Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC

“ĐỘC LẬP, TỰ DO, HẠNH PHÚC”
 Phạm Xuân Nguyên

Đó là dòng tiêu đề gồm ba từ sáu chữ luôn xuất hiện cùng quốc hiệu Việt Nam trong 67 bảy năm qua, từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau ngày 2/9/1945 đến Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay. Sáu chữ đơn giản nhưng đó là “ham muốn tột bậc” của người khai sinh ra chính thể cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á, là cái đích Người đặt ra cho những người đồng chí hướng của mình phải phấn đấu hy sinh đưa lại cho dân tộc mình, cho quốc dân đồng bào mình. Ba từ bình dị mà thiêng liêng đã được Người nung nấu từ lòng yêu nước luôn cháy bỏng trong lòng. Có lẽ Người đã nghiền ngẫm nhiều từ câu khẩu hiệu nổi tiếng của cuộc Đại cách mạng Pháp “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” (Liberté, Égalité, Fraternité). Trong hoàn cảnh Việt Nam “bình đẳng” trước hết phải là “độc lập”. Thực dân Pháp khi sang đô hộ nước ta đã dựa vào cái tư tưởng chủng tộc văn minh, tiến hóa, thể hiện trong câu nói “Có đồng đẳng mới bình đẳng”. Dưới  mắt chúng, giống dân da vàng là thấp kém về chủng tộc, về văn hóa, không thể nào sánh vai ngang hàng được với giống dân da trắng văn minh, tiến bộ. Người thanh niên Nguyễn Ái Quốc cũng như bao người Việt Nam yêu nước khác không bao giờ chấp nhận sự áp đặt lịch sử phi tự nhiên đó. Độc lập dân tộc sẽ đưa lại bình đẳng cho quốc gia và con người. Cuộc cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã chứng minh cho mục đích đó. Khi Hồ Chí Minh sang Pháp tháng 6/1946 Người đã ở vị thế chủ tịch của một nước Việt Nam mới độc lập, thoát khỏi ách thống trị của nước Pháp và buộc nước Pháp phải đón tiếp ở tư thế thượng khách. Bình đẳng luôn phải trong tư cách độc lập, càng ở tầm vóc quốc gia càng phải vậy.

Độc lập đi liền với tự do. Độc lập dân tộc đi liền với tự do của người dân. Chính Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh tư tưởng nếu nước độc lập mà người dân không được tự do thì cái độc lập đó cũng không để làm gì. Tự do là một tài sản quý giá và vĩnh hằng của con người, có thể coi đó cũng là một quyền tự nhiên của con người. Chính trong Tuyên ngôn độc lập của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng của các nhà lập quốc Hoa Kỳ để từ những quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do, suy rộng ra quyền của một dân tộc. Cũng trên tinh thần đó, tôi nghĩ, vị chủ tịch của nước Việt Nam mới đã mở rộng tư tưởng “bác ái” thành “hạnh phúc”. Bác ái là tình thương, lòng yêu mến con người rộng khắp, bao trùm. Hạnh phúc là tình thương được cụ thể hóa thành “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Hạnh phúc là tình thương cho mọi con người được chan hòa bình đẳng trong một cộng đồng ấm no, hòa bình. Hạnh phúc là khi con người được thỏa mãn những nhu cầu và yêu cầu chính đáng của mình. Hạnh phúc là khi người dân được sống đầy đủ các quyền công dân của mình trong một đất nước độc lập, dưới một nhà nước bảo đảm cho họ quyền tự do dân chủ, nhất là tự do tư tưởng. Năm 1956 đến nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ ràng điều này: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người.”

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Mỗi năm đến ngày cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh, tôi thường ngẫm về ba từ sáu chữ này. Gắn với tên nước và tên gọi chế độ từ thuở ra đời, ba từ đó theo tôi là toàn bộ di sản chính trị và toàn bộ lòng yêu nước của một con người mang tên Hồ Chí Minh để lại cho đất nước và nhân dân ta. Trong những ngày này năm nay, độc lập càng đòi hỏi được bảo vệ và củng cố, tự do càng được yêu cầu bảo đảm, hạnh phúc càng được khát khao đạt tới.  Ba từ nói thì dễ, đọc thì nhanh, nhưng làm thì khó khăn, lâu dài, đó là một chuyện đơn giản khó làm.
        Hà Nội 31.8.2012
(Bài đăng báo Tuổi Trẻ, 1/9/2012, đây là bản chính của tác giả)

Nguồn: Quê Choa.




7 nhận xét :

  1. Hãy cứ để ba từ sáu chữ ấy ở trong"thời kỳ quá độ" cho nó thành niềm khát vọng nó mới quý hoá chứ khi nó trở thành hiện thực như mọi quốc gia văn minh rồi thì nó lại trở nên bình thường mất anh Nguyên ợ.Cũng như cả thế giới chỉ còn vài ba nước XHCN thì nó mới quý hiếm chứ đại tra như mấy anh Âu Mỹ thì có gì mà đáng xem đâu.

    Trả lờiXóa
  2. Khẩu hiệu là mục tiêu chúng ta đang vươn tới!
    Những mục tiêu cao cả như thế này, 67 năm chưa là cái gì. Có thể phải hàng trăm hay hàng nghìn năm nữa. Và khẩu hiêu này mãi mãi trong lòng chúng ta.

    Trả lờiXóa
  3. Khẩu hiệu đó là tư tưởng "Tam Dân Chủ Nghĩa" của Tôn Trung Sơn

    Dân tộc độc lập: Phản đối chủ nghĩa đế quốc và quân phiệt cấu kết xâm lược, mưu cầu bình đẳng dân tộc và quyền tự quyết dân tộc.

    Dân quyền tự do: Thi hành chính sách dân chủ, ngăn cản sự lạm dụng chế độ hiện hành của Âu-Mỹ, nhân dân có quyền bầu cử, kêu gọi bầu cử, sáng tạo, trưng cầu dân ý để thông qua đó chọn ra các cơ quan lập pháp, hành pháp, và tư pháp.

    Dân sinh hạnh phúc: Quyền về đất đai của mỗi người dân và kiểm soát vốn, tư nhân không thể thao túng sinh kế quốc dân.

    Trả lờiXóa
  4. Đề nghị TS Nguyễn Xuân Diện đưa câu nói dưới đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đầu trang blog này ,để hằng ngày các thế lực phản động vào đọc được khai sáng nhé
    Chế độ ta là chế độ dân chủ ,tư tưởng phải được tự do .Tự do là thế nào ?Đối với mọi vấn đề ,mọi người tự dobày tỏ ý kiến của mình ,góp phần tìm ra chân lý .Dó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người .

    Trả lờiXóa
  5. Đúng,cám ơn NẶC DANH 08.15-nó là vậy đó!

    Trả lờiXóa
  6. " Độc lập - Tự do - Hạnh phúc " đó là mơ ước của Hồ Chí Minh trong ngày lập quốc 2/9/1945 . Sau 67 năm thì mơ ước này vẫn chỉ còn trên giấy . Vì sao Nhật bản chỉ 25 năm sau chiến tranh từ một đống đổ nát hoàn toàn + 2 quả bom nguyên tử , đã trở thành cường quốc kinh tế thế giới. Hàn quốc sau chiến tranh Bắc nam cũng từ một đống đổ nát hoàn toàn , nhưng sau gần 30 năm đã trở thành nền kinh tế lớn của thế giới . Còn VN sau gần 40 năm thống nhất đất nước vẫn chỉ là một nước nghèo và ngày càng tụt hậu so với các nước xung quanh khu vực . Vì sao nên nổi thế này và do ai thì ngày nay mọi người đã rỏ như ban ngày. ông Lê Doãn Hợp nói trong bài: " Tiền nhiều - yên dân " trên Vietnamnet ngày 2/9/2012 : " một tổ chức ( tức là đảng cầm quyền ) cách mạng và khoa học mà để dân nghèo lâu là tự phủ nhận mình " . Dân VN đã nghèo khổ quá lâu hơn 50 năm nay thì thử hỏi tổ chức đó có còn là cách mạng và khoa học và chính đáng nữa không ?

    Trả lờiXóa
  7. Câu cuối được biên tập thêm vào bác ơi:"nhưng chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt hơn"
    http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/509514/“Doc-lap-tu-do-hanh-phuc”.html

    Trả lờiXóa