Cùng Anh Phạm Ánh Sao K30 (hiện là Phó Chủ nhiệm Khoa Văn) trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập ngành |
Nhân dịp Kỷ niệm 40 năm thành lập Ngành Hán Nôm (1972 - 2012), nhớ lại thời sinh viên hơn 20 năm trước, xin giới thiệu 02 bài viết của SV Nguyễn Xuân Diện đăng trên Tạp chí Hán Nôm (01 bài năm 1991 và 01 bài năm 1992 - là năm tốt nghiệp)
Bài đăng trên tạp chí Hán Nôm số 2-1991:
VỀ TIỂU SỬ CỦA LÊ ANH TUẤN THƯỢNG THƯ NHÀ THƠ ĐẦU THẾ KỶ XVIII
Nguyễn Xuân Diện
Trên Tạp chí Hán Nôm số 1 (8)-1990 có bài viết Lê Anh Tuấn Thượng thư nhà thơ đầu thế kỷ XVIII của Nguyễn Tuấn Lương. Bài viết đã cung cấp được những chi tiết quan trọng về cuộc đời và sự nghiệp của Lê Anh Tuấn, đồng thời đưa ra nhiều nhận xét thú vị về giá trị nội dung và nghệ thuật thơ của vị quan Thượng thư họ Lê.
Với bài viết lần này, chúng tôi muốn trình bày thêm một vài vấn đề nhằm làm sáng rõ hơn về tiểu sử của Thượng thư - nhà thơ Lê Anh Tuấn.
Về Lê Anh Tuấn, Lược truyện các tác gia Việt Nam (LTCTGVN) của Trần Văn Giáp ghi: “Lê Anh Tuấn, hiệu Dịch Hiên, người làng Thanh Mai, huyện Tiên Phong (?). Không rõ ông sinh và mất năm nào. Năm 1704, ông đậu Tiến sĩ, sau được sang sứ Trung Quốc, làm đến Hộ bộ Thượng thư, tước Điện quận công” (1).
Trước hết, chúng tôi nói về cái dấu hỏi ở đằng sau chữ “huyện Tiên Phong” trong LTCTGVN. Nhiều thư tịch Hán Nôm, nhiều công trình nghiên cứu về địa danh hành chính và các vấn đề khác đã cho biết huyện Tiên Phong thuộc phủ Quảng Oai (có thời thuộc phủ Quốc Oai) trấn Sơn Tây. Chẳng hạn sách Lịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC) của Phan Huy Chú có chép: “Trấn Sơn Tây có 6 phủ, 24 huyện”. Sáu phủ đó là: “Quốc Oai, Tam Đới, Lâm Thao, Đoan Hùng, Quảng Oai và Đà Dương”(2).
Huyện Tiên Phong là một huyện phủ Quảng Oai. Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (Nxb KHXH, 1981) thì trấn Sơn Tây gồm 5 phủ, 24 huyện. Phủ Quảng Oai gồm 4 huyện, 30 tổng, 200 thôn, sách, phố, giáp. Xã Thanh Mai là một trong 6 xã thuộc tổng Thanh Mai, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai.
Sách Địa bạ tỉnh Sơn Tây, biên soạn năm Gia Long thứ 4 (1805) có đoạn chép: Sơn Tây tỉnh, Tiên Phong huyện, Thanh Mai tổng, Mai tri xã địa bạ”. Huyện Tiên Phong cũng trải qua một số lần chuyển đổi theo các đơn vị hành chính khác nhau. Năm 1742 cắt huyện Phúc Lộc của phủ Quốc Oai và huyện Tiên Phong của Tam Đới cho về phủ Quảng Oai.
Như vậy, mặc dù có sự thay đổi, huyện Tiên Phong vẫn nằm trên địa bàn trấn Sơn Tây hoặc tỉnh Sơn Tây.
Chúng tôi cũng đã xem các sách nghiên cứu viết về xứ Kinh Bắc (nay là Hà Bắc), không thấy tên huyện nào là huyện Tiên Phong. Tìm đến huyện Yên Dũng, thấy huyện có 11 tổng 80 xã, phường. Xã Thanh Mai là một trong bảy xã thuộc tổng Đa Mai của huyện.
Sách Lê tộc gia phả ký hiệu A. 2807, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm do Lê Trần Hiệu, người thôn Mai Trai, xã Thanh Mai, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây biên tập năm Gia Long 9 (1810) chép gia phả họ Lê ở thôn Mai Trai, xã Thanh Mai, huyện Tiên Phong, Phủ Quảng Oai (nay là thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây), Thượng thư Lê Anh Tuấn là người trong họ Lê này.
Về năm sinh, năm mất và năm đỗ Tiến sĩ của Thượng thư Lê Anh Tuấn:
Sách Lê tộc gia phả chép rằng: “Tướng công sinh ư Tân Hợi niên, ngũ nguyệt, thập nhất nhật, Dậu thời. Thọ lục thập lục thuế, tốt ư Bính Thìn niên, ngũ nguyệt, thập lục nhật, Tỵ thời”. (Tướng công [Lê Anh Tuấn] sinh giờ Dậu, ngày mười một, tháng năm, năm Tân Hợi (1671); mất vào giờ Tỵ, ngày 16 tháng 5 năm Bính Thìn (1736), thọ 66 tuổi).
Về thân mẫu của Lê Anh Tuấn , Lê tộc gia phả chép rằng bà họ Nguyễn á thất được ấm phong chính thất, húy Thành, hiệu Từ Tuy Phu Nhân. Lê Anh Tuấn là con trai trưởng của bà. Không thấy cuốn gia phả này nói bà quê ở đâu và Lê Anh Tuấn có sinh ở quê mẹ hay không.
Các sách LTHCLC, Lịch triều đăng khoa lục tuy không chép Lê Anh Tuấn sinh năm bao nhiêu, song đều có chép ông đỗ Tiến sĩ năm Giáp Tuất, niên hiệu Chính Hòa 15 (1694). Riêng LTHCLC có chép thêm rằng ông mất năm Bính Thìn (1736), thọ 66 tuổi. Như vậy căn cứ theo các sách này, đối chiếu với Lê tộc gia phả thì thấy năm sinh, năm mất mà Lê tộc gia phả chép là đúng.
Lê Anh Tuấn đỗ Tiến sĩ năm Giáp Tuất niên hiệu Chính Hòa thứ 15 đời Lê Hy Tông (1694) chứ không phải đỗ Tiến sĩ năm 1704 như Trần Văn Giáp chép trong LTHCLC. Tức là Lê Anh Tuấn đỗ Tiến sĩ năm 24 tuổi, chứ không phải là vào năm 33 tuổi.
Về cái chết của Thượng thư Lê Anh Tuấn:
Thái độ của các chúa Trịnh đối với Lê Anh Tuấn có khác nhau. An Đô vương Trịnh Cương (tức Nhân vương) rất quý mến tin dùng ông. Trong phần kể về Nguyễn Công Hãng (tức Sóc Quận công - người được phong quận công cùng Lê Anh Tuấn, cũng là người làm việc trong phủ chúa với Lê Anh Tuấn), sách LTHCLC chép: “Nhân vương rất tin dùng; có khi mới canh năm sai Trung sứ ra vời ông (Nguyễn Công Hãng - N.X.D) và Lê Anh Tuấn vào để bàn việc. Lúc ấy hai ông còn ngủ chưa dậy. Nhân vương ngồi đợi. Khi họ đến, Nhân vương cười bảo: “Vừa rồi cho người đến đánh thức dậy, từ xưa có việc thế không? “Hai ông đều lạy tạ. Chúa cho uống trà, thong thả hỏi các công việc đến trưa mới ra về. Lòng chúa thân mật, khẩn khoản đến như thế” (Sđd. tr. 231).
Cũng sách trên, phần kể về Lê Anh Tuấn có chếp: Ông giữ chức Tể tướng đã lâu, về sau có ý cậy quyền; Thuận vương (tức Uy Nam vương Trịnh Giang) từ lâu đã không bằng lòng. Gặp khi có người gièm rằng lúc trước ông cùng Nguyễn Công Hãng mưu thay đổi ngôi chúa, nên thuận vương thêm ngờ ghét. Năm Giáp Dần (1734) ông bị giáng Thừa Chính Sứ Lạng Sơn. Năm Bính Thìn (1736) chúa bắt ông phải chết. Bấy giờ ông 66 tuổi” (sđd. tr. 231).
LTHCLC còn ghi: “Năm Tân Dậu đời Cảnh Hưng (1741) Ân vương (Trịnh Doanh) lên, trả lại quan tước cũ cho ông, tặng Thái Bảo, thụy là Đạt Nghị”.
Về quan hệ giữa Thượng thư Lê Anh Tuấn với Lê Quý Đôn và Đoàn Thị Điểm:
Hai tài liệu của ông Bùi Hạnh Cẩn là Lê Quý Đôn (Nxb Văn hóa, HN, 1985) và Bà Điểm họ Đoàn (Trung tâm VNKH Văn Miếu, 1988) đều ghi rõ ràng rằng Bà Đoàn Thị Điểm (Hồng Hà nữ Sĩ) là con nuôi của Thượng thư Lê Anh Tuấn. Các tài liệu này còn ghi Nguyễn Kiều (1694-?) lấy con gái của Thượng thư Lê Anh Tuấn (sau bà này mất) Nguyễn Kiều lại lấy Đoàn Thị Điểm (con nuôi của Thượng thư Lê Anh Tuấn. LTHCLC của Phan Huy Chú; Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (Nxb Văn học, HN, 1962) và cả cuốn Lê tộc gia phả (A.2807) (thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm) phần kể về Thượng thư Lê Anh Tuấn và những người có liên quan, đều không thấy ghi chi tiết này. Vấn đề quan hệ giữa Thượng thư Lê Anh Tuấn và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cần phải được các nhà nghiên cứu tìm hiểu và đi đến thống nhất. Nếu việc Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là con nuôi của Thượng Thư Lê Anh Tuấn là có thực mà lại không ghi trong ba sách trên thì đó cũng là thiếu sót của các tác giả.
Các sách mà chúng tôi kể trên cũng không cho biết gì về quan hệ giữa Thượng thư Lê Anh Tuấn và Lê Qúy Đôn.
Về các tác phẩm của Thượng thư Lê Anh Tuấn:
LTHCLC của Phan Huy Chú cho biết Lê Anh Thuấn được sung chức Chính sứ sang Thanh vào năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715). Theo chúng tôi, thì Hầu như thơ của Lê Anh Tuấn được sáng tác trong thời gian đi sứ của ông, những bài thơ đó được chép trong cuốn Toàn Việt thi lụ c ký hiệu A.132 (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm) gồm “17 bài thơ cổ thể và một bài thơ cận thể” mà ông Nguyễn Tuấn Lương đã giới thiệu.
Những ngày cùng đoàn sứ bộ của nước nhà làm công tác ngoại giao với nhà Thanh (Trung Quốc) là những ngày ông sáng tác nhiều. Cảm hứng sáng tác dồi dào giúp ông viết những bài thơ về đất nước Trung Quốc, về nỗi nhớ nhà, nhớ nước và về tình cảm bạn bè. Đáng chú ý là trong các bài này có một số bài tặng, đối đáp, thù tạc với các quan chức lễ tân Trung Quốc, biểu hiện tình cảm tốt đẹp của ông đối với họ. Ngoài các tác phẩm thơ kể trên, Thượng thư Lê Anh Tuấn còn là tác giả của một số văn bia mang ký hiệu 6562, 6563, 7140-41, 5576 (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
Qua phần trình bầy trên đây, chúng tôi muốn làm rõ thêm một số chi tiết về cuộc đời Lê Anh Tuấn - Thượng thư, nhà thơ đầu thế kỷ XVIII, năm sinh, năm mất, quê quán, việc đi sứ và các bài thơ trong thời gian đi sứ; cùng những hành trạng của ông.
CHÚ THÍCH
(1) LTCTGVN, Nxb Sử học, Hà nội, 1971, tr. 285.
(2) LCHCLC, Nxb Sử học, Hà Nội 1960 tập 1. Đến thời Vĩnh Thịnh (1705-1720), bỏ phủ Đà Dương cho huyện Tang Nông về phủ Lâm Thao, cho huyện Bất Bạt về phủ Quảng Oai.
Xin tác giả xem lại Lê Anh Tuấn hay Lê Anh Thuấn?
Trả lờiXóaLTHCLC của Phan Huy Chú cho biết Lê Anh Thuấn được sung chức Chính sứ sang Thanh vào năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715). Theo chúng tôi, thì Hầu như thơ của Lê Anh Tuấn được sáng tác trong thời gian đi sứ của ông, những bài thơ đó được chép trong cuốn Toàn Việt thi lụ c ký hiệu A.132 (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm) gồm “17 bài thơ cổ thể và một bài thơ cận thể” mà ông Nguyễn Tuấn Lương đã giới thiệu.
XóaCHỈ LÀ LỖI TYPO, NHƯNG TRONG BÀI LUẬN VĂN, CẦN SỬA LẠI CHO ĐÚNG.
De nghi Tien sy tim giup tai lieu cua "vi quan thanh liem va tan tuy"(do tac gia Kim Thanh o ban tuyen giao thanh uy Ha noi viet nam 2010)ve cu Pham van Toan,co van bia cua cu o den Tran Nam dinh.
Trả lờiXóaVoi chuc danh la"Thai tu Thieu bao Hiep ta Dai hoc si PHAM VAM TOAN"Chinh la ong noi cua toi.
Tien sy tim tai lieu va dich giup ra tieng Viet,gia toc toi tran trong cam on.
Truoc khi di tim de nghi tien sy doc bai cua Kim Thanh truoc de hieu ro ve vi quan nay;da tung danh "giac co den" va chuyen doi dat cho dan oan...