TẠI SAO CHỦ ĐẦU TƯ LẠI CÓ THỂ NGANG NHIÊN
ĐẾN THẾ?
Cần phải nói thêm
là nhà C1 nằm ở vị trí rất đắc địa cho môi trường kinh doanh và sinh hoạt. Gần
trường, gần chợ, gần khu vực hành chính, gần công viên, gần các trục giao
thông, và quan trọng là nó ở ngay mặt tiền đối diện với chợ Thành Công. Cách
sống của người Việt vẫn có xu hướng bám vào các trục giao thông, các chợ để mưu
sinh, thế nên cái khu vực tầng 1 của nhà C1 thuộc diện sầm uất nhất khu. Ai chả
hiểu nó là một miếng mồi béo bở đến thế nào.
Trong một lần đi
nghe cử tri chất vấn Hội đồng nhân dân, tôi có nghe nói toàn khu Thành Công này
có hơn 80 tòa nhà 5 tầng, được xây từ những năm bảy mươi, tám mươi. Với thiết
kế của những khu nhà này, thì tuổi thọ của công
trình là từ 60 – 100 năm!
Ối giời! May ra cái
thằng thực dân nó xây thì mới thọ được như thế, thậm chí 100 năm sau khi phá
dỡ, viên gạch vẫn như khúc giò lụa, cứ gọi là đẹp nõn nà.
Không chỉ nhà C1 bị
lún, phần lớn các nhà chung cư cũ ở khu Thành Công đều lún và rệu rã. Lún là do
nền yếu, khi lún thì nó vặn vẹo, rồi mấy chục năm không “duy tu bảo dưỡng” thì
rệu rã là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên cái nhà C1 này là nhà khung bê tông cốt
thép, chất lượng xây ngày xưa khá tốt, không có chuyện tham nhũng nên khi phá
dỡ tương đối là vất. Những nhà lắp ghép khác trong khu mới ghê, trơ cả những
mối nối. Thậm chí phần hành lang còn hở toang hoác, nhìn cả xuống được tầng
dưới. Cũng ngập, cũng nguy hiểm, nhưng ở tít trong các xó xỉnh thì cứ như nàng
công chúa ngủ trong rừng thôi, chả ma nào ngó ngàng tới.
Theo quy hoạch khu
Thành Công đã từng được trưng bày, thì toàn bộ khu Thành Công sẽ đập bỏ tất cả
các chung cư 5 tầng, thay thế bằng 19 nhà chung cư từ 35 đến 45 tầng. Xem ra
điều này không khả thi nên chả thấy ai nhắc đến nữa.
Theo tôi hiểu thì
không khả thi về nhiều nhẽ, mà chủ yếu là vì không có các nhà đầu tư đủ năng
lực về tài chính, đủ tầm để thực hiện các dự án có quy mô lớn. Các doanh nghiệp
độc lập chỉ chăm chăm muốn ăn xổi từng dự án nhỏ lẻ.
Giữa một rừng các
chung cư 5 tầng san sát nhau thế này, nếu xây dựng lại với quy mô lớn hơn
nhiều, lại theo kiểu cuốn chiếu thì bộ mặt của khu đô thị mới này sẽ luôn là
một bức tranh nham nhở, xen kẽ giữa cái cũ lẫn cái mới.
Mới phá có một
chung cư mà dân xung quanh đã thấy khốn khổ vì bụi bặm và tiếng ồn, đường xá vỡ
nát, lầy lội. Vậy thì sau này nhà mới được xây xong, chúng tôi sẽ phải chịu
đựng việc phá dỡ tất cả các chung cư liền kề còn lại như thế nào? Mới nghĩ thôi
đã thấy khiếp. Thêm nữa, với kỹ thuật xây dựng chẳng lấy gì làm tin tưởng của
nhà thầu Việt Nam
hiện nay, thì chắc gì khi người ta thi công các công trình kế đó, lại không làm
ảnh hưởng đến những tòa nhà đã xây trước đó?
Chính vì thế, tôi
đã nghĩ ngay đến việc, nếu cái nhà C1 này có được xây dựng ngay bây giờ, thì
chắc chắn tôi sẽ bán đi để mua một căn hộ ở một khu đô thị khác, đã được xây
dựng một cách đồng bộ, hơn là sẽ chịu hít bụi và cái cảnh lầy lội khi mà ngôi nhà
mới của dân tôi sẽ là một nàng công chúa đứng giữa một công trường xây dựng
khổng lồ.
Một lý do vô cùng
quan trọng nữa là vấn đề phân chia lợi nhuận.
Ngày 28/7/2008,
UBND thành phố có ra một cái quyết định 48/2008/QĐ-UBND về việc ban hành quy
chế cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên đại bàn
thành phố Hà Nội.
Trong một bức thư
phản ảnh khẩn cấp của một số dân chung cư C1 Thành Công, D2 – C4 Giảng Võ gửi
các vị lãnh đạo nhà nước, chúng tôi đã nhấn mạnh: chính quyền thành phố Hà Nội với
“cơ chế 48” đã mở cánh cửa tham nhũng, hối lộ, xã hội đen vào các dự án xây
dựng nhà chung cư cũ trên mảnh “đất vàng”của dân.
Mặc dầu các chung
cư không phải là đối tượng thu hồi đất trong một dự án kinh doanh, nhưng cái cơ
chế này lại tự cho phép UBND thành phố thu hồi đất của người này giao cho người
khác để kinh doanh kiếm lời.
Không những thế,
một mặt cơ chế này vẫn dùng chữ đồng thuận và thỏa thuận trong việc đền bù, hỗ
trợ, tái định cư, nhưng mặt khác lại xây dựng nên một cái hệ số K = 1,3 mà
không biết dựa trên cơ sở tính toán nào để bắt người dân phải chấp thuận, khi
tính toán diện tích tái định cư cho họ.
Thế nhưng không
phải ai cũng biết rõ thực chất sự vi phạm pháp luật của cái quyết định 48 này
(kiểu đã là chủ tịch thì có bao giờ sai), nên cứ nghĩ là sao dân tham thế?
Người ta xây lại cho cái nhà mới là tốt lắm rồi, đòi hỏi cái gì nữa.
GS-TS Nguyễn Trường Tiến, Phó TGĐ Tổng công
ty xây dựng Hà Nội phát biểu: "Các dự án nhà ở cao tầng tại Việt Nam đạt lợi
nhuận đến 400-500%, trong khi lợi nhuận hợp lý là khoảng 30%". Ông Tiến
dẫn chứng: "Dự án Hoàng Anh River View (TP.HCM) có chi phí 832 tỉ đồng
nhưng đạt doanh thu 5.017 tỉ đồng, lợi nhuận 4.113 tỉ đồng".
Do đó, các dự án
trên đất vàng của dân có sức hút mãnh liệt không kém gì sức hút của lợi nhuận
ma túy.
....Một
nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai, đó là do cơ chế xin - cho, dẫn
đến chuyện lựa chọn một số nhà đầu tư chỉ chăm lo lợi ích cho mình, yếu kém
năng lực. “Cơ chế xin cho trong việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ làm cho tiến độ dự
án bị ảnh hưởng, người dân thì bị thiệt thòi. Nếu đấu thầu thì không nói, nhưng
lựa chọn nhà đầu tư yếu kém theo kiểu xí phần không triển khai dự án thì rất
nguy hiểm.
Đó cũng chính là lý
do mà suốt 4 năm nay, dân tôi năm lân bảy lượt đòi thay đổi chủ đầu tư mà chính
quyền hoàn toàn coi như điếc lác. Chúng tôi cũng tin rằng không phải vô cớ mà
Sở Xây dựng lại cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư, khi chưa hề kiểm tra hồ sơ
xin cấp phép. Không phải vô cớ mà UBND phường, quận lại dung túng cho chủ đầu
tư tiến hành thi công khi hồ sơ đền bù chi tiết chưa được lập và ký kết.
Suốt hai ngày nay
dân chúng tôi ngồi canh giữ đất mà các cấp chính quyền không hề ra mặt.
Rất may, cuộc chiến
của dân tôi không hề đơn độc. Bởi lẽ chủ đầu tư lộng hành tới mức họ chả thèm
làm cam kết với các chung cư liền kề trước khi tiến hành thi công. Dân các
chung cư đó cũng làm đơn kiến nghị tứ tung, vì nếu dự án này được thực hiện,
phạm vi mới của nó sẽ chiếm toàn bộ lối đi của họ. Tôi đã chỉ cho họ thấy cái
nguy cơ có thể không nằm ở đó, vì chưa chắc chủ đầu tư đã làm ngay mà chỉ cần
đóng xong cọc, chủ đầu tư đã có thể rao bán căn hộ trên giấy (thực chất là đã
có chuyện mua bán đó rồi).
Hoặc nếu có làm,
việc công trình mới áp sát cửa nhà họ như thế cũng là một cách ép các chung cư
liền kề vào một sự đã rồi, để họ buộc phải chấp nhận việc sớm di dời cho một dự
án khác tiếp theo.
Có rất nhiều ẩn
khuất đằng sau việc cải tạo chung cư chỉ nói riêng ở khu Thành Công này thôi.
Việc quy hoạch được duyệt hay chưa vẫn là một sự bí mật. Tại sao người ta
phải dấu giếm nếu như nó đã được duyệt? Tại sao người ta vẫn tiến hành xây dựng
khi quy hoạch chưa được duyệt? Sự công khai minh bạch trong xã hội bây giờ thực
sự là một điều xa xỉ, ngoại trừ việc công khai ăn cướp...
Đến chị Dậu cũng
phải sắn tay áo lên liều một phen thì hà cớ gì dân tôi lại chịu để chủ đầu tư
ăn cướp như thế?
Hết
P.B
P.B
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét