Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Đào Tuấn: ĐÒN DẰN MẶT SỰ THẬT VÀ NHỮNG AI CÓ Ý ĐỊNH CÔNG BỐ SỰ THẬT

Đòn dằn mặt sự thật và những ai có ý định công bố sự thật

Đào Tuấn

Cuối năm ngoái, sau hàng loạt những quy định, nào là CSGT không được mang kính đen, không được “anh hùng Núp”, CA TP đặt ra một quy định nghe rất tức cười: CSGT không mang theo quá 100 ngàn đồng tiền mặt lúc làm nhiệm vụ. Thậm chí, một lãnh đạo CSGT còn nói: Trong trường hợp, CSGT muốn mang theo tiền để sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi xử lí việc cá nhân thì số tiền đó phải niêm phong và có chữ kí của lãnh đạo Đội CSGT.

Quy định này đã lâu rồi mà giờ nhắc đến không thể nhịn cười vì sự ngộ nghĩnh, nhảm nhí và ngớ ngẩn của nó. Liệu cần có một lực lượng “Cảnh sát ví” để thực thi mệnh lệnh này? Và liệu sẽ phải có thêm quy định “Cảnh sát ví” không mang theo quá 100 ngàn khi kiểm soát ví?

Hồi HĐND TP Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 3, PGĐ CA TP Hà Nội Lưu Quang Hợi bình luận về tính hiệu quả của “quy định 100 ngàn” này như sau: Chúng tôi không khám người nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện có sự giám sát giữa đồng chí, đồng đội với nhau và có quy trình trong công tác được duyệt qua các Tiểu đội. Chúng tôi theo dõi, nói chung là có hiệu quả, ngăn chặn được nhiều hiện tượng tiêu cực. Chúng tôi chưa thống kê những trường hợp vi phạm nhưng, nói chung là có hiệu quả, chưa có trường hợp nào vi phạm.

Câu trả lời đá đấm nhau loạn xạ, quả thực cũng hồn nhiên và hài hước y như quy định 100 ngàn.

Nói đi nói lại, tiêu cực trong lực lượng CSGT bị phát hiện hầu hết là từ báo chí với “nghiệp vụ” rất đơn giản: Giả người vi phạm đưa tiền. Sau đó đưa lên báo.

Đến hôm qua, không ít các phóng viên điều tra đã tái mặt sau khi án văn tuyên ra con số 4 (năm tù) cho Hoàng Khương, một trong vô số các nhà báo, rất đơn giản: “Đưa tiền, sau đó đưa lên báo”.

Vụ án Hoàng Khương, dưới giác độ kinh tế, có thể nói là xoay xung quanh con số 15 triệu đồng. Cấu thành vật chất của tội nhận hối lộ là (của đưa hối lộ) có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Chẳng hạn, nếu Hoàng Khương chỉ đưa 1,9 triệu, thì anh không đến nỗi phải ra tòa. Nhưng với lạm phát liên tục ở mức 2 con số, 2 triệu đồng giờ chỉ “đủ” cho lỗi đèn đỏ, sai làn, vượt tốc. Chẳng hạn Hoàng Khương có ý định “cứu xe” vi phạm với chỉ 1,9 triệu, không khéo anh đã bị viên cảnh sát lập biên bản, còng tay ngay lập tức vì tội…đưa hối lộ.

Bởi vậy, 15 triệu là số tiền cần và đủ, theo yêu cầu của viên cảnh sát, để có thể “cứu xe”, và dù không phải tiền túi của Khương, cũng là đắt đối với nhuận bút của hai bài điều tra. Nhưng cái giá đắt nhất cho 15 triệu và 2 bài điều tra chống tiêu cực mà Hoàng Khương phải trả là một kết cục không thể tồi tệ hơn: Gần 1.500 ngày tù, chính xác là 1460 ngày.

Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Có lẽ nếu được chọn lại, tôi tin Hoàng Khương sẽ không bao giờ chọn làm PV điều tra, thậm chí, không bao giờ làm nghề báo.

Cái giá mà Hoàng Khương phải trả cho sự ngây thơ vào “niềm tin công lý” của anh hôm nay, có lẽ cũng là một gáo nước lạnh cho những đồng nghiệp còn mơ ngủ của anh, bởi rất đơn giản là hầu như tất cả các nhà báo từng điều tra về mãi lộ đều đã “phạm tội”, chỉ là “chưa bị lộ”, bởi ai cũng từng phải “tay phải đưa tiền, tay trái thủ máy ghi âm”. Không đưa tiền thì làm sao chống được tiêu cực? Làm sao trả lời “cơ quan chức năng” câu hỏi to đùng “Bằng chứng đâu?”.

7 năm trước, sau buổi nói chuyện “hậu sự” về vụ PMU18 tại trụ sở Hội nhà báo, nhất là sau Hội nghị báo chí toàn quốc ở Quảng Ninh, những nhà báo điều tra kinh nghiệm nhất, lành nghề nhất, thiện chiến nhất (và có cái mũi thính nhất) ở hầu hết các tòa báo đã “quăng bút”, chuyển mảng công việc. Có khi chỉ bởi cái giá phải trả là quá đắt, so với đồng tiền cơm áo vẫn lĩnh ở tòa soạn, hoặc đơn giản hơn, trong khi nhuận bút ngày càng bèo thì tiền tiêu cực, để thực hiện điều tra- ngày càng cao.

Vậy thì ai sẽ làm hiệp sĩ? Ai sẽ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng?

Đây là câu hỏi, từ ngày hôm nay sẽ không có câu trả lời.

Một án văn nhân danh nhà nước không thể không xem xét đến cái lợi, cái hại. 1.500 ngày tù, về tội đưa hối lộ- cho một nhà báo điều tra chống tiêu cực, sẽ được cái lợi gì?

Cái lợi, thực ra là rất khó nhìn thấy, trừ phi sự trả đũa, đòn dằn mặt sự thật và những ai có ý định công bố sự thật- cũng “nhân danh nước cộng hòa”- được coi là một cái lợi.
 
Nguồn: Quê Choa.
 
 

15 nhận xét :

  1. Đây có thể gọi là bóp cổ đến mức lòi dom!

    Trả lờiXóa
  2. Anh Khương không xử dụng biện pháp nghiệp vụ thì không thể bắt quả tang công an ăn hối lộ, thay vì anh được khen thưởng thì lại bị một án tù 4 năm quá phi lý vô nhân đạo, chẳng lẽ Nhà nước trả thù người chống tham nhũng hay sao mà xử kiểu này? Ô nhục!

    Trả lờiXóa
  3. Đơn giản vì bộ máy chính quyền tuyển nhầm quá nhiều bọn bất lương. Chúng ở khắp mọi nơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đơn giản vì bộ máy chính quyền tuyển quá nhiều bọn bất lương. Chúng ở khắp mọi nơi! Không nhầm đâu.

      Xóa
  4. Em đố các bác dám "gác bút" đấy! Cuối cùng thì đâu cũng vào đấy cả thôi. Những Hoàng Khương hay sắp tới là anh em nhà Đoàn Văn Vươn cũng đều phải . . . vào tù.

    Trả lờiXóa
  5. Xin lỗi nhà báo Hoàng Khương chỉ tại anh làm nghề báo nên mới ra nông nỗi này...

    Trả lờiXóa
  6. thuc su rat bat binh!
    Chang thay cong ly dau. Hay tra tu do cho nha bao Hoang Khuong!

    Trả lờiXóa
  7. Việc kết án Hoàng Khương bốn năm tù không chỉ là dằn mặt cánh phóng viên,báo chí mà còn là cú đấm vào mặt và ngón tay răn đe nhân dân trước khi vào cuộc triển khai học tập Nghị quyết 4:"Chúng mày hãy cẩn thận,đừng lóc bóc tố cáo,coi chừng mọt gông,đến phóng viên chúng tao còn diệt nữa là lũ dân đen chúng mày"

    Trả lờiXóa
  8. Mất lớn nhẩt là mất niềm tin tuyệt đối ! Hoàng Khương : 4 năm tù =>nên đưa vào SGK báo chí

    Trả lờiXóa
  9. Quê tôi có chuyện ngược lại với vụ án anh Khương.
    Một lên lưu manh (là CB nhà nước) giả danh nhà báo để tống tiền một đơn vị CA về chuyện tiêu cực hay tích cực gì đấy. Lai lịch bị lộ, hắn suýt bị cơ quan trị tội. Chả hiểu sao mọi việc sau đó đã đi và quên lãng. Nghe nói, hắn được "nạn nhân" xin bãi nại ! Đến nay, chưa ai hiểu vì sao lại như vậy! Hay là hắn dọa: chó cùng đường sẽ cắn bậy... Mà lũ người yếu bóng vía, có tật giật mình lại chúa sợ bị "chó cắn bậy". Hết chuyện.

    Trả lờiXóa
  10. Cứ cách mà chính quyền hành xử với người chống tham nhũng như vụ Hoàng Khương này thì BẦY SÂU mà chủ tịch TT Sang nói sẽ ngày càng đông vui.
    Công lý đâu rồi ? Tôi chợt nhớ người ta vẫn nói rằng: "... Ở Việt nam Công lý chỉ là tên của một diễn viên hài!".

    Trả lờiXóa
  11. Vừa rồi đi Thái Lan 6 ngày, suốt 6 ngày di chuyển bằng xe 45/25 chỗ trên đất Thái, lang thang BangKok bằng nhiều phương tiện kể cả tuktuk, xe ôm. Nhưng chưa hề thấy xe nào bị chặn đường kiểm soát bởi CSGT Thái, chưa hề thấy "Anh hùng Núp" Thái Lan. Về lại Tp HCM ngày nào cũng giật mình khi vừa ló ra đường đã thấy bóng CS, trưa nào ra khỏi cơ quan cũng thấy cách cổng 50 m có vài người bị thổi lên lề đường "làm việc", có lần thấy người vi phạm đưa tiền thế nào mà gió thổi bay, CS chạy theo nhặt. Ở Thái còn khác VN nữa là xe hơi rất nhiều, mà xe nhường người đi bộ, còn ở VN người đi bộ phải nhường xe !, bao giờ thì VN mới có được văn hóa giao thông như Thái Lan hiện nay, bao giờ mới hết anh hùng "Núp" ?

    Trả lờiXóa
  12. "Cái giá mà Hoàng Khương phải trả cho sự ngây thơ vào “niềm tin công lý” của anh hôm nay, có lẽ cũng là một gáo nước lạnh cho những đồng nghiệp còn mơ ngủ của anh, bởi rất đơn giản là hầu như tất cả các nhà báo từng điều tra về mãi lộ đều đã “phạm tội”, chỉ là “chưa bị lộ”, bởi ai cũng từng phải “tay phải đưa tiền, tay trái thủ máy ghi âm”. Không đưa tiền thì làm sao chống được tiêu cực? Làm sao trả lời “cơ quan chức năng” câu hỏi to đùng “Bằng chứng đâu?”. "
    ---------------------
    Lũ họ một giuộc cả,tốt nhất để cho chúng tung hoành.Chiều tàn trời khắc tối.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lúc nào cũng xoen xoét "bằng chứng đâu".
      Rồi đến khi đưa ra bằng chứng thì lại vầy.
      Cũng còn may cho em học sinh quay clip ở Đồi Ngô,
      họ cũng định đánh trượt em đó đấy,
      nhưng cái bằng tốt nghiệp THPT giờ cũng chẳng có giá trị gì nên thôi đấy.

      Xóa