Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

GS ĐẶNG HÙNG VÕ: 3000 VĂN BẢN NHƯ CÁ NẰM TRÊN THỚT

GS. Đặng Hùng Võ: “Tốt nhất là Chính phủ đặt thẳng vấn đề sang Quốc hội, Ủy ban Thường vụ có một nghị quyết công nhận những cái lệch thẩm quyền ấy vì đều là những việc đã giải quyết lâu rồi.”
“Văn Giang chỉ là một trường hợp. Phải giải quyết sớm, không thể cứ mãi lùng bùng với hơn 3000 văn bản này được. 3000 văn bản như cá nằm trên thớt. Và bất kì dự án nào có chuyện, người ta cũng có thể lôi ra việc trình và kí không đúng thẩm quyền. Giải quyết một lần cho xong, thật gọn ghẽ.”

Vụ Văn Giang: ‘Kí cấp tập không vì khuất tất’


VNN - Thừa nhận trình sai thẩm quyền và có chuyện trình kí cập tập những ngày cuối cùng khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực trong dự án Văn Giang, cựu Thứ trưởng TN-MT Đặng Hùng Võ khẳng định, việc này không vì chạy dự án.

Không vì chạy dự án

Ngày 8/11 vừa qua ông đã có cuộc đối thoại với bà con Văn Giang liên quan đến trách nhiệm cá nhân của ông trong việc trình và quyết định dự án này, chỉ vài ngày trước khi Luật Đất đai 1993 hết hiệu lực. Tờ trình cách đây đã nhiều năm, điều gì khiến ông quyết định lựa chọn đối thoại với người dân?


Người dân đã rất nhiều lần gọi điện, nhắn tin muốn đối thoại về pháp luật với các văn bản liên quan đến dự án Văn Giang. Tôi nhiều lần nói: bây giờ tôi về hưu rồi, đối thoại thì có giải quyết được vấn đề gì không. Cuối cùng, người dân viết thư yêu cầu phải đối thoại. Họ yêu cầu đối thoại trực diện, trong trường hợp e ngại thì có thể viết thư trả lời. Và tôi chọn cách tiếp cận thứ nhất. Bởi mình không có gì phải sợ sệt cả.

Cựu Thứ trưởng TN-MT Đặng Hùng Võ. Ảnh: Lao động

Hơn nữa đã đối thoại với dân thì phải đàng hoàng, quan điểm là như vậy.

Tôi báo cáo Bộ trưởng TN-MT là có việc như vậy, ý của tôi là cũng muốn gặp dân nói chuyện. Về mặt pháp luật, tôi trên tinh thần giữ quan điểm của bộ TN-MT, còn trong quá trình đối thoại cũng có những điều phải điều chỉnh.

Trên tinh thần ấy, Bộ trưởng đồng ý.

Cụ thể, những vấn đề pháp luật được người dân Văn Giang nêu và đối thoại với ông là gì?

Thứ nhất, tôi thấy cần giải thích cho dân rõ những dự án như thế này sẽ có người mất đất, người chịu thiệt thòi này khác, nhưng đây là dự án quan trọng của Hưng Yên, làm thông con đường từ Hà Nội đến Hưng Yên, và là cơ sở cho Hưng Yên phát triển. Đây không phải dạng dự án vớ vẩn, không chỉ câu chuyện đơn giản vì lợi ích của nhà đầu tư . Đây là dự án vì lợi ích của tỉnh Hưng Yên và trực tiếp là lợi ích của người dân Văn Giang.

Vấn đề thứ hai cần giải thích cho dân hiểu, là liên quan đến mấy quyết định được kí dồn dập vào những ngày cuối cùng trước khi Luật Đất đai năm 1993 hết hiệu lực. (Ngày 29/6/2004, ông Đặng Hùng Võ thừa lệnh Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường ký tờ trình số 99 lên Thủ tướng. Trước đó một ngày, 28/4/2004, UBND tỉnh Hưng Yên có tờ trình về thu hồi, giao đất cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị thị Thương mại, du lịch Văn Giang và tuyến đường giao thông liên tỉnh Hưng Yên - Hà Nội, đoạn Văn Giang đến xã Dân Tiến, Khoái Châu. – pv) Tại sao lại dồn dập? Cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, hết thời hạn áp dụng Luật Đất đai 1993 là sẽ hết hiệu lực. Việc đổi hàng và hàng không được chấp nhận nữa mà phải đổi qua tiền. Mà như vậy dự án sẽ bị kéo dài. Việc chuẩn bị dự án nếu không kịp kí trước ngày luật cũ có hiệu lực thì dự án phải làm lại từ đầu. Thời điểm đó, Hưng Yên nói thẳng quan điểm, nếu quá đi dự án sẽ bị lỡ, gây tổn hại cho tỉnh rất nhiều.

Tôi muốn giải thích để người dân hiểu, chuyện kí cấp tập ấy không có chút dính dáng gì đến việc chạy dự án cả. Đây là việc đáp ứng nguyện vọng chính đáng của chính quyền tỉnh Hưng Yên.

Nhiều người đặt vấn đề trách nhiệm của lãnh đạo với mỗi chữ kí của mình, ngay cả khi đã nghỉ hưu. Bởi ngay cả ông có xin lỗi thì việc cũng đã rồi, người dân cũng đã chịu thiệt?

Thực ra ở đây có hai khía cạnh. Về trách nhiệm hành chính, đây không phải quyết định cá nhân mà của cả hệ thống hành chính. Nhưng nếu gắn với chữ kí ấy có khuất tất thì lại phải xử lí trách nhiệm cá nhân rõ ràng tại vị hay đã nghỉ hưu.

Một người đã kí có chịu trách nhiệm khi về hưu nếu đó là viêc khuất tất, tiêu cực. Còn nếu đó là việc đúng như hệ thống hành chính vẫn làm, thì bản thân hệ thống hành chính phải xử lí và chịu trách nhiệm.

Mình chọn cách đối thoại để giải thích bởi người dân có đặt câu hỏi mấy ngày cấp tập kí có khuất tất gì.

Nếu chỉ là tờ trình mang tính hành chính thông thường mà không có nghi vấn gì về mặt đạo đức, thì không cần đối thoại. Nhưng vì người dân nghi vấn, nên mình muốn đối thoại, làm rõ. Đối thoại để minh chứng không có khuất tất gì đằng sau.

Trái luật, theo lệ

Trong cuộc đối thoại với dân, ông có thừa nhận rằng hai tờ trình Thủ tướng Chính phủ với nội dung thu hồi đất ở Văn Giang năm 2004 (số 14/TTr-BTNMT và 99/TTr-BTNMT), mà khi đó ông đang là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, là "đã trình không đúng thẩm quyền"?


Đúng vậy. Suốt 10 năm từ 15/10/1993, tới 30/6/2004, luật quy định thẩm quyền liên quan đến phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh, quyết định giao đất, cho thuê đất của chính phủ, nhưng thực hiện lại có khác biệt một chút.

Ảnh: Lao động

Suốt 10 năm trước khi Luật đất đai 2003 có hiệu lực, chúng ta đã không thực hiện đúng thẩm quyền, với hơn 3000 văn bản. Vụ Văn Giang nằm trong loạt các văn bản này.

Chính phủ vẫn nói rằng Chính phủ ủy quyền cho Thủ tướng nhưng sự thật lại có điều luật: thẩm quyền giao đất, cho thuê đất thì không được ủy quyền.

Người dân chất vấn tôi, rằng đáng lẽ tôi phải trình ông này, tôi lại gửi một ông khác, thì chắc chắn, nếu xét trường hợp đơn lẻ này, tôi đã làm sai, trình trái thẩm quyền. Nói nhẹ là không đúng thẩm quyền, còn nói đằng thắng là trái luật.

Nhưng thực ra, đó không phải là cố ý làm không đúng thẩm quyền. Giai đoạn trước luật 2003 chúng ta đều làm như vậy, theo thông lệ.

Khi tôi bắt đầu làm, Bộ trưởng có nói, ta tập trung xây dựng luật mới, với cái cũ thì trước làm thế nào, bây giờ ta làm như thế. Chẳng nhẽ lúc đó mình lại khịa chuyện ra bảo làm cái này không được. Trong hệ thống quản lý không thể đòi làm khác đi đơn giản thế.

Chúng ta đã làm theo lệ chứ không phải theo luật. Câu chuyện phức tạp ở chỗ đó.

Nhận và sửa sai

Theo ông, với hơn 3000 văn bản ấy trình và kí lệch thẩm quyền ấy, chúng ta phải ứng xử với chúng ra sao?

Cần phải cư xử ra sao với cái đã lỡ trong quá khứ, theo chỉ đạo của Chính phủ là câu chuyện vô cùng phức tạp
Tuy nhiên, đó là thực tế không thể chối cãi. Đến lúc phải nói với dân thực tế ấy.

Và phải làm rõ có hiệu lực hay không, mà hướng là công nhận hiệu lực, bởi phần chênh thẩm quyền không lớn, và các dự án đều làm rồi, và không gây hậu quả xấu, không phải từ cái chênh hiệu lực ấy mà gây ra tham nhũng, tiêu cực này khác.

Tôi định viết thư đề nghị chính thức hóa chuyện này. Nếu không, chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều.

Tốt nhất là Chính phủ đặt thẳng vấn đề sang Quốc hội, Ủy ban Thường vụ có một nghị quyết công nhận những cái lệch thẩm quyền ấy vì đều là những việc đã giải quyết lâu rồi. Cũng cần thuyết minh rõ cái lệch này không gây hậu quả gì, dù quyết định ở tầm lớn.

Liệu việc này có tạo tiền lệ, cứ làm trái, rồi hợp thức hóa bằng văn bản pháp luật sau đó?

Đương nhiên không thể ra nghị quyết giải quyết từng quyết định riêng rẽ. Đây là giải quyết lịch sử, không phải giải quyết cá biệt trường hợp nào. Đây là cả lô văn bản đã thành tiền lệ trong lịch sử.

Lệ áp dụng 10 năm trời. Cách tốt nhất là chường mặt ra nhận và sửa sai, rằng chúng tôi đã trót áp dụng không đúng, và lí do là có sự vênh giữa các luật và không có hậu quả gì do sự vênh pháp luật này.

Cụ thể, với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất phải là hình thức quyết định. Hình thức văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền chính phủ, theo luật, lại không có quyết định, chỉ có nghị quyết, nghị định. Ra văn bản gì? Quyết định phải là thẩm quyền riêng. Sự vênh, lệch giữa các luật về đất đai và về thẩm quyền chính phủ ra văn bản pháp luật dẫn tới việc này. Đó là lí do Chính phủ lại làm như vậy.

Văn Giang chỉ là một trường hợp. Phải giải quyết sớm, không thể cứ mãi lùng bùng với hơn 3000 văn bản này được.
3000 văn bản như cá nằm trên thớt. Và bất kì dự án nào có chuyện, người ta cũng có thể lôi ra việc trình và kí không đúng thẩm quyền. Giải quyết một lần cho xong, thật gọn ghẽ.

Không phải về hưu mà làm khác

Trở lại với việc đối thoại với dân, như ông nói, trách nhiệm hành chính với ông không còn nữa. Thế nhưng ông vẫn quyết định đối thoại. Có người đã gọi đó là “Tiền lệ Đặng Hùng Võ”. Nhiều người cũng đặt câu hỏi, nên chăng cần luật hóa trách nhiệm quan chức, trong việc đối thoại, giải thích cho dân, và chịu trách nhiệm với mỗi chữ kí, quyết định của mình, ngay cả khi đã nghỉ hưu?

Sự thực việc đối thoại với dân, giải thích cho dân nên được đặt thành một nguyên tắc, vì cán bộ không thể làm ngơ trước phản ứng của người dân mà quyết định của mình có liên quan. Đối với người đương chức đương nhiên phải làm chuyện đó.

Làm như thế nào thì phải cần pháp luật đặt nguyên tắc cụ thể thế nào: trường hợp nào, thời gian bao lâu, mức độ chưa đồng ý thì giải quyết ra sao, loại quyết định gì thì xử lý ở cấp nào?

Nên luật hóa, tạo gắn kết giữa nhân dân và nhà nước tốt hơn.

Cũng có dư luận nói rằng, chẳng qua nghỉ hưu rồi nên ông mới nói mạnh thế. Đương chức, chắc gì!

Điều này có thể đúng với ai đó, nhưng với cá nhân tôi thì khác. Đương chức mình đã đối thoại với dân nhiều rồi.
Tuy nhiên đối thoại về một quyết định có gắn với cá nhân thì là lần đầu tiên, vì tờ trình là mình kí đưa lên, lại cấp tập vào những ngày cuối của luật đất đai 1993 có hiệu lực.

Thời gian tôi còn đương chức thực ra không có quyết định nào gắn với đất đai vì lúc đó Bộ không có quyết gì về đất đai. Thế nên không có đối thoại về quyết định nào gắn với cá nhân mình.

Còn đối thoại về những xộc xệch về chính sách đất đai, về thực thi chính sách ở tỉnh này, tỉnh kia thì nhiều.

Ví dụ, bà Kim Ngân khi còn là Bí thư Hải Dương có lần dân kéo lên kiện đã gọi điện đề nghị tôi xuống giúp giải thích cho dân. Quyết định thu hồi đất của tỉnh, đất của trung tâm đào tạo đóng tàu của Vinashin. Mình xuống đối thoại bình thường, với dân và lãnh đạo xã.Dân nghe ra thì về.

Chuyện bình thường ấy mà. Nhiều khi đi tỉnh này tỉnh khác, chính quyền tỉnh còn nhờ ra đối thoại với dân giúp, vì nói họ chẳng hiểu.

Tôi có thể tự hào nói mình đã giúp thay đổi hai chính sách liên quan đến đất đai hở Hà Nội. Một là, không cho người ngoại tỉnh mua nhà. Tôi nói Hà Nội đang vi phạm luật đất đai vì luật không có điều nào cấm người dân mua nhà. Tôi nhớ lúc đó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo Hà Nội phải làm thế nào chứ ông Võ nói Hà Nội vi phạm pháp luật là không được đâu. Và Hà Nội đã thay đổi.

Hai là thời điểm đó, các dự án xây dựng nhà thì phải gạt lại cho thành phố 20-30%, một dạng biếu không thành phố. Tôi nói cái này không được. Đừng nghĩ đó là nhà đầu tư cho thành phố. Phần 70-80% còn lại của dự án, nhà đầu tư sẽ phải bán đắt hơn để chở cái phần 20-30% này. Sự thực là lấy của dân chứ không phải lấy của nhà đầu tư. Cuối cùng Hà Nội đã bỏ, chuyển sang cơ chế cần thì mua của chủ đầu tư.

Cán bộ cần làm đúng luật trước

Từ vụ việc này, ông rút ra điều gì?

Để xây dựng nhà nước pháp quyền, bộ máy hành pháp phải rất cẩn thận trong mọi việc. Không được qua loa bất kì chuyện gì.

Không đúng thẩm quyền như ở vụ Văn Giang là một ví dụ, dù không quá xa thẩm quyền. Nếu không, một trục trặc nhất định cũng dẫn đến quyết định người dân có ý kiến. Và họ sẽ viện dẫn việc không đúng pháp luật này. Nhất là bây giờ, người dân có quyền thuê luật sư đại diện cho mình rồi.

Điều này sẽ loại trừ nghi vấn trong dân rằng đó cũng chỉ là chuyện làm ăn khuất tất thôi.

Việc phản ứng của dân cũng chỉ vì qua loa về mặt pháp luật, cho rằng rằng cái này cũng không chênh nhau nhiều lắm. Đến lúc chúng ta cần tư duy lại. Mọi việc phải rất chặt chẽ, cẩn thận, chi tiết. Quan chức, công chức lo làm đúng luật trước khi yêu cầu người dân tuân thủ luật.
 
Văn Giang đã tạo ra được một áp lực trong việc chỉnh sửa luật đất đai. Những dự án lớn như thế, việc vận động người dân cần phải làm thế nào, từ giai đoạn lập quy hoạch, đến thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Vai trò người dân đến đâu? Làm thế nào để dự án triển khai được mà đảm bảo được đồng thuận cao của dân?
• Phương Loan
Nguồn: Tuần Việt Nam.
______________________________________________

GS Đặng Hùng Võ: “Tốt nhất là Chính phủ đặt thẳng vấn đề sang Quốc hội, Ủy ban Thường vụ có một nghị quyết công nhận những cái lệch thẩm quyền ấy vì đều là những việc đã giải quyết lâu rồi.”

“Văn Giang chỉ là một trường hợp. Phải giải quyết sớm, không thể cứ mãi lùng bùng với hơn 3000 văn bản này được. 3000 văn bản như cá nằm trên thớt. Và bất kì dự án nào có chuyện, người ta cũng có thể lôi ra việc trình và kí không đúng thẩm quyền. Giải quyết một lần cho xong, thật gọn ghẽ.”

Một độc giả: “Không thể đẩy cho UBTVQH hợp thức hoá việc làm trái luật này được. Người dân làm sai thì bị các ông kết án bỏ tù và quy cho ‘thế lực thù địch’ gây rối, vậy các ông làm sai thì tội càng nặng hơn dân chứ …”

TS Nguyễn Quang A: “Sai thẩm quyền hay cố ý làm trái? Theo tôi ông Võ đã ‘có công’ phát giác ra vụ cố ý làm trái này và những người đã cố ý làm trái phải bị xử theo luật hình sự (cả ông Võ, nhưng có thể có sự khoan hồng cho ông) chứ không thể “gọn nhẹ” đẩy cho UBTV Quốc hội hợp thức hóa là xong.

Họ là người làm ra luật ra nghị định, làm bậy rồi đổ cho thông lệ. Nếu người dân phạm thì các ông phạt nặng, thậm chí bỏ tù, còn các ông biết rất rõ về luật mà còn cố ý làm sai thì phải trị nặng hơn chứ!”

Nhà giáo Hà Văn Thịnh: “Tôi đã cố tình làm trái 3.000 lần trong cái chuyện đất đai vô giác, vô tri không đáng gì, gây ra nỗi đau thương cho hàng vạn con người, tôi đã xin lỗi, tôi đã dũng cảm nhận ra rằng phải trung thực… Kể từ nay trở đi, tôi xin hứa, nếu có làm trái nữa, toàn thể đất nước này  phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.” (Kế từ ni trớ đi…(!).

8 nhận xét :

  1. Sai lầm lớn nhất của bộ TNMT là để Chu Phạm Ngọc Hiển quá kém chẳng biết gì về luật , thay GS Đặng Hùng Võ. Cứ để những kẻ dốt nát, tham nhũng quản lý đất nước thì không lâu nữa sẽ đưa VN tụt hậu xuống vị trí trong tốp nghèo, hèn nhất thế giới.

    Trả lờiXóa
  2. Các ông đã làm sai, nhưng những ông tại vị có ông nào thừa nhận không? Không. Tôi cũng chẳng tin nếu ông ĐHV còn tại vị mà có bài viết này!
    Vấn đề là: tại sao làm sai trong 10 năm liền mà không ai biết, không ai bị xử lý là sao? Trách nhiệm giám sát của Quốc hội ở đâu? Dân muốn giám sát lắm nhưng không có được điều kiện để thực hiện giám sát, không có quyền trực tiếp mà giám sát...Chỉ khi, vụ việc nó gây hại quá lớn cho dân, và dân làm ầm ỹ quá các ông không thể ém nhẹm nổi mới phải lấp ló, lấp ló giải quyết chậm rãi, vừa giải quyết vừa tính kế đối phó sao cho kín kẽ. Đừng bao giờ nói NN VN là nhà nước của dân, do dân và vì dân, rồi "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", đó mãi chỉ là khẩu hiệu mà thôi. Dân chúng không có một cơ chế nào thực hiện trực tiếp quyền giám sát của mình, cơ chế giám sát thông qua cơ quan đại diện của dân là HĐND, QH cũng vô hiệu hoàn toàn! Vì, thực tế đấy, quan chức làm sai mà nào có ai hay, ai biết, biết rồi cũng có ai phải chịu trách nhiệm đâu! Đừng nói không gây hậu quả xấu thì không phải chịu trách nhiệm! Bản chất là ông đã làm sai,làm trái luật! Thế thì ông còn đủ điều kiện tại vị nữa hay không???

    Trả lờiXóa
  3. Mới quan đến Bộ TN&MT mà đã có tới 3 ngàn văn bản không đúng luật. Còn các vấn đề liên quan đến các bộ khác, rất nhiều vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, đến biên cương, lãnh thổ . Đan cử như vụ bauxite, vụ cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng nơi trọng yếu quốc gia ?
    Chế độ ta là chế độ do Đảng lãnh đạo nên QH không kiểm soát được CP . Sư phân biệt tam quyền quyền không có.. Các thành viên CP cũng là ĐBQH, Các thành viên CP là UVBCT, UVTWĐ .
    Ai sẽ xem xét và xử lí 3000 văn bản không đúng luật kia ? Cái lệ là cho qua và cứ thế mà nước chảy qua cầu ! Vấn đề này vẫn cứ tồn tại với Đảng lãnh đạo.
    Kí cấp tập và vượt luật lại nói là không khuất tật . Quyền ra luật rồi quyền thi hành luật cũng là ông . Tay phải làm không cho tay trái biết . Bây giờ tay trái làm không cho tay phải biết. Xong là hai tay cùng rửa. Hết khuất tất ! Nghe hay quá !

    Trả lờiXóa
  4. "Đổi đất lấy hạ tầng". Đây là bài ca của hai chục năm về trước, TP HCM đi đầu ca bài ca này. Khi đó Cty Minh Phụng được giao cho làm vỉa hè, đổi lại TP giao đất cho Minh Phụng, mà đa số sau này đất đó trở thành các khu đô thị, hoặc khu công nghiệp, giá trị gấp trăm lần số tiền MP bỏ ra làm vỉa hè trên mấy tuyến đường Q1. đến bây giờ thì không còn dấu tích của cái "hạ tầng" do MP làm hồi đó nữa.
    Anh Võ chỉ nhận là mình sai khi không còn cãi được nữa. Như thế cũng đáng hoan nghênh trong tình hình kiểm điểm theo nghị quyết 4 mà mà kết quả là "không kỷ luật" dù đã chứng minh được sai phạm.
    Tuy nhiên, ẩn sau "đổi đất lấy hạ tầng" là dự án Ecopark có giá nhiều tỉ USD. Cái dự án này thực chất là ăn cướp đất của dân. Làm đường giao thông thì nhà nước phải có lộ trình rõ ràng chứ, âm thầm làm mà dân không biết. Mà biết bao con đường giao thông có phải "đổi đất lấy hạ tầng" như thế đâu! Cuộc sống của hàng nghìn người dân trông chờ vào đất, bị cướp sạch thì họ sống bằng gì? đền bù vài chục đến cao nhất là 135 ngàn đồng/m2 hỏi có xứng đáng không? Quyết định một việc hệ trọng chỉ cần tờ trình từ tỉnh lên bộ, từ bộ lên Thủ tướng chỉ trong vòng 3 ngày. Dù thanh minh kiểu gì thì cũng vẫn lòi ra nhóm lợi ích.
    Anh Võ ạ, năm nay anh 65 tuổi, người Việt ta bây giờ 75 cũng đã là thọ nhiều. Nếu anh sống được 80tuổi thì cũng chỉ còn 15 năm nữa. Anh không tham, nhưng những thằng khác tham. Chúng nó cũng không mang của ăn cướp xuống mồ được. Nhưng tiếng để đời, trời biết hết. Cái nhãn tiền là chúng để cho người nông dân Văn Giang khổ cực bao nhiêu năm nay. Dù bây giờ anh không còn chức, nhưng anh biết mạnh dạn nhận cái sai, làm điêu đứng hàng trăm gia đình nông dân thì dù cho ông thứ trưởng, bộ trưởng đương chức có nói anh đối thoại với dân với tư cách cá nhân để né tránh trách nhiệm của bộ TN & MT cũng không được. Anh nói là sai mà họ nói là phải thì đích thị họ là "nhóm lợi ích" như đồng chí TBT đã phát biểu trong các hội nghị TW rồi.
    Biết anh vất vả vì con bé, vợ trẻ mà vẫn phải lao tâm khổ tứ nên tôi rất thông cảm. Nhưng làm lợi được cho dân thì cuộc sống mới còn ý nghĩa và mới muốn sống lâu anh ạ.

    Trả lờiXóa
  5. Bài này copy từ 1 blog, cop ra đây cho bà con đọc cho nó đa chiều về Võ Đất Đai :
    * MINH DIỆN
                  Cách  đây gần bốn năm tôi viết một bài báo về chuyện đất đai ở tỉnh Bình Dương.
                  Chuyện thế này:

    Năm 1987 tỉnh Sông Bé tiếp nhận của Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh 980 héc-ta đất khai hoang trồng cao su, giao cho Văn phòng Huyện ủy Bến Cát quản lý. Sau đó toàn bộ diện tích đất này được giao cho  Công ty cao su Sông Bé  (SOBEXCO ) khai thác kinh doanh. Năm 2001, SOBECO giải thể, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương tiến hành cấp đất cho những người có công và cán bộ hưu, đồng thời tiến hành bán vườn cao su. Việc  cấp  đất  này khi thực hiện có nhiều mờ ám, vì nói cấp cho gia đình có công, nhưng thực tế 14 người được cấp đất chỉ có 1 người là cán bộ hưu, 7 người là cán bộ đương chức, còn 6 người "ẩn danh"...

                Việc bán cây cao su còn mờ mịt hơn. Họ  quy định giá một hec-ta có 50.000.000 đồng, là cái giá mà dân Bình Dương nói là chẳng khác nào một thứ “đào lộn hột!” (cây điều), bởi vì ai cũng biết, công khai hoang lên luống một héc-ta đất trồng cao su bình quân 25.000.000 đồng, phân bón lót lần đầu 8.000.000 đồng, mỗi héc- ta trồng 500 cây giống, mỗi cây 5.000 đồng, vị chi 25.000.000 đồng, tổng chi phí một héc-ta cao su trồng mới 55.000.000 đồng. Vậy mà họ bán những lô cao su đang  khai thác mủ có 50.000.000 đ/ha?
                 Bởi giá bèo, cho nên cũng như việc cấp đất, dân không có ai được may mắn 'xía dzô', mà hầu hết là các quan chức đương quyền chia nhau. Chỉ riêng Cao Minh Huệ, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đã xơi hết 278 héc- ta rồi. Ông ta là người đứng đầu cơ quan quản lý đất đai tỉnh Bình Dương, lại là con nuôi một vị quan  to, là em ruột  Cao Minh Quang , Thứ trưởng Bộ y tế, thần thế dữ lắm!
                Nhưng đối với những nhóm lợi ich đầy tham vọng, nếu chỉ có việc ăn lời mấy gốc cao su thì chả nhằm nhò gì. Họ chơi nước bài cao hơn, xơi tái cả cây lẫn đất. Và ván bài này họ thắng đậm nhờ Thứ trưởng Bộ TNMT, Gs. Đăng Hùng Võ.

    Trả lờiXóa

  6.         Theo văn bản của UBND tỉnh Bình, chỉ bán cây cao su, không bán đất. Nhưng Cao Minh Huệ và nhóm lợi ích chơi kiểu lập lờ đánh lận con đen. Khi làm các văn bản thủ tục gửi Bộ Tài nguyên-Môi trường,  xin cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” cho những người đã mua cây cao su,  Huệ và phe nhóm đã tìm cách giấu nhẹm đi phần “không bán đất” theo như UBND tỉnh đã có văn bản chính thức. Ông Đặng Hùng Võ, chẳng biết thẩm định thẩm điếc thế nào, mà thay mặt Bộ TNMT, phê  vào công văn,  cho phép cấp "Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất". Nhờ cái bút phê ấy, Cao Minh Huệ và nhóm lợi ích đã  biến  gần 1000 héc-ta đất lực lượng thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh đổ mồ hôi và  máu khai phá, thành những ô những thừa có sổ đỏ cho từng người.
               Đó chưa phải cú “hốt hụi” sau chót! Gần một năm sau, UBND tỉnh Bình Dương quyết định xây dựng khu công nghiệp trên khu đât vừa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo chấp thuận của Bộ Tài nguyên-Môi trường, quy định  giá đền bù một héc-ta là 800.000.000 đồng. Một năm trước mua cả cây cả đất 50.000.000 đồng hec-ta, giờ riêng đất đã được nhà nước bồi thường 800.000.000 đồng héc-ta, lãi gấp 16 lần. Khác gì buôn ma túy?
             Ngày đó tôi đã nhờ một người bạn thân của Đặng Hùng Võ, nói với ông cho tôi gặp ít phút, hoặc qua điện thoại, để hỏi xem vì sao ông để bọn Cao Minh  Huệ  lợi dụng, làm thất thoát của nhà nước gần 1000 tỷ đồng như vây?  Đặng Hùng Võ không gặp tôi, chỉ  nhắn qua người bạn,  rằng vì ông ta tin Sở Tài nguyên-Môi trường Bình Dương nên không kiểm tra kỹ, ông rất vô tư.
     
            Tôi  nghĩ Giáo sư Đặng Hùng Võ chỉ sơ suất một lần như vậy, nhưng bây giờ  lại rộ lên vụ dự án ECOPRK ở Văn Giang, Hưng Yên, nghiêm trọng hơn. Thì ra  Đặng Hùng Võ không chỉ sơ suất có một lần!
              Lục tìm tư liệu từ Đông sang Tây, từ kim chí cổ, tôi chưa thấy ở đâu, thời nào có một quyết định liên quan đến quyền lợi, sinh mạng hàng ngàn người dân mà các nhà lãnh đạo lại thực hiện gấp gáp như  thế này:

    Trả lờiXóa
  7. < tiếp và hết : Võ Đất Đai >
    - Ngày 27-6-2004,
    Hội đồng thẩm định kỳ văn bản thẩm định.
    -        Ngày 28-6-2004,
     UBND tỉnh Hưng Yên ký tờ trình gửi Bộ TNMT
    -        Ngày 29-6-2004,
     Bộ TNMT ký tờ trình Chính phủ
    -        Ngày 30-6-2004,
     Chính phủ ký quyết định thu hồi đất…
                 Cái gọi là “lộ trình” như cách nói của Võ Đất Đai đã thấy rõ có sự hẹn hò, thông đồng, cài cắm trước. Ở nước ta, một hồ sơ mà tầm cỡ, mức vốn, diện tích đất lớn lớn và quan trọng như vậy mà chỉ giải quyết trong 4 ngày liên tục, qua 4 cấp quan trọng, quả là chuyện xưa nay chỉ có Một, và chỉ Một mà thôi!
             Một dự án hàng tỷ đô-la như ECOPARK, tài liệu liên quan hàng đống, lược giản tối đa cũng vài trăm trang. Chỉ đọc lướt vài trăm trang tài liệu, thử hỏi hết bao nhiêu thời gian? Ở đây không  được phép đọc lướt, mà phải đọc kỹ để xác  định có khả thi không, có đúng pháp luật không?  Vậy mà các vị vừa  đọc vừa ký  gọn lỏn mỗi một ngày?  Các vị  thẩm định bằng cách nào mà tài thế, thưa giáo sư tiên sinh?  
             Từ Hưng Yên lên  Hà Nội một trăm cây số, tờ trình của UBND tỉnh Hưng Yên ký 28-6 , ngày 29-6 đã trình lên Bộ tài nguyên môi  trường. Ngay trong ngày đó,  Bộ Tài nguyên-Môi trường vừa thẩm định cái tờ trình cùa tỉnh Hưng Yên, vừa làm tờ trình của bộ,  chuyển lên chính phủ, và ngay  hôm sau,  29-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định thu hồi đất số 742-QĐ-TTg.  Qúy vị thử nhìn xem, ba tờ trình và tờ quyết định ấy có phải  đều cùng chưa ráo mực không? Làm gì mà gấp  gáp  còn hơn "cưới chạy tang" vậy?
              Phải nói thẳng ra rằng, nếu  Đặng Hùng Võ không ký tờ trình của Bộ TNMT, thì  không có quyết định 742-QĐ-TTg,  dẫn tới cuộc giải tỏa đất đai trái luật ở Văn Giang,  gây  cảnh tiếng súng ầm vang, khói đạn mù trời 6 tháng trước và  khiếu kiện triền miên đến hôm nay chưa dứt?
               Ông Đặng Hùng Võ lấy lý do phải làm gấp để lách luật, “cuộc sống cần thì không thể chở luật”, và nếu không làm thì dự án phải kéo dài một, hai năm không lợi cho nhà nước (!?).
              Ô hay, vậy ra cứ có lợi trước mắt là những người như ông có quyền lách luật, thậm chí không cần luật à? Ông Võ thừa hiểu, luật do Quốc hội ban hành, Chính phủ phải tuyệt đối tuân theo, chứ đâu phải thấy có lợi mà làm theo kiểu “Tôm cờ lộn cứt lên đầu?”. Thử hỏi các ông lách luật, lại sợ luật mới bất lợi nên vội tranh thủ làm hồ sơ “chạy luật”, làm bừa phứa như vậy đã thu được kết quả gì? Tám năm sau, cái dự án ECOPARK ấy chưa nhúc nhích, riêng việc giải phóng mặt bằng đã khó gặm với dân, vì dân không thuận, phải trả giá bằng một cuộc cưỡng chế long trời lở đất thêm rắc rối mà vẫn chưa đâu ra đâu. Nếu làm đàng hoàng, chấp nhận  chậm một, hai năm có hơn không? Cái chính là không làm gấp “chiều lòng” đại gia thì sẽ không được “chia chác kế, phần trăm kế”. Thiên hạ vẫn nghĩ rằng, đã nhận tiền thì họ phải làm gấp, làm tắp lự cho kỳ xong chứ sao?…
             Ông Võ Đất Đai (Đặng Hùng Võ) đã không ngán ai mà bật lên câu nói ấn tượng đến phát chối là "việc có lợi không cần đợi luật!". Ôi, thế là Võ Đất Đai đã thừa nhận làm vì lợi rồi còn gì! Lợi cho nước, cho dân hay cho ai?
             Thế bao nhiêu việc có lợi cho dân sao các ông không lách luật giúp dân, mà động một tý là căn cứ  khoản này điều nọ, có cái lạc hậu từ đời tám hoánh rồi? Trong cuộc sống hàng ngày phơi đầy bất công, người dân khốn khổ do luật pháp chưa hoàn chỉnh, sao các ông không linh động cho dân nhờ?
               Những điều ông Võ nói,  càng nghe càng  khó lọt tai!
               Ông nói, là các ông lách luật, phải làm ngay trước khi luật mới bổ sung có hiệu lực, chỉ vì có lợi cho nhà nước? Xin lỗi giáo sư Đặng Hùng Võ, tôi nghĩ  ông không phải là một người trung thực, vô tư và ngây thơ đến thế?  Người dân Văn Giang nói riêng, cả nước nói chung, thừa biết cái gì, ở đâu có lợi cho đất nước, những chỗ nào đã, đang và sẽ bị nhóm lợi ích nhân danh nhà nước trục lợi!
              

    Trả lờiXóa
  8. GS Đặng Hùng Võ: "Thứ nhất, tôi thấy cần giải thích cho dân rõ những dự án như thế này sẽ có người mất đất, người chịu thiệt thòi này khác, nhưng đây là dự án quan trọng của Hưng Yên, làm thông con đường từ Hà Nội đến Hưng Yên, và là cơ sở cho Hưng Yên phát triển. Đây không phải dạng dự án vớ vẩn, không chỉ câu chuyện đơn giản vì lợi ích của nhà đầu tư. Đây là dự án vì lợi ích của tỉnh Hưng Yên và trực tiếp là lợi ích của người dân Văn Giang."

    Tôi nghĩ không thể nhân danh lợi ích của đa số trong cộng đồng mà bắt ép một thiểu số phải chấp nhận sự bất công. Nếu thiểu số người dân này phải hy sinh, mất mát để đem lại ích lợi cho số đông, thì lẽ công bằng là họ phải được đền bù xứng đáng, thậm chí có nhỉnh hơn chút so với mức sòng phẳng đi nữa thì những người có lương tri không ai tị nạnh, hẹp hòi với họ.

    Cho nên ngay cả trong trường hợp cái "lợi ích" kia được chia đồng đều cho toàn xã hội thì lập luận như trên cũng không chấp nhận được rồi, huống hồ ai cũng thấy là qua những dự án như thế này, "lợi ích" rõ ràng chỉ lọt vào túi một số ít người có quyền thế, và hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội còn nới rộng khủng khiếp hơn.

    Trả lờiXóa