Người TQ mua cả trăm hecta đất Bình Thuận
TT - UBND tỉnh Bình Thuận vừa kiểm tra và phát hiện việc đầu tư cả trăm hecta đất trồng thanh long không đúng quy định pháp luật của một nhà đầu tư Trung Quốc.
Mặt bằng đã chuyển từ đất lúa sang đất kinh doanh của Công ty Nguyên Long Sơn - Ảnh: Trần Lệ Hoa
|
Theo hồ sơ, cuối năm 2011, ông Zhong Heng Shan (quốc tịch Trung Quốc, chủ tịch hội đồng thành viên kiêm giám đốc Công ty TNHH Nguyên Long Sơn thuộc Tập đoàn Nguyên Hinh, Thâm Quyến, Trung Quốc) ký hợp đồng sang nhượng 100ha đất nông nghiệp tại xã Hàm Chính (huyện Hàm Thuận Bắc) và gần 10.000m2 cạnh quốc lộ 1A thuộc xã Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc) của ông Phạm Phú Thạnh. Trong khi việc sang nhượng đất chưa hoàn tất và đang có tranh chấp thì ông Zhong có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận xin phép nhập máy móc, thiết bị sản xuất trên diện tích đất này.
Từ tranh chấp hợp đồng với người Việt Nam
Theo văn bản gửi UBND tỉnh nhờ “can thiệp”, ông Zhong cho biết cuối năm 2011 khi ký hợp đồng với ông Phạm Phú Thạnh, nguyên giám đốc và hiện là thành viên góp vốn trong Công ty Nguyên Long Sơn, ông Zhong đã chuyển 13,5 tỉ đồng cho ông Thạnh. Tuy nhiên đến nay ông Thạnh chưa giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng như đã ký kết.
Vì vậy, Công ty Nguyên Long Sơn đề nghị tỉnh Bình Thuận can thiệp và cho phép họ trồng thanh long trên diện tích 100ha ở Hàm Chính và được xây văn phòng, nhà xưởng trên diện tích đất đã mua tại Hàm Đức. Đồng thời cho phép được nhập máy móc, thiết bị về để sản xuất, chế biến thanh long.
Tuy nhiên theo ông Thạnh, tính đến tháng 7-2012 ông chỉ mới nhận từ ông Zhong 10,5 tỉ đồng và đã giao toàn bộ giấy tờ đất đai mà ông đã ký kết đứng ra mua giúp cho ông Zhong. Chưa hết, để “nắm đằng cán”, ngày 27-2 ông Zhong và luật sư của mình đã yêu cầu ông Thạnh ký một hợp đồng vay vốn khống 4,5 tỉ đồng (lãi suất 0%) trong số tiền 10,5 tỉ đồng đã chuyển, tương đương với 5% vốn góp trong công ty. Đổi lại, ông Thạnh phải thế chấp 11 sổ đỏ có diện tích hơn 75.000m2 và giấy tờ nhà đất văn phòng công ty tại Hàm Thuận Bắc.
Lòi ra chuyện đầu tư “chui”
Việc lập hợp đồng vay vốn khống này nhằm buộc ông Thạnh sau khi lo được giấy chứng nhận đầu tư phải chuyển cổ phần mới lấy lại được giấy tờ đã thế chấp mà ông đứng tên góp vốn trong công ty trên danh nghĩa, nhằm che mắt việc giúp ông Zhong đầu tư “chui” vào Việt Nam.
Theo hồ sơ, ngày 30-12-2011, ông Phạm Phú Thạnh thành lập Công ty TNHH Nguyên Long Sơn với vốn điều lệ 90 tỉ đồng. Trong đó, ông Thạnh làm giám đốc với số vốn góp 20% (18 tỉ đồng) và ông Vũ Duy Tám (quê Bắc Giang) góp 72 tỉ đồng còn lại. Hai tháng sau (ngày 28-2), công ty này đã đăng ký thay đổi lần đầu vẫn giữ nguyên tên công ty, vốn điều lệ nhưng thêm hai thành viên là ông Huang Bi Qiu (ngụ Quảng Tây, Trung Quốc) góp 30% vốn (27 tỉ đồng) và ông Zhong Heng Shan góp 60% vốn (54 tỉ đồng). Lúc này công ty chuyển sang cho ông Zhong làm giám đốc. Riêng ông Thạnh và ông Tám mỗi người chỉ còn 5% vốn (4,5 tỉ đồng).
Sau khi đưa hai người nước ngoài vào công ty để nắm giữ toàn bộ số vốn, cá nhân ông Thạnh và ông Tám chỉ còn lại một số vốn “tượng trưng” ít ỏi. Lúc này, Công ty TNHH Nguyên Long Sơn hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của ông Zhong. Từ đây, ông Thạnh lại ký hợp đồng chuyển nhượng số đất nông nghiệp trên 100ha mà mình đã gom trước đó cho ông Zhong để ông này đầu tư trồng thanh long, xây dựng nhà xưởng chế biến.
Tuy nhiên theo hồ sơ, với diện tích hơn 10.000m2 nằm sát quốc lộ 1A ngay ngã ba Tà Zôn (xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) là đất lúa hai vụ, không được chuyển đổi mục đích khác (theo nghị định 42 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và pháp luật đất đai hiện hành). Vì vậy theo hợp đồng, ông Thạnh phải có trách nhiệm “chạy” chuyển đổi sang đất kinh doanh để ông Zhong làm nhà xưởng chế biến thanh long. Ngày 26-12-2011, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã cho chuyển đổi số diện tích ruộng lúa này sang đất kinh doanh, công ty đã ào ạt san lấp mặt bằng ngay sau đó.
Sau khi dùng thủ thuật đưa tên hai người Trung Quốc vào để chuyển nhượng công ty, ông Thạnh đã giao hồ sơ và con dấu cho ông Zhong. Chính sự thay đổi và đưa thêm hai người nước ngoài vào công ty nên UBND tỉnh không đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư bởi công ty lúc này có yếu tố người nước ngoài. Chưa hết, theo quy định của UBND tỉnh Bình Thuận, việc nhà đầu tư muốn xây dựng nhà xưởng thì sau khi được cấp giấy phép đầu tư phải tập trung vào các khu công nghiệp để sản xuất, chế biến. Từ việc đầu tư “chui” đến việc bán đất nông nghiệp cho người nước ngoài bị phát hiện nên phi vụ này đang có nguy cơ bị đổ vỡ. Cơ quan an ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc điều tra làm rõ.
Ông Zhong mời 9 cán bộ Bình Thuận đi Trung Quốc
Khó hiểu hơn là trong thời gian phi vụ này đang lùm xùm thì có đến chín cán bộ, trong đó có phó giám đốc Sở NN&PTNT cùng phó chánh văn phòng, giám đốc trung tâm trực thuộc sở này cùng bí thư, phó chủ tịch, trưởng phòng nội vụ, giám đốc Ban quản lý dự án huyện Hàm Thuận Bắc nhận lời mời của Tập đoàn Nguyên Hinh sang Thâm Quyến, Trung Quốc để “học tập kinh nghiệm”. Theo báo cáo của Công ty Long Nguyên Sơn do ông Zhong ký thì sau chuyến “học tập kinh nghiệm” này, các thành viên trong đoàn công tác đã hướng dẫn ông làm đơn đề đạt những nguyện vọng được đầu tư ở Bình Thuận vì công ty đã lỡ “cầm đèn chạy trước ôtô”.
|
MINH LUẬN - TR.L.HOA
Nguồn: Tuổi trẻ.
Báo Tuổi trẻ tiếp tục đưa tin:
Vụ người Trung Quốc mua đất tại Bình Thuận:
Người Trung Quốc sang nhượng hơn 160ha đất ở Bình Thuận
TT - Chiều 10-7, cuộc họp báo thông báo về tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ sáu tháng cuối năm của UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức đã “nóng” lên khi một số báo chí đề cập việc ông Phạm Phú Thạnh chuyển nhượng “chui” hơn 100ha đất tại xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc cho ông Zhong Heng Shan, giám đốc Công ty Nguyên Long Sơn (thuộc Tập đoàn Nguyên Hinh, Thâm Quyến, Trung Quốc).
Các câu hỏi mà báo chí đặt ra là về tính pháp lý khi cấp phép kinh doanh cho Công ty Nguyên Long Sơn có đến 90% vốn nước ngoài, việc chuyển đổi đất lúa hai vụ sang đất kinh doanh - sản xuất, việc cán bộ được mời “tham quan, học tập kinh nghiệm”...
Tuy nhiên đại diện Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bình Thuận xin hẹn trả lời sau do vụ việc mới xảy ra, chưa tiếp cận hồ sơ. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Tâm - phó chủ tịch UBND tỉnh - khẳng định sẽ chỉ đạo các ngành kiểm tra, rà soát tất cả vấn đề mà báo chí đặt ra bởi: “Có nhiều vấn đề mới phát sinh mà thông qua báo chí gần đây chúng tôi mới nắm được” - ông Tâm nói.
Trong khi đó, theo văn bản thỏa thuận, cam kết giữa ông Thạnh và ông Zhong ký ngày 27-2, diện tích đất 100ha tại xã Hàm Chính chỉ là diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế số đất ông Thạnh gom của các hộ dân lên đến 160ha. Hiện ông Zhong đã rời khỏi Bình Thuận và hẹn ông Thạnh đến tháng 9-2012 mới quay lại để bàn bạc sau khi phi vụ này bị phát hiện.
Đáng lưu ý là theo ông Thạnh, ngoài việc đang giữ toàn bộ giấy tờ đất mà ông Zhong đã mua, hiện ông Zhong còn giữ giấy tờ nhà, đất của ông. Theo ông Thạnh, tổng số tiền mà ông Zhong đã chuyển cho ông là 10,5 tỉ đồng, ông đã chi hết, trong đó có khoản tiền hơn 120 triệu đồng ông đã mua vé máy bay cho đoàn cán bộ Bình Thuận được Tập đoàn Nguyên Hinh mời sang Thâm Quyến “học tập kinh nghiệm”.
Được biết, thư mời của Tập đoàn Nguyên Hinh ghi đích danh và chức vụ công tác từng người. Lá thư này nhấn mạnh: “Trân trọng kính mời quý ngài sang thăm đất nước Trung Hoa, thăm cơ sở vật chất của tập đoàn để chúng tôi thật sự an tâm đầu tư kinh doanh trên địa bàn Bình Thuận”. Không hiểu chuyến đi “học tập kinh nghiệm” này “thành công tốt đẹp” ra sao nhưng việc tập đoàn này an tâm đổ tiền vào gom đất, chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư “chui” vào Việt Nam là có thật.
M.L. - TR.L.HOA
Nguồn: Tuổi Trẻ.
Có vài câu hỏi được đặt ra cho lãnh đạo đảng-nhà nước, lãnh đạo đảng và chính quyền của 63 tỉnh thành phố rằng: Vì sao những sự việc cực kỳ nghiêm trọng, nguy hại đến an ninh quốc gia đã xảy ra như việc người Trung Quốc đầu tư lập bè nuôi cá,đưa tàu thuyền vào đánh bắt thu hoach vận chuyển trái phép tại Vịnh Cam Ranh, Vũng Rô. Người Trung Quốc đầu tư chui, mua gom trái phép hàng trăm hecta đất ở Bình Thuận. Dân phát giác, báo chí vào cuộc điều tra đưa ra trước công luận thì lãnh đạo đảng và chính quyền địa phương mới biết? Cho đến giờ còn những địa phương nào xảy ra những sự việc nghiêm trọng tương tự chưa bị phát giác? Và những người đứng đâu các cơ quan đảng, chính quyền các cấp ở địa phương, cơ quan quản lý ngành ở cấp T.W để xảy ra sự việc CÓ XÚNG ĐÁNG VỚI TIỀN THUẾ CỦA DÂN KHÔNG?
Trả lờiXóaĐọc những tin tức về T.Q và VN, lại nhớ truyện "Bóng đè"- Đau đớn thật
Trả lờiXóaĐiều rất đáng mừng là gần đây coi bộ làng báo chính thống Việt Nam đã mạnh miệng vạch mặt ông hàng xóm 4 Tốt, chả cần kiêng kỵ nữa, gọi đích danh ông Trung quốc ra chứ không còn xài chữ "nước lạ"... phải không các bác nhề!?
Trả lờiXóa