Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

RFI: THỤY ĐIỂN SẼ NGƯNG VIỆN TRỢ PHÁT TRIỂN CHO VIỆT NAM

Thụy Điển sẽ ngưng viện trợ phát triển cho Việt Nam 

Thanh Phương
 
Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt trong một cuộc họp báo. 
Ảnh chụp ngày 05/04/2012. Reuters
Sau 45 năm hào phóng giúp đỡ Việt Nam vô điều kiện, chính phủ Thụy Điển, với chủ trương gắn viện trợ với nhân quyền và dân chủ, dự định sẽ ngưng viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam và sẽ chỉ tập trung vào trợ giúp kỹ thuật. 

Theo tổ chức OCDE, năm ngoái, vốn viện trợ phát triển chính thức ( ODA ) trên thế giới đã giảm 2,7% so với năm 2010. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997, viện trợ ODA bị sụt giảm như vậy, mà nguyên nhân chính dĩ nhiên là do suy thoái toàn cầu, nên nhiều nước phải thắt lưng buộc bụng.

Tuy nhiên, trong khi những nước giàu khác như Pháp, Tây Ban Nha hay Nhật Bản giảm mức viện trợ phát triển, thì Thụy Điển vẫn là một trong số ít các quốc gia ( cùng với Đan Mạch, Na Uy, Luxembourg và Hà Lan ) vẫn tỏ ra hào phóng với các nước nghèo, tức là vẫn giữ mức viện trợ phát triển chính thức cao hơn 0,7% tổng sản phẩm nội địa GDP, mức quy định của Liên hiệp quốc.

Thụy Điển cũng là nước phương Tây viện trợ cho Việt Nam sớm nhất, liên tục từ đầu những năm 1970 đến nay và là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1970-1990, quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước chủ yếu là dưới hình thức Thuỵ Điển viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để làm một số công trình như nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Viện nhi Thuỵ Điển (Hà Nội), v.v...


Từ năm 1990 lại đây, viện trợ của Thụy Điển cho Việt Nam tập trung nhiều hơn vào các chương trình và dự án hợp tác về y tế, năng lượng, lâm nghiệp, phát triển nông thôn miền núi 5 tỉnh phía Bắc (Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang), văn hóa, giáo dục, đào tạo cán bộ KHKT, xoá đói giảm nghèo, v.v. . .

Tuy nhiên, quan hệ giữa Thụy Điển với Việt Nam trong những năm gần đây có vẻ không còn mặn mà như trước nữa. Thậm chí chính phủ Thụy Điển có lúc đã tính đến chuyện đóng cửa đại sứ quán ở Hà Nội kể từ năm 2011, với lý do là thiếu kinh phí, nhưng sau đó đã rút lại quyết định này. Mặt khác, trong tương lai, Thụy Điển sẽ không còn tiếp tục tỏ ra hào phóng một cách vô điều kiện với Việt Nam nữa, nhất là vì chính phủ mới của nước này chủ trương gắn liền viện trợ với những tiến bộ về nhân quyền và dân chủ, cũng như về chống tham nhũng, ở những quốc gia mà Thụy Điển giúp đỡ.

Trong những năm gần đây, Thụy Điển đã nhiều lần lên tiếng khi thấy Việt Nam không những không tiến bộ, mà còn đi thụt lùi về mặt nhân quyền, dân chủ, cũng như về mặt chống tham nhũng, đặc biệt là sau vụ Việt Nam vào năm 2008 kết án tù hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ, hai nhà báo đã đi đầu trong việc loan tin về vụ tham nhũng PMU 18, một vụ tham nhũng có liên hệ đến viện trợ ODA của quốc tế.

Vào thời gian đó, trong một cuộc phỏng vấn với tờ VietnamNet, tham tán đại sứ quán Thụy Điển, bà Molly Lien, đã tuyên bố thẳng thừng : '' Tham nhũng trong các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA là điều không thể chấp nhận được''. Bà Molly Lien nói rằng tiền viện trợ của Thụy Điển là tiền người dân Thụy Điển đóng thuế. Những khoản tiền đó được sử dụng để giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, xây dựng xã hội dân chủ và không có tham nhũng.

Tại hội nghị nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam ở Hà Nội vào tháng 12/2009, đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman cũng đã kêu gọi chính phủ Hà Nội bãi bỏ các biện pháp kiểm soát Internet, cũng như cho phép báo chí tham gia giám sát các cơ quan quyền lực.

Có thể một phần là do Việt Nam bị xem là không có tiến bộ về nhân quyền và dân chủ mà chính phủ Thụy Điển dự định sẽ ngưng cấp viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam và sẽ chỉ tập trung vào trợ giúp kỹ thuật.

Để tổng kết 45 năm trợ giúp hết mình cho Việt Nam, ngày 2/4 vừa qua, Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế của Thụy Điển ( SIDA ) đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Stockholm và đã có mời tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đến để đóng góp ý kiến về bản tổng kết này. Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh :

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
14/04/2012
 Nguồn: RFI Việt ngữ.

15 nhận xét :

  1. Tôi là một người dân bình thường, đọc tin này tôi cảm thấy rất buồn. Tôi nghi ngờ các vị lãnh đạo ta vẫn dửng dưng, không tỏ ra lo lắng gì về vụ việc này.

    Trả lờiXóa
  2. Công dân miệt vườn Nam Bộlúc 07:00 17 tháng 4, 2012

    Mất đi một người bạn quí mà không cảm thấy tiếc sao ? Bạn quí giúp ta nhiều thì ta phải hành xử thế nào để đáp ứng sự kì vọng và giúp đỡ bạn chứ . Đàng này lại xà xẻo tiền giúp đỡ của bạn cho việc phát triển đất nước vào túi riêng, thì đúng bất nhân , bất nghĩa .

    Trả lờiXóa
  3. Có những quốc gia tốt với mình đến thế, rất xứng đáng là mẫu mực cho mình như thế mà không biết giữ quan hệ tốt, không thông tin rộng rãi cho dân chúng biết đề học hỏi theo, trái lại tối ngày cứ bốn tốt mười sáu vàng với một ông hàng xóm ác ôn côn đồ! Chính người dân trong nước mà còn hết chịu nổi cái chính quyền này thì nói gì đến nhân dân các nước khác! Hết Ba Tây, Thụy Điển... rồi sẽ còn quốc gia nào thẳng thừng phản ứng với Việt Nam như thế nữa đây?

    Trả lờiXóa
  4. Giờ chỉ có "xiền" vô túi thôi , còn bạn thì chỉ có "bạn 4 tốt" để giữ ghế là đủ rồi! Tiễn biệt Thụy điển nha! Đây không có nhiều thời gian , hết giờ ở CQ còn phải đi đánh golf chứ! Có chết thì chết ai ấy chứ , đây trong tài khoản đủ dùng đén 5 đời sau rồi. Khỏi lo gì nữa,...

    Trả lờiXóa
  5. Tôi đã từng bị 1 người bạn Thụy Điển chỉ trích nặng nề việc cho thí sinh cùng phòng xem bài thi " Anh cho người ta xem bài, người ta vào học được có làm đc gì cho xã hội đâu". 1 công dân bình thường của Thụy Điển còn thế, bảo sao chính phủ Thụy Điển không mặn mà với VN nữa.
    Tôi ủng hộ chính phủ Thụy điển với quyết định này. Việc gì phải đem mồ hôi, công sức của dân họ cho những kẻ tham nhũng, nhân quyền bị xâm hại nặng nề .

    Trả lờiXóa
  6. Tôi hy vọng tất cả các nước viện trợ giúp đỡ đều như Thụy Điển. Vì họ thắt lưng buộc bụng nâng đỡ thì phải chọn những kẻ xứng đáng. Phải làm thế, càng nhiều tổ chức càng tốt thì đất nước ta mới đi lên được.

    Trả lờiXóa
  7. Thụy Điển là một quốc gia tốt, văn minh, tiến bộ! Họ đã viện trợ giúp đỡ vô tư trong sáng nhân dân VN trong thời kỳ Mỹ đưa quân đội vào VN. Thế mà giờ đây Thụy Điển từ bỏ VN! Nhân dân VN thấy luyến tiếc,xấu hổ trước quyết định này! Những người lãnh đạo VN phải xem lại chính sách của mình. Tại sao những bạn tốt lại xa lánh mình?! Vụ Braxin huỷ bỏ chuyến đi thăm của Tổng bí thư NPT dù đã có lời mời trước, là một bằng chứng nhiều quốc gia không muốn quan hệ với VN. Người xưa nói:" Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Tại sao VN chỉ làm bạn được với các quốc gia chưa được coi là văn minh, tiến bộ như TQ, Bắc Triều tiên?!

    Trả lờiXóa
  8. Ngài thủ tướng Thụy Điển Olopalmo mãi mãi là người bạn của Nhân dân Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  9. Đả đảo Thụy Điển !
    Thụy Điển không phải là "NGƯỜI BẠN BỐN TỐT" với 16 chữ vàng.
    Thụy Điển là thế lực thù địch.
    Đả đảo ! đả đảo !

    Trả lờiXóa
  10. Quan trọng là lãnh đạo người ta phải biết buồn về tin xấu này.

    Trả lờiXóa
  11. Thực chất những khoản viện trợ của nước ngoài cho Việt nam không đến được người dân mà lọt vào tay quan chức chế độ tham nhũng." tham tán đại sứ quán Thụy Điển, bà Molly Lien, đã tuyên bố thẳng thừng : '' Tham nhũng trong các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA là điều không thể chấp nhận được''. Bà Molly Lien nói rằng tiền viện trợ của Thụy Điển là tiền người dân Thụy Điển đóng thuế. Những khoản tiền đó được sử dụng để giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, xây dựng xã hội dân chủ và không có tham nhũng.".Quá chính xác. Mong sao các quốc gia khác như Nhật bản...cũng hành động như Thụy Điển.

    Trả lờiXóa
  12. Hoan hô Thụy điển.Tiền của họ là tiền thuế của dân họ .Trong thời kì VN bi cấm vận,Thụy điển là nước ủng hộ ta rất nhiều.Nhưng điều họ rất quan tâm ở nước ta là vấn đề dân chủ và nhân quyền và họ đã hết hi vọng. Ta đã để mất đi người ban trung thành và tốt bụng .Tiếc lắm thay!

    Trả lờiXóa
  13. Người ta ủng hộ vật chất và tinh thần là để làm cho XH VN văn minh tươi đẹp hơn nhưng kết quả lại bị lợi dụng để làm giàu cho cá nhân một nhóm người thì họ vcắt đi là hoàn toàn đúng.Mong sao các nước cũng hành động như TĐ cho lòi ra cái bộ mặt giả dối gian tham của"một bộ phận không nhỏ"đó.Cũng chẳng tiếc làm gì những khoản đó vì nó có đến được với đại bộ phận nhân dân ta đâu

    Trả lờiXóa
  14. Hoan hô Thụy Điển và bất cứ tổ chức, đất nước nào sẽ ngừng ngay việc tài trợ cho hệ thống tham nhũng chạy dọc, ngang loằng ngoăngf khắp đất nước Việt Nam!

    Trả lờiXóa
  15. Con chào các bác,

    Con kiến thức hạn hẹp, từ nhỏ bị dạy dỗ một chiều, nên không biết rằng Thụy Điển từng viện trợ nước ta nhiều đến vậy.

    Nay đã biết, con xin được hỏi một câu:

    Xin các chú, các bác có nhiều học vấn, kiến thức, hệ thống lại giúp con xem tổng cộng có bao nhiêu nước viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, bắt đầu từ khi nào và tổng số tiền là bao nhiêu ạ?

    Vì lâu nay nhà nước ta không hề có một văn bản chính thống nào công bố cho học sinh tụi con biết, nên con hy vọng các chú các bác cho con một nguồn tin có thể xác minh, kẻo mọi người lại quy chụp là con đặt điều man trá.

    Con xin thành thật cảm ơn các chú các bác.

    Trả lờiXóa