Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

BÁO TRUNG QUỐC VIẾT VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BÁO TRUNG QUỐC VIẾT VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

 

Vừa qua, Tuần báo “Tin tức Trung Quốc” đăng bài phân tích “Biển Đông là sinh mệnh của Trung Quốc trong tương lai” ca tác giả Trịnh Vĩnh Niên, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc, Trưởng phòng nghiên cứu Đông Á thuộc trường Đại học công lập Xinhgapo, có nội dung đáng chú ý như sau:

Đối với Trung Quốc, tầm quan trọng của Nam Hải (Biển Đông) là điều không phải nghi ngờ. Một số người nói Nam Hải là lợi ích quốc gia của Trung Quốc, hoặc nói ở mức độ cao hơn là lợi ích quốc gia cốt lõi, vì nó liên quan tới vấn đề chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, Nam Hải không chỉ là vấn đề chủ quyền, mà còn là sinh mệnh của Trung Quốc. Một khi đánh mất Nam Hải, ưu thế địa hải dương của Trung Quốc có thể không tồn tại, sẽ không thể tránh khỏi phải trở thành một quốc gia lục địa. Vì sao có thể nói như vậy?
 
Mặt phía Đông của Trung Quốc đã có khối đồng minh vững chắc Mỹ-Nhật-Hàn. Liên minh này lấy Mỹ làm thủ lĩnh, đã trở thành cơ chế hoá cao độ. Sau khi đảng Dân chủ Nhật Bản lên cầm quyền (năm 2009), Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama khi đó đã tính toán theo đuổi quan hệ tương đối cân bằng với Mỹ, tuy nhiên đã sớm thất bại. Thất bại của Chính quyền Hatoyama đã cho thấy bất cứ một Chính phủ Nhật Bản nào cũng khó có thể thay đổi hiện trạng cơ chế hiện nay trong quan hệ Nhật-Mỹ. Sau sự kiện “tàu Cheonan” của Hàn Quốc bị đánh chìm tại vùng biển Hoàng Hải, xu hướng liên minh Mỹ-Nhật-Hàn được tăng cường. Liên minh này có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc? Thứ nhất, Trung Quốc rất khó có thể thông qua phía Đông để trở thành quốc gia hải dương. Thứ hai, Nhật Bản, Hàn Quốc có thể lợi dụng liên minh này để tăng cường lợi ích bản thân, từ đó làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc. Ví dụ Nhật Bản có thể tăng cường năng lực đàm phán của mình trong vấn đề Đông Hải. Nhật Bản quyết định tiến hành “quốc hữu hoá” những vùng biển có tính tranh chấp như đảo Điếu Ngư (Senkaku) chính là nhằm tranh thủ liên minh Mỹ-Nhật-Hàn hiện nay đang có lợi cho cục diện của Nhật Bản. Sau khi xảy ra sự kiện đảo Điếu Ngư gần đây, quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ cũng cho thấy rõ ý đồ của Nhật Bản trong vấn đề này. Thứ ba, liên minh này cũng có thể cấu thành mối đe doạ an ninh trực tiếp đối với Trung Quốc. Trong thời kỳ Chính quyền Bush (con), Mỹ đã hoàn thành ý đồ bố trí “tiểu NATO” tại châu Á, thông qua sự điều chỉnh lớn về chiến lược để nâng cao năng lực tấn công và phá hoại “các quốc gia thù địch” trên phạm vi toàn thế giới.

Mặt phía Tây Nam của Trung Quốc có Ấn Độ Dương. Ấn Độ Dương là phạm vi thế lực tranh chấp tất yếu của Ấn Độ. Trung Quốc và Ấn Độ Dương không có đường giao thông trực tiếp, hiện nay Trung Quốc muốn thông qua Mianma để mở đường qua Ấn Độ Dương. Điều này cho thấy Trung Quốc hầu như không có hy vọng thông qua Ấn Độ Dương để trở thành quốc gia hải dương. Vì tại vùng biển này tồn tại quá nhiều nhân tố không xác định. Thứ nhất, quan hệ giữa Trung Quốc và Mianma. Mianma là một quốc gia chủ quyền cũng mong muốn tìm kiếm lợi ích quốc gia lớn nhất, vì vậy Mianma duy trì quan hệ qua lại giữa Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí cả Mỹ. Thứ hai, quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ cũng là một nước lớn đang trỗi dậy, đồng thời có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao độ. Phái cứng rắn trong nước luôn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và “kẻ thù tiềm tàng”. Ấn Độ không dễ dàng cho phép Trung Quốc biến Ấn Độ Dương thành tuyến đường biển quốc gia. Thứ ba, quan hệ Ấn-Mỹ. Một khi Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ, vậy thì Ấn Độ rất dễ ngả theo Mỹ. Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ mấy năm gần đây có những tiến triển mang tính thực chất, hơn nữa hợp tác và phối hợp quân sự đa phương cũng bắt đầu được thúc đẩy, trong đó có hợp tác quân sự Mỹ, Nhật, Ấn.
 
Vì vậy, đối với Trung Quốc, hy vọng duy nhất trở thành quốc gia hải dương nằm ở Nam Hải. Vì sao nói Nam Hải là sinh mệnh của Trung Quốc trong tương lai? Hiện nay, khi người Mỹ đề cập đến vấn đề an ninh và ổn định hàng hải tại Nam Hải, hầu như quyền phát ngôn đều nghiêng về phía Mỹ. Trên thực tế, điều này lẽ ra phải thuộc quyền phát ngôn của Trung Quốc. Bất luận được coi là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu hay là một nước lớn phụ thuộc cao độ vào nhập khẩu tài nguyên, an ninh hàng hải tại Nam Hải đã quyết định vấn đề kinh tế Trung Quốc có thể vận hành bình thường hay không. Trong vấn đề Nam Hải, Đặng Tiểu Bình từng đề xuất chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” là nhằm tạo ra một môi trường quốc tế hoà bình cho xây dựng kinh tế trong nước của Trung Quốc. Trong môi trường quốc tế hiện nay, cách đề cập này lại có những hàm nghĩa mới, thậm chí còn quan trọng hơn. Rõ ràng, mối đe dọa đối với việc vận hành hệ thống nền kinh tế có thể trực tiếp đe dọa đến đời sống thường nhật của mỗi người dân Trung Quốc, vì vậy nó có hàm nghĩa xã hội và chính trị hết sức sâu sắc.

Mặc dù, tình hình Nam Hải hiện nay không hoàn toàn đến mức như một số người nói là “gươm súng sẵn sàng”, nhưng nếu không thể nhìn thẳng vào hiện thực, tình hình tương lai tất yếu sẽ ngày càng nghiêm trọng. Đối phó với thách thức này như thế nào? Đây chính là câu hỏi đầu tiên: Tình hình Nam Hải bắt nguồn từ đâu? Chỉ có lý giải nguồn gốc, mới có thể tìm được phương pháp để kiểm soát và giải quyết vấn đề. Rõ ràng, cục diện Nam Hải hiện nay không phải từ trên trời rơi xuống, mà là kết quả của quá trình lịch sử. Trên thực tế, đối với các nhà quan sát cục diện Nam Hải, xuất hiện tình hình hiện nay hoàn toàn không bất ngờ, mà đều nằm trong dự báo.

Mọi người đều rõ tính phức tạp lịch sử của vấn đề Nam Hải. Hiện nay, các nước đều đang tìm kiếm chứng cứ lịch sử có lợi cho mình, nhưng khách quan mà nói, nếu giải quyết vấn đề xuất phát từ căn cứ lịch sử có thể là một sứ mệnh không thể thực hiện. Đặc điểm chủ yếu của vấn đề Nam Hải là chỉ có thể giữ quyền kiểm soát và quản lý, chứ không thể giải quyết. Chính vì vậy, khi đó Đặng Tiểu Bình mới đưa ra ý tưởng hiện thực chủ nghĩa là “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng này, Trung Quốc đã có những nỗ lực rất lớn trong bình diện song phương với các nước có liên quan khác trên vấn đề Nam Hải, nhưng hiệu quả không lớn. Các nước liên quan hầu như không có động lực và động cơ lớn để thực hiện hợp tác với Trung Quốc. Trong quá trình này, Trung Quốc đã quên mất một vấn đề đưa ra: vì sao các nước liên quan không có động lực và động cơ hợp tác? Nguyên nhân có lẽ cũng rất rõ ràng, sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước này chưa đủ, hoặc có thể nói, các quốc gia này cho rằng không cần thiết phải đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự.

Thật ra, so với Trung Quốc, những nước liên quan đến Nam Hải khác có thể nói là nước nhỏ. Lo lắng bản năng của các nước nhỏ này lại chính là đơn độc đối diện với một nước lớn, cho dù nước lớn đó có nhiều thiện ý. Vì thế, những nước này đã chuyển hướng sang chủ nghĩa đa phương. Đối với những nước này, mong muốn đa phương hoá là nhằm ràng buộc hành vi của Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân khiến một số nước nhỏ luôn cố gắng đưa vấn đề Nam Hải vào khung đa phương của ASEAN trong nhiều năm qua. Lần này, dưới sự ủng hộ của Mỹ, những nước này bắt đầu được toại nguyện. Mặc dù, Trung Quốc hoàn toàn không chấp nhận chủ nghĩa đa phương trong vấn đề này, nhưng phân tích cụ thể, cách làm này cũng phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Cho dù đa phương không thể giúp giải quyết vấn đề, nhưng đa phương là một sự ràng buộc đối với tất cả các nước liên quan. Hoặc có thể nói, nếu đa phương trói buộc Trung Quốc, vậy thì các quốc gia liên quan khác cũng bị trói buộc. Trong bối cảnh song phương không thể giải quyết, quan hệ đa phương chính là cơ chế hữu hiệu duy trì cục diện hoà bình tại Nam Hải. Trung Quốc hoàn toàn không muốn đa phương hoá vấn đề Nam Hải, cho rằng đa phương hoá có thể khiến vấn đề trở nên phức tạp. Mặc dù lo ngại của Trung Quốc không hẳn không có lý nhưng vấn đề ở chỗ quan hệ song phương không có tiến triển trong suốt thời gian dài.
 
Ngoài đa phương hoá, các quốc gia liên quan cũng cố gắng khiến vấn đề Nam Hải trở thành “quốc tế hoá”, một số nước (Việt Nam và Malaixia) đã đưa khu vực tranh chấp lên Toà án quốc tế, hy vọng thông qua sự can thiệp của tổ chức quốc tế để giải quyết vấn đề. Trung Quốc đương nhiên cũng không mong muốn đi theo con đường này.
 
Trong bối cảnh song phương không giải quyết được vấn đề, Trung Quốc lại không chấp nhận “đa phương” và “quốc tế hoá”, vậy phải giải quyết thế nào? Vấn đề này đã phát triển thành “chính trị hoá nước lớn” như hiện nay, tức sự can dự của Mỹ. Một khi “chính trị hoá nước lớn” xuất hiện, sẽ đẩy cục diện Nam Hải trở nên khó lường hơn bao giờ hết. Bất luận là quan hệ song phương, quan hệ đa phương hay là quốc tế hoá, nếu có thể giải quyết vấn đề, các quốc gia Đông Nam Á đều có thể chấp nhận. Mặc dù, không phải tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều có tranh chấp với Trung Quốc trong vấn đề Nam Hải, song Việt Nam, Malaixia, Philíppin… đều là thành viên của ASEAN, các nước thành viên khác có nghĩa vụ và trách nhiệm phải quan tâm. Nhưng “chính trị hoá nước lớn” lại không như vậy. Rất nhiều quốc gia Đông Nam Á đều có quan hệ rất khăng khít với cả Trung Quốc và Mỹ, hai nước Trung-Mỹ cùng chung sống hoà bình là lợi ích lớn nhất của các quốc gia này, nhưng một khi hai nước Trung-Mỹ xảy ra xung đột, một số nước sẽ đứng trước vấn đề là ngả về bên nào, điều này sẽ diễn ra giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chính vì vậy, trong vấn đề Nam Hải, “chính trị hoá nước lớn” hoàn toàn không phải là lợi ích lớn nhất của các quốc gia Đông Nam Á./.

theo TTXVN

 

12 nhận xét :

  1. Kính mong tác giả cho biết xuất xứ cụ thể của bài dịch (ít nhất cũng là nguyên văn đầu đề của bài được dịch)

    Trả lờiXóa
  2. Vấn đề biển Đông là một vấn đề phức tạp, việc Trung Quốc không muốn đa phương hóa là ý đồ nhằm xé lẻ các nước nhỏ để từ từ nuốt hết. Việc giải quyết song phương với từng quốc gia ở khu vực biển Đông là điều chẳng thể nào thực hiện được, vì nó còn liên quan đến vấn đề tự do hàng hải, có nghĩa là liên quan đến vấn đề địa chính trị.
    Nhưng vấn đề cốt lõi nhất vẫn là Trung Quốc hiện nay không giống ai trên thế giới cả! cái sự "không giống ai" này nó bắt nguồn từ đường lối ngoại giao cổ hũ, lạc hậu của Trung Quiốc từ thời nhà Hán.
    Bao lâu Trung Quốc chưa thay đổi chính sách ngoại giao thì bấy lâu thế giới còn phải "canh chừng" anh Tàu này thôi!

    Trả lờiXóa
  3. Bất kỳ ai khi nhìn vào bản đồ thế giới đều thấy được điều này. Biển Đông, là sự sống còn của tàu. Bài viết nếu đưa thêm 1 ý phân tích tại sao ngày xưa, tàu không bành trướng sớm. Mà đến bây giờ mới bành trướng thì phong phú hơn :)

    Trả lờiXóa
  4. Không biết bài này TTXVN viết lúc nào? Bác Diện nên lấy link gốc thì may ra nhà của Bác còn vào tham quan dễ. Chứ mấy hôm nay bị người ta canh không cho vào :D. Chúc bác có những bài sắc xảo hơn nữa làm cầu nối thông tin cho mọi người.

    Trả lờiXóa
  5. Trung Quốc xem ra hết cửa rồi.
    Vùng biển phía đông và đông bắc Á đã có Hàn Quốc, Nhật bản.
    Về phía tây của Trung Quốc thì có nước Thái Lan là đồng minh lâu đời của Mỹ, hàng năm họ vẫn tập trận chung trong chiến dịch Hổ Mang vàng. Miến Điện thì giờ đây nhạt nhẽo với Trung Quốc, vả lại khi mở đường biển về phía Ấn Độ dương thì Trung Quốc sẽ ngại đụng độ với Ấn Độ, hai nước này có thể nổ ra chiến tranh bất cứ lúc nào vì tranh chấp biên giới và cả việc Trung Quốc hậu thuẫn Pakistan...
    Vấn đề biển Đông mới nổi lên gần đây khi Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy, nhưng người Mỹ đã có mặt ở Đông Nam Á này từ rất lâu rồi, chính người Mỹ đã thành lập Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á SEATO (Southeast Asia Treaty Organization) từ năm 1954 và hiện nay thì các nước Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Brunei cho phép Mỹ có thể sử dụng các căn cứ quân sự khi cần thiết bới vì eo biển Malacca là một một eo biển tối quan trọng cho cả Mỹ, Nhật và Trung Quốc, Hàn Quốc....
    Ngày nay Trung Quốc cảm thấy "bí thở" nên lồng lộn hung hăng, nó nhòm ngó nước ta là vì vậy. Chúng ta hãy cảnh giác với Tàu!

    Trả lờiXóa
  6. Theo tôi, hầu hết nội dung của bài viết trên không có gì mới, nhưng điểm đáng chú ý là kết luận của tác giả và cách tác giả lập luận để thuyết phục người đọc. Tôi rất lấy làm lạ về khái niệm "chính trị hóa nước lớn" mà tác giả diễn giải ở cuối bài. Nếu tác giả là người Trung quốc thì không đáng ngạc nhiên, nhưng đây lại là một chuyên viên người Singapore (căn cứ theo tên thì có lẽ người gốc Hoa), Trưởng phòng Nghiên cứu Đông Á tại một Đại học công lập!

    Tôi có cảm tưởng ngầm ý của tác giả là thế giới bây giờ chỉ có hai "nước lớn" đáng kể thôi, là Trung và Mỹ. Cách nhìn lưỡng cực này vừa không đúng với thực tế đa cực ngày nay, vừa - theo tôi - có phần tham vọng, và nói thẳng ra là tham vọng bá quyền! Tôi nghĩ rằng ngay cả chính giới Mỹ hiện nay họ cũng không dám nhìn thế giới theo kiểu chỉ có hai cực, "coi thiên hạ bằng vung" như thế!

    Cảm tưởng thứ hai của tôi là bài báo có lẽ lỗi thời rồi. Cách đây 1 năm, khi nhìn 3 nước TQ, Pakistan và Iran, tôi cứ rờn rợn liên tưởng đến "phe trục" thời đễ II thế chiến (Đức-Ý-Nhật). Cũng may là chủ nghĩa Đại Hán và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan khó dung hợp được với nhau, khó đạt được sự tin cậy hợp tác với nhau một sớm một chiều, chứ không thì thế giới chắc đã lại nổi can qua! Thế nhưng vài năm gần đây và đặc biệt năm 2011 vừa rồi, sân khấu chính trị thế giới bỗng bất ngờ xuất hiện một "nhân vật" lạ lùng làm thay đổi hẳn cục diện: NGƯỜI BIỂU TÌNH!

    Biểu tình không phải là điều gì mới mẻ, nhưng có lẽ chưa bao giờ những nhóm quần chúng biểu tình ở nước này nước nọ lại gây nên những ảnh hưởng lớn lao trên cục diện toàn thế giới đến thế. Một trong những ví dụ là cánh tay Trung quốc thò tới tận Phi châu đã bất ngờ bị Người Biểu Tình chặn lại! Cách riêng ở điểm nóng biển Đông, chúng ta cũng đã thấy các cuộc biểu tình ở Miến Điện và ở Việt Nam từ dạo 2007 đến nay đã dẫn tới những sự thay đổi lớn đến thế nào!

    Bài viết trên của vị chuyên gia Singapore đã quên hay chưa đề cập đến "nhân vật" có thể sẽ rực sáng trong thế kỷ 21 này của thế giới. Khái niệm "chính trị hóa nước lớn" hàm ý vai trò quyết định của các nhà lãnh đạo của các siêu cường, nhưng ở thế kỷ này thì sẽ không còn chuyện các nhà lãnh đạo - dù độc tài đến mấy - có thể muốn làm gì thì làm nữa rồi.

    Nhân vật "Người Biểu Tình" cũng đã xuất hiện ở TQ, xuất hiện rất sớm nữa là khác. Thế giới vẫn chưa quên hình ảnh người đàn ông nhỏ bé, đơn độc đã can đảm đứng chặn cả đoàn xe tăng ờ Thiên An Môn. Đó là hình ảnh tiên báo một thế kỷ mới, thế kỷ của nhân dân, của quần chúng. Vị chuyên gia Singapore bàn về "sinh mệnh của TQ" mà không đề cập đến nhân vật Người Biểu Tình, tôi nghĩ là một thiếu sót lớn lao!

    Theo tôi, căng thẳng ở biển Đông sẽ được giải quyết ra sao thì không còn chỉ tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo, dù là lãnh đạo "nước lớn". Quần chúng, chính họ sẽ đóng vai trò quyết định!

    Trả lờiXóa
  7. "Nam Hải không chỉ là vấn đề chủ quyền, mà còn là sinh mệnh của Trung Quốc. Một khi đánh mất Nam Hải, ưu thế địa hải dương của Trung Quốc có thể không tồn tại, sẽ không thể tránh khỏi phải trở thành một quốc gia lục địa." Chà đúng là một nhận định đáng chú ý và nguy hiểm. Kiểu nhận định mang tính chiến lược nguy hiểm kiểu này trước đây của Mỹ với Học thuyết Đôminô đã đưa dân tộc Việt Nam vào cuộc chiến tranh lâu dài, hao bao nhiêu tính mạng của cải (chả riêng Việt Nam); thì nay đang có vẻ xuất hiện Học thuyết Tầu Cộng: từ mục tiêu tham lam đòi chủ quyền chuyển dần sang "sinh mệnh" tức là cốt yếu - tóm lại đã nâng cao hẳn về mức độ chiến lược. Đáng tiếc chân lý thuộc về kẻ mạnh vẫn tỏ ra tồn tại khắp mọi nơi - khỏe bắt nạt yếu! Nếu một nước yếu hơn Việt Nam chiếm Hoàng Sa thì không nói nhiều Việt Nam đã chiếm lại từ lâu. Còn thấy nước lớn hơn mà quân sự lại mạnh thì các nước nhỏ, yếu dù có tức đến chết vẫn phải nhịn nhục. mà nguyên tắc càng nhịn, thì đối phương càng lấn! Tóm lại dù hiện nay Việt Nam còn yếu kém về mặt lí luận, nhưng nếu đưa vấn đề Việt Nam ra Quốc Tế thì chúng ta sẽ dễ được ủng hộ, vì không thể một mảnh sân chung (Biển Đông) lại bị một kẻ dễ dàng đòi chiếm toàn bộ được. Việt Nam phải đấu tranh bằng mọi cách như "to mồm" hơn trên Thế giới (kể cả biểu tình không riêng ở Việt Nam - và bỏ những tư duy chỉ cần chính phủ lo và thậm chí đàn áp người biểu tình) đi! Và đấu tranh đa phương, Tòa án Quốc tế, hợp tác quân sự, mua sắm vũ khí cần thiết ...Lòng người dân Việt Nam đang sôi sục (và biết lòng tham dân Tàu với Biển Đông cũng sôi sục!). Nhà nước cần hiểu được rõ lòng dân và gần dân, chăm lo cho dân ... thì xem ra nhiều điều như các cuộc chiến tranh Việt Nam chống Pháp, Mỹ trước đây tưởng là "trứng trọi đá" nhưng rốt cuộc kẻ thù to xác, tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh đã phải chịu thua dân tộc Việt Nam bé nhỏ. Rốt cuộc tưởng chừng chân lý luôn thuộc kẻ mạnh, nhưng hóa ra lại quay về thuộc với chính nghĩa,lẽ phải!

    MT

    Trả lờiXóa
  8. Nhận định này có phần đúng.
    Có thể sắp tới một thời kỳ chiến tranh lạnh mới sẽ nổ ra tai vùng Đông Nam Á

    TH

    Trả lờiXóa
  9. Nếu các lãnh đạo Trung Quốc cũng nghĩ như tác giả Trịnh Vĩnh Niên thì Việt Nam mình chịu sao thấu!

    Lý luận của GS Trịnh nghe đại khái như: thôi rồi, cửa Ðông và cửa Tây mình đều có những hàng xóm nhà cao cửa rộng, bây giờ chỉ còn cách mở cửa hậu là cửa Nam để đi ra đi vào. Nó là cách lý luận tự mình bít lối của mình. Toàn bài không ngớt loại bỏ biết bao nhiêu là khả thể mà không nêu lý do rõ ràng.

    Thiết nghĩ các lãnh đạo Trung Quốc có thể xét đến sự hợp tác ngay với Mỹ-Nhật-Hàn về phía đông, và với Ấn Ðộ về phía tây.

    Vấn đề là trong quan niệm của người Trung Quốc còn có cái gì là sự hợp tác hay không? Hay tất cả động thái "vươn ra" về căn bản đều chỉ là sự bành trướng bá quyền?

    Trả lờiXóa
  10. Bên trong Trung Quốc mỗi năm có hàng chục ngàn cuộc nổi dậy của nhân dân TQ. Bên ngòai thì các nước đều chung sức chống Trung Quốc.
    Mãnh hổ nan địch quần hồ, Trung Quốc về đâu?

    Trả lờiXóa
  11. Trung Quốc lo lắng khi ông Obama đã quyết định chiến lược quân sự mới của Mỹ, địa chỉ tham khảo:

    http://www.nytimes.com/2012/01/06/us/obama-at-pentagon-to-outline-cuts-and-strategic-shifts.html?_r=1&ref=barackobama


    Obama Puts His Stamp on Strategy for a Leaner Military
    President Obama has for the first time put his own stamp on an all-encompassing American military policy by turning from the grinding ground wars that he inherited from the Bush administration and refocusing on what he described as a smaller, more agile force across Asia, the Pacific and the Middle East.
    In an unusual appearance at the Pentagon briefing room on Thursday, Mr. Obama outlined a new national defense strategy driven by three realities: the winding down of a decade of war in Iraq and Afghanistan, a fiscal crisis demanding hundreds of billions of dollars in Pentagon budget cuts and a rising threat from China and Iran.

    TẠM DỊCH:

    "Obama quyết định Chiến Lược Quân Sự Tinh Gọn Hơn

    Tổng thống Obama đã lần đầu tiên quyết định một chính sách quân sự xuyên suốt của nước Mỹ bằng cách chuyển từ các cuộc chiến tranh nặng nhọc ở mặt đất mà ông được thừa kế từ chính quyền Bush đến việc tái tập trung vào những gì ông mô tả như là một lực lượng nhỏ hơn nhanh nhẹn hơn, trên khắp châu Á,Thái Bình Dương và Trung Đông.
    Trong một cuộc xuất hiện bất thường tại phòng họp báo của Lầu Năm Góc hôm thứ Năm, ông Obama đã phác thảo một chiến lược quốc phòng mới được thúc đẩy bởi ba thực tế: một thập kỷ chiến tranh giằng co không hiệu quả ở Iraq và Afghanistan, một cuộc khủng hoảng tài chính đòi hỏi Lầu Năm góc phải cắt giảm ngân sách hàng trăm tỉ đô-la và mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Iran."
    (Báo New York Times ngày 5 tháng 1 năm 2012)




    Rõ ràng nước Mỹ sau nhiều năm quan hệ với Trung Quốc, giờ đây một tổng thống Mỹ khẳng định Trung Quốc là mối đe dọa.

    Trả lờiXóa
  12. Một khi nước Mỹ xem Trung Quốc là mối đe dọa thì điều này có nghĩa là các nước trong khối ASEAN sẽ được hưởng lợi, nếu chúng ta chuyển hướng chính sách, chúng ta sẽ được hưởng lợi về kinh tế, đầu tư và cũng được bảo đảm về an ninh nữa. Các nước trong khối ASEAN rất chú ý theo dõi động thái của Mỹ, nếu ta không mau chóng thì các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia,Philippines, Indonesia....chắc chắn sẽ hưởng lợi trên cái thị trường của Mỹ và EU và cả cái thị trường của Trung Quốc nữa.
    Nói theo thi sĩ Xuân Diệu thì:

    "Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
    Anh, anh ơi, tình non đã già rồi;
    Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi,
    Mau với chứ! thời gian không đứng đợi."
    (thi sĩ Xuân Diệu)

    Trả lờiXóa