Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

PGS.TS TRẦN NGỌC VƯƠNG: MỘT CÁI NHÌN KHOA HỌC VỀ QUAN HỆ VIỆT - TRUNG

Đường lưỡi bò của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ảnh: Internet
Một cái nhìn khoa học về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Tình hình “ biển Đông dậy sóng” thời gian qua không nằm ngoài bối cảnh tham vọng lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc cũng như mối quan hệ lịch sử phức tạp giữa hai nước Việt - Trung. Phóng viên Đất Việt online đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Ngọc Vương, ĐH Quốc gia Hà Nội, người đã nhiều năm nghiên cứu Trung Quốc, về điều này.

PV: Ông đánh giá thế  nào về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, không chỉ là mối quan hệ ngoại giao hiện tại, mà là dưới góc độ lịch sử, văn hóa?

PGS.TS. Trần Ngọc Vương: Thực tế thì từ trước đến nay, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là một quan hệ rất phức tạp. Dù công khai hay không công khai thừa nhận thì đó là một thực tế không ai có thể che giấu được.

Mối quan hệ phức tạp đó được thể hiện trên nhiều phương diện: chính trị, văn hóa, chủ nghĩa dân tộc, chân chính hay không chân chính, lành mạnh hay không lành mạnh, trong đó có cả tâm lý đám đông.

Trước hết, cần phải khẳng định quan hệ Việt – Trung từ quá khứ lịch sử đến tận ngày nay là một quan hệ nhiều chiều phong phú, đa dạng, phức tạp và đầy nghịch lý, mâu thuẫn. 

Năm 1998, tại Đại học Bắc Kinh, tại cuộc gặp mặt và trao đổi trực tiếp giữa học giả 2 nước Việt Nam, Trung Quốc, các học giả Trung Quốc đã hỏi tôi: Ông nghĩ như thế nào về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Tôi muốn nhắc lại một ý mà tôi đã trả lời lúc đó, như là một nhận thức đã trở thành công thức cố định: Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ít nhất phải nhìn trong 3 góc độ, 3 tư cách của Trung Quốc.

Trong lịch sử, Việt Nam tiếp thu nhiều từ Trung Quốc, cho nên tư cách đầu tiên của Trung Quốc đối với Việt Nam là tư cách ông thầy. Đây là điều không chối cãi được do Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Quốc cả một thiên niên kỷ. Trong suốt thời gian dài đó, người Việt đã học tập rất nhiều điều từ người Trung Quốc. Chúng ta không thể nào không kính trọng một dân tộc có nền văn minh, văn hóa thuộc loại hàng đầu thế giới. 

Tư cách 2: Trung Quốc với Việt Nam là bạn: Bạn ở đây được hiểu theo nhiều nghĩa và được quy định bởi nhiều điều kiện. 

Thứ nhất, là 2 nước láng giềng có chung đường biên giới rất dài cả trên đất liền và trên biển. Do có chung đường biên giới quá dài nên để có thể sống với nhau ổn định, cần có sự hữu nghị cả về phương diện cộng đồng, xã hội lẫn phương diện quốc gia.

Thứ hai, chữ “Bạn” ở đây được hiểu vừa là đối tác, vừa là đối thủ. Ngay trong một cộng đồng nhỏ cũng tồn tại những đối thủ, huống hồ là giữa 2 đất nước. Nếu bỏ qua tư cách đối thủ, tự anh sẽ làm hại anh do sẽ dẫn đến mất cảnh giác. Điều này được thể hiện trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị. Nhưng không vì vậy mà yếu tố đối thủ làm triệt tiêu yếu tố đối tác, bằng hữu. 

Nhưng theo tôi, nếu xét trên tư cách bằng hữu, sự hợp tác giữa 2 nước chưa cao. Bởi muốn hợp tác có hiệu quả thì 2 nước phải có những mục tiêu và lợi ích chung. Phải có định hướng về tầm nhìn là cùng nhìn về 1 hướng thì sự hợp tác mới lâu bền và toàn diện. Nếu quay lưng lại với nhau hay người này tìm cách tranh thắng hơn so với người kia thì không thể hợp tác được. Trong hợp tác, nguyên tắc “Cả 2 cùng thắng” mới là nguyên tắc quan trọng nhất, chứ không phải kẻ thắng người thua. 

Tư cách bằng hữu này về lâu về dài vẫn cần phải duy trì để cùng tồn tại. 

Tư cách 3:Việt Nam thường xuyên là nạn nhân của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự bành trướng đế chế của Trung Quốc: Trong thực tế, do nhiều lý do lịch sử, Việt Nam không phải là nước lớn để đặt đồng đẳng trên bàn cân so với Trung Quốc. Cho nên, tồn tại bên cạnh một đế chế khổng lổ có dân số chiếm 1/5 nhân loại không phải là điều đơn giản. Rõ ràng, so về tiềm lực, quốc lực, Việt Nam không phải là đối thủ cạnh tranh bình đẳng của Trung Quốc. Không nhận thức được điều này thì sẽ mất nước.Tôi cũng muốn sử dụng khái niệm “sự bành trướng đế chế” như là một thuật ngữ của khoa học lịch sử.

Chính vì điều này, ngay từ quá khứ lịch sử đã luôn đặt ra 1 tình huống, đó là: mất cân bằng.

Đối với nước nhỏ bé hơn, đây bao giờ cũng là hiểm họa. Điều này không có gì lạ, khắp nơi trên thế giới đều như vậy. Nói một cách lạnh lùng hơn, đây là một quy luật, có thể gọi là “chủ nghĩa Darwin xã hội”, đó là quy luật sinh tồn cạnh tranh về mặt xã hội.

Quy luật này chính các nhà kinh điển Mác – Lênin đã nhận thức và coi là quy luật bất di bất dịch: Quốc gia nào mạnh sẽ đi xâm lược, quốc gia nào yếu sẽ bị xâm lược. Không có một quốc gia đạo đức thuần túy nào từng xuất hiện trên trái đất. Chủ nghĩa bành trướng như là một lẽ đương nhiên của các nước lớn. Trung Quốc từ xưa đến nay, trừ những giai đoạn tự mâu thuẫn, tự đấu tranh nội bộ, khi họ đạt được sự thống nhất nhất định thì họ đều có tư thế nước lớn. Và khi có tư thế nước lớn, họ tự có thuộc tính bành trướng.

Khi bàn về đế chế Sa Hoàng, Lênin đã phải thừa nhận một thực tế khách quan, tất yếu: Khi nó đã là đế chế, là một quốc gia có quy mô lớn như đế chế Nga thì nó hút theo nó rất nhiều sự phụ thuộc, ép các cộng đồng dân tộc xung quanh nó trở thành vệ tinh. 

Tôi xin nhắc lại, đế chế nào, quốc gia lớn nào cũng vậy. Sức ảnh hưởng, bành trướng của các đế chế này là sức hút nam châm, có xu hướng hút và cuốn các nước xung quanh vào bên trong nó. Nếu chống lại được lực hút đó thì được độc lập, còn nếu không li tâm được thì tất yếu sẽ bị phụ thuộc. 

Tôi cho rằng, xu thế chung của nhân loại và nói riêng các quan hệ khu vực  trong khoảng một thiên niên kỷ trở lại đây là những quốc gia như Việt Nam ngày càng thể hiện tư thế độc lập hơn, tự quyết, tự chủ hơn so với các đế chế kiểu như Trung Quốc. Mặc dù có những thời điểm trong lịch sử, xu thế đó không phải là dạng đồ thị tiến thẳng, có những lúc người cầm quyền Việt Nam tỏ ra bạc nhược, yếu hèn, nhưng nhìn tổng thể thì Việt Nam ngày càng độc lập hơn.

Việt Nam hoàn toàn đủ nội lực để tự mình trở thành một quốc gia độc lập hơn nữa, bình đẳng hơn nữa với các thế lực bên ngoài. Điều kiện của quốc tế hiện đại cho phép thực hiện được, hiện thực hóa được xu hướng đó. 

PV: Tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề cần giải quyết trong quan hệ giữa hai nước.  Một bước tiến  có thể nói khá quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp này  là  các bên đồng thuận không sử  dụng vũ lực.  Vậy vì sao gần đây tình hình lại đột ngột “nóng” lên, cùng  với đó là sự đe dọa  sử dụng vũ lực  từ phía Trung Quốc? 

PGS Trần Ngọc Vương: Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua, chúng ta có cái nhìn toàn cảnh và rõ ràng hơn về cái gọi là việc sắp xếp lại trật tự thế giới,  cấu trúc lại những vùng ảnh hưởng trên thế giới. Nhìn theo nhiều lĩnh vực, có thể xuất hiện những cường quốc khác nhau, thậm chí có thể gọi là những siêu cường khu vực. Nhìn một cách tổng thể, rõ ràng Trung Quốc đang có khát vọng trở thành một siêu cường, ít nhất là siêu cường khu vực. 

Từ năm 1978, khi khởi xướng lên việc định hướng lại và cải cách kinh tế để tạo vị thế của Trung Quốc, cho đến gần đây, Trung Quốc nêu lên một số mệnh đề mà tôi cho rằng đặc biệt cần chú ý.

Thứ nhất là mệnh đề: “Một hữu đới đầu” - Nhất quyết không đi đầu. Họ chấp nhận không làm người dẫn đầu, không gánh vác trách nhiệm trước thế giới. Điều này có thể dễ dàng hiểu được, cũng là do họ chưa đủ điều kiện để làm vậy dù họ muốn. Tôi cho rằng, về tầm nhìn, đó là một tầm nhìn dài hạn và khôn ngoan của họ. 

Mệnh đề thứ hai là “thao quang dưỡng hối”, tức là che bớt ánh sáng, nuôi dưỡng cái tù mù. Trung Quốc muốn giữ cho riêng mình một vùng bí mật rộng lớn trong các quốc sách cũng như trong việc đo đếm, tính toán quốc lực của họ. Đây là một cách giữ gìn bí mật quốc gia để quốc tế không thể biết được tiềm lực thực sự của Trung Quốc. Dù bên ngoài có nói xấu hay nói tốt, nói hay hay nói dở, Trung Quốc cũng không phản đối hay khẳng định quyết liệt.

Mệnh đề thứ ba là “nhất quốc lưỡng chế”, tức là một nước hai chế độ. Chính mệnh đề này đã gây ra tranh luận giữa tôi với các học giả Trung Quốc năm 1998, thời điểm khi họ đang tiếp nhận Hồng Kông. 

Khẩu hiệu “Nhất quốc lưỡng chế” mà Đặng Tiểu Bình đưa ra là một tôn chỉ mà họ đang thực hiện và sẽ còn lâu mới thực hiện xong. Đây chính là câu khẩu hiệu gây nhiều suy nghĩ cho tôi. 

Tôi đã hỏi các giáo sư, học giả Trung Quốc ở Đại học Bắc Kinh rằng: Một nước 2 chế độ, nghĩa là một bên anh duy trì XHCN, một bên anh duy trì TBCN? Vậy thì CNXH có phải mục đích tối hậu của Trung Quốc không? Đó của phải là hệ tư tưởng của Trung Quốc không? 

Họ nói theo họ là như vậy. Tôi nói: Vậy thì theo logic, anh phải tồn tại 2 chế độ, dù cho tầm nhìn xa đến đâu, khoảng thời gian dài đến đâu, nhưng nếu đến “một lúc nào đó”, tình trạng đó sẽ được / bị xóa bỏ, thì đó vẫn cứ là một công thức mang tính chiến thuật, dù nó không ngắn hạn về mặt thời gian. Cuối cùng anh phải giải quyết vấn đề 2 chế độ ra sao chứ? Phải nhất thể hóa thành một chế độ chứ? Nếu khẳng định như thế, tôi không tin là trên bốn chục triệu người ở mấy vùng lãnh thổ kia để yên cho anh “sáp nhập” dễ dàng.

Trong trường hợp ngược lại, nếu anh nói rằng đó là một tôn chỉ lâu dài, không xác định về mặt thời gian thì tức là anh từ bỏ về mặt nguyên tắc đối với chủ nghĩa cộng sản. Vì trong một nhà nước phải có, và chỉ có một hệ tư tưởng. Giả sử các vùng lãnh thổ như Đài Loan sáp nhập với Trung Quốc thì hệ tư tưởng lúc đó chắc chắn phải khác hệ tư tưởng bây giờ. Vậy hệ tư tưởng đó là gì? Các học giả Trung Quốc không trả lời được. Họ hỏi ý kiến của tôi thế nào. Tôi nói: đó chính là chủ nghĩa tư bản, hoặc một dạng khác, xác thực hơn nữa: chủ nghĩa dân tộc. Họ im lặng nhưng sa xẩm mặt mày. 

“Thao quang dưỡng hối” và “không đi đầu” thì hiện nay Trung Quốc đang dần dần từ bỏ. Tức là họ công khai bộc lộ và thị uy sức mạnh, đồng thời một bộ phận kích động chủ nghĩa dân tộc.

Nguy cơ về sự bùng lên và khó lòng kiểm soát của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc là điều có thật. Cái tâm lý này nằm cả ở những người ở cấp cao, tuy tôi chưa dám nói những nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc thì ở mức độ như thế nào. 

Vì thế, tôi cho rằng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc bùng nên và khó kiểm soát đang thực sự là một nguy cơ đối với chúng ta. Tôi theo dõi báo chí và các trang mạng Trung Quốc, qua các thống kê của chính các trang đó, tôi thấy các con số về tỷ lệ người Trung Quốc đòi “dạy cho Việt Nam một bài học” là rất cao. Điều này phản ánh một tỉ lệ trung bình cộng mà chúng ta cần phải hết sức cảnh giác. Đương nhiên là các nhà chính trị không dễ dàng đưa ra các quyết định dựa trên những thống kê trên mạng như vậy, nhưng cũng chắc chắn họ sẽ bị chi phối bởi điều này.

Để hiểu tận căn nguyên, tôi không chỉ theo dõi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mà tôi còn phải theo dõi cả thực thể Trung Hoa, tôi cho rằng hiện nay, những vấn đề mâu thuẫn nội tại của xã hội Trung Quốc là căng thẳng nhất thế giới. Có người đã nói ví von là: Giữa những tỷ phú giàu nhất thế giới đã có người Trung Quốc, nhưng những cộng đồng nghèo đói nhất thế giới cũng có người Trung Quốc. Điều đó dẫn đến những bất an về mặt xã hội.

Những bất an xã hội đó khiến tôi rất lo lắng.Không phải chỉ lo và thương cho người Trung Quốc. Tôi không dám nói đó là tất yếu, nhưng theo những lối mòn của lịch sử, để trấn an nội bộ, trong mấy nghìn năm qua, Trung Quốc luôn dùng phương pháp chuyển mâu thuẫn ra ngoài. Tức là cứ mỗi lần nội bộ Trung Quốc có vấn đề lớn, các nhà cầm quyền Trung Quốc lại tiến hành xâm lược một vùng nào đó. Họ dùng “võ công” để răn đe và giải quyết mâu thuẫn bên trong. Tức là họ không đánh trực tiếp đối thủ trong nước mà dùng chiến công bên ngoài để làm giảm áp lực và xả bớt lực căng xã hội. Xin nói thật, đây là điều tôi sợ nhất vì Việt Nam có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, các tỷ lệ thống kê cao trên mạng phản ánh đúng điều này. 

Tôi nghĩ là người Trung Quốc đâu thù Việt Nam đến thế. Những người làm chính trị, quan sát chính trị đều nhận thấy trong thời gian qua Việt Nam đã nhẫn nhịn rất nhiều. Thế giới không ngây thơ để tin vào những tuyên truyền xuyên tạc của Trung Quốc là Việt Nam luôn gây hấn và kích động. Rõ ràng là người Việt Nam luôn có tâm lý hòa hiếu, muốn yên ổn. Lịch sử đã chứng minh điều đó.Võ công thiên tài và chiến công hiển hách như Quang Trung mà trước khi đánh trận Đống Đa còn yêu cầu Ngô Thì Nhậm viết sẵn biểu tạ tội, rồi biểu Cầu phong. 

Vì vậy, vấn đề ở đây là chúng ta phải tránh để bị Trung Quốc biến thành vật hi sinh. Nhưng đồng thời, ta không chỉ giữ thể diện với dân mà về lâu dài cần phải nuôi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của nhân dân ta. Như cụ Hồ đã nói một câu thể hiện tất cả: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Chúng ta vừa phải mềm mỏng, nhẫn nhịn nhưng cũng luôn phải tự cường, rắn rỏi. 

Thực trạng bất bình đẳng diễn ra trong cả việc tuyên truyền. Báo chí và các trang mạng Trung Quốc, kể cả các tờ được coi là chính thống và quan trọng hàng đầu, kể cả Đài Truyền hình Trung ương, hiện nay đang liên tục xuyên tạc về Việt Nam, tôi xin gọi là nói rất láo về Việt Nam. 

PV: Hòa bình, đó là khát vọng ngàn đời của nhân dân Việt Nam. Song,  cũng như ý chí nhân dân, các vị lãnh đạo của Việt Nam luôn khẳng định “chủ quyền là số một”. Từ cái nhìn lịch sử, theo Giáo sư,  làm thế nào để giữ được cả hai điều này?

PGS Trần Ngọc Vương: Mặc dù có những cái đầu ở Trung Quốc đang rất nóng, và cả nhiều cái đầu ở các nước láng giềng của Trung Quốc, đương nhiên cả ở ta, cũng đang nóng, nhưng theo tôi chúng ta nên coi đó là chuyện bình thường. Có những phản ứng cực đoan thái quá là bình thường. Cả ở đây nữa, “trái tim có những lý lẽ riêng mà cái đầu không thể hiểu”. Nhưng đó không phải là tất cả. Vấn đề là các nhà cầm quyền phải biết giữ tỉ lệ cực đoan đó ở mức có thể kiểm soát được và không gây ra tác hại. Các nhà lãnh đạo cần có cách hành xử và giải quyết vấn đề phù hợp. 

Tôi cho rằng với diễn biến của tình hình vừa rồi, sự bộc lộ thái độ và hành động của cộng đồng và người dân Việt Nam là hợp lý. Giữ mức độ như thế là hợp lý. 

Với tư cách là người cũng đã nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc, về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tôi cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay đối với chúng ta là làm thế nào để cân bằng được niềm tự hào dân tộc, khí phách dân tộc với hoạt động thực tiễn chính trị tỉnh táo để đạt được mục tiêu quan trọng hàng đầu là giữ gìn độc lập dân tộc. Đồng thời tránh cho dân tộc khỏi những tổn thất, va chạm không cân sức và không cần thiết. 

- Xin cảm ơn Giáo sư.

*Bài do PGS. TS Trần Ngọc Vương gửi trực tiếp cho NXD- Blog. 
Một phần của bài viết đã đăng tải trên báo điện tử Đất Việt.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!


Đọc tiếp...

GS NGÔ ĐỨC THỌ NÓI VỀ LAI LỊCH VÀ THỰC CHẤT CỦA ĐƯỜNG LƯỠI BÒ

Lai lịch và thực chất của đường lưỡi bò

GS.TS NGÔ ĐỨC THỌ

Với chưa đến 1000 từ dịch ra tiếng Việt từ tờ China Daily, tác giả là một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thông báo với dư luận những căn cứ để xác lập chủ quyền của Trung Quốc đối với biển đảo trên gần 80% diện tích Biển Đông, nhưng lại không trưng ra bất kì bằng chứng thuyết phục gì, và vì thế, không có gì để tranh biện.

>> Trung Quốc nguỵ biện đường lưỡi bò

Bài báo có nêu các bản đồ 12-1934, tháng 4-1935, 2-1948; nhưng chủ yếu là muốn tuyên truyền tính chính danh, chính nghĩa cho bản đồ 11 đoạn hình chữ U do Bộ Nội Chính chính phủ Quốc dân đảng ấn hành 10-1947.

Tấm bản đồ đó trước đây ít người biết, nhưng từ năm 2006 khi Trung Quốc chính thức khẳng định ý nghĩa của nó, thì không chỉ ở Việt Nam mà người dân ở các nước ĐNÁ và nhiều nước khác không khỏi ngạc nhiên trước tham vọng của Trung Quốc muốn làm chủ đến 80% diện tích biển Đông.

Vì là vấn đề trung tâm được tác giả bài báo nêu lên, cho nên ở bài này tôi thấy cần bỏ những điểm lướt ngoại vi để đi thẳng vào vấn đề về tấm bản đồ lãnh hải hình chữ U đó


Lai lịch tấm bản đồ tháng 10/1947 


Để gây thanh thế cho bản đồ này, báo chí Trung Quốc có liên hệ đến một nhân vật lịch sử khá có danh tiếng của Trung Quốc là tướng quân Lâm Tắc Từ, một vị tướng của nhà Thanh, nổi tiếng trong chiến tranh Nha phiến (1840-1843) chống thực dân Anh. Ông này không ăn nhập gì với chuyện bản đồ Lưỡi bò này, nhưng người ta nhắc đến tên ông trong vì ông có người cháu năm sáu đời gì đó là Lâm Tuân 林遵[1] làm sĩ quan trong hải quân chính phủ Quốc dân đảng. Sau chiến tranh thế giới thứ II, Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch là một nước trong phe Đồng minh thắng trận, hải quân của chính quyền Tưởng phái chiến hạm mang tên Thái Bình do Lâm Tuân chỉ huy đi tuần sát biển Nam xem có tàn dư quân Nhật hoặc nạn dân kẹt lại đâu đó hay không. Chỉ làm được một vòng rất hạn hẹp, cho quân xuống cắm cờ ở một vài đảo, nhưng khi về căn cứ, Lâm Tuân cùng thuộc hạ là mấy chuyên viên quan trắc, hoạ đồ xúm lại vẽ ra một tấm bản đồ gọi là 南海諸島位置圖Nam Hải chư đảo vị trí đồ (Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải), chuyển cho Ti Phương vực Bộ Nội Chính đem in xuất bản năm tháng 10-1947. Không những bản gốc hiện đã được bảo quản cẩn mật mà cả bản ảnh điện tử của nó cũng hầu như rất ít xuất hiện trên mạng của Trung Quốc.

Mất chút ít thời gian, nhưng cuối cùng tôi cũng tìm ra, xin trình ra đây để tác giả của bài báo trên People Daily biết chúng tôi nói "có sách, có chứng", đồng thời cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài có thể tham khảo "bản lai diện mục" của cái gọi là bản đồ Lưỡi bò ấy.

Cái bản đồ bộ Nội chính in ra 10-1947 ấy chưa phát hành được bao nhiêu thì đã thành đồ "vứt sọt rác", khi chính quyền Tưởng Giới Thạch phải chạy ra Đài Loan!


Tấm bản đồ lưỡi bò do Lâm Tuân vẽ năm 1947,. Những nét mực đỏ tác giả tô lại cho rõ.

Tấm bản đồ 10/1947 và tư duy lãnh thổ, lãnh hải chủ trương của TQ
Sự mờ nhạt thiếu thuyết phục của các cứ liệu thư tịch - bản đồ cổ của Trung Quốc

Biết bao sự kiện rất lớn đã diễn ra ở Trung Hoa lục địa, Đài Loan và cả ở Việt Nam. Vấn đề Biển Đông (mà TQ gọi là Nam Hải) nổi cộm và nóng dần lên. Khởi đầu là việc chính quyền Trung Quốc cho quân xâm lược Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 3-1974, kế đến là việc Trung Quốc đánh chiếm một số đảo trong QĐ Trường Sa thuộc chủ quyền CHXHCNVN tháng 3-1988. Chính phủ VN đã nhiều lần tuyên bố Việt Nam có đầy đủ những căn cứ pháp lý để xác định chủ quyền của Việt Nam ở các vùng biển đảo nói trên. Nhưng phía Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng bá quyền, nhiều lần công bố các tài liệu thư tịch cổ mà họ cho là gián tiếp hoặc trực tiếp xác nhận chủ quyền của Trung Hoa ở Nam Hải, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc đặt tên là Tây Sa và Nam Sa.

Thấy các bằng cứ từ trong các thư tịch cổ của mình không thuyết phục được ai, nhà cầm quyền Bắc Kinh hướng sự chú ý vào các bản đồ.

Khác với nguồn thư tịch dù không mấy thuyết phục nhưng cũng còn có cái tên để nêu lên, thể loại bản đồ cổ Trung Quốc rất vắng thiếu và hầu như không có các cứ liệu ủng hộ cho lập trường bành trướng của họ đối với biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa! (Xem bài trên tờ China daily cũng có thể thấy sự vắng thiếu ấy).

Lâm vào tình thế đó, thậm chí người ta thấy những bài viết bắt đầu lánh dần vấn đề các cứ liệu thư tịch - bản đồ, mà chuyển dần sang chủ điểm nói về một thứ "lãnh hải" rất kỳ quái mà họ gọi mà "lãnh hải chủ trương" - nghĩa là lãnh hải (trên biển Đông) mà nhà cầm quyền Trung Quốc "chủ trương" muốn có và cần phải có. Chẳng hạn một sĩ quan cao cấp (về hưu) của TQ đã viết:

任何对领土、领海的主张都离不开以国力,国际话语权为后盾。"搁置争议、共同开发"这是我国的现阶段解决领土、领海等边界问题的方针之一。就我国现阶段的国力以及国际环境来说这个方针是最好的了。

"Bất cứ chủ trương nào đối với lãnh thổ, lãnh hải cũng không thể tách rời khỏi sự hậu thuẫn của sức mạnh đất nước và quyền đối thoại quốc tế". (Tạp đàm, 2008 -http://blog.sina.com. cn/s/blog_ 59877c5c0100a2ne.html, 07-29 15:35:19)

Cái gọi là "chủ trương lãnh thổ, lãnh hải" đó không gì khác hơn là cái tham vong bất chấp sự thật lịch sử của chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh trên đất liền cũng như trên biển. Không chỉ đối với biển Đông, chẳng hạn đối với Nhật Bản trong vấn đề Điếu Ngư (tức quần đảo Lưu Cầu, Nhật Bản gọi là 尖閣諸島 Tiêm Các chư đảo/, Senkaku Shotō) phía Trung Quốc cũng ứng xử theo kiểu "lãnh hải chủ trương" như vậy, khiến cho mâu thuẫn ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản có xu hướng gia tăng.

Tư duy "lãnh thổ, lãnh hải chủ trương" được hiện thực hoá

Đang lúc kiểu lý luận "lãnh hải chủ trương" được "tập huấn" cho quán triệt thì đâu đó lại loé lên hy vọng từ nguồn cứ liệu bản đồ. Không biết ai đó bỗng dưng phát hiện ra còn giữ được tấm bản đồ do nhóm Lâm Tuân vẽ hồi nào! Họ phát hiện ra "cái hay nhất" ở bản đồ Lưỡi bò của nhóm Lâm Tuân là khiến cho cái tư duy "chủ trương lãnh thổ" hay "lãnh thổ chủ tương" (mơ tưởng) được loại hình hoá, giấy trắng mực đen hoá bằng bản đồ, chứ không còn phải nói khơi khơi chung chung nữa! Thế là bản đồ của chính quyền Quốc dân đảng ấn hành tháng 10-1947 suýt bị vứt vào sọt rác được lôi ra giới thiệu trang trọng, ra sức tung hô, coi đó là bằng chứng có giá trị duy nhất về chủ quyền lãnh hải của Đại Hán từ xưa đến nay ...và cả mai sau nữa!!
Từ bằng chứng "mấy nghìn năm", nay họ rút xuống chỉ cần cái bằng chứng 64 năm ấy là quá đủ, không phải bàn thảo gì nữa! Chế độ Tưởng Giới Thạch duy nhất cái bản đò Lưỡi bò đó  được coi là "quốc bảo", rất mực được đề cao.

Từ năm 2006 Chính phủ TQ quy định tất cả bản đồ TQ đều phải thể hiện đường lãnh hải chữ U đó. Những người nặng đầu óc sôvanh lớn tiếng: "CHNDTH hoàn toàn kế thừa cái bản đồ [Lưỡi bò] ấy! (Chẳng hạn xem: http://blog.sina.com.cn/ s/blog_ 67cf346 f0100iv1r.html )

Chính phủ TQ không hô như thế, nhưng như mọi người đã biết, ngày 6-5-2009 Bộ Ngoại giao TQ trình lên LHQ tấm bàn đồ hình chữ U (tức bản đồ Lưỡi bò) ấy tức là chính thức gắn cho văn bản ấy một tính chất quốc tế chứ không còn là vấn đề tung hô trong nội bộ nữa!

Sự giải thích vá víu và con đường phá sản của bản đồ đường lưỡi bò

Như vậy, vấn đề lãnh hải hình Lưỡi bò không còn là vấn đề riêng của vài quốcc gia mà đã trở thành vấn đề công khai của các nước ĐNÁ với Trung Quốc. Một số nước khác như Mỹ, Nhật Bản cũng tuyên bố họ có quyền lợi liên quan đến hoà bình và ổn định ở các tuyến hàng hải trên Biển Đông. Không những các nước ĐNÁ trực diện phê phán lãnh hải lưỡi bò của Trung Quốc mà nhiều chính phủ và chính khách quốc tế cũng bày tỏ sự nghi ngại lớn đối với tham vọng của Trung Quốc ở vùng biển quan trọng này.

Gần đây TQ lại cho xuất hiện một vài cách giải thích mong làm cho một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản yên lòng.

Bài đăng trên China Daily dẫn lời của Triệu Lý Hải đưa ra khái niệm "sở hữu danh nghĩa" là một mưu toan khiến người ta hiểu rằng Trung Quốc nhận quyền "sở hữu danh nghĩa " như vậy, còn trên thực tế thì các nước có thể không bị ảnh hưởng gì! Hoặc điều đó "không có nghĩa là toàn bộ vùng biển trong đường này thuộc về vùng nội thủy của Trung Quốc", các nước qua đàm phán với Trung Quốc vẫn có thể được Trung Quốc cho tự do đi lại trên một số tuyến hàng hải nào đó theo quy định của Trung Quốc!

Chấp nhận sự giải thích mơ hồ đó có nghĩa là bất kể các nước ĐNÁ hay các cường quốc hàng hải nào trên thế giới đang đựoc tự do đi lại trên biển Đông đều bị đặt vào tình thế phải đàm phán với Trung Quốc mới có thể tiếp tục được hưởng quyền tự do đi lại trên vùng biển quốc tế!

Tiềm lực kinh tế quân sự thì các nước khác nhau, nhưng thế giới văn minh ngày nay làm sao có thể chấp nhận những áp đặt hoang đường như vậy? China Daily lẽ nào không nhận ra mức độ không tưởng của những luận điểm theo kiểu giải thích của Triệu Lý Hải đã được dẫn thuật hay sao?

Tham vọng "vô đáy" như vậy đối với chủ quyền ở Biển Đông không những bị dư luận thế giới phản đối, mà ngay ở trong nước những người Trung Quốc có lương tri cũng cho rằng chủ trương lãnh hải hình chữ U (Lưỡi bò) ấy là không khả thi. Có bài báo viết: nếu theo đó thì có những nơi ngươi dân nước họ "nhảy xuống nước bơi một đoạn, ngẩng đầu lên đã là ra ngước ngoài rồi"! Hoặc có người nói: "Đem lãnh hải đến đặt trước cửa nhà người ta như thế thì ai người ta chịu?" v.v...

Bản đồ lãnh hải Lưỡi bò chính thức tung ra đến nay cũng đã 5-6 năm dù được đề cao hết mức nhưng xem ra tương lai của nó cũng không khác gì con bệnh đã đến hồi di căn. Có những ý kiến cực đoan đề nghị Trung Quốc tuyên bố thẳng, rằng không cần cái đường lưỡi bò ấy. Vẫn viên sĩ quan có bài trên mạng Thiết huyết nêu:

国际政治遵循的是丛林法则,有理没理不重要,重要的是实力,美国能占住遥远的夏威夷,英国能占住阿根廷门口的马尔维纳斯群岛,我们当然也能占住南海,这就是持强凌弱,没什么不好意思的。

"Pháp luật mà chính trị quốc tế tuân theo là pháp luật rừng (tùng lâm pháp tắc丛林法则), có lý không có lý không quan trọng, cái quan trọng nhất là thực lực. Nước  Mỹ có thể chiếm đóng Hawai xa xôi, nước Anh có thể chiếm quần đảo Manvinat ở ngay cửa khẩu của Achentina, thì chúng ta [tức Trung Quốc] cũng có thể chiếm biển Nam Hải! Đấy tức là kẻ mạnh lấn lướt kẻ yếu, có điều gì là xấu hổ đâu!"

Loại ý kiến cực đoan như dẫn trên cố nhiên không phải là quan điểm của Chính phủ Trung Quốc và chúng tôi chân thành tin rằng kiểu lý luận thời trung cổ ấy không chỉ bây giờ mà mãi mãi không bao giờ là quan điểm chính thống của nhân dân và chính phủ Trung Quốc!

Trung Quốc là một nước lớn, một trong năm thành viên của HĐBA, chúng tôi chân thành mong Chính phủ Trung Quốc cuối cùng sẽ nhận ra tính chất phí lý của chủ trương lãnh hải đường lưỡi bò, cùng các nước ĐNÁ và các nước có liên quan thực hiện các quy định theo Tuyên bố về cách ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC), tiến đến Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, để cuối cùng giải quyết hoà bình các tranh chấp biển đảo ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

* Tác giả là cán bộ viện Nghiên cứu Hán Nôm, đã nghỉ hưu.


[1] Lâm Tuân 林遵: (1905-1979), nguyên tên là Lâm Chuẩn, biệt danh là Lâm Tôn Chi, nguyên quán Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến, từng du học Học viện Hải quân Hoàng gia Anh (1929), Viện Kỹ thuật hàng hải Đức (1939). Phó tuỳ viên QS ĐSQ THDQ tại Mỹ (1945). Hạm trưởng tàu hải quân TQ làm nhiệm vụ ở Nam Hải (1946). Sau 1949 được phong giáo sư chủ nhiệm bộ môn Hải quân Học viện QS TQ, Phó viện trưởng Học viện Hải quân, 1955 được phong Thiếu tướng GPQTQ; Đảng viên ĐCSTQ (1977). Mất ngày 176-7-1979.
Nguồn: Tuần Việt Nam (VNN).


GS Ngô Đức Thọ là bạn cùng lớp ĐH với GS Nguyễn Phú Trọng
Khoa Ngữ văn, Khóa 8, ĐH Tổng hợp HN. Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Giáo sư Ngô Đức Thọ và TS Nguyễn Quang A tham gia biểu tình yêu nước
phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện
(GS Ngô Đức Thọ là người hướng dẫn luận văn Thạc sĩ cho NXD)

Đọc tiếp...

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ: BÀN THẢO LUẬT BIỂU TÌNH

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

"QUYỀN BIỂU TÌNH ĐƯỢC NÊU RA TỪ HIẾN PHÁP 1946,
NHƯNG GIỜ VẪN CHƯA CÓ LUẬT"

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai)
 ... "Cuối cùng, chúng tôi muốn nhấn mạnh một Luật, đó là Luật Biểu tình. Tất cả những hiện tượng xã hội gần đây do sự phát triển của đất nước, do những mối quan hệ trong sự phát triển của chúng ta, dẫn đến một hiện tượng người dân rất muốn bày tỏ chính kiến của mình, một cách có tổ chức, có luật pháp, nhưng đang đứng trước một khó khăn, và đó cũng là khó khăn của chính các cơ quan thực thi pháp luật, những cơ quan bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, cũng không có luật điều chỉnh, dẫn đến sự phân tâm trong nhận thức của nhân dân.

Không phải tự nhiên, trước khi chúng ta thông qua Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một sắc lệnh về quyền biểu tình, để thể hiện một trong những quyền cơ bản của con người.

Chính nhờ quyền biểu tình ấy trong sắc lệnh ấy mà chúng ta đã huy động được quần chúng nhân dân đứng đằng sau nhà nước cách mạng để vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách trong thời kỳ lịch sử ấy.

Đương nhiên, bây giờ thời đại có thể thay đổi, nhưng quyền biểu tình, quyền bày tỏ chính kiến của mình một cách có trật tự, có mục tiêu chính đáng và cũng là cơ sở để nhà nước, có thể bảo vệ được trật tự an ninh xã hội, cũng như quyền của công dân là rất cần thiết.

Vì thế chúng tôi mong muốn Quốc hội và những cơ quan chức năng sớm đưa việc thông qua Luật Biểu tình vì nó cũng liên quan đến bản Hiến pháp mà chúng ta sắp sửa đổi.

Chúng ta sẽ tránh được tình trạng trong Hiến pháp có quyền nhưng không có Luật để thực thi quyền đó. Ví dụ quyền biểu tình được nêu lên, hay quyền lập hội được nêu lên từ trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, cho đến bây giờ vẫn chưa có Luật biểu tình, chưa có Luật hội, đó là điều chúng ta cần suy nghĩ.

Vì thế chúng tôi rất mong muốn rằng, công tác lập pháp của chúng ta hiện nay, bên cạnh việc sớm khắc phục chất lượng, tình trạng thiếu văn bản dưới luật, luật chậm đi vào cuộc sống, việc bổ sung ngày càng hoàn tất, đầy đủ khối lượng các luật và liên thông được với Luật quốc tế, thì việc xây dựng một lộ trình, trong đó có sự ưu tiên những điều cấp thiết là hết sức cần thiết.

Chúng tôi cũng rất mong Luật Biểu tình sớm được Quốc hội bàn thảo. Xin cảm ơn.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh):

"CÔNG DÂN CÓ NHU CẦU VÀ THẤY HIẾN PHÁP CHO BIỂU TÌNH THÌ NGƯỜI TA BIỂU TÌNH, NHƯNG LUẬT LẠI KHÔNG CÓ, GÂY RA XÔ XÁT, LÚNG TÚNG CỦA CƠ QUAN HÀNH PHÁP"

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh)
... "Khi bàn về chương trình xây dựng Luật, thì tôi xuất phát từ điểm thứ nhất là về Nghị quyết Đại hội Đảng XI, trong đó nhấn mạnh rất rõ là sự đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị. Trong đó, đổi mới chính trị, chúng ta rất quan tâm việc xây dựng Nhà nước và pháp quyền.

Điểm thứ hai là nhu cầu cuộc sống đặt ra, nếu chúng ta chậm trễ, thì nó gây ra những ách tắc cản trở hoặc những rối loại cho xã hội.

Xuất phát từ chỗ đó, chúng tôi thấy trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, nó có một đặc điểm là những cái gì thể hiện trong Hiến pháp phải được đưa vào cuộc sống.

Trong Hiến pháp của chúng ta, có một chương rất điển hình cho đặc tính, đặc điểm dân chủ và văn minh của chế độ chúng ta là Chương V của Hiến pháp, tức là các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Chúng ta thấy rằng, từ Hiến pháp năm 1992, hơn 10 năm qua, đã đưa vào cuộc sống một bộ phận của những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhưng vẫn còn một bộ phận khác, thì chúng ta chưa luật hóa nó, và trên thực tế, nó chưa được đưa vào cuộc sống để nó điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trong đó, chúng tôi muốn lưu ý đến Điều 69, tức là quyền về thông tin tự do báo chí và hội họp.

Do đó, tôi nhất trí với ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc và tôi muốn nói một chút về quyền này.

Phần đầu của Điều 69 là quyền thông tin tự do ngôn luận, thì chúng ta đã luật hóa rồi. Nhưng vế sau là hội họp, biểu tình thì chúng ta còn chậm chạp.

Từ chỗ đó, thì gần đây nó phát sinh ra một loạt vấn đề là công dân, người ta thấy có nhu cầu và người ta thấy Hiến pháp cho người ta biểu tình, thì người ta biểu tình, nhưng luật thì lại không có, nó gây ra một sự xô xát, sự lúng túng của các cơ quan hành pháp khi hành xử.

Do đó chúng tôi thấy Chương V và đặc biệt Điều 69 là biểu hiện của bản chất dân chủ, văn minh của chế độ ta. Nay trong cuộc sống có nhu cầu, thì tôi đề nghị chúng ta đưa vào chương trình xây dựng luật của năm 2012, hoặc chuẩn bị của năm 2012 xây dựng Luật về Biểu tình.

Tôi muốn nói thêm là khi chúng tôi đi tiếp xúc đối ngoại và nói về vận động quốc tế, để thể hiện bản chất dân chủ, văn minh của chế độ ta. Người ta thừa nhận rằng Chương V của Hiến pháp Việt Nam rất tốt đẹp và so sánh với Hiến pháp nhiều nước không thua kém gì, nhưng người ta có bình luận là việc mình đưa vào cuộc sống nó còn chậm quá.

Tóm lại, tôi nhất trí với ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc vừa rồi: Đưa Luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị năm 2012, và chúng ta không ngại gì. Tôi cho là chúng ta có một kinh nghiệm tốt là Luật về Đình công chúng ta mạnh dạn luật hóa vấn đề quyền đình công, do đó 10 năm qua việc đình công được điều chỉnh, có hành lang pháp lý, chúng ta hoàn thiện từng bước và như thế nó là một biểu hiện để quốc tế nhìn vào thấy Việt Nam chấp hành tốt các Công ước Quốc tế và đối xử tốt với quyền của người lao động"...
Đọc tiếp...

LỜI KÍNH BÁO CỦA TRANG MẠNG BAUXITE VIỆT NAM

Lời kính báo của trang mạng Bauxite Việt Nam


Thưa đồng bào trong nước và ngoài nước,

Thưa các vị đã ký Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ,

Ban Biên tập BVN xin trân trọng thông báo: trong buổi phát thanh tối 4 tháng 8 năm 2011, đài VTV1 đã có một bản tin mà ở đoạn cuối có mấy điều sau đây liên quan đến BVN và những nhân sĩ, trí thức đã ký vào bản Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ:

1/ Trong phần nói về “tội trạng” và “con người” Cù Huy Hà Vũ, bản tin VTV1 đã sỉ nhục Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, đã cho những “người dân” đáng ngờ về tư cách phát biểu vào những mặt “đời tư” không ai kiểm chứng được. Đây là một việc làm không xứng với một Hãng truyền thông cấp quốc gia, dùng tiền đóng thuế của nhân dân cả nước để bồi tiếp một cú vào một tráng sĩ bị ngã ngựa. 

2/ Tiếp theo phần nói xấu Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, từ phút thứ 45 đến phút thứ 50, bản tin trực tiếp tấn công “các trang mạng”, trong đó có nói về BVN – gọi BVN là một trang mạng phản động. Bản tin VTV1 cũng trưng ra nhân chứng, để các nhân chứng này nói rằng tên tuổi của họ đã bị lợi dụng và bản thân họ không biết gì về chuyện ký Kiến nghị này cả.



Trang mạng Bauxite Việt Nam xin nói rõ một số điều như sau: 

Về trường hợp tên và chức vụ, cấp bậc của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, và Đại tá Lê Văn Trọng được VTV1 coi là người ký kiến nghị – ngay trong đêm 04-8-2011, Ban biên tập BVN đã lập tức rà soát lại Danh sách in đã gởi đi và Danh sách trên trang mạng Diễn đàn, thì không hề thấy có tên của các vị này trong Danh sách ký kiến nghị. Sở dĩ tên của họ vẫn còn trong Danh sách trên mạng boxitvn.net vì như chúng tôi đã thông báo, từ lâu nay trang mạng bị đánh phá ác liệt, các kỹ thuật viên phải thường xuyên chống đỡ, không làm thế nào điều khiển được trang mạng nên không thể chỉnh sửa được các thông tin cũ. Chỉ mới hai hôm nay các kỹ thuật viên của chúng tôi mới giành lại được quyền chủ động. 

Xin giải thích thêm về trường hợp hai ông Nguyễn Nam KhánhLê Văn Trọng như sau: khi người thu thập chữ ký của nhóm lão thành cách mạng gửi đến trang mạng chúng tôi là ông Trần Đức Quế báo tin cho biết đã nhầm lẫn về hai ông này, chúng tôi đã lập tức bỏ họ ra khỏi danh sách. Cả 4 bản danh sách kết thúc từ lâu gồm 1989 người đều không hề có tên hai ông ấy. Bốn danh sách này đều còn nguyên trên trang Diễn đàn, và cả trong Danh sách in trên giấy gửi lên các vị Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…, việc kiểm chứng hẳn không mấy khó khăn đối với người có trách nhiệm. 

Riêng ông Trần Đức Quế, tối 4-8-2011, sau khi VTV1 dẫn lời nói “xin rút” của ông, ông có cho BBT BVN biết rõ, trong hoàn cảnh ông bị truy bức 2 ngày rưỡi chỉ vì một số chữ ký các lão thành cách mạng do ông thu thập, ông đã rơi vào trạng thái mệt mỏi, vì thế khi một số lượng lớn công an vây quanh ông yêu cầu ông rút tên, ông đã nói: bây giờ toàn bộ danh sách đã gửi lên các vị có thẩm quyền rồi, các anh bắt tôi rút cũng được mà không rút cũng thế thôi.

Dẫn ra 3 trường hợp được VTV1 nêu, chúng tôi chỉ muốn chứng tỏ sự ngay thẳng trước sau như một của BVN. Xin đồng bào hãy bình tĩnh để cùng xử lý vụ việc này một cách văn minh, lịch sự, xứng đáng với trình độ những con người biết chịu trách nhiệm trước dân tộc, trước đất nước.

Trong việc thu thập chữ ký, trừ các vị lão thành cách mạng, tất cả các khâu đều tiến hành qua mạng thư điện tử. BVN trịnh trọng tuyên bố hoàn toàn không cử người đem Kiến nghị đi mời bất kỳ ai ký tên. Lý do rất đơn giản: chúng tôi không có thì giờ, và đó cũng không phải là phong cách làm việc của chúng tôi.

Trong khi nhận chữ ký qua thư điện tử, rất có thể đã có một vài nhầm lẫn không đáng có, và cũng do chúng tôi mất cảnh giác không nghĩ tới cách chống phá thâm hiểm của những người cũng ăn lương từ tiền đóng thuế của nhân dân nhưng đã hành động như kẻ đối lập với nhân dân, BVN chia sẻ sự khó chịu của quý vị đã bị đối xử một cách không tương xứng với tư cách công dân của quý vị.

Trước sau Bauxite Việt Nam vẫn là một trang mạng yêu nước của nhân sĩ trí thức trong ngoài nước, chỉ đề xuất những vấn đề quan hệ đến lợi ích sống còn của đất nước, nhằm góp phần làm cho nước nhà thoát khỏi những khó khăn trước mắt, để ngày một phát triển vững chắc hơn, lãnh thổ vẹn toàn, đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc, đạt được mục tiêu một xã hội dân chủ công bằng, văn minh. 

Xin trân trọng cám ơn.
Ban Biên tập trang Bauxite Việt Nam 
Hà Nội, hồi 01 giờ 15 ngày 5 tháng 8 năm 2011

Nguồn: Bauxite VN và Ba Sàm.

Phản ứng về việc VTV dẫn lời người dân nói ông Cù Huy Cận từng chửi ông Cù Huy Hà Vũ:
Một độc giả nhận xét lúc 01h37’ (trong 242. Lời kính báo của trang mạng Bauxite Việt Nam (BVN): “Tôi biết ông Huy Cận, tôi biết ông Xuân Diệu nhưng tôi không biết nhiều về ông Hà Vũ. Tôi không phải là hàng xóm cũng chẳng có mối quan hệ gì với ông Vũ nên tôi chẳng quan tâm những điều nói về ông Vũ. Nếu điều VTV đề cập là sự thật thì cũng rất bình thường vì ông Vũ chẳng phải là thánh. Nếu ông Huy Cận có ‘chửi’ ông Vũ thì điều đó càng bình thường vì ông Huy Cận là bố của ông Vũ mà! Ai trong chúng ta cũng từng bị bố mẹ ‘chửi’ là thằng này thằng nọ mà! Tôi chỉ thấy ông Vũ hình như có ảnh hưởng rất lớn với mọi người đến nỗi VTV phải nói cho cả nước biết ông Vũ là người chẳng ra gì! Có thể ông Vũ chẳng ra gì, nhưng cách của VTV càng chẳng ra gì!
Đọc tiếp...

VĂN THƯ TRẢ LỜI CHÍNH THỨC CỦA ÔNG GĐ CÔNG AN TP HÀ NỘI




Trên đây là Văn thư trả lời của Ông GĐ Công an Tp HN gửi tới Ông Lê Dũng.
Theo tôi được biết, văn thư này chỉ được gửi 02 bản tới tôi và ông Lê Dũng.

Hiện tôi đi nghỉ hè cùng gia đình (đi từ sáng sớm ngày 3 tháng 8, theo kế hoạch đã định trước, từ giữa tháng 6).

Xem văn thư, như vậy là đã rõ. Giấy TRẮNG, mực ĐEN, dấu ĐỎ. Hôm trước, mới chỉ xem báo nên còn ngờ ngợ và cho rằng có thể anh em báo chí họ đưa tin chưa đầy đủ, chuẩn xác. Nay, đã rất rõ rồi! 

Ghi bên lề:

Bắt đầu từ 10h sáng ngày 3 tháng 8 năm 2011, một số nhà cung cấp dịch vụ internet ở Việt Nam đã chặn trang của tôi, khiến khách hàng không truy cập được. Cụ thể đó là các thuê bao Viettel.

Đề nghị chư vị, nếu vẫn tha thiết với hiên trà này, xin chuyển sang hợp đồng thuê bao với Vinaphone hoặc các nhà cung cấp khác.

Sang đến ngày 4  và ngày 5 tháng 8, Blog Nguyễn Xuân Diện bị tấn công trong nhiều giờ liền, khiến chủ nhân không thể vào nhà được. Thông báo hiện lên như sau: "Hệ thống của chúng tôi đã phát hiện thấy lưu lượng truy cập bất thường từ mạng máy tính của bạn. Vui lòng thử lại yêu cầu của bạn sau". 

Đây là điều đã được tiên liệu, và ngay trong cuộc trả lời phỏng vấn ngài IAN TIMBERLAKE, Giám đốc văn phòng Thông tấn xã AFP tại Việt Nam, tôi cũng đã phàn nàn về chuyện này.

Nguyễn Xuân Diện tiếp ngài Ian Timberlake, GĐ Văn phòng AFP tại VN
Đó là những lý do (bận đi nghỉ hè, và blog bị tấn công) khiến cho từ ngày 3 đến 5 tháng 8 Nguyễn Xuân Diện-Blog ít bài vở, vắng khách thăm. Ngoài ra, không có bất cứ lý do nào khác. Nay kính báo! 

Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện kính trình!
Đọc tiếp...