Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

HỒNG PHÚC VIỆT NAM



HỒNG PHÚC VIỆT NAM
BÙI CÔNG TỰ 
Chúng ta đang sống những giờ phút đầu tiên của năm mới Nhâm Thìn, năm con Rồng. Rồng là giống linh thiêng kỳ lạ, mạnh mẽ mà uyển chuyển, tứ hải tung hoành, chứ có đâu như con mèo của năm ngoái Tân Mão nằm co ro trong xó bếp.
Có phải vì thế chăng mà tổ tiên chúng ta từ xưa kia đã tự nhận là con của Rồng?

Cũng có phải vì thế chăng mà khát vọng hóa Rồng đã cháy bỏng bao nhiêu con tim Việt suốt mấy thập kỷ nay?

Chúng ta đúng là một dân tộc lãng mạn!

Tôi luôn muốn nhìn nhận thế giới bằng con mắt lãng mạn, lãng mạn tiểu tư sản hay lãng mạn cách mạng thì càng tốt.

Năm Tân Mão vừa qua nước Nhật Bản đã rung chuyển vì động đất sóng thần. Khắp nơi trên thế giới cũng rung chuyển nhưng không phải do thiên tai mà là do nhịp bước chân của những đoàn người biểu tình rùng rùng chuyển động.

Ở Trung Đông – Bắc Phi biểu tình lật đổ các thể chế độc tài hà khắc, tham nhũng, bất công (Tunisia, Ai Cập, Libya).

Ở Mỹ biểu tình “chiếm phố Wall” phản đối các ngài tư bản tài phiệt tội đồ gây ra khủng hoảng tài chính.

Châu Âu do các quan chức “vung tay quá trán” làm cho nhiều nước lâm vào khủng hoảng nợ công. Dân biểu tình vì đời sống khó khăn và phúc lợi xã hội bị cắt giảm.

Dân Nga la tư thì biểu tình phản đối bầu cử gian dối.

Ở Á châu “người to xác xấu tính” Trung Quốc trắng trợn bộc lộ tham vọng lãnh thổ, khiến cho dân Việt Nam và Philipin biểu tình phản kháng ở nhiều nơi trên thế giới. Và chính ở Trung Quốc động loạn cũng bùng nổ suốt năm.

Vì thế “người biểu tình” đã được tạp chí Time bình chọn là “Nhân vật của năm 2011”.

Làn sóng biểu tình diễn ra khắp nơi cho thấy tiếng nói phản kháng của nhân dân đã tạo nên áp lực nhằm thay đổi thế giới. Đồng thời quyền biểu tình là một quyền quan trọng, tất yếu của dân, không ai có thể ngăn cản.

Trong một thế giới sóng gió như thế, tình hình Việt Nam cũng bất ổn nhưng theo một chiều hướng khác.

Tác giả: Bùi Công Tự bên chậu mai. 10h. 29 Tết
Với Việt Nam năm Tân Mão (2011) là năm thứ tư (2008-2011) loay hoay trong vòng suy thoái. Sự suy thoái có thể nói đã ở cấp độ trầm trọng từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở, kéo theo nhiều vấn nạn không thể kiểm soát. Người lao động phải vật lộn với cơm áo, với chi phí học hành, chữa bệnh, hiếu hỉ… trong cơn lạm phát. Nguy cơ mất độc lập tự chủ dưới nhiều hình thức khác nhau và nguy cơ băng hoại dân tộc khi cái gốc bị mất, cái xấu, cái ác hoành hành là có thật.

Nguyên nhân cốt lõi của tình trạng nói trên được các nhà nghiên cứu gọi tên là “lỗi hệ thống”. Mặc dù chưa ai nói huỵch toẹt ra “lỗi hệ thống” là như thế nào nhưng với những người am hiểu thì ai cũng hiểu: “Lỗi hệ thống” là hệ thống hỏng. Hay đơn giản như một nhà văn tếu táo: “lỗi hệ thống” là hệ thống của chúng ta bị … lỗi thời!

Tuy nhiên có rất nhiều cái ghế đã bắt chặt bu lông, ê cu vào cái lỗi thời ấy để trục lợi, mạo nhận là bảo vệ cái nọ, xây dựng cái kia. Trong mấy năm qua để giúp đất nước thoát ra khỏi suy thoái, nhiều học giả trong và ngoài nước đã chân thành góp ý, kiến nghị nhiều giải pháp có tính khoa học cao nhưng tất cả đều như ném đá ao bèo.

Năm Tân Mão 2011 ở Việt Nam như thế, tuy nhiên trong cái rủi lại có cái may nên còn an toàn. Đó là nhờ nền nông nghiệp đã sản xuất dư thừa lương thực thực phẩm bảo đảm cái ăn cho cả nước. Xin biết ơn bà con nông dân.

Năm Nhâm Thìn 2012 đang đến liệu có thể kỳ vọng gì chăng?

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho biết bà vẫn nặng trĩu lo âu, đến nổi hổng dám kỳ vọng gì vào năm con Rồng này.

Đảng CSVN vừa ban hành nghị quyết TW 4 (khóa 11) đề cập khá thẳng thắn, có vẻ kiên quyết về những tiêu cực, thoái hóa, biến chất trong Đảng và biện pháp “chống” cộng với biện pháp “xây”.

Chính phủ cũng vừa có nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp cho năm 2012. Nội dụng nghị quyết này bao quát toàn diện từ “kềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”… cho đến “chăm sóc sức khỏe đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân”. Nhân khỏi cần phải lo gì nữa nhé.

Tuy nhiên chúng ta không thể căn cứ vào những nghị quyết quan trọng ấy để mà kỳ vọng. Bởi vì từ lời nói đến việc làm, từ việc làm đến kết quả xa như từ Trái Đất đến Sao Kim. Vả lại việc đại sự quốc gia hiện thời là của Đảng và chính phủ.

Vậy trách nhiệm công dân của chúng ta ở đâu?

Thưa bạn đọc, chúng ta không hài lòng, thậm chí thật sự buồn khi phải chứng kiến dân tộc ta, một dân tộc “vốn xưng nền văn hiến từ lâu” mà phải chịu cảnh lẽo đẽo xếp hàng sau lưng với khoảng cách khá xa nhiều quốc gia trong khu vực, cho dù họ không có thuận lợi như mình.

Vì sao? Vì sao? Vì sao?

Nếu tình trạng này còn kéo dài (và rất có thể còn kéo dài) thì đất nước xuống dốc không phanh là cái chắc.

Tôi muốn đắt câu hỏi với các vị lãnh đạo quốc gia: Cái mặt hàng kém phẩm chất, độc hại mà nhiều nước văn minh đã vứt bỏ, tại sao nước ta vẫn xài?

Trong kháng chiến chống Pháp, có lần chủ tịch Hồ Chí Minh nói với GS Tôn Thất Tùng: “Làm thầy thuốc chỉ cứu được ít người còn làm cách mạng thì cứu được cả dân tộc.”

Thưa các bạn, tình hình đất nước ta đang đòi hỏi phải có một cuộc cách mạng để cứu đất nước thoát khỏi tình trạng kinh tế, văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ đều suy thoái, nền tảng đạo đức xã hội lung lay, có nguy cơ đất nước bị mất tự chủ.

Nhân dân ta, trước tiên là giới trí thức, cần mạnh mẽ nói lên chính kiến, nguyện vọng và nỗi bức xúc của mình để tạo thành áp lực thúc đẩy tình hình chuyển biến có tính chất cách mạng. Nói cách mạng là nói sự thay đổi tận gốc.

Theo tôi bản kiến nghị “cải cách toàn diện để phát triển đất nước” của 14 vị học giả Việt Nam gửi lãnh đạo Đảng, Quốc hội, chính phủ năm 2011 đã vạch ra chiến lược, sách lược cho cuộc cách mạng mà chúng ta mong đợi.

Cuộc cách mạng ấy phải bắt đầu từ trên xuống. Dân có quyền trực tiếp bầu nguyên thủ. Tòa án được độc lập, chánh án toàn án tối cao và tòa án các cấp cần là người không đảng phái. Nhân tài có quyền tranh cử vào các cương vị lãnh đạo quốc gia.

Nước ta không thiếu nhân tài. Tôi ví dụ như các ông Nguyễn Quang A, Nguyễn Trần Bạt, Trần Văn Thọ (GS Kinh tế học ĐH Waseda, Nhật Bản) đều có thể xứng đáng làm Thủ tướng.

Tóm lại cuộc cách mạng mà chúng ta mong đợi, không phải là nhằm lật đổ ai cả, mà là tiến trình thay cái lạc hậu bằng cái văn minh, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, đòi hỏi của lịch sử và phù hợp với thời đị.

Một cuộc cách mạng như thế nếu đến sớm là hồng phúc cho dân tộc ta.

B.C.T
TP Hồ Chí Minh, Xuân Nhâm Thìn.
*Bài viết riêng cho NXD-Blog số Tết Nhâm Thìn.
*Ảnh: Vân Đình Hùng gửi tặng bạn đọc Nguyễn Xuân Diện-Blog.

11 nhận xét :

  1. NHất trí với tác giả-mong sao có một cuộc cách mạng như thế đến sớm để Đất nước mình mau chóng thoát khỏi sự bảo thủ,trì trệ,lạc hậu,ăn tục nói phét,tham nhũng tràn lan này

    Trả lờiXóa
  2. Những chia sẻ thẳng thắng và trong sáng của Bác trong ngày đầu Xuân thật là đáng kính. Xin chúc Bác cùng gia đình luôn an lành, an khang và vạn sự cát tường trong năm Nhâm Thìn.

    Trả lờiXóa
  3. Ngày đầu năm lại trùng vào ngày thứ hai.Theo như những nghiên cứu mà mình biết thì ngày mõi mệt nhứt lại là ngày thứ hai.Nhưng minh mong ước vận hội mới của đất nước và dân tộc sẽ mới mẽ hơn bắt đầu từ đây.Một ngày mới của một năm mới.Chúc gia đình bác một năm mới tốt lành.

    Trả lờiXóa
  4. ủng hộ Hồng Phúc Việt Nam của bác Bùi Công Tự. Bác nói quá đúng, Việt Nam không thiếu người tài nhưng vì do lỗi hệ thống mà người tài không được phép giúp nước, còn tệ hơn thời phong kiến ngày xưa. Bác Tự thật là đáng kính. Xin chúc bác Tự cùng gia quyến năm mới an khang, vạn sự cát tường. Cầu chúc quê hương đất nước không còn lỗi hệ thống nữa.

    Trả lờiXóa
  5. (1) What : Chúng ta đang nói về cái gì? Vấn đề gì?
    (2)Why : Tại sao lại phải thay đổi?
    (3)Where : Thay đổi ở đâu ? Bộ nào, ngành nào, mảng nào, hay tất cả?
    (4) When: Thời điểm nào, khi nào thì thay đổi được?
    (5) Who: Ai? Ai cần phải thay đổi và Ai có thể lãnh đạo cách mạng, chứ ko thể (ko phải là) tất cả nhân dân yêu nước được?
    Mong bác BTC giả nhời giúp em?

    Trả lờiXóa
  6. Hỏi tức cũng là trả lời

    Chúc Tác giả Gia đình một mùa Xuân vui tươi, hạnh phúc

    TH

    Trả lờiXóa
  7. TIÊN LÃNG: PHÚT ĐẦU TIÊN CỦA NĂM MỚI, BÓC NỐT SỰ THẬT CUỐI CÙNG
    Tháng Một 23, 2012 — nguyencuvinh


    Dù rất bận bịu với nhiều việc chuẩn bị cho năm mới, nhưng trong ngày cuối năm, các cộng sự của Trưởng thôn Khoai Lang đã rất cố gắng cùng Khoai, gặp nhân chứng, tìm chứng cớ, kiểm chứng thông tin để bóc nốt sự thật cuối cùng về sai phạm của lãnh đạo Tiên Lãng, chỉ thẳng căn nguyên sai phạm, thông tin về xử lý bước đầu đối với những kẻ sai trái…Nói chung những thông tin này chắc bà con sẽ vui và trên cơ sở này, sẽ có thêm những căn cứ mạnh mẽ để các đoàn thanh tra, kiểm tra Trung ương về Tiên Lãng có những kết luận mạnh mẽ, cương quyết, thực sự cách mạng, nhằm mang đến niềm tin cho nhân dân.
    1.Tiền đền bù của Dự án sân bay quốc tế, của Dự án đường cao tốc đã đập nát nhân cách và đạo đức của cán bộ lãnh đạo các cấp
    Không như Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng xoen xoét nói rằng, phải cưỡng chế thu hồi hồ đầm nhà anh Vươn và các hộ dân là để cho đấu thầu lại, đấu thầu công khai.
    Không như lời phát biểu phọt ra từ miệng chủ tịch UBND xã Vinh Quang rằng, cưỡng chế thu hồi đất là để giao lại cho các hộ dân khác nhằm tiếp tục nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế hộ gia đình
    Không như lời toèn toẹt của Lê Văn Hiền, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ú ớ, ậm ọe, hở hở kín kín như mèo dấu cứt, nói rằng, thu hồi cưỡng chế đất giao cho ai chưa thể công bố.

    http://nguyencuvinh.wordpress.com/2012/01/23/tien-lang-nam-m%E1%BB%9Bi-boc-n%E1%BB%91t-s%E1%BB%B1-th%E1%BA%ADt-cu%E1%BB%91i-cung/

    Trả lờiXóa
  8. khong biet cac bac da nghe phat bieu cua giao su ngo bao chau tren tuoi tre chua. bay gio moi hieu o chau. chan

    Trả lờiXóa
  9. Bài viết thật là hay, thấy chữ ký của Bác cứ tưởng là "Bộ chính trị" :D
    Cũng mong là Bộ chính trị có tư duy được như vậy :)

    Trả lờiXóa
  10. ... "Nhân dân ta, trước tiên là giới trí thức, cần mạnh mẽ nói lên chính kiến, nguyện vọng và nỗi bức xúc của mình để tạo thành áp lực thúc đẩy tình hình chuyển biến có tính chất cách mạng. Nói cách mạng là nói sự thay đổi tận gốc."

    Theo cảm nhận của em thì từ mấy chục năm nay, chưa bao giờ người dân mong mỏi những tiếng nói cương trực, sáng suốt và tâm huyết của tầng lớp trí thức - cả trong lẫn ngoài nước - nhiều như lúc này, bác Bùi Công Tự ạ.

    Đặc biệt là lớp trẻ, cái tuổi khao khát hiểu biết, khao khát vươn lên, khao khát tìm lối thoát cho nước nhà; cái tuổi rất nhạy cảm với các giá trị Chân Thiện Mỹ... Em cảm thấy là họ, hơn ai hết, đang nhìn lên các vị trí thức tiền bối, đàn anh đàn chị, với bao kỳ vọng.

    Đó là em mới lấy lớp trẻ làm đại diện tiêu biểu thôi. Chứ thực ra, đám đông "quần chúng thầm lặng" như em, ngày ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt với cơm áo gạo tiền, chắt chiu nuôi con em ăn học, cũng đang mỏi mắt trông chờ các vị trí thức đây. Ở Mỹ nơi em đang sống, năm vừa qua nhiều người Việt lớn tuổi bị "mất job". Cũng đúng thôi, kinh tế suy thoái, người lớn tuổi làm sao cạnh tranh lại được cả một số đông người trẻ đang thiếu việc làm. Em đã chứng kiến nhiều ông cụ bà cụ, cũng lao động phổ thông như em nhiều năm rồi, bật khóc khi bị cho thôi việc. Họ đã ở Mỹ lâu nên không còn cần phải quần quật làm việc cho chính bản thân hay gia đình. Họ khóc vì không còn được kiếm thêm ít tiền gởi về giúp ích phần nào cho quê nhà!

    Chưa bao giờ vận mệnh dân tộc lại cần đến sự dấn thân trong sáng và quả cảm của trí thức như lúc này. Trí thức có nghe chăng lời kêu than cháy lòng của bao nhiêu người dân thầm lặng: "Các vị đừng nắm mắt làm thinh nữa! Các vị đừng phí thì giờ vào những chuyện cãi nhau vô bổ nữa! Hãy sắn tay áo lên, đền nợ nước và trả ơn dân!".

    Trả lờiXóa
  11. Tôi mến yêu và cảm phục Bùi công Tự khi đọc câu thơ của anh:Tôi là người thế tục...
    Người ta đang cãi nhau xem trí thức phải như thế nào?Ai mới là trí thức?
    Còn theo tôi, anh Tự là một trí thức và là một người việt nam yêu nước.

    Trả lờiXóa