Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Bùi Văn Bồng: NỖI CÁM CẢNH NỮ SINH BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

NỖI CÁM CẢNH NỮ SINH BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG  
Bùi Văn Bồng
- gửi riêng NXD-Blog

Áo dài trắng. Tóc buông xỏa. Tay cắp cặp. Dáng uyển chuyển. Mắt mơ màng. Cười duyên dáng... Đó là những nét đẹp nữ sinh. Trên những con đường hàng ngày học sinh đến trường, ta thường thấy những nữ sinh duyên dáng như thế. Nét đẹp nữ sinh có gì thanh khiết, tinh khôi, vừa trẻ trung vừa nhuần nhị trong mỗi dáng đi, ánh nhìn, nụ cười và sự vô tư. Tôi đã đọc một bài thơ viết về áo trắng nữ sinh: Anh muốn gửi tình anh vào nắng / Ấm áp thân thương áo trắng sân trường / Em duyên dáng tuổi xuân thì vừa chớm / Cho lòng anh rạo rực nhớ thương…Đúng thế! Tuổi thanh xuân thật đẹp, trong trắng, như màu áo trắng tinh khôi…

Trông các nữ sinh đẹp xinh, dễ thương là thế. Vậy mà ông bạn cùng phố với tôi nói: “Chúng nó vào sân trường trồng cải quý đấy! Dạo này, thấy sân trường cạnh nhà tôi trồng nhiều cải quý”.

Tôi vặn lại: “Ông nói thế nào ấy chứ. Sân trường là để học sinh vui chơi, làm gì có chuyện trồng cải. Hơn nữa, ông đừng có mà lừa tôi đấy nhé! Đang giữa mùa khô nắng gắt, thiếu nước, ai đi trồng cải vào mùa này?

Ông bạn cứ khăng khăng:

- Thì có mà. Có thì tôi mới nói.

- Xạo hoài – tôi cự lại - tôi không giỡn với ông, sao ông giỡn với tôi?

Ông bạn xịch cái ghế đến ngồi cạnh tôi:

- Không hiểu à? Tiếng Việt kém thế. “Cải quý” nói lái theo kiểu Nam bộ là “quỷ cái” đấy! Ông không biết thì tôi nói cho nghe. Nhà tôi đây gần trường, tôi biết hết. Nữ sinh mặc áo dài trắng yểu điệu, thướt tha, mơn mởn vậy, ông tưởng là đáng yêu à? Tưởng là đẹp à? Ông bạn vô tư thật như đếm ạ! Câu hát ngày trước rất hay và trữ tình: “Áo bay sân trường tựa cánh chim câu”. Nhưng nay “cải cách” rồi, phải hát là “Áo tung sân trường tựa cánh diều hâu”, mới là phản ánh trung thực cuộc sống.

- Thì sao?

- Lại chậm hiểu rồi. Chúng nó thời nay sống lạ lắm, học không lo học, đến trường là đánh nhau, hò hét ầm xì, rồi lo chơi game, chát, chụp ảnh, quay video clip, rồi mở laptop, đưa vào máy tính phóng lên, xúm lại xem, cười nói vỗ tay loạn xì ngầu. Đánh nhau, đánh nhau suốt. Mặc áo dài trắng mà cũng đá nhau, giằng xé nhau, có đứa nổi máu tam bành còn cao hứng nhảy cẫng lên như là cái thế võ đá song phi trên phim võ lâm của Tàu. 

Đến lúc này tôi mới hiểu. Thì ra là “bạo lực học đường” đã báo động đến mức như thế. Nhưng lạ thật. Lâu nay tôi chỉ “mục sở thị” chuyện học sinh nam đánh nhau. Nam tính mà, khí dương, nóng, lại nghịch ngợm, háo thắng, cậy khỏe, cậy “võ vẽ nam nhi”, đánh lộn là chuyện không thấy lạ gì. Còn như nữ sinh, người ta thường nói thân gái “liễu yếu đào tơ” sao lại có chuyện bạo lực dữ dằn như vậy? Loạn rồi, bị ngược đời. Thế thì đúng là cái thứ “cải quý” rồi còn gì.

Nghe câu chuyện của ông bạn, tôi ôm theo nỗi ray rứt về nhà. Lạ thật, chẳng lẽ đây là thứ “mốt”, là một lối sống cho là bình thường của giới trẻ đương thời chăng?

Quá 7 giờ tối, mở TV xem thời sự. Nghĩ chắc lúc đó có ai nhìn sẽ thấy tôi có bộ mặt kỳ quặc lắm: Mắt tròn xoe, miệng há hốc. Ông VTV đưa tin kèm đoạn vidiô clip: Ngày … có một đoạn vidioclip được tung lên làm xôn xao cư dân mạng với hơn 500.000 phản hồi. Nhân vật chính là bốn nữ sinh đang theo học tại lớp 11A7 và 11A5 của trường THPT Phố Mới (Quế Võ, Bắc Ninh) vừa đánh đập vừa dùng dao lam rạch áo một bạn học khác. Đáng chú ý, trong số này có một nữ sinh vừa bị đình chỉ học trước đó vì liên quan tới một vụ đánh nhau với nhóm nữ sinh khác. Điều kỳ lạ là dường như các cô bé lại rất lấy làm thích thú khi thực hiện những hành vi bạo lực và được ghi hình như thế.

Vài hôm sau, cũng xem TV, tôi lại thêm tá hỏa: Công an huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã bắt khẩn cấp Trần Thị Cẩm Thu (15 tuổi, học sinh lớp 10A7 trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, huyện Châu Thành) về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Trong giờ ra chơi buổi sáng, Thu và Lê Thị Thu Thảo (lớp 10A3) có lời qua tiếng lại. Thu dùng dao đâm hai nhát làm Thảo chết trên đường đi cấp cứu do đứt động mạch đùi. Hành động của Thu có là bột phát không khi cô bé mang sẵn con dao theo mình đến lớp? 

Bạo lực học đường đã trở thành ”hội chứng” đáng báo động. Bạo lực học đường được nhiều người coi là đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong những thập kỷ gần đây ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở nơi các loại vũ khí như súng hay dao được sử dụng tùy tiện, bày bán vô tư mà không ai quản lý. Nó bao gồm bạo lực giữa các học sinh trong trường cũng như những vụ tấn công thể xác bởi học sinh vào giáo viên của trường. Tại Việt Nam, gần đây cũng xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường như một thứ dịch hại có sức phát tán. Kể cả nữ sinh cũng hung hăng và ham hố với tệ nạn bạo lực học đường. Điều này đã làm mất đi cái nền nếp của nhà trường, nơi trồng người, giáo dục, đào luyện con người cho tương lai. Thật đáng lo khi báo hiệu mai sau một thế hệ như thế. Trong khi đó, nhà trường và phụ huynh học sinh vẫn chưa có biện pháp giải quyết tình trạng đáng báo động này. Nhiều phụ huynh học sinh phải gắng nhịn vì không muốn con mình bị trả thù, có một số học sinh cũng không dám kể với ai khi bị bạn đánh vì sợ sẽ bị trả thù nặng hơn. Hầu như nhà trường cũng không thể hiện rõ vai trò giáo dục, quản lý, kỷ luật học sinh có hiệu quả. Thầy, cô giáo sợ đụng đến chúng nó, chúng nó đánh mình trước, rồi phụ huynh lại đến gây phiền. Dây vào chỉ thêm mất mặt, thiệt thân, sinh nhiều liên lụy phức tạp. Tốt nhất, thấy học sinh đánh nhau cứ tảng lờ như không có chuyện gì.      

Xưa nay, nữ sinh vốn được coi là hình ảnh đẹp, trắng trong, “áo trắng sân trường như hoa xuống phố”, thì nay đã xuất hiện sự mất dần đi nét đẹp ấy. Vẻ đẹp nữ tính của tuổi hoa đang bị bào mòn để nhường chỗ cho thói côn đồ thô bạo, vô văn hóa. Điều đáng lo ngại là hầu hết các videoclip bạo hành được tung lên mạng lại do nữ sinh gây ra. Phải chăng đấy là ý muốn thể hiện mình của các cô gái vừa chớm xuân thì? Có thể gọi là “quỷ cái” như ông bạn tôi ở gần trường học cũng không ngoa ngoắt gì. Những pha đấm đá, đâm chém bạn đồng môn chẳng khác gì những cảnh nóng trên phim hành động, trong các trò chơi bạo lực.

Không chỉ dừng lại ở hành vi đánh đập, gây thương tích, thậm chí chết người, họ còn cố ý quay vidiôclip tung lên mạng như một "chiến công hiển hách", một sự kỳ thú, xem như một việc làm bình thường, như một yêng hùng đương đại (!?). Nữ sinh mặc áo dài trắng trông đi ngoài đường, đi xe đạp, xe máy duyên dáng "bắt mắt", dễ thương, nhưng gặp những cảnh này, kể cả xem videoclip thì quả là không thể ai thương nổi. Cái thân "liễu yếu đào tơ" mà cũng "xòe cánh diều hâu trắng" thượng cẳng chân, hạ cẳng tay thì khác nào du côn, giang hồ. Gọi là quỷ cái có khi còn là nhẹ. Nhà giáo Bùi Công Thuấn ở phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh (Đồng Nai) đã lâu năm đứng lớp, rất băn khoăn:

- Mình đã dạy học mấy chục năm nhưng không thể tưởng tượng nổi những hành vi vô giáo dục đến quái gở như thế. “Giáo bất nghiêm”, “Thượng bất chính” nên hậu quả là thế. Hay là hiện nay nhà trường đang bị thống trị bởi quy luật kinh tế thị trường? Giáo dục là quốc  sách, nơi nâng chất lượng cho “nguyên khí quốc gia “ mà như thế đấy. Nhà trường không dạy các em những phẩm chất nhân bản, không dạy cái đẹp, không dạy lòng nhân ái, không dạy ý thức nhân phẩm và ý thức về tha nhân, không dạy lối sống tình nghĩa Việt Nam mà thay vào đó là chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, thực dụng. Sự kết hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội đang rời rạc, tách bạch, không còn chặt chẽ thường xuyên như trước. Nay nhiều phụ huynh ăn nên làm ra, có tiền, sinh ra thời thượng, chiều chuộng con không tập cho con em thói quen biết yêu lao động, mà còn thuê oossin, còn con em mình thỉ thả cho đi chơi thoái mái tùy sức ăn chơi tạp phế lù.

Đúng thế, phim ảnh, game chỉ là một trong những tác động, chưa phải tác nhân chủ yếu. Tác nhân trước hết là chính bản thân những HS đó không được rèn dạy đúng cách từ nhỏ, sinh tự do quá trớn, sống quá buông thả, hư hỏng, thực dụng và cá nhân chủ nghĩa đến mức không còn nhân văn, nhân đức, nhân nghĩa trên đời, thậm chí vô cảm, không biết quan tâm đến người khác, chỉ biết có cá nhân mình.  Còn tác nhân nữa rât quan trọng là do gia đình và nhà trường. Gia đình biết cách dạy và dạy nghiêm khắc từ tuổi nhỏ, kèm cặp chu đáo từ lời ăn nết nói đến lao động, học hành thì đâu nên nỗi, và nhà trường và xã hội cũng sẽ được nhẹ gánh. Gia đình biết cách dạy bảo, khuyên răn, hướng dẫn con cái "làm việc tốt, nói lòi hay", và chỉ cho phép con cái "ăn" những món ăn tinh thần lành mạnh, cấm chỉ không cho xem nhiều phim bạo lực, phim kiếm hiệp, kích động, phim kích dục..., không cho nghe nhạc, chơi game phản tác dụng, biết "ăn chọn nơi chơi chọn ban" thì những tác động đó cũng không gây hại đến mức như vậy. Dường như mặt hạn chế này lại đang là “lối sống thời @" của giới trẻ trong nhà trường hiện nay?

Tiến sĩ Đinh Phương Duy, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP Hồ Chí Minh, nêu: Những năm gần đây, cảnh bạo lực diễn ra khắp nơi, khắp các lĩnh vực, bạo lực sân cỏ, cầu thủ đánh nhau, huấn luyện viên chửi trọng tài, cổ động viên choảng nhau; bạo lực kinh doanh đâm chém để tranh giành thị phần. Ngoài đường phố thì xe taxi húc vào xe cảnh sát, đánh trả lại cảnh sát. Rồi bạo lực gia đình, con cái hù dọa cha mẹ, mẹ đánh đập con gây thương tích, con hành hạ cha đến ngất xỉu… và rất nhiều hành vi bạo lực khác, không riêng gì bạo lực học đường. Vấn đề đặt ra là tại sao các loại bạo lực này vẫn diễn ra hằng ngày ở xã hội ta đang sống, tại sao chúng ta không hạn chế được mà thực trạng đau lòng này đang có chiều hướng gia tăng.

Khi bạo lực xảy ra trong nhà trường, đôi khi thầy giáo, cô giáo  cũng cảm thấy không an toàn khi phải giải quyết một vụ nào đó thì làm sao tình hình bạo lực học đường sáng sủa hơn được. Lên mạng, vào google chỉ cần gõ vào ô tìm kiếm dòng chữ “clip nữ sinh bạo hành” là cho ra hàng trăm ngàn kết quả, một sự thật không thể tưởng tượng nổi. Tôi còn nhớ, trên VTV đã từng có cuộc mổ xẻ của các nhà tâm lý học về vấn đề này, nêu nguyên nhân, bàn biện pháp cũng đã nhiều, nhưng không hiểu tại sao ngành giáo dục vẫn chưa lên tiếng một cách mạnh mẽ và có biện pháp ngăn chặn hiệu quả? Chúng ta đang định hướng cho học sinh đi đến đâu trên con đường giáo dục đào tạo họ trở thành những công dân làm chủ đất nước, những con người Việt Nam XHCN ?


Than ôi! Hỡi các nhà giáo THPT siêng năng và yêu lao động: Các ông có rảnh thì tính làm gì đi chứ? Ví dụ như đọc sách, lên mạng, xem TV, chơi game, xem bóng đá, đi du ngoạn đâu đó, hay là đi uống cà phê nói chuyện tào lao tầm phào với nhau cho vui cũng được, nhưng đừng trồng hoặc bỏ mặc cho các thứ “cải quý” mọc như nấm trắng trong sân trường. Đành rằng nó vướng ở cái quy định do sáng kiến “cải cách giáo dục” thầy không được dùng biện pháp quá nghiêm, không được phạt, càng không được đánh học trò để răn đe, cảnh cáo như trước đây. Cái quan niệm dạy nghiêm là không đổi mới phương pháp sư phạm, xử phạt nghiêm khắc đẻ răn đe sợ vi phạm nhân quyền. Nhưng học sinh là của các ông dạy, các ông quản, mà không kết hợp được “Tiên học lễ, hậu học văn”, nỡ để xảy ra chuyện đau lòng và đáng báo động vậy sao?

Bạo lực học đường là hiện trang báo động sự xuống cấp của giáo dục đạo đức, lối sống, mối quan hệ cộng đồng, suy giảm sự lành mạnh của văn hóa xã hội. Tuổi trẻ thường hoạt động theo tính cách nông nổi, dễ bộc phát, thiếu cân nhắc, suy nghĩ chưa sâu, lứa tuổi thường có những hành vi bất thường không tự chủ. Người phải chịu trách nhiệm chính ở đây là cha mẹ học sinh. Gia đình là nơi biết rõ tính cách con em của mình. Gia đình buông lỏng, để con em sống như “ngựa hoang đồng cỏ” rất nguy hại. Nhà trường cũng có trách nhiêm không nhỏ, ngoài dạy chữ phải dạy cho HS sớm trưởng thành nên người. Chính quyền các địa phương, các đoàn thể quần chúng nơi HS cư trú, cũng như các cơ quan pháp luật cũng có trách nhiệm không nhỏ trong chuyện này. Họ đã không xử lý triệt để và nghiêm minh các vụ việc tương tự để răn đe. Hệ thống pháp luật cùng những quy định “cải cách giáo dục” tưởng như văn minh, khoa học nhưng thực chất vẫn còn nhiều kẽ hở, bất cập, chồng chéo, khó áp dụng trong từng trường hợp cụ thể. Do những mặt còn thiếu đồng bộ đó, cho nên không thể hiện được tính xã hội hóa, chuẩn mực hóa và sức mạnh tổng hợp từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Phương châm, phương pháp  giáo dục theo truyền thống đã đúc kết "Tiên học lễ, hậu học văn" một cách thường xuyên, có kiểm tra đôn đốc, tích cực từ nhiều phía, bằng nhiều cách,  nghiêm minh trong xử lý thì có thể tin rằng hiện trạng này sẽ được ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất những  nguy cơ lan rộng. Có như thế, ta mới có một thế hệ tương lai đầy tin cậy, gánh vác một cách vững vàng và hiệu quả sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng mạnh giàu, văn minh, tiến bộ.

B.V.B 
Ảnh trong bài chỉ có tính chất trang trí.
Nguồn: Internet.
                  

5 nhận xét :

  1. "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". "Bề trên" phải gương mẫu, đàng hoàng chính trực trước thì mới mong sắp nhỏ đàng hoàng. Trẻ nhỏ chỉ là sản phẩm của người lớn thôi và cũng là tấm ảnh phản chiếu những gì đang tồn tại trong xã hội chúng ta: Nói một đàng, làm một nẻo. Có tiền đổi trắng thành đen; mạnh được yếu thua; Sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi; Thầy dạy thêm theo thầy, hiệu trưởng dạy thêm theo hiệu trưởng miễn sa cuối năm tỉ lệ lên lớp, tốt nghiệp đạt được con số gần 99% là tốt đẹp mọi bề, Nhà nhà liên hoan, trường trường liên hoan, sở sở liên hoan, ngành ngành liên hoan...Ai cũng bằng khen giấy khen đủ loại... dù thực chất nếu làm nghiêm túc nghiêm túc chỉ đạt chừng 30%....Xã hội ta giờ là thế đó. Ai dám đứng lên tố cáo sự gian dối của cấp trên là phải...te tua tơi tả tự động xách gói về vườn. Có đúng không các bạn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác nói phải. Trẻ con thường nhìn những việc người lớn làm hơn là nghe những gì người lớn dạy. Và nhân chuyện bác Bồng nhắc đến sự nghiệp đào tạo "con người XHCN", tôi xin kể hai câu chuyện có thật này, mà theo tôi là khá điển hình XHCN:
      1) Tại một cơ quan nghiên cứu, một số phòng thí nghiệm được trang bị dép bảo hộ lao động (dép nhựa). Ngày ấy các cô gái thường mang guốc. Tôi bắt gặp một cô kỹ thuật viên đã cắt quai của một chiếc dép nhựa mới cứng để đóng cái đế guốc cũ của mình. (Điều này cho thấy người ta có thể phá hoại 100 đồng của tập thể để làm lợi 1 đồng cho cá nhân mình).
      2) Một lần đưa con đến trường, tôi chứng kiến cảnh một học sinh cờ đỏ (một bé gái khoảng lớp ba) đã giật phăng cái cặp mà môt bé trai đang ôm trước ngực. (Chắc cô bé học sinh cờ đỏ muốn kiểm tra xem bạn kia có đeo bảng tên hay không). Chiếc cặp bị giật mạnh xuống đất làm vở sách, giấy bút rơi tứ tung. Bé trai sợ hãi, lúi cúi nhặt lại sách vở mà không hề bày tỏ sự phản đối nào. Còn cô bé học sinh cờ đỏ bỏ đi tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. (Điều này cho thấy một sự mất công bằng ghê gớm ngay từ khi còn trong ghế nhà trường. Và học sinh, các con người XHCN tương lai, đã không được dạy những điều cơ bản. Đó là sự tôn trọng người khác và lòng tự trọng.
      Kết luận: Dẹp hết các phong trào thi đua vớ vẩn ở trường học đi. Hãy trả lại sự công bằng cho trẻ em, học sinh (tức là không có học sinh cờ đỏ, cán bộ đoàn, đội gì hết). Đừng có hô hào các khẩu hiệu XHCN môt cách sáo rỗng nữa. Người lớn phải tự dạy mình trước về sự trung thực và lòng tự trọng. Chuyện các nữ sinh đánh nhau chỉ là một trong các hệ quả của sự suy thoái đạo đức xã hôi và sự định hướng giáo dục theo kiểu hô khẩu hiệu.

      Xóa
  2. Dạ em có một đề nghị nhỏ. Đề nghị tất cả các trường học từ trung cấp trở lên nên triển khai gấp lớp huấn luyện võ thuật cho giáo viên, và đề nghị giáo viên vẫn giữ nguyên chiếc mũ bảo hiểm trên đầu khi lên lớp. Và nếu được thì thầy cô có thể tự trang bị áo giáp cho mình khi lên lớp để dạy "Học sinh".
    Đúng ra thì khi triển khai, áp dụng luật đội mũ bảo hiểm trên toàn quốc thì các Bộ-Ngành liên quan đã có tính đến cả cái khía cạnh Bạo Lực Học Đường rồi. Chứ ở VN mình với tình trạng giao thông như vậy thì làm sao mà giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông được?
    Không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng về nông thôn nữa! vì xe máy Trung Quốc rẻ mạt mà phải không?
    Cho nên chiếc mũ bảo hiểm cần được định hướng cho hai mặt vấn đề nổi cộm của xã hội VN hiên nay. Quả là một công hai chuyện, tuyệt vời!!!

    Trả lờiXóa
  3. Xin thưa với ông Bùi Văn Bồng
    Ngoài 8 giờ ngủ ra HS còn 16 giờ thức
    Nhà trường quản các em chỉ có < 5 giờ thôi bác ơi!
    Vài địa chỉ bác cần gõ cửa nữa là : Gia đình, xã hội, bạn bè...
    Con người là mối tổng hòa các mối quan hệ xã hôi.

    Trả lờiXóa
  4. Thầy giáo già miệt vườnlúc 17:12 12 tháng 4, 2012

    Còn gia đình và xã hội nữa. Học đường nào dậy bạo lực ? Ở nhà cha mẹ cũng đánh nhau, ra đường thiếu gì cảnh xô xát, đâm chén, lên mạng cũng chẳng thiếu. Nhà trường không đủ sức dây dỗ các em điều lễ nghĩa khi gia đình và và xã hội thiếu vắng điều lương thiện . Có phải Hs nào cũng đánh nhau cả đâu ?

    Trả lờiXóa