Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

HỒ GƯƠM - NƠI GHI DẤU MỘT CA NỮ TÀI DANH VÀ NHÂN HẬU


Người ca nữ tài danh trong phủ chúa 
Nguyễn Xuân Diện sưu tầm

Trên phố Hàng Trống phía gần trụ sử báo Nhân Dân, ở số 82 có một ngôi đền nhỏ bé, quanh năm thơm ngát hương hoa. Đó là đền Đông Hương, hay còn gọi là đền Hàng Trống. Ngôi đền này liên quan đến một ca nữ thanh sắc vẹn toàn lừng danh trong phủ chúa dưới thời Lê - Trịnh.

Đó là nàng Nguyễn Thị Huệ, người ở thôn Cựu Lâu bên hồ Lục Thuỷ (hồ Hoàn Kiếm ngày nay). Cha của nàng là một nhà nho lỡ vận, sống bằng nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người; mẹ nàng là một ca nương của giáo phường Cựu Lâu. Năm 21 tuổi, trong một đêm hát ở phủ chúa nàng đã lọt vào mắt xanh của An Đô vương Trịnh Cương rồi được nhà chúa vời vào cung. Nàng rất được nhà chúa yêu vì, và ban cho nàng danh hiệu Ngọc Kiều phu nhân. Vào một năm nọ, Kinh thành Thăng Long bị một trận dịch lớn, theo phương thuốc của cha truyền lại, nàng đã tự bỏ tiền cân thuốc và cứu được rất nhiều người.

Về già nàng xuống tóc đi tu ngay trong chùa làng Cựu Lâu, sống cuộc sống yên tĩnh như vậy cho đến khi qua đời, thọ 71 tuổi. Dân trong vùng đã xây một ngôi đền thờ nàng ở phố Hàng Trống, trên mảnh đất có ngôi nhà mà chúa Trịnh Cương xây tặng mẹ nàng khi bà còn sống. Nay đền toạ lạc ở số 82 phố Hàng Trống.

Tục ở phố Hàng Trống từ xưa đến nay không riêng ở đền mà ngay các tư gia có việc vui mừng cũng không tìm ả đào về hát. Vì một năm, nhân ngày tiệc, dân phố tìm ả đào về hát thờ, một cô đương hát tự nhiên ngã lăn ra, miệng sùi bọt mép mê man bất tỉnh. Dân làng sợ hãi kêu khấn. Nữ thần ứng vào bà đồng già bảo rằng: “Các ngươi đem ả đào về đây hát là làm điều vô lễ với ta, nếu lần sau còn như thế nữa ta sẽ vật chết ngay”. Một lúc người ả đào dần dần tỉnh lại, khoẻ mạnh như thường. Từ đấy dân phố Hàng Trống không ai dám tìm ả đào về hát ở đền hoặc ở nhà nữa.

Nàng là Huệ - tên một loài hoa đẹp, trắng tinh khôi, thơm ngan ngát và thanh tịnh. Để tỏ lòng thành kính trước người ca nữ tài danh, nhân hậu và hào hiệp, những người đến lễ đền Hàng Trống từ xưa đều không mang hoa huệ vào đền, dù là để dâng lên nàng với tất cả sự thành tâm nhất.

Đọc tiếp...

HỒ GƯƠM - THÁP HÒA PHONG VÀ DẤU ẤN CHÙA XƯA


Tháp Hòa Phong và dấu ấn chùa xưa
Thiền Phong Phạm Tuấn

Lời dẫn của Lâm Khang chủ nhân,
Thưa chư vị, xung quanh Hồ Gươm có 3 ngọn tháp nổi tiếng. Đó là Tháp Bút, Tháp Rùa và tháp Hòa Phong. Tháp Rùa và Tháp Bút thì nhiều người biết. Tháp Hòa Phong đẹp mà ít người biết. Vì vậy, xin trân trọng giới thiệu bài viết của Thiền Phong Phạm Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) để ngày mai, tham gia tuần hành yêu nước xung quanh Hồ Gươm, chúng ta càng hiểu hơn về những dấu ấn của dĩ vãng đang như ở trên mỗi nhịp bước chân đi...
Bên bờ nam hồ Hoàn Kiếm, phía đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay còn lại một ngôi tháp mang vẻ rêu phong cổ kính như đồng hành với thời gian. Đó là tháp Hoà Phong. Tháp Hoà Phong mang vẻ đẹp và tâm hồn của người Hà Nội đã hơn 200 năm, mà ít người biết về ngọn nguồn của ngôi tháp gạch này và lịch sử gắn liền với một ngôi chùa bên bờ hồ Hoàn Kiếm mà nay đã vang bóng một thời.

Dải đất Bưu điện Hà Nội bên bờ hồ Hoàn Kiếm bây giờ là thôn Cựu Lâu xưa, những năm đầu niên hiệu Thiệu Trị nhà Nguyễn, Tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Đăng Giai chủ hưng công cho dựng ngôi chùa Liên Trì Hải Hội trên nền cũ lầu Ngũ Long với quy mô to lớn nhất chốn kinh kỳ được hoàn thành vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), gồm 36 nóc, gần 200 gian. Chùa vô cùng lộng lẫy và trang hoàng, sử sách còn ghi chép lại. Chùa dựng xong Hoà Thượng Phúc Điền trụ trì và cho ấn tống rất nhiều kinh sách trong công cuộc hoằng dương Phật pháp. Cứ liệu ghi chép về ngôi chùa này sớm nhất hiện nay là sách Nội địa dư được Lương Đình Công soạn năm Tự Đức thứ 4 (1851) ghi rằng “chùa Liên Trì ở thôn Cựu Lâu,....năm đầu Thiệu Trị, Nguyễn Tây Thúc (Đăng Giai) dựng xây vô cùng tráng lệ, 8 ngòi trồng sen vây quanh, gọi là chùa Liên Hoa”. Về sau nhiều thư tịch cũng như Trương Vĩnh Ký ra Bắc đều hết lời khen ngợi chùa Liên Trì.

Chùa Liên Trì Hải Hội có rất nhiều tên gọi như chùa Liên Trì, chùa Báo Ân, chùa Đại sứ quán Hà Nội (Hà Nội Đại sứ quán tự), chùa Sùng Hưng, chùa Quan Thượng (gọi theo phẩm hàm của quan Thượng thư Nguyễn Đăng Giai), Chùa Liên Hoa, chùa Cửu tỉnh, người Pháp thì gọi là chùa Thụ Hình vì dựa trên cảnh xử tội trong tranh Thập điện Diêm vương treo trên tường Phật điện. Nhưng chùa tên chính là Liên Trì Hải Hội và được gọi tắt là Liên Trì (ao sen).


Chùa Liên Trì được dựng xây trên ý tưởng tôn giáo đạo Phật. Toàn bộ ngôi chùa là một tổng thể kiến trúc đồ sộ mà ngày nay chỉ còn lại những hình vẽ của người Pháp cũng như mô tả rất sơ lược của sử sách. Nhưng ngôi chùa với tên gọi cho thấy ý nghĩa về một tầng thế giới mà người xây dụng ý. Chùa Liên Trì Hải Hội với dụng ý được chiết xuất từ bài kệ trong kinh A Di Đà: “Liên Trì Hải Hội, Di Đà Như lai, Quan Âm, Thế Chí toạ liên đài, Tiếp dẫn thượng kim giai, đại thệ hoằng khai, phổ nguyện ly trần ai, Nam Mô liên trì hội thượng, Phật Bồ Tát Ma Ha tát”. Một cõi Niết bàn ngay chốn trần gian, thể hiện toàn bộ ngôi chùa là một đoá sen lớn, ý nghĩa tầng thế giới siêu thoát trên đài sen tụ hội với đủ các chư vị Bồ tát và Phật Di lặc. Theo hình vẽ và mô tả thì chùa cách biệt thế giới bên ngoài bởi sự bao bọc các ngòi nước trồng sen và chỉ có một lối đi là chiếc cầu đá trước chùa nối tiếp ra tận tháp Hoà Phong làm cổng. Qua cầu là Tam quan đồ sộ, phía sau hai bên là hai tháp lớn, sau đó là toàn bộ ngôi chùa đồ sộ nguy nga. André Masson một học giả người Pháp đã mô tả hình dáng chùa: "ở phía đông nam hồ, chỗ ngày nay là sở Bưu Điện, sừng sững ngôi chùa đặc biệt nhất trong các ngôi chùa ở Hà Nội. Toà nhà chính của chùa được bao bởi một hồ tròn đầy sen, chính hồ sen này đã cho chùa cái tên Liên Trì" (Hà Nội giai đoạn 1873-1888, André Masson, Nxb. Hải Phòng, 2003). Vào khoảng năm 1889, người Pháp dựng xây khu nhượng địa bên bờ nam hồ Hoàn Kiếm và cho phá bỏ chùa Liên Trì, đến nay chỉ còn dấu tích vang bóng mà thôi.


Dấu tích của chùa còn lại tới nay là tháp Hoà Phong, với vẻ đẹp cổ kính, lặng lẽ bên hồ. Tháp cao ba tầng, cửa tháp theo bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, các cửa đều có chữ Hán làm ngạch nêu tên như: Báo Đức môn, Báo Ân môn, Hoà Phong tháp, Báo Thiên tháp,...tầng trên còn có hình bát quái và chữ Phạn. Nói rõ tổng thể kiến trúc của chùa trong đó nhấn mạnh tới tháp Hoà Phong, André Masson viết: “trong vô số "tháp, tháp chuông, hàng hiên lôi cuốn du khách từ rất xa”,...chỉ còn lại tháp Hoà Phong Tháp, tháp của gió thuận. Công trình nhỏ bé này rất đơn giản nhưng có tỷ lệ duyên dáng. Tháp gồm phần dưới bằng gạch, mỗi mặt trổ một cửa, phần trên là tháp xây trên sàn bốn góc trang trí bốn con nghê. Nằm bên bờ hồ, tháp là điểm khởi đầu đường vào chùa”.

Chùa xưa đã mất, chỉ còn lại giai thoại về vị quan Thượng “làm cho tổn Bắc lại hao Đoài” và tháp Hoà Phong cổ kính rêu phong. Những hàng liễu rủ bóng như tôn thêm cho vẻ đẹp của tháp cổ. Người người sáng chiều qua lại đã bao đời bên tháp. Thời gian cứ trôi và ngôi tháp vĩnh hằng làm một chứng tích cho tâm hồn và lịch sử của đất và người Hà Nội.


* Xin cảm ơn Thiền Phong Phạm Tuấn đã chia sẻ bài viết này với Nguyễn Xuân Diện-Blog.
Đọc tiếp...

THƯ NGỎ GỬI TÂN CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN SINH HÙNG


THƯ NGỎ
Kính gửi: Ông Nguyễn Sinh Hùng, Tân Chủ tịch Quốc hội 
nước CHXHCN Việt Nam
Thưa ông,

Là một công dân luôn theo dõi tình hình tranh chấp trên biển Đông, tôi đã nức lòng khi nghe Tân Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang trả lời báo chí vào chiều ngày 25/7/2011: “Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp (luật quốc nội và luật quốc tế)…

Nước lớn có vị thế khác. Nước nhỏ như chúng ta có vị thế khác, phải dựa vào sức mạnh tập thể, cộng đồng, dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của mình. Điều đó là dứt khoát, đương nhiên. Từ đó chúng ta luật hóa bằng luật quốc nội để xác lập, thực hiện việc chiếm hữu về ba mặt: pháp lý, lịch sử và về thực tế (khai thác và sử dụng vùng thuộc chủ quyền của mình)”.

Tôi càng vững tâm hơn khi nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu nhậm chức trước Quốc hội vào ngày 3/8/2011: “Triển khai thực hiện kiên định và đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”.

Nhưng niềm vui đó bị vụt tắt khi được biết rằng trong báo cáo trong báo cáo của Chính phủ về vấn đề biển Đông tại Quốc hội vào chiều 4/8/2011 là một phiên họp kín và nội dung của nó như thế nào người dân không hề biết vì không có một thông tin nào liên quan đến cuộc họp này được các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước đăng tải.

Kính thưa ông Chủ tịch Quốc hội,

Xin phép được nêu lên một thắc mắc rất bình thường là có gì bí mật trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông mà nhà nước và quốc hội không thể thông báo cho nhân dân. Phải chăng đã “có Đảng và nhà nước lo” nên người dân như chúng tôi không cần phải bận tâm?

Là người quan tâm nghiên cứu đến chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, tôi biết rằng về pháp lý việc phát hiện, chiếm hữu, quản lý liên tục và khai thác có hiệu quả các vùng đất mới phải thuộc về nhà nước, và uyền đàm phán, ký kết các hiệp ước với nước ngoài là trách nhiệm của chính phủ và chỉ có hiệu lực khi đã được quốc hội – là cơ quan quyền lực cao nhất – phê chuẩn. Chẳng lẽ, nếu một mai ngoại bang đe dọa chủ quyền của Việt Nam và tình thế bắt buộc chúng ta phải chiến đấu bảo vệ tổ quốc thì chỉ có 200 ủy viên Trung ương Đảng và 500 đại biểu Quốc hội cầm súng ra trận thôi sao?

Thưa ông, bốn chữ “bí mật quốc gia” ở Việt Nam chúng ta đã có bài học kinh nghiệm xương máu.

Cho đến nay, phía Trung Quốc thường rêu rao, rằng “Thứ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi tiếp ông Li Zhimin, Tham tán đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã nói rằng “theo những dữ kiện của Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là môt bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung Quốc”. Ông Lê Lộc, quyền Vụ trưởng Á châu Sự vụ thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng có mặt lúc đó, đã nói thêm rằng “xét về mặt lịch sử thì các quần đảo này đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Ðường”(1) , và quan trong hơn hết là bức công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tháng 9/1958 gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã luôn bị phía nhà nước Trung Quốc trựng dụng như một chứng cứ trong việc xác nhận chủ quyền của họ trên biển Đông(2).

Hơn nữa, mới đây, khi được hỏi “Được báo cáo rằng có cái gọi là “biểu tình chống Trung Quốc” ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam vào ngày 9 tháng 12 năm 2007. Ông có ý kiến gì?”,Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng đã nhắc lại hai sự kiện nầy, tuyên bố như sau:

“Các đảo ở biển Nam Trung Hoa và lĩnh vực phụ cận là thuộc chủ quyền của Trung Quốc không thể tranh cãi, đó là lập trường nhất quán của chính phủ Trung Quốc.Chúng tôi thừa biết rằng chính quyền Việt Nam có những khẳng định [chủ quyền] khác nhau vào những thời kỳ lịch sử khác nhau của nó”(3)

Điều cần đáng quan tâm hơn là kể từ sau sự kiện ngày 2/3/2011, khi tàu tuần tra Trung Quốc hoạt động trong khu vực Bãi Cỏ Rong (mà Philippines đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam), tiếp cận một tàu khảo sát địa chấn của Philippines và ra lệnh cho con tàu này rời khỏi khu vực đã dẫn đến nguy cơ xung đột bằng vũ lực Trung-Phi cho đến ngày hôm nay và nhiều lần Philippines tuyên bố chủ quyền của họ tại khu vực này kể cả việc các quan chức cao cấp của Philippines tổ chức đi thị sát nơi đây thì tôi cũng chưa nghe một lời phản đối  sự xâm phạm chủ quyền hay kháng nghị  nào từ Bộ Ngoại giao nước ta. Tôi nghĩ rằng, sự im lặng của Việt Nam trong thời gian qua trước việc Philippines lên tiếng và có hành động thực thi chủ quyền của họ ở khu vực bãi Cỏ Rong là một sai lầm nghiệm trọng, vô tình hay chủ ý thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc lẫn Philippines đối với Bãi Cỏ Rong.

Thưa ông Chủ tịch Quốc hội,

Tôi xin nhắc lại rằng, khi đã có một Đặng Tiểu Bình tuyên bố biển Đông là “chủ quyền thuộc ngã” và khi Trung Quốc tuyên bố biển Đông là khu vực “lợi ích cốt lõi” của họ, thì khó dùng tinh thần hiếu hòa của người Việt để ngăn chặn tham vọng của phương Bắc. Lịch sử Việt Nam có nhiều bài để học. Vấn đề là học như thế nào và hành ra sao để ngăn chặn được nguy cơ không chỉ riêng cho dân tộc mà còn là nguy cơ đối với đảng cầm quyền và những người lãnh đạo đất nước.

Xin gửi đến ông lời chào trân trọng.

Viết tại Tp.HCM ngay sau kỳ họp thứ nhât của Quốc hội Khóa 13 bế mạc.
Đinh Kim Phúc

Chú thích:
(1) Bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17-11-2000.
(2) Li Jinmin, Nguồn gốc và sự tranh cãi đang diễn ra về vấn đề Biển Đông, Beijing Review ngày 1/8/2011.
(3) Trang Web Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 11-12-2007.
Đọc tiếp...

NGÀY MAI CHÚNG TA CÙNG TUẦN HÀNH ĐỂ THỂ HIỆN LÒNG YÊU NƯỚC

"Tuần hành là hành động thể hiện lòng yêu nước"
(Dân trí) - “Tôi cho rằng, tuần hành cũng là một hành động để thể hiện lòng yêu nước của người dân với chủ quyền biển đảo”, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân nêu quan điểm.
“Buồn vì đánh giá người dân tự phát”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang theo dõi phiên thảo luận tại hội trưởng (ảnh: Việt Hưng).
Tại buổi thảo luận của Quốc hội chiều 5/8, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, tình hình biển Đông có diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chủ động đấu tranh ngoại giao, có các biện pháp đồng bộ để nêu cao chủ quyền, phản đối những hành vi gây hấn. Chính phủ cũng đã có báo cáo về vấn đề này.
Tuy nhiên, đại biểu vẫn chưa hài lòng, chưa yên tâm khi tình hình biển Đông còn rất phức tạp. Đại biểu kỳ vọng nhiệm kỳ này “cố gắng lấy lại quần đảo Hoàng Sa”.
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cho biết, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc trước hiện tượng ngư dân Việt Nam đánh bắt ở ngư trường của mình bị tàu nước ngoài xua đuối. Tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam cũng bị cắt cáp. Ngoài ra còn nhiều hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo khác.
Nhận xét Chính phủ đã kịp thời có báo cáo và các chương trình gắn với phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng ông Tuân đề xuất Quốc hội cũng cần có chính kiến, yêu cầu Chính phủ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế các vùng biển đảo như nào để kết hợp được việc bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia.  
Ông Tuân gợi ý: “Nếu Chính phủ tạo ra, củng cố được các tuyến vành đai vững chắc trên biển đảo bằng các chương trình phát triển kinh tế như vận tải biển, khai thác dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt hải sản thì lúc đó người dân cũng có nhiều điều kiện thể hiện lòng yêu nước bằng cách bám biển để bảo vệ chủ quyền”.
Đại biểu cũng đặt vấn đề Quốc hội cần xem xét hành động thế nào, làm gì để người dân thể hiện lòng yêu nước một cách đúng đắn. Nói về những cuộc tuần hành hòa bình của người dân để phản đối tình trạng xâm phạm chủ quyền, ông Tuân bày tỏ đã rất buồn về những thông tin cho rằng người dân làm cái này cái kia, mổ xẻ đó là hành động tự phát hay tự giác. “Tôi cho đó cũng là một hành động để thể hiện lòng yêu nước của người dân với chủ quyền biển đảo của chúng ta” – ông Tuân nói.
Ăn uống kham khổ hơn để đối phó lạm phát
Đề cập đến tình hình tăng trưởng, thu ngân sách đạt được 6 tháng đầu năm ông Nguyễn Bá Thuyền phân tích, kết quả đạt được là do lạm phát mang lại, không phải do sản xuất phát triển. “Đồng tiền mất giá ghê gớm. Ngày xưa đi chợ tiền xu, giờ tiền nghìn. Như vậy là tiền mất giá cả nghìn lần. Người dân mất niềm tin vào tiền đồng” – ông Thuyền phân tích.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng: "Yếu kém điều hành đẩy lạm phát lên" (ảnh: Việt Hưng).
So sánh với lần lạm phát trước (2008) dẫn tới dư nợ tín dụng buộc phải thắt dưới 30%, lần này mục tiêu là dưới 20%, đại biểu cho rằng còn khó khăn hơn nhiều. Ông Thuyền đề nghị bổ sung thêm gói kích cầu kinh tế như lần trước nhưng cần tập trung chủ yếu cho nông nghiệp, nông dân, không để xảy ra tình trạng dùng đồng tiền hỗ trợ để đáo nợ ngân hàng, không mang lại tác dụng.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền “phê” cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn yếu. Dẫn lại những phát biểu ấn tượng của Thủ tướng, các Bộ trưởng mới nhậm chức, đại biểu nhấn mạnh: “Người dân rất kỳ vọng Chính phủ mới có trái tim nóng bỏng, cái đầu lạnh và bàn tay sạch”. 
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng làm phép so sánh tình hình hiện tại với lần lạm phát 2008. Gói kích cầu triển khai sau chính sách thắt chặt đột ngột khi đó được cho là một nguyên nhân dẫn tới lần lạm phát này. Tuy nhiên, ông Đáng cho rằng nguyên nhân chủ yếu là khiếm khuyết của nền kinh tế, yếu kém trong điều hành đã đẩy lạm phát lên chứ không phải vì kích cầu.
Ông Đáng khái quát, từ năm 2007-2010, giá tiêu dùng đã tăng tới hơn 60%, trung bình cao hơn cả mức tăng trưởng 7-8% hàng năm. Giá trị thực của tăng trưởng theo đó không nhiều, thậm chí “âm”. Đời sống người dân theo đó ngày càng khó khăn hơn, nhất là khi mặt hàng tăng giá cao nhất là lương thực thực phẩm.
“Thịt, trứng, rau mấy tháng qua giá đã tăng cao gấp đôi. Người lao động đành đối phó bằng cách ăn uống kham khổ hơn” – đại biểu day dứt. Đại biểu kiến nghị các chính sách điều hành kiên quyết, hiệu quả hơn, nếu không thì mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 15-17% trong năm nay cũng khó lòng đạt được.
Cùng chung lo lắng này, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) nêu con số, so với tháng 12/2010, giá tiêu dùng đến tháng 6 đã tăng 13%, trong đó lương thực thực phẩm tăng 21%. Đầu tháng 7 vừa qua giá thực phẩm tiếp tục tăng. Bà Hương yêu cầu tập trung điều hành giá điện, xăng dầu từ này đến cuối năm. Việc “thả” giá điện theo thị trường, bà Hương nhấn mạnh, cần chọn thời điểm thích hợp để triển khai, không phải trong một vài tháng tới. 
P.Thảo 
Nguồn: Dân trí.
Đọc tiếp...

VỀ CUỘC BIỂU TÌNH NGÀY CHỦ NHẬT 07.08.2011

 VỀ CUỘC BIỂU TÌNH NGÀY CHỦ NHẬT 07.08.2011


Đây là lời cam kết của Công an đối với các 
cuộc biểu tình yêu nước
 từ nay trở về sau trên phạm vi cả nước

VỀ CUỘC BIỂU TÌNH YÊU NƯƠC NGÀY CHỦ NHẬT 07.08.2011

Những người yêu nước Việt Nam thông báo về cuộc biểu tình:

Thời gian: 08h30 ngày Chủ Nhật 07.08.2011

Địa điểm tập trung: Khu vực HỒ GƯƠM

(Chân tượng đài Lý Thái Tổ, chân tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục [cạnh tòa nhà Hàm Cá Mập]).

Đúng  8h30 tất cả mọi người tập trung về Vườn hoa chân tượng đài Lý Thái Tổ.

Chúng tôi trân trọng đề nghị các lực lượng an ninh bố trí lực lượng giúp phân luồng giao thông và bảo vệ an ninh cho đoàn biểu tình yêu nước. 

Đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông trong nước và quốc tế đưa phóng viên tới để ghi nhận và phản ánh đầy đủ và chân thực cuộc biểu tình yêu nước của nhân dân Việt Nam.

Xin hãy cùng nhau lại xem Cẩm nang biểu tình, tại đây.

 TỔ QUỐC VIỆT NAM ANH HÙNG MUÔN NĂM!
ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM TOÀN VẸN LÃNH THỔ MUÔN NĂM!
_______________________________
 
Đọc tiếp...

BÀI PHÁT BIỂU CỦA PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY KHÁNH HÒA TẠI QUỐC HỘI

PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY KHÁNH HÒA: "PHẢI CÓ HÀNH ĐỘNG THỂ HIỆN LÒNG YÊU NƯỚC, ĐỐI VỚI BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG"

Kéo thuyền vào đảo An Bang (6/2011)
Mai Thanh Hải Blog - Chiều nay (5/8), tại phiên Thảo luận ở hội trường về "Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011", duy nhất Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa dành nhiều thời gian đề cập đến vấn đề Biển Đông, biện pháp bảo vệ chủ quyền và... thể hiện lòng yêu nước của người dân.

Xin trân trọng giới thiệu những ý kiến... quý hiếm của ĐBQH Nguyễn Tiến Tuân
--------------------------------------------------------------------------------
ĐBQH Nguyễn Tiến Tuân
... "Vấn đề thứ ba, chúng tôi rất quan tâm trong giải pháp thứ 8, mà Chính phủ đặt ra đó là về An ninh - Quốc phòng. Giải pháp thứ 8 nêu ra tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả, các chủ trương nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực Quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, trước tình hình và diễn biến phức tạp, chúng ta cần hành động kiên quyết kịp thời phù hợp với pháp luật quốc tế đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước, huy động sức mạnh của toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Tôi nghĩ, đây là một chủ trương mà để bảo đảm ổn định xã hội, giữ được chủ quyền của đất nước và chúng ta tập trung phát triển kinh tế. Vừa qua, chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến cử tri đặt vấn đề, và người dân rất bức xúc trước việc ngư dân của chúng ta, đánh bắt ở các ngư trường, thì bị tàu nước ngoài xua đuổi. Tàu thăm dò dầu khí của chúng ta, thì cũng bị họ cắt cáp và rất nhiều hành động xâm phạm đến chủ quyền biển đảo.

Tôi nghĩ rằng, Chính phủ cũng đã có báo cáo và cũng đã có các chương trình để gắn việc phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng. Riêng đối với Quốc hội, tôi nghĩ cũng phải có một chính kiến và đề nghị Chính phủ báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế ở các vùng biển đảo như thế nào, để trên cơ sở ở đó, chúng ta kết hợp được việc phát triển kinh tế và bảo đảm An ninh Quốc phòng.

Nói về vấn đề này, cũng báo cáo với Quốc hội là cử tri của Khánh Hòa rất biết ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, đã vì Trường Sa thân yêu và xây dựng Trường Sa ngày càng vững mạnh.
Bộ đội Trường Sa nhận quà từ đất liền

Chúng tôi nghĩ rằng, nếu Chính phủ tạo ra được các vành đai vững chắc trên tuyến huyện đảo, bằng các chương trình phát triển kinh tế mũi nhọn như vận tải biển, khai thác dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, thì lúc đó tôi nghĩ, người dân sẽ có nhiều điều kiện để thể hiện lòng yêu nước của mình, bằng việc bám biển để chúng ta giữ được chủ quyền biển đảo.

Nhân đây chúng tôi xin đề nghị Quốc hội cần đặt ra nhiều vấn đề như trong giải pháp thứ 8. Tức là chúng ta phải có hành động, để thể hiện lòng yêu nước của chúng ta, đối với biển đảo quê hương. Trong đó, vấn đề đặt ra nhiều nhất là nhân dân ta cần làm gì để thể hiện lòng yêu nước cho đúng. Vừa rồi, chúng tôi rất buồn khi thấy một số thông tin cho rằng, người dân như thế này, thế khác, đó là tự phát hay tự giác.

Tôi cho rằng cái này cũng là hành động để thể hiện tấm lòng yêu nước của người dân đối với chủ quyền biển đảo của chúng ta. Xin hết!"...
 
Đọc tiếp...