Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

BBC: TRUNG QUỐC NẮM HỒ SƠ NGƯ DÂN VIỆT?


Nhiều ngư dân Lý Sơn đã bị Trung Quốc bắt
Ngư dân Lý Sơn bị bắt giữ ở đảo Phú Lâm khi đánh bắt ở Hoàng Sa nói phía Trung Quốc nắm nhiều thông tin về gia đình của họ.

Ông Trần Hiền, từ xã An Vĩnh, Lý Sơn, nói ông được kể lại rằng người Trung Quốc trên đảo Phú Lâm có giữ hình ảnh vợ con và mẹ của ông.
Tàu số QNg 66074 mà ông Hiền vừa là chủ tàu, vừa là thuyền trưởng, bị bắt hồi đầu tháng Ba cùng với một tàu khác số hiệu QNg 66101 do ông Lê Vinh, người cùng xã An Vĩnh, làm chủ.

Khi ông bị giữ cùng các ngư dân khác trên đảo Phú Lâm, vợ của ông Trần Hiền đang chuẩn bị sinh con.

Ông nói với BBC từ Lý Sơn hôm thứ Năm 12/7: "Khi được thả gần 50 ngày sau, tôi nghe có người nói nhìn thấy hình của gia đình tôi trên đảo [Phú Lâm]."

"Cả hình vợ con tôi, cả hình bà già. Họ còn biết vợ tôi sinh con thứ ba."

"Làm sao họ có hình ảnh thì tôi không biết."

Tương tự, ông Lê Vinh, chủ tàu QNg 66101 bị bắt cùng ngày, nói phía Trung Quốc cũng nắm rõ thông tin về bản thân ông.

Ông Vinh kể với BBC: "Lúc tàu của tôi bị bắt, tôi không có mặt nhưng em trai đi trên tàu nói họ cho xem chi tiết gia đình mình."

Tuy nhiên, các ngư dân trên cũng bác bỏ rằng có "nguồn tin nội gián" cung cấp chi tiết thân nhân ngư dân cho Trung Quốc.

Lý do mà phía Trung Quốc tìm hiểu và tàng trữ thông tin, theo họ, là do cả hai ông đều đánh bắt ở Hoàng Sa nhiều năm nay và đều đã bị bắt nhiều lần.

Ông Lê Vinh đã bị bắt bốn lần, còn ông Trần Hiền thì "bao nhiêu lần không nhớ nữa". 

Tịch thu tài sản

Hiện tàu của ông Trần Hiền đã được thả về tuy tịch thu hết tài sản thiết bị, nhưng tàu của ông Lê Vinh còn bị giữ.

Toàn bộ 21 người trên hai tàu bị bắt cũng đã được cho về nhà.
"Cả hình vợ con tôi, cả hình bà già. Họ còn biết vợ tôi sinh con thứ ba. Làm sao họ có hình ảnh thì tôi không biết."

Ngư dân Trần Hiền
Theo các ngư dân, kinh tế của họ "rất khó khăn" khi việc làm ăn bị Trung Quốc cản phá.

Ông Vinh nói: "Mỗi lần bị bắt, Trung Quốc đều đòi tiền phạt hàng chục nghìn nhân dân tệ mới cho về. Họ còn tịch thu hết cá, hải sâm, lấy hết dầu và giữ thuyền, thiệt hại tính cũng hàng trăm triệu đồng".

Ông Trần Hiền, người bị Trung Quốc ghi nợ 30.000 Nhân dân tệ, thì nói nay không thể đi biển xa vì không còn phương tiện nên "chỉ ở nhà chờ đợi hỗ trợ".

Các ngư dân cho hay khi bị bắt, phía Trung Quốc luôn luôn tra hỏi lý lịch từng người, nhất là các chi tiết như họ có làm việc cho chính quyền địa phương hay tham gia bộ đội, du kích gì không.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Vĩnh Trần Bút nói dù ngư dân lâu nay bị ngăn cản, bắt giữ, chính quyền vẫn khuyến khích họ tiếp tục đánh bắt ở Hoàng Sa.

Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền với quần đảo mà Trung Quốc đã chiếm giữ hoàn toàn từ 1974.

Hoạt động ngư nghiệp tại khu vực mà Việt Nam coi là "ngư trường truyền thống" này cũng được coi như hình thức khẳng định chủ quyền.


5 nhận xét :

  1. Cứ đà này đến cán bộ cấp cao cũng bị nắm hồ sơ hết . Gián điệp TQ nằm khắp nơi . Trong tình hình luôn sảy ra chiến tranh bất cứ lúc nào không hiểu An ninh VN có nghĩ gì hay chỉ lo nắm hồ sơ dân biểu tình . hay các quan chỉ lo làm kinh tế thôi . Lo mà chẳng biết làm gì nản..!

    Trả lờiXóa
  2. Không có gì lạ ! Bọn Tàu ô vẫn đang sống trong thời Trung cổ, phong kiến . Lén lút theo dõi, rình rập, hù dọa đê hèn vẫn là đặc tính của chúng . Dù được Tây phương bơm đầu tư ào ạt 20 năm nay, tạo ra nền kinh tế thành công lớn, nhưng bọn Tàu ô này vẫn chưa quen với thời đại văn minh ngày nay . Vẫn là những tên lãnh chúa, hèn hạ và ô nhục !

    Trả lờiXóa
  3. "Các ngư dân cho hay khi bị bắt, phía Trung Quốc luôn luôn tra hỏi lý lịch từng người, nhất là các chi tiết như họ có làm việc cho chính quyền địa phương hay tham gia bộ đội, du kích gì không."

    Những thông tin như trên đây có nghĩa là gì nhỉ?

    Tại sao chính quyền TQ xem ra rất thận trọng dò xét "dân tình" VN trong khi theo suy nghĩ bình thường thì họ chỉ cần nắm chắc "quan tình" là đủ cho ý đồ xâm lược biển Đông?

    Tại sao Bắc Kinh rất sợ thường dân Việt Nam biểu tình phản đối họ, trong khi họ có đủ cơ sở để an tâm rằng giới lãnh đạo VN cho đến nay vẫn không dám chống lại họ?

    Tôi vẫn chưa lý giải được những câu hỏi trên cho rõ ràng, nhưng tôi nghĩ cái gì mà đối phương sợ nhất thì đó chính là điểm yếu nhất của họ. Nếu người dân - dân thường - ở VN, triệu lòng như một, dứt khoát tuyên bố rằng sẽ chấp nhận hy sinh tất cả để bảo vệ đến cùng giang sơn bờ cõi, thì chắc chắn nhà cầm quyền TQ sẽ phải chùn tay.

    Thành ra một lần nữa, tôi tin rằng những người đã can đảm xuống đường biểu tình chống TQ thời gian qua, cũng như những ngư dân bất chấp hiểm nguy vẫn dong thuyền ra khơi đánh cá... chính là những anh hùng giữ nước của thế hệ này! Lòng tôi vô cùng biết ơn họ.

    Trả lờiXóa
  4. Philippines tuy là một nước nhỏ nhưng cách ứng xử với Trung quốc chẳng những không hèn mà còn đàng hoàng có tư cách đáng nể. Nhà Nước Việt Nam hãy học cách ứng xử của Philippines đối với Trung quốc để xứng đáng với câu mình tự khen mình "Việt Nam ra ngõ là gặp anh hùng". Chẳng lẽ Nhà Nước cứ buông trôi số phận của biển quê hương và ngư dân Việt Nam hoài như vầy sao? Tại sao?

    Trả lờiXóa
  5. Các thông tin về ngư dân Việt Nam tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam, có khó gì để lấy hình ảnh gia đình họ từ trên báo online. Nhưng cũng không loại trừ gián điệp Trung Quốc đã và đang cài cắm quá sâu trong lòng nước Việt. Lâu lâu người Trung Quốc bị phát hiện có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị thì chính quyền địa phương lại "ngớ" người vội vội vàng vàng đi điều tra từ đầu thì chào thua. Cần gắn trách nhiệm sâu sát dân tình vào chính quyền địa phương và có chế tài nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

    Đồng Bào.

    Trả lờiXóa