HÁN NÔM MÃI ĐAU ĐÁU TRONG
TÔI
Nguyễn Văn Thịnh
Nguyễn Văn Thịnh
Lời
dẫn: PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm, là người
Thầy cả khi đi học, khi công tác, lẫn khi đã nghỉ hưu, lúc nào cũng say mê,
nhiệt thành “đến một mức rất quá”. Tấm lòng của Thầy với Ngành được tất cả đồng
nghiệp trong ngoài Ngành ghi nhận và được tất cả thế hệ học trò ghi nhớ biết
ơn. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Ngành Hán Nôm (1972-2012), chúng tôi xin
giới thiệu những cảm xúc, những kỷ niệm của Thầy về Ngành, về những lĩnh vực
văn hóa Hán Nôm mà Thầy “mến yêu” và xả thân hết mình. Chúng tôi xin đặt lại
nhan đề bài viết của Thầy.
Đặt
bút viết Hồi cố và cảm xúc về ngành Hán Nôm, nhưng dòng hồi cố của tôi lại
chảy miên man về nhiều phương, cũng như công việc của tôi từ ngày nghỉ hưu chưa
lúc nào ngừng lắng. Có lẽ bởi tôi đã gắn với chữ Hán, chữ Nôm từ quá sớm. Tuy
không theo con đường khoa cử, nhưng dòng họ tôi cũng nhiều đời học để đủ vốn
chữ nghĩa tu tâm luyện tính, biết tới Hiên-Kỳ, nắm được chính yếu của
Trung y, đọc hiểu được Bản thảo cương mục, Thương hàn luận hay Nam
dược thần hiệu, Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh của y học nước
nhà nhằm mục đích trị bệnh cứu người. Suốt năm đời nối nhau làm thuốc (tính từ
ông nội tôi Lương y Nguyễn Văn Mai, mà nhà thờ họ lưu truyền đại tự Nho y kế
thế, Xuân phong tại, do Nội ngoại trường môn sinh dâng tặng), tôi đã
sớm có được vốn nhỏ chữ Hán do Cụ ngoại tôi - Cụ phó Nguyễn Duy Quảng (tất
nhiên là Phó lý mua) và ông trẻ tôi Lương y Nguyễn Văn Lan truyền lại; còn ông
nội tôi là Lương y Nguyễn Văn Mai thì lập nghiệp tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải
Dương; Đến thân phụ tôi thì có học chữ Hán, nhưng ở thời ông, nho học đã vào
cuối chầu, chữ Quốc ngữ đã thu hút giới trẻ. Ông chỉ khuyến khích tôi thôi chứ
ông không giúp gì trực tiếp bởi ông là người biết thế nào là “học hải mang
mang”, chữ nghĩa Thánh Hiền biết mấy mà dám làm thầy dạy. Sau này tôi được học Trung
văn ở phổ thông, rồi đại học, tại khoa lúc đó giáo trình Trung văn cũng có cả âm
Hán Việt. Việc đó giúp tôi duy trì thói quen và ham mê học chữ Hán, đọc theo âm
Hán Việt. Trong những năm học văn tại Khoa Khoa học Xã hội (Ký túc xá Láng),
chúng tôi vẫn được học thêm chữ Hán do Cụ Trần Lê Hữu - thân phụ PGS Trần Lê
Sáng dạy, còn học Cụ Đỗ Văn Hỷ chỉ được một số buổi, tôi còn nhớ nhiều bài Cụ
dạy nhưng không nhớ lớp học do cơ quan nào của Bộ Văn hóa tổ chức nữa, hình như
Vụ Bảo tồn Bảo tàng. Lớp bồi dưỡng chính quy chính là các lớp Hán Nôm sau đại
học do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam mở. Lớp học này, tôi thực sự
chờ đón, vì ra trường vào giữa thời chống Mỹ, giữa những năm ác liệt, nhưng lúc
này tôi lại có nhiều thời gian nơi sơ tán. Có lần nghe láng máng lớp chuẩn bị khai
giảng, tôi đã khăn gói lên huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, nơi Viện (Ban?) Hán
Nôm sơ tán. Nhưng lớp học này mãi dến năm 1973 mới chính thức khai giảng tại
Trần Xuân Soạn, Hà Nội. Lớp học này có các thầy dạy là các bậc túc Nho như Cụ
Đỗ Ngọc Toại, Cụ Trần Duy Vôn, Cụ Đào Phương Bình, đặc biệt là cụ Lê Thước bậc
đại khoa của triều Nguyễn, các giáo sư thân thuộc nổi tiếng của các viện các
trường như GS Đào Duy Anh, GS Cao Xuân Huy, GS Trương Đình Nguyên… Nhiều Giáo
sư của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đó cũng tham gia dạy về sử học và văn
học như GS Phan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm, GS Trần Đình Hượu…
Sau khi học xong lớp Hán Nôm sau đại học (1973 -1975) và trở lại
làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Hán Nôm (1980), đến nay đã nghỉ hưu sáu năm,
tôi vẫn gắn bó với giảng dạy và nghiên cứu tại Trường mấy chục năm, có thể coi
là đằng đẵng với sinh viên, với Trường, với Khoa và với đời… Công việc còn bộn
bề, hưu mà chưa thể nghỉ. Nhưng may mà ngành Hán Nôm là một ngành có thể du
nghệ được, dù vất vả mệt mỏi mấy thì vẫn luôn tìm thấy cái hay, cái
đẹp, cái cảm hứng, cái tâm linh trong ngôn từ và văn chương để mà hăng hái.
Mấy
chục năm qua hay ít nhất là từ sau kỷ niệm 25 năm thành lập Ngành Hán Nôm (cách
chúng ta 15 năm), Ngành Hán Nôm đã vắng bóng các thầy Trần Thuyết, Lê Khánh
Xoa, Đinh Trọng Thanh (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn), Nguyễn Duy Chính, trong Khoa
Văn học thì PGS.NGND Bùi Duy Tân; các thầy của trường và viện thì có PGS Đặng
Đức Siêu, TS Hoàng Văn Lâu…
Về
các thầy đáng kính đó, đã đến lúc chúng ta nên tổ chức ghi chép về họ, Ngành
Hán Nôm trước tiên cần phải trọng về tinh thần và nội dung của các chữ đạo
thống, ẩm thủy tư nguyên, khai cơ lập học.
Tôi
cũng sống ở Bộ môn trong giai đoạn tách nhập, bổ sung, khẳng định sự tồn tại
hay không tồn tại, tồn tại như thế nào, ra sao… Lắm chuyện vui buồn, nhiều sự
thử thách, chẳng đến mức sóng gió biển khơi, nhưng cũng đủ minh xác, tính tình,
bản lĩnh và tình yêu nghề nghiệp.
Tôi
đã viết một số chuyện gắn với chuyên môn, nhưng khuôn khổ bài viết có hạn, nên
thử ngắt một vài phác thảo gửi tới bạn đọc nhân dịp kỷ niệm Ngành.
Về thư pháp:
Trong
dân gian đã lưu truyền tục ngữ “Văn hay chữ tốt”, thực là một yêu
cầu cao đối với người đi học, là sự đánh giá khả năng của một nho sĩ - người
trí thức xưa họ không chỉ giỏi về văn mà còn viết chữ đúng, chữ đẹp. Chỉ có như
vậy họ mới mong vượt vũ môn khoa cử, tham gia vào đội ngũ văn
quan trị quốc. Thư pháp - nghệ thuật viết chữ ra đời và phát triển
được là dựa trên đặc điểm của bản thân văn tự Hán – loại văn tự khối vuông, căn
bản là tượng hình (trên thực tế chỉ sự cũng là một dạng của tượng hình), dựa
trên sự đa dạng linh hoạt của nét chữ, thể chữ và yêu cầu nói trên.
Dân
gian lại còn câu: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”, trong bốn
loại sản phẩm nghệ thuật này, chữ được xếp hàng đầu, có lẽ không chỉ vì vần
điệu của ngôn từ mà xếp như vậy, chắc hẳn còn một lý do, nghệ thuật thư pháp là
loại nghệ thuật hết sức đặc thù của văn tự, thể hiện bằng những nét cũng rất
đặc thù, chiều sâu của chữ lại là ý nghĩa của nó; lại nữa, với ngọn bút lông
mềm mại, với mực nho đen sánh, thể hiện trên giấy trắng thô, người viết phải
vận dụng tổng hợp hệ thao tác tay, hơi thở điều hành chỉnh lý công lực, khí lực
và thần lực.
Có
thể nói, văn tự trên bản bia, minh thời Lý, số còn lại đến nay không thật
nhiều, nhưng đa phần thể hiện một trình độ thư pháp chữ Hán do người Việt sáng
tác, viết và khắc chạm đạt đến trình độ cao của nghệ thuật thư pháp thời kỳ đầu
của lịch sử văn hóa Việt Nam độc lập tự chủ. Có thể đem thành tựu ấy đặt trong
bức tranh toàn cảnh của lịch trình và thành tựu của thư pháp Việt Nam. Từ Lý đến
Trần, Hồ, Lê, Trịnh, Mạc, Tây Sơn và Nguyễn, ngoài văn bia, còn có thể tìm
trong di tích tôn giáo, lịch sử, văn hóa, trong hoành phi câu đối, rồi trong
kho thư tịch Hán Nôm... với số lượng văn bản viết tay nhiều hơn văn bản khắc
in, lại phong phú hơn về các tay bút.
Trong
thời gian giảng dạy tại Bộ môn Hán Nôm, chúng tôi cũng từng bàn đến hoạt động
thư pháp và sáng tác thể loại văn học cổ như câu đối chữ Hán, chữ Nôm nhưng vì
thời lượng có hạn, người dạy thư pháp cũng thật hiếm hoi. Trong đó quan niệm về
thư pháp và sáng tác thể loại văn học cổ thật sự mờ nhạt trong quan niệm chung
của Ngành Hán Nôm. Điều đó, cũng có sự đương nhiên tất dẫn đến hoặc chưa được
coi trọng đúng mức, cho nên bằng con đường riêng chúng tôi đã tìm cách đưa hoạt
động thư pháp từng bước đi vào Ngành Hán Nôm. Chúng tôi đã mở đầu bằng việc mời
cụ Lê Xuân Hòa, nhà thư pháp lão thành tham gia giảng dạy thư pháp trong các
buổi chúng tôi giảng Hán văn thời Lê. Công việc được tiến hành tại Trường Đại
học KHXH&NV và Trường viết văn Nguyễn Du - nơi chúng tôi được thỉnh giảng.
Chúng tôi đã giành một ít thời gian cho việc học viết thư pháp và thường thực
hiện vào đầu hoặc cuối buổi học, rất may là thời gian này Cụ Lê Xuân Hòa còn
khỏe và đi lại rất nhanh nhẹn, Cụ lại rất hào hứng trong các buổi giảng, mà các
học viên thì thật sôi động. Tôi không thể nào quên được vóc dáng mạnh khỏe, mái
đầu bạc phơ của cụ Hòa giữa lớp sinh viên Hán Nôm non trẻ này. Bài giảng là bài
thơ hay một đoạn văn nào đó, tôi thường đưa trước để cụ viết ra giấy rồi photo
để phát cho sinh viên, trên lớp cụ viết trên giấy gió, giấy photo đồng thời
giảng cách viết các nét, các thể chữ. Tôi thật không ngờ thư pháp lại có sức
hấp dẫn đối với sinh viên Ngành Hán Nôm và các nhà văn tương lai đến như vậy.
Cụ Hòa thực hiện cũng chỉ được một số khóa ở Trường Đại học KHXH&NV, còn ở
Trường viết văn Nguyễn Du thời lượng lại ít hơn. Sau tôi cổ vũ sinh viên lớp
trên hướng dẫn lớp dưới, người viết khá hướng dẫn người mới học. do vậy, đã dần
hình thành các nhóm, có khi gọi hẳn là lớp, thu hút cả sinh viên ngoài chuyên
ngành. Có nhiều năm hoạt động hè, sinh viên Ngành Hán Nôm thực hiện hướng dẫn
Hán Nôm cho học sinh phổ thông ở ngoại thành Hà Nội do trường phổ thông ở địa
phương tổ chức hoặc Cung thiếu nhi tổ chức. Các buổi khai mạc, tổng kết lớp học
chúng tôi cùng đại biểu của nhà trường đều đến dự. Một thời sôi nổi các hoạt động
thư pháp với các nhóm viết của các khóa 40, 41, 42… tiêu biểu là ThS Nguyễn
Quang Thắng (hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm), Nguyễn Văn
Nguyên, ThS Phạm Văn Ánh (Viện Văn học), Nguyễn Đức Dũng rồi Nguyễn Đạt Thức
(Cục Di sản), TS Trần Trọng Dương, TS Nguyễn Tô Lan, ThS Phạm Văn Tuấn, CN
Nguyễn Văn Thanh… (Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Các sinh viên ở lại Trường làm cán
bộ giảng dạy Hán Nôm cũng thường là những người có khả năng thư pháp tốt như
ThS Đinh Thanh Hiếu, TS Nguyễn Tuấn Cường. Có thể nói, đây là những người “văn
hay chữ tốt”. Họ đã cùng nhau từng viết chữ và tổ chức được một số cuộc triển
lãm, trưng bày thư pháp, lấy chủ đề Tôn sư trọng đạo nhân ngày Nhà giáo
Việt Nam 20/11, Tết –Xuân, Chào mừng năm học mới… Các bản
viết thư pháp chữ Hán chữ Nôm trên giấy gió đều được bồi thành trục cuốn hay
viết trên giấy, trên bìa màu cho vào khung kính. Theo đà đó, nhiều triển lãm đã
được thực hiện tại Trường Đại học KHXH&NV, làm tăng thêm sức hấp dẫn lôi
cuốn của Ngành Hán Nôm. Sau này, hoạt động thư pháp còn đi vào chiều sâu để
phục vụ học tập và tuyên truyền những nét hay đẹp của di sản Hán Nôm, đồng thời
hoạt động này còn vượt khỏi khuôn khổ của Trường Đại học KHXH&NV, lan tỏa
ra tới các tỉnh có truyền thống văn hóa Hán Nôm như Hải Dương, Hưng Yên, Huế.
Từ
khi Bộ môn Hán Nôm kết hợp với Câu lạc bộ Thư pháp của UNESCO Việt Nam thì hoạt
động thư pháp của Bộ môn Hán Nôm đã được sự ủng hộ của cả Trường ĐHKHXH&NV
và Hiệp hội UNESCO. Bộ môn đã đón 2 đoàn thư pháp đến từ Trung Quốc đại lục,
mỗi đoàn trên 50 thành viên, mỗi người đều có một vài tác phẩm để trưng bày tại
Trường. Cán bộ và sinh viên Ngành Hán Nôm và nhiều ngành khác trong Trường có
dịp được thưởng thức thư họa của nhiều nhà thư họa đương đại Trung Quốc; đặc
biệt là Đoàn thư pháp do nhà thư họa Dương Trung Tử, Phó chủ tịch Hội thư họa
Bắc Kinh, thuộc học phái của Từ Bi Hồng dẫn đầu, với hơn 70 nhà thư họa của Thủ
đô Bắc Kinh, các Thành phố như Thượng Hải, Thâm Quyến, các tỉnh như Quảng Đông,
Quảng Tây, khu Nội Mông; trong đoàn có nhà thư họa lão thành Trịnh Kính Đài là
hậu duệ của nhà thơ Trịnh Bản Kiều. Đoàn đã tặng Đại hoc Quốc gia nhiều bức thư
họa (Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQG hiện lưu giữ những bức thư họa có giá
trị ấy).
Hoạt
động thư pháp còn được thực hiện tốt khi Bộ môn Hán Nôm có sự quan tâm đầu tư
của ĐHQG Hà Nội và Trường Đại học KHXH&NV trong Dự án phát triển Hán Nôm
học. Trong hai năm này, Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cố Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn
Đạo đã trực tiếp chỉ đạo dự án thực thi tại thành phố Huế, nơi chúng tôi xác
định là một vùng văn hóa Hán Nôm tiêu biểu (trừ một số tháng Huế bị mưa
lụt nặng làm gián đoạn phải chuyển hoạt động về Hải Dương - cũng là một trong
số những vùng văn hóa Hán Nôm với nhiều nhà khoa bảng và tác gia Hán Nôm nhất).
Có được dự án này, trước nhất Bộ môn Hán Nôm được trang bị phòng, phương tiện,
máy móc, tư liệu. Riêng tư liệu tra cứu Hán Nôm được ưu tiên, trong đó có bộ Trung
Hoa văn hóa thông điển gồm gần 100 tập có giá trị cho tham khảo nhiều vấn
đề điển chế quốc gia, văn hóa, giáo dục, phong tục.
Sau
này Bộ môn Hán Nôm xây dựng được đề tài cấp quốc gia về Bảo vệ và khai thác
Văn hóa Hán Nôm Huế. Đề tài đã tiếp tục thực thi hoạt động thư pháp như
in carte chúc mừng năm mới, sáng tác câu đối theo chủ đề thông qua thư pháp và
sáng tác văn học để tuyên truyền kiến thức Hán Nôm, nét đẹp của văn hóa Hán Nôm
trong Ngành, trong Trường.
Trong
thời gian thực hiện đề tài “Văn hóa Hán Nôm Huế”, cùng với Hội thảo quốc gia về
Bảo tồn và phát huy di sản Hán Nôm ở Huế, chúng tôi đã thực hiện
một cuộc trưng bày về tư liệu Hán Nôm quý hiếm và thư pháp tại Huế, đã hỗ trợ
một phần kinh phí cho một số công trình ra đời như: Võ cử của TS Nguyễn
Thúy Nga, bản dịch tập thơ của Hoàng đế Minh Mạng do nhà nghiên cứu Hán Nôm
Phan Thuận An dịch, tập thư pháp do tay bút thư pháp Nguyễn Phước Hải Trung của
Huế viết. Đề tài cũng đưa được 3 đoàn sinh viên vào Huế thực tập tốt nghiệp, đã
có 20 khóa luận tốt nghiệp, 6 luận văn Thạc sĩ của Ngành Hán Nôm khảo cứu về
các di tích Huế và thư tịch triều Nguyễn… Tất cả những hoạt động và thành tựu
của Ngành Nôm nói trên, chúng tôi đều tạo điều kiện để thư pháp - môn nghệ
thuật đặc thù đầy sức hấp dẫn thu hút xã hội và mở đường cho nhiều hoạt động
Hán Nôm của mình.
Trong
hoạt động thư pháp của Bộ môn Hán Nôm không thể quên được các hoạt động hợp tác
giữa Trường Đại học KHXH&NV - CLB UNESCO THƯ PHÁP VIỆT NAM với Học hội
thư pháp truyền thừa Đài Bắc do GS Phan Khánh Trung làm Hội trưởng. Người mở
đầu cho sự hợp tác này là nhà thư pháp lão thành Lê Xuân Hòa, sự hợp tác được
thực hiện và duy trì bởi Trường Đại học KHXH&NV. Các chương trình hợp tác
trong nhiều năm đã làm được nhiều việc liên quan đến bồi dưỡng kiến thức thư
pháp, thưởng thức thư pháp. Phía Đài Loan đã 4 lần cử đoàn đến thăm và giao lưu
thư pháp tại Việt Nam.
Việt Nam cũng cử một đoàn thư pháp do ĐHQGHN dẫn đầu sang thăm và nghiên cứu
thư pháp tại Đài Bắc. Trong 4 lần sang thăm Việt Nam, Đoàn thư pháp Truyền thừa
đã phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN thực hiện cuộc giao lưu
giữa nhà thư pháp Lê Xuân Hòa với GS Phan Khánh Trung tại Văn Miếu - Quốc Tử
Giám, 3 lần thực hiện chương trình đào tạo thư pháp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
và Trường Đại học KHXH&NV; BGH Nhà trường và Hội thư pháp Đài Bắc đã kết
hợp cấp chứng chỉ cho các học viên. Học hội truyền thừa và CLB UNESCO đã phối
hợp cấp chứng nhận cho các hội viên của Học hội thư pháp Truyền thừa có tác phẩm
tham gia triển lãm tại Việt Nam.
Ở
phần này, xin có mấy điểm nhấn mạnh:
-Gắn
với văn tự Hán Nôm là thư pháp Hán Nôm - môn nghệ thuật chữ viết đặc thù. Nó
không chỉ có ý nghĩa văn hóa mà còn có ý nghĩa khoa học vì việc học và phiên
dịch cổ văn còn phải giải mã văn tự, đó là các thể chữ khó đọc như: hành, lệ,
triện, đặc biệt là thảo; do vậy, khó có thể tách rời thao tác thư pháp trong
quá trình nhận diện văn tự.
-Phong
trào thư pháp không chỉ khơi dậy tình yêu và cảm hứng với môn nghệ thuật viết
chữ tại Trường Đại học KHXH&NV, mà còn mở rộng tinh thần ấy ra toàn ngành
Hán Nôm.
-Phong
trào đó đã tạo ra một số cây viết thư pháp tốt, nếu được bồi dưỡng tiếp tục thì
có thể trở thành những nhà thư pháp. Tôi rất vui mừng khi Bộ môn Hán Nôm đã đưa
vào chương trình giảng dạy chính thức môn thư pháp, đó là sự khẳng định vị trí
của môn học này trong hệ thống các môn học của Ngành Hán Nôm.
Về sáng tác theo thể loại văn học cổ:
Trong
di sản Hán Nôm, di sản văn học chiếm số lượng lớn, trong đào tạo văn học, Hán
Nôm cũng được ưu tiên sử dụng. Với đặc trưng văn là sản phẩm của tư duy hình
tượng, gắn bó với thể loại văn học trung đại, cho nên trong nghiên cứu, dịch
thuật và giảng dạy, chúng tôi luôn chú ý đến đặc trưng đối ngẫu trong các thể
loại này. Chúng tôi chú trọng làm quen với câu đối vì câu đối là đơn vị nhỏ
nhất để làm các thể biền ngẫu như thơ, phú, văn tế… Tất nhiên làm các thể loại
này khó có thể đặt ra trong đào tạo Hán Nôm thời nay, vì mục tiêu học Hán Nôm
lấy nghiên cứu di sản và dịch thuật là chính, chỉ đến một lúc nào đó, khi người
làm Hán Nôm phải giải quyết những vấn đề mang tính văn hóa như sáng tác câu
đối, đại tự cho những di tích mới, làm minh văn cho những chuông mới đúc, thì
công việc đó mới được đặt ra cấp thiết. Ai có thể làm thay các nhà Hán Nôm học?
Mặt khác, khi dịch thuật các thể loại văn biền ngẫu, để truyền đạt được nội
dung, chất lượng nghệ thuật, dịch giả không thể không chú ý đến việc dịch theo
thể loại. Muốn làm được điều đó trong học tập của sinh viên cũng như trong
nghiên cứu của cán bộ, thì cần phải giành thời gian để học và thao tác về thể
loại, trước tiên và cơ bản nhất là câu đối.
Có
lẽ một trong những người thầy ở thời khai cơ tại Bộ môn Hán Nôm là thầy Nguyễn
Đình Thảng. Thầy rất chú trọng việc giảng dạy và sưu tầm câu đối, trong tủ sách
Hán Nôm của Thầy tôi đã thấy những tập câu đối sưu tầm, có cả tập câu đối tại
các nhà thờ Thiên chúa giáo. Tôi cũng thường nhận được những câu đối mừng xuân,
tặng bạn, kể cả những câu về xử thế nhân sinh. Tôi nhớ trong Lễ kỷ niệm 25 năm
thành lập Ngành Hán Nôm cách đây 15 năm, Thầy có làm một bài văn về chứa sách,
đọc sách, một bài văn có nhiều câu biền ngẫu. Thầy cũng làm đôi câu đối bằng
chữ Hán trưng bày cùng với nhiều câu đối khác. Nhiều câu đối Thầy tặng cho tôi
đã khắc ghi dấu ấn của những chặng đường từ ngày học lớp Văn Khóa 8 đến những năm
tháng cùng nhau thực hiện đề tài “Văn hóa Hán Nôm ở Huế”, đậm đà tình cảm và
học thuật.
Đối
với ngành Hán Nôm, đợt sáng tác câu đối, đại tự cho 4 ban thờ các Hoàng đế Lý
Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An
tại hậu đường nhà Thái học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là một việc làm khó
khăn và mang nhiều kỷ niệm. Trường Đại học KHXH&NV được Sở văn hóa, UBND
Thành phố Hà Nội giao cho thực hiện công việc này trong khoảng thời gian chưa
đầy một năm để cho kịp Đại lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội. Nhà trường đã
thành lập ban điều hành gồm đại diện hành chính, tổ chức, Khoa Lịch sử, Khoa
Văn học, đại diện của Bộ môn Hán Nôm. Một kế hoạch đã được phác thảo nhằm sưu
tầm tư liệu về 4 danh nhân tại di tích, thư tịch; gửi thư mời tham gia sáng tác
tới nhiều cơ quan và các cá nhân trong cả nước; tổ chức hội thảo sau khi đã
nhận được những tác phẩm sáng tác của các nơi gửi về..., bố trí phòng thường trực
cho ban thư ký để trao đổi, tiếp nhận ý kiến... dưới sự chỉ đạo trực tiếp của
Hiệu trưởng. Bước tiến quan trọng là thành lập Hội đồng khoa học để đánh giá và
tuyển chọn cấc câu đối và đại tự cho từng ban thờ. Hội đồng đã mời được các
thành viên là giáo sư, phó giáo sư của 2 ngành Hán Nôm và Văn học cổ của Trường
Đại học KHXH&NV, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ,
Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học. Cuộc tuyển chọn đã tiến hành ở 2 cấp:
cấp Trường và cấp Thành phố, phương pháp tuyển chọn dựa trên cơ sở Hội đồng
thảo luận, phân tích rồi bình chọn. Kết quả, trong số 100 câu đối và gần 100
đại tự từ các nơi gửi về, chỉ có 4 đôi câu đối, 4 đại tự được tuyển chọn, trong
đó đã có 3 câu đối, 3 đại tự do Bộ môn Hán Nôm sáng tác và xác lập. Trước khi
đem khắc các câu đối và đại tự đã được triển lãm một thời gian để lấy ý kiến
đóng góp của đông đảo các nhà khoa học có quan tâm.
Sau
này Bộ môn Hán Nôm còn tham gia sáng tác câu đối và đại tự cho các di tích ở Hà
Nội và các tỉnh khác.
Hoàn
thành những công việc trên mới chỉ là những cố gắng ở từng cá nhân, từng nhóm.
Việc này cần phải hiện thực hóa trong chương trình đào tạo của Ngành thì mới
mong có lực lượng, qua đó có kế nối, duy trì lâu dài và tạo thành nếp văn hóa.
Nhìn
chung, trong sự nghiệp phục hưng và phát triển văn hóa dân tộc, nhiều di tích
lịch sử văn hóa tôn giáo được trùng tu, kể cả xây dựng mới đều cần đến một hệ
thống văn tự Hán Nôm, kể cả Quốc ngữ để viết đại tự, câu đối, văn bia, minh
chuông...; trong khi đó các thế hệ am tường Hán Nôm làm việc này thì đã dần
vắng bóng. Vì thế Ngành Hán Nôm, với nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của văn
hóa Hán Nôm trong đời sống hiện đại, cần đào tạo những người có khả năng để đảm
nhận công việc khó khăn trên.
Trong
thực tế đã xuất hiện những sản phẩm tự phát về thư pháp và sáng tác văn chương ra
đời trên khắp các di tích ở các miền. Các văn bản mới ấy thường mắc nhiều sai
sót về ngữ văn Hán Nôm và về thư pháp, do vậy làm giảm giá trị văn hóa của các
di tích. Tình trạng này hình như chưa được các nhà quản lý văn hóa quan tâm
khắc phục, chưa có một quy chế cho việc sáng tác để đưa vào di tich văn hóa
lịch sử. Tôi mong, Bộ môn Hán Nôm và Trường Đại học KHXH&NV chú ý hơn tới
việc đào tạo đội ngũ kế cận, xây dựng lực lượng, ngõ hầu hoàn thành sự nghiệp
bảo tồn, phát huy văn hóa Hán Nôm, cho hôm nay và cho mai sau.
Tháng kỷ niệm Ngành – 11/2012
PGS.TS
Nguyễn Văn Thịnh
Nguồn: Khoa Văn học
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét