Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

GS. NGUYỄN MINH THUYẾT NÓI VỀ VĂN HÓA TỪ CHỨC

GS Nguyễn Minh Thuyết:

"Từ khi tôi tham gia QH đến nay, chưa thấy trường hợp nào tự nguyện từ chức"

Thứ năm 01/11/2012 07:01 

"Một số vị không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra sai sót rất lớn vẫn không chịu từ chức, dù đại biểu Quốc hội đã gợi ý đến nơi đến chốn. Có thể vì đặt sĩ diện cá nhân cao hơn trách nhiệm với công việc, đất nước, với nhân dân. Nhưng cũng có thể vì chức tước gắn chặt với bổng lộc".

Đó là chia sẻ của GS. Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Infonet về văn hóa từ chức và việc bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo.

- Từ trước đến nay, có rất ít lãnh đạo dính sai phạm đủ dũng cảm từ chức. Theo GS, từ chức có phải là một biểu hiện của văn hóa lãnh đạo không? 

Từ xưa tới nay, dù ở nước ta hay nước ngoài, người ta thường có rất nhiều lý do từ chức. Có người từ chức vì thấy mình không đủ sức khỏe để tiếp tục công việc. Có người từ chức vì không đồng tình với cách làm việc hoặc chủ trương công tác của cấp trên. Cũng có người từ chức vì thấy không đủ năng lực thực hiện công việc mình đang làm. Cuối cùng, có người từ chức là để chịu trách nhiệm trước hành vi sai trái của bản thân hay trước một khuyết điểm rất lớn ở trong đơn vị, trong ngành họ phụ trách.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Sai phạm nhiều nhưng chưa thấy ai tự nguyện từ chức. Ảnh LAD
Tự nguyện từ chức trong trường hợp nào cũng là biểu hiện của văn hóa. Nhưng từ khi tham gia Quốc hội (QH), tôi chưa thấy trường hợp nào tự nguyện từ chức cả.
 

Một số vị không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra sai sót rất lớn vẫn không chịu từ chức. Phải chăng họ chưa đạt được trình độ văn hóa tương xứng với cương vị cao của mình?
 
- Nghĩa là người đáng phải từ chức chưa thực sự có trách nhiệm với công việc, với người dân và với chính bản thân mình? GS có cho rằng sự "tham quyền cố vị" bắt nguồn từ nguyên do “chạy chức chạy quyền”? 

Khi một người không đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ hoặc có những lỗi lầm lớn mà vẫn không từ chức thì cũng có rất nhiều lý do. Lý do dễ hiểu nhất là đặt sĩ diện của mình cao hơn trách nhiệm với công việc, với đất nước và nhân dân. 
Tự nguyện từ chức trong trường hợp nào cũng là biểu hiện của văn hóa. Một số vị không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra sai sót rất lớn vẫn không chịu từ chức, dù đại biểu Quốc hội đã gợi ý đến nơi. Phải chăng họ chưa đạt được trình độ văn hóa tương xứng với cương vị cao của mình?(Nguyễn Minh Thuyết)
Nhưng có một lý do quan trọng khác chỉ người trong cuộc mới hiểu cặn kẽ, đó là sợ mất bổng lộc. Bây giờ chuyện chạy chức chạy quyền không hiếm. Bỏ tiền ra chạy chức quyền, người ta phải thu lại được cái gì từ chức vụ ấy. Vì thế, từ chức có nghĩa là không còn cơ hội để “gặt hái” nữa. Mấy ai muốn dừng khi đang “gặt hái” dễ dàng? 

- Trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chúng ta thường thấy các tân Bộ trưởng, người đứng đầu ngành hứa rất nhiều, ngược lại các Bộ trưởng, người đứng đầu ngành lâu năm thường tiết kiệm lời hứa. Vì sao lại có hiện tượng này? GS có hài lòng với những hành động cụ thể sau những lời hứa của họ?

Tôi thấy phần lớn các Bộ trưởng, người đứng đầu ngành khi đã hứa trước QH thường tìm cách chỉ đạo, triển khai công việc để thực hiện lời hứa. Nhưng cũng phần lớn không thực hiện được hoặc không thực hiện được đầy đủ lời hứa của mình. Trước hết, vì bản thân họ không đủ năng lực chỉ đạo, triển khai công việc.

Thứ hai, vì họ không gỡ được những vướng mắc của cơ chế để thực hiện lời hứa của mình.


Ví dụ, khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Vương Đình Huệ có ý kiến rất thẳng thắn về giá xăng và thể hiện rõ quyết tâm giải quyết chuyện này. Nhưng rồi, mọi việc đâu vẫn đóng đấy, thậm chí còn tệ hơn trước. Tôi tin Bộ trưởng Huệ có tâm và có tài, nhưng ông phải bó tay chắc vì không gỡ nổi những mối dây rợ lằng nhằng.
 
"Ngoài bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm, QH cũng cần bỏ phiếu tín nhiệm bất thường". Ảnh LAD

Thường những “tư lệnh ngành” mới nhận nhiệm vụ sẽ có nhiều nhiệt huyết, nghĩ ra nhiều kế hoạch, hứa cũng nhiều. Trái lại, các vị “tư lệnh” lâu năm thường không chịu hứa, hứa rất nhỏ giọt, hay "hứa một đằng làm một nẻo" chỉ để chứng tỏ là đã làm. Để giải quyết vướng mắc này, theo tôi, QH phải ra nghị quyết sau mỗi phiên chất vấn, chứ không thể phụ thuộc vào thiện chí của người trả lời chất vấn. Nghị quyết phải xác định trách nhiệm thuộc về ai, trên cơ sở đó yêu cầu người được chất vấn phải làm gì. 

- Không giống như văn hóa từ chức, khái niệm “nhận lỗi” thường được nhắc đến nhiều. GS bình luận gì về cách “nhận lỗi” của những người có trách nhiệm? 

Qua truyền hình, tôi đặc biệt ấn tượng với các vị lãnh đạo chính quyền và công ty ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu có lỗi, họ thường xin lỗi rất đàng hoàng, thậm chí còn cúi thấp đầu để xin lỗi. Ở phương Tây cũng vậy: Người có lỗi phải chân thành nhận lỗi. Đó là biểu hiện trình độ văn hóa cao.

Nước ta vẫn tự hào là một nước ngàn năm văn hiến, nhưng không hiểu sao việc nhận lỗi khó thế. Phổ biến nhất là làm ngơ. Thứ hai là đổ lỗi. Ngành này đổ lỗi cho ngành kia. Hết cách thì đổ cho cơ chế. Đổ cả cho QH (vì QH ban hành luật). Thậm chí đổ … cho Trời, cho Dân. 


Vừa qua, tại phiên bế mạc Hội nghị TƯ 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Trung ương, Bộ Chính trị chân thành và nghiêm khắc nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân vì những sai lầm, yếu kém trong lãnh đạo đất nước, để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng tràn lan và suy thoái, biến chất trong "một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên". Tiếp đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhận lỗi và nhận trách nhiệm về những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ và cá nhân trong điều hành kinh tế-xã hội. Theo tôi, nhận lỗi một cách chân thành là biểu hiện của văn hóa. Tuy nhiên, điều người dân cần và quan tâm không chỉ là việc nhận lỗi mà quan trọng hơn là những hành động thực tế thể hiện sự nghiêm khắc với lỗi của mình và hành động để khắc phục, sửa lỗi. Người dân sẽ theo dõi, giám sát thường xuyên việc này.

- GS đánh giá thế nào về việc bỏ phiếu tín nhiệm mà Quốc hội đang thảo luận?

Tôi được biết, theo dự thảo được trình ra Quốc hội, việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành hằng năm với bốn mức đánh giá: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp và tín nhiệm rất thấp. Việc chia ra nhiều hạng mức tín nhiệm như vậy sẽ giảm nhẹ quyền lực của Quốc hội và sẽ "cứu" được nhiều người thoát khỏi việc miễn nhiệm. Vì chỉ trong trường hợp bị quá nửa tổng số đại biểu QH bỏ phiếu tín nhiệm ở mức rất thấp (mức cuối cùng) thì mới bị xem xét miễn nhiệm. Mà tâm lý của người bỏ phiếu khi có bốn mức đánh giá thì thường cũng chỉ đánh giá đến mức “tín nhiệm thấp” là cùng. 

Việc chia ra nhiều hạng mức tín nhiệm khi bỏ phiếu sẽ giảm nhẹ quyền lực của Quốc hội và sẽ "cứu" được nhiều người thoát khỏi việc miễn nhiệm. Vì chỉ trong trường hợp bị quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bị ở mức rất thấp (mức cuối cùng) thì mới bị xem xét miễn nhiệm. Mà tâm lý của người bỏ phiếu khi có bốn mức đánh giá thì thường cũng chỉ đánh giá đến mức “tín nhiệm thấp” là cùng.

Trên thế giới chưa có nước nào bỏ phiếu kiểu như thế. Họ chỉ đưa ra hai lựa chọn cho đại biểu trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm: đồng ý hoặc không đồng ý. Thế thôi. 

Theo tôi, khi bỏ phiếu tín nhiệm, chỉ nên có hai lựa chọn: tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Người nào không được hơn 50% tổng số ĐBQH tín nhiệm thì nên từ chức, nếu không, sẽ được xem xét việc miễn nhiệm. 

Ngoài bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm, QH cũng cần bỏ phiếu tín nhiệm bất thường. Nếu một cơ quan của QH hoặc 1 ĐBQH đề xuất và được tối thiểu 2 ĐBQH khác ủng hộ thì QH phải biểu quyết xem có tán thành đề xuất của ĐB không; nếu có tối thiểu 20% ĐBQH ủng hộ thì QH sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm.  

Nhưng quan trọng nhất là phải để ĐBQH được thể hiện chính kiến của mình. Nếu luật quy định rồi mà cứ mỗi lần bỏ phiếu lại “định hướng” thì rất khó để ĐBQH thực hiện quy định của pháp luật và thể hiện ý chí của cử tri. Cần phải tin và tôn trọng ĐBQH. Mỗi đại biểu đã được dân lựa chọn vào QH sẽ phải có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân chứ không thể bỏ phiếu tín nhiệm tuỳ tiện được.

-Xin cảm ơn GS!

8 nhận xét :

  1. Văn hóa Việt Nam ngàn đời nay đã gắn liền với câu chuyện Chú Cuội rồi... Đừng có nằm mơ jữa ban ngày bác Thuyết ơi.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi vô cùng thất vọng kể từ khi bác Thuyết không tham gia ĐBQH khoá 13.Bác là một đại biểu vừa có Tâm,vừa có Tài, lại còn có Tầm nữa... Tại sao lại thế hả anh Lâm Khang?

    Trả lờiXóa
  3. Trong tất cả các đại biểu quốc hội, tôi chỉ ngưỡng mộ duy nhất bác Thuyết mà thôi. Bác thật sự là 1 người đại biểu của nhân dân đúng nghĩa.

    Trả lờiXóa
  4. VN ta có bắt họ từ chức họ cũng không từ mà còn chẳng làm gì họ được, vậy mà bác Thuyết còn nói về VH từ chức để làm gì? Cái VH thông thường họ cũng không đủ chuẩn thì chẳng bao giờ có VH từ chức cả.Kính bác!

    Trả lờiXóa
  5. VN ta có lịch sử 4 ngàn năm văn hiến, nhưng tiếc thay rất ít người có chức có quyền ngày nay tiếp thu và thực hành văn hiến đó. Ngày xưa học chữ thánh hiền, người làm quan luôn lấy phương châm tu ( thân ), tề ( gia ), trị ( quốc ), bình ( thiên hạ ) làm kim chỉ nam, ngày nay không có như vậy.
    Hơn nữa các vị có chức có quyền mà không có toàn quyền , cho nên thấy lỗi không phải chỉ là của mình mà còn nhiều vướng mắc khác mà mình không gỡ được, thế thì vạ gì mà từ chức, chẳng có lợi gì .
    Ở các nước TBCN, uy tín cá nhân rất quan trọng, những người có tài nhiều khi không ham cái chức BT, ngay cả chức TTg. Khi họ được mời ra làm việc họ đòi phải làm theo kế hoạch của họ . Không được là họ từ chức . Từ chức họ đâu có thất nghiệp . GS lại trở về GS, BS lại trở về BS !

    Trả lờiXóa
  6. Tôi xin nói trại hai câu ca dao:

    Bao giờ rau diếp làm đình
    Gỗ lim làm ghém thì mình từ quan.

    Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
    Sáo đẻ dưới nước quan ta mới về.

    Trả lờiXóa
  7. Đinh Lê

    Nói tới nói lui rồi tất cả cũng tránh cái gốc của vấn đề. Việt Nam đâu có tam quyền phân lập, đảng ngồi trên tất cả, trên cả luật pháp, trên cả đất nước, trên cả dân tộc, với điều 4 hiến pháp do đảng đặt để. Quốc hội có phải của dân đâu, các vị đại biểu đều là đảng viên và do đảng đặt ngồi vào đấy đó chứ. Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng vậy thôi, nhưng chỉ vì ông hơi cứng đầu nên đảng cho ông ra rìa đó thôi. Đảng đặt đâu đại biểu ngồi đấy, từ chức sao được khi đảng chưa cho phép. Đừng có lấy cái văn hóa từ chức của "văn hóa tư bản giẫy chết" mà so sánh với cái "văn hóa đảng văn minh đỉnh cao". Ở các nước tư bản người dân bầu lên chính quyền bằng lá phiếu cho nên cho nên người dân cũng có thể phế truất bằng lá phiếu. Có thấy lão Obama chạy có cờ để kiếm phiếu của người dân Mỹ không? Kỳ này nếu dân Mỹ bỏ phiếu cho Romney thì Obama bị đá ra khỏi Nhà Trắng ấy chứ. Còn ở xứ mình , ối dào, mọi người đều biết cả đấy, vậy mà nói chuyện làm như tổ chức công quyền của mình cũng giống như các nước dân chủ tư bản. Nói trắng ra là không dám đụng tới ông "ĐẢNG" nên chỉ nói những điều viễn vông, vớ vẩn. Đảng cơ cấu đâu thì ngồi đấy mà an hưởng và trung thành với đảng, ăn nói bậy bạ như Nguyễn Minh Thuyết thì đảng đá đít cho ra rìa cạp đất, nói chuyện từ chức ở xã hội "xạo hết chỗ nói" nghe mà buồn cười.




    Trả lờiXóa
  8. Với uy tín của mình, tôi đề nghị, và rất mong cựu ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết hãy lên tiếng mạnh mẽ cho tự do của nhạc sĩ Việt Khang, và sinh viên Phương Uyên

    Trả lờiXóa