Bắc Hưng Hải - Văn Giang tháng 5 năm 1959:
Theo lời kể của Cố Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn
Trước khi khởi công ngày 20/9/1958, Bác Hồ đã xuống đê Xuân Quan thăm hỏi và nói chuyện với cán bộ, công nhân, và nhân dân gấp rút chuẩn bị. Bộ áo nâu giản dị, mái tóc bạc phơ, chúng tôi - hàng ngàn người vây quanh Bác bên mái đê Xuân Quan, lắng nghe tiếng nói ấm áp của người: “Cán bộ cần phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn thể nhân dân”.
Bác căn dặn cụ thể, đối với dân công phải: “Giáo dục tốt, phải công tác chính trị tốt. Phải làm cho mọi người hiểu rằng: Công trường BHH là ích lợi chung, ích lợi to, ích lợi lâu dài cho nhân dân ba tỉnh. Đó là việc ích nước, lợi nhà. Phải làm cho mọi người hăng hái góp công sức”
Bác bảo phải tổ chức thật tốt, phải lãnh đạo thật tốt, dân công cũng như quân đội phải có kỷ luật chặt chẽ và dụng cụ phải sẵn sàng đầy đủ. Đối với cán bộ Bác nói: “Phải đồng cam cộng khổ với nhân dân, phải khuyến khích và giúp đỡ nhân dân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất”.
Toàn ban chỉ huy chúng tôi lao vào công việc. Những việc tưởng chừng như nan giải như: Giải phóng mặt bằng, dời đi một nửa làng Bát Tràng cổ kính, gần hàng trăm hộ nhà gạch, hoặc cắt hàng trăm mẫu lúa vừa trổ bông... Nhưng làm theo lời Bác, làm cho dân hiểu, dân tin là mọi việc đều đâu vào đấy. Trong chưa đầy nửa tháng, không ai phải giải thích đến hai ba lần.
... Ngày 25/12/1958, Bác lại xuống thăm công trường Cống Xuân Quan và đào kênh ngoài. Tôi được báo quá gấp, chưa có sự chuẩn bị nào thì Bác đến. Hôm ấy mưa phùn và giá rét. Toàn công trường vẫn hăng hái lao động với quyết tâm rất cao ...Bác bảo tôi dẫn đi thăm công trường. Tôi ngại Bác vất vả nên xin khất Bác lần khác vì hôm nay quá mưa rét và đường trơn. Bác đã bảo tôi: “Bộ đội dân công còn lao động ngoài mưa rét, sao Bác lại không ra tận nơi thăm hỏi được”.
Và thế là Bác cứ đi. Tôi và đồng chí trong Ban chỉ huy chỉ còn cách chạy theo: Bác leo lên dàn giáo cống Xuân Quan hỏi thăm anh em công nhân sắt, mộc, bêtông. Tôi vừa đi vừa báo cáo với Bác nội dung công việc đang tiến hành. Bác tươi cười bảo tôi: “Chú tiến bộ lắm về kỹ thuật thuỷ lợi rồi đó” Sau khi thăm cống Xuân Quan tôi muốn mời Bác nghỉ nhưng Bác gạt đi. Quần xắn cao tới đầu gối dưới làn mưa bụi, chiếc mũ cát trắng của Bác nhấp nhô giữa biển người, kéo một mạch từ Xuân Quan ra Bát Tràng. Chốc chốc Bác lại dừng chân thăm hỏi. Qua những đoạn bùn lầy quá trơn, có người xin cõng nhưng Bác gạt đi, tụt dép cầm tay và cứ thế tiến lên. Chúng tôi cố len lách xô đẩy cũng không đuổi kịp. Tiếng hô: “ Hồ Chí Minh muôn năm” vang lên như sấm, hôm đó Bác còn lao vào làng mới Bát Tràng nơi những hộ di chuyển đến, để thăm hỏi và động viên.
... Ngày 1/5/1959, mọi công việc hoàn thành, đến nay đê Xuân Quan vẫn giữ được lời đã hứa với Bác. Qua 50 năm phấn đấu Bắc Hưng Hải ngày nay đã trở thành một Đại thuỷ nông; trong đó hàng triệu nhân dân đã và đang hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm như Bác đã tiên đoán khi về thăm công trường trước lúc khởi công.
50 năm hệ thống Bắc Hưng Hải (5/1959 - 5/2009)
Phan Tất Thành sưu tầm
*Ghi chú của NXD: Bộ trưởng Thủy lợi Hà Kế Tấn là người con của làng Đường Lâm.
Có một bộ phim về công trình "Đại thủy nông Bắc Hưng Hải", từng được giải thưởng quốc tế.
Trả lờiXóaXin Lâm Khang Tiến sỹ tìm và đăng lại ở đây cho bà con được xem Văn Giang thời ấy, bây giờ và mai sau.
Cảm ơn về tài liệu và bức ảnh quý.
Trả lờiXóaNhớ bài học thuộc lòng của học sinh:
Công trường Bắc-Hưng-Hải,
Một công trình vĩ đại,
Sáng mồng Một khởi công;
Thủ tướng Phạm Văn Đồng,
Bổ nhát cuốc đầu tiên;
...
Mai ngày nước sông về,
Tưới khắp ruộng đồng quê;
Lúa ngô khoai tốt bội,
Nỗi vui sướng tràn trề.
Ngày nay, thì???
Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia):
Trả lờiXóaHệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là một hệ thống kênh, đập, trạm bơm, đê điều nhằm phục vụ việc tưới tiêu và thoát ứng cho một vùng tứ giác được giới hạn bởi sông Hồng ở phía Tây, sông Đuống ở phía Bắc, sông Thái Bình ở phía Đông, và sông Luộc ở phía Nam. Mỗi tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đều có một phần địa bàn của mình trong tứ giác này. Vì thế hệ thống thủy lợi này được đặt tên là Bắc Hưng Hải.
Hệ thống được xây dựng bắt đầu từ cuối năm 1958. Tổng chiều dài của hệ thống kênh chính là 200 km. Trong quá trình chuẩn bị và xây dựng hệ thống này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã một vài lần tới công trường thăm, động viên và kiểm tra. Việc đào kênh, đắp đê chủ yếu được thực hiện bởi sức người. Hệ thống máy bơm do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa viện trợ.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc Việt Nam một thời và từng được gọi là Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Năm 1959, bộ phim tài liệu "Nước về Bắc Hưng Hải" về quá trình xây dựng hệ thống thủy lợi này được dựng; sau này đoạt giải Giải Bông sen vàng và huy chương vàng tại Liên hoan phim Matxcơva 1959.
Hiện nay, việc điều hòa lượng nước trong hệ thống thủy lợi cũng như việc duy tu, nâng cấp hệ thống do Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước) đảm nhiệm.
Tôi nghĩ công trình này trước đây ích lợi cho dân, thì ngày nay nó cũng gây hại cho dân ít nhất là bà con xã Xuân Quan, vì công trình Ecopark là dựa theo công trình thủy lợi này để lấy cảnh quan đúng không vậy?
Trả lờiXóa