YÊU GÌ HƠN YÊU NƯỚC NHÀ TA!
(Nhật ký biểu tình ngày 8-7-2012)
Đào Tiến Thi
.
Cuộc vận động của “tổ công tác” hôm 6-7 mà tôi đã kể khiến tôi thấy là tình hình bắt đầu căng thẳng rồi. Cho nên lần này xuống đường phải tính “kế lâu dài”. Tôi đem đủ thuốc men, khăn mặt, kem và bàn chải răng. Còn gói thêm cả nắm tăm nhỏ. (Kinh nghiệm từ Vũ Quốc Ngữ, để khỏi phải lấy giấy xoắn chặt lại làm tăm). Học bác Nguyễn Tường Thụy, còn đội cả mũ bảo hiểm, phòng khi bị dùi cui nện vào đầu. Dặn con nếu bị bắt thì tri hô lên nhưng đừng kháng cự, kẻo gãy chân gãy tay, bởi lực lượng bảo vệ (bảo vệ ai?) toàn những người to như hộ pháp lại có “nghề”.
Hai bố con loay hoay cả buổi sáng thứ 7 để làm biểu ngữ. Biểu ngữ chống Trung Quốc thì nhiều người có rồi, nghĩ phải chọn câu gì khơi dậy tình cảm yêu nước yêu nhà. Tôi lấy câu thơ của cụ Phan Bội Châu Nhất thốn sơn hà nhất thốn kim, nghĩa là “Một tấc đất của Tổ quốc là một tấc vàng”. Kể ra lấy cả cặp câu thì hay hơn:
Vạn lũ can trường nhất thốn thổ
Nhất thốn sơn hà nhất thốn kim
[Một tấc đất là muôn mối ruột gan (ý nói mỗi tấc đất tổ tiên ta phải tổn hao biết bao tâm lực mới có), (do đó) mỗi tấc đất của Tổ quốc là một tấc vàng]
Nhưng như thế cần có phần giải nghĩa, sẽ rất dài, phải viết trên tấm vải lớn mới đủ. Còn chỉ viết câu Nhất thốn sơn hà… thì không cần dịch nghĩa, đa số mọi người vẫn luận ra. Đưa cả phần nguyên văn chữ Hán, tôi hy vọng ngoài những người Trung Hoa, thì người Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có thể đọc được (họ thường được học một số chữ Hán cơ sở). Đặc biệt, tôi muốn đánh thức lương tri những người Trung Hoa lương thiện. Vì họ thừa biết nước Trung Hoa rộng lớn thế mà đời đời còn đi tranh từng centimet với nước láng giềng, thì cớ gì dân Việt Nam lại không biết gìn giữ mỗi tấc đất đã thấm biết bao mồ hôi xương và máu tiền nhân.
Tôi cũng đã toan đào thoát khỏi nhà từ hôm trước, nhưng nghĩ có lẽ chưa cần, vì tình hình cho đến chiều tối mùng 7 thấy hãy còn khá yên tĩnh. Hơn nữa, nếu hôm sau không có ai chặn cửa mà mình vội đào thoát thì mang tiếng cho chính quyền. Hãy cố giữ cho chính quyền những gì chưa xấu, vì “xấu chàng thì hổ ai” – tôi nghĩ thế.
7g sáng bác công an khu vực điện hỏi: “Có đi không đấy?”. “Có chứ”. “Đi chưa?”. “Đi rồi”. Hỏi thêm: “Hôm nay công an sẽ hành xử thế nào anh?”. Đáp: “Tất nhiên hôm nay phải rắn hơn, vì đã tiến hành vận động rồi”. Lúc xe bus qua Công viên Lenin thấy có khá nhiều cảnh sát ngồi đuổi ruồi. Chắc họ đã trực lâu rồi nên mệt mỏi.
8g20 hai bố con đã có mặt ở vườn hoa đối diện Nhà hát lớn. Nhìn sang bậc thềm Nhà hát lớn chỉ thấy thỉnh thoảng vài tốp khách đi xem biểu diễn. Một xe công an gắn loa đã chờ sẵn. Xung quanh khu vực có mấy camera đã bắt đầu tác nghiệp, có những tay máy nhìn biết ngay là “cớm”. Bỗng con trai chỉ tay: “Hình như bà Đức với bà Trâm ở chỗ cửa ấy bố ạ. Đúng rồi, có xe lăn. Có cả chú Lê Quốc Quân nữa”.
Đang định băng sang thì tiếng loa bắt đầu vang lên, yêu cầu những nhóm tụ tập giải tán. Tôi phân vân tính có nên sang không, vì nếu bị đuổi sớm thì dở. Chi bằng cứ lảng vảng quanh đây, trước giờ xuất phát ào sang có lẽ hơn.
Bỗng thấy hai công an khiêng xe lăn cụ Đức xuống đường, liền bảo con: “Có chuyện rồi. Phải sang hỗ trợ cụ Đức!”. Vừa lúc ấy BS. Phạm Hồng Sơn đến. Anh Sơn hối thúc sang nhanh lên. Thì ra công an không cho cụ Đức đứng ở bậc thềm. Vài người phản ứng gay gắt. Nhưng LS. Lê Quốc Quân rất ôn tồn, bảo rằng cụ Đức cũng như anh em đứng đây không phạm lỗi gì, cũng không ảnh hưởng gì, đừng làm to chuyện mà bất lợi cho cả hai bên. BS. Sơn tiếp sức thêm cho LS. Quân cũng với tinh thần ấy. Anh hết sức nhã nhặn với công an nhưng kiên quyết không dời vị trí. Thế là hai bên đều ổn thỏa. Tôi phục LS. Quân và BS. Sơn quá.
8g30 bà con nông dân bất ngờ xuất hiện và nhanh chóng kéo lên bậc thềm Nhà hát. Tiếng loa liên tục phát ra. Họ yêu cầu bà con Văn Giang (còn nói rõ tổ nào, xã nào, chắc đã quen mặt lắm) trở về Văn Giang ngay. Họ còn nói “Đây không phải là chỗ bà con tụ tập để khiếu kiện đất đai”. Hay thật! Dựa vào đâu mà dám bảo bà con hôm nay đi khiếu kiện đất đai? Chả lẽ bà con lên Hà Nội bao giờ cũng chỉ có mỗi việc khiếu kiện đất đai và ngoài việc khiếu kiện thì nông dân không có quyền đặt chân trên đất Hà Nội hay sao? Lý lẽ củ chuối đến thế là cùng.
(Mấy hôm nay được tin cụ Lê Hiền Đức và LS. Lê Quốc Quân bị gọi vì “gây mất trật tự công cộng” tại Nhà hát lớn thì lạ quá. Chính công an cố tình đuổi mấy người đến sớm bằng cả hành động lẫn tiếng loa ra rả, gây ra cảnh nạt nộ (cũng chưa đến mức gọi là “mất trật tự công cộng) và LS. Quân đã phân tích có lý có tình, thuyết phục được mấy anh an ninh làm cho tình hình trở nên tốt đẹp)
8g40, người mới độ vài chục người và chưa đến giờ hẹn nhưng có lẽ thấy tình hình đứng đây lâu không ổn nên LS. Sơn và BS. Quân cho khởi sự luôn. Biểu ngữ được trưng ra và những tiếng hô đi vào ngay trọng tâm: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Lúc này đã thấy vài gương mặt quen thuộc: GS. Ngô Đức Thọ, Nhà văn Nguyễn Tường Thụy, chị Quỳnh Hương, Phương Bích,… So với hôm trước thì còn vắng khá nhiều. Cụ Đức đọc một bản tuyên cáo do chính cụ thảo nhưng vì tiếng loa quá gắt và giọng cụ lại nhỏ nên không nghe rõ.
Chưa đầy 9g đoàn đã rời khỏi thềm Nhà hát lớn để tuần hành. Nhiều người ước lượng lúc khởi hành có 300 người nhưng tôi ước chỉ độ 100, chủ yếu là bà con nông dân. Những người đàn bà gầy guộc, mặt nhàu nát vì trăm nghìn khổ đau bỗng bừng bừng lửa sống, thét lên những tiếng phẫn nộ đối với kẻ xâm lược, đúng như tứ thơ của Nguyễn Đình Thi:
Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn.
Rẽ vào đường Tràng Thi được một đoạn thì thấy phía trước ùn lại. Tôi đi cuối, sau mới biết là đã có sự ngăn chặn và xảy ra xô đẩy nhẹ. Tuy nhiên, trước sức ép của đoàn người hừng hực khí thế, lực lượng ngăn cản phải lui.
Dọc đường, đoàn tuần hành đông dần. Lúc đông nhất có lẽ đến 500 – 600. Tôi không tin con số 1000 như nhiều người đưa ra. Nhiều năm dạy học, qua cả hơn chục trường, học sinh tập trung chào cờ, hội hè hay lao động ở các mức độ to nhỏ khác nhau, sự ước lượng của tôi có lẽ cũng không sai số quá nhiều.
Đến chỗ cắt Điện Biên Phủ thì bị “bên kia” dàn lũy thép phòng thủ khá kiên cố. Sau hàng rào sắt to, chân đế rộng và đầu nhọn hoắt là hàng rào người dày đặc. Thật tội nghiệp là các cháu thanh niên áo xanh dương lại ở hàng đầu. Nếu đấy đúng là thanh niên tình nguyện (chứ không phải các an ninh trá hình) thì đó là phương pháp “dùng sinh viên trị sinh viên” và là một phương pháp thật nhẫn tâm. Có những cậu mặt gườm gườm, đủ biết trong đầu cậu ta nghĩ về đám đông bên kia “chiến tuyến” như thế nào. Biết không thể vượt qua “tuyến phòng thủ” kiên cố này nên mọi người hô vang các khẩu hiệu rồi quay lại.
Trời mưa nặng hạt nhưng đoàn người vẫn tiến bước trong tiếng hô vang dậy. Có một ông khách đi đường chửi người biểu tình là “Đồ điên” bị nhiều người phẫn nộ, xúm lại chửi. Sau nhiều người bảo biết đâu đấy chả là trò khiêu khích do ai đó giật dây để lấy cớ giải tán hay bôi nhọ người biểu tình, nên tốt nhất là kệ họ. Truyền hình Hà Nội đem camera khủng ra quay làm nhiều người chú ý. Họ quay nhưng không đưa tin, chắc là dành cho mục đích nào đó đã được tính toán!
Có một đoạn tôi đi bên cạnh nhạc sỹ giang hồ Tạ Trí Hải. Cụ đeo một một túi đen to muốn tụt khỏi vai. Tôi xốc lại quai túi vào giữa vai giúp cụ, mới phát hiện ra rằng túi nặng đến 4 – 5kg! Nhưng chỉ vài phút sau nó lại sệ ra mép vai. Cụ bảo thôi kệ nó. Con trai tôi xin đeo giúp, cụ bảo không được, vì trong là bộ đồ nghề đi kèm (hình như là âm li). Tôi bảo “Thế thì chú khoác hẳn qua vai, cho nó cân, chứ thế này thì sã một bên vai mất”, cụ bảo thế vướng, không kéo đàn được. Cụ đi như thế suốt hành trình như thế thật đáng phục, trông cứ như cụ Vi-ta-li trong Không gia đình.
Trong cuộc tuần hành hôm nay tôi cố gắng tìm hiểu những thành phần nào tham gia. Ngoài nông dân Văn Giang còn có nông dân của Hà Tây, Thái Bình, Bắc Giang,… Có những chị đau chân, đi tập tễnh. Một chị từ Thái Bình lên, dắt theo xe đạp. Chị bảo chị đi xe ca nhưng đem theo xe đạp để tự đi đoạn đường từ nhà ra bến và từ bến vào chỗ biểu tình để không mất tiền xe ôm. Phục chị quá! Một cô người bé loắt choắt, giọng Nam Bộ, đeo một ba lô đằng trước, một ba lô đằng sau, lại dắt theo hai đứa con trông còi cọc đáng thương. Cô từ Sài Gòn ra, vốn không phải để đi biểu tình. Do từng đi khiếu kiện nên chính quyền địa phương ghét, không xác nhận vào đơn xin học của con cô và cô ra Hà Nội lần này là để khiếu nại về việc đó. Gặp cả cô Nga, người luôn bị công an Hà Nam sách nhiễu, hăm dọa nhiều năm nay. Cô bế theo con trai 2 tuổi (chưa kể một đứa đang trong bụng) từ Hà Nam lên. Cô đi chân đất, trông thật vất vả, nhưng cô rất vui, vì lần này đã đào thoát thành công khỏi vòng vây của công an Phủ Lý. Có một cô rất trẻ, bế đứa con mới 15 tháng, có lẽ là biểu tình viên nhỏ tuổi nhất hôm nay. Cảm động nhất là hình ảnh một cháu trông bé như đứa trẻ 2 tuổi, chân tay co quắp ngồi trên xe lăn, sau mới biết đó là “hiệp sỹ công nghệ thông tin” Nguyễn Công Hùng 29 tuổi. Tôi nghĩ, cháu Hùng cả trọng lượng cơ thể có lẽ chưa đến chục kí lại tàn tật, đi biểu tình để bày tỏ thái độ đã là một điều rất cảm động, nhưng khi cần Hùng cũng có thể tấn công bọn Bành trướng chưa biết chừng. Năm ngoái có nhiều website của Trung Quốc bị sập, nghe nói do bàn tay của một vài thanh niên Việt Nam yêu nước[1].
Nhân sỹ, trí thức lão thành có tên tuổi hôm nay rất ít, chỉ có cụ Lê Hiền Đức, TS. Nguyễn Văn Khải (Ông già Ozon), GS. Ngô Đức Thọ. Trí thức “bình dân” cũng thưa thớt: LS. Lê Quốc Quân, BS. Phạm Hồng Sơn, nhà văn – nhà báo Nguyễn Tường Thụy), chị Quỳnh Hương (Viện Xã hội học), PGS.TS. Đặng Thị Hảo (Viện Văn học), Chị Hiền Giang, giáo viên toán THPT, dịch giả Lê Anh Hùng, Blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh, Blogger Người Buôn Gió (một cây bút viết tiểu phẩm tài hoa),…. Gặp một cô giáo toán THPT nhưng quên hỏi tên. Còn lại, ngoài đông đảo bà con nông dân, đa số người đi biểu tình làm nghề tự do (hiểu là không trong biên chế nhà nước), và làm những nghề chẳng liên quan gì đến chữ nghĩa, lý luận, nghĩa là chưa hề dạy ai về lòng yêu nước. Cái này rất đáng suy nghĩ và theo tôi giới trí thức phải lấy làm hổ thẹn. Tôi tiếp xúc với một cậu sinh viên ĐH Luật, cậu đeo khẩu trang nhiều tầng kín lên tận hai con mắt, trông khó biết là già hay trẻ. Cậu ấy bảo sợ công an nhận mặt, vì năm ngoái đi biểu tình đã bị thầy giáo gọi lên phê bình rồi. “Thầy phê bình thế nào?” – tôi hỏi. “Thầy bảo em là sinh viên luật mà còn đi biểu tình à?”. Nghe lạ quá đi mất! Tôi nghĩ ông thầy này chắc không đến nỗi không biết quyền biểu tình được ghi trong Hiến pháp, không biết Trung Cộng gây hấn, mà chỉ vì đời đã cho ông thấy rằng chỉ có luật rừng là trên hết và sinh viên luật phải biết điều đó! Như vậy có thể hiểu căn bệnh chính của trí thức vẫn là nỗi SỢ HÃI, chứ họ không đến nỗi vô cảm, “trùm chăn” như nhiều người nghĩ?
Lúc quay về tượng đài Lý Thái Tổ, giữa trưa mùa hạ mà mát như sáng mùa thu. Mọi người vui vẻ hàn huyên, chụp ảnh lưu niệm. Và có một nghi thức bế mạc rất tự nhiên, ngẫu hứng mà đặc biệt cảm động. Bắt đầu cụ Lê Hiền Đức phát biểu tổng kết, sau đó LS. Lê Quốc Quân cho hô những khẩu hiệu vang dậy đất trời và nghệ sỹ giang hồ Tạ Trí Hải tấu nhạc những bài ca hùng tráng. Vui quá! Tưởng như hồn thiêng sông núi đã thức dậy!
Tôi để ý một phóng viên vừa có dáng dấp Á Đông lại vừa có dáng dấp “Tây”, bởi ông có nước da trắng, mũi cao, nói thạo tiếng Anh, vẫn nán lại nói chuyện với chị Quỳnh Hương. Đó là ông Takahashi người Nhật, làm việc cho hãng tin JiJi Press. Thấy ông để ý khẩu hiệu của tôi (ông đọc được dòng chữ Hán), tôi chỉ chữ “Phan Bội Châu”, hỏi ông có biết Phan Bội Châu là ai không, ông bảo có biết. Ông bảo Phan Bội Châu là một nhà ái quốc, người đã từng sang Nhật nhờ người Nhật giúp Việt Nam đánh Pháp nhưng không được chính phủ Nhật lúc đó đáp ứng vì họ đã câu kết với người Pháp. Tôi thấy ông hiểu về sự kiện này hệt như các sách giáo khoa ở Việt Nam thì không được chính xác. Tôi nhờ chị Quỳnh Hương dịch hộ cái ý là: Không phải tất cả chính giới Nhật từ chối giúp cụ Phan, trái lại có những người ủng hộ tích cực, như cựu thủ tướng Nhật – Bá tước Đại Ôi (Okuma Shigenobu) và Tử tước Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi), lúc ấy đang làm Tổng lý Đảng Tiến Bộ (tiếc rằng tôi quên tên trong nguyên ngữ nên không nói được đích danh hai vị này). Tôi nói với ông Takahashi rằng các chính khách ấy rất có thiện chí giúp cụ Phan nhưng do thể chế của nước Nhật mà họ không thể vượt qua thôi[2].
Ra về vui buồn lẫn lộn, nhưng vui là chính. Với tôi, chưa có cuộc xuống đường nào biểu hiện ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp người Việt Nam như hôm nay. Nhưng phía bên trấn áp cũng bắt đầu xù nanh vuốt rồi. Chả biết cuộc sau còn được như thế này nữa không, trong khi giặc Tàu vẫn hung hăng lấn tới.
ĐTT
.
[1] Có comment viết: “Bác Hồ nói: Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm… Tôi không có súng có gươm, tôi tấn công kẻ thù bằng bàn phím”.
[2] Hai chính khách trên nói với cụ Phan: “Lấy Dân đảng Nhật Bản giúp cho các ngài thì được, nếu lấy binh lực giúp các ngài thì nay là thì giờ chưa tới nơi. (…) Nhật Bản muốn giúp cho quý quốc, thì tất phải tuyên chiến với Pháp. Nhật – Pháp tuyên chiến thì chiến cơ động cả hoàn cầu, lấy sức Nhật Bản ngày nay mà tranh với toàn Âu châu, thiệt chưa đủ sức, các ngài có thể ẩn nhẫn được mà chờ cơ hội ngày sau không?”. Tuy nhiên với danh nghĩa Đảng Tiến bộ, họ cũng giúp cụ Phan khá nhiều. Họ nói: “Các ngài nếu đem được đảng nhân các ngài ra đây, nước Nhật Bản thu dụng được hết. Hay là các ngài bây giờ ưng ở Nhật Bản, chúng tôi sẽ vì các ngài sắp đặt chỗ ở, lấy một cách ngoại tân ưu đãi các ngài, sinh kế cũng không phải lo gì; chuộng nghĩa hiệp, trọng ái quốc, là tính đặc biệt của người Nhật Bản” (Phan Bội Châu niên biểu). Chính vì thế cụ Phan mới đưa thanh niên sang du học, lúc đông nhất tới 200 người, sau này có nhiều người làm hạt nhân cho các phong trào cách mạng.
.
Trước giờ xuất phát
Với GS. Thọ
Với một cô giáo dạy Toán
Ta hiểu vì sao TC luôn bắt nạt VN
Những người bạn mới
Nhất thốn sơn hà nhất thốn kim
Với TS. Q.Hương và PV Nhật Bản Takahashi
Nước non Hồng Lạc còn đây mãi
.
Tác giả gửi cho NTT blog
Nguồn: Nguyen Tuong Thuy blog.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét