Sách giáo khoa triều Nguyễn dạy về Hoàng Sa, Trường Sa
Phạm Thị Thùy Vinh
Tập sách "Khải đồng thuyết ước" rất có giá trị trong công việc giảng dạy, truyền bá kiến thức về lịch sử, thiên văn địa lý, văn hóa, cương giới lãnh thổ của Việt Nam.
Khải đồng thuyết ước 啟童說約là tập sách giáo khoa viết bằng chữ Hán và chữ Nôm ghi chép về thiên văn, địa lý, điền thổ, nhân đinh, tên các xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh thành, những nhân vật lịch sử, quốc hiệu, hình thế núi sông và bản đồ toàn quốc của Việt Nam. Tập sách này do Kim Giang Phạm Phục Trai, thi Ân khoa năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) biên soạn, Tiến sĩ Ngô Thế Vinh người Bái Dương huyện Nam Chân nhuận sắc.
Khải đồng thuyết ước được biên soạn xong vào cuối mùa xuân năm Tự Đức Quý Sửu (1853) và được in lần đầu tiên vào mùa hạ năm Tự Đức Tân Tỵ (1881).Sách chia làm 3 tập: Tý, Sửu, Dần. Tập Tý nói về thiên văn gồm tứ thời, ngũ hành, bát quái, các vì sao. Tập Sửu nói về địa hình sông núi biển đảo cùng với sự thống kê về ruộng đất, nhân đinh trong các địa phương cả nước và có bản quốc địa đồ 本國地圖 (bản đồ của toàn quốc).
Tập Dần nói về quá trình con người từ lúc mới sinh ra cho đến khi trưởng thành, mất đi và ghi về thế thứ lịch đại, niên hiệu, niên đại, sông núi, sản vật quý hiếm, dị nhân của Việt Nam. Khải đồng thuyết ước là tập sách giáo khoa cho trẻ em cấp tiểu học, được biên soạn sớm nhất dưới triều Nguyễn. Lời Tựa của tập sách này do chính tác giả Phạm Phục Trai đã tự viết với nhan đề Khải đồng thuyết ước tự tự 啟童說約自序.
Bản đồ cổ Hoàng Sa, Trường Sa trong tập Khải đồng thuyết ước |
Trong lời Tựa đó tác giả cho biết: Khi còn nhỏ ông đã ham đọc sách, trước tiên từ Tam tự kinh đến các bộ sử, sau đó đọc các Kinh truyện, chịu khó học tập để đi thi mong chiếm lấy bảng vàng. Ông đã cố gắng sưu tập những điều hay, trên thì thiên văn, dưới thì địa lý, ở giữa là chuyện nhân sự và các thế thứ lịch đại của Việt Nam để giảng dạy cho trẻ em. Ông lại có may mắn được thừa hưởng sự giáo huấn dạy dỗ nghiêm túc của gia đình nên đã tham dự kỳ thi Ân khoa (Cử nhân) năm Tân Sửu Thiệu Trị nguyên niên (1841) và lãnh chức Hương tiến.
Nhân dịp đi chơi đến huyện Nam Chân ông đã may mắn gặp được một tiểu dân của bản huyện tại Bố Cầm đường (có thể hiểu như một thư viện nhỏ của tư gia), sưu tập được rất nhiều sách. Ông đã cẩn thận đọc một vài lần, sau đó trích lấy những điều cơ bản về thiên văn, địa lý nhân sự, thế thứ các đời rồi biên tập thành một tập sách chia làm 3 bộ. Phần đầu viêt bằng chữ Hán, phần sau viết lại bằng chữ Nôm mỗi câu 4 chữ, 4 câu 2 vần để giảng cho trẻ nhỏ dễ thuộc.
Về tác giả Kim Giang Phạm Phục Trai, sách Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam cho biết: Kim Giang là tên hiệu của ông, Phục Trai là tên tự. Ông tên là Phạm Vọng quê xã Kim Đôi tỉnh Bắc Ninh, đỗ Cử nhân khoa Tân Sửu Thiệu Trị thứ nhất. Ngoài tác phẩm Khải đồng thuyết ước, Phạm Phục Trai còn có tác phẩm Khải mông thuyết ước trong sách Đại Nam quốc sử diễn ca và có văn thơ trong các sách Nghệ An nhân vật chí, Vạn tuyển tân biên, Tam tự kinh giải âm diễn ca...
Về người hiệu đính (nhuận sắc) của tập sách này chúng tôi đã tra cứu trong các sách đăng khoa lục thì Ngô Thế Vinh sinh năm Quý Hợi (1803) quê xã Bái Dương huyện Nam Chân tỉnh Nam Định, đỗ Cử nhân khoa Mậu Tý Minh Mệnh 9 (1828), đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu Minh Mệnh thứ 10 (1829). Ông giữ chức Lang trung ở bộ Lễ, sau vì can việc trường thi bị cách hết chức, ông về nhà dạy học. Sau đó vua lại vời vào thi lại, phục đỗ Tiến sĩ và cho về quê quán. Ông có rất nhiều học trò thành đạt và để lại khoảng hai chục tác phẩm cả văn thơ trong kho sách Hán Nôm.
Cả hai ông đều là người có học hành đỗ đạt cao và vì thế những gì mà họ cùng nhau đứng tên trong biên soạn sách giáo khoa càng làm tăng thêm tính khoa học của tác phẩm, nhất là lại dùng vào mục đích dạy cho trẻ em biết khái quát về lịch sử, địa lý, thiên văn, con người của nước nhà. Lại trang bị cho trẻ nhỏ những tri thức về cương giới lãnh thổ, chủ quyền quốc gia thông qua bản đồ toàn quốc, trong đó vị trí về cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đều được ghi vào trong tập bản đồ này.
Hiện nay sách Khải đồng thuyết ước được lưu trữ tại viện Nghiên cứu Hán Nôm với 10 ký hiệu khác nhau, có cả bản in và bản chép tay. Về cơ bản nội dung của những bản sách này đều ghi chép thống nhất về cả thiên văn, địa lý, lịch sử nhưng có độ dài ngắn khác nhau. Quyển có độ dày nhất là 179 trang, trong đó có cả phần chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ, những bản còn lại chỉ từ 30 đến 85 trang, có bản chỉ chép chữ Hán, bản chỉ ghi chữ Nôm, bản có vẽ bản đồ, bản thì không. Điều này cho thấy việc sao chép diễn ra trong nhiều thời điểm khác nhau, sách được tập hợp lại từ nhiều nguồn khác nhau. Sách được in lần đầu tiên vào năm Tự Đức Tân Tỵ (1881) và được in muộn nhất vào năm 1932. Như vậy có thể thấy tập sách Khải đồng thuyết ước rất có giá trị trong công việc giảng dạy, truyền bá kiến thức về lịch sử, thiên văn địa lý, văn hóa, cương giới lãnh thổ của Việt Nam.
Về nguồn sách Khải đồng thuyết ước tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có một số tác giả đề cập tới, như PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh đã nhắc đến trong bài viết đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 2 năm 2011 và sau đó tác giả Trần Văn Quyến có giới thiệu trong công trình nghiên cứu về biển đảo. Tôi xin giới thiệu một bản Khải đồng thuyết ước chép tay khác hiện đang được lưu giữ tại nhà một người dân tại Thanh Hóa.
Tác giả và chủ nhân lưu giữ Khải đồng thuyết ước ở Sầm Sơn – Thanh Hóa |
Như vừa giới thiệu ở trên, sách Khải đồng thuyết ước là sách giáo khoa dạy cho học sinh cấp tiểu học bấy giờ. Từ khi được biên soạn xong vào năm Tự Đức Quý Sửu (1853) đến khi được in lần đầu vào năm Tự Đức Tân Ty.(1881) là cả một khoảng thời gian dài 34 năm. Trước khi được in chắc chắn tập sách này đã được sao chép lại nhiều lần ở nhiều địa phương khác nhau làm tài liệu giảng dạy cho trẻ em. Bản sách Khải đồng thuyết ước tại Thanh Hóa không ghi thời gian sao chép nhưng căn cứ trên chất liệu giấy và chữ viết chúng tôi đoán định có thể được sao lại khoảng đầu thế kỷ XX. Bản này có một vài dị biệt so với các bản ở Viện Hán Nôm.
Trước hết văn bản này là một bản chép tay nhưng ghi rất đầy đủ toàn bộ nội dung cũng như lời Tựa. Đây là bản viết bằng chữ Hán, không có phần dịch ra chữ Nôm. Sách gồm 37 tờ viết hai mặt, được viết trên giấy dó, chữ viết rõ, dễ đọc. Sách được lưu giữ tại từ đường dòng họ Văn ở thị xã Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi đã đến tận nơi để tiếp cận với văn bản. Trang đầu của tập sách ghi Khải đồng thuyết ước thượng tập.
Phần tiếp theo ghi tên tác giả là Kim Giang Phạm Phục Trai toản tập; người hiệu đính là: Nam Chân huyện Bái Dương Tiến sĩ Ngô Thế Vinh nhuận sắc. Bản sách này không ghi dòng văn bản được in năm Tự Đức Tân Tỵ, điều này cũng hoàn toàn hợp lý vì rất có thể bản sao này được sao lại từ một bản gần nhất của văn bản gốc ban đầu. Vì thế mà trong bản này không có trang đầu tiên giống như trên văn bản in mà chúng tôi vừa nêu, đó là Khải đồng thuyết ước, Kim Giang Phạm Phục Trai toản tập, Tự Đức Tân Tỵ hạ tân thuyên, Linh Sơn tự tàng bản. Nội dung của bản ở Thanh Hóa giống với nội dung của một số bản tại Viện Hán Nôm, chỉ có phần Bản đồ thì được vẽ đầy đủ hơn. Điều đáng nói nhất trong tập sách này là tấm bản đồ với tên gọi Bản quốc địa đồ . Tên gọi của bản đồ và vị trí các tỉnh thể hiện trên bản đồ trong tập sách ở Thanh Hóa cũng giống như trong các bản sách Khải đồng thuyết ước đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bản đồ đã ghi lại vị trí của tất cả các tỉnh thuộc Việt Nam bấy giờ, từ Nam Quan đến Hà Tiên. Hoàng Sa và Trường Sa cũng được ghi trên tấm bản đồ này.
Phần về Hoàng Sa được ghi là Hoàng Sa chử 黃沙渚 (Bãi cát vàng), phần ghi về Trường Sa chỉ ghi hai chữ Trường Sa長沙 và bên cạnh khuyên tròn hai chữ Trường Sa giống như khuyên tròn ba chữ Hoàng Sa chử có vẽ thêm những chấm tròn nhỏ xung quanh. Có thể hiểu những dấu chấm tròn nhỏ này như những đảo nhỏ xung quanh. Dưới phần ghi Hoàng Sa và Trường Sa có ghi hai chữ ở dưới là quốc nội 國內.
Chúng tôi cho rằng bản sao sách Khải đồng thuyết ước tại Thanh Hóa được sao từ văn bản sớm nhất, gần với văn bản gốc nhất nên trên bản đồ thể hiện đầy đủ hơn. Điều này cho thấy ngay từ đầu thời Tự Đức chủ quyền về biển đảo của Việt Nam đã được thể hiện rất rõ trên bản đồ. Đáng nói hơn, đây lại là bản đồ trong sách giáo khoa dùng để dạy cho học sinh cấp tiểu học do những nhà khoa bảng của Việt Nam biên soạn, được sao chép và in lại nhiều lần trong khoảng thời gian gần 100 năm. Dạy cho trẻ nhỏ biết về lịch sử, cương giới, lãnh thổ ngay từ khi còn là học sinh tiểu học đã truyền vào tâm hồn thế hệ trẻ tình yêu và sự gắn bó với quê hương đất nước. Có lẽ đó là điều tâm đắc nhất của Phạm Phục Trai và Ngô Thế Vinh muốn gửi lại cho các thế hệ tiếp nối và các nhà biên soạn sách giáo khoa về lịch sử cho học sinh hiện nay có thể tham khảo được nhiều điều./.
PGS.TS. Phạm Thị Thùy Vinh
Nguồn: VOV.
Tễu: Đọc hết bài viết, muốn mượn lời Chủ tịch nước nhắn với ngành Giáo dục là "Phải biết hổ thẹn với tiền nhân".
"Phải biết hổ thẹn với tiền nhân".
Trả lờiXóaPhải biết hổ thẹn khi trong tương lai VN phải bay qua Miến Điện mà xin viện trợ.
Các vua triều Nguyễn đều vĩ đại-đặc biệt vua GIA LONG!
Trả lờiXóaBao giờ có bộ tài liệu chuẩn về Hoàng Sa, Trường Sa?
Trả lờiXóaTại hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông vừa diễn ra tại Đà Nẵng, trước tình trạng học sinh quá mơ hồ, sai lệch về Hoàng Sa, Trường Sa, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) đã đặt câu hỏi:
"Ai sẽ chịu trách nhiệm trước tiền nhân và hậu thế về sự lệch lạc này của lịch sử đất nước?".
http://biendong.vntime.vn/News.aspx?Section=TuLieuLichSu&obj=3094db5a-5184-4387-84bb-ca315836aa76
Hy vọng có người giúp đỡ lưu trữ lại những chứng cứ lịch sử, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa. Đừng để bọn Tàu thủ tiêu, hủy hoại chúng.
Trả lờiXóaĐề nghị bác Xuân Diện cho scan lại cuốn sách hoặc sử dụng vi tính chuyển nội dung cuốn sách thành file .PDF (Adobe Acrobat) để lưu trữ được bền lâu.
Trả lờiXóaCó lẽ Phó giáo sư nhầm đoạn này "Sau đó vua lại vời vào thi lại, phục đỗ Tiến sĩ và cho về quê quán" mà vua Tự Đức biết ông là người có tài, giỏi thơ văn, cho khôi phục danh hiệu Tiến sĩ. chứ không phải vua lại vời vào thi lại. Kinh cẩn gửi vài chữ đểu giáo sư chỉnh lại!
Trả lờiXóaCó lẽ tác giả của comment trên viết thừa chữ "u" khiến chữ "để" bị sai thành chữ "đểu".
XóaNay sửa lại câu cuối là: "Kính cẩn gửi vài chữ ĐỂ giáo sư chỉnh lại"
Kính
TỄU
Cám ơn bác dã góp ý.Phần về Tiến sĩ Ngô Thế Vinh chúng tôi dựa trên chú giải của tập sách Quốc triều khoa bảng lục của Cao Xuân Dục, NXB Văn hoc. Nguyên văn là: "Ngô Thế Vinh quán xã Bái Dương huyện Nam Chân trấn Nam Định.Trúng cử nhân khoa Mậu Tý(1828), chức Lang trung bộ Lễ, vì can việc trường thi bị cách hết quan tước.Ông về nhà dạy học, học trò nhiều người thành đạt. Sau Vua vời vào thi lại, được dự hạng trúng, lại được phục Tiến sĩ và cho về quê quán".Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam,NXB Văn học,cho biết cụ thể hơn: "Ngô Thế Vinh, Cử nhân khoa Mậu Tý,27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Mệnh 10(1829).Lúc đầu bổ chức Hàn lâm viện Biên tu, rồi bổ Tri phủ Định Viễn, về Kinh nhậm chức Viên ngoại lang bộ Lại, thăng Lang trung bộ Lễ.Năm Minh Mệnh 15(1834) sung làm Giám khảo trường thi Hương Hà Nội, vì duyệt quyển không kiểm xét kỹ bị cách chức".
Trả lờiXóaNhư vậy có thể thấy việc ông bị cách chức xảy ra sau thời gian ông đã thi đỗ Tiến sĩ. Sau này khi thấy ông là người có tài nên Vua đã cho ông thi lại, và ông lại thi đỗ nên Vua cho khôi phục lại danh hiệu Tiến sĩ cho ông. Điều này lại lần nữa cho thấy sự nghiêm túc của nền giáo dục triều Nguyễn đối với việc thi cử để trở thành các nhà khoa bảng.
Chân thành cám ơn bac.
Kính.
PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh
Chúng tôi có hai bản dịch Quốc triều hương khoa lục:
Xóa1. Cao Xuân Dục: Quốc triều hương khoa lục, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, 1993
2. Cao Xuân Dục: Quốc triều hương khoa lục, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Nxb Lao Động, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2011
Những tư liệu nói trên đều viết về Ngô Thế Vinh như sau: "0601 30. Ngô Thế Vinh (Nhiều đời thi đâu) Người xã Bái Dương huyện Nam Chân. Em Ngô Đình Thái, ông nội Ngô Huy Trình. Thi đậu Tiến sĩ khoa Kỉ sửu (1829). Làm quan tới chức Lang trung bộ Lễ, có tội, bị cách cả học vị Tiến sĩ. Sau nhờ dạy học trò được nhiều người thành đạt, được gọi ra kinh đô, cho phục lại học vị Tiến sĩ, chuẩn cho về quê. Có Dương đình thi văn tập.
Theo đó, Ngô Thế Vinh đỗ Tiến sĩ rồi làm quan đến Lang trung bộ Lễ. Trong khi đó PGS.TS Vinh trích dẫn từ bản dịch của NXB Văn học (không biết ấn phẩm này xuất bản năm nào, trên thị trường bán ấn phẩm này ở đâu, xin TS cho chúng tôi hay, chúng tôi cũng muốn mua) cho rằng "Trúng cử nhân khoa Mậu Tý(1828), chức Lang trung bộ Lễ". Như vậy, Ngô Thế Vinh làm quan Lang trung bộ Lễ sau khi đỗ Cử nhân hay đỗ Tiến sĩ (xin PGS.TS làm rõ).
Thêm nữa, trong bản dịch Quốc triều hương khoa lục mà chúng tôi có không nói đến chuyện "vì can việc trường thi bị cách hết quan tước", cũng không nói đến chuyện "Sau Vua vời vào thi lại, được dự hạng trúng, lại được phục Tiến sĩ và cho về quê quán". Trong lịch sử khoa cử có chuyện được "vời thi lại" hay không? (xin PGS.TS phân tích trường hợp Ngô Thế Vinh và một số trường hợp khác nếu có, nếu có thì xin PGS.TS cho biết PGS.TS căn cứ vào nguồn tư liệu nào).
Trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam do Ngô Đức Thọ chủ biên cũng cho biết: "Vua Tự Đức biết ông là người có tài, giỏi thơ văn, cho khoi phục danh hiệu Tiến sĩ" không thấy nói "được vời thi lại".
Đề nghị PGS.TS giải đáp thấu đáo.
Xin chân thành cản ơn PGS.TS
Đọc bài nầy, soạn lại các sánh Hán Nôm, tìm thấy 39 tờ KHẢI ĐỒNG THUYẾT ƯỚC, của Phạm Phục Trai 范复齋, bản Duy Tân 維新六年(1853), chép từ THƯ VIỆN QUỐC GIA VIETNAM, Ký só R.563.
Trả lờiXóaTôi cũng có làm một bản PDF.
Bác nào muốn có một bản xin ghi email address nơi trang nầy, tôi sẽ gởi qua.
Bản Duy Tân (1853) không có ghi TRƯỜNG SA 長沙 và chùm đảo nhỏ.
Trả lờiXóaKhông thấy trang nào có CHỮ NÔM.
XEM LẠI LỜI GHI NIÊN ĐẠI XUẤT HIỆN, THƯ VIỆN VN GHI SAI LÀ DUY TÂN THỨ 6 , THAY VÌ TỰ ĐỨC THỨ 6 (1853).
Trả lờiXóaXin tra loi ban nhu sau:Về TS Ngô Thế Vinh, tôi căn cứ vào sách:
Trả lờiXóa- Tuyển tập Cao XUân Dục, tập 2, Quốc triều khoa bảng lục, người dịch Lê Mạnh Liêu, người hiệu chỉnh: PGSTS Nguyễn Đăng Na, NXB Văn học, 2001, từ trang 50-54 ghi về Ngô Thế Vinh trong mục khoa thi TS năm Kỷ Sửu Minh Mệnh 10 như sau:Sắc ban Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân: Ngô Thế Vinh, quán xã Bái Dương huyện Nam Chân trấn Nam Định. Sinh năm Quý Hợi(1803),27 tuổi. Trúng Cử nhân khoa Mậu Tý (1828), chức Lang trung bộ Lễ, vì can việc trường thi bị cách hết quan tước. Ông về nhà dạy học, học trò nhiều người thành đạt. Sau Vua vời vào thi lại, được dự hạng trúng, lại được phục Tiến sĩ và cho về quê quán.
- Sách Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Trịnh Khắc Mạnh, NXB KHXH 2002, trang 417 ghi: Ngô Thế Vinh thi đỗ Cử nhân năm Mậu tý niên hiệu Minh Mệnh 9(1828) và thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Kỷ Sửu niên hiệu Minh Mệnh 1091829). Ông từng làm Lang trung bộ Lễ sau bị phạm lỗi trong khi chấm thi nên đã bị cách quan tước...Vua Tự Đức biết tiếng ông là người tài giỏi nên cho khôi phục danh hiệu Tiến sĩ.
- Sách Các nhà khoa bảng Việt nam, Ngô Đức Thọ chủ biên, NXB Văn học, 2006,trang 660 mục ghi về Ngô Thế Vinh là: Sinh năm Quý Hợi, Cử nhân khoa Mậu Tý(1828), 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Mệnh 10.Lúc đàu bổ chức Hàn lâm viện biên tu, rồi bổ Tri phủ Định Viễn, về kinh nhậm chức Viên ngoại lang bộ Lại, thang Lang trung bộ Lễ. Năm Minh Mệnh 15 sung làm gIám khảo trường thi Hương Hà Nội, vì duyệt quyển không kiểm xét kỹ bị cách chức.
Như vậy với nguồn tài liệu mà tôi đã dẫn chứng thì bạn có thể tự suy luận để có cách giải thích phù hợp.Tôi không có ý định đi sâu tranh luận về vấn đề này.
Cám ơn bạn đã đọc.