Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

VIỆT NAM VÀ PHILIPPINES CÙNG PHẢN ĐỐI "THÀNH PHỐ TAM SA"


VIỆT NAM VÀ PHILIPPINES PHẢN ĐỐI "TP TAM SA"

BBC Việt - Phi phản đối 'thành phố Tam Sa'

Cập nhật: 10:26 GMT - thứ ba, 24 tháng 7, 2012

Lễ ra mắt thành phố Tam Sa
Việt Nam và Philippines cùng lên tiếng phản đối Trung Quốc trong khi chính quyền thành phố Tam Sa chính thức ra mắt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lương Thanh Nghị hôm thứ Ba 24/7 lên tiếng bình luận về các diễn biến như Quân ủy TW TQ quyết định thành lập bộ chỉ huy quân sự của thành phố Tam Sa, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, và TQ tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I tại đây.
Các bài liên quan

Ông Lương Thanh Nghị nói:

“Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là vô giá trị".

"Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa Asean và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp."

Người phát ngôn Việt Nam nói thêm:

"Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông".

Ông Lương Thanh Nghị nói Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Cùng ngày, Trung Quốc tổ chức ra mắt thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm, trong một buổi lễ được truyền hình trực tiếp. Một hôm trước đó, dàn lãnh đạo mới đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Phù Tráng và Thị trưởng Tiêu Kiện, đã được bầu chọn trong cuộc họp đầu tiên của hội đồng nhân dân của thành phố Tam Sa.

Philippines cứng rắn

Trong khi đó, Philippines tỏ ra cứng rắn hơn khi triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở nước này để phản đối việc Trung Quốc đặt bộ chỉ huy quân sự trên quần đảo Hoàng Sa.

Điều đáng chú ý là Philippines không có tranh chấp với Trung Quốc tại quần đảo này.

Người phát ngôn BNG Việt Nam Lương Thanh Nghị
Việt Nam nói đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Manila cho hay Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập Đại sứ Mã Khắc Thanh để phản đối trực tiếp, đồng thời cũng phản đối việc Trung Quốc điều đoàn tàu cá có hải quân hộ tống tới hoạt động ở quần đảo Trường Sa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói kế hoạch quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trung tâm hành chính Tam Sa là "không thể chấp nhận được".

Ông Henandez cũng nói với các phóng viên:

"Chính phủ Philippines quan ngại nghiêm trọng và cực lực phản đối quyết định đặt bộ chỉ huy quân sự của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm".

Cơ quan tuần duyên của Philippines đã ghi nhận sự có mặt của đoàn tàu cá 29 chiếc, cộng thêm một tàu hàng và ba tàu hộ tống trong có một tàu hải quân gần Đá Chữ Thập rồi tới Đá Su Bi hồi cuối tuần qua, theo ông Hernandez.

Ông nói: "Sử dụng tàu chính phủ có vũ trang để hộ tống tàu cá để thực hiện các hoạt động không liên quan ngư nghiệp là vi phạm lãnh thổ của Philippines và vi phạm bổn phận của các quốc gia theo luật pháp quốc tế".
Nguồn: BBC.

RFI Việt Nam và Philippines phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở "thành phố Tam Sa" 
.
Biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, Hà Nội, 22/07/2012
Biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, Hà Nội, 22/07/2012 REUTERS

Thanh Phương
.
Hôm nay, 24/07/2012, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa ra tuyên bố phản đối những hành động mới nhất của Trung Quốc trên cái gọi là "thành phố Tam Sa", như việc ngày 19/07 vừa qua, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập "Cơ quan chỉ huy quân sự Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và việc ngày 21/07, phía Trung Quốc đã tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân khóa I của nơi này.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, những việc thành lập thành phố Tam Sa và những hoạt động nói trên tại đây là « vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là vô giá trị ». 

Bộ Ngoại giao Việt Nam và lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa và Đà Nẵng trước đó đã từng phản đối việc Bắc Kinh vào tháng trước thành lập thành phố Tam Sa, với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Bộ Ngoại giao Phillipines, hôm nay 24/07/2012, cũng cho biết là chính phủ nước này đã gởi công hàm phản đối Trung Quốc về việc thành lập một đơn vị đồn trú tại Tam Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa, trên Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. 

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đơn vị đồn trú nói trên sẽ có trách nhiệm huy động quốc phòng, quân phòng bị, cũng như tiến hành các hoạt động quân sự tại Tam Sa. Tuy nhiên, bộ này không nói rõ là khi nào đơn vị đồn trú Tam Sa sẽ được triển khai. 

Song song với việc thành lập đơn vị đồn trú ở Tam Sa, theo Tân Hoa Xã, hôm qua, Bắc Kinh cũng đã tiến hành kỳ họp lần thứ nhất của Hội đồng Nhân dân thành phố Tam Sa, tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và nay bị Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ. Cuộc họp này đã bầu ông Phù Tráng, Phó tham mưu trưởng Quân khu tỉnh Hải Nam làm chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Nhân dân này, đồng thời bầu ông Tiêu Kiệt làm thị trưởng Tam Sa. 

Trước đó, báo chí Trung Quốc cho biết, cử tri thuộc 15 khu vực bầu cử tại các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa và Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) đã đi bỏ phiếu bầu ra 45 đại biểu Hội đồng Nhân dân khóa đầu tiên của thành phố này.

Nguồn: RFI.    

7 nhận xét :

  1. Trọng Quang Vĩnh yên Vĩnh phúclúc 21:57 24 tháng 7, 2012

    các báo chính thống như báo nhân dân, báo cựu chiến binh.... đều đăng bài chỉ trích các cuộc biểu tình phản đối trung quốc vừa qua. với nội dung người dân bị các thế lực phản động kích động. làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến đường lối đấu tranh hòa bình của đảng, nhà nước và chính phủ ta. nếu tôi được đối thoại với các nhà lãnh đạo tôi sẽ hỏi: có hòa bình được ko? có thực hiện được 16 chữ vàng, và 4 điều tôt được ko?
    khi mà ngư dân Việt nam ta ra khơi trong vùng biển chủ quyền của ta thì bị giặc tàu bắt giữ, đánh đập. giặc tàu còn ngang ngược thành lập tp tam sa, mời thầu dầu khí trong vùng biển của ta, xua tàu cá đến tận Trường sa đánh bắt cá, năm 1988 dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gac ma và Côlin của ta, giết hại 64 chiến sĩ Hải quân của ta. năm 1995 lại chiếm thêm máy bãi đá ngầm của ta, rồi lập căn cứ quân sự ở đó.... thê mà đảng và nhà nước vẫn bảo nhân dân ta vẫn đang sống trong hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ? hay là muốn chủ trương hòa bình ko xảy ra chiến tranh trên toàn quốc thì chấp nhận bỏ Hoàng sa và Trường sa?

    Trả lờiXóa
  2. Tại sao Việt nam thông qua luật biển thì trung quốc triệu tập Đại sứ của mình để phản đối ngay lập tức, mà trung quốc ngang ngược thành lập tp tam sa thì mấy hôm sau mình chỉ gửi công hàm ngoại giao để phản đối? sao ko triệu tập đại sứ của nó đến mà phản đối???? hay đây là qui định ngoại giao giữa nước lớn và nước nhỏ?????

    Trả lờiXóa
  3. cả hai nước VN và Philippin cùng phản đối thành phố Tam Sa theo hai cách hoàn toàn trái ngược nhau ,trong mắt tôi ,nước Phi chính phủ và nhân dân cùng nắm tay nhau đồng lòng phản đối rất mạnh mẽ ,cực lực phản đối thật sự,họ thật sự quyết tử cho tổ quốc quyết sinh ,còn nước VN thì chỉ có chính quyền mới được phản đối còn dân thì bị cấm tiệt ,mà chính quyền thì phản đối một cách lấy lệ mà thôi,phản đối một cách yếu ớt ,rụt rè ,ngọng ngịu, ,đến nước này rồi mà chỉ dám mở băng nói như hết hơi cũa ông NGhị nghe nhão cả não người dân rồi .tôi rất ngưỡng mộ tổng thống Phi,chắc chắn lũ bành trướng không cách gì lấy đi được tấc đất ,tấc biển của đất nước ông , người PHi quá may mắn gấp vạn lần người Việt vì có một vị lãnh đạo yêu nước, tài tình ,sáng suốt như ông .

    Trả lờiXóa
  4. Philipin thật dũng cảm. Trường Sa họ không có tranh chấp mà vẫn lên tiếng... Trong khi trong vụ Bãi Đá Cạn, không hề thấy VN lên tiếng??? Ai dũng cảm - Ai hèn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phillipne có nhận viện trợ của tàu không ? có buôn bán với tàu không ? CÓ!vậy tại sao họ dám kêu sứ quán trung hoa đến phản đối còn VN trực tiếp bị Tàu chơi xỏ mà không dám làm gì chỉ đứng xa hàng ngàn dặm mà phản đối nó có nghe không/phải gọi chúng đến mắng cho 1 bài học và dạy cách đối nhân xử thế như Khổng tử tổ tiên của chúng đả dạy /bọn nầy chử trả cho thầy hết ráo trọi

      Xóa
  5. Người tìm ra Châu bản Hoàng Sa nhận giải thưởng

    Ngày 21/7, được sự ủy quyền của Bộ Tài nguyên Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Thừa Thiên-Huế đã tổ chức trọng thể Lễ trao giải thưởng "Biển xanh quê hương" năm 2012 và bằng khen cho ông Phan Thuận An vì đã có thành tích tiêu biểu trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên biển đảo Việt Nam.

    Đây là 1 trong 8 cá nhân và 9 tập thể tiêu biểu của cả nước được nhận giải thưởng "Biển xanh quê hương."

    Nhà nghiên cứu Phan Thuận An hiện là cán bộ hưu trí, trú ở phường Phú Hiệp, thành phố Huế được tặng giải thưởng vì có một số bài viết cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, ven biển, hải đảo.

    Đáng chú ý, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã bàn giao cho Bộ Ngoại giao Việt Nam hai tờ Châu bản có nội dung khẳng định triều đình nhà Nguyễn thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, góp thêm bằng chứng lịch sử để đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

    Tờ Châu bản thứ nhất đề ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (3/2/1939) truy tặng Huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Liuis Pontan, Chánh cai đội thượng hạng nhất của đội lính khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa qua đời do bệnh nặng trong quá trình công tác tại Hoàng Sa.

    Tờ Châu bản thứ hai có chữ ký và ngự phê của vua Bảo Đại, nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

    Tờ Châu bản được viết trên một mặt giấy cỡ 21,5x31cm ghi lại sự kiện: "Vào ngày 10/2/1939, Tòa khâm sứ Trung kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn ở miền núi và có công trong việc lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa. Đến ngày 15/2/1939, vua Bảo Đại đã phê "Chuẩn y" (đồng ý cho thi hành).

    Ông Phan Thuận An khẳng định, đây là tài liệu ông có được trong tủ sách của gia đình ở phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế. (Công chúa Ngọc Sơn là con vua Đồng Khánh, em vua Khải Định và là cô ruột vua Bảo Đại, là bà nội của vợ ông Phan Thuận An)./.

    Trả lờiXóa
  6. Phản động quá, làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị VN _ TQ
    .Mời xem thêm:
    http://vov.vn/Home/Ket-thuc-dot-tuan-tra-lien-hop-giua-Hai-quan-Viet-Nam-va-Trung-Quoc/20126/212681.vov

    Trả lờiXóa