Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Nguyễn Trường Lịch: TIÊN LÃNG VÀ CHUYỆN CỔ TÍCH

Tiên Lãng và chuyện cổ tích
Nguyễn Trường Lịch

Kể từ khi xảy ra vụ cưỡng chế đất và phá nhà ở Tiên Lãng đến nay đã gần hai tháng, mà dường như ngày nào trên các tờ báo lớn từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh cũng xuất hiện các bài viết luận bàn xung quanh chuyện đất đai, chuyện luật pháp cùng chuyện hành xử của các cán bộ quản lí Tiên Lãng, TP Hải Phòng.

Nói đến chuyện ruộng đất, tôi thuộc lớp người cao tuổi thường hay nhớ về quá khứ, bỗng nhiên lại nghĩ về chuyện ngày xưa. Đã lâu lắm rồi, từ trước tháng Tám 1945, hồi còn học lớp Hai, tôi đã được đọc câu chuyện cổ tích pha ngụ ngôn “Kho báu” thời cổ đại Hy Lạp. Thời xửa, thời xưa, có hai vợ chồng người nông dân nọ quanh năm ngày tháng đầu tắt, mặt tối cuốc bẫm, cày sâu trên mảnh đất của mình, cố sao cho gia đình đủ sống và kết quả là đã dựng xây được một cơ ngơi khấm khá, ấm áp cùng làng xóm. Thời gian trôi đi, hai người mỗi ngày một già yếu; còn hai con trai đã lớn lại không muốn cày cấy vất vả, chỉ mơ mộng những câu chuyện hão huyền xa xăm. Sau khi bà mẹ lìa đời, ông lão cũng lâm bệnh nặng. Biết khó lòng qua khỏi, lão bèn gọi hai con trai đến bên giường, dặn dò: - Suốt đời cha vất vả cày bừa, cha không thể sống mãi chăm lo cho các con được. Cha đau lòng lắm, cha chỉ có mấy mảnh ruộng nhà là kho báu quý giá nhất đời để lại cho hai con; nếu gặp khó khăn hai con hãy cố đào bới lấy vàng lên mà sống! Trong nước mắt, người cha cầm tay hai con ngậm ngùi trăng trối dặn các con hãy cố gắng chia ngọt sẻ bùi thương yêu nhau để cha yên nghỉ nơi suối vàng! Thế rồi, lão nhắm mắt xuôi tay.

Sau khi cha mất, hai người con vâng lời bố chăm lo làm ăn, yên trí theo lời cha dặn, là đã có của để dành! Nhưng rồi cuộc sống khó khăn vẫn quẩn quanh năm tháng, nên hai anh em bàn nhau tìm vàng trên mảnh đất kho báu cha dặn. Đào bới, đào bới hàng ngày, bao mồ hôi, nước mắt đã chảy, sao không thấy vàng? Chẳng hề tìm thấy vàng, mà chỉ thấy thu hoạch từng vụ được tăng lên gấp bội, đời sống gia đình ngày càng khấm khá hơn. Từ đấy, họ càng chăm chỉ cày bừa trên các mảnh đất cha ông để lại, và càng thấu hiểu lời dặn quý báu của cha. Họ ngộ ra rằng, chẳng có vàng bạc đâu, mà chỉ có lao động cần cù mới đủ sống. Đó mới chính là vàng thật! Câu chuyện tuy ngắn, nhưng cứ mãi ám ảnh tôi suốt cuộc đời. 

Chuyện tận xa xưa, nhưng đến nay vẫn còn sống động và có ý nghĩa thời sự, đối với bà con nông dân. Tuy vậy, trải nhiều tháng năm dài, chúng ta chưa thật coi trọng cái kho báu đất đai vô tận này, mà cứ mộng mơ lãng mạn đi tìm vàng đâu đó mà mãi vẫn chưa tìm thấy!

Làng quê tôi, một vùng đất miền bán sơn địa chốn Hà Tĩnh, hằng năm dân số trong xã tăng trưởng âm, bởi lẽ nam nữ thanh niên rời bỏ làng đi về Tây Nguyên và phương Nam lao động kiếm sống. Còn một số có học thì hướng tới Thủ đô lập nghiệp lâu dài. Điều dễ hiểu là bình quân ruộng đất chưa đủ ba sào tính theo đầu người. Tuy vậy, nhiều mảnh vườn vẫn bỏ hoang, bán rất rẻ vẫn không có người mua. Xóm làng phần lớn là cán bộ, bộ đội về hưu cùng lớp cao tuổi được con cái gửi thêm tiền nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ. Ba xã chung nhau chỉ góp đủ số học sinh cho một trường Trung học cơ sở (xã Sơn Hà + Sơn Mỹ + Sơn Tân), mặc dầu quê tôi vốn có truyền thống ham học từ bao đời. Suy đến cùng, tôi nghĩ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ mới dừng lại ở nơi xa xôi, mà chưa vượt qua núi non và sông ngòi cách trở quê tôi!

Hiện nay, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang hướng theo một trong những phương châm quan trọng là “li nông” mà “không li hương”. Để tránh rơi vào quên lãng theo kiểu khẩu hiệu rải thảm đỏ đón nhân tài của các tỉnh những năm qua, tôi nghĩ có lẽ các cấp quản lí cần kịp thời đầu tư các phương tiện máy móc hiện đại thiết thực và hiệu quả, giúp nông dân ổn định tư tưởng, thật sự gắn bó với ruộng đất nhằm nâng cao mức sống vật chất, mà không chỉ dừng lại ở định hướng.

Rõ ràng là đã 60 năm qua chúng ta từng gặp bao nhiêu rắc rối xung quanh việc quản lí ruộng đất, rừng núi, hầm mỏ, sông biển… mà vẫn chưa đạt được những quy định pháp lí chặt chẽ để biến những tài sản thiên nhiên quý giá ấy đạt tới năng suất cao thu lợi cho nông dân. Kinh nghiệm chín muồi cho ta thấy nếu người lao động xa rời ruộng đất, rừng núi, sông biển… đua nhau ra thành phố kiếm sống thì sẽ rơi vào thất nghiệp tràn lan, rất khó khắc phục. Tôi nghĩ Hội Nông dân hãy thử làm một điều tra xã hội học để tìm hướng giải quyết một cách cụ thể và khoa học. Chỉ cần quan sát xung quanh khu nhà tập thể cao tầng làng Quốc tế Thăng Long, quận Cầu Giấy: - mỗi buổi chiều có hàng chục phụ nữ đang tuổi lao động sẵn sàng làm ô-sin dắt trẻ dạo chơi, cùng hàng chục người mua bán phế liệu đồng nát quẩn quanh cạnh hàng chục lái xe ôm và hàng chục chị em bán ngô nướng, bắp luộc, hàng chục nam nữ thanh niên làm thuê ở các quán ăn uống, chắc có thể hiểu được tình trạng nông dân rời bỏ ruộng đồng đến mức nào? Đó là cảm nghĩ của tôi, dẫu sao cũng là góc nhìn thiện tâm của một người ra đi từ lũy tre làng…


*Tác giả Nguyễn Trường Lịch là PGS. TS Văn học, chuyên gia về văn học nước ngoài.
Khoa Văn, ĐH Tổng hợp HN.


6 nhận xét :

  1. Cám ơn PGS. TS Nguyễn Trường Lịch đã cho biết xuất xứ của câu chuyên ngụ ngôn "Kho bàu" mà bản thân đã được học vào hồi câp I (khoảng lớp 2 hoặc lớp 3). Câu chuyên được viết bằng thơ lục bát với nhan đề "Càng sâu cày cuốc càng dôi thóc vàng". Không hiểu vì lý do gì mà tôi thuộc lòng bài thơ này và đã theo tôi trong suốt những năm sơ tán về nông thôn và cũng nhờ bài thơ mà những người sinh ra và lớn lên ở Hà nội như tôi luôn luôn biết ơn đến những người nông dân với tấm lòng rộng mở, chân thật và chân thành hết mức đã nhường chỗ ở cho những lũ trẻ con chúng tôi đến ở nhờ vì phải sơ tán tránh bom Mỹ.Đến nay sau hơn 40 năm trở về thành phố nhưng chị em tôi vẫn thỉnh thoảng về nới sơ tán cũ thăm hỏi bà con, cùng nhớ lại những kỷ niệm tốt đẹp về người dân nông thôn chất phác, tốt bụng và cảm giác đó theo tôi mãi cho đến tận ngày hôm nay. Nhất là trong câu chuyện anh Vươn ở Tiên Lãng.
    Nay xin ghi lại bài thơ trong trí nhớ (có thể 1 vài từ nhớ chưa chính xác, mong những ai cũng nhớ về bài thơ này lượng thứ)cho dù đã cách đây gần 50 năm.

    Càng sâu cày cuốc, càng dôi thóc vàng

    Chuyên xưa kể lại rõ ràng
    Có người sắp chết trối trăng vài lời
    Nghe lời cha dặn con ơi
    Mai sau cha khuất núi rồi nghe con
    Ra ngoài mảnh ruộng đầu thôn
    Vàng còn trăm nén cha chôn, moi về
    Người con sung sướng hả hê
    Đợi ngày lúa chín gặt về cho mau
    Ra công cuốc bẫm cày sâu
    Đào lên, lộn xuống đất màu mục tơi
    Vàng đâu chẳng thấy tăm hơi
    Đành lòng cấy lúa đợi thời xem sao
    Ai ngờ lúa tốt vươn cao
    Đến mùa thu hoạch mỗi sào gấp đôi
    Mới hay ông cụ dặn lời
    Càng sâu cày cuốc, càng dôi thóc vàng.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Lịch nói đúng quá . Phải làm ngay cuộc điều tra xã hội chứ không làm thử rồi để đấy. Nhưng tội thật không hiểu nổi cách làm việc của Đảng và NN thế nào như trong vụ Tiên Lãng, HP.
    Hai tháng qua đi rồi có lẽ hai năm, vụ Tiên Lãng không còn ai nhắc tới . Dân oan vẫn là dân oan, tù tội, mất đất, mất nhà. Quan tham vẫn là quan tham, vẫn chức quyền, nhà cửa, đặc quyền , đặc lợi. Cứ như thê , Đảng chẳng sống lâu được đâu. Quan tham đâu có chết cho Đảng .

    Trả lờiXóa
  3. Một câu chuyện kể thật nhân văn và rất thức thời
    Ảo mộng "thành thị hóa Nông thôn" sao mà cay đắng thế nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  4. Không thành thị hóa nông thôn
    Thì quan tham nhũng lấy "lương" mà ăn

    Trả lờiXóa
  5. "Hình ảnh người nông dân sau ba mươi sáu năm thống nhất vẫn là con trâu đi trước cái cày theo sau chỉ có khác nhau trước là ảnh đen trắng còn giờ đây là ảnh màu mà thôi"(Nguyễn Quang Thiều).Đảng cần nghiêm túc xem lại trách nhiệm của mình dừng tự huyễn hoặc hay lừa dối mình nữa.Hãy ngó sang các nước xung quanh sau cũng ngần ấy năm nông dân các nước so với nông dân mình khác nhau ra sao?

    Trả lờiXóa
  6. Miếng ăn tự tay mình làm ra là miếng ăn ngon. Của trên trời rơi xuống rồi cũng đội nón ra đi, nhưng để lại trong lòng nỗi day dứt suốt đời...khi đưa tay nhận "hối lộ"

    Trả lờiXóa