Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

TS. TRẦN TRỌNG DƯƠNG: TIẾN SĨ VẪN PHẢI NHỜ CHA MẸ

Anh Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm:
Không phải cứ tăng lương là thích

Trước thông tin Chính phủ dự kiến hoãn tăng lương theo lộ trình vào năm 2013 vì tình hình thu ngân sách năm nay khó khăn, anh Trần Trọng Dương, chuyên viên tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng, “lương tăng là điều ai cũng mong muốn. Thế nhưng, nếu chỉ nghĩ đến việc tăng lương mà không có biện pháp kiềm chế lạm phát, quản lý giá cả thị trường thì thà không tăng lương còn hơn”.

Sự cào bằng đáng sợ

Tôi tò mò, không hiểu với một chuyên viên nghiên cứu như anh, lại có học vị Tiến sĩ thì tiền lương chắc cũng… đủ sống?

Nước mình có cái lạ, học vị Tiến sĩ thì tiền lương cũng chỉ tính như cử nhân và tăng theo thâm niên công tác thôi- đó là một sự cào bằng đáng sợ. Thế nên, lương của tôi cũng chỉ ba triệu với hai lần tăng bậc. Một bài nghiên cứu (để kiếm thêm), tôi viết mất vài tháng, đợi 2 năm mới được in trên tạp chí, nhuận bút năm trăm ngàn, trừ thuế còn bốn trăm rưỡi. Tôi thấy nghề nghiên cứu là nghề rẻ mạt nhất trên đời.

Tiền lương như thế thì anh sống như thế nào?

Tôi cứ nói vui với bạn bè là “lương này thì cứ tập yoga- hít thở đều là sống”. Còn thực tế, tôi phải cắt bớt nhiều khoản thì mới tạm đủ.

Nếu có thể, hãy chia sẻ khoản mà anh buộc phải cắt bớt!

Tôi cắt nhiều thứ lắm: giảm ăn, giảm tiêu, giảm mua sách vở, giảm tối đa các giao đãi xã hội, mỗi lần ra nhà là kết hợp vài việc một lúc.v.v.

Sách chuyên ngành có vai trò như thế nào đối với những người làm công tác nghiên cứu như anh?

Rất quan trọng chứ. Thế nhưng, hầu như sách tôi có được là từ trước khi lấy vợ. Còn từ ngày lấy vợ thì hầu như không mua được mấy. Vì mua sách là lạm ngay vào tiền sữa, tiền thức ăn của con.

Cảm nhận của anh như thế nào nếu so sánh với mức thu nhập ngoài xã hội?

Đấy, như đã nói tôi mất hai năm rưỡi để có 450 ngàn cho một bài nghiên cứu khoa học, tính ra nhuận bút khoa học của tôi chỉ bằng 1/ 912 lần so với nhuận bút của một nhà báo. Còn nếu so với các anh công an, bác sĩ,…thì so làm sao được.

Tiến sĩ vẫn phải nhờ cha mẹ

Vợ chồng anh sinh được mấy cháu rồi?

Vợ tôi đang mang bầu đứa thứ hai, con lớn gần hai tuổi.

Tiền lương chỉ đủ nuôi mình như thế thì không hiểu anh xoay xở như thế nào để lo cho gia đình?

Với người làm nghiên cứu thì mỗi năm, ngoài tiền lương chúng tôi còn được Nhà nước giao cho một nhiệm vụ nào đấy, được trả chừng 15- 25 triệu đồng/người/năm. Thời gian còn lại, tôi xoay xở đủ chiều, viết báo, viết nghiên cứu, làm thuê viết mướn.

Tiền lương của anh như thế, của chị nhà chắc cũng phải khá hơn thì mới đủ trang trải chứ?

Có thể bạn không tin, nhưng lương của hai vợ chồng tôi gộp lại cũng chỉ 6 triệu/tháng.

Thế thì phải ăn tiêu như thế nào đây?

Được cái chúng tôi không phải thuê nhà. Vợ tôi làm ở trại chăn nuôi nên thịt, cá, trứng được mua với giá gốc nên cũng đỡ đi được phần nào. Thêm nữa, thi thoảng ông bà hai bên cũng đỡ cho khoản nào đó.

Giả dụ bây giờ, cần một lúc 20 triệu tiền mặt?

Với đồng lương như thế chúng tôi hoàn toàn không có tích cóp gì hết. Thậm chí có tháng còn âm, nếu như tháng đó không may bị ốm, có đám cưới, ma chay…

Không có tiền tích cóp mà chẳng may lúc cần tiền thì làm thế nào, ví như lúc vợ sinh chẳng hạn?

Thì đành đi vay mượn chứ biết làm thế nào. Nếu không thì cũng phải tăng ca sản xuất, làm thuê cho người ta.

Không tăng lương là tốt

Lương như thế, chắc hẳn anh cũng mong tăng lắm?

Như Mác đã tính, một người lao động là một người có mức lương đủ nuôi sống ba người khác nữa. Ở Việt Nam, lương như thế mình tự nuôi mình cũng khó. Tăng lương ai chẳng thích. Thế nhưng tăng như nào. Tăng xong liệu có thể kiểm soát hậu quả của nó không?

Tại sao lại thế?

Như những năm vừa rồi, lương chưa kịp tăng thì mọi thứ đã tăng trước rồi. Tăng như thế thì tăng làm gì? Nhà nước tưởng tăng lương là có lợi cho 20 triệu công chức, nhưng thực ra là làm hơn tám mươi triệu người gánh thêm sức nặng của sự trượt giá.

Nghĩa là, Chính phủ dự kiến hoãn lộ trình tăng lương vào năm tới là tốt, theo anh?

Quyết định như thế là đúng, nếu biết sớm từ chục năm trước thì tốt hơn, vì mỗi lần tăng lương là một sự thụt lùi. Đồng tiền mất giá, con người cũng “mất giá” từng ngày.

Anh có thể nói cụ thể hơn?

Năm 2004, tôi ra trường và đi làm. Lương khi ấy khoảng 800.000 đồng, đổ xăng hết chừng 9.000/lít, bữa trưa 10.000 đã ngon lắm rồi. Tôi vẫn có tiền để đi chơi, mua sách. Giờ lương 3 triệu/tháng nhưng tiền xăng hơn 20.000/lít, bữa ăn trưa (cơm bụi) từ 30 – 35.000 đồng. Lương tăng nhưng chất lượng sống giảm. Thế chẳng phải thụt lùi là gì?

Theo anh, căn nguyên của nó là do đâu?

Do Nhà nước không có khả năng quản lý thị trường giá cả. Chỉ coi tăng lương là một sự cải thiện đời sống công nhân viên chức nhưng lại không có khả năng quản lý được giá cả thị trường. Thế mới có chuyện, lương tăng nhưng đời sống giảm.

Không tăng lương sẽ bớt đi một cớ tăng giá

Anh bảo tăng lương mà không quản lý được giá cả thì thà giữ nguyên. Thế nhưng, thực tế thì giá cả thị trường còn nhảy múa theo giá xăng, điện?

Đúng thế. Xăng với điện cũng do nhà nước độc quyền, việc tăng giá của hai mặt hàng đó cũng là do nhà nước. Việc tăng lương cũng là việc của nhà nước nốt. Nhưng riêng thị trường lại không phải của nhà nước. Ngành khoa học quản lý của ta còn quá kém, nên xã hội giờ mới như một mớ bòng bong.

Có ý kiến lo ngại rằng, Chính phủ hoãn tăng lương vào năm tới theo lộ trình sẽ làm cho niềm tin trong 22 triệu người bị ảnh hưởng bởi quyết định này giảm đi. Anh có thấy thế?

Thực ra, tôi có tin đâu mà mất hay giảm niềm tin, còn 22 triệu người còn lại thì tôi không dám nói. Vì bao nhiêu việc chính phủ, nhà nước còn không làm được kia mà. Ví như tham nhũng đang đục khoét từng tế bào của đất nước, chất lượng giáo dục thấp nhất trong vòng bảy mươi năm qua, y tế là chỗ để kiếm tiền vào lúc bệnh tật của con người... Tôi thấy chúng ta chưa đủ tầm trí tuệ và đạo đức để tự cứu mình. Vậy thì tôi biết tin vào đâu?

Theo anh, liệu việc hoãn tăng lương vào năm tới có khiến cho nhiều người buộc phải xoay xở mọi cách để có thêm thu nhập, vì thế mà những khoản thu không chính đáng sẽ tăng?

Dù có tăng hay không thì toàn dân vẫn xoay xở mọi cách đó thôi. Lên cơ quan nấu để nấu nướng, tắm giặt, ăn bớt thời gian công vụ để làm việc riêng thì người ta đã làm từ lâu rồi. Những cái đó chỉ là “cò con” so với sự lãng phí của các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Xưa các cụ bảo “dân thì gian, quan thì tham”, hẳn cũng có cơ sở.

Bây giờ, để có thể sống được từ lương thì theo anh lương phải cần bao nhiêu?

Theo cách tính của Mác như đã nói. Tôi tính chừng 10 triệu/tháng/ người lao động hy vọng sẽ đủ lo cho vợ con. Còn mức lương dành cho người làm nghiên cứu như Gs Ngô Bảo Châu được hưởng thì tôi không bao giờ dám mơ tới. Tôi biết tôi là ai và tôi đang ở đâu.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vũ Thủy (Thực hiện)
Ảnh: Trần Hải

Box 1: Sáng 16/10, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013. Theo Bộ trưởng, do tình hình thu ngân sách năm 2012 rất khó khăn và tiếp tục khó trong năm tới, Chính phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm 2013. Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tính toán, sẽ có khoảng 22 triệu người dân bị tác động nếu không tăng lương này.
 
Box 2: Có thể thông cảm với lý do Chính phủ nêu ra nhưng với điều kiện những khoản thu ưu tiên cho năm tới phải quan trọng hơn cả việc tăng lương chứ không phải đầu tư dàn trải, lãng phí như khi rót vào các tập đoàn Nhà nước. Đương nhiên, giá như các tập đoàn bớt chi tiêu lãng phí đi thì sẽ có tiền để tăng lương. Nhưng người nghĩ thì không làm được còn người làm được thì lại không nghĩ được như thế”, anh Trần Trọng Dương.

Trên đây là bản gốc của bài đã đăng trên Kienthuc.net.


12 nhận xét :

  1. Anh Dương thân mến!Nếu muốn có thu nhập cao Anh nên làm quả TS từ xa tận Đại học Thái Bình Dương như mấy ông gì gì đã học thì chẳng mấy chốc anh không cần nhờ vả các Cụ nữa mà còn vẻ vang gia đình vì thành đạt nữa anh ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Cha mẹ nuôi con học hành , hi vọng rất nhiều, nhất là mong đến tuổi già , mẹ cha có chỗ nương tựa. Nay con đã thành tài, thành danh mà lương không đủ sống vẫn phải nhờ vào cha mẹ. Những bậc cha mẹ chân chính của những người con chân chính xem câu chuyện của Ts Trần Trọng Dương mà thấy bùi ngùi. Biết bao người ở những hoàn cảnh không được như Ts Dương thì sao ?

    Trả lờiXóa
  3. có phải Tễu- Diện không ? Giao diện Web anh Diện thay đổi rối à ?

    Trả lờiXóa
  4. Tốc độ tải trang trên giao diện mới nhanh quá bác Tễu ạ, trình bày mới trông trang nhã mà nhìn bao quát rất ổn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi chỉ vào được một lần thôi.

      Xóa
  5. Tham nhũng tại vinashin và Vinalines đủ để tăng lương cho người lao động.

    Trả lờiXóa
  6. Em thích câu "tôi có tin đâu mà mất hay giảm niềm tin". :)

    Trả lờiXóa
  7. "...lương chưa kịp tăng thì mọi thứ đã tăng trước rồi. Tăng như thế thì tăng làm gì? Nhà nước tưởng tăng lương là có lợi cho 20 triệu công chức, nhưng thực ra là làm hơn tám mươi triệu người gánh thêm sức nặng của sự trượt giá...

    Thực ra, tôi có tin đâu mà mất hay giảm niềm tin, còn 22 triệu người còn lại thì tôi không dám nói. Vì bao nhiêu việc chính phủ, nhà nước còn không làm được kia mà. Ví như tham nhũng đang đục khoét từng tế bào của đất nước, chất lượng giáo dục thấp nhất trong vòng bảy mươi năm qua, y tế là chỗ để kiếm tiền vào lúc bệnh tật của con người... Tôi thấy chúng ta chưa đủ tầm trí tuệ và đạo đức để tự cứu mình. Vậy thì tôi biết tin vào đâu?"

    Bài trả lời rất có tâm và có tầm, xin chân thành cảm ơn TS.Trần Trọng Dương.

    Trả lờiXóa
  8. Dear Anh Dương,
    Có thực mới vực được đạo, đây là Chân lý rồi anh àh. Vậy nên làm việc cho nhà nước không ai sống bằng lương cả mà người ta sống bằng "Lộc" anh àh, có khi cả họ tộc cũng được hưởng lộc theo. Vậy nên nhà nước ta mới thành lập UB phòng chống tham nhũng, nhưng ko biết "chống" kiểu gì mà tham nhũng càng ngày càng trầm trọng???
    Tôi khuyên anh nên làm việc cho đơn vị tư nhân bên ngoài, sống trong sạch bằng năng lực bản thân. Với học vi TS của anh thì có thể đi tư vấn, giảng dạy ở các trường tư, quản lý nhân sự,...
    Nếu anh vẫn không thay đổi thì với 3 điều Bất trung,bất Hiếu Và bất nghĩa, anh phạm ở 2 điều sau rồi. Vì lương 3tr/tháng thì làm sao chăm lo được cho bố mẹ và vợ con?
    Thân!

    Trả lờiXóa
  9. Anh Dương, tôi 32T, mong làm cho Đảng từ bé, sau học Đhọc xong cũng muốn làm, mong ko được vì về quê em "nó"- hiệu trưởng 1 trường cấp 3 ở Nam định "xin" em 50 triệu thời giá năm 2005, năm tốt nghiệp sư phạm Anh văn, em ko "cho"- mà có đâu mà "bố thí lũ khốn ấy", em đi làm tính ra từ đó đến nay chưa làm cho cty nào của VIỆT NAM, làm cho tchức nào của ta, em làm cho " tư bản giãy chết" lương em nói ra bác lại tủi là nhờ "tư bản giãy chết" đó mà em 1 tháng bằng lương anh làm cả năm.Em kể ra để thấy anh " it is time to go " như anh gì nói khuyên qua vậy mà a ko chịu ra ngoài thì phạm 2 điều đó, anh cứ mạnh dạn ra ngoài, khả năng anh thì làm tư vấn " thật sự, làm việc thật" thì em tin sẽ có kết quả tốt hơn, số điện thoại em nếu anh cần trao đổi "chia sẻ kinh nghiệm " thì em sẽ alo anh, anh nhắn tin vào email em : sales@france-aroma.com. Anh thấy đó,có khi dồn ta vào chân tường đó chính là lúc ta tìm thấy ánh sáng.Chứ em thấy phục sự các thầy là " đỉnh cao trí tuệ của nhân loại" ko ổn, anh cũng thấy rồi, a có tin đâu mà giảm, đó là a đã nói hộ ý của nhiều triệu người dân Việt chưa nói ra được.Cảm ơn anh và tin anh hãy tự tin GO OUT & bye bye it.Go out, Go out and out right now.

    Trả lờiXóa
  10. Ngay từ đầu năm 2012, trên mạng đầy những bài tiên đoán nền kinh tế VN sẽ lâm vào giai đoạn khó khăn cực kỳ. Tôi ở nước ngoài, đọc mà lòng xót xa như bị sát muối các bác ạ. Dân mình sẽ rất khổ đây! Hàng triệu gia đình sẽ rất khổ đây! Những bữa cơm hàng ngày tôi ăn bên xứ người thỉnh thoảng trở thành châu lệ mỗi khi nhớ đến...

    Đến nước này thì cả nước cùng khổ, các bác ơi! Dù "stay here" hay "go out", cũng đều sẽ rất gian nan. Uất hận thay những kẻ vô tài vô đức đang ngồi trên đống vàng mà phá nát nồi cơm của dân lành!

    Trả lờiXóa
  11. Nguyễn Thế Hưng
    Tìm thông tin về Trần Dần lại thấy ngay ảnh bạn tôi. Nói chuyện điện thoại một lần và xem ảnh của bạn ở trên mạng nó khác điều tôi tưởng tượng rất nhiều. Ngày đầu xuân đọc thông tin về bạn thấy vui lắm. Bỏ qua chuyện cơm áo gạo tiền một phút để thấy bạn mình thay đổi thế nào sau15 năm. Nhìn bạn rất tuyệt, sáng lắm :). Phần trả lời của bạn Thuan-Diep ở trên có câu :"khi dồn ta vào chân tường đó chính là lúc ta tìm thấy ánh sáng ", tôi thì nghĩ rằng lúc lâm trận rất cần biết đâu là tường, bạn sẽ tránh không bị đâm sau lưng . Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe và làm được nhiều thứ.

    Trả lờiXóa