Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

ÔNG TƯỜNG THỤY, BÂY GIỜ MỚI KẾT THÚC LOẠT BÀI KỂ CHUYỆN BỊ BẮT


Kỳ cuối: Bảy giờ bị giữ trong Công an Thanh Trì 
6. Ngành công an được gì và mất gì?

Cho đến bây giờ, tôi rất khó hiểu tại sao công an lại hành động như vậy. Họ có suy nghĩ, tính toán đến mục tiêu sẽ đạt được những gì? những gì sẽ không đạt được và hậu quả có thể xảy ra như thế nào không?

Người ta thường bảo an ninh nhìn vào đâu cũng thấy phản động. Lúc nào cũng thấy nói đến thế lực thù địch đừng đằng sau. Khi ở trong đồn, tôi có nói với họ, chính việc làm của các anh đã đẩy dần dân về phía thù địch.

Có người cứ nhắc đến công an là ghét cay ghét đắng, thậm chí cho họ là một lũ ngu si dốt nát. Tôi cố gắng tránh sa vào cực đoan. Khi tiếp xúc với các tầng lớp xã hội, nhất là với công an, tôi hay để ý về nhân cách, về nhận thức của từng người. Đôi khi (đôi khi thôi), tôi cũng gặp được những người có  kiến thức, có tư duy đúng về các vấn đề xã hội. Có những kẻ mãi mãi vẫn là kẻ phản nước hại dân, dù chế độ nào nó vẫn thế thôi, nó chỉ thích tiền và quyền lực. Cũng có người, bên cạnh những việc làm đáng ghét, vẫn còn điều gì đấy mà người ta không coi là thù nghịch. Khi tiếp xúc với họ, tôi cũng cố gắng phân biệt người nào bản chất vốn độc ác, người nào hăng hái tích cực lập thành tích với bản chất hãnh tiến và người nào miễn cưỡng thi hành mệnh lệnh trái pháp luật, trái lòng dân.

Nhưng việc bắt bớ chúng tôi, tôi nghĩ không phải là chủ trương của cá nhân nào, nghĩa là đó là chủ trương của một tập thể. Người ta thường nói trí tuệ tập thể cơ mà. Vì thế, tôi càng khó hiểu về những gì ngành công an hành động để đối phó với buổi họp mặt tôn vinh phụ nữ nhân ngày 8/3 hôm đó.

Hãy phân tích xem ngành công an đạt được những gì:

-  Một là, tách được ba trong số cả trăm người ra khỏi buổi gặp mặt. Điều đó cũng có nghĩa là làm cho ba người phụ nữ không được chồng tặng hoa nhân ngày Quốc tế phụ nữ.

-  Hai là, thời gian buổi họp mặt kết thúc sớm hơn so với dự kiến vì phải lo chia đi các hướng đòi trả tự do cho những người bị bắt.

Thế thôi. Liệu kết quả này có gì đáng nể không, có đáng huy động bao nhiêu công an, mật vụ, phương tiện không?

Còn những thứ mất hoặc những điều không đạt được thì nhiều lắm:

-  Tôi chưa tìm hiểu xem ở số 6 Quang Trung (Hà Đông), nơi câu lưu Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện như thế nào nhưng ở công an Thanh Trì, việc đòi người bị bắt đã thu hút hàng trăm dân địa phương. Họ nói là chưa từng chứng kiến những việc như thế này. Họ bảo thấy công an hỏi đến là chúng tôi sợ lắm. Nhiều người tỏ ý đồng tình, khích lệ những người đi đòi trả tự do cho tôi. Ngược lại, đoàn đòi thả người đã tiếp cho họ can đảm để biết vượt qua nỗi sợ. Những người biểu tình viên chống TQ can đảm rồi, sẽ can đảm nữa.

-  Hành động bắt bớ của công an làm cho người biểu tình thương yêu nhau hơn, đoàn kết hơn, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, điều này hẳn cơ quan công an không muốn.

-  Dù có chuyện bắt bớ, buổi họp mặt vẫn diễn ra, với đủ các gương mặt lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, nhà văn, nhà thơ. đặc biệt trong số đó có mặt cụ Lê Hiền Đức, công dân chống tham nhũng được Tổ chức Minh bạch quốc tế trao giải thưởng Liêm Chính, lão tướng 96 tuổi Nguyễn Trọng Vĩnh oanh liệt với một thời trận mạc.


Những biểu tình viên không hề được dự định thay thế đã tự đứng lên, lãnh lấy trách nhiệm điều hành. Mọi người hỏi han nhau, chúc những điều tốt đẹp cho nhau, cho đất nước. Những bài thơ yêu nước, tôn vinh phụ nữ được chính tác giả trình bày, gây cảm xúc mạnh mẽ cho mọi người. Những phụ nữ thật đẹp, lộng lẫy với những tà áo dài. Tôi về xem lại loạt ảnh buổi gặp mặt hôm ấy, thấy không khí thật vui và cảm động.

Trong khi đó, bên ngoài là những an ninh, mật vụ đứng thập thò ở những bóng cây hay góc khuất, dưới những ngọn đèn đã tắt. Không khí trong và ngoài nhà hàng khác hẳn nhau.

-  Điều này quan trọng hơn cả. Sau khi ba chúng tôi bị bắt ít phút, đã có hai đài truyền thông quốc tế loan tin cùng rất nhiều trang mạng khác. Cả thế giới biết vào giờ này, ngày này, tại thủ đô Hà Nội, có cuộc bắt bớ, trấn áp chỉ vì một buổi tôn vinh những người phụ nữ, là những người đã từng xuống đường biểu tình vì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước cùng những người vợ sát cánh bên chồng hoặc làm hậu phương vững chắc, tạo điều kiện cho chồng hoạt động trong phong trào yêu nước.

-  Tất cả những việc làm tùy tiện, bất chấp pháp luật, sự kém cỏi của ngành công an cũng  tiếp tục được phơi bày trên các phương tiện truyền thông và trước con mắt của những người dân.

-  Việc thị uy, khủng bố phủ đầu cũng hoàn toàn thất bại, điều này tôi đã nói tới trong kỳ 1.

-  Tôi tin chắc rằng, những người cũng bị bắt như tôi: Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, luật gia Nguyễn Kim Môn không một ai nao núng, sẵn sàng đảm nhiệm vai trò của mình trong những sự kiện tương tự.

Càng phân tích thiệt hơn, càng thấy khó hiểu. Tại sao ngành công an lại làm như vậy? Tôi đành quay sang một lối lý giải khác. Không phải là họ không biết những việc làm đó không được pháp luật cho phép, không phải họ không biết ngành công an đã mất lòng dân nhưng đã trót xấu rồi nên chẳng cần giữ gìn gì nữa.

Có một câu chuyện xưa kể rằng:

Khi ông Trương Cán mới thi đậu, có vào yết kiến ông Vương Đình Tướng là một bậc danh sĩ đời bấy giờ. Ông Vương Đình Tướng bảo rằng: “Hôm trước, trời vừa mưa xong, tôi đi ra phố, có trông thấy một người đi đôi giày mới, đi từ phố này đến phố kia, rón rén tìm lối mà bước, chỉ sợ lấm giày; sau quanh vào trong thành, bùn lầy nhiều quá, người ấy lỡ chân dẫm phải đống bùn, từ bấy giờ cứ bước tràn đi, chẳng tiếc gì đến đôi giày nữa. Xem thế mới biết người ta nên giữ gìn tính hạnh ngay từ lúc đầu, nếu đã lỡ một lần, thì dần dần thành ra người càn dỡ”. 

Ông Trương Cán nghe lời dạy ấy, lấy làm cảm phục, mà tôn làm thầy.

Thiết nghĩ mọi người nên lấy điều ấy làm răn. Dẫu việc nhỏ mọn thế nào, cũng phải cẩn thận giữ gìn, nếu không thì chỉ có lần đầu là khó, rồi hễ đã quen một lần là quen mãi.

Đến đây, bạn đọc đã hiểu tại sao trong bài viết “Lời vắn với bạn đọc của NTTblog”, tôi có khái quát một câu:

Việc bắt giữ tôi, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và luật gia Nguyễn Kim Môn có thể áp dụng câu nói của Nhà thơ Bằng Việt trước phiên xử phúc thẩm Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ mà cho rằng, đấy là một sự ngu xuẩn, “Ngu xuẩn, không thể dùng chữ nào khác”.

Không biết ngành công an sau đó tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm như thế nào nhưng chắc chắn rằng, họ không ấu trĩ tới mức cho rằng đây là trận đánh đẹp, “hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay” “có thể viết thành sách” như vị đại tá nào đó ở Hải Phòng.

14/3/2012
TƯỜNG THỤY
HẾT


Liên quan:
07/03 THẬT BUỒN   –   (blog Thành).  

Nguồn: Nguyễn Tường Thụy - blog.

14 nhận xét :

  1. người dân miền namlúc 09:00 15 tháng 3, 2012

    Gần 10 năm về trước , người dân ai cũng thương yêu
    các anh công an - và thường được gọi bằng : chú công an , họ rất dễ mến và gần gũi với nhân dân .
    - và 2 năm nay tôi thấy sao ngành công an - an ninh họ hung dữ quá , chỉ vì không đội nón bảo hiểm họ lại đi đánh chết dân , điều tra một vấn đề nào đó họ dùng nhục hình , người dân bức xúc HS-TS bị Trung Quốc gây sự , dân chúng đi biểu tình , phản đối Trung Quốc . họ lại bắt bớ , thủ đoạn nầy kia , họ vu khống là phản động , các anh công an thường xuyên bắt người vô cớ .
    - Bây giờ thú thật dân chúng không ai có cảm tình với ngàng công an - an ninh , điều nầy thật đáng buồn - có phải tất cả chỉ bởi vì quyền lục chăng ? lương tâm của con người đâu rồi ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu nói người dân ai cũng yêu thương các anh công an, thì những chú công an được Dân yêu thương chỉ có một số ít...rất ít.Còn người dân không có cảm tình với công an thì đã có từ lâu rồi.

      Xóa
    2. Tình trạng dân không tin công an, thậm chí rất ghét công an không phải chỉ "đáng buồn" đâu , mà là "chí nguy" cho đất nước đấy bác ạ.
      Tôi có thằng cháu làm công an, than phiền: Không hiểu sao bây giờ dân ghét công an đến thế. Cháu bị gia đình cô người yêu phản đối dữ dội, hôm cháu đến nhà chơi, bố cô ấy lạnh lùng nói: "Xin lỗi anh, con tôi không có phúc lấy chồng công an. Mời anh về cho". Thế mới đau chứ!

      Xóa
    3. Xin bổ sung thêm, tôi đã suy nghĩ nhiều về chuyện vì sao bây giờ dân ghét công an? Ngày xưa các anh công an luôn làm những việc tốt để giúp dân, giữ cho cuộc sống của dân được bình yên nên được dân yêu, dân tin, dân nhờ cậy. Còn bây giờ, nhìn thấy công an là... sợ, vì công an bây giờ tha hóa lắm(thằng cháu tôi hồi mới vào ngành CA rất trong sáng,giờ thì... cũng bậy lắm) chỉ giỏi hành dân, sách nhiễu dân, bắt dân, đánh đập dân, ăn chặn của dân; mặt mũi các anh công an bây giờ nom cũng lạnh lùng, hắc ám, vô cảm, khó coi, khó gần hơn ngày xưa. Ra đường dân lỡ bị đụng xe hay bị kẻ cắp móc túi thì ráng chịu, hoặc tự giải quyết, chứ gọi công an có khi còn chuốc thêm phiền phức, chưa kể có khi làm ơn mắc oán, mình chẳng làm gì sai họ cũng dọa dẫm, vòi tiền, lôi thôi còn bị tống giam, lại mất tiền chạy chọt, có khi chưa kịp "chạy" đã chết một cách "bí ẩn", oan ức ở nơi tạm giữ, hoặc bị vu là "tự tử"...
      Tóm lại, hành vi của "một bộ phận không nhỏ" công an ngày nay khiến người dân có cảm tưởng họ mặc sắc phục là để "kiếm ăn" chứ không phải để bảo vệ dân, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Dần dần người dân nhìn công an như nhìn "xã hội đen". Không tin, các bác cứ thử làm một cuộc điều tra bỏ túi mà xem.

      Xóa
    4. “có thể viết thành sách” như vị đại tá nào đó ở Hải Phòng đó là đại tá công an đỗ hữu ca một con người với bản chất vốn độc ác,và tàn bạo như thằng Xăm trong tiểu thuyết Hòn đất của nhà văn Anh Đức (tôi cố ý và không bao giờ viết hoa họ và tên tên ca)

      Xóa
  2. Đọc toàn bộ các kỳ của nhà văn Tường Thụy viết về vụ bắt giữ người của CA Thanh Trì, tôi có đôi điều muốn nói như sau với các anh công an:

    Tôi hiểu và thông cảm với các anh rằng các anh đang thực thi nhiệm vụ cấp trên giao mặc dù các anh đều biết việc bắt giữ người như vậy là ko đúng luật pháp, là vô lý. Qua cách các anh đối xử với người bị bắt, vẫn nhận thấy có sự yếu thế và bất đắc dĩ trong hành động cũng như thấy rằng các anh chưa phải đến nỗi mất hết nhân tính. Tuy nhiên hành động của những anh em được giao đến nhà Tường Thụy dùng vũ lực khống chế nhà văn lên xe cần rút kinh nghiệm bởi nó biết đâu sẽ là điểm xuất phát của mọi vấn đề. Giả sử nếu người bị bắt chống cự quyết liệt, dẫn đến xô xát, đổ máu, thậm chí chết người thì nó sẽ là mồi lửa làm bùng lên một đám cháy lớn vốn đã chực chờ có cơ hội. Sẽ là một thảm họa đối với các anh khi đó bởi cấp trên của các anh sẽ phủi tay rũ trách nhiệm, mọi tội lỗi sẽ đổ lên đầu kẻ thực thi ngu ngốc và mù quáng như các anh. Hãy lấy tấm gương tên Ninh trong vụ đánh chết bác Tùng làm gương. Hắn chắc giờ sống cũng không khác nào đã chết.

    Có rất nhiều công an sẵn sàng đánh mất nhân phẩm và bất chấp đạo lý với mong muốn được lòng cấp trên, thăng quan tiến chức (chẳng hạn như Đại úy Minh trong vụ đạp vào mặt người yêu nước). Nhưng hãy tự hỏi như thế có đáng chăng, chức vụ, quyền hành liệu có được bền vững?...

    Mấy lời của người từng trải, mong anh em suy nghĩ.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi là một cô giáo dạy ở trường PTTH bình thường, chồng tôi là một sĩ quan công an, nhưng bạn bè và người ngoài không ai nói chồng tôi là một kẻ vô tâm, hám danh, tham tiền. Ngày ngày lên giảng đường dạy các em học sinh tôi chưa phải xấu hổ vì chồng tôi.
    Tôi xin được khẳng định, chồng tôi là công an, nhưng là một con người đàng hoàng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu chồng cô là một CA đàng hoàng thì tôi dám chắc 100% là nhà cô chưa bao giờ có được trên 100 triệu đồng trừ phi ... bán đất. Còn nếu nhiều hơn thì cần phải xem lại. Nhé ?!

      Xóa
    2. Chỉ tại đó là chồng bạn thì bạn thấy thế thôi! Bạn cứ ra đường thì biết CA đối xử với dân thế nào! Bạn cứ nhìn tên đại úy Minh đạp vào mặt người biểu tình, cứ nhìn tên CA dùng sức mạnh cưỡng chế người biểu tình ôn hòa, nhìn CA đánh dân đến chết vì không đội ũ bảo hiểm, nhìn CA bảo kê cho cho côn đồ lộng hành, nhìn nhiều điều nữa... bạn sẽ thấy dân ghét CA không phải là vô cớ! Mong chồng bạn là người tốt, để sau này để phúc cho con!

      Xóa
  4. ...."Càng phân tích thiệt hơn, càng thấy khó hiểu. Tại sao ngành công an lại làm như vậy? Tôi đành quay sang một lối lý giải khác. Không phải là họ không biết những việc làm đó không được pháp luật cho phép, không phải họ không biết ngành công an đã mất lòng dân...."

    CHẮC HỌ KHÔNG MUỐN "NƯỚC LẠ" BUỒN!

    Trả lờiXóa
  5. Có giam gữi câu giờ ...có làm gì đi nữa thì đâu chỉ riêng 1 Bác Thụy, 1 Bác Xuân Diện mà hàng trăm hàng nghìn rồi sẽ đến hàng triệu triệu nếu CA họ không thay đổi cách đối xử

    Trả lờiXóa
  6. Biểu hiện đó chính là sự suy đồi, thoái hóa...

    TH

    Trả lờiXóa
  7. Hoan hô bác Tường Thụy, em đã nói rằng khó mà bẻ gãy được ý chí của một con người như bác mà. Bác lập luận chặt chẽ và chính xác lắm. Cảm ơn bác, em sẽ lấy đó để làm kinh nghiệm đối phó cho chính mình.

    Trả lờiXóa
  8. Khi đọc tin Bác, Bác Diện và Bác Môn được trả tự do thì tôi mừng không thể tả. Và tôi luôn mong rằng từ nay các Bác sẽ không gặp tình cảnh vô duyên và bẻ bàng trên. Xin cầu chúc an lành đến tất cả các Bác.

    Trả lờiXóa