Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Phương Bích: NHẬT KÝ NGÀY 15.10.2012

Nhật ký dân oan ngày 15.10.2012 
Phương Bích 
Thực ra chưa bao giờ tôi tin vào thiện chí của chính quyền. Từ trải nghiệm trong gần 4 năm qua, tôi đã thấy rõ bộ mặt của họ như thế nào. Họ chỉ chịu thực hiện bổn phận và trách nhiệm của họ khi không thể lẩn tránh được nữa thôi.
Trong vụ việc nhà C1 của dân tôi, dù có muốn che đỡ cho chủ đầu tư đến đâu thì chính quyền cũng không thể bỏ qua cái khâu tối thiểu là ký tá hồ sơ đền bù đã. Thế nên, mặc dù ông chủ tịch quận có ra lệnh đình chỉ thi công bằng miệng, thì việc ra văn bản sau đó nghe chừng cũng phải vài tuần nữa? Nghĩa là ông không ăn trôi miếng này thì ông cũng phải hành dân chúng mày cho bõ tức?
Từ tối hôm qua, tôi đã xung phong trực buổi đầu tiên là chiều nay. Phiên trực là từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Tôi đi bằng xe buýt xuống Thành Công. Mọi người gặp nhau hỏi han một hồi, có cả Xuân Diện đến tận hiện trường nhà C1 để mục sở thị. Khoảng 4 giờ chiều thì mọi người tản về, chỉ còn tôi với hai phụ nữ. Tay giúp việc của ông chủ tịch quận gọi điện, bảo ngày mai tôi lên quận đăng ký gặp lãnh đạo quận vào thứ tư tuần sau, vì thứ tư tuần này ông chủ tịch bận.
Tôi thấy ngay cái trò trả thù vặt của ông chủ tịch nên bảo, dân đã có đơn từ ngày 9/10, sáng nay cháu cũng đã lắng nghe mọi ý kiến để báo cáo lại cho lãnh đạo, vì vậy việc duy nhất của ông ấy là ra văn bản, chứ chẳng có thứ luật pháp nào được thực thi bằng mồm cả. Thế nên bọn cô chả có gì để gặp ông ấy nữa.
Tranh thủ lúc trời còn sáng, hai chị bảo tôi về lo cơm nước cho bố rồi lại xuống trực. Tôi mượn xe máy của một chị, phóng như nay về nhà. Vừa mới cắm xong nối cơm thì điện thoại reo, tôi mở máy ra thì chỉ nghe thấy tiếng gào thét của một trong hai chị và tiếng xủng xoảng. Tôi hiểu ngay ra sự tình nên vội vàng khóa cửa. Vừa chạy xuống tầng 1 vừa gọi điện báo khẩn cấp cho một số người: xuống Thành Công ngay, chúng nó đang phá khóa nhà mình.
Tôi đèo một chị, phóng xe tít mù. Xuống đến nơi đã thấy bà con đông đặc, đang xỉa xói vào mặt tay giám đốc dự án. Tôi chen vào trước mặt tay này, xin phép được cắt lời một bác lớn tuổi:
- Tôi nói cho anh nghe, đất nào cũng phải có chủ. Một là của anh, hai là của tôi. Của anh thì không phải rồi. Của tôi thì chắc chắn vì sổ đỏ vẫn nằm trong tay tôi đây. Mà đã là đất của tôi, thì tôi không đồng ý cho anh ra vào nhà tôi một cách tự do như thế được. Chỉ cần anh tìm được bất cứ một thứ giấy tờ nào chứng minh rằng, tôi đã bàn giao mặt bằng cho anh thì tôi sẽ rút lui ngay tức khắc.
Anh bảo có quyết định thu hồi đất hả? Cứ cho là thế đi, nhưng muốn thực hiện nó phải có người giao và người nhận. Tôi đã giao cho anh đâu? Anh bảo gì? Rằng Sở tài nguyên môi trường giao cho anh ấy à? Anh hiểu biết như thế thì quá là ngu dốt, mà ngu dốt như thế thì đừng làm giám đốc nữa. Sổ đỏ vẫn trong tay tôi đây, Sở nào dám giao nó cho anh là lừa đảo. Nhưng anh nghe thấy bà con nói gì rồi đấy, rằng anh mới là kẻ lừa đảo. Nếu anh mà không lừa đảo thì tôi đố anh có được cái giấy phép xây dựng ấy đấy. Chả thế khi tôi gặp thanh tra Sở, họ bảo: thế vẫn chưa đền bù à? Công an phường cũng hỏi: thế chưa đền bù à?
Không những anh là đồ lừa đảo, mà anh còn hèn hạ nữa. Ba ngày nay bà con ngồi đây anh không ló mặt ra. Lợi dụng lúc chỉ có hai mụ đàn bà, anh ra phá khóa để ăn hiếp họ à? Giám đốc gì anh hả? Người hiểu biết thì ít nhất cũng phải báo cáo chính quyền, chứ lại cậy đông để phá khóa nhà người ta thế à?
Ôi trời, chưa bao giờ tôi giận điên người lên như thế. Cứ nghĩ lúc chỉ còn hai người đàn bà đối diện với hơn chục gã đàn ông, tôi lại muốn chửi thậm tệ hơn nữa. Tôi thì không văng tục, nhưng dân tôi thì thôi rồi. Cả bốn năm chục người , người nào cũng nổi cơn tam bành, chửi rủa không tiếc lời. Gã giám đốc cố vớt vát thể diện trước đám quân, nhưng cứ hễ mở mồm lại bị ăn chửi điếc cả ráy. Đám quân đứng đằng sau, nhìn dân chúng bừng bừng phẫn nộ, không ai dám hó hé một lời. Mọi người mải chửi, quay đi quay lại chả thấy tay giám đốc đâu. Có người bảo một bà kéo tay đó ra ngoài rồi.
Cơn giận dữ dần dần cũng nguôi. Mọi người lại hô khóa cửa lại, nhớn nhác đi tìm khóa. Một chị bảo: đây, khóa đây rồi, còn cái xích đâu, lúc phá khóa bọn nó lấy cái xích đâu rồi. Đứa nào lấy xích của bà khôn hồn thì đem trả ngay cho bà, không thì không xong với bà đâu nhé.
Mọi người cười rộ lên. Cái tay suýt bị đánh tối qua, đi vào trong góc cái công tơ nơ dùng làm văn phòng, nhặt lấy sợi xích đem ra bảo, giọng rất lễ độ : đây ạ.
Mọi người lại cười. Tôi rất sốt ruột vì chưa kịp cho bố ăn. Mọi người bèn bảo tôi cứ đi về, sẽ có người trực thay. Một chị đèo tôi về cho nhanh.
Về đến nhà, tôi vừa nấu thức ăn, vừa kể cho bố nghe, bố khoái trá lắm. Nhưng tôi biết, thế là dân tôi lại phải trường kỳ kháng chiến rồi. Nghĩ mà căm quá đi. Thế này làm sao cứ bảo, dân không yêu chế đ?
P.B
 
 

5 nhận xét :

  1. Đúng là Thế này làm sao cứ bảo , dân không yêu chế độ

    Trả lờiXóa
  2. Cái sự này xảy ra ở hành tinh nào vậy hở cụ Diện , có gần trái đất không tui đi xem cái mà đi bằng phương tiện gì vé có mắc không ?

    Trả lờiXóa
  3. Ngày xưa còn trường ki kháng chiến . Bây giờ hết kháng chiến rồi kháng gì đây ? CQ giống như đèn kéo quân. Ông đến rồi bà đến, ông đến rồi ông đi, bà đến rồi bà cũng đi . Dân cầm cái đèn giơ lên tối đến thấy hình người chạy qua chạy lai . Rút cục người cũng chỉ là bóng . Lời hứa gió bay . Bao giờ cho đến tháng 10 . Bây giờ là tháng 10 , chắc tháng 10 năm Tỵ .
    Đọc chữ Thành Công lại nhớ đến câu :
    Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết / Thành Công , Thành Công, Đại Thành Công . Chúc cho cô bác ở Thành Công chỉ Thành Công chứ không thất bại .

    Trả lờiXóa
  4. Về cái mục giải tỏa đền bù này tôi thấy có một điểm rất lạ:
    Khung giá đền bù do "nhà nước qui định".Nhưng khung giá bán ra lại do "chủ đầu tư qui định".
    Nó lạ quá lạ luôn, chả nhẽ chủ dầu tư lại to hơn nhà nước, hay nhà nước bắt tay với chủ đầu tư để cướp nhà cướp đất của dân.
    TB:
    PB hỏi bác Thảo xem vấn đề này nó thế nào.

    Trả lờiXóa
  5. Bác Nguyễn Tường Thụy có ghi lại nhận xét này trong bài kể chuyện mới đây trên blog của bác ý:

    "Chia tay với Phạm Thanh Nghiên và gia đình, tôi cứ suy nghĩ mãi về hình ảnh người con gái bé nhỏ mà can trường ấy. Trên đường về, mấy anh em chúng tôi nói chuyện với nhau, chính phụ nữ mới là phái có sức đấu tranh quyết liệt và trung kiên nhất. Rồi mọi người dẫn ra một vài ví dụ như Bùi Thị Minh Hằng, Lê Thị Công Nhân, Phương Bích, Huỳnh Thục Vy... "

    Đồng ý với bác Thụy lắm, nhưng tôi còn có thêm nhận xét này về nữ giới: đôi khi nhìn những gì họ làm, nghe những gì họ nói, đọc những gì họ viết... tôi có cảm tưởng Trời ban cho họ cái trực giác lạ lùng để có thể thấy trước tương lai một cách chính xác và cụ thể, mà không cần phải lý luận nhiều. Cứ thế, họ xăm xăm "bước tới tương lai", và xăm xăm sắn tay áo "làm nên tương lai" cho cộng đồng!

    Tình tiết này của câu chuyện mà Phương Bích kể lại làm tôi cảm động và rất vui, vì cho tôi thoáng thấy tương lai của nước nhà:

    "Đứa nào lấy xích của bà khôn hồn thì đem trả ngay cho bà, không thì không xong với bà đâu nhé. Mọi người cười rộ lên. Cái tay suýt bị đánh tối qua, đi vào trong góc cái công tơ nơ dùng làm văn phòng, nhặt lấy sợi xích đem ra bảo, giọng rất lễ độ: đây ạ. Mọi người lại cười..."

    Sẽ là một cuộc "cách mạng của nụ cười" chăng!? Lẽ phải sẽ chiến thắng, nhưng không phải chiến thắng trong đổ máu tan hoang, mà là của lòng bao dung vừa rất hồn nhiên vừa rất kiên quyết.

    Trả lờiXóa