"Ổn thỏa" hay không là do Trung Quốc
Đại tá Bùi Văn Bồng
Theo trang web của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc – CRI: Ngày 31/3-2012 trước thềm Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao, tổ chức ở Hải Nam, Phó Thủ tưởng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường, đã có cuộc hội kiến với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải , Đại diện Chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị. Hai ông có bàn thảo về các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông được đưa vào nghị trình Hội đàm Trung - Việt tại hội nghị này. Trong cuộc hội kiến, ông Lý Khăc Cường đã kêu gọi Việt Nam xử lý ổn thoả tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông mà Bắc Kinh gọi là Nam Hải. Rằng: Trung-Việt xử lý ổn thoả vấn đề Nam Hải, giữ gìn quan hệ hai nước phát triển lành mạnh ổn định (!?). Điểm đáng lưu ý là CRI không hề đưa phát biểu của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi hội đàm này chính thức yêu cầu TQ thả vô điều kiện 21 ngư dân bị phía TQ bắt giữ trái phép và chấm dứt việc tổ chức đua thuyền trong vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN. Tại sao ? Nếu hành động của phía TQ là đúng đắn thì CRI sẽ đưa tin quảng cáo rùm beng về cái gọi là chủ quyền không thể tranh cãi như bấy lâu nay! Nhưng đây là sự kiện mà Trung Quốc đang né tránh dư luận, việc làm sai, lại càng sợ ông Hải đưa ra gay gắt ở Hội nghị này.
Hơn thế nữa, nếu như nói về “ổn thỏa” để được yên lành trên biển Đông thì đó là nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam. Là người dân của nước Việt không may mắn bị chiến tranh xâm lược cả mấy nghìn năm nay, chưa hết sự lăm le liên tục “truyền kiếp, nối đời” đánh chiếm để đô hộ của các triều phong kiến Trung Quốc (giặc phương Bắc), lại đến giặc phương Tây (Pháp, Mỹ và nhiều nước đồng minh), cho đến tận năm 1975 mới giành được độc lập, thống nhất đất nước. Thế nhưng, dù cho dạo đó tại Lễ kỷ niệm mừng toàn thắng, có lẽ do niềm vui “dâng trào” quá đỗi, Tổng bí thư Lê Duẩn đã tuyên bố hơi bị chủ quan rằng: “Đất nước ta từ đây vĩnh viễn sạch bóng quân xâm lược”. Ngờ đâu, ngay sau đó VN lại phải đối phó quyết liệt và gay gắt với chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc (mà truy nguyên cả hai cuộc chiến này đều do chủ mưu Trung Quốc gây nên (xem thêm ở đây).
Việt Nam hoàn thành vẻ vang cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã được 37 năm, nhưng thực sự VN mới được tạm yên để cả nước dồn sức, tận lực vượt qua đói nghèo xây dựng đất nước được 24 năm, từ khi VN bước vào sự nghiệp đổi mới (1989), mới rút hết quân tình nguyện từ Campuchia về nước. Thế nhưng, vấn đề đường biên giới với các nước láng giềng, chủ quyền lãnh hải, thềm lục địa, vùng mỏ dầu và nhất là các quần đảo trên biển Đông vẫn còn đặt ra những tiềm ẩn đầy bất ổn. Thật vậy, đất nước tuy thống nhất, nhưng lãnh thổ, lãnh hải chưa trọn vẹn. Vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là nguyên nhân gây bất ổn cho sự phát triển trong hòa bình của Việt Nam. Vì vậy, nay tuy gọi là được hòa bình, nhưng đi vào thực chất thì chưa bền vững, nguy cơ chiến tranh vẫn luôn luôn rình rập thường trực hàng ngày. Vì vậy, hơn ai hết, người VN rất mong được sống trong hòa bình, ổn định để dựng xây đất nước.
Nhắc lại lời Phó thủ tướng TQ Lý Khắc Cường, rằng: “Trung-Việt xử lý ổn thoả vấn đề Nam Hải, giữ gìn quan hệ hai nước phát triển lành mạnh ổn định. Nói ra được điều đó là cần thiết và đúng đấy, có thể đây cũng là động cơ xây dựng để quan hệ hai nước tốt đẹp hơn nữa. Nhưng, vì TQ đã nhiều lần nói mà không làm, hoặc nói thì hay, tưởng ngon, mà làm ngược lại. Cho nên, khi nghe ý kiến này của ông Cường, người ta nghĩ ngay, như cách nói của người dân Nam bộ, là có vẻ gì đó “ba xạo” rất khó tin. Phải chăng ông Phó thủ tướng TQ này muốn đưa ra một quả bóng thăm dò, đây là thủ đoạn chúng ta thường thấy của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Thăm dò cái gì? Thăm dò xem khi nói như thế, xem ông Hoàng Trung Hải có ý kiến gì không, biết hơi hướng mà đối phó, đối sách; lại một phần xoa dịu để đại diện chính phủ VN có “hạ hỏa” bớt gay gắt những điều bức xúc, chưa thông thỏa với TQ trong các vụ việc gây rối trên biển Đông thời gian qua. Và cũng phòng ngừa khả năng nếu như đại diện của VN có phát biểu trong Hội nghị Bác Ngao cũng giảm bớt “volume” lại, tránh gây tai tiếng cho nước chủ nhà, không khéo chặn trước có mà mất mặt với Châu Á và thế giới; Thứ hai, gây ấn tượng về một thái độ “hiếu hòa” của nhà cầm quyền TQ với các đại biểu tham dự Hội nghị Bác Ngao lần này, để rồi ít ra người ta cũng cho là Trung Quốc chưa đến nỗi gì, vẫn có thiện ý (!?).
Thế thì, “khẩu khí tùy cơ hóa xuất” theo bài bản TQ đã được ông Lý Khắc Cường vận dụng trong buổi hội kiến với ông Hoàng Trung Hải. Thực ra, cả thế giới đều biết, “ổn thỏa” trên biển Đông hay không là do chính phía Trung Quốc chứ có do ai khác mà ông Cường phải “đá quả bóng” trách nhiệm sang phía VN như vậy? Đó cùng là cái lối “đánh bùn sang ao” chứ nào có hay hớm gì. Sự mất “ổn thỏa” là do phía Trung Quốc thường xuyên, đủ trò quấy rối trên biển Đông trong hơn mấy thập kỷ qua đã gây ra. Muốn trời yên biến lặng, ai lại muốn “biển Đông liên tục dậy sóng” như hàng mấy chục năm qua? Nhìn lại xưa nay, từ lịch sử cổ đại đến ngày nay, thấy ông láng giềng phương Bắc mà biết bao chất chồng ái ngại. Họ luôn luôn nhòm ngó mảnh đất nhỏ nhoi, mỏng dính sát biển Đông này, ở ngay phía Nam của đại cường quốc, phải hoàn toàn thuộc về họ. Cho nên, đã thành truyền kiếp nối đời, kẻ nào lên ngôi trị vì “thiên triều” cũng không thể quên “trọng trách Đại Hán” là phải “chinh phục” cho được VN. Để VN phải là một tỉnh của họ, phải là “dân tộc” Việt thiểu số trong đại gia đình các dân tộc Trung Hoa. Vì tham vọng bành trướng bá quyền của một nhóm máu Đại Hán đó, mà VN từ bao đời nay thật liêu xiêu với TQ. Nhìn lại cuối thế kỷ 19, giặc Thanh bị VN đánh cho tơi tả, ôm đầu máu chạy về nước. Coi như quân xâm lược nhà Thanh là giặc phương bắc cuối cùng. Nhưng chưa, lúc đó nhà Thanh vẫn rắp tâm phục thù, giả như thực dân Pháp, lúc đó thế mạnh hơn TQ rất nhiều mà không xâm chiếm VN, thì liệu rằng nhà Thanh có thấm nỗi nhục thua trận của các đời trước, và nỗi nhục thất kinh của chính mành mà để cho VN được yên hay không?
Thời đó, nhà Thanh được sử ghi là Đế quốc Mãn Châu, vì cái gốc từ dòng họ Aisin Gioro (Ái Tân Giác La) ở Mãn Châu, cờ nhà Thanh có con rồng muốn đớp cả mặt trời, thì trái đất này đối với họ coi như còn quá nhỏ hẹp. Nhà Thanh tuyên bố Thiên mệnh, chủ trường “Liên minh với nhiều nước để họ kiềm chế lẫn nhau và mượn tay kẻ thù này tiêu diệt kẻ thù kia”. Sau khi chiếm Trung Hoa của nhà Minh, và chinh phục năm nước chư hầu, các hoàng đế nhà Thanh đã từng bước mở rộng đế chế của mình thông qua các cuộc chiến tranh xâm lược và sát nhập lãnh thổ nước khác. Họ đã chiếm thêm được Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan, một phần Kazakhstan, Kyrukistan, Uzbekistan ngày nay và cùng với Mông Cổ, Triều Tiên trước đó vào cương thổ đế chế của mình. Họ chỉ thất bại trước Đại Việt và Miến Điện khi tiến xuống Đông Nam Á vào nửa sau thế kỷ 18. Nhưng rồi máu me “hùng khí một phương, đại dương mở cõi”, nhà Thanh lúc đó bị thua đau ở nước Việt vẫn chưa hết hằm hè nuôi chí phục thù, tái chiếm đất Việt để mở thế lực xuống Đông Nam Á.
Trước thời cách mạng Tôn Dật Tiên rối đến Mao Trạch Đông, TQ là đế quốc Đại Hán, đế quốc Mãn Châu nổi tiếng hùng cứ một phương bao la còn hung hăng đi xâm lược khắp nơi kia mà. Năm 1912, vua Phổ Nghi thoái vị, kết thúc hơn 2.000 năm đế quốc Trung Quốc. Cái máu xâm lăng các nước láng giềng còn hừng hực chứ đâu có được “đổi máu” chút nào. Nhưng do tình thế lúc đó, với sự xuất hiện của Anh, Pháp, Nga, Nhật trong khu vực, Trung Quốc đành co lại một cách vạn bất đắc dĩ. Chủ nghĩa cơ hội, thực dụng Bắc Kinh trỗi dậy. Cho nên, người ta vẫn không khỏi nghi ngại việc đi theo Chủ nghĩa Mác-Lê nin và thành lập Đảng Cộng sản, đi lên CNXH của TQ là thật, hay giả đấy? Hay là lúc đó giả bộ để được Liên Xô trợ giúp. Cách mạng vô sản Nga thắng lợi sau khi đánh gục phát-xít Đức, thì 4 năm sau TQ thành lập Đảng Cộng sản theo Lê-nin để có chỗ dựa, có cơ hội khỏi bị Nhật đánh, Pháp đe, Mỹ dọa, Anh ăn hiếp chứ gì? Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập năm 1921, nay cũng mạnh lắm, có tới hơn 70 triệu đảng viên, gần bằng dân số cả nước Việt Nam, sao lại quên lời Mác: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”? Làm gì có Đảng Cộng sản và CNXH lại ứng xử với các nước láng giếng như thế? Và ngay cả trên thế giới, thử hỏi hiện nay có mấy ai vui vẻ với thái độ trịch thượng nước lớn của Trung Quốc? Với giấc mộng bá quyền và lòng tham mở rộng cương thổ như đã nêu, nhà Thanh đã không dễ gì buông tha cho VN. TQ thấy Pháp xâm lược VN mà tức tối, tức vì miếng mồi vẫn đang nhăm nhe bị người khác lăm le muốn cướp giật mất.
Thế nên, suy cho cùng cả mấy nghìn năm lịch sử, VN mới được coi là tạm yên trong hòa bình từ năm 1990, sau khi VN rút quân tình nguyện từ Campuchia về nước năm 1989. Mặc dù TQ vẫn không ngừng quậy phá, trong 24 năm được gọi là tạm yên thôi, đâu có được yên ổn hoàn toàn mà lo làm ăn được với cái xứ “giặc xưa phương Bắc” đã từng nghìn năm đô hộ dân tộc Việt. Ai ngu gì mà đang yên hàn lại tự gây bất ổn, cho nên, ông Cường nói “Trung-Việt xử lý ổn thỏa”, nghe rất lạ tai. Không riêng Việt Nam, các nước có lãnh hải trên biển Đông đều bị TQ chọc chĩa, phá ngang, muốn chiếm hết. Cái đường lưỡi bò (lưỡi quỷ) mà TQ tự vẽ hải đồ cùng liếm mất quá 80% biến Đông rồi, diện tích lãnh hải còn lại của các nước láng giềng với TQ nếu chia đều thì mỗi nước chưa được 5% !
Thế thì các nước sẽ sống sao đây? Thế nên, phía Trung Quốc đừng nên kêu gọi VN hay bất cứ nước nào về sự “ổn thỏa”. Ông làm cho ngưởi ta không “thỏa” sao mà “ổn” được. Muốn “ổn thỏa” thì phải thực sự bỏ đi cái mưu đồ tham lam bành trướng, bá quyền nước lớn, phải tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng. Nếu có sự bất đồng nào thì phải bình đẳng cùng trao đổi song phương, đàm phán “thỏa thuận” với nhau trên cơ sở xây dựng, vun đắp cho tình hữu nghị lâu bền giữa hai nước. Còn như gây sự, chọc dò, gây ra sự kiện xung đột làm mất an ninh biển Đông-- với cách làm thô bạo theo chủ trương của TQ - đã liên tục tiến hành trong mấy thập niên qua thì làm sao mà “ổn thỏa” cho được?
Thời gian qua, mặc dù trong tâm tư vẫn chưa dễ quên được cái khứ đau thương gần nhất là chiến tranh biên giới Tây Nam do Pôn Pốt, đệ tử trung thành của TQ gây ra, rồi lại phải nhận “bài học” của TQ “dạy” ở biên giới phía Bắc, VN cũng xác định quan điểm “khép lại quá khứ, vươn tới tương lai”, không chấp nữa, tiếp tục bắt tay hữu nghị, hảo hảo trên cơ sở “16 chữ vàng” và quan hệ “4 tốt”. Thế nhưng, dù vậy cũng đâu có dễ mà được yên bề làm ăn với siêu cường bá chủ?
Trong nhiều lần thăm, tiếp xúc, hội kiến, tọa đàm, khá là đủ kiểu đủ cấp rồi, vậy mà nay cũng đâu có được để yên? Hẳn rằng các nhà lãnh đạo VN mặc dù rất khó chịu với thái độ trịch thượng nước lớn của nhà cầm quyền TQ, nhưng cũng biết phận nước nhỏ, vừa qua chiến tranh chưa kịp thở, nghèo, nhiều việc phải làm, cho nên đã cố nuốt giận. VN kiên cường chống giặc ngoại xâm, thế giới đều công nhận người VN rất mong có hòa bình, thích hòa đồng, nhu mì, hiền lành, mến khách, nhưng vẫn luôn luôn tâm niệm “không có gì quý hơn Độc lập-Tự do”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống cực kỳ quý báu. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tình thần yêu nước ấy càng dây lên mạnh mẽ”. Với bản lĩnh, ý chí ấy của VN, cũng như hàng mấy nghìn năm lịch sử đã chứng minh, xin thưa rằng đụng đến VN không dễ đâu. Người dân Việt hiện nay cũng học tập và noi theo tấm gương đạo đức, làm như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi ” và : “ Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi ”(xem thêm tại đây).
Như trên đã nói, sự nhịn nhường của VN hoàn toàn không phải là nhu nhược, là xuống thế, là hèn kém mà là do tính cách, sự nhu thuận đã thành truyền thống của người Việt từ bao đời nay vì luôn mong muốn được sống trong hòa thuận với các nước láng giềng . Nhưng đừng vì thấy nhân nhượng mà lấn tới. Khi bị dồn vào thế chân tường, phản ứng chống lại của VN cũng không vừa. Từ quan điểm đối ngoại của Đảng Cộng sản VN khi đã giành được hòa bình, thống nhất đất nước: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, sự nhịn nhường, tổng hòa các mối quan hệ đối ngoại với thế giới để cùng tồn tại trong hòa bình, hơp tác phát triển là tất yếu.
Tuy vậy, cũng xuất phát từ ý định, gác lại những tranh chấp, bất đồng, lấy hòa khí làm trọng, cho nên gần đây, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng đã thông báo với phía Trung Quốc rằng Chính phủ Việt Nam sẽ kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam’, và dứt khoát ‘không để sự việc tái diễn’ (theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam) trong bối cảnh ở Hà Nội và TP HCM diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc. Để giữ lời hứa giữa hai bên qua các hội đàm song phương, Việt Nam đã buộc phải ngăn chặn biểu tình, một cuộc biểu tình không chống chính phủ nước mình mà là phát xuất từ lòng yêu nước, yêu cầu Trung Quốc đừng đụng đến VN, để nhân dân VN còn kịp thở sau các cuộc chiến tranh “nối đời ra trận”, muốn được yên lành làm ăn, xây dựng lại tổ quốc. Mà cũng vì sự “hạ cố bất đắc dĩ” khi đã hứa làm tốt “16 chữ vàng” VN đã bắt công dân của mình chịu “khổ chục kế” vì nghĩa lớn. Nói ra thế, nhưng đau lắm chứ. Vì muốn nhịn nhường mong may ra sớm được yên chuyện, giữ hòa khí, tránh xung đột lớn, nhất là xung đột chiến tranh chẳng hay ho gì mà hai bên ai cùng thiệt hại, VN đã phải”xuống nước” như thế, còn đòi hỏi gì nữa. Dân mình vì yêu nước, vì bức xúc, vì thấy mới giành được độc lập dân tộc mà lại có kẻ lăm le giật đi, phải tỏ thái độ quyết liệt là đương nhiên. Ngăn chặn biểu tình, phải tỏ ra sự cương quyết như vậy là vi phạm dân chủ. Bắt giam người biểu tình, biết là vi phạm nhân quyền đấy, nhưng cũng vì chỉ mong được sự “ổn thỏa” mà thôi. Tại sao TQ không nhận ra điều đó. Còn muốn “ổn thỏa” kiểu gì? Không ‘thỏa” sao “ổn “được?
Vậy mà cho đến bây giờ, TQ đâu có tạo điều kiện cho ổn thỏa? Vậy đấy, nhưng Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, một trong những quan chức cấp cao đầu tiên trong chính quyền Trung ương của VN, phải công khai ủng hộ thông báo ngăn chặn biểu tình vốn đang bị một số người công kích về tính pháp lý. Đó cũng là vì cái gì mà có sự thể phải hạ cố trong buổi gặp gỡ Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, đã ‘thẳng thắn trao đổi’ những vấn đề còn khác biệt trong quan hệ hai nước. Theo ông Nguyễn Chí Vịnh, ‘xử lý mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc’ là một khía cạnh của tranh chấp trên Biển Đông. Và dù rất đau lòng và khó chịu, nhưng tướng Vịnh cũng phải tuyên bố mạnh mẽ, ý định miễn làm sao cho êm, cho có hòa khí rằng: “Việt Nam không bao giờ dựa vào bất kỳ một nước nào để chống Trung Quốc”. Tướng đối ngoại Nguyễn Chí Vịnh đã phải xuê xoa: Nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng... một khi các đồng chí tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam và mong muốn Việt Nam cùng phát triển?.
Nhưng về mặt quan điểm, và cũng thể hiện bản lĩnh, ý chí Việt Nam, Tướng Vịnh cũng nhắc lại cơ sở để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là luật pháp quốc tế vì đó là những vấn đề mang tính quốc tế và những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì chỉ cần hai nước giải quyết với nhau, khẳng định rõ: “Việt Nam không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền”. Những khẳng định của tướng Vịnh có thể coi như là động thái trấn an Bắc Kinh vốn đang lo ngại Mỹ can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông và thể hiện thái độ dứt khoát của Hà Nội. Ông còn nói: “Chúng ta cần làm cho nhân dân hai nước hiểu rõ, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại vấn đề, nhưng hai Đảng, hai Nhà nước đã cam kết xử lý bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, với giải pháp hai bên cùng có thể chấp nhận được,”. Thượng tướng Mã Hiểu Thiên đáp lại “Hòa bình hai bên đều có lợi. Đối đầu hai bên đều thiệt hại”. Vậy, nhà cầm quyền Bắc kinh còn gì mong “ổn thỏa” hơn nữa.
Thực trạng VN từ sau khi đánh thắng Mỹ -ngụy đến nay là “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”. Khi mà tưởng như được yên lành trong hòa bình, độc lập, tự do thì ngay trước khi chưa giải phóng miền Nam đã bị Trung Quốc ngang nhiên đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Tiếp đến là Bắc Kinh bày trò cho Pôn Pốt gây chiến ở biên giới Tây Nam, rồi lại phải đấu trận với TQ ở toàn tuyến biên giới phía Bắc, lại đấu trận với TQ để giữ chủ quyền quần đảo Trường Sa, nay lại phải khổ ải không yên về việc an ninh Biển Đông, với cái Đường Lưỡi Bò dài ngoằng qua suốt vùng biển Việt Nam đến tận Úc Đại Lợi. Không hiểu sao ông Tàu lại gọi vùng quần đảo xa xôi cách cả chục tầm đại dương mênh mông là Úc Đại Lợi? Muốn vơ đại lợi xuống tận Nam bán cầu chứ gì?
Nhưng, để được “ổn thỏa”, Việt Nam cũng không quên tỏ rõ lập trường quan điểm và thái độ trước những hành động của phía TQ liên tục vi phạm chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông. Phó Thủ tướng VN Hoàng Trung Hải tiếp xúc với người đồng nhiệm TQ Lý Khắc Cường tại Hội nghị Bác Ngao - 2012: Việt Nam kiên quyết phản đối hành động bắt giữ tàu và ngư dân Việt Nam của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam”
Và bản lĩnh, ý chí ấy cũng thể hiện dứt khoát qua tuyên bố của Người phát ngôn Bộ ngoại giao VN, ông Lương Thanh Nghị: “Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Ông Lương Thanh Nghị cũng tỏ ra thẳng thắn lên án phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam, rằng: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong quan hệ song phương với Trung Quốc, Việt Nam cũng cho biết sẽ khởi động đường dây nóng giữa hai Bộ Ngoại giao để kịp thời trao đổi, xử lý thỏa đáng các vấn đề phát sinh trên biển.
Vì những lẽ trên, ông Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường đừng lo, Việt Nam đã có quá nhiều nỗ lực để thể theo sở nguyện của ông: Trung-Việt xử lý ổn thoả vấn đề Nam Hải”. Ổn thỏa được ư? Sẽ có an ninh thật sự trên Biển Đông ư? Rất mong ở “thiện ý” và những thể hiện cho chuẩn xác từ lời nói đến việc làm của phía Trung Quốc.
"Bùi Văn Bồng: ỔN THỎA HAY KHÔNG LÀ DO TRUNG QUỐC". Đại tá đặt vấn đề như thế xét trên tinh thần "chịu nhún" của VN và theo tinh thần "đại nhân" (cách nói của ông Mai Quốc Liên chỉ nhà cầm quyền TQ) thì đúng, còn xét trên logic của cuộc sống thì sai mất một nửa.
Trả lờiXóaMột con người hay một quốc gia đều lòng tham. Lòng tham ấy bị kiềm chế một phần bởi sự tự "tu nhân tích đức" nhưng cái chính là do những người xung quanh, nhất là những người trực tiếp là đối tác. Đối tác ràng buộc bằng luật lệ, bằng dư luận, bằng cả sự trả đũa nếu cần. Anh bị bắt nạt anh lại còn cứ im lặng chịu sự bất công, chịu cả sự sỉ nhục thì tất nhiên kẻ tham tàn lấn tới. Tục ngữ Anh có câu: "CÁI TƯỜNG THẤP MỜI KẺ TRỘM". Thế đấy thưa đại tá, ta phải trách ta nữa chứ. Cái tường thấp quá. Mà kẻ trộm vào ngang nhiên cũng chả dám kêu lên. Thế là hai lần mời kẻ trộm đấy.
Tôi cũng đồng quan điểm với bác Đào Tiến Thi
XóaNhư thế nào là nhẫn, như thế nào là hèn ?
TH
Bác Thi nói rất đúng. Chúc bác sức khỏe.
XóaThế ra toàn là chữ NH : nhân, nhường, nhín, nhịn . Chán quá rồi .
Trả lờiXóaTôi hòan t̀oan đ̀ông ́y v́ơi Đào Tiến Thi Apr 5, 2012 01:59 AM.
Trả lờiXóa"Tranh chấp biển Đông có ổn thỏa hay không là do TQ", nói thế là đúng rồi. Nhưng nhìn sâu hơn nữa hoặc nói rõ hơn nữa, theo tôi phải là: "do cái thể chế chính trị hiện hành của TQ".
Trả lờiXóaNếu TQ là một nước dân chủ, tự do, vận mạng quốc gia không chỉ nằm trong tay thao túng của một thiểu số độc tài đầy tham vọng như hiện nay, thì đã không lâm vào tình trạng phải "bành trướng về hướng Nam bằng mọi giá" để thoát khỏi sự bế tắc địa chính trị, để hóa giải cơn khát nhiên liệu cháy bỏng và cả để xả bớt những căng thẳng xã hội trong chình nội bộ nước họ. Bao giờ mà thể chế chính trị ở TQ vẫn còn tồn tại như thế thì biển Đông vẫn còn đó mối hiểm họa tranh chấp khôn lường, bởi vùng biển này là con đường thoát gần như là duy nhất của họ.
Trước một kẻ côn đồ có nhu cầu sống chết phải cướp bằng được biển Đông như nhà cầm quyền TQ thì thực là ảo tưởng - hoặc là dối trá - nếu nói rằng sự "nhẫn, nhường, nhín, nhịn" của chính quyền Việt Nam sẽ có thể giải quyết được xung đột.