Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Hoàng Anh: BÀ THÁI THỊ KIM LAN VÀ "DI SẢN KỲ ÁN"

Bà Thái Thị Kim Lan và “Di sản Kỳ án”
Hoàng Anh

để kỷ niệm lần đầu được gặp Kim Lan nữ sĩ

Bà Thái Thị Kim Lan là một người gốc Huế, đang sống tại Đức với công việc của một giáo sư Triết học và Phật giáo tại trường Đại học Ludwig-Maximilian, Muenchen, Đức. Bà không bao giờ từ bỏ những cơ hội có thể để tôn vinh thành phố quê hương mình bởi những giá trị văn hóa và lịch sử hết sức đặc biệt của nó. Bản thân dòng họ Thái, một gia tộc đã có ít nhất 200 năm gắn bó với đất cố đô hiện vẫn còn chung một điểm tựa tinh thần - tâm linh là một mảnh đất hương hỏa nằm bên cạnh chùa Thiên Mụ và hướng ra sông Hương. Tuy nhiên, trong khi khu từ đường vốn lưu giữ không biết bao nhiêu dấu tích thời gian, thời cuộc của Thái tộc chưa được người ta coi là một di sản biểu trưng cho giá trị của Huế; thì vụ tranh chấp được sự hậu thuẫn của chính quyền chống đối lại gia tộc của bà có lẽ đáng được mang danh hiệu “Di sản kỳ án.”

Khởi phát từ năm 1986, theo ghi nhớ của bà, tất cả những gì bà nhận được sau 26 năm đeo đuổi chỉ là sự im lặng khó hiểu của chính quyền từ thành phố trở xuống. Còn những kẻ chiếm đất thì ngang nhiên giày xéo đất hương hỏa, đập phá từ đường, đe dọa gia đình Thái tộc ngay trước mũi công an và các lực lượng chức năng của địa phương. Trong khi đó, bên ngoài Đại nội và trung tâm thành phố, đang rầm rộ một Festival hoành tráng với tên gọi dành cho năm 2012 là : “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển.”

26 năm đi khiếu nại, từ cấp xã, cấp thành phố rồi cấp tỉnh, sự im lặng khó hiểu của Thành phố Huế trước những hành vi mang tính ăn cướp trắng trợn và vi phạm luật pháp của phía gia đình ông Nguyễn Văn Kế (người ban đầu mua 200m2 đất từ ông Thái Nguyên Hòe một cách không minh bạch) vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Thậm chí bà Kim Lan đã gửi  Đơn khẩn lên đích danh Phó Thủ tướng thường trực, ông Nguyễn Xuân Phúc để kêu cứu. Việc  kêu cứu này sau đó đã được Thanh tra Chính phủ giành sự quan tâm nhất định.

Nhưng các quan ở thành phố Huế mà đại diện là ông Phan Trọng Vinh và bà Nguyễn Thị Thúy Hòa (Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế) không quan tâm lắm đến những chỉ đạo này. Có lẽ họ lo nhà ông Kế nếu phải trả đất cho Thái tộc thì không có chỗ cư trú nên đã rất đắn đo. Sự đắn đo này thể hiện bằng hàng loạt các quyết định hoặc các văn bản giải quyết, trong đó đáng lưu ý nhất là việc các ông, bà quan này đã tiến hành một chuỗi quyết định bao gồm: Cấp-Hoãn-Thu hồi-và Cấp lại các giấy tờ chứng nhận sở hữu cho bà Nguyễn Thị Thu Hằng, con gái của ông Kế.

Cũng cần phải nói thêm rằng, chuỗi các quyết định này của các quan ông, quan bà thành phố Huế được thực hiện trong khi người phụ nữ họ Thái vẫn trăn trở đi về giữa hai nước Đức-Việt để khiếu nại về việc Thái tộc bị cướp đất. Phía thành phố tuyệt nhiên không thông báo cho Thái tộc về các quyết định đó cũng như căn cứ để cấp chứng nhận. Thậm chí, đáp trả phản ứng của bà Kim Lan khi phản đối quyết định cấp lại quyền sử dụng đất cho bà Hằng của UBND thành phố, ông Phan Trọng Vinh  khẳng định rất mơ hồ rằng: Đáng lẽ ra phải công nhận cho ông Kế 1280m2 vì ông Kế có xuất trình giấy mua bán diện tích này, nhưng vì châm chước cho họ Thái nên chỉ chấp thuận cho ông Kế 650m2(!?).
.
Bàn thờ gia tiên Tết Nguyên đán

Khó có thể đưa ra được một câu trả lời nào hợp lý hơn đủ sức biện giải cho chuỗi hành vi của chính quyền thành phố Huế trong quá trình giải quyết vụ việc. Chính cái sự “châm chước” này đã nuôi dưỡng việc làm sai trái của cha con ông Kế trong một góc vườn. Chính cái châm chước này đã nuôi dưỡng lòng tham của những kẻ tráo trở, vô ơn có lòng tham vô đáy. Để rồi từ một góc vườn đó, chúng lại nuôi dưỡng những hành vi côn đồ, phi văn hóa, vô đạo đức, trước mặt công quyền vẫn giày xéo lên những giá trị văn hóa, nhân văn của con người. Và đến lượt nó, chính những thế lực đã nuôi dưỡng sự châm chước đó phải là kẻ phải chịu trách nhiệm lớn nhất. 
.
Chiếu thơ Nguyên Tiêu do nữ sĩ Kim Lan tổ chức tại chùa Thiên Mụ

Có lẽ, cũng không cần thêm một lời nào để nói về công lý hay lẽ phải trong câu chuyện 26 năm đi đòi đất của bà Kim Lan. Vụ ăn cướp này đã lộ rõ kẻ chủ mưu và kẻ đồng lõa đến mức dễ dàng nhìn thấy bản chất qua mỗi hành vi. Chỉ còn thiếu một nét nữa trong bức tranh tối của toàn bộ câu chuyện, đó là người ta đã thực sự làm gì cho văn hóa và di sản khi đều đặn hàng năm tổ chức những Festival mạo danh để tôn vinh chúng? Huế, liệu có phải là một nơi chỉ có những cung điện, lăng tẩm, đền đài, của mỗi năm một mùa lễ hội không nhiều hơn giá trị của một dịp tiêu tiền? Không, Huế là một giá trị, bao hàm trong nó mọi yếu tố thuộc về lịch sử, văn hóa, nhân cách, và con người. Một nhầm lẫn chăng, khi người ta đánh đồng di sản, văn hóa với những lễ hội lòe loẹt, thừa mứa màu sắc và động cơ nhưng lại không có trục đỡ của tư tưởng và giá trị?

Người đàn bà mỏi mệt này có lẽ đang dùng hết bản lĩnh và sự thấu nghiệm triết học để theo đuổi một kết quả mà bà tin rằng, cuối cùng nó cũng sẽ đến.  Nhưng có lẽ, ngày qua ngày, nỗi lo không còn đủ sức để tiếp tục theo đuổi những chuyến đi dằng dặc nhằm tìm lại sự vẹn nguyên của hương hỏa tổ tiên sẽ lớn lên theo số tuổi của bà. Cùng với đó là nỗi tuyệt vọng mỗi khi nghe tin hoặc được mời về dự các kỳ Festival trên thành phố quê hương, mỗi lần phải đắng mắt, cay tâm khi nhìn những cuộc tiệc tùng ăn uống được tổ chức ngay trong Đại nội. Đó không phải là cách ứng xử đối với một di sản như Huế, hoặc ít nhất nó không thể được làm ra bởi những người có văn hóa. Từ lâu bà đã từ bỏ mục đích đơn thuần chỉ là đòi lại phần đất đã bị những kẻ vô nhân cướp đoạt, hay đòi lại sự công bằng mà chính quyền đã giật phắt từ tay bà và gia tộc của bà ném vào khoảng không nhem nhuốc của lòng tham. Đối với bà, đây là một cuộc thánh chiến vì văn hóa và vì những giá trị vượt thời gian của Huế mà Thái tộc cũng đã từng gom sức điểm tô.
H.A
*Ảnh trong bài: Internet

14 nhận xét :

  1. Chúc bà Ts T.T.K.Lan thành công trong việc đói lại nhà thờ họ, một chốn thiêng liêng mà tâm thức mỗi người VN đều tôn trọng.
    Kiên trì...kiên trì...sẽ thành công.

    TH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Qua mạng tôi cũng đã từng biết bà là môt nữ sĩ nổi tiếng ở Huế. Tôi thật sự ngưỡng mộ và kính phục vì những đóng góp của bà cho việc bảo tồn và quãng bá văn hóa Huế nói riêng và văn hóa dân tộc VN nói chung ra thế giới. Bà yêu Huế trong từng hơi thở. Tôi thật sự bức xúc vế việc tranh chấp kéo dài nầy. Không hiểu tại sao chính quyền ở Huế lại đối xử với bà như thế?! Hay đúng là do bà đã quen với cách làm việc của xã hội văn minh?! Dù sao, tôi tin rằng bà sẽ thành công vì rất nhiều người đứng bên ủng hộ bà. Mong TS Diện ra tay giúp đỡ. Chúc bà kiên nhẫn đeo đuổi chân lý đến cùng. Chúc bà sức khỏe để hoàn thành sứ mệnh.

      Xóa
    2. Cô Lan là một nữ sĩ nổi danh vùng đất thần kinh cố đô Huế, một học giả của Thế giới, một Phật tử mộ Đạo thì sẽ hiểu rõ hơn ai hết lý vô thường "sắc không " chuyện gì đến thì nó sẽ đến "thành, trụ ,hoại không "
      Cô và các quý vị từng biết tượng Phật cao to tại Kandahar của Afghanistan đã được Bảo tồn văn hoá thế giới công nhận là di sản văn hoá của nhân loại nhưng chế độ cũ của chính quyền Hồi giáo quá khích Taliban đã nhẫn tâm phá bỏ không thương tiếc mặc dù tượng Phật đó hiên diện trên 2000 năm tại một xứ sở trước đó Phật Giáo rất phát triển. Nhưng quả báo nhãn tiền đã ứng không xa, chưa đầy một năm sau cũng tại Thành Phố Kandahar là mồ chôn cuối cùng của chế độ Taliban bởi quân đồng minh các nước tấn công ?
      Mong cô Thái Thị Kim Lan đầy sức khoẻ, vững tin công lý và cội nguồn gốc rể của mình. Gia tộc cô lúc nào cũng hiện hữu và lưu truyền trong cơ thể và tâm hồn cô.

      Xóa
  2. GSTS Thái Thị Kim Lan sống ở nơi văn minh, dân chủ, pháp luật nghiêm minh, không quen "tục lệ phong bao" cho UBND Thành phố Huế nên mới lãnh hậu quả như vậy.
    Ôi Huế mộng mơ!

    Trả lờiXóa
  3. Vàng vài trăm lạng việc này mới xong! (Vàng đút lót cho chủ tịch UBND TP Huế)

    Trả lờiXóa
  4. kinh khủng quá , mọi miền đất nước đều xài luật ..lạ,đọc tuổi trẻ lại thấy ông Hiền vừa bị cắt chức chủ tịch huyện Tiên Lãng ,nay lại được lên làm chuyên viên Sở Nội Vụ,còn gia đình ông Vươn thì tội ngày càng dài lê thê...

    Trả lờiXóa
  5. Xin Bà đừng buồn , tôi đây cũng là nạn nhân của đất hương hỏa và từ đường giống y như trường hợp của Bà. Thôi ! tất cả những gì xẫy ra đều là..."di sản" của Đạo Đức XHCN mà ra cả bà ạ ! nói ít mong Bà hiểu nhiều để gọi là tự an ủi vậy!

    Trả lờiXóa
  6. bán rồi, phải chấp nhận thôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vái trời ông bà Chủ tịch và Phó Chủ tịch Huế đừng có cãi ngang như... bác!

      Xóa
  7. Nghe câu truyện này, tôi lại nhớ đến Hồ Tây của Hà Nội. Hồi học lớp 10, theo chúng bạn đạp xe lên đó chơi, nhìn sang bờ bên thấy kia xa tít tắp. Sau bao nhiêu năm,giờ Hồ Tây chẳng còn là mênh mông nữa, và dường như chả có ai chịu trách nhiệm về việc mất đất Hồ Tây như thế. Cả Hà Nội có mỗi một Hồ Tây mà còn bị "xẻo thịt" công khai như thế nói gì đến những từ đường ở Huế. Tôi chỉ muốn nói đến hai từ: Khốn nạn!

    Trả lờiXóa
  8. Nhà của Cha Mẹ tôi ở số 412 Phan Chu Trinh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Hân hạnh được nhà nước lấy phát 1 sau năm 1975 mà gia đình tôi thì không làm gì cho địch, đếch làm gì cho ta thế mà mất nhà. Mẹ tui đội đơn kêu kiện hơn 30 năm qua đòi lại nhà mà chưa được. GS TS Lan cứ từ từ, chúng ta đang sống trong thời "mạt pháp"

    Trả lờiXóa
  9. Là một người con của gia đình họ Thái, ở lứa tuổi xấp xỉ bảy mươi, tôi có thể tự hào nói rằng, phần lớn cuộc đời mình đã đóng góp cho sự phồn vinh và văn minh của đất nước Việt Nam, mặc dù nhỏ mọn nhưng bổ ích cho con người lương thiện, và không mảy may đáng tiếc để lại.
    Sự việc trên của chính quyền thành phố Huế mà lâu nay tôi cứ ngưỡng mộ, là một sự xúc phạm nặng cho dòng họ, cho con cháu cá nhân tôi. Chúng tôi đang tìm để trở về với cội nguồn, trở về với tổ tiên. Việc làm không đúng đó của nhà chức trách một thành phố gọi là di sản văn hóa thế giới cần phải được xem lại.
    Cầu mong cô Kim Lan sớm dành lại mảnh đất tổ tiên. Chúng ta sẽ cùng nhau góp sức chung tay lập lại nhà thờ của giòng họ mang tính nguyên thủy với đầy đủ tính văn hóa văn mình thế giới hiện đại mà con cháu chúng ta đã tiếp thu được của thế giới và trong nước.
    Chúng tôi đang đứng sau cô!

    Trả lờiXóa
  10. Hãy hát lên câu hát trong bài Quốc ca: "Đưa giống nòi quê hương qua nơi lầm than!".

    Trả lờiXóa
  11. Đoàn sinh viên Phật tử Huế ra đời

    Ngày 17-3-1963, 34 đoàn viên sáng lập họp khoáng đại tại nhà giảng chùa Từ Đàm. Hoàng Văn Giàu - cử nhân triết học, phụ khảo (Assistant) ban triết, Đại học Văn khoa, làm trưởng đoàn; Võ Văn Thơ (Đại học Sư phạm toán, phụ khảo ĐHSP); Thái Thị Kim Lan (sinh viên ban triết) làm phó đoàn; Phan Đình Bính (sinh viên y khoa) làm tổng thư ký.

    Trả lờiXóa