Trở lại đền Trần sau mùa lễ hội
Hoàng Anh
Không phải ngày chính lễ nên lối vào đền rất vắng. Có lẽ đang là lúc nghỉ trưa nên trong khuôn viên và cổng chỉ có lác đác bóng người. thật khó hiểu không gian này lại có lúc người chồng lên người, xe kẹt bên xe. Tuy nhiên, cũng không phải ngơ ngác tưởng tượng lâu, vì các bà, các cô bán hàng ngoài cổng đã chạy lại tận nơi mời chào inh ỏi. Chỉ khi nhận được những cái lắc đầu dứt khoát của khách, họ mới chịu ngưng giọng và quay về chỗ cũ. Thì ra cũng chỉ cần tưởng tượng thêm một chút là có thể thấy lúc có đại lễ, bầu không khí chốn linh thiêng tĩnh mịch này có thể ồn ã thế nào.
Bước vào cổng đền vài bước, đập ngay vào mắt chúng tôi là hình ảnh hàng trăm chiếc rào sắt được xếp ngăn nắp trong một góc khu vườn. Thoạt nhìn, anh bạn đi cùng buột miệng : khiếp, trông như mấy hàng rào trong trại giam ấy. Có người lý giải: trông nhiều thế mà có lúc còn không đủ dùng đấy! nhìn cảnh tượng những chiếc rào được xếp thế kia, tôi cũng không khỏi rùng mình khi nghĩ ra cảnh hàng ngàn con người lại có thể chen chúc giẫm đạp lên nhau một cách bản năng bất chấp cả những thanh sắt được hàn thẳng đứng như mũi chông thế kia. Thế mới thấy là may khi lần đầu tiên về thăm đền Trần nổi tiếng mấy năm nay với lễ phát ấn mà không phải chịu cảnh chen lấn ngột ngạt. Từ bên ngoài nhìn vào, ngôi đền hình như đã từng rất tách biệt với làng xóm và cư dân xung quanh. Trên một địa hình bằng phẳng, Đền Trần và chùa Phổ Minh được điểm tô thật hài hòa gần như giữa cánh đồng. Có lẽ thủa xưa, mỗi khi các vị vua Trần hội họp hay khai ấn, người muốn ra được đền phải chống thuyền để vượt qua bốn bề ruộng nước. Không gian để tu tính dưỡng tâm của các vị thật đáng để suy ngẫm. Sự xô bồ hỗn tạp dường như đều phải ở lại bên kia bến thuyền, chỉ còn lại trong không gian tĩnh mịch này những suy tư về thời cuộc thế sự. Trải qua trăm năm, dựng nên một triều đại hội tụ đủ văn tài võ tướng, làm rạng danh văn hiến Đại Việt quả là việc không thể bàn tính phô trương ở chỗ đông người.
Tranh thủ lúc vắng vẻ, tôi dạo qua một lượt xung quanh khuôn viên. Vẫn chưa hết rùng mình bởi những hình ảnh của rào sắt, biển cấm, khẩu hiệu, biển quảng cáo, lại chộp được một tấm biển ghi rõ là lối đi cho một loại đại biểu đặc biệt : “Lối vào đại biểu phù hiệu đỏ”. Có lẽ những thông tin phản hồi trên báo chí mấy năm trước, nhất là những gì được ghi lại của mùa lễ năm nay không phải hoàn toàn sai. Mọi hiện tượng đều có vấn đề, và dường như trong một ngôi đền có lịch sử và vị trí như đền Trần, đó chưa hẳn là những vấn đề “không có vấn đề.”
Sau một hồi tìm người để hỏi thăm và nghe chuyện, cuối cùng cũng được một người phù hợp. Ông cụ có mái tóc bạc, người mà sau này tôi mới biết chính là tộc trưởng của họ Trần hậu duệ của các vua, ngồi trầm ngâm trong ngôi nhà sắp lễ bên trái đền Thiên Trường. Sau chút rụt rè ban đầu, câu chuyện của cụ cũng trở nên sôi nổi với một giọng nói rất mạch lạc cho độ tuổi ngoài 80. Cụ kể về những lễ phát ấn cách đây hơn chục năm trở về trước, những buổi lễ thanh tịnh và nghiêm trang . Kỷ niệm của cụ về những lần cùng thân phụ đến lễ là những cuộc vượt đồng lội nước đội lễ lên đền. Lễ lạt chỉ có nắm xôi và miếng thịt luộc bé như nắm tay trẻ con, nhưng chưa bao giờ phải chịu cái cảnh chen chúc lộn xộn như bây giờ. Cụ quả quyết rằng, lễ khai ấn và phát ấn chưa bao giờ kéo dài cho đến hết tháng Giêng như được tỉnh Nam Định đứng ra tổ chức năm nay. Và buổi lễ thiêng vào đêm 14 tháng Giêng đó không phải là cơ hội để người ta xin này cầu nọ, đó chỉ là một thủ tục đầu xuân khi dân chúng và triều đình bước vào năm mới, cầu mong cho tốt hơn những ngày tháng yên bình thuận lợi và chăm chỉ làm ăn.
Dẫn tôi đi một vòng trước sân đền Thiên Trường, cụ giới thiệu hàng gạch giữa sân thẫm màu đó chính là một trong những minh chứng cổ nhất có tại đền Trần. Số gạch này đều có tuổi thọ trên trăm năm và vẫn không thể bị nhầm lẫn bởi hoa văn trên mỗi viên gạch đều là điển hình cho phương thức chế tác đời Trần. Mấy năm trước, có vài doanh nghiệp gốm lớn ở Hải Dương, Bắc Ninh đã cho người đến lấy mẫu và khảo sát chất liệu những viên gạch này. Sau đó, còn có thêm nhiều doanh nghiệp đá mỹ nghệ ở Thanh Hóa, Ninh Bình cũng xin cung tiến hàng rào bằng đá chế tác xung quanh hồ trước đền. Họ gợi ý rằng tất cả sẽ là cung tiến chứ không phải chào hàng mua bán. Nhưng đề xuất này đều bị Ban Quản lý từ chối và không cho biết lý do. “ Họ không cho là còn chờ Nhà nước và Bộ Văn hóa rót tiền xuống,” cụ quả quyết. cụ nhìn quanh một lượt rồi lắc đầu, nói tiếp: “ Nếu để cho nhân dân đóng góp, quang cảnh đền chắc chắn sẽ còn đẹp hơn nhiều. Nhưng làm như vậy, Ban Quản lý sẽ thiệt.” Cụ cười rồi dẫn tôi vào nhà sắp lễ.
Về chuyện năm nay Ủy ban Nhân dân tỉnh không cho phát ấn bằng vải mà quyết định dùng ấn bằng giấy, cụ tỏ ra tức giận. Quyết định của bà phó Chủ tịch, bà CaoThị Tính đã đánh vào nhà đền một đòn khá nặng. Số là, dựa trên tính toán của năm ngoái về số ấn phát ra, năm nay nhà đền đã quyết định bỏ ra một số tiền, khoảng trên dưới 2 tỷ đồng để in một số lượng ấn rất lớn nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân cả nước về xin. Nhưng đột nhiên, quá trình này đang được triển khai thì chỉ thị của tỉnh về làm mọi chuyện bị xới tung lên. Ủy ban Tỉnh chuẩn bị sẵn một lượng lớn ấn bằng giấy để thay thế khiến cho lượng ấn đã được in của nhà đền trở nên vô dụng. Tất cả đang được niêm phong ở trong nhà đền và chờ ngày đem hủy.
Khi tôi hỏi về việc người dân thay vì không xin được ấn, họ tràn lên giật hết đồ lễ rồi hả hê vui mừng. Cụ chỉ lắc đầu thở dài ngao ngán. Cụ kể, ngay cả ngày xưa khi thực dân Pháp tham gia cúng lễ cũng không đến nỗi như vậy. Có lần, họ quay cả 2 con lợn tạ rồi mang đến làm lễ tế theo đúng phong tục. Có cả quân đi theo bảo vệ, nhưng lực lượng này chỉ được phép đứng bên ngoài để giữ trang nghiêm và trật tự. Tuyệt đối không được nổ súng. “Người Pháp bị gọi là quân cướp nước mà họ còn biết giữ lễ tiết phong tục, vậy mà người mình thì…” Cụ cười bằng một nụ cười đầy nuối tiếc.
Rời đền Thiên Trường và cụ trưởng tộc, tôi lang thang ra ven bờ hồ, vì nghe bảo có nhiều cá ở đó đang chờ ném bánh mì xuống. Đột nhiên, một đoàn xe ca của công ty than Mông Dương, Quảng Ninh chắc vừa đi một tour từ sáng sớm trước khi về đây. Nhìn người nào cũng có vẻ, nhưng câu chuyện của họ làm không khí bỗng nhộn nhịp hẳn lên khi bước vào buổi lễ chiều. Một cô đứng tuổi có khổ người to to vừa đi vừa nói với bạn mình:
- Nói thế nào ấy chứ. Mà là tôi xem, nếu như xin được cái ấn đó để năm sau thằng cu nhà tôi đỗ được Đại học thì có trải chiếu nằm chờ ở đây tôi cũng sẽ chờ. Nếu thế thì sẽ phải xin bằng được.
Câu chuyện của họ chắc còn phải tiếp diễn đến lúc họ đứng trước điện thờ và chắp tay lia lịa. nhưng rõ ràng là có quá nhiều vấn đề đang tồn tại quanh đây. Chỉ có vài năm thôi mà từ một lễ hội thuần túy mang tính tâm linh văn hóa bỗng trở nên biến dạng thành một cuộc tranh đua giành giật nhuốm đầy màu tiền và lợi ích. Người ta đến đền Trần vì tất cả các lý do ngoại trừ việc họ đi lễ để cầu an, cầu may và bày tấm lòng ơn tưởng nhớ công đức tiền nhân. Tôi chợt lạnh người khi nhớ lại lời khấn lầm rầm cũng của một bà đứng tuổi khi đứng trước điện thờ 14 vua Trần tại đền Trùng Hoa:
- Tín chủ con trăm lạy ngàn lạy các quan, quan lớn quan bé, quan già quan trẻ…
Nam Định, trên nền điện Thiên Trường
tết Hàn Thực, 3-3 Nhâm Thìn
- Tín chủ con trăm lạy ngàn lạy các quan, quan lớn quan bé, quan già quan trẻ…
Trả lờiXóabầu chọn #1 khấn vái của năm 2012
Lại hỏi lại một câu xưa như trái đất : Lỗi tại ai ? Vì sao nên nỗi ?
Trả lờiXóaHỏi xong chép miệng thở dài...
TH
Tôi nhớ ông nội tôi có kể lại rằng các cụ ngày xưa đến ngày lễ hôm 14 thì cũng chỉ có đĩa xôi, miếng thịt, còn ấn thì mỗi cụ đóng lấy vài cái về chia cho họ hàng con cháu dán ở nhà có tính chất trừ tà. Cầu bình cầu an, thế là vui rồi, ngày này thay đổi nhiều quá.
Trả lờiXóaNghe nói Đức Thánh Trần đã giáng về trần vài lần.
Trả lờiXóaHuy vọng có ngày Ngài giáng về đền để dạy bảo con cháu.
Đức Thánh Trần linh lắm. Đền Ngài ở Kiếp Bạc kia. Ngài đã phạt là có thằng chết ngay .
Xóa