Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

NHÀ CHÁU ĐI BIỂU TÌNH CHỐNG TÀU XÂM LƯỢC NGÀY 22.7.2012


Nhà cháu đi biểu tình chống TQ xâm lược, ngày 22/7/2012

Nguyễn Hồng Kiên


Nhoáng cái mà đã 01 năm. Mùa Hè năm ngoái Hà Nội đã nắng nóng. Mùa Hè năm nay còn nắng nóng hơn, 32-34 độ C trong bóng râm.

Tình hình quan hệ với ‘bạn vàng’ cũng tăng NHIỆT, từ gây hấn trên biển Đông, TQ đã chuyển sang xâm lược, khi đưa cả một ‘hạm đội tàu cá’ 30 chiếc và 01 tàu đổ bộ từ Tam Á (đảo Hải Nam) tràn xuống vùng quần đảo Trường Sa.

Ngày 01/7/2012, biểu tình chống TQ thứ nhất diễn ra ở Hà Nội, nhà cháu đang ở đảo tiền tiêu Lý Sơn cùng nhóm “Nghĩa Tình Lý Sơn” (gồm anh chị, bạn bè khắp Bắc-Trung-Nam) đi tặng quà các gia đình ngư dân gặp khó khăn khi tham gia bám biển, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa.

Cuộc biểu tình chống TQ thứ hai, ngày 08/7/2012, vì cái ngón chân bị trật khớp (khi đi đá bóng với No-U FC) chưa khỏi, nhà cháu phải đi bằng xe máy phía sau, chả được chứng kiến mấy, nên không thể tường thuật.

Sáng, mới 6g30 mà trời đã hầm hập nóng oi. Nhà cháu lượn xe máy từ Mỹ Đình về trung tâm, qua khu ĐSQ TQ thấy cả phía đường Khúc Hạo (mặt sau ĐSQ) cũng có chốt gác.

Quanh vườn hoa Lê Nin lác đác ‘cảnh phục, dân phòng’ cùng hàng dãy hàng rào sắt. Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Cách mạng tháng Tám rộng mênh mang với chỉ 1 xe dẹp chợ của CA phường, 02 biến cấm xe dừng đỗ; không thấy biển cấm quay phim chụp ảnh.

Khu tượng đài Cụ Lý Thái tổ cũng có 1 xe dẹp chợ và lơ thơ vài ‘cảnh phục’...

Về vứt xe ở cửa nhà, nhà cháu đi bộ quanh hồ. Đây đó gặp vài người quen, nhà cháu mời đi uống cà phê nhưng ai cũng lắc. Đành ngồi một mình ở quán giải khát ven hồ Gươm, ngóng.

8g30, 8g50 vưỡn chả thấy gì, nhà cháu đoán mọi người lại TỤ ở Nhà hát Nhớn nên quày quả đi ra.

Ối dồi, từ xa khoảng 200m đã thấy đông đột ngột! Biểu ngữ, băng-rôn lớn nhỏ được trương lên (ảnh 1).
.



Nội dung các băng-rôn, biểu ngữ khá đa dạng, có cả chữ Anh, chữ Trung:
- “HÒANG SA – TRƯỜNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM !”
- “Không được leo thang xâm lược trên biển Đông”
- “Đả đảo TQ gây hấn! Hòa bình-Công lý cho biển Đông”
- “Đoàn kết dân tộc là sức mạnh”
- “Tổ quốc lâm nguy Xin đừng vô cảm”
- “China, stop escalating invading the East Sea of Vietnam”
- “Láng giềng khốn nạn – Thôn tính tương lai”
- “Đả đảo bè lũ Hồ Cẩm Đào”
...
Hình thức, chất liệu, màu sắc cũng phong phú... Thì của ai nấy TRƯNG, bức xúc với TQ thế nào- thể hiện thế. TỰ PHÁT MÀ (ảnh 2).





Cảnh sát giao thông rít còi dẹp đường, hướng dẫn xe cộ rẽ ngả khác, dành đường cho ‘đoàn BỘ HÀNH’ (loa trên các xe ô tô, xe máy cảnh sát cùng gọi thế).

Cho đến ngã tư Tràng Tiền-Tràng Thi, số lượng người biểu tình chỉ vào khoảng trăm, trăm rưởi. Nhưng ‘đoàn BỘ HÀNH’ kéo dài và ‘nở ngang’ đường nhờ có ‘lực lượng bảo vệ’ thậm chí còn nhiều hơn thế (sắc phục có, thường phục có).

Từ xa, nhà cháu thấy có một hàng rào sắt giăng ngang đầu đường Tràng Thi (ảnh 3)





Kiểu này là định hướng ‘đoàn BỘ HÀNH’ đi quanh Hồ Gươm, không cho đi về phía ĐSQ TQ rồi ! Ngang vườn hoa ven hồ còn chăng dây thừng to đùng. Ngộ nhất là có một chú ‘dân phòng’ đứng một mình cố trì người để túm chắc đầu dây thừng. Tuy nhiên, khi mọi người lần lượt nhấc dây đi qua thì ‘lực lượng bảo vệ’ cũng không quyết liệt ngăn cản. (ảnh 4)




Cả đoàn lại tràn sang đường Tràng Thi.
Ngay từ chỗ Nhà hát Lớn, một chiếc xe có dán chữ CẢNH SÁT (cửa kính kéo kín, chắc có gắn máy lạnh) đi theo đoàn phát loa. Mới đầu nhà cháu cũng không để ý lắm, vì tiếng người hô khẩu hiệu át cả tiếng loa điện. Nhưng khi đi sát, lắng tai nghe, nhà cháu bỗng thấy là lạ.

- TUYỆT ĐỐI KHÔNG THẤY CÂU ‘CỬA MIỆNG’: “ĐỂ ĐẢNG & NHÀ NƯỚC LO”
- CŨNG KHÔNG THẤY ‘MẮNG’ VIỆC TỤ TẬP ĐI BIỂU TÌNH LÀ BỊ THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG.
(ảnh 5)



Nhà cháu ghé sát cửa kính xe ‘chộp’ hình cái văn bản mà chú công an cầm đọc. Sợ rồi ảnh không nét, nhà cháu gõ cửa, chỉ chỉ cái tờ giấy, xin chụp. Chú công an nhỏen cười, lắc đầu. Nhà cháu đành chuyển sang chế độ quay video để ghi lại nhời chú ấy qua loa phát thanh. May là ảnh cũng đọc được, cộng với nghe/xem lại băng video, nhà cháu cũng “phục chế” được văn bản ấy dư lày:

A lô đề nghị đồng bào chú ý
Thời gian qua phía Trung Quốc đã có nhiều hành động gây căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như:Phản đối Việt Nam thông qua luật Biển, thành lập thành phố Tam Sa bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam v.v...
Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là cương quyết bảo vệ Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng phương pháp đối thoại hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đảm bào môi trường ổn định để phát triển đất nước.
Đồng bào tập trung tại khu vực.............. để phản đối những hành động trên là thể hiện tình cảm yêu nước chính đáng. Song, trong tình hình hiện nay, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo là vấn đề kiên trì và lâu dài, trên cơ sở luật pháp quốc tế và bằng nhiều lực lượng, biện pháp. Việc tập trung đông người kéo dài sẽ làm phức tạp thêm tình hình, gây ảnh hưởng đến ANTT của thủ đô và vi phạm nghị định 38 của chính phủ về đảm bảo trật tự nơi công cộng.
Để đảm bảo trật tự chung, chúng tôi yêu cầu đồng bào giải tán khỏi khu vực..............
Các lực lượng làm nhiệm vụ hướng dẫn đồng bào chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Các trường hợp lợi dụng tập trung đông người gây mất trật tự an ninh nơi công cộng, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi yêu cầu đồng bào chấp hành nghiêm túc để đảm bảo an ninh trật tự.”


Văn bản thì GÕ v.v... nhưng khi phát thanh thì không có.

Dám kể tội TQ, nhưng tại sao LỜ TỊT NHỮNG HÀNH ĐỘNG MỚI NHẤT "đưa cả một ‘hạm đội tàu cá’ 30 chiếc và 01 tàu đổ bộ từ Tam Á (đảo Hải Nam) tràn xuống vùng quần đảo Trường Sa", "tổ chức bầu cử và đưa quân đội xuống đồn trú tại Hoàng Sa"???

Từ hôm thứ Bảy, nhiều người cứ bảo “có đèn Xanh”, nhà cháu đã “thưa” lại:
- NẾU THỰC SỰ BỨC XÚC, CĂM PHẪN VÌ TQ “LEO THANG” (cái từ này có từ thời chống đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, những năm 70-80 của thế kỷ trước) KHI CHÚNG CHUYỂN TỪ GÂY HẤN SANG HÀNH ĐỘNG XÂM LƯỢC, THÌ HÃY BIỂU LỘ VÀ TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM. ĐỪNG VÌ “ĐÈN XANH ĐÈN ĐỎ”!

Nhà cháu gặp lại một số bác, anh chị em người quen từ mùa Hè năm ngoái. Nhưng cũng thấy không ít những khuôn mặt mới.

NỔI nhất vưỡn là cụ Tạ Trí Hải với cây đàn violon. Hôm nay cụ có cái loa trong ba-lô nên tiếng đàn vang hơn, da diết hơn với bản “Dậy mà đi...”. (ảnh 6)
 


Nhà cháu cũng nhìn thấy bác Vinh Anh- cựu đại tá QĐNDVN, người cùng ngồi chờ/ đón những người được/bị mời về đồn Mỹ Đình hôm 21/8/2011 (http://haydanhthoigian.net/2011/08/23/chuy%E1%BB%87n-%E1%BB%9F-c%E1%BB%95ng-d%E1%BB%93n-cong-an-m%E1%BB%B9-dinh-1-m%E1%BB%85-tri-ha-n%E1%BB%99i/ ), nhưng rồi đông quá chả đến để chào hỏi được.

Nhà cháu cũng thấy “cô phóng viên sexy” dắt xe đạp đi theo đoàn, nhưng cũng chỉ nháy mắt chào nhau thôi, vì cô ấy đang ‘bú’ sữa hộp, ai cũng nóng khát. (ảnh 7)
 


Có khá nhiều các phóng viên nước ngoài, trừ cô bạn ‘sexy’ nhà cháu còn gặp lại mấy bạn người Nhật. Có một anh chàng nhà cháu chưa từng gặp, chạy đôn chạy đáo chụp ảnh, “thở ra đằng tai” mà rồi vẫn đứng buôn với lốc-gờ Lê Dũng (ảnh 8)



Càng đi ‘đoàn bộ hành” càng đông thêm.

Nhà cháu thấy 2 bác gái trung tuổi, dắt xe đạp, trên giá đèo hàng đằng sau là những bao nông sản... Tưởng các bác ấy bị ‘vướng’ vào, nhưng khi đoàn biểu tình quay về hồ Gươm, nhà cháu vẫn thấy hai bác ấy. (ảnh 9)





Từ xe của cảnh sát giao thông luôn có phát thanh nhắc nhở: “Yêu cầu đoàn bộ hành chú ý chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, đi bộ lên vỉa hè, không đi bộ dưới lòng đường gây cản trở và ùn tắc giao thông, lòng đường dành cho các phương tiện! Yêu cầu đoàn bộ hành hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ hòan thành nhiệm vụ!”.
Nhà cháu có quay video ghi âm nhưng không tải lên đây được.

Bật cười khi nhớ lại hôm đi Lý Sơn, cô bạn mới ở Nhật Bản về kể chuyện hồi năm ngoái bên ấy đi biểu tình phản đối TQ gây hấn.

Cô ấy bảo bên Nhật nếu đi biểu tình LÀ PHẢI ĐI XUỐNG ĐƯỜNG, để không ảnh hưởng đến người đi bộ. Cảnh sát sẽ dẹp đường, hướng dẫn các phương tiện nhường đường.

Nhưng thôi, nước mình phải khác chứ. Miễn là cảnh sát vẫn lo đảm bảo giao thông.

’Thím’ CSGT này mặc nguyên cả cây sắc phục, nhưng chân lại đi giày thể thao trắng thì có sao?
Nhà cháu hỏi, ‘thím’ ấy nghiêm mặt không trả nhời, dù nhìn mặt thì thím ấy chỉ bằng đám cháu gái của nhà cháu là cùng. (ảnh 10)




Hôm 08/7, nhà cháu đi bằng xe máy nên luôn bị đuổi, cứ phải vòng vèo mãi mới lại nhập đoàn lại được. Hôm nay chứng kiến có 1 thanh niên cưỡi xe máy bị CSGT dứt khoát bắt quay đường khác, nhưng rồi có 1 thanh niên khác phi xe đến, nói nhỏ câu gì đó, chú CSGT quay mặt bỏ đi, 2 thanh niên rồ ga đi cùng với đoàn bộ hành. (ảnh 11). 




Thấy nhà cháu có vẻ ‘thắc mắc’, một bác đi cạnh cười bảo: “An ninh nhập đoàn biểu tình sẽ càng đông. Tốt chứ sao?”

Hình như thấy đoàn bộ hành có vẻ ít hơn dự kiến, nên các chú thường phục được lệnh tham gia tăng cường thì phải (?!). Nhưng nhìn qua cũng phát hiện được ngay, vì các chú ấy CHƠI tinh máy quay HD xịn, chắc được phát, người thường mấy ai đủ tiền mà dùng. (ảnh 12).
 


Ơ, đây đúng là chú cháu an ninh từng áp tải nhà cháu trên xe bus về Mỹ Đình hôm 17/7/2001. Hôm ấy, dù ai nói/hỏi gì chú cháu này cũng vưỡn ngậm tăm nên có bác nghi là ‘Tàu khựa’, nhà cháu phải ‘bênh’ vì trước đó có nghe thấy chú ấy nói tiếng Việt. Chú này từng xuất hiện bên cạnh trung tá Canh và đại úy Minh ‘đạp’ tai tiếng.

Hôm nay chú ấy cũng dùng 1 cái máy quay video XỊN. Nhưng mới 01 năm, chả biết lên được chức nào chưa mà chú ấy ‘phát tướng’ thấy rõ, bụng phưỡn ra- má béo phính chứ không thư sinh, đẹp giai giống... Tàu nữa. (ảnh 13)




Có một chú thanh niên vác hẳn máy quay to, chuyên nghiệp đi quay. Nếu nhà cháu không nhầm thì Chủ nhật trước, chú này cũng xuất hiện. Nhưng cái máy hôm nay không thấy dán lô-gô HanoiTV nên không dám chắc. (ảnh 14)




Qua khỏi ngã tư Cửa Nam, mọi khi đặc người và phương tiện, giờ đường rộng thoáng, nhìn thấu lên tận ngã tư Trần Phú-Điện Biên Phủ được. Lại đã có mấy tay máy XỊN chờ đón, đằng sau họ là hàng rào sắt và hàng rào người. (ảnh 15)
 


Đủ cả các sắc phục công an, dân phòng nhưng nhà cháu lại thấy cả mấy bác (cả giai cả gái) nhìn phát biết ngay là “bét” cũng phải làm đến tổ trưởng dân phố. Thấy họ mặt quá đỗi căng thẳng, nhà cháu đùa:

- Các bác nhốt bọn Tàu kỹ thế? Sáng giờ chắc bọn nó “nội bất xuất-ngoại bất nhập” nhể? Thôi, để chúng tôi đứng ngoài này hỗ trợ vậy.

Chả ai nhếch mép.

Một bác thương binh trong đoàn biểu tình bức xúc đứng trừng mắt nhìn, tất thảy bên kia hàng rào quay đi, mắt ‘lấy nét’ ở Vô cực ± ∞.

Thật buồn, khi ngay đó là biểu ngữ “Đoàn kết dân tộc là sức mạnh” viết bằng 3 thứ tiếng (ảnh 16)
.


CÙNG LÀ NGƯỜI VIỆT, MÀ NÓI KHÔNG CÒN HIỂU NHAU NỮA SAO?

Nhưng, cũng phía trong hàng rào sắt còn có khoảng non chục thanh niên (cũng giai có-gái có) mặc áo xanh Thanh niên Tình nguyện. Sao các cháu cũng căng thẳng thế, chúng ta là đồng bào mà, bọn xâm lược bá quyền ở đằng sau lưng ấy! Các cháu nắm tay giữ chặt hàng rào, nhưng khi có 1 bác từ bên ngoài nhờ giữ cho cái khẩu hiệu để chụp cái ảnh thì nhất loạt buông ra, khoanh tay trước ngực. Và dù bên này rào, các anh-chị, chú-bác có hỏi/nói gì, các cháu này cũng không mở lời. Có lẽ để tránh đối thoại, các cháu được kéo lùi ra sau, nhường chỗ cho công an. (ảnh 17)





(Việc lực lượng bảo vệ lập ‘chốt’ ngăn đoàn biểu tình tiếp cận ĐSQ TQ là đúng chức trách nhiệm vụ của mình, để tránh những sự cố ngoài kiểm soát. Nhưng sự xuất hiện của các ‘tổ trưởng dân phố’ rồi các cháu mặc áo thanh niên tình nguyện ở trong hàng rào bảo vệ ấy là dư lào? Có bác nào cao kiến giảng cho nhà cháu được không ạ?)

Loa trên xe của ‘lực lượng bảo vệ’ ở đây liên tục phát băng ghi âm (chứ không đọc) cái văn bản mà nhà cháu đã nói ở trên.

Tuy nhiên, nghe kỹ thì thấy 03 điểm khác:

1- Thay cho câu đầu tiên “A lô đề nghị đồng bào chú ý”, là “THƯA ĐỒNG BÀO”

2- Có thêm câu KHẲNG ĐỊNH: "Những hành động trên là vi phạm chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam."

3- Mất chữ CHÍNH ĐÁNG trong câu “Đồng bào tập trung tại khu vực... để phản đối những hành động trên là thể hiện tình cảm yêu nước chính đáng.”

(Nhà cháu có quay đến mấy chục phút để ghi âm làm ‘bằng’)

Đoàn biểu tình sau khi cố gắng hô, to nhất có thể, các khẩu hiệu đã bắt đầu quay lại để đi về Bờ Hồ. Bỗng, có một trung niên nhô ra, chửi đuổi theo. Nhà cháu nghe không rõ hết, đại ý bảo: bọn biểu tình là bọn dở hơi, phá hoại. Hô bảo vệ biển đảo nhưng cho ra Trường Sa chả trốn hết.

Trao đổi Ồn hết cả một góc, nhưng nhà cháu nghe được 1 câu chí lý của một bác đứng cạnh lốc-gờ Nguyễn Tường Thụy:

- AI CŨNG RA ĐẢO THÌ TRONG NÀY ĐỂ CHO TQ CHIẾM SAO?

Nhà bác bên kia rào lủi nhanh.

Lúc quay lại, nhà cháu xin hai bác ấy được chụp kiểu ảnh này (ảnh 18).




Mải với các bác ấy ở cuối đoàn, khi vào đường Hàng Bông, nhà cháu chạy ngược lên, bỗng thấy quốc kỳ lớn nhỏ đỏ rực cả phố. Các lá quốc kỳ đều còn hằn vết gấp. Hỏi ra mới biết các gia đình bán đồ lưu niệm mang ra tặng. Xời ơi, đội tuyển bóng đá nam mà tham dự giải đấu nào thì quốc kỳ Việt Nam bán đắt lắm, có khi không có mà mua. Và trên truyền thông, hình ảnh cờ đỏ sao vàng trên khán đài luôn được dùng để minh họa cho lòng tự hào dân tộc (!!!)

Từ các tầng trên, rất nhiều nhà mang máy ra chụp ảnh, quay phim đoàn biểu tình, mỗn tội máy ảnh nhà cháu kém, chụp chả rõ. (ảnh 19).





Khách du lịch nước ngoài thì khỏi nói, chụp lấy chụp để. (ảnh 20)



Có bác nào “lịch duyệt giang hồ” dám ‘cá’ với nhà cháu chuyện này không? Nhà cháu khẳng định: - Biểu tình ở Việt Nam TỐN NHIỀU THẺ NHỚ MÁY ẢNH MÁY QUAY NHẤT THẾ GIỚI.
Mấy bác bộ Văn-Thể-Du đem cái này đi xếp hạng thế giới thì ăn chắc, khỏi chạy chọt!

Tháng 7, truyền thông rầm rộ bước vào “tháng đền ơn đáp nghĩa”. Hôm rồi, lốc-gờ Đông A ‘lầu bầu’ chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp chẳng phải thương binh, càng CHƯA phải liệt sĩ mà lãnh đạo Bộ Quốc phòng lại đến thăm (ngày Chiến thắng Điện Biên thì chả ai đến). Công nhận, HÀM ơn hoàn toàn không thể là LÀM ơn!

Năm ngoái, đã có một cuộc biểu tình chống TQ mang biểu ngữ nhắc người Việt phải nhớ đến các liệt sỹ Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988. Năm nay, băng-rôn tuyên truyền rợp phố, đỏ cây... nhưng nhà cháu ấn tượng hơn với bác ‘thương binh’ này (chân không hiểu sao băng trắng giống nhà cháu 2 tuần trước) và biểu ngữ trên tay.(ảnh 21)




Như đã nói trên, nhà cháu chả quan tâm, nhưng RÕ RÀNG LÀ CÓ 'ĐÈN XANH'
SAU RÀO NGĂN DUY NHẤT Ở TRÀNG THI, SUỐT DỌC ĐƯỜNG, ĐOÀN BIỂU TÌNH KHÔNG BỊ NGĂN LẦN NÀO NỮA.

Và phải công nhận là ‘lực lượng bảo vệ’ ĐÃ HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ với đoàn biểu tình.

Có 2-3 xe tải nhỏ (loại thường dùng đi tuần phố, đuổi chợ và hàng rong) đi bên cạnh. Một số ‘phóng viên nhân dân’ nhảy lên đó đứng chụp ảnh cũng không ai “phàn nàn” gì. Thậm chí, có bác còn thăng hoa quá, đặt khẩu hiệu đằng trước để chụp ảnh, thì lệnh cuối cùng mà nhà cháu nghe được từ một bác mặc thường phục là:

- Bảo mấy cái xe ấy chạy về trước đi, không đi cùng nữa !

Năm ngoái, nhà cháu đã biểu dương Lưu Thanh Châu, nguyên tuyển thủ bóng đá quốc gia. Nhưng năm nay nhà cháu đặc biệt hoan hô trung tá CSGT Nguyễn Đức Chung (số hiệu 114-834). Trung tá này không đi xe máy theo đoàn như Lưu Thanh Châu, mà đi bộ, cổ đeo loa, tay cầm bộ đàm, liên tục thông báo về hành trình của đòan biểu tình để phía trước lo dẹp đường, phân luồng giao thông.

Lúc ở đài phun nước, gần “Hàm Cá Mập”, thấy có xu hướng đi vào phố Lê Thái tổ, trung tá Chung lập tức gọi bộ đàm: - “Đoàn chuẩn bị rẽ vào Lê Thái tổ”. Nhưng rồi đòan biểu tình lại đi theo bờ bắc hồ Gươm, đoạn Đinh Tiên Hoàng, trung tá này lại lập tức thông báo: - “Đoàn đã rẽ vào Đinh Tiên Hoàng”. (ảnh 22)




Thường thì biểu tình sẽ kết thúc ở trước tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhà cháu chạy lên trước, thấy công nhân (dưới chỉ đạo của trung tá an ninh - CA Hoàn Kiếm tên là Cường) kéo vòi tưới cây phun nước cho mát cả khu vực (chứ giữa trưa ai ngu mà đi tưới cây?). (ảnh 23)




Nhưng hơi phí công quá, hôm nay mọi người lại rủ nhau về báo cáo Cụ Lý Thái tổ (ảnh 24)




Nhà cháu chia tay mọi người, thả bộ sau bác Thùy Linh vòng về bên kia hồ. Bác ấy bắt xe ôm về, còn nhà cháu tự thưởng 1 que kem cốm 5.000đ ở Thủy Tạ.
ĐÃ !

21 nhận xét :

  1. nguyễn hông kiên viết đọc vui thật ,nhớ ngày xưa đọc thơ cua câu bé này ,cùng thơ trần đăng khoa ,hoàng hiếu nhân ...

    Trả lờiXóa
  2. Kể rất hay, chi tiết, sinh động và dí dỏm, cảm ơn "Phóng viên" Hồng kiên

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn bài tường thuật rất chi tiết, hóm hỉnh của anh Gốc Sậy.

    Trả lờiXóa
  4. Chào bác Gốc sậy
    Đọc bài của bác mà em thấy hưng phấn như đang trong sàn nhẩy đầm ý -HAY!Bác ơi mấy hôm nữa mát trời gió bão mấy anh em sang bên Gia lâm uống rượu thịt trâu nhé.

    Trả lờiXóa
  5. Bài naỳ chi tiết và rất vui con gai tôi cứ thích mãi, cháu nó lưu lại bao nhiêu là ảnh của các bác, anh chị, các cháu..yêu nước và có trách nhiệm với vận mệnh quốc gia.Xin cảm ơn .

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn, bài bác viết rat hay!

    Trả lờiXóa
  7. Hi hi, bài của bác "Nhà Cháu" đọc "quá đã". Sướng như đang trưa hè mà được thưởng thức que kem cốm 5.000đ vậy!

    "Lực lượng bảo vệ" ở thủ đô... sáng tạo thật: hình như Chủ nhật rồi là lần đầu tiên họ dùng cụm từ "đoàn bộ hành" để gọi đoàn người biểu tình.

    Trả lờiXóa
  8. Vụ biểu tình đợt này thưa người hơn hẳn, và do có sự tham gia của nhiều thành phần (cán bộ phường xã, thanh niên tình nguyện) ở tuyến bên chống biểu tình đã làm cho tính chất truyền bá, biểu tượng của biểu tình bị giảm sút. Nhà cháu xin mạn phép hiến vài câu khẩu hiệu, để nếu có lần biểu tình sau thì một bạn có giọng khỏe cỡ cô Hằng như bạn Phương chẳng hạn có thể lĩnh xướng để cả đoàn hô theo. Nếu có thể phát tán các câu biểu hô khẩu hiệu từ trước cho mọi người đồng thanh hô đều thì không cần loa cũng sẽ có sức lan tỏa và ảnh hưởng đến tâm lí người xem, người tham gia biểu tình và người tham gia chống biểu tình rất lớn.

    Đặc biệt là khi đoàn phải dừng lại trước rào chắn thì cần hô to loạt khẩu hiệu để tác động đến tâm lí của tất cả hai, ba bên có mặt tại hiện trường.

    Khẩu hiệu cần nêu rõ cho người dân xung quanh, và cả những công an, tình nguyện chống biểu tình nhận rõ mức độ leo thang nguy hiểm của tàu:

    Đả đảo thành phố Tam Sa
    Đả đảo cướp bóc ngư dân
    Đả đảo Trung Quốc cướp biển

    Cũng cần một loạt khẩu hiệu tôn vinh các chiến sĩ, ngư dân quả cảm, anh dũng:

    Hoan hô chiến sĩ Trường sa
    Hoan hô chiến sĩ Hoàng sa
    Hoan hô ngư dân bám biển
    Nhớ ơn chiến sĩ Gạc Ma

    Và loạt khẩu hiệu "địch vận", tuyên truyền:

    Không ủng hộ Trung Quốc xâm lược
    Không bảo vệ Trung Quốc xâm lược
    Tẩy chay hàng hóa Trung Quốc
    Tẩy chay dịch vụ Trung Quốc

    Trả lờiXóa
  9. Thế Giới Không Độc Tàilúc 06:26 24 tháng 7, 2012

    Viết sinh động, hấp dẫn.

    Trả lờiXóa
  10. Nhời nhẽ bài viết hay phết! Lại có hình minh họa ngay tắp lự nên độc giả được mục sở thị ngay nội dung của đoạn viết.
    Lần sau cứ thế mà phát huy nhá và nhớ tương hai que kem vào, có 10 nghìn bọ ấy mà.

    Trả lờiXóa
  11. Bài viết rất hay, tường thuật chi tiết, sống động. Mong được đọc các bài thế này sau mỗi sáng chủ nhật. Cám ơn bác tác giả.

    Trả lờiXóa
  12. Mặc dù hầu hết các buổi biểu tình tôi đều tham gia nhưng khi về tôi vẫn lên mạng tìm đọc các bài tường thuật, tôi đặc biệt thích đọc bài tường thuật của bác Gốc Sậy vì khác với bài tường thuật tại chỗ bài của bác Gốc Sậy rất chi tiết và hơn hết là bác ấy có cái nhìn rất tinh tế, tôi còn nhớ blog Nguyễn Xuân Diện năm ngoái khi đăng bài của bác ấy đã giật tít “Bác Gốc Sậy tường thuật cuộc biểu tình vui đáo để”, chả thế mà lần nào gặp bác ấy ở đoàn biểu tình tôi cũng đều dặn về lại viết tường thuật nhé. Bữa 8/7 gặp bác ấy đi xe máy ở phía cuối đoàn biểu tình tôi ngỡ bác ấy chưa gửi được xe, hỏi thì hóa ra : Em đau chân không đi bộ được!

    Tôi xin đưa thêm một vài chi tiết để minh họa cho bài viết của bác Gốc Sậy :
    Khi cuộc biểu tình diễn ra ít phút tôi đã chứng kiến cảnh một dân phòng hung hăng giằng co, trấn áp một biểu tình viên ở ngay trước thềm Nhà Hát Lớn, cũng ngay lúc đó có một an ninh mặc thường phục kéo người dân phòng đó lại đẩy về phía sau mình có ý ngăn không cho người dân phòng làm như vậy. Khi đoàn biểu tình đi ngang qua Bờ Hồ lại có nguy cơ xô sát giữa một dân phòng với biểu tình viên thì có một công an (hình như tên là Cường) ở quận Hoàn kiếm lên tiếng nhắc nhở "nhẹ nhàng thôi".
    Có lúc tôi đi sát bên cạnh một nữ cảnh sát, khi nắng quá tôi mở ô che nắng thì người nữ cảnh sát ấy cười với tôi và nói : Cô che cho cả bác kia với. Trời nắng quá, những biểu tình viên hầu như ai cũng có chai nước trong tay (hoặc là do đã chuẩn bị sẵn, hoặc là do khi đi ngang phố được bà con phát ủng hộ), tôi nghĩ có lẽ người nữ CS này cũng khát, tôi mời nước, cô ấy cũng vẫn cười và từ chối : Cháu cảm ơn cô.
    Còn đối với đội CSGT làm nhiệm vụ thì thái độ nhìn chung là được. Đây là ý kiến một người bạn của tôi trên FB : Mình nghĩ hôm nay các anh CS giao thông làm thế là tốt rồi , thấy một cậu lần biểu tình nào cũng đi xe máy áp đoàn , ko dữ lắm, cậu ấy có vẻ khát mình mời chai nước , cậu cười em cám ơn , từ chối ! Không vì quân phục mà là dân thường mình nghĩ bạn công an giao thông này sẽ uống! Nắng thế này !! hêhhêhhêh.


    Xin cảm ơn bác Gốc Sậy và bác chủ nhà đã viết tường thuật và đăng bài!

    Trả lờiXóa
  13. Cảnh biểu tình cũ có, mới có, hay, chi tiết. Cám ơn bác gốc Sậy và bác "gốc Tễu"!

    Trả lờiXóa
  14. Đọc bài của nhà sử học rất thú vị. Cám ơn nhé.

    Trả lờiXóa
  15. Chờ mãi giờ mới được đọc Gốc sậy. Cám ơn Hồng Kiên nhiều.

    Trả lờiXóa
  16. tường thuật rất hay, hay hơn cả VTV bác ạ.

    thks bác

    Trả lờiXóa
  17. Bài tường thuật biểu tình của Gốc Sậy thật sống động, thật vui với giọng bình hóm hỉnh. Nhưng sao đọc xong tôi lại rơi nước mắt. Thương quá những người Việt Nam yêu nước dũng cảm xuống đường chống giặc Tàu xâm lược. Thương quá Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam!

    Trả lờiXóa
  18. Bạch Đằng Gianglúc 17:12 24 tháng 7, 2012

    Ôi, anh Gốc Sậy! thế nào mà cả 3 cuộc biểu tình tháng 7 này em chẳng thấy anh đâu cả, ngoảnh đi ngoảnh lại tìm cũng chằng ra, cứ thấy thiếu thiếu, nghĩ quái lạ sao năm nay sao lại vắng bác Gốc Sậy thế này, hay là anh được công an "chăm sóc" kỹ quá, hay là được "giác ngộ" rồi. Bỗng hôm nay lại được nghe cái giọng quen thuộc, tưng tửng hóm hỉnh mà sâu sắc này, thú vị quá!
    Xin lỗi vì mọi khi vẫn xưng ngang với anh vì nghĩ anh cùng tuổi sinh năm 63, từ khi nghe chị P.B nói là anh hơn tuổi thì chưa được gặp lại để cải chính. Em rất thích đọc những bài tường thuật của anh, dù chính mình cũng luôn trong đoàn biểu tình ấy nhưng sao khi đọc lên thấy nó thú vị và nhiều điều đáng suy ngẫm mà trước đó mình chưa nhận ra.
    Cám ơn bác Gốc Sậy thật nhiều.

    Trả lờiXóa
  19. Người Việt namlúc 21:36 24 tháng 7, 2012

    Hồng Kiên viết hay quá, nhẹ nhành, dí dỏm, súc tích và đầy hàm ý.
    Hay!

    Trả lờiXóa
  20. Hay! Mong là sẽ được đọc tiếp những bài tường thuật tiếp!

    Trả lờiXóa
  21. Hôm nay là ngày thương binh liệt sỹ. Ba cháu là thương binh đã mất trong thời bình. Nhưng nghe những gì ba cháu kể và đọc các bài viết này cháu cũng cảm nhận được tinh thần yêu nước của dân tộc mình lớn lao đến thế nào. Ai bảo nếu có chiến tranh xảy ra vào lúc này thanh niên Việt Nam sẽ bỏ chạy hết. Không bao giờ vì chúng cháu hiểu rằng không đâu tự do và hạnh phúc bằng chính mảnh đất nơi mình sinh ra. Cháu mong các bac cựu chiến binh hãy dẫn dắt chỉ lối để chúng cháu đi đúng con đường các bác đã đi làm những việc cần phải làm.
    Cảm ơn bài viết của Nguyễn Hồng Kiên đã miêu tả một cách sinh động cuộc biểu tình này. Tôi đọc mà cảm giác như đang được hòa mình giữa dòng người.

    Trả lờiXóa