhận trách nhiệm chính trị là xong

    Trả lờiXóa
  2. Nói trắng ra Bộ trưởng chả biết chính xác là thế nào, phán bừa theo đám trợ lý báo cáo lên thôi. Đi họp mà còn để tài liệu báo cáo ở nhà thì đủ phải rõ. Năng lực các quan bộ lại ngày nay thế đấy....

    Trả lờiXóa
  3. Vấn đề chính là ở đây ai là người chịu trách nhiệm chính nếu sự cố vở đập xảy ra. Và người chịu trách nhiệm đó có đền nỗi tính mạng của người dân ở đó không??? Hay là lúc xảy ra sự việc rồi đổ lỗi cho nhau... Thật là thiếu trách nhiệm

    Trả lờiXóa