Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

TRƯỜNG SA, TRƯỚC NGÀY SÚNG NỔ 14.3.1988

TRƯỜNG SA, TRƯỚC NGÀY SÚNG NỔ 14/3/1988

Mai Thanh Hải - Tháng 4/1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa từ Hải quân Việt Nam Cộng hoà.

Tháng 2/1978, Philippines đưa quân chiếm đóng đảo Ponata, đảo Dừa.

Ngày 10/3/1978, quân ta đổ bộ lên đảo An Bang.

Ngày 15/3/1978, ta đóng giữ đảo Sinh Tồn Đông.

Ngày 30/3/1978, ta đóng giữ đảo Hòn Sập (Phan Vinh).
Ngày 4/4/1978, quân ta hoàn thành việc đóng giữ đảo Trường Sa Đông.
.
Cũng trong tháng 4/1978, 1 phân đội được đưa ra đóng giữ đảo Thuyền Chài, nhưng do điều kiện vật chất chưa bảo đảm nên tháng 5/1978 phân đội được rút về đất liền.

Tháng 12/1986 và tháng 1/1987, Malaysia chiếm đóng bãi Kỳ Vân và bãi Kiệu Ngựa.

Tháng 3/1987, ta trở lại đóng giữ đảo Thuyền Chài.

Tháng 6/1987, Trung Quốc diễn tập quân sự ở Nam biển Đông.

Tháng 10, tháng 11/1987, một số tàu chiến của Trung Quốc đi gần các đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa, Song Tử Tây.

Ngày 24/10/1987, Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra lệnh Vùng IV chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên tăng cường.
.
Ngày 6/11/1987, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Mệnh lệnh bảo vệ quần đảo Trường Sa, giao cho Quân chủng Hải quân "Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá cạn chưa có người, không chờ chỉ thị cấp trên".

Ngày 2/12/1987, tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125 đưa bộ đội đến đảo Đá Tây.

Ngày 22/1/1988, Trung Quốc đưa 4 tàu hộ vệ tên lửa, tuần dương, tàu dầu, tàu đổ bộ và một số tàu khác đến chiếm đóng đảo Chữ Thập.

Ngày 27/1/1988, Đại tá Phạm Công Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy 1 Đại đội công binh mang 2 khung nhà ra đóng giữ đảo Chữ Thập.

Do hỏng máy, sáng 30/1 tàu mới đến gần Chữ Thập, bị 4 tàu chiến Trung Quốc ngăn cản. Tàu ta đành phải quay về Trường Sa Đông, không thực hiện được việc đóng giữ đảo Chữ Thập.

Đảng ủy Quân chủng Hải quân xác định: "Lúc này, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và vinh quang nhất của Quân chủng Hải quân".

Ngày 5/2/1988, quân ta đóng giữ đảo Đá Lát.
.
Ngày 6/2/1988, quân ta đóng giữ đảo Đá Lớn.

Ngày 18/2/1988, Trung Quốc chiếm đảo Châu Viên

Ngày 26/2/1988, Trung Quốc chiếm đóng đảo Ga Ven.

Ngày 26/2/1988, quân ta đóng giữ đảo Tiên Nữ.

Ngày 27/2/1988, ta chốt giữ thêm đảo Tốc Tan.

Ngày 28/2/1988, Trung Quốc chiếm đảo Huy Gơ.

Ngày 2/3/1988, ta đóng giữ thêm đảo Núi Le.

Ngày 23/3/1988, Trung Quốc chiếm đóng đảo Xu Bi.
.
Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng của 2 Hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên lên 9-12 tàu chiến (gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn).

Trước tình hình đó, Tư lệnh Hải quân Việt Nam lệnh cho Vùng 4, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, các Hải đội 131, 132, 134 của Lữ đoàn 172 chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Đồng thời lệnh cho Vùng 1, Vùng 3 và Lữ đoàn 125 ở Hải Phòng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường.

Bộ Tư lệnh Hải quân điều động 41 tàu thuyền và phương tiện nổi của Lữ đoàn 125, Cục Kinh tế, Vùng 1,3,5, Trường Sĩ quan Hải quân Việt Nam (nay là Học viện Hải quân Việt Nam), nhà máy Ba Son... đến phối thuộc khi cần thiết.
.
Lúc 19h ngày 11/3/1988 tàu HQ-604 rời cảng ra đảo Gạc Ma để thực hiện nhiệm vụ trong chiến dịch CQ-88 ("Chủ Quyền 88").

Ngày 12/3, tàu HQ-605 thuộc Lữ đoàn125 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6h ngày 14/3. Sau 29 tiếng hành quân, tàu 605 đến Len Đao lúc 5h ngày 14/3/1988 và cắm cờ Việt Nam trên đảo.

Thực hiện nhiệm vụ đóng giữ các đảo Gạc Ma và Cô Lin, 9h ngày 13/3/1988, tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và tàu HQ-505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin.

Phối hợp với 2 tàu HQ-505 và 604 có 2 Phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn Công binh 83, 4 Tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146 do Trần Đức Thông Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn Đo đạc và biên vẽ bản đồ (thuộc Bộ Tổng tham mưu).
.
Sau khi 2 tàu của Việt Nam thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc từ Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma, có lúc đôi bên chỉ cách nhau 500m.

17h ngày 13/3/1988, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ-604 và dùng loa gọi sang. Bị uy hiếp, 2 tàu HQ-604 và 505 kiên trì neo giữ quanh đảo.

Còn chiến hạm của Trung Quốc cùng 1 hộ vệ hạm, 2 hải vận hạm thay nhau cơ động, chạy quanh đảo Gạc Ma.

Trước tình hình căng thẳng do Hải quân Trung Quốc gây ra, lúc 21h ngày 13/3/1988, Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho các Sĩ quan chỉ huy Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin.

Tiếp đó Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho lực lượng Công binh khẩn trương dùng xuồng chuyển vật liệu xây dựng lên đảo ngay trong đêm 13/3/1988.
.
Thực hiện mệnh lệnh, tàu HQ-604 cùng lực lượng Công binh của Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma.

Tiếp đó lực lượng của Lữ đoàn 146 cắm cờ Việt Nam và triển khai 4 Tổ bảo vệ đảo.

Lúc này, Trung Quốc điều thêm 2 hộ vệ hạm trang bị pháo 100 mm đến hỗ trợ lực lượng đã đến từ trước, yêu cầu phía Việt Nam rút khỏi đảo Gạc Ma.

Ban Chỉ huy tàu HQ-604 họp nhận định: Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp và quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.

Ngày 14/3/1988, chiến sự diễn ra tại khu vực các đảo Gạc Ma, Cô Lin, và Len Đao.

(Theo Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam và một số tư liệu khác).
--------------------------------------------------------------------------
* Nguồn hình minh họa: Nhà báo Nguyễn Viết Thái (Khánh Hòa)

1 nhận xét :

  1. Nhớ lại ngày này năm xưa, càng căm thù quân xâm lược phương Bắc.
    Mềm nắn, rắn buông là quy luật mang tính lịch sử chống ngoại xâm cùa VN ta.

    TH

    Trả lờiXóa