Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

TRAO ĐỔI LẠI VỚI TS TRẦN TRỌNG DƯƠNG VỀ CHỮ NÔM, CHỮ QUỐC NGỮ


GHI NHANH Ý KIẾN  VỀ CHỮ NÔM, CHỮ QUỐC NGỮ  
NHÂN ĐỌC HAI BÀI BÁO
Đào Tiến Thi
Blog Nguyễn Xuân Diện ngày 20-2-2012 đăng hai bài bàn về chữ Quốc ngữ, một bài tường thuật của Thu Thảo về một cuộc hội thảo và một bài của TS. Trần Trọng Dương (TTD), xoay quanh vấn đề: chữ Nôm và chữ QN, chữ nào “dân tộc” tính hơn?

Trước hết xin nhắc lại, bài thứ nhất là bài tường thuật của Thu Thảo, chứ không phải bài viết của Thu Thảo như ông TTD nhầm. Bài tường thuật không nói tên và ngày tháng cuộc hội thảo, nhưng hỏi ra đó là cuộc hội thảo (chính xác là cuộc tọa đàm)  “Nguyễn Văn Vĩnh và hành trình chữ quốc ngữ” do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà xuất bản Tri thức tổ chức ngày 17-2-2012. Diễn giả chính là các ông Nguyễn Lân Bình, Lại Nguyên Ân, Dương Trung Quốc, Mai Thành Chung. Xem ở:

http://tamnhin.net/Thuonghieu2/18989/Nguyen-Van-Vinh-va-hanh-trinh-chu-quoc-ngu.html

và xem ở:

http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/000010A/uggc:/=2fivrganzarg.ia/ia/tvnb-qhp/60706/puh-abz-unl-puh-dhbp-ath-zbv-yn-guhna-ivrg-.ugzy

Tôi thấy nhiều ý kiến của ông TTD lẫn nhiều ý kiến trong hội thảo (theo như lời tường thuật) thiếu khoa học và có gì đó không bình thường. Vì đang quá bận công việc, nếu thấy cần phải dành ra thời gian và sức lực, thì tôi ưu tiên cho chuyện Đoàn Văn Vươn, chuyện Bùi Thị Minh Hằng,… chứ không phải những chuyện này, dù nó cũng là vấn đề khoa học đáng quan tâm và tôi vẫn thường quan tâm. Cho nên tôi xin phép chỉ nêu ý kiến nhanh, gọn của mình, chủ yếu là nêu mà không diễn giải, chứng minh đầy đủ.

Ông TTD đưa ra 9 tiêu chí để xem xét, và tiêu chí nào thì chữ Nôm cũng “dân tộc” hơn chữ QN. Tôi xin điểm qua và bình luận từng tiêu chí và cách đánh giá của ông TTD (phần thuật ý kiến ông TTD dùng font Arial, màu xanh):

1. Chủ thể sử dụng: Ông TTD cho rằng từ giữa thế kỷ XX trở về trước, chữ Nôm được phần lớn cộng đồng cư dân Việt dùng, trong khi đó chữ quốc ngữ chỉ hạn hẹp trong cộng đồng cư dân theo Thiên Chúa giáo.
Lời bình: Đặt ra cái mốc giữa thế kỷ XX (ý nói mốc 1945 - ĐTT) trở về trước là bất công cho chữ QN. Khi ấy chữ Nôm đã đi trọn vẹn “cuộc đời”. Còn chữ QN thì từ  1945 mới được công nhận chính thức. Trước đó, từ nửa sau thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX, mới là giai đoạn hình thành; từ nửa sau thế kỷ XIX, chữ QN mới chập chững bước ra ngoài đời và cũng chỉ trên đất Nam Bộ, vùng đất mới khai phá, đất rộng người thưa, chưa có truyền thống văn học. Đời sống thực của chữ QN là từ phong trào Đông Kinh nghĩa thục (1907) trở đi. Vả lại, chỉ tính trong gần 40 năm đầu của thế kỷ XX thì chữ QN thì đã có một “chủ thể sử dụng” đông đảo mà trước đó không có thứ chữ nào có được; còn từ những năm 20 của thế kỷ XX – 1945, coi như chữ đã “toàn trị” trên văn đàn. Sao lại coi chữ QN chỉ có ở mỗi cộng đồng Thiên chúa giáo được?
Chưa kể trong thời gian tồn tại của chữ Nôm, chữ Hán song song tồn tại, và chữ Hán mới được coi là chính thức, dùng trong văn bản có tính chính thống (văn bản điều hành, khoa học) và trong văn chương bác học (thơ chữ Hán Đường luật, tế, truyện, ký), trong khi chữ Nôm chỉ dùng trong loại “văn chơi”: thơ Nôm luật Đường, thơ lục bát, truyện thơ Nôm. Sự coi rẻ văn Nôm đến mức, Nguyễn Du sau khi viết thiên tuyệt bút Truyện Kiều vẫn phải có “lời bạt” để khẳng định đây là “Lời quê cóp nhặt dông dài” dùng để mua vui mà thôi.
2. Chủ thể sáng tạo: Chữ Nôm là sản phẩm chữ viết duy nhất do chính người Việt sáng tạo trên cơ sở vay mượn tự hình chữ Hán để ghi lại tiếng Việt. Chữ quốc ngữ là sản phẩm do người phương Tây sáng tạo trên cơ sở vay mượn chữ cái La Tinh để ghi lại tiếng Việt (nhấn mạnh trong nguyên văn).
Lời bình: Thế là cả hai đằng cùng “mượn” còn gì? Còn xét cụ thể thì chữ Nôm mượn chữ Hán nặng hơn chữ QN mượn chữ La Tinh rất nhiều. Chữ Nôm mượn âm, mượn ý, mượn ký tự của chữ Hán, còn chữ QN chỉ mượn mỗi bộ ký tự, tức là mượn cái vỏ mà thôi. Chữ QN không có một mối liên hệ gì với các ngôn ngữ phương Tây, trong khi chữ Nôm liên hệ rất chặt chẽ với chữ Hán, cả chữ (ký tự, âm thanh) lẫn nghĩa, đến nỗi, phải biết chữ Hán mới học được chữ Nôm.
Vả lại, coi chữ QN hoàn toàn do người Tây sáng tạo là không chính xác. Có những bằng chứng về sự cộng tác của người Việt mà chính những cố đạo phương Tây thừa nhận[i].
Mặt khác, vấn đề không phải là mượn hay tự có. Quan trọng là chủ sở hữu. Tổng công trình sư xây Tử Cấm Thành là Nguyễn An, một người Việt Nam, nhưng người Việt Nam được tự hào hay người Tàu được tự hào?
3. Nguồn gốc văn hóa: Chữ Nôm có nguồn gốc bản địa, nguồn gốc Việt, mang đặc tính của văn tự Đông Á. Còn chữ quốc ngữ là có nguồn gốc ngoại lại, nguồn gốc Tây Âu, do người châu Âu sáng tạo.
Lời bình: Chữ Nôm chế từ chữ Hán, một thứ chữ của văn minh sông Hoàng Hà, tít tận phương Bắc, đâu có là bản địa? Mặt khác, nếu coi “bản địa” là khu vực thì chữ của ta phải có mối liên hệ với chữ Chăm, chữ Lào, chữ Thái, chữ Khmer mới là bản địa, vì ta thuộc khu vực văn hóa Đông Nam Á, chứ không phải Đông Á.
Mặt khác, làm sao coi chữ QN là ngoại lai được? Chữ QN không phải đem từ châu Âu đến. Chữ QN sinh ra, lớn lên trên chính đất nước Việt Nam, chỉ có người Việt Nam dùng. Về mặt nguồn gốc, nó Việt Nam hơn chữ Nôm nhiều.
4. Thời điểm hình thành: Chữ Nôm từ thời Lý Trần, chữ quốc ngữ tận thế kỷ XVII.
Lời bình: Lấy tuổi để xác định giá trị khác nào tiêu chuẩn “Sống lâu lên lão làng”? Nếu xếp loại quốc gia kiểu ấy thì Việt Nam là cố nội, còn Mỹ là trẻ sơ sinh, vì ta 4000 năm lịch sử (bây giờ tính chính xác là 2700 năm), còn nước Mỹ có hơn 200 năm!
5. Mục đích chức năng: “Chữ Nôm ra đời từ nhu cầu nội sinh về mặt văn hóa. Người Việt đã sáng tạo ra thứ văn tự của riêng mình để ghi tiếng mẹ đẻ của mình, và quan trọng nhất là lưu giữ lại toàn bộ đời sống văn hóa của mình”. Còn chữ QN “thuở ban đầu, được làm ra là nhằm mục đích truyền giáo, rộng hơn là truyền bá văn hóa phương Tây, và nó chính là công cụ để người Tây Dương xâm lăng nước Việt”.
Lời bình: Rất nhiều việc mà mục đích lúc đầu khác hẳn chức năng được dùng về sau. Đạo Thiên chúa ra đời ban đầu nhằm “cứu nạn cứu khổ’’ cho người dân nhưng rồi dưới thời trung cổ, nó được dùng làm công cụ nô dịch nhân dân. Chúng ta chưa biết rõ mục đích ban đầu của chữ Nôm là gì. Còn chữ QN đúng là ban đầu chỉ để truyền đạo, nhưng từ cuối thế kỷ XIX nó được dùng để sáng tác văn học và sang thế kỷ XX, nó dùng toàn diện với mục đích khai trí, mục đích cứu nước. Hãy nghe các chí sỹ cách mạng đầu thế kỷ XX cổ vũ cho chữ QN:
Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tính trước dân ta
Sách nước ngoài sách Chi Na
Chữ nào chữ ấy dịch ra tỏ tường.
Mặt khác, coi chữ QN là công cụ để người phương Tây xâm lăng Việt Nam là phép suy diễn tùy tiện. Nói thế chẳng hóa ra chữ QN dẫn đến mất nước? Tại Trung Quốc, Lào, Miến Điện, Ấn Độ,… người phương Tây không đem đến đó thứ “quốc ngữ” nào mà họ vẫn bị xâm lăng đấy thôi. Trái lại, từ đầu thế kỷ XX, nhờ có chữ QN mà xã hội Việt Nam được hiện đại hóa, lịch sử tăng tốc rất nhanh, đưa dân tộc Việt Nam lần đầu tiên hội nhập với thế giới.
Lại nữa, bảo người Việt dùng chữ Nôm để “lưu giữ lại toàn bộ đời sống văn hóa của mình” là không chính xác. Hầu hết lượng tri thức thời phong kiến viết bằng chữ Hán. Chữ Nôm từ khi ra đời đến khi “chết”, ngoại trừ một vài đầu óc mang tư tưởng cải cách (Hồ Quý Ly, Quang Trung) có ý định (cũng mới là ý định thôi) dùng làm văn tự chính thức, thì nói chung chỉ là để làm “văn chơi” thôi. Còn chữ QN tuy mới phổ biến khoảng 100 năm nay nhưng lượng tri thức chắc chắn đã vượt xa chữ Nôm. Nó gồm rất nhiều ngành khoa học hiện đại. Riêng về văn học, chỉ tính số tác phẩm từ đầu thế kỷ XX – 1945 đã đồ sộ và phong phú hơn hẳn văn học chữ Nôm suốt 8 thế kỷ. 
6. Quãng thời gian sử dụng. Chữ Nôm đã dùng khoảng 700 – 800 năm. Chữ Quốc ngữ được sử dụng từ thế kỷ XVII, mãi đến năm 1945 mới chính thức trở thành văn tự duy nhất của Việt Nam.
Lời bình: Thứ nhất, hãy quay lại mục 4 và 5 xem sống lâu đã chắc “lên lão” không.
Thứ hai, nếu đề cập đến việc “trở thành chính thức”, thì chữ Nôm suốt 800 năm (cho đến khi thành một thứ tử ngữ) đã có lúc nào được “chính thức” chưa? Trong khi chữ QN chỉ phổ biến vài chục năm đã trở thành chính thức.
7. Số lượng văn bản cổ hiện còn: Các văn bản chữ Nôm hiện còn lưu trữ ở Việt Nam (chủ yếu là Viện NC Hán Nôm), Nhật Bản, Trung Quốc, Ý, Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Mỹ… quãng 1500 tác phẩm với số lượng lên đến hàng trăm nghìn trang viết. Các văn bản chữ quốc ngữ có lẽ chỉ có hai trăm tác phẩm, và số lượng chỉ bằng 1/ 10 so với chữ Nôm (cả về đầu sách, và số trang sách)”.
Lời bình: Lại so sánh khập khiễng. Chữ Nôm thì tính toàn bộ “cuộc đời”, còn chữ QN thì chỉ tính lúc còn chập chững tập đi những bước đầu tiên. Chỉ cần tính giai đoạn “niên thiếu” - khoảng 40 năm trước Cách mạng tháng Tám - thì số lượng tác phẩm chữ QN có thể đã vượt xa  con số 1500 tác phẩm chữ Nôm rồi. Chỉ cần nhắc đến một số  cây bút tên tuổi như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Xuân Diệu, Huy Cận,… đã có thể hình dung ra.
8. Về nội dung đề cập: Chữ Nôm đề cập đến mọi vấn đề của cuộc sống người Việt trong vòng bảy tám trăm năm, từ văn học, lịch sử, y học, luật pháp, cho đến thư từ, gia phả, thần phả, khoán ước… Trong khi, chữ quốc ngữ chỉ giới hạn phần lớn trong các văn bản kinh thánh, thư từ của Thiên Chúa giáo.
Lời bình: Ấy là tại ông TTD lại “ăn gian” về thời gian. Sách chữ Nôm thì tính cả “cuộc đời”, còn sách chữ QN thì chỉ tính quãng đời “thơ bé”. (Xem lại mục 7). Sách chữ Nôm chủ yếu là sách văn chương, mà cũng chủ yếu là văn chương ngâm vịnh “Lời quê cóp nhặt dông dài”, còn văn chương “cao sang” thì vẫn viết bằng chữ Hán. Trong khi đó sách báo chữ QN từ những năm ba mươi của thế kỷ trước đã bao gồm hết cả các lĩnh vực từ văn chương, khoa học, đến văn bản điều hành. Ba áng văn bất hủ được coi là ba bản tuyên ngôn độc lập[ii] thì hai văn bản viết thời phong kiến dùng chữ Hán (chứ không dùng chữ Nôm), chỉ có văn bản thời hiện đại viết bằng chữ QN.   
9. Sự góp mặt của các danh nhân: “Chữ Nôm và văn học chữ Nôm đã trở thành sản phẩm văn hóa đặc hữu của người Việt, với hàng trăm danh nhân, văn sĩ”: Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Du, Tự Đức, Nguyễn Công Trứ,… Còn chữ QN thì “chỉ có một số ít giáo sỹ phương Tây như A. de Rhodes với Từ điển Việt Bồ LaPhép giảng tám ngày (tk XVII), hay Bento Thiện, Philiphe Bỉnh,…”
Lại “ăn gian” về thời gian: một đằng tính cả “cuộc đời”, một đằng chỉ tính thời “thơ bé” cắt bỏ từ giai đoạn lớn lên. Thôi chán quá, không nói nữa!
Tóm lại, với nội dung trình bày trên, tuy có lúc tác giả nhắc đến mốc thời gian 1945, nhưng thực sự chỉ khoanh “thành tựu” của chữ QN đến nửa đầu thế kỷ XIX, là thời điểm mà chữ Nôm đã đi trọn “cuộc đời” của nó, trong khi đó chữ QN vừa mới qua  giai đoạn “sơ sinh”. Từ nửa sau thế kỷ XIX chữ QN bắt đầu mon men đi vào đời sống (từ đất Nam Bộ). Từ Đông Kinh nghĩa thục (1907) chữ QN mới lớn lên, trưởng thành, phát triển rực rỡ, thì ông TTD lại không tính! Thế thì so sánh sao được?

Điều buồn nữa là các tiêu chí của Trần tiến sỹ đều lấy ở bên ngoài ngôn ngữ, không có một chút gì dính dáng đến ngôn ngữ hết. Có khác nào xét giá trị một tác phẩm văn học chỉ xem ai viết, viết bao giờ, viết cho ai đọc,… mà không tính gì đến bản thân tác phẩm đó phản ánh cái gì, phản ánh bằng nghệ thuật nào, mang tư tưởng gì,… Dẫu có công bằng về thời gian thì cũng ít giá trị so sánh.  

Xin nói thêm, với tất cả những ý kiến trên, tôi chỉ bác lại lập luận của Tiến sỹ Trần Trọng Dương chứ không hề hạ thấp chữ Nôm. Chính cách đề cao chữ Nôm một cách phi khoa học của Trần tiến sỹ lại làm hại chữ Nôm. Thật là “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau” (Nguyễn Du).

Bây giờ tôi nói đến các ý kiến trong cuộc tọa đàm do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà xuất bản Tri thức tổ chức vừa rồi.

Cái tiêu đề Chữ Nôm hay chữ quốc ngữ mới là thuần Việt? nghe đã thấy không ổn. Đặt vấn đề như thế để giải quyết cái gì? Đây phải chăng do cách “giật tít” hay do cách hiểu chủ quan của người tường thuật? Theo thông báo trên Tamnhin.net thì chủ đề cuộc tọa đàm Nguyễn Văn Vĩnh và hành trình chữ quốc ngữ, như vậy, mục đích cuộc tọa đàm là nói về những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh đối với chữ QN, chứ không phải bàn chuyện chữ Nôm hay chữ quốc ngữ là “thuần Việt”. Tất nhiên là các phát biểu trong hội thảo có thể chệch ra ngoài mục đích ban đầu, nhưng cũng không nên đặt tiêu đề như trên, nó dễ làm sai lạc người đọc về chủ đề của hội thảo.       

Đọc nội dung tường thuật và hỏi một số vị tham gia hội thảo này, tôi thấy quả là có nhiều vấn đề không ổn.

Trước hết, không nên kéo chuyện của Nguyễn Văn Vĩnh vào việc phải có ngày kỷ niệm chữ QN hay ngược lại. Đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh vào văn học và báo chí viết bằng chữ QN là đáng kể, cần ghi nhận nhưng không phải Nguyễn Văn Vĩnh làm nên tất cả. Trước Nguyễn Văn Vĩnh đã có lớp nhà văn Nam Bộ viết văn bằng chữ QN từ cuối thế kỷ XIX (Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản,…). Đặc biệt, các nhà cách mạng – nhà nho đầu thế kỷ XX (Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền,…) là những người mở đường đi tiên phong cổ vũ mạnh mẽ cho chữ QN. Đó là bước chuyển biến về quan niệm, từ thờ ơ, thậm chí thành kiến với chữ QN đến việc khẳng định “Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước/ Phải đem ra tính trước dân ta”. Cùng thời và sau Nguyễn Văn Vĩnh một chút còn có Hồ Biểu Chánh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học, Tản Đà, Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn,… Và tiếp nối sau nữa là lớp văn thi sỹ Tiền chiến đông đảo, những người đã làm cho văn chương chữ QN trở nên phong phú, thực sự hiện đại.

Thứ hai, tại sao lại cứ cần phải có “ngày chữ viết của dân tộc”? Tất nhiên là có ngày đó thì cũng tốt nhưng không đến nỗi cấp thiết, không có gì phải bức xúc, coi như không có thì công bằng so với nhiều ngày kỷ niệm khác.

Thứ ba, tại sao muốn tôn vinh chữ QN (hay các loại chữ viết khác của dân tộc) lại cứ phải có Luật Ngôn ngữ (Luật Tiếng Việt)? Ta cứ việc tôn vinh các chữ viết (chữ QN, chữ Hán, chữ Nôm,…) cũng như tôn vinh những nhân vật lịch sử có những đóng góp cho các chữ viết này mà hoàn toàn không cần Luật Ngôn ngữ. Ngày thơ Việt Nam cũng là để tôn vinh thơ đến nay đã được tổ chức đến lần thứ 10 mà có cần Luật Nhà thơ đâu? Mới đây (tháng 12-2011), khi nhận được Dự thảo kiến nghị của Hội Trí thức Trẻ Việt Nam và Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, trong đó có kiến nghị đề xuất ban hành Luật Tiếng Việt, chính tôi – Đào Tiến Thi – đã viết ngay một bức thư để phản đối (Xin gửi kèm dưới đây).

Tổng hợp lại cả hai loại ý kiến (của TTD và các ý kiến trong hội thảo vừa rồi), tôi thấy vấn đề đáng bàn luôn bị lạc hướng và thiếu tư duy khoa học. Nếu coi “dân tộc” tính là đặc trưng, không phải là giá trị, thì có thể bàn trên phương diện khoa học. Nhưng phải dựa trên hệ tiêu chí khác, trong đó tiêu chí hàng đầu là thứ chữ đó có phù hợp đặc trưng ngữ âm của tiếng Việt hay không, rồi thứ đến có tiện lợi, thông dụng, dễ phổ cập hay không, chứ không thể là mớ tiêu chí hỗn độn, không nói lên điều gì như của TS. Trần Trọng Dương đưa ra. Còn nếu coi “dân tộc” tính của chữ viết như một phẩm chất, một giá trị thì sẽ dẫn đến hệ quả là chúng ta phải kế thừa, phát huy (vì mục tiêu là “xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc), và như thế sẽ gặp ngay bế tắc. Giả sử về ăn mặc, nếu tìm về cái gì “thuần Việt Nam” thì chả lẽ chúng ta quay về đóng khố, đi chân đất, xăm mình hay sao?

Cuối cùng, như tiêu đề của bài, vì không có thời gian nên tôi chỉ ghi nhanh mấy ý kiến. Vì ghi nhanh nên chắc là còn sai sót, xin được TS. Trần Trọng Dương và độc giả lượng thứ. Vấn đề so sánh chữ Nôm và chữ QN tôi xin bàn ở một dịp khác. Nhưng ngay bây giờ độc giả có thể tham khảo bài viết của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trong cuộc hội thảo nói trên ở:

http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=14825

Riêng về chữ QN, xin gửi kèm bài dưới đây của tôi, trong bài có một phần liên quan đến vấn đề đang bàn. Bài đã đăng ở Ngôn ngữ và đời sống số 10 năm 2011 (tạp chí của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam), trên website của khoa Ngôn ngữ, Đại học Khoa học xã hộ và nhân văn, khoa Ngữ Văn Đại học Sư Phạm Hà Nội và một số trang web khác. 

ĐTT


[i] Theo nhiều chuyên gia, trước khi bị Bắc thuộc, nước ta đã từng có văn tự. Đó là loại chữ “con nòng nọc”, một thứ chữ ghi âm. Gần đây nhà giáo Đỗ Văn Xuyền ở Việt Trì sau 50 năm nghiên cứu đã tìm ra được một loại chữ Việt cổ, loại chữ hình “ngọn lửa”. Tất nhiên vấn đề này cần được tiếp tục chứng minh. [Xem: http://vtc.vn/394-283341/phong-su-kham-pha/nguoi-doc-thong-viet-thao-chu-viet-co.htm]

Theo một số chuyên gia, chính các loại hình chữ ghi âm cổ của người Việt (chữ “con nòng nọc”, chữ “ngọn lửa”, chữ Nôm) đã gợi ý các giáo sỹ phương Tây sáng tạo ra chữ Quốc ngữ theo hướng ghi âm. Đó là đóng góp tiền đề. Khi sáng chế chữ Quốc ngữ, các giáo sỹ phương Tây lại được sự cộng tác đắc lực của những người Việt. Và đặc biệt, người Việt Nam đã hoàn thiện nó trong quá trình sử dụng. Diện mạo chữ QN ngày nay rất khác chữ QN thuở ban đầu.

[ii] Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập.

Phụ lục 1:

CHUYỆN TIẾNG VIỆT:  ĐỪNG VỘI VÀNG
(Trao đổi với tác giả Hoàng Hồng Minh)
ThS. Đào Tiến Thi
(NXB Giáo dục Việt Nam)
Trong bài Chuyện viết tiếng Việt của tác giả Hoàng Hồng Minh (HHM) trên tạp chí Tia sáng ngày 16-08-2011[1], ngoài việc đặt ra vấn đề nên đưa thêm mấy chữ cái (ký tự) F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt hay không (điều mà dư luận có ồn lên khoảng tháng nay), tác giả còn bàn thêm hai vấn đề của tiếng Việt: viết tên riêng nước ngoài và viết các từ ghép, từ láy (HHM gọi chung là “từ kép”) trong tiếng Việt.
Tôi xin được trao đổi một số ý kiến với tác giả. Vì không rõ tác giả là ông hay , tuổi tác thế nào nên xin được tạm gọi là bạn, mong tác giả thông cảm.
1. Vấn đề thêm các chữ F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt
HHM đưa ra một số dẫn chứng về sự có mặt của các chữ cái F, J, W, Z trong văn bản tiếng Việt, ví dụ nói lợn F1; từ A đến Z. Không ai phủ nhận điều đó. Tôi có thể bổ sung thêm hiện tượng trên một cách phong phú hơn nhiều, đó là việc dùng các ký tự F, J, W, Z (và nhiều ký tự khác nữa) để ghi các công thức toán, vật lý, hóa học,… để ghi các đơn vị đo lường, như tính công là J (June), tính công suất là W (Watt),…Và nhất là để ghi tên riêng (gồm địa danh và nhân danh) nước ngoài và các thuật ngữ khoa học có nguồn gốc nước ngoài. Các ký tự đó đã được dùng từ lâu, ngày nay lại càng dùng nhiều hơn. Tuy nhiên việc các ký tự trên có mặt trong văn bản tiếng Việt không có nghĩa là nó đã thuộc về hệ chữ cái tiếng Việt. Dễ nhận thấy điều này khi ngoài những ký tự trên ta còn dùng cả các ký tự khác như  a, b, F, e, g, p, l, j, m,… để làm các ký hiệu ghi các công thức khoa học, kỹ thuật. Không ai dám nói những ký tự ấy cũng thuộc về chữ cái tiếng Việt. Còn như trường hợp viết tắt trung ương thành TW là viết sai; viết sai nhưng nhiều khi người ta bắt trước nhau mà thành thói quen ở một số người.
Hệ thống chữ cái của chữ Quốc ngữ (QN) là hệ thống chữ cái ghi âm. Nhìn chung mỗi âm tương đương với một chữ cái. (Một số trường hợp không tương đương, như c, k, q cùng ghi âm “cờ”; d, gi cùng ghi âm “dờ” có lý do về nghĩa và về văn hóa). Đưa thêm một chữ cái vào một hệ thống đã có thì nó phải mang chức năng ghi một âm nào đó. Nhưng hệ thống chữ cái của tiếng Việt đã đủ rồi, bây giờ thêm vào hệ thống ấy nó sẽ hoặc là không ăn nhập gì, hoặc là phá vỡ hệ thống. Ví dụ, đã có tổ hợp “ph” để ghi âm “phờ” thì chữ cái “f” sẽ ghi âm gì? Đã có chữ cái “d” và “gi” để ghi âm “dờ” thì chữ cái “z” sẽ ghi âm gì? Còn nếu để thay thế một số chữ cái cũ thì lại hoàn toàn là chuyện khác.
2. Vấn đề viết tên riêng nước ngoài
HHM viết: “Sau những thói quen ban đầu cố gắng mòn mỏi để Hán Việt hóa bằng được các tên riêng trên thế giới cho bùi tai mình, chúng ta đã vượt được dần ra khỏi cái thói quen cố hữu lấy mình làm trung tâm này” (chúng tôi nhấn mạnh).
 Nếu bạn HHM biết rằng trước khi người Pháp vào Việt Nam, người Việt Nam biết đến thế giới Phương Tây chủ yếu qua sách báo Trung Quốc (hay có tiếp xúc trực tiếp thì cũng phải dùng văn tự Hán để ghi lại) thì chắc không kết luận như trên. Trước khi chữ QN được sử dụng rộng rãi, chúng ta sử dụng chữ Hán, mà dùng chữ Hán thì phải đọc theo âm Hán Việt. Ví dụ, Alexandre de Rhodes thì đọc là A Lịch Sơn Đắc Lộ, Pigneau de Behaine đọc là Bá Đa Lộc. Đầu thế kỷ XX, trong phong trào vận động duy tân, các chí sỹ cách mạng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và nhiều chí sỹ khác đều tiếp cận với tư tưởng dân chủ tư sản Âu Mỹ thông qua sách báo của phong trào duy tân ở Trung Quốc, cho nên ngay cả khi dùng chữ QN, các tên riêng Ấn Âu vẫn thường được đọc theo âm Hán Việt: Lư Thoa (Rousseau), Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), Kha Luân Bố (Christopher Columbus). Một số nhỏ trong cách đọc đó tồn tại đến nay: Anh, Pháp, Mỹ (Hoa Kỳ), Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Thụy Sỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Dù bây giờ hầu hết các tên riêng còn lại đều đã đọc theo phiên âm trực tiếp (hoặc như nguyên ngữ) nhưng với các tên riêng trên đã rất quen thuộc nên cũng không cần phải thay đổi. Ai đã biết một chút Anh ngữ thì không khó đồng nhất các tên nước nói trên với England, France, America, Poland,… Một vài trường hợp phiên âm lại là do sự đề nghị của chính phủ (không chắc là của tất cả người dân) nước ấy, như Úc ® Ô-xtrây-li-a (Australia), Ý ® I-ta-li-a (Italy, Italiana)[2]. Tuy nhiên trong những trường hợp cụ thể, cách đọc Hán Việt vẫn được dùng: bia Úc, Hội Doanh nhân Việt kiều Úc. Những trường hợp thay bằng phiên âm trực tiếp có cái lý của nó, nhưng những trường hợp vẫn giữ cách đọc Hán Việt cũng có cái lý của nó. Quy luật hàng đầu chi phối ngôn ngữ là tính quy ước (võ đoán). Một khi hình thành thói quen sử dụng của đa số có nghĩa là cộng đồng đã nhất trí như vậy.  
Về các tên riêng Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên), HHM có cách giải thích thật kỳ quặc khi viết:
“Từ bao giờ chúng ta tự cho mình có nghĩa vụ phải chuyển âm Hán Việt các tên riêng Trung Hoa hay Triều Tiên”.
Hay: “Nơi đâu “thân thiện” thì người ta gắng Hán Việt hóa, bằng không thì thôi. Hồng Kông xưa là nhượng địa của Anh nên thôi, không cần gọi là “Hương Cảng”. Các tên riêng ở Đại Hàn cũng khỏi bị cố gắng được Hán Việt hóa nhiều vì “không thân lắm”. Tên riêng của Nhật Bản thì miễn phải Hán Việt hóa (…) Phải học tránh sự thiên vị trong nhận thức”.
Trường hợp các nước Đông Á, ngoài nguyên nhân đã nói trên, còn do lịch sử quan hệ lâu đời của Việt Nam đối với họ. Trung Quốc có nhiều quan hệ nhất do đó hầu như tất cả các tên riêng đều đọc theo âm Hán Việt (sẽ nói rõ hơn ở phần sau). Triều Tiên ít quan hệ hơn cả nên số tên riêng đọc theo âm Hán Việt cũng ít. Còn Nhật Bản thì không phải  “miễn phải Hán Việt Hóa” như bạn HHM tưởng đâu. Không ít tên người, tên đất Nhật Bản đọc bằng âm Hán Việt. Lý do là đầu thế kỷ XX, Nhật Bản là tấm gương của Á châu đã giương cao ngọn cờ tự lập tự cường, chơi “ngang ngửa” với Tây Phương. Cụ Phan Bội Châu tìm hiểu nước Nhật qua sách báo Trung Quốc, và rồi chính cụ cùng một số đồng chí của mình đã đưa khoảng 200 thanh niên Việt Nam sang Nhật du học. Do đó chúng ta biết đến một loạt tên người, tên đất Nhật Bản đọc theo âm Hán Việt như Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa), Minh Trị (Meiji), Đại Ôi hay Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu), Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi), Đông Kinh (Tokyo), Hoành Tân (Yokohama),…
Về tên riêng Trung Quốc, có lẽ chỉ trừ trường hợp Hồng Kông[3] (Hong Kong) còn thì từ xưa đã đọc theo âm Hán Việt. Nếu bây giờ chuyển cách đọc, xáo trộn hàng ngàn tên người, tên đất là chuyện không đơn giản. Ví dụ: Khổng Tử ® Kongzi , Gia Cát Lượng ® Zhuge Liang, Lý Bạch ® Li Bai, Lỗ Tấn ® Lu xun, Bắc Kinh ® Beijing, Quảng Châu ® Guang Zhou. Các tên người, tên đất Trung Quốc không những có mặt trong các tác phẩm của Trung Quốc đã quen thuộc ở Việt Nam mà trong chính văn chương Việt Nam cũng dùng không ít, như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm,… chẳng hạn.
Ngay cả các tên riêng Trung Quốc hiện đại nếu bây giờ đọc theo phiên âm La tinh cũng là cả một vấn đề phải cân nhắc kĩ. Vì nó vừa khó khăn (cách đọc phiên âm La tinh với tiếng Trung khác nhiều cách đọc trong các ngôn ngữ Ấn Âu), vừa trái với ngữ cảm thông thường. Đặng Tiểu Bình đọc là Dèng Xiǎopíng (Tung Xéo Pình), Hồ Cẩm Đào đọc là Hú Jǐntāo (Khú Chỉn Thao), vừa khó vừa buồn cười nữa. Chúng tôi đi Trung Quốc vẫn gọi các hướng dẫn viên người Trung Quốc theo âm Hán Việt, ví dụ: Tăng Quốc Vân (Zeng Quo Yun), Đặng Chiêu Thanh (Deng Zhao Qing), Tăng Tiêu Quang (Geng Yao Quang) và thấy như thế là ổn nhiều đường. Nếu cố gọi họ bằng âm Trung Quốc mà không chính xác có thể mang lại điều bất nhã, còn gọi theo âm Hán Việt thì đã có quy tắc, họ cũng nắm rất rõ. Nó khác hẳn trường hợp với người Phương Tây, ta phải cố gắng phát âm đúng như tên của họ.
Nói như vậy để thấy vấn đề ở đây chẳng phải do “thói quen cố hữu lấy mình làm trung tâm, chẳng hề do “cố gắng mòn mỏi để Hán Việt hóa bằng được”, cũng chẳng phải do “thiên vị” hay “thân thiện” với Trung Quốc hay khối Đông Á hơn, mà thực ra nó là truyền thống văn hóa, là ngữ cảm của người bản ngữ, nghĩa là vấn đề của văn hóa – ngôn ngữ, chứ không liên quan gì đến “ý thức hệ” cả. Truyền thống ở đây đã đóng vai trò tích cực, giữ lại những gì phù hợp, chống “hiện đại hóa” một cách máy móc.
3. Vấn đề viết “từ kép”
Theo HHM, các “từ kép” như sinh vật, phải viết liền lại là sinhvật, và từ đấy cho đến hết bài, tác giả làm gương viết liền tất cả các “từ kép”:
hệthống, nốikết, thaotác, tinhthần họcsinh, hiểubiết, chủquan, tiếptục, kiểmtra,  nghingờ, nướcngoài, đánhvật, vôđịnh, táchrời, chínhxác, câuchữ, khuyếnkhích, thẩmđịnh, tốcđộ, đọchiểu, tốnkém, lưutrữ, giấytờ, vănbản, điệntử, khókhăn, tấtcả, nguyêndo, xưakia, chúngta, xâydựng, quốcngữ, tưởngnhớ, cônglao, đềxuất, giảipháp, hãnhữu, trườnghợp, gạchngang, hyvọng, quyếttâm, ýtưởng, tuyệtvời, tiếnlên,  thốngnhất.
Riêng các từ như từ kép, chữ kép thì khi viết liền, khi viết rời; từ bộ nhớ không thấy viết liền, nhưng theo tôi, đó là những từ có cấu tạo “chặt” hơn nhiều so với từ đọchiểu, nướcngoài, tiến lên mà HHM viết liền.
Khái niệm “từ kép” của HHM không được định nghĩa nên có thể hiểu đó là từ ghép theo thuật ngữ ngành ngôn ngữ học, và cả từ láy, vì bạn viết liền cả từ khókhăn.
Hãy thử phân tích “tác hại” của lối viết rời mà bạn HHM chỉ ra:
1. Thứ nhất, bạn HHM cho rằng viết rời “làm tăng tính mất chính xác của câu chữ”, “khuyến khích tính chủ quan thẩm định”, “làm giảm tốc độ đọc hiểu”. HHM lấy ví dụ:
“Khi bạn đọc câu “Học sinh vật cô Na”, bạn phải cố làm một thao tác tinh thần để nối học sinh thành “họcsinh”, rồi kiểm tra xem có được hay không theo hiểu biết chủ quan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếp tục kiểm tra câu này, và bạn nghi ngờ được, nhưng chắc không phải thế.
Tiếp đến bạn phải cố làm một thao tác tinh thần khác để nối “sinh vật” thành “sinhvật”, rồi kiểm tra xem có được hay không theo hiểu biết chủ quan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếp tục kiểm tra câu này, và bạn tự bảo được, chắc là thế”.
(Nhấn mạnh trong nguyên văn)
Hỡi bạn HHM, nếu quả thực người Việt Nam đọc chữ Quốc ngữ theo kiểu mỗi “từ kép” lại phải làm “thao tác tinh thần” như trên thì mỗi cuộc đọc người Việt Nam là một cuộc đấu vật chứ không phải là đọc nữa. Đọc vất vả thế thì chắc thiên hạ đọc được 10 trang, ta chưa chắc nổi một trang, và người Việt Nam chắc chắn phải ngu hơn các dân tộc khác nhiều lần!
Xin nói thêm, những trường hợp như câu Học sinh vật cô Na, người ta gọi là “câu mơ hồ”, vì ngắt ở những chỗ khác nhau sẽ tạo nên nghĩa khác nhau. Loại câu này có số lượng rất ít và trong ngôn ngữ của nước nào cũng có, chứ đâu chỉ có ở tiếng Việt.
Và xin hỏi bạn HHM, việc viết liền các “từ kép” trong đoạn văn của bạn nói trên liệu có chính xác hơn được tí nào so với viết rời không? Có chỗ nào do viết rời mà trở nên mơ hồ nghĩa như câu Học sinh vật cô Na không?
2. Thứ hai, bạn HHM nêu một số hệ lụy khác như “làm tốn kém lưu trữ trên giấy tờ, văn bản hoặc trên các bộ nhớ điện tử”, “làm khó khăn cho người nước ngoài học tiếng Việt”.
Về việc “tốn kém” giấy, có thể, nhưng không đáng kể. Chỉ cần quan sát các sách luyện dịch Anh – Việt, Pháp – Việt, ta thấy độ dài các bài ở phần tiếng Việt so với tiếng Anh, Pháp là tương đương nhau (chia cột hay đặt trang song song cũng vẫn thấy như vậy, nếu có ép chữ hay giãn chữ cũng là không đáng kể)[4]. Vả lại theo phương án viết liền để tiết kiệm giấy của bạn HHM thì cứ 2 “từ ghép” mới thu lại được một khoảng trống, mà số lượng “từ kép”, cũng chỉ chiếm một phần trong kho từ vựng (vì ngoài nó còn các từ đơn và các cụm từ), do đó chẳng bớt được bao nhiêu. Có lẽ 100 trang chưa chắc đã tiết kiệm nổi 1 trang. Còn lưu trong bộ nhớ điện tử thì tiếng Việt có nặng hơn vì có thêm dấu phụ, nhưng với bộ nhớ điện tử, phần nặng hơn đó cũng chả có nghĩa lý gì. Với những máy tính thế hệ cũ nhất, dung lượng chỉ vài GB cũng chẳng bao giờ bị đầy vì các tệp văn bản, huống chi các máy tính phổ biến đang dùng hiện giờ đều trên trăm GB.
Về việc “làm khó khăn cho người nước ngoài học tiếng Việt” thì thử hỏi chữ QN (cũng như tiếng Việt nói chung), để trước hết cho người Việt dùng hay là để cho người nước ngoài mà bạn lại lo vấn đề như vậy? Tiếng Anh được loài người khắp hành tinh học, thế mà người Anh chẳng bao giờ làm gì cho nó dễ đi để các dân tộc khác nhờ; trái lại, tất cả các dân tộc học tiếng Anh đều phải “quy phục” tiếng Anh, từ cách phát âm xa lạ cho đến mọi các quy tắc ngữ pháp rắc rối của nó.
Trở lại về cách viết liền từ. Không phải đến bây giờ mới có bạn HHM đưa ra phương án đó. Nhưng phương án đó không bao giờ thành hiện thực bởi những lý do sau:
Thứ nhất, nó trái với bản chất của tiếng Việt. Tiếng Việt là một thứ tiếng đơn âm. Đơn vị phát âm là âm tiết (tiếng). Ví dụ tiếng hiểu (trùng với từ hiểu), nếu phân tích ra thì có 4 âm tố[5]: (chưa kể thanh điệu):
h - i - ê - u
nhưng chỉ phát âm 1 lần. Ranh giới giữa các âm tố h - i - ê - u không thể nào nhận thấy, dù người thính tai đến đâu. Cách đọc “hờ-i-ê-u-iêu-hỏi-hiểu” chỉ dành cho trẻ em bắt đầu học chữ và giai đoạn đó qua đi rất nhanh, sau đó không bao giờ lặp lại nữa.
Trong khi đó, các tiếng châu Âu là tiếng đa âm, đơn vị phát âm là âm tố. Ví dụ từ understand (hiểu) trong tiếng Anh, ta phải phát âm đầy đủ, kể cả cả âm /d/ ở cuối:
Ùndəstænd
Và việc đọc nối các âm tố lại là cần thiết, kể cả khi nó là hai từ khác nhau, như Thank you chẳng hạn.
Thứ hai, ranh giới từ trong tiếng Việt không rõ ràng. Trong nhiều trường hợp, hai yếu tố có quan hệ nghĩa ở một mức độ nào đó không đủ chặt để tạo thành một từ nhưng cũng không đủ lỏng để coi là hai từ, tức là tình trạng “lưỡng khả”: nhà xuất bản là 1 hay 2 từ? trường dạy nghề là 1, 2 hay 3 từ? Nếu coi nhà hàng là một từ thì nhà văn hóa, nhà chung cư có là một từ không? Các trường hợp đồng cỏ, sân kho, trại chăn nuôi, đường thủy, đường mòn, đường độc đạo, đường chiến lược,.. lại càng khó.
Thứ ba, nếu viết liền, việc đọc cũng trở nên khó khăn: không biết ngắt ở chỗ nào, nếu từ ấy chưa quen thuộc với một người (nhất là với trẻ em mới học và người nước ngoài học tiếng Việt): hệthống có thể đọc thành hệt hống, đọchiểu thành đọ chiểu, pháthành thành phá thành, phátâm thành phá tâm. Bạn HHM nhắc đến học giả Hoàng Xuân Hãn đã khởi đầu cho cách viết liền, vậy cần hiểu vấn đề này như thế nào?
Thực ra tiền đề của cách viết liền là cách viết dùng gạch nối đã có rải rác từ đầu thế kỷ XX, tuy nhiên nó không tạo ra được quy tắc. Ví dụ bài Mừng năm mới trên báo Nam Phong số Tết năm 1918, viết gạch nối cho các từ ghép và từ láy: Đinh-tị, Mậu-ngọ, cảnh-tượng, phúc-lộc, thời-kỳ, lăng-lắc, dằng-dặc,… Thế nhưng cũng trong bài báo này, nhiều từ ghép, từ láy lại không gạch nối: nhà nước, khai hoang, ghi chép, hưởng thụ, quý báu, mở mang, lẩn thẩn,… Có khi mâu thuẫn không thể chấp nhận, như viết tàu-thủy (gạch nối) nhưng lại viết xe hỏa (không gạch nối).
Cách viết dùng gạch nối hay viết liền của của Hoàng Xuân Hãn cũng vậy. Trong (lời) Tựa cuốn Danh từ khoa học, xuất bản năm 1942, ông dùng gạch nối cho các từ ghép và từ láy nhưng không nhất quán. Viết tự-điển, khoa-học, danh-từ, tương-đương, cựu-học, chu-đáo, hiếm-hoi, lầm-lỗi,… nhưng lại viết quyết định, nước nhà, bó buộc, bắt bẻ, xưa nay, tóm tắt, may mắn, chậm chạp,… Khi tái bản (1946), trong Nguyên tựa, ông bỏ gạch nối, thay bằng viết liền: khoahọc, danhtừ, pháthành, xuấtbản, thuậntiện, rõràng, dodự,… thế nhưng cũng không nhất quán khi viết giải thưởng, mách bảo, sửa soạn, ít nhiều,… Và rất mâu thuẫn khi viết hàmsố (viết liền), mà lại viết số thương (viết rời).
Hoàng Xuân Hãn là nhà khoa học lớn, có nhiều cống hiến, ai cũng biết thế, nhưng không phải tất cả mọi ý kiến của ông đều đúng. Hơn nữa ấn phẩm trên là một trường hợp hiếm hoi, mang tính đề xuất, thử nghiệm, sau này cũng không thấy ông nhắc lại. Nó không được cuộc sống chấp nhận vì cả tính khoa học (không phù hợp với tiếng Việt – ngôn ngữ đơn âm) và cả tính khả thi (khó xác định ranh giới từ) như đã nói trên.
Chúng tôi muốn đưa thêm ý kiến của một số nhà khoa học về quan hệ chữ tiếng của chữ QN.
Theo học giả Cao Xuân Hạo, việc dùng chữ QN thực ra là không phù hợp với đặc thù của tiếng Việt. Với đặc thù đơn âm, tiếng Việt thích hợp với thứ chữ mang “diện mạo tổng quát” (gestalt), như chữ Hán chẳng hạn, tức mỗi chữ là một “hình ảnh”, chứ không phải mỗi chữ ghi lại cái chuỗi âm tố mà thực ra thính giác con người không thể nhận ra được. Trong khi các tiếng châu Âu, về nguyên tắc, các âm tố trong từ đều hiển hiện khi phát âm.
Tuy vậy, do nắm được cái đặc thù đơn âm ấy của tiếng Việt nên những người chế tác ra chữ Quốc ngữ đã rất sáng tạo, đó là dùng lối viết rời từng âm tiết. GS. Nguyễn Quang Hồng đã chỉ ra hai đặc điểm của chữ QN trong quan hệ với đặc điểm của tiếng Việt[6], đó là:
“Nếu như các văn tự Latin khác đều lấy từ làm đơn vị để viết chữ (nghĩa là trong một từ, các chữ cái được viết liền với nhau một mạch), thì ở chữ QN của người Việt Nam đơn vị của một khối chữ tách biệt trong dòng viết là từng âm tiết một, chứ không phải là chỉnh thể từ ngữ”.
Dùng dấu phụ một cách đậm đặc (vì không liên quan đến vấn đề đang bàn, nên không trình bày ở đây)
Theo Nguyễn Quang Hồng, chữ QN đã kế thừa chữ Hán và chữ Nôm. Chữ QN “tỏ ra rất thuận tiện đối với người bản ngữ”. Và: “Viết rời âm tiết một, chữ QN cất bỏ được một gánh nặng không cần thiết cho người viết chữ vì như thế là khi viết người ta khỏi phải làm cái công việc rắc rối là phân chia lời nói thành các đơn vị từ. Bởi vì đối với tiếng Việt, ranh giới từ ngữ là câu chuyện cực kỳ phức tạp, trong khi đó thì ranh giới âm tiết lại luôn luôn là sự thực hiển nhiên trong lời nói, ai cũng có thể xác định được một cách dễ dàng”.
GS. Nguyễn Quang Hồng viết tiếp: “Viết rời âm tiết và đánh dấu phụ là thành tựu mà những người xây dựng chữ QN đã đạt tới sau một quá trình lựa chọn, sáng tạo cách viết và thâm nhập dần vào bản thân tiếng Việt. Đó quyết không phải là cái gì ấu trĩ, thô vụng, bất cập của chữ Việt Latin so với các hệ thống chữ viết Latin khác. Ngược lại, chính đã không máy móc lặp lại hoàn toàn khuôn mẫu có sẵn, chính sự thoát ly ít nhiều khỏi hình ảnh của chữ viết ghi âm các tiếng châu Âu một cách hợp lý đó (đồng thời kế thừa truyền thống viết rời từng âm tiết một của chữ Nôm vốn dĩ thích hợp với đặc điểm loại hình của tiếng Việt), đã làm thành một trong những nguyên nhân cơ bản đảm bảo cho công cuộc cải cách chữ viết diễn ra trong quá khứ (từ chữ Nôm kiểu Hán tự chuyển sang chữ QN Latin hoá) dẫn đến thành công một cách vững chắc vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX này”.
Chúng tôi muốn nói thêm tác động ở chiều ngược lại: Theo cảm nhận của chúng tôi, với cách viết rời từng âm tiết, chúng ta đã làm biến đổi phần nào chữ viết La tinh. Vốn từ một thứ chữ hoàn toàn ghi âm, các con chữ La tinh khi dùng làm chữ QN đã trở thành một thứ chữ có tính ghi ý (xin nhắc lại, tôi dùng chữ “có tính ghi ý” chứ không phải “ghi ý”). Bởi ta thấy các hiện tượng  sau:
– Quan hệ âm – chữ viết của chữ QN không phải là quan hệ mỗi âm tố mỗi ký tự (chữ cái) như các tiếng châu Âu, mà là quan hệ mỗi khối âm (âm tiết, tiếng) – mỗi khối chữ (một chữ), giống phần nào với nguyên tắc của chữ Hán, chữ Nôm. Số chữ do đó tương đương với số lượng âm tiết có trong ngôn ngữ. (Nó khác hẳn các tiếng châu Âu: số chữ phải tương đương với số từ vựng). Điều này rất có ý nghĩa khi học chính tả tiếng Việt: không cần chú ý nhiều vào phát âm, ta vẫn hoàn toàn có thể viết đúng chính tả nhờ vào việc nhớ “mặt chữ”, bởi vì số lượng âm tiết – chữ là có hạn, ít hơn rất nhiều số lượng từ vựng. Thực tế, đa số chúng ta viết đúng chính tả là nhờ nhớ mặt chữ.
– Số ký tự (chữ cái) trong một chữ của chữ QN so với tiếng Anh, tiếng Pháp,… là rất ngắn (dài nhất như chữ nghiêng gồm 7 ký tự, tương đương những từ có số ký tự trung bình của tiếng Anh, trong khi tiếng Anh có những từ dài tới 19 ký tự). Cho nên để đọc chữ QN, ta không qua “ráp vần” mà nhận dạng diện mạo tổng quát (gestalt) chữ đó như một hình ảnh thị giác, tức là đọc thẳng từng chữ một. Cũng có nghĩa khi đọc chữ QN, cơ bản là do nhớ mặt chữ.  
–  Còn có thể thấy tính ghi ý qua việc đọc các chữ viết tắt trong tiếng Việt, đó là đọc như khi viết đầy đủ: BS = bác sỹ, GSTS = giáo sư tiến sỹ, HTX = hợp tác xã, XHCN = xã hội chủ nghĩa (chứ không đọc bê ét, giê ét tê ét, hát tê ích-xì, ích-xì hát xê en-nờ). Tức là những chữ cái ở đây hoàn toàn để ghi ý, không liên quan gì đến phát âm nữa. Nó khác hẳn tiếng Anh, đọc từng chữ cái hoặc ráp vần các chữ cái ấy, tức là hoàn toàn theo nguyên tắc ghi âm: BBC = /bi:bi:si:/ (British Broadcasting Corporation, Tập đoàn Truyền thanh Anh), ASEAN = /æsi:æn/ (Association of Southeast Asia Nations, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á)
Tóm lại, các ý kiến trong bài viết Chuyện viết tiếng Việt của bạn HHM là quá chủ quan và quá vội vàng. Hai ý đầu tuy nhận định không đúng tình hình nhưng từ đó cũng đặt ra được vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Song ý thứ ba –  đề xuất lối viết liền từ thì quả là ấu trĩ. Bạn chưa thấy sự khác nhau cơ bản giữa tiếng Việt và các tiếng châu Âu, cho nên muốn rập khuôn theo cách viết liền từ của các ngôn ngữ châu Âu. Thế nhưng cách viết rời âm tiết trong từ của chữ QN đã là một quá trình tiếp thu có sáng tạo trên cơ sở chữ viết truyền thống và phù hợp với đặc trưng tiếng Việt. Theo tôi, việc dùng chữ cái La tinh nhưng lại ghi rời âm tiết là một sự sáng tạo tuyệt vời của những người chế tác và sử dụng nó, kể từ những người manh nha khởi xướng, như Gaspar do Amiral, Antonio Barbosa,  Francesco Buzumi, Francesco de Pina, Cristoforo Borri cho đến người hoàn thiện nó – Giáo sỹ Alexandre de Rhode. Và đặc biệt là công lao của những trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX, những người đã mạnh dạn sử dụng nó, cổ vũ nhiệt tình cho nó, dùng nó thay thế cho chữ Hán (nhập ngoại) và chữ Nôm (chưa hoàn thiện). Cho đến nay, theo tôi, chữ QN đã hoàn thiện, không cần phải thêm bớt, cải tiến gì nữa.
Đ.T.T
(Bài đăng tại Ngôn ngữ và đời sống số 10 năm 2011)




[2] Cách dùng I-ta-li-a, Ô-xtrây-li-a phổ biến ở thập kỷ tám mươi, chín mươi, nay có xu hướng quay trở lại dùng Ý, Úc trên các báo và và tạp chí.
[3] Trước khi trở thành thuộc địa của Anh, Hồng Kông là một bãi đá vô danh, cho nên không có gì lạ khi nó không có trong “bản đồ trí tuệ” của người Việt Nam. Khi thuộc về Anh, Hồng Kông trở thành một trung tâm kinh tế, do đó, tên riêng này đi vào ngôn ngữ các nước theo cách gọi của người Anh là lẽ đương nhiên.
[4] So với chữ Anh, trên một dòng, chữ Quốc ngữ có nhiều chỗ trống hơn (do viết rời từ) nhưng vì các chữ có độ dài tương đương nhau, không có chữ quá dài hoặc quá ngắn cho nên lại không mất những khoảng trống lớn khi cân dòng như trong chữ Anh. Và do đó tương quan chung lại ngang nhau.
[5] Chúng tôi dùng thuật ngữ âm tố (thể hiện là bộ phận của âm tiết) cho dễ hiểu với đa số bạn đọc, thay vì âm vị, chính xác nhưng khó hiểu hơn.
[6] Nguyễn Quang Hồng: Đặc điểm của chữ Việt La tinh trong quan hệ với đặc điểm của tiếng Việt, TC Ngôn ngữ số 2-1992.

Phụ lục 2: 
Thư gửi Hội Trí thức trẻ Việt Nam và Hội Ngôn ngữ học Việt Nam

THẤY GÌ QUA HAI CUỘC HỘI THẢO LIÊN NGÀNH
NGÔN NGỮ VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN?

Sau khi báo chí rộ lên việc có một dự án tiếng Việt định đưa 4 ký tự f, j, w, z vào bảng chữ cái tiếng Việt mà nhiều người cho rằng sở dĩ có chuyện này là do nhu cầu phát triển của ngành công nghệ thông tin (CNTT), Hội Trí thức trẻ đã hai lần tổ chức hội thảo liên ngành để bàn một vấn đề có tính chất rộng hơn: ngôn ngữ học và tin học cần phối hợp với nhau như thế nào để hỗ trợ cùng phát triển?
Cuộc hội thảo thứ nhất ở quy mô “tọa đàm” ngày 7-9-2-11 mang chủ đề “Công nghệ thông tin và tiếng Việt”. Tham gia hội thảo phía ngôn ngữ có các ông Dương Kỳ Đức (Hội Ngôn ngữ học), Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư), Đào Hồng Thu (Đại học Bách khoa), Nguyễn Văn Hiệp (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Đào Tiến Thi (Nhà Xuất bản Giáo dục),…; phía CNTT có các ông Nguyễn Ái Việt (Viện CNTT), Quách Tuấn Ngọc (Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo). Với một vấn đề lớn như vậy mà số người tham dự như vậy là quá ít ỏi. Tuy nhiên, đối chiếu với chủ đề đặt ra, cuộc hội thảo cũng đã đạt được ở mức “đề dẫn”, rằng có sự liên quan giữa ngành khoa học CNTT và ngôn ngữ học, chỉ thế thôi, chứ cũng chưa ai rõ quan hệ đó bao gồm những gì, trách nhiệm của mỗi bên đến đâu. Nội dung hội thảo cuối cùng lại xoay quanh mấy chữ f, j, w, z có nên đưa vào bảng chữ cái tiếng Việt hay không. Thực ra vấn đề ấy đâu đơn giản như nhiều người nghĩ, đưa vào quy mô “tọa đàm” này là quá tầm. Đưa thêm vào hay để thay thế một số ký tự cũ trong bảng chữ cái tiếng Việt là quy mô cả một cuộc cải cách chữ viết, ở tầm quốc gia đại sự chứ đâu phải chuyện chơi.
Cuộc hội thảo thứ hai, chính danh là “hội thảo”, ngày 30-11-2-11, mang chủ đề “Xử lý tiếng Việt – nhiệm vụ quan trọng nhất của Đề án đưa Việt nam thành nước mạnh về công nghệ thông tin”.
Ngoài việc số người tham gia vẫn ít ỏi, chúng ta thấy có nhiều điều không ổn. Chủ đề hội thảo không được rõ ràng. Theo tôi “xử lý tiếng Việt” là một vấn đề của công nghệ thông tin (CNTT) nhưng chắc không phải là vấn đề quan trọng nhất để biến Việt Nam thành nước mạnh về CNTT. Nói thế thì như là CNTT phải bắt đầu từ tiếng Việt, và CNTT còn kém là do “tắc” từ tiếng Việt? Chắc không phải thế.
Số người tham dự đã ít mà cuối cùng cũng giống như lần trước, lại trở về chuyện f, j, w, z. Một số người bảo đây là chuyện nhỏ. Kỳ thực đây là chuyện cực kỳ lớn như trên đã nói. Tiến hành ở quy mô quốc gia chưa chắc đã giải quyết được gì nữa là một nhóm người.
Và cuối cùng, chủ đề của hội thảo - “xử lý tiếng Việt” - cũng không rõ là xử lý cái gì. Cách đặt vấn đề như trên có lẽ cũng chưa chính xác. Tiếng Việt (gồm ngữ âm, chính tả, ngữ pháp,…) là cái đã định hình, ổn định, nếu muốn thay đổi phải là quá trình từ từ, chậm chạp, nghĩa là không thể “xử lý” (hiểu là tạo ra những thay đổi) được. Tiếng Việt không thể chiều theo CNTT mà thay đổi trước. Như thế có khác nào gọt chân cho vừa giày. Lẽ ra vấn đề phải xử lý là CNTT chứ đâu phải xử lý tiếng Việt.
Mặt khác, qua tìm hiểu ý kiến một số chuyên gia CNTT, tôi chưa thấy ai nêu một rào cản nào do đặc điểm tiếng Việt mang lại. Một người làm CNTT cho tôi biết nhiều chuyên gia CNTT giỏi người Nhật, người Hàn Quốc không giỏi tiếng Anh, họ hoàn toàn làm việc trên phương tiện tiếng mẹ đẻ. Một chuyên gia CNTT nói rằng cái khó cho họ là hệ thống thuật ngữ CNTT của Việt Nam hiện nay chưa khoa học, kém thống nhất. Nếu thế thì lỗi thuộc về ngành khoa học CNTT chứ đâu thuộc về tiếng Việt. Trong ngành ngôn ngữ học nói chung, Việt ngữ học nói riêng cũng có chuyện hệ thống thuật ngữ bất cập, lộn xộn, thì đó là lỗi của ngôn ngữ học, Việt ngữ học chứ đâu của tiếng Việt. Từ lâu những nhà khoa học lớn của Việt nam đều khẳng định tiếng Việt có đủ khả năng để diễn tả mọi khái niệm khoa học không thua kém bất cứ một ngôn ngữ nào.
Một số ý kiến đề xuất cần có Luật tiếng Việt. Luật tiếng Việt nếu có thì nó có thể góp phần nào cho việc giao tiếp, chủ yếu là việc thảo văn bản đỡ tùy tiện. Nhưng trong tình hình hình hiện nay, nhiều luật (hoặc việc thực hiện luạt đó) cấp thiết hơn nhiều, chứ không phải luật tiếng Việt. Còn việc tác động đến CNTT điều quan trọng là quy luật (chữ “luật” viết thường, đó là các đặc điểm ngữ âm, chữ viết, ngữ pháp,…) do các nhà khoa học tổng kết từ thực tiễn, chứ không phải cái luật hành chính (viết hoa) như các luật khác do nhà nước ban hành. Luật tiếng Việt, theo tôi là không cần thiết, vì hai lẽ sau:
- Bản thân việc sử dụng tiếng Việt đã tự nó có luật rồi. Nó gồm hai loại luật: luật thành văn và luật bất thành văn. Luật thành văn là những quy định có tính pháp lý, chủ yếu là quy định chính tả. Luật bất thành văn là các quy tắc (ngữ âm, chính tả, ngữ pháp,…) mà cộng đồng mặc nhiên thừa nhận, có thể được đúc rút thành quy tắc trong cách sách dạy về Việt ngữ học mà cũng có thể không. Nếu không có luật về giao thông, người ta có thể đi lung tung, nhưng không có luật về tiếng Việt, không ai có thể nói (viết) lung tung (lung tung hiểu là bất chấp các quy tắc tiếng Việt), vì nói (viết) lung tung thì không ai hiểu. Cho nên dù muốn dù không mỗi người khi sử dụng đều phải tuân theo các luật (quy tắc) mang tính khách quan ấy (nếu không tuân theo như nói ngọng, viết sai chính tả, ngữ pháp,… thì thuộc về năng lực, thuộc về điều bất khả kháng).
- Thay vì công sức, tiền bạc bỏ ra làm Luật tiếng Việt (“Luật” viết hoa, tức pháp lệnh hóa việc sử dụng tiếng Việt) thì hãy làm “luật” tiếng Việt viết thường, ấy là nghiên cứu kĩ để có những chuẩn hóa về ngữ âm, ngữ pháp, đặc biệt là về chính tả, trong đó chủ yếu là vấn đề nan giải hiện nay: viết tên riêng nước ngoài, tên riêng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Vấn đề xúc tiến hiện nay theo tôi trước hết là ngành CNTT thấy “tắc” những gì thì từ đó đề xuất ngành ngôn ngữ học nghiên cứu, trợ giúp. Ví dụ, quy tắc đánh dấu thanh điệu, quy tắc viết hoa, quy tắc viết i/y,… kể cả các quy tắc ngữ pháp. Theo tôi biết, hiện nay một số chuyên gia làm phần mềm dịch tự động, họ không cần căn cứ vào các từ điển hay sách ngữ pháp tiếng Việt. Họ để cho máy tính tự tìm ra luật sau khi đã nạp cho nó một số dữ liệu văn bản nhất định. Tức là chỉ căn cứ vào cái ngôn ngữ tự nhiên, chọn một cách ngẫu nhiên, chưa bao gồm hết các hiện tượng. vả lại, nếu may, chọn được văn bản đúng, hay, thì có luật đúng; nếu không may chọn phải văn dởm thì cái luật mà máy tính tìm ra một cách “rất máy” đó cũng là luật dởm. Trên nguyên lý này, ngành ngôn ngữ học có thể giúp CNTT hoàn thiện. Ví dụ, khi sử dụng phần mềm sửa chính tả tự động, tôi thấy có những chữ đúng nhưng bị máy cho là lỗi. Ví dụ khi nạp “trở về” là đúng thì  tất cả mọi chỗ viết “chở về” đều được máy đánh dấu sai, nhưng thực tế lại có kết hợp “chở về” trong trường hợp “khai thác khoáng sản chở về Pháp”.
Thiết nghĩ ban đầu sự hợp tác liên ngành chỉ ở quy mô nhỏ với một số đề tài xác định. Quá trình hợp tác chắc sẽ nảy sinh nhiều vấn đề hơn, và những bước sau sẽ nghiên cứu và hợp tác toàn diện hơn. Cho nên ở bước đầu này không cần thành lập ban bệ cồng kềnh. Chỉ cần ngành CNTT đặt ra một số vấn đề cần để giới ngôn ngữ học nghiên cứu sau đó đem ra trao đổi. Người chủ trì có thể là Liên hiệp hội khoa học – kỹ thuật hoặc một tổ chức của CNTT hoặc Hội ngôn ngữ học, chưa cần đến sự tham gia của nhà nước.
Đào Tiến Thi
(Biên tập viên NXB Giáo dục Việt Nam,
Ủy viên BCH Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)


31 nhận xét :

  1. Trước khi chữ Hán, chữ Nôm người Việt thời Hùng Vương dùng chữ Khoa đẩu. Cái này nhiều người nghiên cứu và công bố rồi. Tại sao ông TTD cho rằng "Chữ Nôm là sản phẩm chữ viết duy nhất do chính người Việt sáng tạo" (Ý 2)? Tại sao ông và các vị Phan Huy Lê, Lê Văn Lan... và nhiều vị khác cứ chối bỏ lịch sử văn hóa dân tộc?
    Mong ông và các vị nói trên sớm thay đổi nếu không có tội với Tiền nhân, có tội với dân tộc lắm.

    Trả lờiXóa
  2. Xin thưa với ông Đào Tiến Thi đừng phỉ báng lịch sử dân tộc nữa. Sao ông lại nói chúng ta có 2700 năm? Không phải 4000 năm mà là 5000 năm thưa ông (nếu ông muốn phản bác hay nghi ngờ thì có không ít nhà nghiên cứu để ông phản biện như Hà Văn Thùy, Nguyễn Thiếu Dũng, Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Kim Định...).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gửi bác Nặc danh 02:17
      Trước hết xin bác đừng nặng lời quy kết như thế. 2700 năm chỉ là một con số, không phải là một nhận xét, làm sao kết luận được một thái độ?

      Còn về niên đại 2700 xin nói ngắn gọn với bác như sau:
      4000 năm lịch sử từ lâu đã là câu nói cửa miệng của người VN ta. Con số đó ghi trong các cuốn sử cũ thời phong kiến. Gần 2000 năm (thậm chí có sách ghi 2879 năm) thời Hùng Vương chủ yếu dựa trên truyền thuyết và sự phỏng đoán. Các nhà sử học thời hiện đại lúc đầu cũng căn cứ vào các tài liệu sử cũ đó.
      Nhưng những nghiên cứu vài chục năm gần đây cho con số trên là không chính xác. GS. Lê Văn Lan có lần kể với tôi chính ông đã trực tiếp đến hội nghị của Quốc hội để thuyết trình vấn đề này. Và như ta thấy, hiến pháp VN năm 1992 đã sửa cụm từ "bốn ngàn năm lịch sử" thành "mấy ngàn năm lịch sử". Sách Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 1 (Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh, Nxb Giáo dục, 1998) cũng viết: “Dựa vào những tài liệu và những tài liệu nghiên cứu về thời Hùng Vương hiên nay, có thể đoán định có cơ sở rằng thời điểm ra đời của nước Văn Lang với tư cách là một nhà nước sơ khai là vào khoảng thế kỷ VII – VI tr.CN” (trang 46)
      Tôi cũng có trong tay cuốn Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt của Hà Văn Thùy. Tôi rất trân trọng nỗ lực của ông Hà Văn Thùy, song đó cũng chỉ là một ý kiến. Vả lại chính ông Hà Văn Thùy cũng chỉ đoán định trên cơ sở các nguồn tài liệu có trong tay.

      Nói thêm rằng tuổi của một dân tộc không quyết định giá trị của dân tộc ấy. Nước Mỹ mới lập hơn 200 năm nhưng giữ vai trò lãnh đạo cả thế giới, trong đó có nước Anh, tổ tiên của họ. Nước Singapore mới lập chưa đầy 50 năm nay, thế mà thành nước phát triển nhất ở Đông Nam Á, sánh ngang với Châu Âu.

      Xóa
    2. Xin bác Nặc danh đừng vội quy chụp ông Đào Tiến Thi như vậy. Tôi nghĩ bác nên trang bị kiến thức cho vững vàng rồi mới tính đến chuyện phê phán quan điểm của một ai đó chứ yếu như bác ra gió thì mệt lắm. Xin lỗi vì lời nói thật nhưng chân thành gửi tới bác.

      Xóa
    3. Đúng! Tôi chưa bao giờ thấy các ông sử học chính thống nói riêng, hay các nhà NCKH chính thống nói chung, phản biện, tranh luận công khai, bình đẳng với các ông HVT, NTD, NVTA... Tòan né tránh...
      Theo tôi các ông chính thống sợ Tàu khựa. Vì việc này, nó đụng chạm tới cái danh hiệu "nước có nền văn hóa vĩ đại, lâu đời" của Trung Hoa. Mà không biết đó là một nền văn hóa ăn cắp, đánh tráo, cướp đoạt từ một nguồn gốc : nền văn minh Bách Việt. Chính vì dân Lạc Việt có nguồn gốc lâu đời hơn dân Tàu, lại nắm giử những chìa khóa giải mã nền văn minh Bách Việt nằm trong tiềm thức dân gian, nên tụi Tàu đã không đồng hóa được dân Lạc Việt.
      Co thể nói lịch sữ dân lạc Việt là dân Việt cư ngụ liên tục trên bán đảo Đông Dương và lưu vực sông Hồng, phải kéo dài hàng vạn năm. bất cứ di chỉ khảo cổ nào phát triển trên đất Trung hoa ngày nay, đều có tuổi thấp hơn sư jhình thành, định cư và phát triển cũa tộc Lạc Việt trên địa bàn bán đảo Đông Dương ngày nay.

      Xóa
    4. Xin cảm ơn TS Đào Tiến Thi.

      Xóa
  3. một nhà cổ xúy quan trọng cho chữ quốc ngữ là PHAN CHU TRINH, không thấy anh Thi nhắc đến?

    Trả lờiXóa
  4. Cần phải đọc kỹ thì mới có cái nhìn chính xác được về tham luật của TS Dương, tuy nhiên theo như những lý lẽ trình bày trong từng tiêu chí mà TS Dương viết ra (được ghi lại ở đây bởi TS Thi) tôi cho rằng những lý lẽ của TS Dương là võ đoán, cách so sánh trình bày không có cơ sở khoa học và có thể tạo ra những sự hiểu lầm và chia rẽ không đáng có trong xã hội.

    Tôi thiết nghĩ không cần phân tích gì thêm nữa vì mọi thứ TS Thi đã lý giải, ví dụ như giải trình trong tiêu chí số 5 của TS Dương. Theo tôi nó không khác lắm lối suy nghĩ của vua quan triều đình nhà Nguyễn. Những quan niệm mang tính yêu ghét này là một những nguyên nhân đưa dân tộc tới thảm họa vào thế kỷ !

    Bên ngoài những tranh luận trên, theo tôi chữ Viết chỉ là công cụ ghi lại tiếng nói, văn hóa (suy nghĩ, tư tưởng, triết lý, lịch sử,....) và cùng với tiếng nói trở thành ngôn ngữ của một dân tộc phù hợp 'những đặc thù riêng của một dân tộc'. Vì nếu nó không phù hợp (chọn không đúng,... ) hoặc nó sẽ rất khó phát triển hoặc sẽ chết !

    Vì ở bước khởi đầu do những đặc điểm riêng mà chẳng có một quốc gia, dân tộc nào có cái gọi là chữ Viết ngay lập tức mà chính họ phải xây dựng & sáng tạo ra nó, do vậy mà việc có những cái điểm chung, điểm vay mượn là chuyện thường tình mà thôi. Vậy đề là nó phù hợp với đặc tính văn hóa của một dân tộc, tính phổ cập, tiện lợi,...(*)

    Trong chúng ta có một số người đánh giá các vấn đề khoa học (dù xã hội hay tự nhiên cũng vậy) lại căn cứ quá nhiều vào cảm tính yêu ghét . Theo tôi hình như đây cũng là vấn đề mắc phải trong tham luận của GS Dương thì phải ?!

    Là một người làm khoa học, tôi tự hỏi nếu như (mà nếu này là không thể vì nó đã xảy ra trong quá khứ rồi) từ những thời xa xưa sau khi đã

    "Nam quốc sơn hà Nam đế cư rồi" (**)

    Nhân dân Việt Nam muốn cả cái ý tưởng (**) được khẳn định trong cả ngôn ngữ qua một "Chữ viêt riêng của mình" mà họ có cơ hội tiếp cận "nhiều bộ chữ cái cơ sở" (tôi xin dùng như vậy dù nó không chính xác vì tôi không là một nhà ngữ học) thì liệu lúc đó các nhà ngôn ngữ của mình sẽ dùng bộ "Chữ Hán" hay "bộ chữ Latin" hay bộ chữ nào khác (ví dụ bộ Hy Lạp, bộ chữ Thái, Ả Rập ,....)để phát triển tiếng Việt theo những tiêu chí (*) ?

    Với tôi chữ Nôm hay Quốc Ngữ đều quý cả vì nó thật sự là một phần máu thịt của văn hóa dân tộc mà ông cha ta, những bậc kỳ tài cái thế, đã đầu tư biết bao tim óc mới có cho chúng ta như ngày hôm nay như dù sao thì chữ Quốc Ngữ cũng đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt và tính phổ cập đại chúng của nó.

    Trả lờiXóa
  5. Gì mà nâng quan điểm ghê thế bác ?
    Con số đó có phải chính xác đâu và cũng chưa được mọi học giả
    đồng ý.Người cho là 2700 năm như bác ĐTT.còn kẻ thì 4-5000 năm !

    Trả lờiXóa
  6. lich su nuoc minh noi 4000 nam la noi theo truyen thuyet ,con noi 2700 nam la dua theo ghi chep tu lich su nuoc ngoai /co the to tien chung ta xa xua da co chu viet ,da co nhieu gia tri van hoa khac ,nhung da bi xoa di , bi cuop di ,bi mat di trong nhieu the ky bi dai han do ho / toi hoan nghenh ly le cua ban dao tien thi /

    Trả lờiXóa
  7. Tôi đồng ý với ý kiến cua Nặc Danh Feb 21, 2012 02:17 PM. Chúng ta có gần 5000 năm lịch sử theo như nghiên cứu của các ông Hà Văn Thùy, Nguyễn Thiếu Dũng, Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Kim Định, Vũ Khánh Thành...Và người Việt chúng ta đã có chữ viết trước cả người Hán. Quí vị có thể tham khảo thêm ở trang web của An Viet Tòan Cầu.
    Trần Hòai Nam

    Trả lờiXóa
  8. Nhân tiện các bác nói về nguồn gốc chữ viết của Việt Nam, bác Diện làm ơn viết một bài về Văn Hiến của Việt Nam đi ( khái niệm, quá trình hình thành và phát triển ). Qua topic tranh luận về Văn Hiến của Việt Nam trên diễn đàn tin học, mặc dù sách báo ghi nhiều về 4000 năm văn hiến mà thực tế không phải ai cũng hiểu đúng khái niệm này.
    http://www.ddth.com/showthread.php/354383-Văn-Hiến-là-gì-Nước-Việt-có-bao-nhiêu-năm-Văn-Hiến/page5

    Trả lờiXóa
  9. Trời ơi, trong một bài khoa học mà ông Đào Tiến Thi viết:"Pigneau de Behaine ĐỌC là Bá Đa Lộc" thì tôi vái ông cả nón. Bao giờ ông nhận mình sai thì tôi mách tư liệu cho.

    Trả lờiXóa
  10. Làm khoa học mà tin vào các ông Hà Văn Thùy, Nguyễn Thiều Dũng, Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Kim Định, Vũ Khánh Thành... thì thành cụ kễnh cả lượt. Thay một sô vanh này bằng một sô vanh khác mà thôi.
    Về vấn đề 4000 năm hay 2700 năm, theo tôi đó là hai quan niệm KHÁC NHAU. Những người quan niệm này hiểu những người kia và ngược lại.Trong khoa học chấp nhận những giả thuyết, những kết quả KHÁC NHAU. Không phải bao giờ cũng chỉ hoặc đúng hoặc sai rành rẽ. Không ta là địch, không vô sản phải là hữu sản... đó là quan niệm thô sơ, ấu trĩ. Trong khoa học xã hội nhân văn lại càng như vậy. Bàn cãi nhau từ một tiên đề không đúng ( chỉ hoặc này hoặc hoặc kia mà thôi) thì ra vấn đề sao được cơ chứ.

    Trả lờiXóa
  11. Pigneau de Behaine
    Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


    Chân dung Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc).
    Giám mục Bá Đa Lộc còn gọi là Cha Cả, nguyên tên là Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine , thường viết là Pigneau de Behaine (2 tháng 2 năm 1741- 9 tháng 10 năm 1799), là một vị giáo sĩ người Pháp được Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh trọng dụng trong việc lấy lại đất nước từ tay nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18. Ông đã được phong làm Giám mục hiệu tòa Adrian nên cũng thường được các sách sử gọi là Giám mục Adrian.
    Người Việt biết đến ông dưới tên "Bá Đa Lộc" (chữ Hán: 百多祿[1]) vì tên tiếng Pháp của ông là Pierre, tương đương với Petrus trong tiếng Latin, Pedro trong tiếng Bồ Đào Nha, và từ đó xuất hiện cái tên "Bá Đa Lộc", phiên âm từ "Pedro".[2]
    ,,,
    http://vi.wikipedia.org/wiki/Pigneau_de_Behaine

    Trả lờiXóa
  12. Vâng tôi đồng ý suy nghĩ: "Theo tôi các ông chính thống sợ Tàu khựa. Vì việc này, nó đụng chạm tới cái danh hiệu "nước có nền văn hóa vĩ đại, lâu đời" của Trung Hoa."
    Có học giả chính thống nào sẵn sàng tranh luận với các ông Hà Văn Thùy, Nguyễn Thiều Dũng, Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Kim Định, Vũ Khánh Thành... hay không?
    Trần Hòai Nam

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói thật bây giờ tôi chẳng còn kính phục các ông GS sử học hay các học giả như Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Lê Văn Lan, Dương Trung Quốc...Lịch sử Việt nam khuyết gần 3000 năm mà các ông chăng có một nghiên cứu, phát kiến gì. T, Tôi kính phục các ông Kim Định, Nguyễn Vũ Tuấn Anh...về các công trình nghiên cứu của họ

      Xóa
  13. TOI PHAN DOI CAI ONG NAY- SAO LAI BAO CU NGUYEN DU XEM THUONG CHU NOM (QUA CAU LOI QUE CO NHAT DONG DAI-MUA VUI CUNG DUOC MOT VAI TRONG CANH) ONG DA HIEU LAM CAU NAY, ONG NEN NHO DO LA SU KHIEM TON CUA CU NGUYEN DU, CHU KHONG HAI MIET THI CHU NOM ONG NHE- NEN NHO TRUYEN KIEU CON THI TIENG TA CON, TIENG TA CON THI NUOC TA CON

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ai cũng hiểu đó là cách nói khiêm tốn bác ạ. Cụ Nguyễn Du đã lao tâm khổ tứ để viết thiên tuyệt bút 3254 câu ấy chẳng lẽ để nói chuyện "dông dài". Có điều nếu cụ viết bằng Hán văn chắc sẽ không tự nhận đó là "lời quê". Như vậy đằng sau lời khiêm tốn ấy ta thấy bầu "khí quyển" của thời đại. Cái thời đại người ta vẫn chia ra văn nghiêm túc để "tải đạo" (giáo huấn) với "văn chơi" (ngâm vịnh nhàn tản). Đây không chỉ là chuyện viết bằng văn tự Hán hay Nôm là chuyện hệ thi pháp kèm theo nó. Viết bằng Hán văn đi với hệ thi pháp quy phạm (khuôn mẫu) đầy tính bác học, quý tộc, còn viết văn Nôm thì tự do hơn, không câu nệ các quy phạm, và do đó tính bình dân rất rõ. Do đó ta thấy hiện tượng nhiều nhà nho muốn nói "bạo miệng", phóng túng thì phải chọn văn Nôm, nghĩa là núp dưới vỏ bọc "không nghiêm túc". Cụ Ngô Đức Kế khi phê phán Truyện Kiều cũng nói rằng "văn thì hay nhưng chuyện là chuyện phong tình, đọc lên chỉ thấy ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi...".

      Xóa
  14. Giời đất ơi, tại sao lại phải đặt ra vấn đề chữ nào dân tộc tính hơn cơ chứ, đúng là các bác ngộ chữ

    Trả lờiXóa
  15. Tôi vốn trước đây cũng là một tín đồ của Kim Định. Song bây giờ nhìn lại, thử đặt một câu hỏi giản dị: VIỆT là gì? Tiếp tục xem thử KINH là gì? thì thấy rằng, toàn bộ suy tư của ông đều xây trên bọt biển. Các tín đồ của ông thì không nói làm gì. Có lúc nào đó họ tự đặt cho mình câu hỏi: Việt là gì đây nhỉ? Cái cuối cùng khó vượt qua đó, cả "chính thống" lẫn bàng thống đều không dám bước qua nên đều sô vanh như nhau thôi.

    Trả lờiXóa
  16. 2700 năm, 4000 năm hay 10000 năm có ý nghĩa gì đâu khi mà những mâu thuẫn trong nội tại đất nước này ngày một lớn mà không tìm cách giải quyết?
    Bác Thi nói đúng, nước Mỹ sinh sau đẻ muộn mà lãnh đạo thế giới. Sát VN là Singapore mới 46 năm mà cuộc sống của dân hơn đứt VN cả nghìn năm thì cái lịch sử nghìn năm để làm gì?
    Người dân có "mài lịch sử" ra mà sống được không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dân hai lăm triệu ai người lớn
      Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con
      (Tản Đà)
      Kể năm sinh nay đã bốn nghìn dư
      Bước tiến hóa lư đừ sau mọi kẻ
      (Tản Đà)

      Xóa
  17. CHÜ NÖM CÖ TÜ 2400 näm tren thanh güom Vua Cäu Tien .

    Trả lờiXóa
  18. Các tiêu chí mà TS. Trần Trọng Dương đưa ra để đánh giá chữ nào thuần Việt cũng giống như tiêu chí của thủ trưởng đơn vị đưa ra họp "bộ tứ" lựa chọn bổ nhiệm cán bộ,và giống tiêu chí chấm điểm chấm thầu lựa chọn nhà thầu của Việt Nam ta.
    Phải chăng Bác Đào Tiến Thi phải viết bài này vì có chữ TS trước tên của tác giả một bài viết có hàm lượng học thuật "quá mỏng"

    Trả lờiXóa
  19. Đến giờ mà ông Tiến sĩ Đào Tiến Thi còn quan niệm văn học Nôm là "văn chơi", còn văn học viết bằng chữ Hán là văn học "nghiêm túc", lại nói rằng đó chỉ là vấn đề "quy phạm thi pháp" thì té ra ông được đào tạo để hiểu cái lịch sử tiếng Kinh, cái lịch sử văn học đến thế thôi ư. Bao giờ mới khá được. Ông coi những sáng tạo hàng ngàn năm của bao lớp trí thứ ái quốc thời phong kiến đơn giản là sự chọn lựa quy thức để làm văn thơ chăng? Không có họ, chúng ta lấy đâu ra tiếng Kinh hiện nay mà tư duy, mà viết luận án, mà ngồi vào các bàn đàm phán ngoại giao. Cứ so nó với tiếng Khơ me, tiếng Mày, Rục, Chứt, Pọong, Cuối, Arem, Mã liềng, Kơ ho... Nếu không có văn học Nôm với cố gắng bất tận của tầng lớp trí thức mà đại diện tiêu biểu của họ là Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du... thì làm sao Đắc Lộ, Bá đa lộc, Tabert, Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của, Hoàng Xuân Hãn có đủ kho từ vựng,đủ cơ năng ngữ pháp mà chuyển nghĩa trong truyền giáo, trong từ điển, trong dịch thuật và chuyển khái niệm khoa học được. Hay là cam chịu một ngôn ngữ tộc người thấp kém, không tư duy khoa học được như chán vạn ngôn ngư khác còn bảo lưu trên thế giới. Ông làm ngôn ngữ chắc đã biết khái niệm "ngôn ngữ cường năng" chứ gì? Nhà nho nói "chơi" nhưng là không chơi. Trong tim họ, trong lòng họ là một niềm ái quốc ưu dân, không muốn cái QUỐC bé như sừng ốc sên này thua kém Tây Trúc, Đại Hán, không muốn cái LÊ DÂN lam lũ này mãi tối tăm. Họ đã miệt mài sáng tạo, dựng xây, sáng tạo... để dân hiểu tư duy Phật, tư duy Nho, hiểu tân thư, hiểu Khoa học. Cái đó mới là ý nghĩa cốt tử của chữ Nôm, văn Nôm. Sao lại chỉ có chuyện thi pháp với từ chương. Được học, có học sao mà chỉ hiểu thiển cận đến vậy ta!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc xong bài của ông tôi thiết nghĩ rằng ông không hiểu hết bài viết của ông Thi thì phải ! Ngay cả câu mở đầu đã cho thấy ông không đọc kỹ bài trên khi ông viết :

      (Đến giờ mà ông Tiến sĩ Đào Tiến Thi còn quan niệm văn học Nôm là "văn chơi", còn văn học viết bằng chữ Hán là văn học "nghiêm túc")

      Ông cần đọc kỹ bài người ta viết rồi mới bàn mới chính xác được !

      Xóa
    2. Gửi Nặc danh 2:53
      Qua nội dung và lời lẽ trên thì thấy bác cố tình không hiểu tôi, chứ không phải không hiểu. Tôi đã nhấn mạnh trong bài là tôi không hề hạ thấp chữ Nôm. Đấy là trên phương diện văn tự đơn thuần. Còn trên phương diện văn học Nôm tôi chỉ bàn về thái độ CỦA CÁC CỤ THỜI XƯA đối với mảng văn học này, hoàn toàn KHÔNG PHẢI THÁI ĐỘ CỦA TÔI.
      Thái độ của tôi về Truyện Kiều, về văn chương Nôm, vì không liên quan trực tiếp vấn đề đang bàn nên tôi không bàn. Tuy vậy, chỉ một câu tạt ngang trong comment 2:53: "Cụ Nguyễn Du đã lao tâm khổ tứ để viết thiên tuyệt bút 3254 câu ấy chẳng lẽ để nói chuyện "dông dài" đã đủ thấy tôi trân trọng và yêu thích Truyện Kiều như thế nào.
      Trong tranh luận tôi không sợ khác nhau ý kiến mà chỉ sợ ông nói gà bà nói vịt, và nhất là sợ những người cố ý ông nói gà bà nói vịt, cố ý xuyên tạc ý kiến người khác.

      Xóa
  20. http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/24823-thoi-hung-vuong-2700-nam-hay-5000-nam/
    Kính gửi bác Đào Tiến Thi và bác NXD cùng các bác!
    Đã có phản biện về thời Hùng Vương 2700 năm của bác Thi và GS Lan rồi này! Đây là cơ hội để hai bên bác Thi và các bác làm sử chính thống cũng như các nhà nghiên cứu còn lại cùng nhiều người khác làm cho luận điểm của mình trở nên thuyết phục.

    Trả lờiXóa
  21. Tôi là độc giả thường xuyên của Blog NXD. Tôi cũng vừa vào trang lyhocdongphuong.vn thấy quả thật là các các ông ấy nói năng rất nghiêm túc, chứng minh khoa học hơn cả mấy vị giáo sư, tiến sĩ mà trước đây tôi vẫn đề cao như Lê Văn Lan, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng...Thời gian vừa qua tôi cũng nghi ngờ về cái rút ngắn 2700 năm của các vị nhưng quả thật là bây giờ tôi mới rõ. Nếu các vị không đối thoại với họ mặc nhiên những độc giả chúng tôi sẽ ngầm hiểu rằng các vị không dám đối thoại vì đối thoại không thể thuyết phục hơn họ. Nếu vậy thì tất cả mớ lịch sử thời HV 2700 năm trong sách gk phải làm sách mới hết rồi, các bạn ơi.

    Trả lờiXóa