Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

TÔI LÀ NGƯỜI LÀM CHỨNG


















Như chư vị đã biết, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp Hà Nội hiện đang gặp gỡ, làm việc với nhiều người để làm rõ việc người thi hành công vụ đạp vào mặt người biểu tình yêu nước sáng 17.07.2011.

Đã và sẽ có nhiều người được mời đến các cơ quan công an. Chắc giờ này, nhiều vị đang lo lắng về chuyện được mời, và càng lo lắng về chuyện mình có thể được xem như là người làm chứng.

Nếu quý vị không nhìn thấy mà chỉ nghe kể lại việc anh Nguyễn Chí Đức bị 4 người khiêng và một người khác đạp vào mặt anh thì các vị có phải là người làm chứng không? Về việc này, khoản 1 điều 55 Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định rõ như sau: “Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng”

Như vậy pháp luật quy định người làm chứng là người biết chứ không bắt buộc phải là người nhìn thấy tình tiết liên quan đến vụ án. Người làm chứng có thể trực tiếp biết các tình tiết liên quan đến vụ án, nhưng cũng có thể gián tiếp biết các tình tiết đó qua người khác. Lời khai của người trực tiếp biết các tình tiết liên quan đến vụ án là chứng cứ gốc. Còn lời khai của người được nghe kể lại tình tiết của vụ án là chứng cứ thuật lại.

Tôi không trực tiếp chứng kiến việc người thi hành công vụ đạp vào mặt anh Nguyễn Chí Đức, nhưng tôi được nghe Nguyễn Chí Đức kể lại sự kiện này. Vì vậy, tôi chính là người làm chứng, nếu được cơ quan có thẩm quyền triệu tập để lấy lời khai.

Những người chỉ biết sự kiện thông qua internet (ảnh, video clip, blog....) đều có quyền kiến nghị với tư cách công dân, yêu cầu cơ quan điều tra kiểm tra xác minh và trả lời trước công luận.

Vài điều để tham khảo khi làm việc với cơ quan điều tra:

1- Khi nhận được giấy mời, giấy triệu tập cần đọc thật kỹ về: Cơ quan nào mời, làm việc với ai, ở đâu và về nội dung gì.

2- Trước khi rời nhà đến cơ quan an ninh, cần thông báo cho người nhà hoặc bạn bè biết về nội dung giấy mời, giấy triệu tập. Thời gian bắt đầu làm việc và địa điểm làm việc. 

3- Chỉ làm việc với cơ quan điều tra khi có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Chỉ làm việc tại các trụ sở công an. Nếu là trụ sở công an, cũng nên đề nghị điều tra viên xuất trình thẻ.

Nếu giấy mời chỉ ghi làm việc với điều tra viên tên là Đ. thì khi đến chỉ trả lời điều tra viên tên Đ., có thể yêu cầu những người khác không có trách nhiệm rời khỏi phòng đang mà mình và điều tra viên đang làm việc. Nếu trong giấy mời làm việc với 1 điều tra viên thì khi làm việc xong là ra về, không trả lời bất cứ một điều tra viên nào khác.

4- Chỉ trả lời những câu hỏi có liên quan đến nội dung nêu trong giấy mời. Không cần trả lời những nội dung ngoài giấy mời, để cán bộ điều tra hiểu rằng mình là hiểu biết về luật lệ, và để tránh trả lời lan man vừa không cần thiết, vừa kéo dài buổi làm việc, khó kiểm soát được độ tỉnh táo.

5- Có những câu hỏi đúng với nội dung giấy mời, nhưng người được hỏi cũng có quyền từ chối không trả lời. Ví dụ: Thư gửi GĐ Công an HN do ai soạn? do ai đưa cho? v.v.

Cơ quan điều tra chỉ được hỏi: Anh (chị) có đúng là người ký đơn, có đúng chữ ký anh (chị) không? Khi ký anh (chị) có bị ép buộc, cưỡng bức không? 

6- Sau khi làm việc xong, tự mình đọc lại biên bản xem điều tra viên đã ghi chính xác ý mình chưa. Nếu thấy đã đúng, đề nghị điều tra viên sao thêm 01 bản rồi cùng ký tươi vào 02 bản đó, mỗi bên giữ một bản. Biên bản làm việc chỉ có giá trị pháp lý khi có chữ ký của cả hai bên. Các văn bản chỉ có chữ ký của 1 bên (người hỏi, người được hỏi) đều không có giá trị.

7- Trước khi ra về, cùng chào hỏi nhau, và nói với điều tra viên: Tôi sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra mỗi khi cần hỏi đến.

Hết


Đọc tiếp...

VIỆT NAM ƠI! CHÚNG TA SẼ LÀM ĐƯỢC

Thư thứ 3 gửi chú Nguyễn Xuân Diện:
Việt Nam ơi! Chúng ta sẽ làm được!

Hôm nay là 27/07/2011, đã 3 ngày sau buổi Chủ Nhật hừng hực khí thế và nhiệt huyết ở thủ đô Hà Nội vừa rồi. Cháu tranh thủ ngồi viết cho chú, cũng nhân ngày tưởng niệm Thương Binh Liệt Sỹ Việt Nam, để lại tâm sự đôi lời về thế thái nhân tình.

Từ hôm Chủ Nhật đến giờ, cứ mỗi khi vào Internet, theo dõi các tin tức về “ngày Chủ Nhật Hà Nội” vừa qua là lòng cháu lại dâng trào biết bao cảm xúc, đến nỗi cứ muốn ùa chạy ra ngoài, hi vọng đâu đó đang là 1 “đoàn người Chủ Nhật” để được hòa vào, từng ánh mắt, từng nhịp tim, từng tiếng hô vang dậy. Nhưng chẳng có đâu, Sài Gòn đã ngủ yên trong cơn mộng mị u ám mơ hồ… khi mà ánh sáng bị kết án là xấu xa, tội lỗi.

Mặc dù chúng ta đã có đến 8 tuần ròng rã để chứng tỏ rằng, những giờ khắc thiêng liêng khi linh hồn dân tộc Việt Nam thức giấc và trỗi dậy, thì không 1 thế lực hắc ám nào có thể ngăn cản, chi phối hay lợi dụng. Thế nhưng, bấy nhiêu đó dường như là chưa đủ để những lòng tin đã chết có thể nảy mầm trở lại. Và khi mà sự sợ hãi vẫn lấn át lý trí cùng trái tim, người ta bị đẩy xuống thậm cùng sự thiếu khôn ngoan sáng suốt và những thứ sức mạnh quyền lực trở nên vô cùng khủng khiếp trong khuôn khổ tiêu cực. Nên Sài Gòn vẫn giới nghiêm và cứng rắn, hơn bất kỳ 1 sự cứng rắn nào.

Sài Gòn 24/07/2011, người ta chỉ còn thấy một số ít các bạn trẻ ngồi rải rác ở công viên 30 tháng 4, ít hơn nhiều so với lực lượng công an, sảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động đang tuần hành từng nhóm giữa công viên 30 tháng 4 và 23 tháng 9. Thậm chí có thể nói, chỉ còn thiếu cờ quạt, biểu ngữ và những tiếng hô yêu nước nữa thì hôm đó đã trở thành buổi xuống đường tuần hành chống Trung Quốc xâm lược của lực lượng an ninh thành phố. Mà đôi khi thế cũng hay, vì họ cũng là người Việt cả. Mà bất kỳ người Việt Nam nào, thể hiện sự tỉnh thức trong mối quan hệ với Tàu đều là đáng quý (dù có thể sự thức tỉnh ấy là để ngăn cản 1 điều gì khác, nhưng ít ra nó làm cho tính thời sự của quan hệ Việt – Trung lúc nhạy cảm này không bị phôi pha). Nghĩ tới đấy thì cháu lại thấy rằng, sướng nhất quả thật chỉ có mấy anh an ninh chìm nhà mình chú ạ. Tha hồ đi cùng với đoàn người, hò hét phản đối Trung Quốc, thể hiện lòng yêu nước thâm sâu mà vốn dĩ phải chôn kín vì nhiệm vụ và mệnh lệnh, tha hồ biểu dương lực lượng và tinh thần mà chẳng bị ai mời làm việc hay ngăn cản khó dễ gì. Chứ lên mạng thấy Ts Nguyễn Quang A, rồi chú, và những người khác than phiền chuyện được khuyên răn, thăm hỏi mà thấy oải cả người, cũng may là mọi người vẫn còn đi và đến được. Và Hà Nội tưng bừng quá, cháu thấy mà cứ muốn run lên, muốn ùa vào.

Biểu tình ôn hòa không phải là cách duy nhất thể hiện lòng yêu nước, nhưng nó chắc chắn là 1 trong nhiều cách, mà có sự biểu hiện sinh động, mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực nhất. Biểu tình phản đối những hành động ngang ngược, bành trướng, thái độ hung hãn và mưu đồ xâm lược một cách ôn hòa không có nghĩa là kích động chiến tranh, xúi giục hay phát động việc sự dụng quân sự và vũ lực nên không thể nào bảo rằng điều này làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao và đi ngược với chủ trương, chính sách của nhà nước được. Như vậy, đó thực ra chỉ là 1 cái cớ che đậy cho 1 nỗi lo sợ khác hay nếu ai đó thực sự lo sợ như thế, thì cần phải vứt bỏ nỗi sợ huyễn hoặc nhầm lẫn ấy.

Biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc là sự thể hiện cho bá quyền Bắc Kinh biết rằng chúng ta đang bất mãn với thái độ ngoại giao và các hành động xâm phạm quyền lợi công khai chính đáng của chúng ta mà bọn họ đang thể hiện. Chúng ta bày tỏ thái độ này trong sự ôn hòa như 1 lời cảnh cáo để bọn họ thức tỉnh trước giấc mộng vĩ cuồng đó và phải trở lại bang giao đúng mực với đất nước chúng ta.

Biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc là để thể hiện cho nhân dân Trung Quốc biết rằng chính phủ của họ đang tiến hành những việc làm, âm mưu xấu xa, thâm độc với đất nước láng giềng. Cho nên, nếu nhân dân Trung Quốc là những con người biết tôn trọng lẽ phải, yêu chuộng hòa bình thì phải thể hiện quyền làm chủ đất nước của họ và tôn trọng mối quan hệ bang giao hai nước bằng cách ít nhất là lên tiếng nhắc nhở, phản đối những hành động ngông cuồng, lộng hành ngang ngược của chính phủ họ trên biển Đông và biển Việt Nam. Chúng ta – người biểu tình, trong vai trò người hàng xóm đã tiến hành hành động biểu tình ôn hòa để nhắc nhở họ hãy thực hiện đúng nghĩa vụ của 1 công dân thế giới, đặt luật pháp quốc tế và tinh thần chung sống bình đẳng, hòa bình lên trên dã tâm và khát vọng bành trướng của chính phủ họ.

Biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc là cách biểu dương lực lượng, thể hiện tình đoàn kết, tinh thần tỉnh thức sẵn sàng trước những sự kiện, biến cố bất ngờ và theo chiều hướng xấu có thể xảy ra. Là cách để nói với chính phủ rằng, chúng ta sẵn sàng sống và chết cho đất nước, chúng ta tôn trọng những giải pháp ngoại giao của chính phủ không xâm hại quyền lợi dân tộc đồng thời ủng hộ chính phủ để tạo sức mạnh tinh thần trong việc đưa ra những biện pháp đối phó kiên quyết, thẳng thắn, vững vàng trước những mưu tính tráo trở và quỷ quyệt của một đối thủ tiểu nhân, tham vọng và nham hiểm.

Tám tuần, chúng ta đã không ngừng nghỉ chứng tỏ được sự trong sáng của bầu nhiệt huyết yêu nước sục sôi. Hai tháng trời ròng rã, chúng ta đã chứng tỏ được rằng, lòng yêu nước là thứ tình cảm tuyệt vời không thể bị lợi dụng, xuyên tạc hay lèo lái, điều khiển bởi bất kỳ 1 thứ quyền lợi cá nhân hay tổ chức phe nhóm nào. Vậy mà tại sao người ta vẫn sợ. Vẫn sợ, còn sợ thì chỉ có thể là sợ hãi sự thật, sợ hãy chính sức mạnh đang ủng hộ, bảo vệ và nuôi sống họ mà thôi. Nỗi sợ hãi hão huyền làm chính bản thân khổ chủ của nó yếu đi, thu mình lại và nhu nhược. Thật đáng buồn biết bao nhiêu. Và chúng ta, thì sẽ cứ phải tiếp tục dấn thân để tìm lại niềm tin đã chết cho họ, cho dân tộc dẫu người ta cứ mãi khước từ và trốn tránh. Mệt mỏi, nhưng chúng ta có nhau, có sự đoàn kết, có sức sống, có niềm tin nên chắc chắn rồi cũng sẽ đến ngày đạt được chú ha.

Sài Gòn những Chủ Nhật chỉ còn biết lững lờ trôi trong mong mỏi và chờ đợi, nhưng Hà Nội thật tuyệt vời ít ra cũng giúp làm cõi lòng người Sài Gòn ấm lại. Vẫn biết biểu tình không phải là cách duy nhất, cho nên chúng ta không ai chê trách những người đã không đi biểu tình cả, nhưng đó là chọn lựa và cách thể hiện của chúng ta. Chúng ta muốn vậy. Nó không sai. Và chúng ta làm vậy. Hà Nội ơi, cảm ơn các bạn thật nhiều.

Quá nhiều hình ảnh đẹp đã nở hoa tại Hà Nội ngày 24 tháng 07 vừa qua, sau 1 tuần mà hình ảnh người an ninh đạp vào mặt người yêu nước đang bị khống chế lan rộng và làm ngao ngán cũng như phẫn nộ mọi con người còn có lương tri và nhân bản. Nhưng các bạn Hà Nội đã có 1 sự đáp trả tuyệt vời, không phải là trả đũa cá nhân mà chính là vẫn quyết tâm tiếp tục nhiệm vụ mà lòng yêu nước và tâm hồn chúng ta trao phó. Nên nụ hoa ấy đã khoe mình thật rực rỡ và tỏa hương thơm ngào ngạt của tính nhân văn. Hình ảnh tuyệt vời dường như trở thành tâm điểm của ngày Chủ Nhật, có lẽ là tà áo dài trắng của người thiếu nữ Trịnh Kim Tiến. Nụ hoa bừng nở của sự tái sinh, 1 sự tái sinh mạnh mẽ từ cái chết bi hùng của 7 ngày trước đó và từ 1 nỗi niềm riêng của cô gái Lạc Hồng. Ai cũng biết Kim Tiến là ai và sự kiện thương tâm của riêng cô gái ấy là gì. Nhưng bông hoa ấy vẫn rực rỡ trở thành biểu tượng đại diện cho những đóa hoa đời, hoa của tình người và lòng yêu nước. Hoa của thủ đô ngàn năm văn hiến. Cảm ơn bạn thật nhiều. Mai này, thế nào Sài Gòn của tôi cũng sẽ tỏa hương nhiều đóa hoa như vậy, lúc đó bạn sẽ không phải đẹp “một mình” như thế nữa đâu.

Lại nói về hình ảnh của anh Nguyễn Chí Đức và cú đạp đã đi vào lịch sử hiện đại Việt Nam, cháu không phải là anh Chí Đức nên ắt không thể hiểu hết cảm xúc của anh khi bị 1 nhân viên an ninh đạp vào mặt, đạp vào lòng yêu nước như vậy nhưng cháu cảm phục và quý mến anh ấy ở cách đối diện với vấn đề. Trước 1 sự sỉ nhục không chỉ mang tính chất cá nhân như thế mà anh vẫn nhẫn nhịn không phản kháng nóng nảy sau đó cũng như chỉ trả lời 1 cách rất từ tốn với báo chí truyền thông. Có lẽ anh cũng hiểu, người an ninh ấy dẫu thế nào cũng vẫn là người Việt, dẫu thế nào cũng vẫn là con Lạc cháu Hồng, máu đỏ da vàng. Sự bỏ qua ấy không chỉ khiến con người anh, hình ảnh biểu tình chống Trung Quốc của anh rạng rỡ hơn mà nó còn đem lại 1 niềm xúc cảm nơi mọi con người chứng kiến. Có lẽ anh an ninh kia đã không làm theo mệnh lệnh cấp trên, có lẽ anh ta đã quá lố trút những bực dọc, tức tối của mình khi mà ngày Chủ Nhật thứ 8 liên tiếp không được nghỉ ngơi, hay có lẽ anh ta muốn hạ nhiệt cho những ấm ức của cấp trên nhằm mong muốn lập công hay gì đó mà thiếu kiềm chế và sáng suốt để tạo ra 1 hành động phi nghĩa đến thế. Nhưng anh Chí Đức đã không cay cú, đay nghiến và nói nhiều về nó, có lẽ anh chỉ xem đó là 1 cơn gió độc khẽ thổi qua. Thật tuyệt anh Chí Đức à, anh đã giúp mọi người thể hiện được sự trong sáng, nhiệt huyết và cả sự vị tha, bao dung trước những vấn đề căng thẳng. Dĩ nhiên, hình ảnh người an ninh và cú đạp ấy sẽ cần phải được công khai phổ biến như 1 bài học cảnh tỉnh cho chính anh ta và những người an ninh khác để không mất kiểm soát mà tái diễn, nhưng chúng ta không chấp nhất cá nhân, không trả thù sòng phẳng. Điều đó sẽ khiến cho việc làm của chúng ta ý nghĩa hơn và quan trọng nhất là sẽ góp phần tạo những cơ hội lớn cho niềm tin đã chết được hồi sinh. Không tốt hơn sao, khi mà ngày 24 số người gia nhập đoàn tuần hành yêu nước đông hơn hẳn và những sự trấn áp thì đã nhẹ nhàng đi, dĩ nhiên là mới chỉ ở Hà Nội mà thôi. Và mặc dù, hiện tượng “giao lưu thăm nhà hỏi cửa” đã dần dà phát triển giống đất Sài Thành, nhưng xem ra vẫn nhẹ nhàng hơn, và ai cũng đã chỉ xem đó như 1 vấn đề của nhiệm vụ và mệnh lệnh, dù nó có hơi bị… kì kì. Và có lẽ cũng có thể giải thích là “việc giao tiếp ấy” không ngoài mục đích để hiểu nhau hơn. Được vậy thì hay chú nhỉ, vì vốn dĩ chúng ta có ngại giao tiếp ngay thẳng, đường hoàng và tôn trọng nhau đâu.

Hình ảnh đẹp tiếp theo là tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ, 1 ông tiến sỹ hơi bướng và liều lĩnh. Tấm biểu ngữ gây tranh cãi mà ông đem theo tuần trước khá “nhạy cảm” và khả năng tạo thành cái cớ để tập đoàn bành trướng Bắc Kinh nắm lấy nhằm chi phối nhà nước Việt Nam trong vấn đề “định hướng dư luận” vì nội dung biểu ngữ đó can thiệp vào nội bộ Trung Quốc. Cho đến tối thứ 7 ngày 23, Ts Đỗ Xuân Thọ vẫn khẳng định sẽ đem theo tấm biểu ngữ trên và quyết định đó khiến nhiều người tỏ vẻ e dè. Ts Đỗ Xuân Thọ có thể không sai, nhưng điều đó ở cuộc biểu tình ôn hòa chống xâm lược của nhân dân Việt Nam là không hợp chỗ. Điều tốt đẹp đó là Ts Đỗ Xuân Thọ đã nghe lời khuyên của mọi người và sáng Chủ Nhật 24/07 ông đã sát cánh cùng tất cả một cách tươi vui, khỏe khoắn với tấm biểu ngữ kia đã được cất đi chỗ khác. Điều vui thứ nhất là vì tình hình chung, chúng ta đã biết lắng nghe nhau và chọn lựa làm những việc mang ý nghĩa chung. Điều vui thứ 2 là tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của mọi người đối với từng người. Những lời khuyên kịp thời đã giúp chúng ta có được một sáng Chủ Nhật thật đẹp và tươi sáng.

Và sự xuất hiện của những bậc học giả, trí thức chưa có mặt trong các lần tuần hành yêu nước trước cũng là 1 điểm nhấn đẹp đáng vui mừng. Rõ ràng, những cố gắng và nhiệt huyết của chúng ta ròng rã mấy tuần qua đã không lãng phí. Thêm 1 bô lão là thêm nhiều sức mạnh và sự tự tin cho những người trẻ còn chưa đủ vững vàng, kinh nghiệm. Không những thế, những tiếng nói cất lên từ những bậc bô lão này còn là những sự động viên sâu sắc và có sức mạnh lay tỉnh những ai còn đang sợ hãi hay quá mơ hồ không tin tưởng vào lòng yêu nước. Xin cho cháu được cảm ơn Gs Lâm Quang Thiệp, những lời phát biểu của Gs, chắc chắn sẽ tác động và thổi được lòng tin vào rất nhiều những người thế hệ thanh niên.

Trong khi đó, Sài Gòn sau nhiều tuần ảm đạm và sau ngày Chủ Nhật kinh hoàng 17/07/2011 thì đã trở nên tê liệt. Mọi người hầu hết phải tự nhốt lòng yêu nước của mình trong những ánh mắt dè dặt và trĩu nặng khi hầu hết những người có khả năng khởi xướng đều đã không thể đến. Nhưng vào sáng hôm nay 27/07, Sài Gòn đã thực hiện được một hoạt động khác, không phải biểu tình, tuần hành nhưng cũng rất sục sôi yêu nước. Đó là buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì tổ quốc, đặc biệt là các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì bảo vệ biển đảo quê hương với sự tham dự của những bậc trưởng bối gạo cội đất Sài Thành. Thật tiếc là vì nhận được thông tin quá muộn từ blog chú, nên cháu đã không thể sắp xếp đến tham dự được. Nhưng tấm lòng này, cũng xin các vị tiền nhân chứng giám, thông hiểu và bỏ quá cho. Và tại buổi lễ tưởng niệm, những quyết tâm tiếp nhận trọng trách của người quá cố, của cha ông đã được thể hiện vững vàng, đồng loạt qua những biểu ngữ khẳng định chủ quyền biển đảo, phản đối Trung Quốc xâm lược… Non nước này vẫn còn tươi đẹp.

Cũng về việc tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì biển đảo quê nhà, hình ảnh xúc động, ấm lòng và hân hoan nhất trong ngày Chủ Nhật vừa qua chính là việc tưởng nhớ đến những người đã hi sinh, không phân biệt quan điểm, địa vị, chế độ chính trị mà tất cả chỉ vì mục đích gìn giữ quê hương. Lần đầu tiên trong 36 năm thống nhất, một hình ảnh thực tiễn về hòa hợp, hòa giải được biểu hiện một cách công khai, hào hứng và đầy ý nghĩa. Lần đầu tiên những nghị quyết hòa giải hòa hợp vượt ra khỏi phạm vi lý thuyết và được biểu hiện một cách quảng đại đầy trực quan sinh động. Đó, đó sẽ là điều khiến bá quyền Bắc Kinh run sợ, đó sẽ là điều khiến bàn tay lông lá của tên láng giềng nham hiểm phải biết kiêng dè. Việt Nam là như thế. Chỉ có một Việt Nam đoàn kết chung tay chống lại kẻ thù xâm lược truyền kiếp ngàn đời. Ai đó có thể sẽ bảo rằng đó là một nước cờ thâm ý, ai đó sẽ vin vào đó để bảo rằng đó là hành động “có vấn đề”, nhưng không, nó quá đẹp đủ để gạt phăng mọi thứ luận điệu xuyên tạc tầm thường, gạt phăng mọi nỗi sợ hãi vô danh huyễn hoặc.

Chúng ta đã làm được, và không những làm được, chúng ta đã dám nói, những tiếng nói trung thực, giản dị và mạnh mẽ, những tiếng nói xác quyết lòng yêu nước tuôn trào trong huyết quản. Bá quyền Trung Quốc hãy nhìn đây, các người đã chưa bao giờ thắng và cũng sẽ không bao giờ thắng. Vì đất nước này mang tên gọi Việt Nam.

Và chúng ta đã không chỉ làm 1 việc. Không chỉ có biểu tình, chúng ta còn đã cùng nhau làm được nhiều điều cần thiết khác. Các bậc giáo sư, tiến sĩ vẫn ngày đêm nghiên cứu về những vấn đề cấp bách của quốc gia như điện hạt nhân, tàu cao tốc, chủ quyền biển đảo và luật biển quốc tế UNCLOS hay tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh, hay mọi người vẫn cùng nhau phát hiện và lên tiếng về việc thay thế các tấm bia ở đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết ở thành phố Vinh, Nghệ An  cũng vậy...

Những hành động ấy, chính là sự đóng góp thực tiễn và hiệu quả nhất để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, 1 xã hội mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong đã khẳng định sẽ tiến đến: một xã hội dân chủ có thực chất. Còn nhớ sau khi đắc cử chức vụ tân Tổng bí thư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã liên tục có những tuyên bố và hành động thể hiện quyết tâm mở rộng và phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân như phát biểu nêu trên hay như việc kêu gọi cử tri giám sát trực tiếp việc bầu cử chính quyền các cấp. Vậy hẳn khi mà xã hội đang diễn biến tốt đẹp như thế này đây, chắc chắn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong sẽ là người vui mừng nhất. Vì nhân dân đã cho ông niềm tin và sức mạnh đồng thời cùng ông thực hiện những lời ông đã nói.

Chúng ta đã làm được, vậy chắc chắn là chúng ta sẽ sẽ làm được thêm nhiều điều thực tiễn quan trọng khác, chẳng hạn như giúp đỡ cũng như chung tay với tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để diệt trừ những con sâu hay cả 1 bầy sâu mà ông đã bày tỏ nguyện vọng khi lấy tín nhiệm cử tri quận 1. Rồi đất nước chúng ta sẽ tươi đẹp và sáng sủa hơn.

Chúng ta đã làm được những điều nhỏ, chúng ta đang làm được nhiều điều nhỏ. Thì Việt Nam ơi! Chúng ta sẽ làm được!

Một ngày nào đó, khi cả ở nơi hải ngoại, người ta đi biểu tình chống quân Tàu cũng lại cầm những biểu ngữ ghi tên mọi chiến sỹ đã hi sinh, từ Hoàng Sa đến đảo Sinh Tồn, từ  đảo Nam Yết đến bãi Gạc Ma và không ai còn kỳ thị nhau, đó sẽ là điều hạnh phúc to lớn nhất mà góp phần không nhỏ vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trước chủ nghĩa bá quyền và mọi mưu đồ xâm lược.

Việt Nam ơi! Chúng ta sẽ làm được!

Mấy lời về thư trước,

Trong lá thư thứ 2 gửi chú Nguyễn Xuân Diện, cháu đã nhầm lẫn 1 chi tiết, đó là những ngư dân Phú Yên bị Brunei bắt giữ chứ không phải là Trung Quốc. Cháu xin chân thành cảm ơn bác Đông A đã vạch ra điểm sơ suất thiếu hiểu biết này. Và cháu xin ghi nhận cũng như chân thành cảm ơn lời dạy của bác “Tuổi trẻ mà thiếu kiến thức đấy mới thực sự là một nỗi tủi nhục lớn lao”. Đúng vậy, tuổi trẻ chúng cháu hiểu rằng tổ quốc này là của thế hệ trẻ, luôn luôn vậy. Chính vì thế, những chủ nhân tương lai của đất nước (dù là sẽ đảm nhận nhiệm vụ gì, hay chỉ đơn thuần sống nghiêm chỉnh vai trò một công dân tự do đích thực) mà thiếu kiến thức, nóng vội, nhận định sai lầm sẽ là điều vô cùng nguy hiểm có thể để lại di họa về sau cho dân tộc mà không một cá nhân nào có đủ khả năng gánh vác trách nhiệm và khắc phục hậu quả. Nếu như sự hèn nhát là một mối nguy hại khôn cùng cho đất nước, thì hồ đồ cũng là 1 hiểm họa to lớn với 1 quốc gia. Xin cảm ơn bác thật nhiều. Và cũng cảm ơn bác khi đã chỉ dạy nghiêm túc cho cháu điều đó cũng như đã tin tưởng rằng những lời thư đó là tâm huyết của 1 người trẻ đối với quê hương chứ không phải như 1 người nào đó đã comment phía dưới bài viết của bác, rằng rất có thể bức thư của cháu là “1 tác phẩm” do “vài bậc nhân xĩ trĩ thức” (trong ngoặc kép là nguyên văn người này viết) chế ra. Không biết có phải người ấy có nhiệm vụ nói thế hay không, nhưng dĩ nhiên anh ta có quyền nghĩ thế với 1 bức thư không ghi rõ tên tác giả (dù thư trước có hình ảnh để khẳng định cháu là ai), và cũng dĩ nhiên suy nghĩ ấy không có lợi gì cho việc tìm lại một niềm tin đã mất mà cháu đề cập đến trong bức thư vừa rồi. Thôi thì xem như 1 cơn gió thoảng.

Cháu cũng xin lỗi chú Nguyễn Xuân Diện, chỉ vì cháu giấu tên mà khiến chú bị người khác nghi ngờ là làm điều không minh bạch. Nhưng cháu tin, chú không câu nệ điều đó và sẽ bỏ qua cho cháu, phải không. Mình chỉ sợ dối chính lòng mình, chứ há phải lo người không biết chú nhỉ.

Và cháu cũng xin lỗi tất cả mọi người đã đọc lá thư đó của cháu, đã tiếp nhận thông tin sai lệch về vụ ngư dân Phú Yên nêu trên. Xin cho phép cháu được dùng góc thư này để đính chính lại sai sót đó. Cháu rất hiểu rằng truyền thông là 1 sức mạnh ghê gớm, chính vì vậy một suy nghĩ sai hay 1 nhận định thiếu chính xác mà được lan tỏa qua các phương tiện truyền thông thì cũng nguy hại lắm. Như một mũi tên đã bắn đi rồi khó mà thu hồi được, có cải biên, đính chính thì cũng khó lòng đảm bảo khắc phục hết được những tin thất thiệt đã lan truyền. Cho nên, giữ sự thẳng thắn, minh bạch và chính xác cho các thông tin được lan truyền là 1 nhiệm vụ bắt buộc vô cùng quan trọng vậy. Xin mọi người lượng thứ.

Cháu nhờ chú Nguyễn Xuân Diện nhắn giúp tới các bạn Hà Nội rằng: ngoài đó trong này 2 cảnh khác nhau, Sài Gòn có những đặc điểm riêng biệt của Sài Gòn nên những tuần qua chúng ta đã không thể sải bước cùng nhau, nhưng chắc chắn 1 điều khi mỗi bước chân của các bạn bước xuống lòng đường, khi mỗi tiếng hô của các bạn vang lên thì từng nhịp tim của trong này cũng rộn ràng hòa chung vậy. Lúc nào cũng thế. Đã. Đang. Và luôn sẽ. Chúc tất cả các bạn những điều tốt đẹp nhất, cho mỗi người và cho tất cả chúng ta.

Việt Nam ơi! Chúng ta sẽ làm được!
Cuối thư, cháu xin kính chúc chú Diện và mọi người sức khỏe, nhiệt huyết và niềm tin. Chúc cho tất cả các bác, các chú ai cũng sẽ lại có mặt cùng nhau như ý nguyện ở những buổi Chủ Nhật tiếp theo chứ không ai phải ở một mình không mong muốn.

Sài Gòn, 01:43 AM ngày 28 tháng 07, 2011
Cháu
Một người Việt Nam


Đọc tiếp...

THỦ TƯỚNG CHÍNH THỨC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG THỦ ĐÔ

Chính thức phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô:
Ba Vì không trở thành trung tâm hành chính quốc gia

TP - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh.
Người dân xem triển lãm quy hoạch Hà Nội mở rộng năm 2010 Ảnh: Hồng Vĩnh
Người dân xem triển lãm quy hoạch Hà Nội mở rộng năm 2010.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
Trung tâm hành chính quốc gia vẫn ở Ba Đình 

Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính Hà Nội rộng khoảng 3.344,6 km2, với dự báo quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 7,3- 7,9 triệu người. 

Theo đó, khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía tây, nam đến đường vành đai 4 và về phía bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Đây là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của TP Hà Nội và cả nước.

Trong đô thị trung tâm có khu vực nội đô gồm khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía nam sông Hồng đến đường vành đai 2) là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội và khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ) là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại. 

Về quy hoạch hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng, các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ được đặt tại khu vực Ba Đình. Căn cứ vào quy hoạch được duyệt trong thời gian tới sẽ rà soát và di dời trụ sở làm việc của một số cơ quan T.Ư ra ngoài nội đô đến khu vực Mễ Trì và tây Hồ Tây.

Ưu tiên vị trí tại khu vực tây Hồ Tây để bố trí thêm trụ sở các cơ quan T.Ư làm việc, tạo điều kiện liên hệ thuận lợi với trụ sở của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ. Trụ sở cơ quan Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP bố trí tại khu vực xung quanh Hồ Gươm. 

Trên cơ sở di chuyển trụ sở một số cơ quan bộ-ngành, bố trí trụ sở các sở, ngành của thành phố tại các vị trí phù hợp để liên hệ thuận lợi với trụ sở của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP. Như vậy, bản quy hoạch không đề cập việc quy hoạch các cơ quan hành chính quốc gia tại Ba Vì.

Ảnh: Ashui
Phát triển 5 đô thị vệ tinh 

Bản quy hoạch nêu rõ Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị. Trong đó có 5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị này có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ... 

Cụ thể, đô thị vệ tinh Hòa Lạc, có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo; Đô thị vệ tinh Sơn Tây, là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng. Trọng tâm là khu bảo tồn Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế và các đô thị mới;

Đô thị vệ tinh Xuân Mai, là đô thị dịch vụ- công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo...; 

Đô thị vệ tinh Phú Xuyên, là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây (cũ) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía nam sông Hồng...; Đô thị vệ tinh Sóc Sơn, phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch... 

Bên cạnh các đô thị vệ tinh, xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện hữu như Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới. 

Về giao thông, Hà Nội sẽ xây dựng và hoàn chỉnh các trục giao thông hướng tâm và vành đai như trục Hồ Tây- Ba Vì, Tây Thăng Long, Nhật Tân - Nội Bài, Đỗ Xá - Quan Sơn... Đặc biệt, sẽ tăng cường phát triển hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng như xe buýt nhanh (BRT), đường sắt đô thị; xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào. 

Bên cạnh đó, xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc hướng tâm, bao gồm 7 tuyến: Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Hòa Bình, Cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa... Đồng thời, xây mới 8 cầu và hầm qua sông Hồng, 3 cầu qua sông Đuống, 2 cầu qua sông Đà. 

Theo quy hoạch đến năm 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30 m2 sàn sử dụng/người và nhà ở nông thôn tối thiểu là 25 m2 sàn sử dụng/người. Khu vực nội đô, cải thiện điều kiện sống trong các khu ở, khu chung cư cũ, kiểm soát về mật độ xây dựng và tầng cao, bổ sung thêm các chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. Kiểm soát quy hoạch và kiến trúc đối với nhà ở dân tự xây.

Nguyễn Tú
Đọc tiếp...

NHÂN NGÀY GIỖ THỨ 24 CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN

 VÀI KỶ NIỆM NHỎ VỚI NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN

Nhân ngày giỗ lần thứ 24  của nhà văn Nguyễn Tuân (28/7/1987 - 28/7/2011)  

      Phan Hồng Giang

Văn chương và... gà mái
       Đó là vào năm 1966. Dạo ấy tôi làm biên tập viên Tổ Lý luận - phê bình Tạp chí Văn học (Viện Văn học) do ông Nam Mộc phụ trách. Thời kỳ này, trong bối cảnh chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt ở miền Nam Việt Nam, không lực Hoa Kỳ liên tục ném bom, bắn phá miền Bắc, tòa soạn Tạp chí quyết định mở cuộc trao đổi rộng rãi về thể loại bút ký - phóng sự nhằm góp phần cổ súy các nhà văn tích cực sử dụng thể loại này để có thể kịp thời phản ánh hiện thực sôi động trên đất nước ta.
    Tôi được phân công tới gặp bác Nguyễn Tuân, một bậc thầy của thể loại bút ký, để đặt bài. Bác vui vẻ nhận lời viết về những suy nghĩ nghề nghiệp của mình và hẹn lúc nào xong sẽ báo cho tôi đến lấy.
     Hơn 3 tuần trôi qua, ông Nam Mộc bảo tôi đến gặp bác để giục bài vì đó được coi là "bài đinh" của số chuyên đề về thể ký. Tôi  đường đột đến nhà bác, vì thời đó đâu có điện thoại để xin phép trước.
      - Có việc gì thế, anh bạn ? - Bác vừa hất hàm hỏi, đôi mắt nheo nheo như cười.
      - Thưa bác, cháu đến để hỏi xem bài báo bác nhận viết hôm nọ đã xong chưa ạ.
       - Cái anh này rõ hay thật! Chuyện văn chương mà lại cứ giục, chả ra làm sao cả!
       - Dạ thưa bác, anh Nam Mộc nói rằng bài của bác sẽ là bài được chờ đợi nhất trong số Tạp chí đặc biệt về thể loại bút ký đấy ạ.
       - Thế thì vinh dự cho tôi quá, nhưng tôi nói cho anh biết rằng trong văn chương điều tối kỵ là ép viết, người khác ép hay tự mình ép cũng thế cả...  Chuyện văn chương cũng như  chuyện... gà mái đẻ trứng ấy, con gà nó có trứng trong bụng, nó đau đẻ, nó nhẩy ổ rồi cục ta cục tác mới ra trứng chứ! Tôi chưa đau đẻ, sao lại cứ dục tôi viết? Thôi thế nhé, anh bạn cứ về đi và nói lại với ông Nam Mộc đúng như vậy nhé.
       Tôi thất vọng ra về. Cuối cùng thì bác Tuân cũng không viết cái bài suy nghĩ về thể ký, nhưng thay vào đó, bác đã cho độc giả được đọc những bài bút ký tuyệt vời như tập Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi.
      Sau này, không ít lần tôi cũng lâm vào tình cảnh nhận lời viết rồi cũng lỡ hẹn và bị ... giục. Tôi lại lấy lời nói của bác Tuân để tự biện minh và có vẻ như lần nào cũng dễ được thông cảm.
      Với tuổi nghề càng dầy thêm, dần dần tôi cũng vỡ ra một chân lý giản đơn có thể cứu văn chương thoát khỏi thảm- họa- nhạt- nhòa, -  một chân lý giản đơn mà cao diệu ẩn chứa sau ví von đầy tính khôi hài của bác Tuân: Nếu có thể không viếtthì đừng viết! Chỉ viết khi nào không thể không viết !                                                         
*
      Cái gì quý nhất trên đời?                                                          
      Năm 1969 tôi chuyển công tác về Hội Nhà văn Việt Nam, làm ở bộ phận Tạp chí Tác phẩm mới, dưới trướng các bậc đại danh sĩ như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tô Hoài.
      Cơ quan Hội không mấy khi nghiêm ngặt về giờ giấc. Nhưng tôi thì vẫn đến cơ quan từ sáng sớm vì ngày nào cũng phải đưa con đi nhà trẻ ở phố Quang Trung, cách trụ sở Hội không xa. Nhà bác Tuân ở gần Hội, từ ngõ phố Trần Hưng Đạo đi bộ dăm mười phút qua Yết Kiêu là đến 65 Nguyễn Du, nên thỉnh thoảng bác vẫn đến Hội chơi. Sáng nào các chị Văn phòng cũng để sẵn ấm trà và phích nước nóng ở phòng khách. Một vài lần bên ấm trà sáng tình cờ chỉ có bác Tuân và tôi. Dù tuổi tác chênh lệch, bác vẫn đối xử rất thân tình, vui vẻ "bật mí" nhiều chuyện khá riêng tư...  
   - Giang biết không, đối với tôi cái gì là quý nhất? Cái quý nhất với tôi là thì giờ - thì giờ chính là cuộc đời mình đó, chia sẻ thì giờ cho ai đó chính là chia sẻ cuộc đời mình cho họ mà không bao giờ lấy lại được. Có đúng thế không? Cho nên tôi chúa ghét mất thì giờ tiếp chuyện những anh cha vơ chú váo... Với những anh chàng như vậy, tôi không ngại mang tiếng "bất lịch sự"... Một lần, đâu vào năm 1958 gì đó, có một ông sĩ quan cao cấp được cấp trên phái về Hội Văn nghệ. Thời gian đầu ông này quyết định tỏ thiện ý, "vi hành" tới  thăm nhà một số văn nghệ sĩ cho có vẻ gần gũi . Có tôi trong số đó. Tôi thì đã biết mặt ông, còn ông, vì là dân "võ biền" ngoại đạo, nên lại chưa biết mặt tôi.
     Ông đến ngõ nhà tôi và cất tiếng gọi với lên tầng trên: "Anh Tuân ơi, anh Tuân ơi!". Tôi thò đầu ra ngoài và điềm nhiên đáp: "Ông Tuân không có nhà!". Một thoáng ngờ vực hiện ra trên nét mặt vị khách không mời. Nhưng rồi  lát sau,ông ấy cũng bỏ đi...  
     - Trước Giang làm ở Viện Văn học, chắc biết cậu V. chứ ? Anh này người miền Trung, trông cũng khá điển trai phải không. Anh ta học ở Liên Xô về, có vẻ thích con G. nhà tôi... Một hôm, không hẹn trước, anh ta tìm đến nhà tôi. Tôi ra mở cửa và mời anh ta vào phòng khách ngồi. Theo phép lịch sự, tôi pha nước mời anh ta. Được thể, anh ta sốt sắng, thao thao bất tuyệt nói với tôi về tầm vóc vĩ đại của văn nghiệp Maxim Gorki ... Tôi bèn ngắt lời anh ta và nói: "Nếu anh đến để gặp con G. nhà tôi thì G. đi vắng, còn đến để thuyết giảng về Gorki thì, xin lỗi anh, tôi đang bận!". Anh ta chưng hửng, vội vàng đứng dậy cáo lỗi và ra về...  
*
       Có cần trau chuốt văn chương ?
       Thời bao cấp, việc được xem những phim nổi tiếng nước ngoài nhưng không trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chính trị (?) là một may mắn hiếm hoi. Một lần, một Bộ khá oai phong được phép chiếu nghiên cứu (?) cho cán bộ của mình (và cả người nhà của họ!) cuốn phim do Liên Xô sản xuất dựa theo tiểu thuyết bất hủ của đại văn hào F. Đôxtôepxki Tội ác và sự trừngphạt. Không hiểu vì lý do gì mà tôi cũng kiếm được giấy mời tới dự buổi chiếu phim đó tại một kiểu "nhà hát nhân dân" (nghĩa là không có mái che!) ở bên cạnh tượng Vua Lê bên bờ Hồ Hoàn Kiếm.  Khi đã ổn định chỗ ngồi, tôi ngạc nhiên nhận ra bác Tuân ngồi hàng phía trên, tôi cất tiếng chào bác và bác gật đầu chào lại. Cuốn phim thật hay và theo khá sát nội dung tiểu thuyết. Phim đến đoạn cao trào xúc động nhất, khi nhân vật chính Raxcônnicôp quỳ xuống trước cô gái điếm Xônhia, hôn tay nàng và run rẩy  nói :
      - Tôi quỳ trước em như quỳ trước nỗi thống khổ của loài người !... thì bất ngờ tiếng cười rộ lên (!) từ rất đông các khán giả đang "nghiên cứu" phim !... Bác Tuân quay lại nhìn tôi, lắc đầu ngao ngán.
       Sáng hôm sau, gặp tôi ở bàn trà cơ quan, bác nói ngay, giọng đầy bức xúc :
      - Đêm qua, xem xong phim về, tôi khó ngủ quá. Sao lại có thể hành xử ngu xuẩn đến thế với cụ Đốt?! Thật là một thứđần độn được nâng lên tầm chủ nghĩa - một thứ idiotism! Tôi cứ phân vân tự hỏi mình, bấy lâu nay mình cứ  lao tâm khổ tứ trau chuốt từng câu, từng chữ trên từng trang viết của mình, thế rồi cái đám đông ấy đâu có biết phân biệt hay dở, có khi họ lại còn cười vào mũi những gì mình rưng rưng xúc động viết ra, như trong buổi chiếu phim tối qua. Anh đầu bếp loay hoay, cặm cụi nấu món ngon thế rồi thực khách đâu cần ngon, chỉ cần ăn cho no, cho chắc bụng! Thế thì có cần nhọc lòng mất sức trau chuốt văn chương không nhỉ? - Nói xong, không chờ tôi phản hồi, bác Tuân đứng dậy bỏ đi như để dấu sự bực bội đang  dâng trào...
       Nhưng rồi, như chúng ta thấy đấy, Nguyễn Tuân vẫn tiếp tục làm anh "phu chữ" lặc lè kéo "cỗ xe văn chương" ngược lên đỉnh dốc; vẫn tiếp tục nhọc lòng mất sức sửa sang, cắt tỉa chi ly từng câu, từng chữ trong vườn văn của mình. Bởi với ông, viết văn bao giờ trước tiên cũng là để vừa ý chính mình - vừa ý người độc giả-vị "thực khách"  lúc nào cũng vô cùng khó tính.
* 
       Viết văn cần để lại  chữ                        
       Hôm ấy là ngày thứ năm, mùng 9 tháng 7 năm 1987. Một ngày nắng oi ả. Trời đã về trưa. Tôi đang đứng trong sân cơ quan Nhà xuất bản Văn học (ở 49 Trần Hưng Đạo) thì  loáng thoáng thấy bác Tuân trong bộ đồ “âm lịch” sẫm màu quen thuộc. Tôi vội bước lại gần chào bác.
       - May quá, gặp bác ở đây. Cháu đang định tới nhà bác để đưa tiền tạm ứng cuốn Vang bóng một thời…
       - Cám ơn, cám ơn… trước là chuyện in sách, sau là chuyện tiền.
       - Hôm nọ bác đã cầm năm trăm, năm trăm này anh bạn cháu gửi là nhờ đưa cho bác.
        - Merci, merci… Anh em đi đâu cả mà cơ quan vắng như chùa Bà Đanh thế này?
        - Anh em đi nghỉ mát bác ạ… đi Cát Bà, cái nơi mà bác đã viết bài bút ký Huyện đảo ấy…
Gương mặt bác bỗng chan hòa một nụ cười thật trẻ như chợt nghe ai nhắc đến tên một người con của mình ở xa. Bác hạ giọng như thì thầm một điều hệ trọng:
- Này Giang này, cậu thấy làm cái anh nhà văn mà để lại được một chữ cho người đời nhớ kể cũng thú đấy chứ! Có lần mình gặp cái đầu đề Huyện đảo Phú Quốc trên báo hàng ngày đấy. - Ngừng một lát, bác cười nói tiếp: - Có ối anh nhà văn viết hàng chồng sách mà chẳng ai nhớ được một chữ nào… hà, hà, hà…
Biết bác đang vui, tôi bắt chuyện tiếp:
- Bác còn có cái chữ phở bản vị nữa, người ta cũng hay dùng lắm…
- Đúng đấy, đúng đấy… Cái khoản năm trăm này là năm đơn vị phở mình tự mừng cho mình ngày mai lên cái lão bảy mươi bảy tuổi… Này, nghĩ mà giật mình: năm trăm này bằng đúng một đồng bạc ngân  hàng cái thời mình viết tùy bút phở.
- Bác viết từ Henxanhki hơn ba mươi năm rồi còn gì…
- Ờ, ờ… dạo ấy mình đi họp Đại hội hòa bình thế giới… Ở xa quê  hương nhớ cái gì? … nhớ cái mùi vị không nơi nào trên trái đất này có  - mùi vị phở - rồi viết ra, rồi được chụp cho cái mũ là “tủn mủn, đời thường”…
- Bác dự báo cái hướng sa sút của chất lượng phở là một vấn đề xã hội đấy chứ!
- Ờ, ờ… sau cái đận ấy, thôi thì đủ thứ phở cua, phở hến, phở đậu phụ, phở không người lái, bao nhiêu thứ phở quái dị ra đời… chỉ cái anh phở bò chín chính hiệu là thành hiếm hoi… hiếm hoi y như mọi thứ văn chương đích thực trên đời…
Bác cảm ơn lần nữa, lặng lẽ gật đầu chào, rồi lẫm lũi chống chiếc can bước đi như thể theo đuổi tiếp cái dòng ý nghĩ chẳng lấy gì làm thú vị vừa chợt đến trong đầu...
 Tôi không thể ngờ rằng đó là lần cuối cùng tôi dược hầu chuyện bác, bởi chỉ ít ngày sau - ngày 28 - 7, bác đã thành người thiên cổ...
                                                     *
Nguyễn Tuân đã rời xa chúng ta tròn 24 năm nay.Ông đã  đi qua cuộc đời này, đi qua nền văn học nước nhà mà đâu chỉ có để lại một vài chữ độc đáo, rất… Nguyễn!
Nguyễn Tuân đi qua nền văn học của chúng ta với dáng điệu ung dung khoan thai, tự tại của một con người đã đạt tới cái độ “tri thiên mệnh” từ tuổi ba mươi; với đôi mắt nheo nheo dường như lúc nào cũng cười - cười giễu cái xấu xa, hợm hĩnh (bởi cái xấu bao giờ cũng kệch cỡm!), cười độ lượng cái chưa hoàn thiện của con người, với khí phách ngang tàng, những cơn thịnh nộ khi lẽ công bằng - công bằng trong mối giao tiếp giữa con người và con người, công bằng trong nghệ thuật - bị chà đạp, rẻ rúng, bán rao.
Ông đã đi qua và để lại những trang sách thấm đượm một tình yêu nghiêm  khắc với cái đẹp bình dị của con người - cuộc sống - quê hương. Với Nguyễn Tuân, văn học đã làm được cái điều kỳ diệu là nối liền giá trị tinh thần của các thế hệ kế tiếp.
Bởi một lẽ giản dị trước khi là nhà văn, ông đã là một con người với nhân cách lớn./.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 27-7-11

Đọc tiếp...

CAFE CHỦ NHẬT 31.07.2011


Thưa chư vị,

Một số nhân sĩ trí thức Hà Nội có ý kiến như sau: Cuộc biểu tình yêu nước và tưởng niệm các liệt sĩ đã bỏ mình vì Tổ Quốc diễn ra sáng Chủ nhật (24.07.2011) tại Khu vực Hồ Gươm đã thành công. 

Để mọi người (trong đó có các lực lượng an ninh) cùng được nghỉ ngơi, thư giãn, Chủ nhật tuần này (31.07.2011), các nhân sĩ trí thức không tham gia biểu tình (trừ trường hợp Trung Quốc tiếp tục gây hấn). 

Nhưng, anh chị em xa nhau một tuần chắc có nhiều nhung nhớ, nên cũng mong gặp mặt nhau trong ngày cuối tuần:

Thời gian: 16h00 - 18h00, ngày Chủ nhật (31.07.2011)
Địa điểm: Cafe 36b Điện Biên Phủ, Hà Nội
(vì đi cafe nên khi đến không mang theo biểu ngữ, cờ, loa.... Anh chị em có thể mời lại những người đã từng "mời" anh chị em dùng cafe, bia bọt, trà... trong những tuần qua đến cùng dự).
_________________________

Đọc tiếp...

THƯ THỨ 2 GỬI ÔNG NGUYỄN ĐỨC NHANH, GĐ CÔNG AN TP HÀ NỘI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——*——
Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2011


Kính gửi: Ông Nguyễn  Đức Nhanh
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội

1.Chúng tôi những người tham gia và ủng hộ các cuộc biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn tại biển Đông ghi nhận và hoan nghênh Công an thành phố Hà Nội (CATPHN) đã không sử dụng vũ lực đối với người tham gia biểu tình yêu nước trong buổi sáng Chủ nhật 24/7/2011 vừa qua.

2.Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn không tán thành việc một số nhân viên an ninh đã ngấm ngầm hoặc công khai gây phiền nhiễu sinh hoạt bình thường của một số công dân nhằm ngăn cản họ thực hiện quyền biểu tình được Hiến pháp quy định.

3. Chúng tôi cũng muốn nhắc lại sự việc đáng tiếc xảy ra trong hai cuộc biểu tình tự phát gần đây đã bị CATPHN trấn áp, đặc biệt là cuộc biểu tình diễn ra sáng ngày 17/07/2011. Chúng tôi tiếp tục đề nghị ông Giám đốc CATPHN trả lời trước công luận về mấy nội dung sau:

a. Căn cứ theo quy định nào của Pháp luật, CATPHN đã bắt giữ người mà không có lệnh hợp pháp trong cuộc biểu tình ngày 17/07/2011 (ít nhất 46 người).

b. Bức ảnh bốn Công an “khiêng” một công dân trong cuộc biểu tình trên đã được nhiều hãng thông tấn Quốc tế truyền tin khắp thế giới. Công dân này bị “khiêng” đến một chiếc xe buýt và một nhân viên an ninh mặc thường phục trên xe buýt đã dùng chân đạp vào mặt, miệng công dân đó nhiều lần. Video Clip về cảnh này cũng được truyền khắp trên Internet.

Hiện nay, quần chúng nhân dân đã xác định được danh tính của nhân viên an ninh trong video clip nói trên là Minh, đội phó đội an ninh, công an quận Hoàn Kiếm.

Chúng tôi đề nghị Ông chỉ đạo xác minh thông tin trên, nếu đúng thì phải xử lý theo quy định của pháp luật, nếu sai thì công bố để không ảnh hưởng đến uy tín của CA TPHN. Nếu việc xác định của nhân dân là đúng thì anh Minh có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”(quy định tại điều 281 Bộ luật Hình sự). Hành vi của anh Minh thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này, cụ thể: anh Minh, 1) Là người có chức vụ, quyền hạn; 2) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng vũ lực trái công vụ, gây thiệt hại về thể chất và nhân phẩm cho nạn nhân, gây phẫn nộ trong nhân dân; 3) Phạm tội với lỗi cố ý, với động cơ coi thường pháp luật, coi thường nhân dân, chà đạp, cản trở việc thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Minh phạm tội với hai tình tiết tăng nặng quy định tại điểm d và điểm h khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự: Phạm tội có tính chất côn đồ và phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được.

Tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” không phải là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, cơ quan điều tra phải chủ động khởi tố vụ án, không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại. Sự tha thứ cao thượng của người bị hại (nếu có) đối với người phạm tội chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ không phải là lý do để cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự.

Nếu Ông không giải quyết sớm văn thư này, chúng tôi sẽ buộc phải sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để yêu cầu cấp cao hơn sẽ xử lý cá nhân anh Minh và những vị lãnh đạo khác có liên quan của Công an Quận Hoàn Kiếm và CA TPHN.

Kính chào Ông!

Những công dân Việt Nam tham gia và ủng hộ các cuộc biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn tại biển Đông tại Hà Nội ký tên:
Nguyễn Huệ Chi
Phạm Duy Hiển
Nguyễn Nguyên Bình
Chu Hảo
Trần Nhương
Phạm Xuân Nguyên
Nguyễn Thị Hồng Ngát
Trần Kỳ Trung
Nguyễn Xuân Diện
Lê Dũng
Nguyễn Tiến Nam
Hoàng Cường
Đặng Bích Phượng
 

Nguồn: Ba Sàm.
Đọc tiếp...