Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

MƯA XUÂN - Tùy bút của Nguyễn Xuân Diện

MƯA XUÂN
tạp văn của Nguyễn Xuân Diện

Xuân đã đem mưa về giăng khắp Hà thành. Một năm bốn mùa luân chuyển, mỗi một mùa dường như có một cái gì đó nổi trội lên, mà qua đó người ta cảm nhận được bước đi của thời gian.Với hạ là nắng, thu là gió heo may, đông là sương giá, riêng với xuân, đó là mưa. Mưa xuân. 

Không biết mùa xuân nào trong thuở hồng hoang xa xăm, là mùa xuân đầu tiên trời gieo mưa xuống, để rồi thành thông lệ có lẽ đến muôn đời. Cũng không ai biết ai là người đầu tiên nhìn ra được, cảm nhận được cái ý vị của mưa xuân. Và ai mà biết được là có bao nhiêu bài thơ viết về mưa xuân.

Mưa xuân không dầm dề nát đất thối cỏ như mưa thu, cũng không ồn ào, náo động như mưa rào tháng hạ. Mưa xuân êm êm giăng mắc bất ngờ. Mưa xuân như không rơi mà bay, bay lay phay như là bụi vậy.

Thường thì mưa xuân vào lúc hạ tuần tháng chạp. Cứ ấy trời còn rét. Mưa vào đúng cái lúc người ta rộn ràng sắm tết. Mưa xuân đã đi vào trong tiềm thức của người ta và để lại dấu ấn đậm nét. Bạn cứ tưởng tượng mà xem, sẽ ra sao nếu từ ngày hai mươi tháng chạp đến chiều tất niên không có mưa lấy một chút nào. Dường khi là khi đi sắm tết, có vài bụi mưa buông xuống thì mới ra không khí tết, mới ra khung cảnh đi sắm tết. Xuân về, chưa thấy mưa thì nhớ và thèm mưa lắm. Đi sắm tết mà trời cứ nắng và khô hanh quá sẽ làm giảm đi không khí chợ búa. Trời thương nhân gian, trời buông mưa vào chính lúc ấy. Mưa xuân kéo bụi đường về với mặt đất. Đi sắm tết mấy chiều hai mươi tám, hai mươi chín, rồi chiều tất niên có ai không rẽ vào hàng hoa, chợ hoa. Người Hà Nội mình vốn lịch lãm trong ăn uống đã đành, nhưng trong cách chơi thì mới thể hiện rõ nhất sự lịch lãm, thế cho nên ngày tết, nhất nhất nhà ai cũng có hoa tươi. Chợ hoa Hà Nội, xuân về, tết đến có mưa xuân xuống thì mới thực là chợ hoa ngày tết. Chợ hoa tết có mưa hoa sẽ tươi lâu, dễ giữ gìn, người bán đỡ thất thiệt, người mua cũng phấn chấn. Mưa xuân tươi cây xuân. Mưa xuân tươi hoa xuân. Đi chợ hoa về, tay cầm cành bích đào hoa thắm đỏ giữa mưa xuân phố phường, trông tết lắm.
.
Ai cũng yêu mưa xuân. Nhưng thi nhân yêu mưa xuân hơn ai. Thi nhân mong mưa xuân. Mưa xuân bay và rồi ngưng đọng trong trang thơ họ. Đỗ Thiếu Lăng trông xuân mong mưa rồi để lại một câu thơ tuyệt bút: “Hoa trọng Cẩm Quan thành” (thành Cẩm Quan, hoa trĩu nặng vì mưa xuân). Xuân về nhớ Nguyễn Bính - Nguyễn Bính đã hơn một lần chen chân vào hội chèo ở một làng Đông làng Đoài rồi để lại bài thơ về một cuộc tình lỡ muộn, để buồn cho bao năm. Thiên tình sử ấy được viết trên nền trời xuân mưa bay phấp phới. Xuân về, về thăm quê, đi qua một bến nước, bỗng nhớ Chiều xuân xưa mưa đổ bụi, của người nữ sĩ sông Thương. 

Mưa xuân nên thơ. Mưa xuân như mơ. Mưa xuân bay lay phay. Mưa không thành tiếng, đậu vào cây lá nhẹ nhàng như chân con bướm xuân đậu lên hoa. Gió đưa mưa đi miên man. Gió đưa mưa đi lang thang như gót chân người lãng tử. Mưa vô biên. Mưa miên man. Mưa êm êm. Mưa cũng đang tết với người Hà Nội mình đây.

Hà Nội, Xuân 92
Bài đăng trên số TẾT năm 1992.

11 nhận xét :

  1. "Xuân về nhớ Nguyễn Bính - Nguyễn Bính đã hơn một lần chen chân vào hội chèo ở một làng Đông làng Đoài rồi để lại bài thơ về một cuộc tình lỡ muộn, để buồn cho bao năm. Thiên tình sử ấy được viết trên nền trời xuân mưa bay phấp phới."
    (Nguyễn Xuân Diện)



    Thơ NGUYỄN BÍNH


    MƯA XUÂN

    Em là con gái trong khung cửi
    Dệt lụa quanh năm với mẹ già
    Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
    Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

    Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
    Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
    Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
    Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.

    Lòng thấy giăng tơ một mối tình
    Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
    Hình như hai má em bừng đỏ
    Có lẽ là em nghĩ đến anh.

    Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
    Em ngửa bàn tay trước mái hiên
    Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
    Thế nào anh ấy chả sang xem!

    Em xin phép mẹ, vội vàng đi
    Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe.
    Mưa bụi nên em không ướt áo
    Thôn Đoài cách có một thôi đê.

    Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
    Em mải tìm anh chả thiết xem
    Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
    Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

    Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
    Thế mà hôm nọ hát bên làng
    Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
    Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!

    Mình em lầm lũi trên đường về
    Có ngắn gì đâu một dải đê!
    áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
    Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya

    Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
    Hoa xoan đã nát dưới chân giày
    Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
    Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.

    Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
    Bao giờ em mới gặp anh đây?
    Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
    Để mẹ em rằng hát tối nay?

    1936

    Trả lờiXóa
  2. Hay qúa! Đọc mà em cảm nhận như đi giữa mưa xuân vậy. Cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  3. Mưa Xuân là cái mưa nhưng không ướt, kèm theo đó là gió lạnh nhưng không tê cóng và đặc biệt mưa xuất hiện vào những ngay Tết ta (rất thích hợp cho những ai đang yêu ?)

    Không phải chỉ Hà nội, mà ngay lúc này đây(8:51 15/1/2012) Sài gòn cũng đang có mưa Xuân trong khí trơi se lạnh nhè nhẹ

    TH

    Trả lờiXóa
  4. Năm này Anh Tễu mới tốt nghiệp Cử Nhân Ngữ văn Hán Nôm trường Tổng hợp phải không ạ?

    Viết bài đăng báo từ ngày đó sao?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa vâng, em là con nhà nghèo ở nông thôn ra tỉnh học, phải viết mướn từ lúc còn là sinh viên. Năm 1991, khi 21 tuổi em đã đăng những bài báo đầu tiên. Năm 1992 viết rất nhiều. Em có giữ lại đầy đủ cả,
      Bài Mưa Xuân đăng trên số Tết báo Hà Nội mới. bác ạ. thấm thoắt đã trên 20 năm trôi qua rồi.

      Cảm ơn bác đã chia sẻ,
      TẼU

      Xóa
    2. Em ra trường tháng 6 năm 1992.
      Bài này đăng báo Tết, khi ấy em chưa ra trường bác ạ

      Xóa
    3. Bài viết hay quá anh Diện à. Không phải chỉ hay vì lời văn đẹp, hồn thơ xanh mát như mưa xuân - mà còn vì tấm lòng người thanh niên tràn đầy tình thương mến đến cảnh và người. Tôi có nhiều cảm xúc khi đọc bài này. Cám ơn anh Diện và chờ đợi đọc những tác phẩm khác của anh.

      Xóa
  5. Đoạn cuối là anh Diện mình làm thơ bằng văn xuôi đấy.

    Trả lờiXóa
  6. Đọc bài này cua Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thì nhớ thơ của cố thi sĩ Nguyễn Bính ngọt ngao, da diêt, buồn dai dẳng

    Trả lờiXóa
  7. Văn già hơn tuổi

    Trả lờiXóa
  8. Bài này nên để cạnh bài Sương xuân và hoa đào của Nguyễn thư Hiền để đọc cùng lúc . Người đọc nếu không phải người Hà thành thì sẽ là người Hà thành , nếu đã là người Hà thành thi sẽ thấy như hoa có hương , cành có lá , mưa có gió , diệu ngon có bạn hiền ...Cảm ơn anh Diện đã có bài văn làm sống lại cái " hồn xuân " mà tôi đã được ngụp lặn , bơi lội với nó hơn nửa thế kỷ về trước . Một Hà nội sô bồ , ầm ỹ... đã bóp chết cái hồn xuân đậm tình người và vật mà các người Hà thành cổ như tôi đã không tìm lại được .

    Trả lờiXóa