TỪ ĂN CHẶN ĐẾN SÁCH NHIỄU VÀ VƠ VÉT
Bùi Xuân Đính
Tháng Hai năm Nhâm Dần (tháng 3 năm 1842), sau khi lên ngôi được một năm, Vua Thiệu Trị tiến hành chuyến du thăm các tỉnh ngoài Bắc. Khi xa giá của vua đến gần thành Hà Nội, tại xã Tây Đam (nay là xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội) xảy ra vụ cướp. Bị truy đuổi, bọn cướp gồm năm tên chạy giạt lên phía Tây Bắc thuộc tỉnh Sơn Tây, song bị cha con viên Chánh tổng Phạm Đình Hanh ở phủ Quảng Oai cùng lý dịch và dân phu chặn bắt được; Phân phủ (quan đứng đầu một phủ nhỏ) Dương Công Bình lại nhận là công của mình. Quan phụ trách tỉnh Sơn Tây là Tổng đốc Nguyễn Công Hoán tâu việc đó lên. Công Bình vì thế được gia thưởng một cấp kèm theo tiền; còn Chánh tổng Phạm Đình Hanh, các lý dịch và dân phu được thưởng chung 100 quan.
Do có công mà lại bị “ăn chặn”, Phạm Đình Hanh đem việc trên kêu về tận hành tại (nơi vua Thiệu Trị tạm đóng trong những ngày ở đất Bắc). Vua sai bộ Hình tra xét thì thấy sự tình đúng như Phạm Đình Hanh kêu lên. Bộ Hình đề nghị xử Công Bình đánh trượng và lưu (đi đày) vì tội giả mạo, bọn Nguyễn Công Hoán vì tấu đối không thực cũng bị giáng chức.
Vua Thiệu Trị cũng lệnh cho các quan tra xét việc giặc cướp nổi lên ở các địa phương thuộc hai tỉnh Sơn Tây và Hà Nội khi đó. Quan thanh tra là Ngự sử Trần Kinh Vỹ đi dò xét đã phát hiện bọn cướp thường ra vào địa hạt hai phủ Lâm Thao, Đoan Hùng (tỉnh Sơn Tây). Ngự sử Nguyễn Cư Sĩ cũng tâu rằng, giặc cướp quấy nhiễu dân ở nhiều nơi xa xôi, chống lại quan quân, giết hại quân dân, nhưng các quan tỉnh Sơn Tây lại cố ý bỏ qua, không đem tâu lên. Cùng khi đó, Tri phủ Đoan Hùng là Phạm Khắc Tuy bị các lại viên và lính lệ trong phủ đường tố cáo chứa giấu giặc cướp, dìm bỏ những án nặng và mượn tiếng việc cung tiến để thu lấy tiền tài của dân chúng vào túi riêng.
Vua Thiệu Trị nghe lời tâu ấy của các quan Ngự sử, liền cách chức Phạm Khắc Tuy, xích lại, giao đem tra xét kỹ ngọn nguồn. Toàn bộ các quan đầu tỉnh Sơn Tây là Nguyễn Công Hoán, Lương Quốc Quang, Vũ Vịnh, Trần Văn Luận cùng bị giải chức và giao nghị tội. Các quan ở phủ Lâm Thao, quan các huyện Phù Ninh, Sơn Vi, Thanh Ba và cả những lại viên của các nha phủ, huyện đó đều bị cách chức và phải đích thân đi bắt giặc cướp để chuộc tội.
Cũng trong khoảng thời gian Vua Thiệu Trị xa giá đến tỉnh thành Hà Nội, các quan tỉnh Sơn Tây đã đem dâng tiến phẩm vật lên Vua. Đến đây, khi các lại dịch tố cáo quan tỉnh, quan phủ mượn tiếng dâng đồ quý lên vua để thu lạm tiến của dân, Vua liền dụ các quan ở Nội các rằng : “Khi trước, tỉnh Sơn Tây dâng tiến nhân sâm, vàng ngọc, lụa thêu, Trẫm cho rằng, ngọc khuê không phải là vật dùng ở triều đình, mới sai thu nhận một chiếc để vui lòng người dưới, lại thưởng cho bạc lạng, còn mọi vật đều trả về. Nay phát ra án Khắc Tuy, thì té ra những đồ đưa dâng đó đều là của vơ nhặt, sách nhiễu. Vậy cho đem ngay ngọc khuê vứt trả, còn bạc lạng đã thưởng rồi, bất tất truy đòi làm gì, nhưng truyền chỉ cho quan lại tỉnh ấy được biết : trước đây đã thu của dân bao nhiêu thì nay đều phải nhả về để trả lại cho dân cả, nếu còn dám để mất một chút nào, việc phát giác ra, sẽ nghiêm xử tội thêm bậc, không tha”.
Một tháng sau, bộ Hình trình lên Vua hai bản án trên. Các quan tỉnh Sơn Tây phải chịu các mức phạt như sau :
- Nguyễn Công Hoán bị mất chức Tổng đốc, phải đi Hà Tiên “hiệu lực” (đem sức làm việc lập công chuộc tội).
- Án sát (quan phụ trách việc hình án, tư pháp tỉnh) Vũ Vịnh bị mất chức, phải đi làm lính ở đảo Phú Quốc.
- Lãnh binh (quan phụ trách việc quân sự tỉnh Sơn Tây) Trần Văn Luận bị cách chức, sai đi ra sức nã bắt tội phạm, lập công chuộc tội.
- Phạm Khắc Tuy bị giảo giam hậu (bị tội chết, nhưng cho tạm giam để xét lại án vào tháng Bảy).
- Riêng Bố chính (quan phụ trách việc binh lương, thuế khóa tỉnh Sơn Tây) Lương Quốc Quang khi đó đã chết nên không áp dụng hình phạt.
Vua Thiệu Trị đã y án của bộ Hình đưa lên.
Lời bàn:
Tranh công của người dưới quyền, tâu báo hàm hồ, vô trách nhiệm trong việc trấn dẹp giặc cướp để cho dân được sống yên ổn, cố tình không tâu báo các việc yếu kém trong địa hạt; hơn nữa, lại chứa giấu bọn giặc, dìm bỏ án nặng và mượn tiếng việc tiến vua để bắt dân cống nạp tiền của để thu lợi … “Bức tranh phạm tội” của các quan tỉnh Sơn Tây cuối đời Vua Minh Mạng, đầu đời Vua Thiệu Trị quả là “sặc sỡ”. Họ bị xử chết, cách chức, đánh trượng và đi đày, đi hiệu lực quả chưa hẳn thích đáng với tội trạng mà họ gây ra.
Sở dĩ các quan tỉnh Sơn Tây có thể “ung dung” phạm tội là vì việc thanh tra, giám sát không được tiến hành thường xuyên. Họ đã lợi dụng vào uy quyền, vào các điều kiện để dân chúng được giám sát, tố cáo (các hành vi sai phạm của họ) không đầy đủ và đồng bộ (hệ thống giao thông, thông tin thấp kém, dân không thể bỏ tiền của để đến với công đường; các cơ quan thanh tra lại ở quá xa dân...), vào sự quan liêu của các cơ quan triều đình ... Rõ ràng, việc thanh tra không tiến hành thường xuyên, dân không có điều kiện để tham gia giám sát quan lại là những kẽ hở tốt nhất để họ lợi dụng trục lợi.
Câu chuyện xảy ra đã gần 170 năm, nhưng vẫn để lại những bài học mang tính thời sự cho cuộc sống hôm nay.
Một là, việc thanh tra để phát hiện sai phạm của các tổ chức, các cá nhân có chức quyền không chỉ theo “thời vụ”, mang tính đối phó, tức chỉ thực hiện khi có các chuyến công du của một vị lãnh đạo cao cấp nào đó đến một địa phương; lãnh đạo đi rồi, tình hình “đâu lại vào đó” thì chỉ là một thứ thuốc “gây nhờn”, cho những cán bộ thoái hóa biến chất coi thường kỷ cương, lợi dụng kẻ hở của chính sách, của pháp luật để trục lợi. Chỉ có tiến hành kiểm tra, thanh tra thường xuyên, thường kỳ mới ngăn chặn được tệ nạn đó.
Hai là, khi phát hiện quan chức sai phạm, phải nhanh chóng điều tra làm sáng tỏ vụ việc và đưa ra xét xử nghiêm khắc. Vụ án trên đây cho thấy điều đó, chỉ trong một tháng, các quan bộ Hình cùng các quan thanh tra đã làm rõ những sai phạm nghiêm trọng của cả một “bộ sậu” quan chức từ tỉnh xuống phủ huyện; sau đó nhanh chóng đưa ra bản án với mức phạt rất nghiêm khắc và áp dụng chế độ liên đới chịu trách nhiệm. Cũng như ngày nay, một cán bộ dưới quyền vi phạm thì người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm khắc; nếu không các vị “trưởng quan” sẽ sẵn sàng đổ lỗi cho khách quan, cho tập thể và cho bất kỳ người nào khác; kết cục chẳng có ai chịu trách nhiệm về những sai phạm, yếu kém cả. Đó là sự “nhờn luật” của quan chức.
Thứ ba, cán bộ cấp trên, nhất là cấp cao đi đến các địa phương cần hết sức thận trọng với các đồ quà được biếu tặng. Nếu không vì tình cảm thì các đồ đó của người dâng tặng đều là “mồi nhử” để những người biếu xén, “dâng tặng” được lọt vào “mắt xanh” ngõ hầu được thăng quan tiến chức để tiếp tục trục lợi; và, điều đáng lưu tâm là, những thứ quà đó họ có được là do bày đặt, đục khoét, bóp nặn dân chúng đang sống khốn cùng.
Việc Vua Thiệu Trị ra lệnh đem ngay ngọc khuê mà các quan chức tỉnh Sơn Tây đã tặng, đồng thời lệnh cho họ “đã thu của dân bao nhiêu thì nay đều phải nhả về để trả lại cho dân” thể hiện thái độ rõ ràng, cương quyết của ông trước những “món quà bẩn” của họ.
Vua Thiệu Trị nay còn đâu
Trả lờiXóaNhỏ đánh cắp đồng xu, lớn đánh cắp con bò...
Trả lờiXóaTH
Hôm nay đi ngang qua,
Trả lờiXóalại mới thấy hiên trà quen thuộc.
Mừng,
mà vẫn ngỡ ngàng,
chưa quên được nỗi bẽ bàng chiều qua,
vào ngõ cũ gặp một cái hiên tây,
hiện đại mà xa lạ.
Xin đừng ÂU HÓA mấy bức phù điêu đình làng,
xin đừng BÊ TÔNG hóa mấy mái ngói cong dẫu đã rêu phong.
Ôi!
Chữ trinh còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan.
Tập thể trách nhiệm, nên chẳng có cá nhân nào hoàn toàn " đúng mũi chịu sào " , cùng lắm thi đồng chí X nhận lỗi " trách nhiệm chính trị " và ta tha cho mình là xong.
Trả lờiXóaThời gian trị vì của vua Thiệu Trị tuy không dài, nhưng trong thời gian không dài đó thì đất nước ổn định, văn hóa - giáo dục được quan tâm phát triển.
Trả lờiXóaĂn chặn, sách nhiễu, và vơ vét... có chút đỉnh như trong câu chuyện trên, mà nhà vua ra những hình phạt phải nói là kinh khủng! Nếu vua Thiệu Trị mà ở thời này, không biết những tội tày trời của các quan ngày nay vua sẽ xử tới đâu nhỉ?
Trả lờiXóaVua Thiệu Trị có sống lại cũng bó tay trước nạn tham nhũng thời nay thôi. Bởi vì ngày nay vua còn quyền gì đâu mà giám sát và chỉ ăn rồi đi cho người ta tung hô thôi, khó mà biết được chuyện đời thực hư . Mọi sự đều được bưng bít tinh vi . Cứ xem như vụ Tiên Lãng, thủ tướng đã nói như thế mà vẫn cứ lơ lửng con cá vàng .
Trả lờiXóa