Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

ĐÊM GIAO THỪA: LẠI NÓI VỀ CHUYỆN CHỮ TÂM CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC

LẠI NÓI VỀ CHUYỆN CHỮ TÂM CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC
Đào Tiến Thi
Nhân chủ đề TÀI và TÂM mà TS. Nguyễn Thị Từ Huy nêu ra (Blog Nguyễn Xuân Diện ngày 21-1-2012 (28 Tết), tôi muốn góp thêm một chút. Trong bài của chị Từ Huy (T.H), chữ “tài” và chữ “tâm” thực tế không phải là “tài” và “tâm” nói chung mà là “tài” và “tâm” của người TRÍ THỨC. Còn bài này chỉ bàn về chữ TÂM của người trí thức mà thôi.
Nhân chị T.H nhắc đến bài thơ Bán vàng của Nguyễn Duy, nên thay cho mở bài, tôi xin chép hầu quý độc giả một đoạn. (Tôi thuộc bài thơ này ngay khi nó đăng lần đầu ở báo Văn nghệ khoảng 1987 - 1988):
Tâm hồn ta là một khối vàng ròng
Đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ
Mảnh này vì con, mảnh này vì vợ
Mảnh này vì cha mẹ, em ta
Giữ ngọc gìn vàng biết mấy công phu
Ta giàu lắm mà con ta đói lắm
Ta vương giả mà vợ ta lận đận
Cha mẹ ta trong lụt bão trắng trời
Ta mơ màng, ta uốn éo, ta lả lơi
Để mặc kệ mái nhà xưa dột nát
Mặc kệ áo quần thằng cu nhếch nhác
Mặc kệ bàn tay mẹ nó xanh xao
Ta rất gần bể rộng với trời cao
Để xa cách những gì thân thuộc nhất
Nồi gạo hết lúc nào ta chả biết
Thăm thẳm nỗi lo, mắt vợ u sầu
Viên thuốc nào dành để lúc con đau
Vợ nằm đó xoay sở mần răng nhỉ ?
Cơn hoạn nạn bỗng làm ta tĩnh trí
Ngọn gió tha hương lạnh toát da gà
Cái ác biến hình còn lởn vởn quanh ta
Tai ách đến bất thần không báo trước
Tờ giấy mong manh che trở làm sao được
Một câu thơ chống đỡ mấy mạng người…
Nhân vật trữ tình ở đây là một nhà thơ, tức là người trí thức. Anh ta tự nhận “Tâm hồn ta là một khối vàng ròng” nhưng mà rồi “Đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ/ Mảnh này vì con, mảnh này vì vợ/ Mảnh này vì cha mẹ, em ta…”
Thế mới biết cuộc mưu sinh nó ác lắm. Xuân Diệu cũng từng viết:
Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ
Bởi vậy, tuy tôi chia sẻ với nỗi bức xúc của chị T.H về lối sống thực dụng “sát sạt” của nhiều trí thức hiện nay, nhưng tôi vẫn nhìn ở sự thông cảm nhiều hơn.
Một ông giáo sư dù tài giỏi đến mấy thì cũng phải sống cuộc đời thường như tất cả mọi người, không phải là thánh. Cho nên, cái ông giáo sư mà chị T.H nói đến, theo tôi, cũng chưa chắc (chưa chắc thôi) đã là người xấu. Bởi vì tuy việc đọc nhận xét luận văn của ông có chế độ của nhà nước nhưng cái giá này quá bèo. Nếu đọc cho kĩ thì rõ ràng nó chẳng tương xứng tí nào. Cho nên theo lệ thường đã từ rất lâu rồi, bất cứ ai đưa đọc luận văn, dù luận văn cao học (thạc sỹ) hay nghiên cứu sinh (tiến sỹ) đều có khoản thù lao thêm cho thầy. Và tôi nghĩ thế cũng là chính đáng. Vấn đề là nhận thế nào cho phải chăng. Theo tôi, ông thầy không đòi hỏi, mà nếu trò có đưa nhiều thì nên trả bớt lại, nhất là với trò nghèo, và nhất là với trò nghèo mà lại giỏi. Càng không nên vì tiền nhiều tiền ít mà nhận xét sai lạc luận văn. Lương tâm là ở chỗ ấy, chứ không phải cứ nhận tiền là mất lương tâm. Tôi có mấy giáo sư dạy mình hồi làm thạc sỹ, sau này luôn động viên tôi đi làm tiếp tiến sỹ, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi ngại đi. Có lần trong bàn tiệc có nhiều giáo sư bậc thầy, một giáo sư bảo tôi: “Nếu chú mày đi làm tiến sỹ, các thầy ở đây đều hết sức giúp đỡ, không ai lấy tiền của mày đâu”. Tôi nghĩ đó là một thái độ thành thực, sòng phẳng và tốt bụng. Tôi có một anh bạn là phó giáo sư ở một viện nghiên cứu nọ, một lần nhân đề cập chủ đề này, anh bảo: “Mình vẫn thường nhận tiền thù lao đọc phản biện. Nhận tiền thù lao này không những không xấu mà còn chính đáng. Còn ông nào không thích nhận thì tùy, thì cũng tốt thôi. Nhưng mình không chấp nhận có một ông nọ không nhận nhưng lại cầm phong bì đến cơ quan để bêu riếu người học trò đó trước mọi người”.
Đối với các bác sỹ, tầng lớp mà bây giờ dư luận xã hội hay chê trách, nhưng tôi không thấy họ xấu đến như thế. Lương họ còn thấp hơn cả lương giáo viên, việc thì lại vất vả hơn giáo viên. Và cũng chẳng dễ có việc làm thêm như giáo viên. Vậy thì lấy lý do gì để đòi hỏi quá nhiều ở họ? Lấy lý do gì để áp đặt vào họ cái gọi là Y ĐỨC, trong khi lại chẳng áp đặt những cái khác, cần thiết hơn, thực thi hơn, như QUAN ĐỨC, LẠI ĐỨC, CẢNH SÁT ĐỨC,… Mỗi lần đến bệnh viện, tuy cũng không ít những việc làm tôi bực mình, nhưng tôi thấy thương các thầy thuốc nhiều hơn là sự khó chịu. Hai mươi chín Tết năm ngoái, tôi đến bệnh viện Hòe Nhai (Hà Nội) để hỏi về tình trạng bệnh của vợ tôi (đang điều trị tại nhà), bác sỹ Đ.N.L vẫn rất chu đáo giải thích tình trạng bệnh của vợ tôi, hướng dẫn cách dùng thuốc, cách ăn uống hợp lý,… Và tôi thấy xung quanh các bác sỹ, các y tá vẫn làm việc tất bật như ngày thường (trong khi hầu hết các cơ quan đã nghỉ Tết), khiến tôi rất cảm động.
Trên kia là phần cảm thông của tôi. Cảm thông về những người làm khoa học nhưng đồng lương không đủ sống, vẫn phải lo toan kiếm sống bằng cách khác để con cái không đến nỗi tủi thân thua thiệt, nhưng chính họ lại chịu sự xét đoán cao hơn mọi người.
Tuy nhiên, tôi cũng xét đoán người trí thức khắt khe hơn TS. Nguyễn Thị Từ Huy ở chỗ khác. Cái TÂM của người trí thức theo tôi không thể chỉ trong ứng xử đời thường, trong những việc thuộc về VI MÔ như chị T.H nêu. Cái TÂM của người trí thức còn phải hướng tới những vấn đề VĨ MÔ, tức những vấn đề của đất nước, của nhân dân, và của thời đại nữa.
Theo tiêu chí đó, theo tôi hiện nay nước ta có 4 hạng trí thức:
1. Hạng đau đáu với vận mệnh đất nước và nhân dân. Xin lấy mấy câu của nhà văn Phạm Ngọc Luật viết về hạng trí thức này thay cho nhận xét của tôi: “Họ không mũ ni che tai. Không lạnh tanh máu cá. Không chép miệng triết lý vặt. Họ là những trí thức dấn thân. Họ nói và làm có thể không theo một khuôn phép thông lệ. Có thể nó đắng hơn mướp đắng, cay hơn ớt, xốc hơn mù tạt, nhưng không giả”.
Hạng thứ nhất này hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (không biết có nổi một phần nghìn hay không) và hiện nay đánh giá về họ có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Thông thường, trong cộng đồng, họ bị chê là “hâm”, là “ngu”, là “điếc không sợ súng”, nhưng đấy chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Trong thâm tâm sâu thẳm, mỗi công dân vẫn nhìn họ với thái độ kính phục (tuy rằng đa số chỉ “kính nhi viễn chi” mà thôi), cho nên theo tôi họ là linh hồn của đất nước, nhân dân nhìn vào họ để lấy chút niềm tin vào cuộc sống. Vì những hoạt động của họ là vì đất nước và nhân dân, cho nên mặc dù nhà cầm quyền nhiều khi không ưa họ nhưng có lẽ vẫn thấy sự có mặt của họ là cần thiết, nhất là trong một số vấn đề “nhạy cảm” mà nhà nước thì không tiện hiện diện. Thử hỏi nếu không có họ thì làm sao hồi năm 2010, Hội Địa lý Hoa Kỳ sửa tên địa danh Hoàng Sa, Trường Sa vốn lúc đầu mang tên Trung Quốc? Nếu không có họ thì làm sao mới đây tạp chí Nature và tạp chí Science tuyên bố không cho đăng bản đồ Biển Đông có hình lưỡi bò?
2. Hạng có quan tâm, có “biết cả”, cũng đau khổ, cũng bức xúc ít hoặc nhiều nhưng nhìn chung không động tay động chân một việc gì cho sự nghiệp chung cả. Lý lẽ của họ là “chả làm gì được đâu”, và họ quay sang giữ lấy sự an toàn và hạnh phúc cho riêng mình, không chấp nhận bất cứ thứ hệ lụy nào do “hành động cao cả” mang lại. Hạng thứ hai này có lẽ là đông đảo nhất trong giới trí thức hiện nay. Điều đáng chú ý là họ còn lương tâm, thậm chí nhiều người rất tốt, nhưng họ chỉ dùng một nửa lương tâm thôi, tức là chỉ dành cho những việc thuộc phạm vi gia đình, anh em, bè bạn,... Tuy nhiên, ngay cả những đối tượng đó, sự tương trợ cũng chỉ khi nào nó không gây hệ lụy cho họ. Trong trường hợp một đồng nghiệp cùng đơn vị, cơ quan bị đánh, dù đúng mười mươi, nhưng nếu sếp quyết tâm đánh thì họ cũng không dám bảo vệ. Vì vậy, yêu nước thương dân đối với họ là khái niệm quá xa xỉ, không thể với tới, không dám với tới. Với cách định nghĩa tuyệt đối “trí thức là những người làm những việc không liên quan gì đến mình” thì thực chất họ cũng không còn là trí thức nữa, mà chỉ là công chức, viên chức thôi. Nhưng ngay cả với tư cách công chức, viên chức, thì họ cũng chỉ đáng ghi nhận ở bản chất lương thiện. Nhưng nếu người lương thiện xét một cách đầy đủ, không phải là người ngồi nhìn cái ác hoành hành thì họ cũng không hẳn là lương thiện nữa. Cho nên dễ thấy một điều trên cả xã hội hiện nay: người tốt thì còn nhiều nhưng việc tốt thì quá ít.
3. Hạng không quan tâm các vấn đề xã hội, chỉ mải làm ăn, rất giỏi thu vén lợi ích cá nhân. Nếu có ai nói đến những vấn đề “bức xúc”, “nhạy cảm” thì họ tránh ngay, bảo “quan tâm đến nó làm gì, nhức đầu lắm”. Thực ra bảo họ không quan tâm đến chính trị hay bảo họ “vô cảm” thì chỉ đúng một nửa. Họ có thể không biết ông chủ tịch nước bây giờ là ai, hay có biết thì chỉ biết cái tên là cùng, chứ chẳng biết con người, học vấn, đạo đức, xu hướng tư tưởng,… của vị nguyên thủ quốc gia của mình thế nào, nhưng họ lại biết rất rõ về các sếp của mình, từ sếp trực tiếp cho đến sếp của sếp, từ sếp ông đến sếp bà: sếp ông thích cà vạt màu gì, sếp bà thích nước hoa gì, sinh nhật của con gái sếp là ngày nào, v.v.. Hạng thứ ba này theo tôi chiếm một tỷ lệ khá lớn, chỉ sau hạng thứ hai. Điều đáng buồn cho họ chưa phải là thái độ bàng quan, vô cảm hay thực dụng mà cái đáng buồn là ở chỗ: họ đã đổ vỡ hoàn toàn niềm tin. Nhiều người có địa vị, có học hàm học vị sáng choang, có cả nhiều tiền của nữa nhưng chả còn chút niềm tin gì. Họ sống trong sự trống rỗng, buồn tẻ nhưng đôi khi để khỏa lấp cái trống rỗng, buồn tẻ đó, họ vênh váo với thiên hạ bằng những thứ họ có (địa vị, học hàm học vị, tiền của chẳng hạn)
4. Hạng thứ tư, hạng trí thức thoái hóa hoàn toàn, dùng chất xám để buôn chính trị, hạng người mà một nhà thơ đã gọi là “điếm cấp cao”:
Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
Điếm cấp cao bán miệng nuôi…thân (hay trôn)
Họ thường là những người thông minh, họ có một cái đầu nhạy cảm với mọi vấn đề của cuộc sống, cho nên đón ý quyền lực cũng rất tinh. Chỉ có điều họ dùng cái bẩm chất thông minh, nhạy cảm ấy hoàn toàn cho lợi ích cá nhân. Nếu hạng thứ ba phải mua địa vị, học hàm, danh hiệu bằng tiền thì hạng thứ tư này hoàn toàn bằng cái lưỡi rắn. Ví dụ, để tiến thân, cái lưỡi rắn dám phun nọc độc vào những người chân chính đang “có vấn đề”.
Hạng này cho đến nay chỉ là thiểu số nhưng có xu hướng đang phát triển.
Vẫn biết cuộc sống muôn màu muôn vẻ, trí thức thì cũng là người, có tốt có xấu, nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn, nếu so sánh tầng lớp trí thức hiện nay với tầng lớp trí thức trước Cách mạng tháng Tám (chứ chưa dám so với trí thức các nước khác). Tầng lớp trí thức hiện nay về số lượng đông gấp hàng trăm lần so với tầng lớp trí thức trước Cách mạng. Học hàm, học vị thì rực rỡ mà trí thức thời trước không thể nào dám đọ. Nhưng so sánh về tính độc lập tư tưởng, về khả năng tác động vào đời sống xã hội, về tính tự chủ tự lập trong đời sống mưu sinh thì trí thức ngày nay thật khó sánh với cha ông cách đây chưa lâu. Chỉ cần để ý sự kiện đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (1925), để tang Phan Châu Trinh (1926), phong trào đón tiếp Bùi Quang Chiêu và đòi thả Nguyễn An Ninh (1926) cũng đủ thấy vai trò to lớn của trí thức trong các phong trào xã hội thời ấy như thế nào.
Đ.T.T.
Đêm Giao thừa Tân Mão sắp sang Nhâm Thìn

24 nhận xét :

  1. Hạng thứ 3 và 4 không nên xếp vào hạng trí thức mà đấy là thành phần "đã xóa mù chữ, nhưng vẫn còn mù văn hóa"

    Trả lờiXóa
  2. Chúc mừng năm mới AN KHANG - THỊNH VƯỢNG - HẠNH PHÚC!
    Chúc gia chủ nhiều thành công. Chúc Trang phu nhân thêm nhiều xinh đẹp. Chúc hai con ngoan ngoãn vâng lời học hành tiến tới!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi nhớ có đọc ở đâu đó "Người có học chưa hẳn là người có văn hóa"
    Như vậy theo ý tôi hiểu tác giả tạm phân chia những hạng người có học vấn, có kiến thức theo ứng xử văn hóa của họ với xã hội.
    Cám ơn tác giả
    Chúc Ông một năm mới dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc.

    TH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Người có học chưa hẳn là người có văn hóa"
      Rất đúng bác Haisg ạ. Hiện nay người học thì nhiều nhưng người có tri thức thì ít. Người có tri thức đã ít mà người dám làm trí thức lại càng ít.
      Năm vừa rồi Haisg có nhiều comments rất chí lý về các vấn đề của đất nước.
      Cảm ơn và chúc bác Haisg một năm may mắn.

      Xóa
    2. Nói theo kiểu khách sáo Bắc kỳ là:
      "Không dám, cám ơn Bác..."

      TH

      Xóa
  4. Đầu năm đáng lẽ chúc xuân mọi người, nhưng đáng buồn cho một "trí thức" trẻ, thôi thì nói lời chúc buồn cho nhân dân "thất phu" chúng ta vậy!!!
    Người có học, học cao, anh được học có từ tiền thuế của nhân dân? Học rộng, biết nhiều nhưng anh không thấy khổ của nhân dân, bất bình thường của xã hội, để đóng góp (phản biện) những bất hợp lý của chính quyền cho chính quyền, thì anh có xứng đáng là người học cao, hiểu rộng? Cái học của anh có giúp đời, giúp dân không?
    Ngô Bảo Châu không phải là người không biết vì về chính trị. Vì trước đây, những bài viết trên blog của anh, đã được BBC trích dẫn ngay. Lời nói của anh được rất nhiều người biết đến. Từ CON CỪU, cho đến "lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ" sau vụ Cù Huy Hà Vũ. Rồi phải đóng blog?
    Một GS được học và sống ở phương Tây: "Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do". Lại thành ngay một "con cừu" quá nhanh là vì đâu??? Vì cái gì đã khiếp sợ??? Thật đáng buồn!!!

    Trả lờiXóa
  5. http://oxforddictionaries.com/definition/intellectual?q=intellectual

    Theo định nhĩa về trí thức(intellectual) của tự điển Oxford thì :

    Intellectual=
    a person possessing a highly developed intellect:
    a prominent political thinker and intellectual

    Xin tạm dịch:

    Một người có trí tuệ phát triển cao:
    một nhà tư tưởng chính trị nổi bật và sáng suốt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói về sự kiện Ngô Bảo Châu.

      http://www.webwarper.net/ww/~av/www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120123_vn_intelligentsia_huechi.shtml

      Bình luận về quan điểm này của Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Huệ Chi cho BBC hay hôm 23/01:
      "Nếu anh cặm cụi với chuyên môn của anh, để anh làm ra một loạt sản phẩm cho xã hội, thì anh mới chỉ là một người chuyên nghiệp trong một chuyên ngành nào đấy thôi, chứ không phải là trí thức, hiểu theo nghĩa là người hiểu biết và dẫn dắt xã hội."
      Theo Giáo sư Huệ Chi, đã nói tới trí thức là phải nói tới những ai có "tầm nhìn" vào xã hội và "lương tri" của trí thức phải có một "ánh sáng" để hướng dẫn xã hội.
      "Muốn thế, trước những vấn đề lớn của đất nước và của cộng đồng, anh phải có ý kiến. Mà ý kiến này là một ý kiến độc lập, tự anh, chứ không phải lệ thuộc bởi một thế lực nào hết, thì đó mới là trí thức. Còn nếu không, anh chỉ là người làm chuyên nghiệp thôi."

      Xóa
  6. Gửi Ẩn danh 08:08 và ẩn danh 08:54
    Tất cả mọi giá trị chung của nhân loại muốn vào được VN đề phải biến đổi và có cái không thể vào được. Bên Quechoa các còm sỹ phê phán Ngô Bảo Châu ghê lắm và tôi tán thành với hầu hết các phê phán ấy.
    Tuy nhiên chúng ta cũng cần cảm thông hơn với Ngô giáo sư vì lý do như trên. Hãy giả sử nếu NBC không chịu gọt mình thành cừu thì có khi còn khó được về thăm bố mẹ, chứ nói gì được được về dạy toán nữa. Tôi biết khá nhiều trí thức vốn không phải là những người chỉ ngậm ăn tiền, nhưng ở những thời điểm nhất định, dù bức xúc đến mấy, họ cũng ngậm miệng để khỏi "mất phần xôi" (theo cách nói của Tú Xương). Ví dụ vào dịp sắp được đề bạt, sắp phong học hàm, danh hiệu. Có điều mỗi lần như thế, khả năng dị ứng với cái xấu mất dần.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ha ha... la vie en rose!

      Bác Đào Tiến Thi quả là người am hiểu hiện tình đất nước! Tôi từ lâu rất lấy làm tâm đắc những bài viết của bác!
      Tôi sợ các bài viết mang nặng quá nhiều công cụ, định nghĩa, "đồ nghề" của một gã "trọc phú kiến thức", còn ai trọc phú hơn "google chấm cơm đây?"

      Arthur Schopenhauer đã có lần nói rằng:" Những bài văn bóng bẩy như những quả hồ đào rỗng ruôt"
      Trên trang blog của bác Xuân Diện này, tôi rất có cảm tình với bác Đào Tiến Thi, và đặc biệt là bác Trần Mạnh Hảo :cả hai bác là người mà tôi cho là trí thức (intellectual) theo đúng nghĩa!
      Chúc mừng năm mới hai bác Đào Tiến Thi và Trần Mạnh Hảo.

      Xóa
    2. Ha ha ...bác Đào Tiến Thi đừng trăn trở, suy tư làm gì, những điều ta bỡ ngỡ, ta giật mình, ta bẽ bàng, ta thất vọng...thì tiền nhân đã sống những điều ấy từ rất lâu rồi:


      Mùi phú quý nhử làng xa mã
      Bã vinh hoa lừa gã công khanh
      (Cung Óan Ngâm Khúc, Tổng binh Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều)



      Ha ha...thế thôi!

      Xóa
    3. Mời bác Đào Tiến Thi đọc bài bên bác Ba Sàm:

      “Con người tự do” thành “chú cừu thông thái”?


      http://anhbasam.wordpress.com/2012/01/24/661-con-nguoi-tu-do-thanh-chu-cuu-thong-thai/#more-42690

      Xóa
  7. Tâm trạng những người có học trong nước

    Tập Kiều

    Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh (1233)

    Câu 1061 : Nghĩ rằng cũng mạch thư hương
    12 : Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung
    693 : Việc nhà đã tạm thong dong
    788 : Nghĩ lòng lại xót xa lòng đòi phen

    1416 : Bề nào thì cũng chưa yên
    600 : Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao
    487 : Khi tựa gối, khi cúi đầu
    1022 : Thưa rằng :" Ai có muốn đâu thế này."

    413 : Nhớ từ năm hãy thơ ngây
    882 : Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già
    1351 : Cúi đầu luồn xuống mái nhà
    2366 : Tùy cơ thì cũng người ta thường tình

    Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào (2592)

    Cử Hai

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Cử Hai tập Kiều hay cha chả. Người của quê hương Nguyễn Bính có khác. Nhân đây tôi chép gửi bác mấy câu tập Kiều của Nguyễn Bính hồi 1965, kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du:

      Khen tài nhả ngọc phun châu
      Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
      Mấy lời ký chú đinh ninh
      Rằng tài nên trọng mà tình nên thương...

      Biết đâu Nguyễn Bính chả gửi thân phận trí thức vào những câu tập Kiều này?

      Xóa
  8. Cám ơn bạn đã thích bài " Tập Kiều " của tôi. Nhân ngày đầu năm, xin chúc bạn và các bạn tình cờ đọc trang này :

    2288 : Chữ tình ngày một thêm xuân
    1006 : Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài.

    Xin mời các bạn coi cụ Nguyễn Du viết về " Ngày xuân uống bia "

    3240 : Vườn xuân một thủa để bia
    2400 : Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn
    279 : Có cây, có đá sẵn sàng
    376 : Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay.

    Cử Hai

    Trả lờiXóa
  9. Trước hết xin có lời chúc tốt đẹp đầu năm đến TS Diện, đến bác Thi. Xin được có đôi lời bàn góp.
    Tôi đọc xong bài này mà cứ vấn vương mãi không thể không gửi một cái còm. Số là tôi cũng đã phải một đôi lần đưa người thân vào viện. Cũng phải một đôi lần đến cửa quyền lo việc nọ việc kia. Nghĩa là những công việc đòi hỏi phải có phong bì. Ở đây bác Thi đã thông cảm với những người nhận phong bì. Quả thật tôi cũng thấy như thế. Ở nước ta nếu nhìn vào bảng lương thì tất cả những người hưởng lương (nhà nước) đều là vô sản cả. Vậy mà mọi chuyện vẫn cứ bình thường. Người ta vẫn cứ có nhà đẹp, xe đẹp. Vẫn cứ tài sản tràn trề, hả hê sung sướng mà ca ngợi rằng “Ôi vĩ đại thật công cuộc đổi mới làm cho dân giàu”. Sao thế nhỉ? Họ có phép thần gì vậy? Ngay như ngành Giáo dục có hẳn một cái phụ cấp ưu đãi đứng lớp. Chỉ ưu đãi cho những người trực tiếp giảng dạy. Các cán bộ của Phòng, của Sở thì không có khoản này. Vậy mà người ta vẫn cứ thích làm cán bộ Phòng (Giáo dục), cán bộ Sở. Ô hay, sao kì tài thế nhỉ. Phải chăng bí quyết là ở cái phong bì.
    Lại nói các thầy thuốc. Các thầy cũng cần lắm cái phong bì. Mọi người vẫn làm thế và đã thành quen rồi. Nhưng với những người không quen thì sao? Với những người vì nghèo khổ, vì thiếu tiền họ cứ giả vờ không biết thì sao? Chao ôi thật đau lòng khi mà các thầy cứ lẳng lặng ngoảnh mặt đi bỏ mặc cho bệnh nhân dù cho có phải chết.
    Nhưng dù sao tôi vẫn đồng ý với bác Thi. Mình không thể không sống. Phải gắng lên mà tự cứu mình. Chao ôi, trăm nghìn thứ hệ lụy chứ đâu chỉ có xác thân mình. Những chuyện sạch trong chỉ là trong sách vở. Như câu chuyện xưa có người đói lả được cho miếng cơm ăn, khi tỉnh lại biết cơm là của thằng ăn trộm người ấy đã móc họng cho ói hết ra. Thà chết chứ không ăn cơm của thằng kẻ trộm. (Đúng là chuyện ngày xưa). Ai đọc Thạch Lam có nhớ cái chuyện một chàng lấy cô gái điếm để giúp cô hoàn lương (cao thượng quá). Rồi đến một ngày quá khó khăn cô gái lại phải lẳng lặng đi kiếm tiền bằng nghề cũ để có một mâm cơm no đủ. Anh chàng đói lả biết chuyện đã hất mâm cơm và đuổi vợ đi. Khi vợ đi rồi anh ta đói quá lại bò lên nhặt những hạt cơm rơi. Đau quá nhỉ.
    Hôm rồi đọc báo nghe thấy một thầy ở khoa Luật của trường KHXH & NV bị học trò kiện tôi cũng cứ thấy buồn. Đau khổ quá, thương tâm quá, các thầy ở đấy kiếm thêm bằng gì.
    Tôi nhớ có đọc một cuốn của cụ Phan Bội Châu kể chuyện lần đầu tiên đến Nhật Bản, cụ được một người phu xe chở đi. Khi xuống xe Cụ trả tiền, người ấy nói: Tôi không nhận đâu. Tiền của ông đã nằm trọn trong gói thuê rồi.
    Vai trò của người điều tiết ở đâu? Sao người mình cứ giỏi tự lo thế nhỉ? Phải chăng cái khôn của chúng ta là cái khôn nhỏ, cái khôn vặt, cái khôn ranh.

    Trả lờiXóa
  10. Theo tôi, trí thức là những người có đủ các yếu tố sau:
    1) có học hành tử tế, học thật, có kiến thức thực sự trong một lĩnh vực nào đó.
    2) Biết đâu là sai, đâu là đúng.
    3) Dám bảo vệ cái đúng, dám phê phán cái sai, cái xấu.

    Trả lờiXóa
  11. Ngày mồng một sau khi có cảm giác đã chúc Tết hết mọi người thân quen, nhẩn nha bước vào Hiên Trà Lâm Khang. Giờ này ở Việt Nam chắc các vị cũng chưa ngủ (được nghỉ những hơn 1 tuần kia mà!). Xứ bên này còn sớm: gần 18 giờ. Đọc bài của TG Đào Thiện Thi tôi cũng muốn đóng góp đôi lời về chủ đề "y đức". Cách đây mấy tiếng tôi có chúc Tết Bố tôi. chuyện trò nhiều, nhưng liên quan chủ đề này (lúc đó tôi chưa đọc bài này) tôi thấy Bố tôi có nói: "Bố là người duy nhất phản đối chuyện phong bì trong nghành Y". Chữ duy nhất là ở một bối cảnh nào đó, chứ hiển nhiên Bố tôi không nói là duy nhất ở Việt Nam. Sống với Ông Cụ tôi luôn được chứng kiến là Bố tôi số thế nào đó không giầu về tiền bạc, lương bổng thì hoàn toàn lương nhà nước, nhưng giầu về lòng nhân ái, rất rõ trong Nghề nghiệp Bác Sỹ. Cả Mẹ tôi cũng vậy. Dù làm việc ở đâu, ngoài các công việc khác Bà bao giờ cũng được tín nhiệm làm công việc kết luận trong Hội đồng khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Mặc dù tôi biết cũng nhiều người do không muốn đi nghĩa vụ quân sự, đặc biệt trong thời chiến thì cũng không hề tiếc tiền để nếu chạy được là chạy. Tôi cho là chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề xuống cấp của xã hội không chỉ là những câu chuyện "Tiên Lãng" ..., tức là việc thiếu sự tồn tại của một nhà nước pháp quyền thực sự, tiêu cực, vi phạm pháp luật ở nhiều Cơ quan chính quyền mà phải rộng lớn hơn - trong đó có nghề Y - "Y Đức". Còn không thì ta cũng phải chấp nhận những câu chuyện như ở Tiên Lãng, - bởi vì ngoài quan điểm "đất nước ta nó thế", thì cũng sẽ có những người thông cảm với bộ máy chính quyền, ví dụ cấp Phường. . Bác sỹ theo TG chẳng dễ có việc làm thêm, chứ tôi biết ở Việt Nam nhiều khi BS tay ngoài dài hơn tay trong. Một chị bạn vợ tôi làm BS nhi, xin về hưu sớm, hiện đi làm ngoài lương hàng tháng cũng phải cỡ hàng nghìn đô. Thêm nhiều ví dụ khác thì tôi sợ nhận định „Nghề Y chẳng dễ có việc làm thêm“ tôi sợ hơi chủ quan chăng?. Còn ý kiến TG về sự cảm thông (thương) những người làm nghề Y tôi rất ủng hộ. Tuy vậy nếu nhìn nhận có so sánh nghành Y Việt Nam với Y thế giới thì cũng có sự cách biệt không nhỏ. Ở đây tôi chưa nói đến điều kiện trang thiết bị hay kiến thức bác sỹ, bảo hiểm y tế, mà tôi chỉ tập trung nói đến tinh thần phục vụ của nhân viên Y (khi không có phong bì). Lương bổng BS, y tá, hộ lý ở nước ngoài chưa chắc quá cao vì chi phí bên này cũng cao (cầm tay đã trừ các khoản bảo hiểm có thể 1.100 đến 1.900 €/tháng - ở Đức!? với tốc độ người quen thu nhập ở Việt Nam tôi thấy giá trị tuyệt đối cũng không còn chênh lệch quá xa với các nước phát triển như ngày xưa). Tuy vậy nếu nhìn họ phục vụ trong bệnh viện thì tôi thấy (và tôi tin các bạn đọc khác ở nước ngoài sẽ xác nhận thêm) thấy họ làm việc đa số theo tinh thần phục vụ bệnh nhân rõ rệt hơn nhà mình. Ai đã nằm ở một bệnh viện ở Đức thì biết, khi có vấn đề cứ bấm chuông là y tá, hộ lý xuất hiện. Chuyện này ở nhà có dễ như vậy không? Người bệnh có phải là đối tượng cần được chăm sóc chu đáo như vậy không? Và khi có "phong bì" thì tình thế ở nhiều nơi (đối với những người như Bố Mẹ tôi và nhiều Y, Bác Sỹ ở Việt Nam „phong bì“ không có vai trò quyết định tinh thần, thái độ phục vụ - mặc dù họ cũng nghèo, chứ không phải vì nhận lương cao!) nhà mình đã khác hẳn. Xem ra bệnh tình của người bệnh lúc đó không phải là thước đo quyết định sự quan tâm săn sóc, mà do "cái ấy - phong bì". Với một người có khả năng kinh phí để người thân được chăm sóc tốt thì việc chi tiền "phong bì" không khó, nhưng với những gia đình lo miếng ăn hàng ngày mà lại phải lo lựa ý cán bộ y tế để chiều lòng thì "cái không giống ai" ở Việt Nam người dân Việt Nam không chê, phàn nàn mới lạ, mặc dù lỗi nhiều khi cũng không nhỏ do họ gây ra. Tóm lại là một mối bùng nhùng ở nhiều nghề nhiều nghành, nhiều lĩnh vực với chuyện "phong bì". Và chỉ dân nghèo là người dễ lãnh đủ trong cơ chế, tình hình hiện nay.

    Trả lờiXóa
  12. Giá mà đất nước chúng ta có những con người như thế này!
    http://gocsan.blogspot.com/2012/01/walter-isaacson-steve-jobs-0.html

    Trả lờiXóa
  13. "Cho nên theo lệ thường đã từ rất lâu rồi, bất cứ ai đưa đọc luận văn, dù luận văn cao học (thạc sỹ) hay nghiên cứu sinh (tiến sỹ) đều có khoản thù lao thêm cho thầy. Và tôi nghĩ thế cũng là chính đáng" điều nầy chỉ có thể xãy ra ở nước mình. Chức năng của nhà giáo đại học là nghiên cứu và đào tạo. Trò phụ thầy nghiên cứu, thầy phải ra sức đào sức tạo. Tiền đâu mà 'trò' phải trả thầy? Ở bậc đại học 'thầy' mà lấy tiền của trò là bất lương. Thử nhìn các nước âu châu, có ông 'thầy' nào lấy tiền 'trò', ngược lại đôi lúc còn cho 'trò', tiền đâu mà cho? Ở quỉ nghiên cứu. Nhiều 'ông thầy' ở VN bất lương lắm, đó là sự thật/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải rồi, sinh họat đại học ở nước người ta là thế! Đại học chúng ta bị chi phối quá nhiều bởi những thứ quyền lực. Đôi khi một nhà khoa học muốn nhận đề tài thì phải ...thế nọ thế kia, và nếu có "cái này cái kia" thì đề tài không có giá trị gì vẫn được! Lâu dần người ta thấy đó là một 'nghề" béo bở: nghề chạy! nghề cò!

      Xóa
  14. Kẻ Sĩ
    Nguyễn công Trứ

    Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
    Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên. (1)
    Có giang sơn thì sĩ đã có tên,
    Từ Chu Hán, vốn sĩ này là quí.

    Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị,
    Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường.
    Khí hạo nhiên chí đại, chí cương,
    So chính khí đã đầy trong trời đất.

    Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất, (2)
    Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn. (3)
    Xe bồ luân (4) dầu chưa gặp Thang, Văn,
    Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.

    Cầm chính đạo để tịch tà, cự bí,
    Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên. (5)
    Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
    Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.

    Trong lang miếu, ra tài lương đống,
    Ngoài biên thùy rạch mũi can tương.
    Làm sao cho bách thế lưu phương,
    Trước là sĩ sau là khanh tướng.

    Kinh luân khởi tâm thượng,
    Binh giáp tàng hung trung.
    Vũ trụ chi gian giai phận sự,
    Nam nhi đáo thử thị hào hùng. (6)

    Nhà nước yên mà sĩ được thung dung,
    Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch. (7)

    Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch,
    Tiêu dao nơi hàn cốc, thanh sơn,
    Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,
    Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
    Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới,
    Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh,
    Này này sĩ mới hoàn danh.

    ---------
    (1) Tước có năm bậc thì sĩ cũng dự vào; dân có bốn nghề thì sĩ đứng đầu tiên.
    (2) bồng tất: tên hai loại cỏ; cả câu chỉ chốn thảo dã kẻ sĩ ẩn thân lúc chưa gặp thời.
    (3) Điếu Vị: tích Lã Vọng xưa ngồi câu bên sông Vị; canh Sằn: tích Y Doãn xưa làm ruộng ở đất Sằn.
    (4) bồ luân: xe nhà vua thường dùng để đi rước người hiền về giúp nước.
    (5) Ngăn sóng dữ để giữ trăm dòng sông.
    (6) Việc chính trị đã định sẵn trong lòng; Việc giáp binh đã sắp sẵn trong bụng; Việc đời đều coi là phận sự của mình; Làm trai như thế mới đáng mặt hào hùng.
    (7) Hoàng Thạch: tức Hoàng Thạch Công. Cuối đời nhà Tần, Trương Lương đi chơi ở đất Hạ Bì, đến Dĩ Kiều gặp ông già trao cho quyển Binh Thư Tam Lược mà dặn: "Đọc kỹ sách này sau có thể bình thiên hạ. Sau 13 năm nhà ngươi đến núi Cốc Thành, nếu thấy hòn đá vàng thì biết là ta đấy !" (Vì thế sau này người đời tôn ông lão là Hoàng Thạch Công). Đúng như lời dặn của ông, Trương Lương sau này cố công lớn trong việc giúp Lưu Bang lập nên nhà Hán.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ, ta hãy trở lại với định nghĩa về trí thức của từ điển Oxford:

      1_Theo định nghĩa về trí thức(intellectual) của tự điển Oxford thì :

      Intellectual=
      a person possessing a highly developed intellect:
      a prominent political thinker and intellectual

      Xin tạm dịch:

      Một người có trí tuệ phát triển cao:
      một nhà tư tưởng chính trị nổi bật và sáng suốt.

      VÀ PHÁT BIỂU CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN HUỆ CHI:


      Bình luận về quan điểm này của Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Huệ Chi cho BBC hay hôm 23/01:
      "Nếu anh cặm cụi với chuyên môn của anh, để anh làm ra một loạt sản phẩm cho xã hội, thì anh mới chỉ là một người chuyên nghiệp trong một chuyên ngành nào đấy thôi, chứ không phải là trí thức, hiểu theo nghĩa là người hiểu biết và dẫn dắt xã hội."
      Theo Giáo sư Huệ Chi, đã nói tới trí thức là phải nói tới những ai có "tầm nhìn" vào xã hội và "lương tri" của trí thức phải có một "ánh sáng" để hướng dẫn xã hội.
      "Muốn thế, trước những vấn đề lớn của đất nước và của cộng đồng, anh phải có ý kiến. Mà ý kiến này là một ý kiến độc lập, tự anh, chứ không phải lệ thuộc bởi một thế lực nào hết, thì đó mới là trí thức. Còn nếu không, anh chỉ là người làm chuyên nghiệp thôi."

      TRONG SO SÁNH VỚI QUAN NIỆM CỦA CỤ NGUYỄN CÔNG TRỨ:


      Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất, (2)
      Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn. (3)
      Xe bồ luân (4) dầu chưa gặp Thang, Văn,
      Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.


      Rõ ràng, vai trò của người trí thức từ cổ chí kim, từ đông sang tây đâu có khác nhau, cùng là một quan niệm, không hề mâu thuẫn.

      Chỉ có HIỆN NAY, quan niệm về trí thức ở ta khá XÔ BỒ, HỖN TẠP.

      Xóa
  15. Kính gửi bác Đào Tiến Thi
    Bác kể còn thiếu một loại trí thức nữa: loại này nằm giữa loại 1 và loại 2, tức là những người có trí, có tâm, nhưng không lên tiếng phản biện công khai về những sai trái của nhà nước, có thể vì thiếu dũng khí, nhưng cũng có thể vì đó là lựa chọn của họ, để họ có thể làm được những việc khác không kém phần cần thiết: họ kiên trì truyền bá những tư tưởng đúng, nhằm nâng cao cả dân trí lẫn quan trí. Để làm được những điều này, họ phải tự giới hạn mức độ những phản biện công khai của mình, vì nếu không, nhà tù chờ sẵn họ, hệ thống chuyên chính sẵn sàng khóa miệng họ, họ sẽ không còn có thể tiếp tục công việc hữu ích ấy. Những người xả thân rất đáng quý, nhưng những người đóng góp âm thầm này, cũng nên ghi nhận vai trò của họ trong việc chuẩn bị cho xã hội trưởng thành hơn. Đặc biệt trong cái thời sự vô cảm và cái ác thịnh hành, thì bất cứ việc làm gì có ý nghĩa tốt, dù nhỏ đến đâu, cũng cần được khuyến khích. Loại này, có đáng được gọi là trí thức chăng?

    Trả lờiXóa