Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

LỜI NÓI SUÔNG KHÔNG LỌT ĐƯỢC TAI DÂN!

Lời nói suông không lọt được tai dân!

Thứ Sáu, 16/11/2012 – 07:45

(Dân trí) – Lời nói không đi đôi với việc làm không có cơ hội để tồn tại. Hãy hành động và tạo ra giá trị. Người làm lãnh đạo chỉ thực sự có giá trị khi chính họ tạo ra được giá trị cho đất nước. Chí ít, hành động từ chức cũng là một giá trị.

Người dân quan tâm theo dõi kỳ họp của Quốc hội, đặt biệt là những phiên chất vấn, chứng tỏ chất lượng của dân trí và nhận thức về dân chủ ngày càng cao. Không khí chính trị của đất nước thực sự lành mạnh một khi có sự tham gia một cách tự giác và tự do của dân chúng. Sự tham gia đó được thể hiện bằng cách thông qua đại diện của dân trước nghị trường và đặc biệt là ý kiến đóng góp, phản biện của dân thông qua dư luận, báo chí.

Đại biểu Dương Trung Quốc đặt ra một vấn đề dân rất ưng bụng, đó là đừng nói lời xin lỗi nữa, mà hãy có hành động cụ thể hơn, hãy từ chức nếu như làm không được việc. Quá đúng, từ trước đến nay, lời xin lỗi được đưa ra rất nhiều, có khi bị lạm dụng. Ban đầu dân còn chia sẻ, nhưng nghe hoài cũng nhàm tai. Lời xin lỗi phải đi liền với sửa đổi, phục vụ nhân dân tốt hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, tạo ra thành quả cho đất nước. Nếu không thì xin lỗi chẳng có ý nghĩa gì.

Dư luận đánh giá cao phát biểu chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc. Vấn đề ông Quốc đặt ra nghiêm túc, đúng tâm tư nguyện vọng của dân. Sự quyết liệt đoạn tuyệt với lời xin lỗi là để hướng đến hành động và trách nhiệm trước pháp luật. Những người đang giữ các cương vị lãnh đạo trong hệ thống chính quyền chắc chắn chia sẻ được với điều mà vị đại biểu này đặt ra, để sắp tới, sẽ không còn những lời xin lỗi chung chung. Dân chúng đón nhận một luồng sinh khí mới từ bộ máy công quyền, đó là chỉ có những con người sẵn sàng hành động và dám chịu trách nhiệm.

Lịch sử ghi lại nhiều vị quan cởi ấn từ quan, Chu Văn An, Nguyễn Trãi là những bậc hiền tài có nhân cách như vậy. Dâng “Thất trảm sớ” can vua chém đầu nịnh thần không được là từ quan, tự thấy mình không đủ sức gánh vác việc nước là từ quan. Với những con người này, làm quan là trọng trách, là hy sinh, không phải vì danh lợi. Là nhà sử học, đại biểu Dương Trung Quốc đưa dẫn chứng: “Đảng ta từng có một vị Tổng bí thư, người có công lớn trong Cách mạng Tháng 8-1945, sau khi nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong Cải cách ruộng đất 1956 đã từ chức và tiếp tục phấn đấu để rồi ba thập kỷ sau trở lại với cương vị Tổng bí thư, kịp góp phần khởi động công cuộc Đổi mới trước khi từ trần”.

Những nhân cách lớn đó là những tấm gương sáng cho hôm nay.

Tiếc rằng, trên thực tế vẫn diễn ra “văn hóa chạy chức” nhiều hơn văn hóa từ chức. Nhiều diễn đàn, hội thảo nêu tệ nạn này nhưng chưa hạn chế được. Đặt vấn đề về văn hóa từ chức lúc này tuy muộn mằn nhưng còn hơn không, bởi vì lời nói suông không lọt được tai dân. Với thời đại thông tin ngày nay, con người dễ dàng xác định chân giá trị của cuộc sống. Mọi lời nói không đi đôi với việc làm không có cơ hội để tồn tại dù cho nó được biện minh hay che chắn như thế nào. Cho nên, hãy hành động và tạo ra giá trị. Người làm lãnh đạo chỉ thực sự có giá trị khi chính họ tạo ra được giá trị cho đất nước. Chí ít, hành động từ chức cũng là một giá trị.

Lê Chân Nhân
Nguồn: Dân trí.

 

8 nhận xét :

  1. Những người đương chức hiện nay cần từ chức là:
    - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
    - Thông đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình
    - Bộ trưởng bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng
    - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình.
    Người tài trong số gần 90 triệu dân không thiếu, 5 vị này từ chức không hề ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nhà nước, ngược lại sẽ mang một sinh khí mới, niềm hy vọng mới cho dân VN

    Trả lờiXóa
  2. Lau lam moi doc duoc bai bao "le phai" thay duoc!

    Trả lờiXóa
  3. HP sửa đổi lần này không làm được một cuộc CM thay đổi toàn diện nền chính trị ở nước ta, đưa Đất Nước tiến vào tk 21 dầy sóng gió và đổi thay về mọi phương diện. Đặc biệt tk 21 là tk toàn cầu hóa. Không theo kịp thế giới thì chính hệ thống chính trị lạc hậu sẽ bị đào thải. Đa số dân tiếp cận với mạng internet, nhất là giơi trẻ, thì sự thay đổi càng nhanh. Trong khi nền văn minh KHKT của nhân loại vận hành siêu tốc thì nền chính trị của VN vận hành vói tốc độ rùa bò .
    Những sinh hoạt ở QH khóa họp này đã bộc lộ khá rõ nét hai khuynh hướng trong việc sửa đổi HP. Khuynh hướng bảo thủ và ù lì vẫn còn là số đông trong các ĐBQH. Bảo thủ là những phát biểu vẫn theo lề lối cũ, ù lì là những ĐB không phát biểu, chỉ ngồi gật gù . Theo dõi qua màn hình , tiếc thay thành phần này có cả lớp ĐB trẻ . Còn khuynh hướng thứ hai là những phát biểu quyết liệt, nóng bỏng. Nếu khóa trước có Nguyễn Minh Thuyết thì khóa này ít ra còn có Dương Trung Quốc, Trần Du Lịch, Lê thị Nga, Nguyễn văn Tuyết ... . Qua các buổi họp của QH, người dân thấy ai là ĐB thực sự là của dân và vì dân, ai là kẻ chạy để có chức ĐB . BT nào thực sự có tài, có tâm. Không phải dân theo dõi các vụ chất vấn để nghe cho sướng tai hay coi cho sướng mắt, mà tìm xem QH có phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của n. dân hay không ? BT nào nên tại vị, BT nào nên từ chức . Các BT và ngay cả TTg bị thử thách gắt gao.
    Cái khuynh hướng tất yếu là phải đổi mới hoàn toàn. Đây là thời điểm quyết liệt.

    Trả lờiXóa
  4. Các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Trần Du Lịch, Lê thị Nga, Nguyễn văn Tuyết ...
    Các trí thức như Ngô Bảo Châu, Cù Hà Huy Vũ, Việt Khang, Phương Uyên...
    Sẽ mãi mãi được tin yêu kính trọng trong lòng người dân VN.
    Tham lam, Hèn với giặc, ác với dân mà sao đồng chí cao cấp x,y,z ... còn cố vị huyên hoang - ngạo mạn thế nhỉ?
    Xin cảm ơn bài viết của Lê Chân Nhân!

    Trả lờiXóa
  5. Người không khoanh taylúc 22:01 17 tháng 11, 2012

    Theo tôi nên dùng cụm từ "hội chứng chạy chức", "hội chứng phong bì" thay cho "văn hoá chạy chức", "văn hoá phong bì" dù là trong "...". Tôi rất tán thành nội dung của Lê Chân Nhân.

    Trả lờiXóa
  6. Đến 7:45 sáng nay, chủ nhật 18/11, là bài báo trên Dân Trí "sống" trọn 48 tiếng đồng hồ, với 292 phản hồi mà hầu như tất cả đều tán thành (lúc này còn có 15 phản hồi đang chờ duyệt). Không bị gỡ xuống. Kể cũng lạ. Nhưng nghĩ cho cùng thì chắc là "dịch cùng tắc biến" rồi. Đây quả là thời điểm quyết liệt, không thể không thay đổi. "Đổi mới hay là...".

    Trả lờiXóa
  7. Chỉ có những kẻ mặt dày mới lì lợm bám lấy chức quyền khi bất tài và vô liêm sỉ, tàn phá đất nước và hủy hoại dân tộc.

    Lịch sử dân tộc VN sẽ mãi mãi nguyền rủa những kẻ đó.

    Trả lờiXóa
  8. Tối qua xem thời sự, thấy bên Ai Cập có vụ tai nạn xe bus làm 47 học sinh thiệt mạng, sau đó ông Bộ trưởng giao thông xin từ chức luôn. Nghe đến đó mà nhớ đến nước mình, thở dài...

    Trả lờiXóa