Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

THÔNG BÁO CUỘC THI VẼ TRANH "BIỂN ĐẢO TỔ QUỐC TA"


THÔNG BÁO

CUỘC THI VẼ TRANH THIẾU NHI VỚI CHỦ ĐỀ
“BIỂN ĐẢO TỔ QUỐC TA”
      
Hưởng ứng chương trình “Hành trình vì biển đảo quê hương năm 2011” do TW Đoàn phát động và để khuyến khích tài năng nghệ thuật của các em, Cung Thiếu nhi Hà  Nội tổ chức phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “ Biển đảo Tổ quốc ta” cho tất cả các em thiếu nhi từ 5 đến 15 tuổi trong cả nước.
     I/ THỂ LỆ CUỘC THI:
      1. Nội dung thi
   Các em vẽ về biển đảo Việt Nam, ca ngợi sự giàu đẹp của biển, đảo Việt Nam, vẽ về cuộc sống lao động, sản xuất của con người trên biển, đảo Việt Nam, về cuộc sống xây dựng và bảo vệ biển, đảo của bộ đội hải quân và nhân dân ta. Làm gì để góp phần gìn giữ biển, đảo Tổ quốc ta…
2.Hình thức thể hiện:
-   Tranh vẽ trên giấy khổ A3(30 x 42cm), không đóng khung, không gấp gãy.
Chất liệu vẽ tự chọn : màu bột, màu nước, màu sáp, in khắc, cắt xe dán giấy hoặc các chất liệu khác…
-   Mặt sau tranh cần ghi đầy đủ:
    + Họ tên………………………..Tuổi………… Giới tính………
    + Địa chỉ nhà riêng……………………………..Điện thoại……..
    + Đơn vị học tập(Trường, lớp hoặc phân đội)………….
    + Tên tranh……………………………………………...
-   Tranh dự thi sẽ không được gửi trả lại.
-   Các bức tranh đạt giải sẽ thuộc quyền khai thác, truyền thông của ban tổ chức.
-   Các tác giả đạt giả sẽ được thông báo qua đường bưu điện hoặc điện thoại.
II/ CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG:
                -  10 xuất sắc                                          - 20 giải A
                -  30 giải B                                             - 40 giải C
                - 05 giải tập thể cho những đơn vị có nhiều cá nhân đạt giải cao
III/ THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC
Thời gian nhận tranh: nộp tranh từ ngày 20/9/2011 đến 10/10/2011(tính theo dấu bưu điện)
-   Địa điểm nhận tranh: VP Khoa Mỹ thuật, Cung Thiếu nhi Hà Nội, 36 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-   Tổng kết, trao giải thưởng và khai mạc triển lãm tranh đạt giải vào đầu tháng 11/2011 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Để cuộc thi được thành công tốt đẹp, kính mong các đơn vị, các thầy cô giáo cùng các em quan tâm, hưởng ứng và triển khai tốt cuộc thi .
                                                                                              BAN TỔ CHỨC


Thông tin chi tiết xin liên hệ:
- ĐT: 0904177802 hoặc 0438255093
- Các cá nhân và tập thể có thể theo dõi kết quả cuộc thi
trên Website:cungthieunhi.org.vn hoặc:thieunhihn.blogspot.com          
      _____________________________________________________________________                                      
Một số tác phẩm đoạt giải cuộc thi vẽ tranh với chủ đề "An ninh thực phẩm thủy sản thích ứng với sự biến đổi của môi trường".
 








Đọc tiếp...

MỌI NGƯỜI HÃY ĐẾN NGAY 175 NGUYỄN THÁI HỌC (HN) ĐỂ NHẬN ÁO PHÔNG


Tại Hà Nội đã có 1.000 áo và 10.000 decal và sticker

Có thể đặt hàng bằng cách vào mạng trên; chuyển tiền vào các tài khoản nêu trong trang đó từ bất cứ chi nhánh ngân hàng nào ở gần bạn nhất; mang biên lai chuyển tiền (+ đơn hàng tự in ra hay ghi ra: số áo; số sticker) và mang đến chỗ phát áo (Tại Hà Nội là 175 Nguyễn Thái Học, văn phòng SGTT).

NQA

THÔNG BÁO MỚI NHẤT:

Địa điểm phân phối áo thun ủng hộ ngư dân bám biển tại Hà Nội đã chuyển về:
Số 19C Lê Văn Lương - Quán cafe Cơm Việt - Hà Nội. 

Ngoài ra khách hàng có thể chuyển tiền vào TK và cầm phiếu chuyển tiền đến nhận áo tại Địa chỉ trên. Thông tin TK như sau:

1. TK Công ty Cổ phần TM & DV Sài Gòn Truyền Thông.
Số TK 007.100.2381488 NH VCB chi nhánh TP HCM

2. TK Qũy Hỗ trợ Phát triển Giáo Dục
Số TK 001.234.230001 NH Đông Á Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng TP HCM.

Trân trọng cảm ơn các anh chị đã ủng hộ ngư dân bám biển!
_______________

Đọc thêm:
Chương trình Cùng ngư dân bám biển
"Đặt mua sản phẩm ủng hộ ngư dân"

K/gửi: Quý khách hàng,
Vừa qua, báo Sài Gòn Tiếp Thị, hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục (EDF) cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp thống nhất xây dựng chương trình Cùng ngư dân bám biển. Chương trình là cuộc vận động dài hạn trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội với những nội dung hoạt động chính: Hỗ trợ tài chính cho ngư dân thông qua hoạt động cho vay với lãi suất thấp trang bị phương tiện đi biển an toàn, tài trợ cho ngư dân mua bảo hiểm tai nạn và tính mạng khi đi biển; Chăm lo cho con em ngư dân trong việc học và về dinh dưỡng sức khoẻ, tài trợ học bổng cho con em ngư dân, là sinh viên giỏi theo học những nghề khai thác biển, hỗ trợ giáo viên và thầy thuốc phục vụ đảo xa; Hỗ trợ phương tiện và trang bị cho lực lượng cứu hộ và bảo vệ ngư dân trên biển; Hỗ trợ kỹ năng an toàn đi biển, kiến thức về pháp lý nhằm tiến hành các hoạt động khai thác biển, tuân thủ luật pháp, bảo đảm phát triển an toàn, bền vững.

Công ty cổ phần Sài Gòn Truyền Thông (Sài Gòn Media) phối hợp với các doanh nghiệp dệt may, từ sáng kiến của tiến sỹ Nguyễn Quang A và hoạ sỹ Lý Trực Dũng, kiến trúc sư Võ Thành Lân, triển khai thiết kế và sản xuất áo thun dạng T. Shirt, decal, sticker… với biểu tượng nhằm khẳng định chủ quyền trên biển Đông, ủng hộ giải pháp hoà bình. Giải quyết tranh chấp trên biển Đông theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển và Quy tắc ứng xử biển Đông. Các nhà thiết kế và sản xuất các sản phẩm này tiết giảm tối đa chi phí để mỗi sản phẩm thu được tối thiểu 40.000 đồng (đối với áo thun) và 2.000 đồng (đối với decal, sticker) ủng hộ cho chương trình Cùng ngư dân bám biển.

Ban điều hành chương trình Cùng ngư dân bám biển nhận thấy đây là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhiều mặt nhằm tiếp sức cho chương trình, kính đề nghị quý bạn đọc vận động ủng hộ và mua sản phẩm tham gia đóng góp chia sẻ với những khó khăn của ngư dân trong quá trình bám biển, hiện đại hoá nghề biển và củng cố bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.




.
Đọc tiếp...

NGUYỄN HUỆ CHI: CHÚNG TÔI LẠI ĐI BIỂU TÌNH

Chúng tôi lại đi biểu tình 
Nguyễn Huệ Chi
.
clip_image002
Bắt đầu cuộc biểu tình. Ảnh: HC
Phải rồi, biểu tình là lương tâm của tất cả chúng ta, những ai còn dòng máu Việt ở trong người. Chính vì sức vẫy gọi thiêng liêng ấy mà Chủ nhật sáng nay 17-7-2011, những khuôn mặt rất quen thuộc, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Quang A, vợ chồng GS TS Nguyễn Đông Yên, TS Đỗ Xuân Thọ, TS Nguyễn Hồng Kiên, Đỗ Minh Tuấn, Thùy Linh, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Viết Đào, Trần Kim Anh, Trần Nhương, Nguyễn Trọng Tạo, ông già kéo đàn Viollon... và vô số người Hà Nội khác nữa, chúng tôi lại có mặt ở 36 Điện Biên Phủ, cùng dàn thành hàng ngang kéo đến trước quán café Cột Cờ để cùng nhau đi sang Công viên Lê Nin. “Thật là khí thế, vì mới sáng sớm đã có đến 100 người từ khắp mọi nẻo dồn về đây rồi” – một bạn không rõ tên bỗng reo lên một câu như thế làm ai nấy hởi lòng. Anh ta nói thêm: “Công an không đàn áp chúng ta anh em ơi, họ đã “trở về” với dân, hoan hô!!!”.
clip_image004
Bắt đầu hành tiến. Ảnh: HC

Nhưng đó chỉ là mơ ước của chúng tôi thôi. Mơ ước hão! Từ con đường Hùng Vương đang tiến thong thả đến phía Cột Cờ thì một thay đổi kỳ lạ bỗng bày ra trước mắt, có thể nói là thay đổi đột biến: Lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát áo xanh, cảnh sát thường phục, dân vệ đeo băng đỏ... từ đâu đã đổ đến nườm nượp, đông không tưởng tượng được, đông gấp bội người biểu tình. Họ làm gì đây nhỉ? Câu trả lời có ngay lập tức. Mấy chiếc xe bus từ phía ngã năm Điện Biên Phủ, Trần Phú, Lê Duẩn cũng bất thần trờ tới và dừng lại sát lề đường. Ai nấy chưa kịp hiểu gì thì cả đoàn biểu tình đang rải rác chưa kịp tập hợp lại thành một khối đã bị xé lẻ ngay ra thành nhiều nhóm nhỏ trên dọc quãng đường Điện Biên Phủ này, và lần lượt... ba tốp đi đầu bị công an ập tới hốt lên 3 xe bus rồi phóng vù đi liền về phía Mỹ Đình, sau giây phút chớp nhoáng diễn ra quang cảnh lộn xộn đạp người ngã lăn và tóm lấy chân tay người kéo đi như lắc võng để nhét lên xe không khác gì tình trạng kẹp người ngang hông ở Sài Gòn hôm 3-7-2011. Quang cảnh diễn ra chớp nhoáng và trắng trợn trước mắt mọi người. Không một ai không bần thần ngơ ngác.
.
clip_image005
Bắt ngay người lên xe bus. Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo
clip_image006
Bắt ngay người lên xe bus. Ảnh: NG gửi qua Ba Sàm.
clip_image008
Những bức ảnh này tại Hà Nội sáng 17-7-2011 là sự bổ sung tuyệt diệu cho bức ảnh sáng 3-7-2011 tại Sài Gòn. Cả mấy bức ảnh sẽ đi vào lịch sử cuộc đấu tranh kiên cường chống cướp nước và bán nước của toàn dân tộc.
clip_image010
Những bức ảnh này tại Hà Nội sáng 17-7-2011 là sự bổ sung tuyệt diệu cho bức ảnh sáng 3-7-2011 tại Sài Gòn. Cả mấy bức sẽ đi vào lịch sử cuộc đấu tranh kiên cường chống cướp nước và bán nước của toàn dân tộc.
Nhiều tiếng nói truyền đến tai chúng tôi: “Ít nhất đã có 50 người bị đẩy lên xe”. Một tiếng khác: “Em Phương (Nguyễn Văn Phương, thanh niên đọc tuyên ngôn trước Nhà Hát Lớn hôm 3-7-2011) bị thộp mất rồi!”. Lại một tiếng nói khác: “Chị Bình (Nguyễn Nguyên Bình, con gái lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh) cũng bị nhét lên xe nữa!”. Lại một tiếng nói thêm: “Vợ chồng GS Nguyễn Đông Yên, TS Đỗ Xuân Thọ và Blog Gốc Sậy TS Nguyễn Hồng Kiên cũng bị đẩy tuốt lên xe tất. Họ không kiềng ai hết!”. Những tiếng kêu thắt nghẹt lấy tim chúng tôi. Mặt đăm chiêu, chúng tôi... chờ đến lượt mình.
Tất nhiên là chúng tôi vẫn cứ đi về phía trước, cho dù số lượng còn lại đâu chỉ khoảng 70 người. Nhưng cả phía trước lẫn phía sau chúng tôi những áo xanh cứt ngựa bâu lại đông đặc, dùi cui lăm lăm. Họ áp sát lấy chúng tôi khiến cả đoàn dồn cục lại, và họ ngang nhiên dùng tay đẩy vào lưng. Cả tôi và anh Phạm Quang Hiển khựng người vì những cú đẩy, trong khi anh Nguyễn Quang A cao lớn hơn đứng phía trước nên vẫn không việc gì, ngoảnh lại nhìn chúng tôi xem có sao không. Nhiều tiếng nói cất lên sau lưng: “Các bác đi khỏi đây cho, nơi này cấm tụ tập. Đi lên trước kia kìa!”. Anh Hiển quay cả người lại mặt đỏ bừng cất giọng từ tốn nhưng tiếng anh sang sảng khác hẳn thường ngày: “Sao lại cấm? Đây là chỗ vui chơi, đi lại của dân, sao lại cấm? Ai dám cấm chúng tôi?”.
.
clip_image012
Cảnh sát cơ động bắt đầu áp sát Đoàn còn lại. Ảnh: HC
Những khuôn mặt lạnh lùng bất động trơ trơ trước câu hỏi của anh. Một anh khác đứng gần bên anh cất tiếng nói liền theo: “Có biết các bác đi đây là vì cái gì không? Các cháu có biết Tổ quốc đang trong mối họa hiểm nghèo không?”. Cũng có những khuôn mặt dịu xuống và có tiếng nói khẽ: “Biết rồi, nhưng đây là nhiệm vụ! Các bác về ngay đi cho! Mọi việc đã có Nhà nước với Nhà nước”. Anh Hiển chỉ vào một cậu áo xanh cứt ngựa đứng sát sau lưng mình: “Đẹp trai thế kia mà đi đẩy các ông già không biết ngượng! Chính các cháu mới phải về chứ sao các bác đi cứu nguy đất nước lại phải về? Các bác cũng là người Nhà nước chứ đâu phải bá vơ!”. Cuộc đối thoại chỉ trong một giây ngắn ngủi và trong cái giây phút rất ngắn ấy tôi thoáng thấy phía sau mình một vài ánh mắt của lương tâm như đang thức dậy. Khoảng cách ngột ngạt giữa cảnh sát và người biểu tình có cảm giác được giãn ra... Nhưng đấy chỉ là một giây phút của trí óc giàu tưởng tượng mà thôi. Từ một xe cảnh sát có loa ở đâu đã kịp chạy tới phát lên một tiếng nói oang oang: “Lực lượng cơ động đâu, làm nhiệm vụ giải tán người ngay lập tức! Mọi người hãy rời khỏi chỗ này!”. Thế là hết. Tiếng loa là cả một sức ép vô hình mà thật hữu hiệu làm cho chút ánh sáng trong những đôi mắt công cụ vụt tắt. Chúng tôi bị những cú hích mạnh hơn hẳn trước. Một kẻ mặc thường phục vừa góp tay đẩy chúng tôi vừa nói lớn: “Đi ngay đi! Tụ tập đông người chỉ phá rối!”. Cái cách hò hét của kẻ thiếu văn hóa này đã làm trào lên cả một cơn giận trong đoàn người đang bị xô đẩy. Người ta nhao nhao lên: “Nói bậy bạ rồi! Ai phá rối ở đây? Ê, ai phá rối sao không xấu mặt? Hãy xin lỗi ngay đi!”. “Hãy xin lỗi ngay đi!”. Kẻ vừa phát ra tiếng nói ngu xuẩn kia lặng thinh trước những tiếng phản ứng tức giận và hình như chuồn mất. Nhưng tình hình thì vẫn không khá hơn chút nào bởi chiếc xe cảnh sát cất tiếng nói mệnh lệnh vẫn theo sát chúng tôi và vẫn một giọng quyền uy như cũ, mỗi tiếng của nó là một dấu hiệu thôi thúc đối với đám người chức năng đông đặc phía sau chúng tôi: “Lệnh cho cảnh sát cơ động vào cuộc giải tán người ngay”. Tôi lảo đảo cả người vì một bàn tay nắm lấy vai đẩy chúi mình đi. Kịp nhìn sang bên, tôi thấy anh Hiển đang co người sau một cú đẩy tương tự, anh liền ngồi tựa vào hàng rào Café Cột Cờ không đi nữa.
.
clip_image014
Nguyễn Quang A đang sẵn sàng chờ một cú đẩy. Ảnh: HC

Một người đứng bên cạnh anh có hàm râu quai nón trắng và bộ tóc cua lởm chởm trắng liền nói lớn: “Ông GS này bị đau chân không đi được nữa rồi”. Nói xong anh ta liền ngồi xuống ghé lưng để anh bíu lấy vai. Tôi đang hốt hoảng nhìn vào chân Hiển xem anh bị thương thế nào thì bỗng lại thấy Hiển gượng đứng lên và cố bước đi thật thẳng, ngang hàng với mình, mặt bừng bừng một nỗi uất nghẹn nào đấy không phát ra được. Nguyễn Quang A nháy mắt với tôi lặng lẽ không nói một câu.
.
clip_image016
Người tình nguyện cõng GS Phạm Duy Hiển. Ảnh: HC

Cứ đùn đẩy như thế mà rồi cả đoàn cũng đi qua trước Văn phòng LS Cù Huy Hà Vũ lúc nào không hay, cũng không hiểu sao mấy chiếc xe bus nữa đã ghé lại mấy lần rồi mà chúng tôi vẫn chưa bị hốt lên xe. Chỉ khi LS Nguyễn Thị Dương Hà đứng bên đường vẫy tay chào Đoàn thì mọi người mới sực tỉnh để hiểu ra chúng tôi đã đi được một quãng khá dài. Thực tình, tâm trạng của chúng tôi như những con cá quẫy trong lưới, quẫy để tìm một lối thoát và phải thoát cho bằng được. Còn lực lượng công an thì hình như có phân công, mỗi tốp chỉ canh ở một đoạn đường, đẩy được chúng tôi khỏi đoạn đường họ canh là họ đứng lại, coi như họ đã hết phận sự.
.
clip_image017
Đã đến trước Văn phòng LS Cù Huy Hà Vũ.
clip_image019
LS Nguyễn Thị Dương Hà tiễn Đoàn một quãng. Ảnh: HC
Khi chúng tôi bị dồn vào con đường Tôn Thất Thiệp, tôi bỗng thấy anh Hiển gằn giọng bên tai: “Cũng chẳng trách mấy tay ở trên, nhưng trách là trách sao dân ta hèn quá thế? Thì cứ cứng cổ với cái đám xua đuổi mình xem làm gì được nhau nào? Chân lý trong tay mình mà sao khốn khổ vậy? Thế này thì mất nước chứ còn gì nữa”. Mặt anh trở lại đỏ bừng, và tôi có ý nghĩ hình như cả một hòn đảo Lý Sơn quê hương lúc này càng trĩu nặng trong đầu anh. Tôi chưa kịp nói câu gì thì bỗng nhìn thấy phía trước phía sau biểu ngữ, cờ, khẩu hiệu bắt đầu giăng lên, rồi tiếng hô “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam”; “Đả đảo Trung Quốc ăn cướp biển Đông – Đả đảo”... vang vang từ đầu đoàn đến cuối đoàn. Chúng tôi hòa vào những tiếng hô nồng nhiệt ấy, tự nhiên thấy mọi bức bối dịu hẳn lại. Đi được một quãng nữa, tôi nhìn Hiển, Hiển cũng nhìn tôi, chúng tôi cùng nở nụ cười, mặt giãn ra. Tôi nói với Hiển: “Dân mình quả hèn anh ạ, nhưng cũng là một dân tộc tài lách, trong trường hợp nào cũng tìm một được lối để đi, và chính điều đó làm ta ấm lòng”. Hiển gật đầu đồng tình.
.
clip_image021
Nguyễn Huệ Chi, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Quang A sát cánh cùng nhau khi cờ và biểu ngữ giương lên. Ảnh: HC
clip_image023
Ảnh: HC
Phạm Viết Đào từ đâu đi sát lên gần tôi và say sưa kể cho tôi nghe việc cầu đồng ở Nghệ An vừa qua, ông Hoàng Mười – theo anh là Lý Nhật Quang – hiện lên ốp vào một cậu thanh niên 17 tuổi, nói những điều cơ mật đáng cho ta ngẫm nghĩ. Tôi nghe anh tai được tai mất, bởi tiếng thét của đoàn biểu tình dội sát bên tai làm cho mình rạo rực, và cũng bởi một nỗi hồ nghi cứ dấy lên trong lòng: Nếu có thế giới âm thật thì thế giới ấy hẳn chẳng còn phù hộ gì được mình, bởi trong khi môt di tích như Thập Tam Lăng (13 ngôi mộ của nhà Minh gần Bắc Kinh) được chính quyền bắc Kinh bảo quản nghiêm mật kể từ thời Chu Ân Lai, thì chính quyền chúng ta, “tinh thần duy vật” mới cao làm sao, sau khi đã cho dân phá ngôi tháp Hoàng đế Trần Nhân Tông (tên là Phật hoàng tháp) trên am Ngọa Vân từ trước năm 1992 lâu lắm rồi (chúng tôi có trèo lên tận nơi vào năm 1992 để nhìn quang cảnh tàn phá ấy với những giọt nước mắt của các chị đi trong đoàn cứ chảy ràn rụa không sao ngăn được), nay lại thản nhiên cho dân tự động phá nốt những ngôi mộ nhà Trần (một triều đại chống quân Nguyên Mông lừng danh không chỉ trong nước mà cả trên thế giới) ở Yên Sinh, Đông Triều để chia nhau lấy đất xây nhà để ở – những ngôi mộ mà khi Đoàn khảo sát của Ban văn học Cổ cận đại Viện Văn học chúng tôi đến tận nơi năm 1971 thì vẫn còn nguyên vẹn. Nghe Phạm Viết Đào say sưa kể về anh linh ông Hoàng Mười, trong lòng tôi chỉ thấy nhói lên sự xót xa tiếc nuối: Phải chi Cù Huy Hà Vũ còn được tự do thì biết đâu Vũ chẳng làm ra lẽ về vụ đập phá mộ Trần của bọn người vô học này và cứu được một di tích vô giá cũng nên.
.
clip_image025
Nhà văn Phạm Viết Đào đang tâm đắc với câu chuyện tâm linh về ông Hoàng Mười. Ảnh: HC
clip_image027
Nguyễn Xuân Diện đi giữa một khẩu hiệu có cả tiếng Việt, Anh, Trung. Ảnh: HC
clip_image029
Ảnh: HC
clip_image031
Hô vang khẩu hiệu. Ảnh: HC
clip_image033
Hô vang khẩu hiệu. Ảnh: HC
clip_image035
Con đường Tôn Thất Thiệp trở nên chật chội. Ảnh: HC
clip_image037
Dù có phải đi vào ngõ, khí thế vẫn không giảm. Ảnh: HC
clip_image039
Phía trước không còn đường đi nữa, nhưng tiếng hô vang dậy vẫn cứ làm người ta ấm lòng. Ảnh: HC
Niềm vui đến với chúng tôi không lâu. Khi khí thế của đoàn tuần hành đã có đà để dâng cao hơn thì than ôi, gặp ngay... ngõ cụt. Một tốp công an lại đã chặn ở ngã ba Trần Phú và Lý Nam Đế, không cho chúng tôi bước sang đường Phùng Hưng. Làm thế nào bây giờ? Thôi thì lại đành phải đi quành trở lại, quành lại theo lối Tôn Thất Thiệp cũ, ra gặp lại đường Điện Biên Phủ. Hết đường rồi sao? Chân chúng tôi như chùng xuống hẳn. Không gì chán bằng sự quẩn quanh, chân mình lại dẫm lên dấu vết của chính chân mình. Tôi bỗng thấy kinh hoàng khi Hiển cho biết một tin làm dựng tóc gáy. Đúng là “Ông Ninh ơi hỡi ông Ninh / Đi đến đầu đình lại gặp ông Nang / Ông Nang ơi hỡi ông Nang / Đi đến đầu đàng lại gặp ông Ninh”. Có phải lịch sử đang chịu một cực hình ghê rợn là sự lặp lại, sự tới lui vô ích trên một con đường cụt, và không còn chút ánh sáng nào le lói ở căn hầm sâu tối thăm thẳm phía cuối con đường nữa, ở đó ta chỉ nhìn thấy những khuôn mặt quen, những khuôn mặt bề ngoài trông vẻ thật hiền lành, những “Mạnh Tử”, “Trọng Ni” kia đấy, nhưng thực ra đó là những kẻ đã ăn phải “cháo lú”, và nếu soi bằng kính chiếu yêu thì thấy phía sau họ là hai hàm răng chó sói của con sói phương Bắc đang nhe nanh gầm gừ đợi cho cả đoàn người – cả dân tộc không trừ một ai – lọt vào mõm của nó. Tôi lạnh người không dám nghĩ tiếp. Anh Hiển bảo tôi : “Thôi đành về vậy thôi. Thế cũng là đủ rồi. Tôi trở lại 36 Điện Biên Phủ đây”. Tôi cũng bối rối không biết làm gì để gỡ khỏi tình thế tắc tịt lúc đó thì Nguyễn Xuân Diện ở đâu chạy đến hiến kế: “Em đề nghị các thầy ta cơ động kéo ra Nhà Hát Lớn, người nào người ấy tìm phương tiện mà đi. Riêng hai thầy Hiển thầy Huệ Chi và chú Quang A đã có chiếc xe con của KTS Trần Thanh Vân đến hỗ trợ các thầy cho đỡ mệt đây”. Thế thì còn gì bằng! Chết đuối vớ được cọc. Chúng tôi băng ngang đường Điện Biên Phủ để đi ra phía Cửa Nam vì xe đang đợi ở bên Cửa Nam, nhưng đường nghẹt xe cộ, khó mà băng sang. Chợt một công an nữ đi đến nhìn chúng tôi rồi chỉ tay vào anh Hiển với cái đầu hói lơ thơ tóc trắng, cất tiếng khá dịu dàng: “Bác để đấy cháu giúp”. Rồi cô cầm lấy tay anh, dìu anh sang bên kia đường. Tôi và vài người nữa bám sát theo anh. Đến được chiếc xe con thì không thấy bóng anh Quang A đâu cả. Chờ không được, đành là cứ lên xe mà đi thôi.
Đến Nhà Hát Lớn, vào quán café bên hông nhà hát đã thấy vài người đợi ở đấy. Ngồi một lúc nữa thì người lục tục đến ngày một đông: Đỗ Minh Tuấn, ông già kéo viollon, Trần Kim Anh, nhiều người khác tôi không biết hết tên, cả người râu quai nón đã tình nguyện cõng anh Hiển. Và cuối cùng là Nguyễn Quang A lộc ngộc mò vào, mồ hôi lấm tấm phía sau lưng. Anh ngồi xuống kế bên tôi nói: “Họ chia cắt chúng ta tài thật. Thấy anh Huệ Chi và anh Hiển qua đường rồi mà muốn đi theo không được nữa vì họ đã kéo đến đông nghịt, chặn kín không cho mình đi. Đành là lại quặt lại rồi lên một chiếc xe ôm mới đến được đây”. Ai nấy ngao ngán lắc đầu và cứ mơ hồ về những hành vi xem ra có vẻ như trái ngược của đám nhân viên chức năng nọ, và về nhiều câu hỏi không tự mình giải đáp nổi cứ vương mãi trong đầu. Chị công an kia là ai? Những anh “mặt sắt” nghe nói đều là người thiểu số, tiếng Kinh chưa thạo và cũng không hiểu gì lắm về những chuyện “yêu nước”, “bán nước”, chỉ biết làm theo lệnh – có đến cả một Sư đoàn – kia là ai? Có phải đã có một cuộc “thỏa thuận ngầm” nào đấy rồi không mà sao các cuộc biểu tình trước đây và cuộc biểu tình hôm nay khác nhau một trời một vực đến thế? – Trước thì ngấm ngầm cho dân được quyền “lên tiếng” bằng hành động biểu tình mà nay cơ chừng đã “ngã giá” nên sợ ai đấy đến toát mồ hôi trước hành động chính đáng của dân?
.
clip_image041
Một Đại tá cựu chiến binh thành cổ Quảng Trị sẵn sàng ra trận lần nữa nếu kẻ thù phương Bắc xâm phạm lãnh hải lãnh thổ chúng ta. Ảnh: HC
.
Trong khi lòng chúng tôi nặng trĩu nhiều câu hỏi ngổn ngang thì riêng đám thanh niên ngồi quanh vẫn cứ vô tư. Một cậu áo đỏ có hình ngôi sao vàng trước ngực nói: “Cháu mặc áo này từ nhà, đi suốt trên đường không có anh công an nào hỏi cả. Chú Nguyễn Trọng Tạo có hỏi: “Mày mặc thế mà công an để yên cho đến đây được ư?”. Mọi người cười ồ lên: “Mặc lá cờ Tổ quốc thiêng liêng mà công an còn bắt nữa thì mặc gì mới không bắt hỡi các bác? Cờ ba sọc chăng? Đúng là công an chúng ta đang bắt chúng ta phải phủ định chân lý mà cụ Hồ nêu lên cho con cháu noi theo rồi đây?”. Một cậu trẻ ngồi gần đấy tâm sự: “Cháu từ Phú Thọ xuống đây từ sớm. Xuống được đây cũng coi là thắng lợi rồi”. Lại một cậu khác kể tiếp: “Cháu thì ở khá xa bên kia cầu Chương Dương. Trước khi ra đi đã có hai công an đến canh trước nhà không cho ra khỏi nhà. Nghĩ chán chê cách nào để ra được khỏi nhà mình, cuối cùng tìm ra một cách: để bố cháu chở đi nói là đi có việc gia đình. Họ đành phải cho đi. Ra được một quãng thì bố xuống xe để con đi tiếp còn mình đi bộ trở về và tìm cách chống chế với hai ông canh cửa. Thế là sang an toàn”. Chúng tôi ngồi nghe lớp trẻ trò chuyện mà lòng dần dần lại trở lại thấy ấm cúng. Tôi, anh Hiển, anh Quang A đưa mắt nhìn nhau. Đám hậu sinh được thế này thì vẫn còn là có hậu. Chưa đáng lo cho lắm. Đỗ Minh Tuấn tuy cười vui nhưng tôi vẫn thấy trong ánh mắt của anh một chút âu lo, dường như anh chưa giải đáp được câu hỏi anh nói với tôi hôm biểu tình ngày Chủ nhật 12-7-2001: Làm cách nào để “nuôi” phong trào cho nó khỏi chết yểu, vì đàn áp kiểu này thì khí thế mấy mà cuối cùng chẳng “chết”? Không riêng anh, trong đầu tất cả mọi người đang ngồi cùng nhau ở đây đều gợn lên câu hỏi ấy mà không ai tiện nói cả. Thốt nhiên Nguyễn Xuân Diện đang ngồi trước cái laptop bỗng nói to lên: “Các bác có biết Dân làm báo viết gì không? Họ viết rằng nghe nói GS Nguyễn Huệ Chi cũng ở trong số bị đẩy lên xe bus cùng 50 người lên tận Mỹ Đình rồi”. Ai nấy lại được một dịp để cười. Cuối cùng thì cũng phải kéo nhau ra Nhà Hát Lớn để chụp vài pô ảnh thôi. Một anh nói nhỏ với tôi: “Anh thử đứng lên mời tất cả bà con đang uống café cùng ngừng lại 5 phút và ra theo đoàn biểu tình chúng ta chụp ảnh kỷ niệm, chỉ 5 phút thôi, xem họ có ra không”. Như cái máy tôi làm theo lời anh. Cả khu vườn café ngưng hẳn tiếng trò chuyện râm ran, dỏng tai lên nghe, làm cho chúng tôi lòng đầy hy vọng. Nhưng khi kéo nhau ra đi thì ngoảnh nhìn lại, họ vẫn trầm ngâm lặng lẽ nhìn theo mà không nhúc nhích. Chỉ có chúng tôi. Thế là câu trả lời cho Đỗ Minh Tuấn đã rõ – tôi thầm nghĩ vậy – chúng ta chưa đủ sức lay tỉnh rất đông những ai đang bàng quan đứng ngoài. Chỉ có đâu chừng 40 mống tụ tập lại đây thì lại tự nguyện bước ra đương trường với công an khu vực Nhà Hát Lớn, và cũng chỉ để làm trò diễn là... chụp ảnh. Nhưng chỉ có thế thôi mà đã khiến cả một đám công an đang lảng vảng bỗng trở nên nhốn nháo. Nhiều tiếng còi vang lên. Họ vội vội vàng vàng từ đâu kéo đến đối phó với chúng tôi. Nhưng họ có vẻ khôn ngoan hơn những cảnh sát cơ động ở Công viên Lê-nin. Vài người cất giọng, ngọt nhạt và khôn khéo: “Các bác làm việc vì đất nước, chúng cháu biết chứ. Nhưng hôm nay trong Nhà Hát Lớn có cuộc họp đặc biệt nên không được phép chụp ảnh. Mong các bác thông cảm”. Tất nhiên chúng tôi đã nhanh tay hơn họ, chúng tôi đã chớp được vài pô rồi.
.
clip_image043

.
clip_image045

.
Chúng tôi thừa hiểu lời đuổi khéo của họ và chẳng thèm tranh cãi làm gì. Đành kết thúc cuộc biểu tình tại địa điểm này sau khi đã hẹn với nhau ta sẽ không bỏ cuộc, ta sẽ có mặt vào Chủ nhật tuần sau.
Về đến nhà một lúc, qua điện thoại di động của một vài người, tôi được biết ở Mỹ Đình có 46 người bị hốt lên đấy và đến gần 12 giờ thì cũng được thả. Chị Nguyễn Nguyên Bình về ngay còn lại cả 45 người trong đó có Nguyễn Văn Phương, hai TS, và một Giáo sư, không về mà lại làm một cuộc tuần hành từ Mỹ Đình đi dọc suốt 3 cây số về cho đến Bảo tàng Hà Nội trên đường Phạm Hùng. Họ vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu trên con đường chưa hề có dấu chân người biểu tình kể từ hôm 5-6-2011 đến nay. Có cả một chiếc loa lớn hỗ trợ âm thanh cho họ. Có cả người mang hoa ra tặng.
.
clip_image046
Bó hoa tình nghĩa. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
clip_image048
Vũ Quốc Ngữ tay cầm loa. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
clip_image050
GS Nguyễn Đông Yên mặc áo đỏ có sao vàng giữa ngực. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
Ôi thế ư? Biến khó khăn thành thuận lợi, thế là đúng tính cách người Việt rồi đấy. Bằng cách nào cũng tìm ra đường được cả. Cuộc đấu tranh này tuy rất khó khăn nhưng vẫn còn nhiều hy vọng.
N.H.C.

Nguồn: Bauxite VietNam.
Đọc tiếp...

BIỂU TÌNH VÀ TRÒ ĐÙA CHÍNH TRỊ

clip_image002
Ảnh: BBC

Có một người bạn ở Hà Nội, khi tham gia cuộc biểu tình 17/7 về, nó hãi khi nhắc lại cuộc trấn áp của cơ quan an ninh!

Trấn áp biểu tình của người dân theo một đường parabol. Nếu thời gian trước là sự ngăn trở, sau là dọa dẫm, tiếp đó là “thả” tại Hà Nội, thì giờ đây, những hình ảnh “súc vật tại thủ đô ngàn năm văn hiến” lại như đồng điệu tại “hình ảnh súc vật” trước đó tại thành phố Hồ Chí Minh.

Có lẽ người tham gia biểu tình 17/7 đã “ngây thơ” khi không chịu tin một sự “đồng thuận” đã được đặt ra sau cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc hay là trách cho việc tại sao các vị nhân sĩ ta không chịu “ngậm bồ hòn làm ngọt” trong đợt tiếp xúc với cơ quan ngoại giao (dù rằng cơ quan này đã cố gắng làm khó khi trước đó chỉ điện thoại cho Giáo sư Chu Hảo, và sau đó chỉ gọi điện cho 4 trong số những người ký Kiến nghị). Hay là tự than trách vì mình “vượt lề”, đã dám bày tỏ cái lòng yêu nước trong hoàn cảnh “không được sắp đặt” bởi chính quyền để rồi sau đó sẽ được an ninh nơi cư trú, học tập “mời làm việc” nhằm gây áp lực trên cả mặt vật chất, tinh thần.

Người biểu tình có quyền nghi ngờ, người dân theo dõi tình hình trong nước cũng có quyền trách móc những điều trên. Nhưng điều lớn nhất còn đọng lại có lẽ là một sự “nghi ngờ” về tính thiếu minh bạch của chính quyền trong việc thông tin về mối quan hệ với Trung Quốc và sự bảo đảm tình hữu hảo với Trung Quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào! Điều này cũng dẫn đến một hệ quả là sự thiếu tin tưởng và nỗi sợ hãi bao trùm sau mỗi đợt bắt người biểu tình yêu nước. Điều này được dẫn ra như một kết quả cho cái việc tình yêu nước cũng cần phải hạn chế, dù rằng nó diễn ra trong ôn hòa. Nhất là sự nhanh chóng trấn áp biểu tình ngày 17/7, số lượng người tham gia biểu tình... Tất cả như thể hiện một cách nhìn, một biểu hiện cho sự bi quan về lòng yêu nước, sự thắng thế của việc giữ gìn mối giao hảo Việt Nam – Trung Quốc trên quyền lợi dân tộc, của nhóm lợi ích... Nhưng nó đã thực sự “dở” vì nó “đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân, đi ngược lại lòng yêu nước và sự thiết tha của nhân dân đối với lãnh thổ và lãnh hải của đất nước” như TS. Nguyễn Xuân Diện đã nhận định sau cuộc biểu tình 10/7 tại Thủ đô.

Cuộc biểu tình 17/7 nối tiếp các cuộc biểu tình trước đó là biểu thị thái độ cần thiết khi nhân dân hiểu rõ tình hình và hẳn, sau cuộc biểu tình này thì vẫn sẽ có những “biểu tình” khác ở những hình thức và mức độ khác nhau, vì "làm sao ngăn được các cuộc biểu tình, làm sao ngăn được lòng yêu nước? Và cũng không thể ngăn được" (Giáo sư Tương Lai). Người viết cũng cho rằng không ngăn được, nhưng e ngại sự “ra tay quá trớn”, sự thiếu quan tâm đúng mức về sức mạnh nhân dân thông qua các hành động “dở’ là trấn áp, “đồng thuận” về ngoại giao với các “đồng chí Trung Quốc anh em” sẽ khiến cho lòng yêu nước bị ăn mòn, trơ ra và thay vào đó là một nỗi sợ hãi thường trực!

Bởi cảm giác như chính quyền đang chơi một trò chơi chính trị, một trò chơi đùa bỡn với lòng yêu nước của nhân dân. 

LHMT 

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Nguồn: Bauxite VietNam.
Đọc tiếp...

18.7: TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP HỘI THẢO VỀ LỄ HỘI ĐỀN TRẦN

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Quang Hưng (Thời Nay)
Thưa chư vị,

Sáng nay, UBND tỉnh Nam Định và Viện VHNT VN tổ chức hội thảo khoa học: Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012. Hội thảo được tổ chức tại KS Vị Hoàng- là KS oách nhất của TP Nam Định. KS nằm trên đường Nguyễn Du và sát ngay tượng đài Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

BTC có tổ chức đón đại biểu HN từ chiều hôm qua tại Viện VHNT và đêm qua nghỉ tại KS Vị Hoàng. Nhưng tôi và TS Nguyễn Hồng Kiên (Gốc Sậy) sáng nay tự thuê taxi để đi từ lúc 05h sáng, và đến 07h30 đã đến KS Vị Hoàng. Chúng tôi đã lấy tài liệu hội thảo và đã nhận phong bì 300.000 đ/người. (phong bì của chúng tôi có đánh dấu xxx ở góc).

NXD-Blog dự kiến tường thuật trực tiếp cuộc hội thảo này:


08h05: hội trường đã đông đủ, không còn ghế trống. chúng tôi thấy có GS.TS Kiều Thu Hoạch, TS Nguyễn Xuân Năm (nguyên GĐ Sở VHTT Nam Định), Ông Trần Chiến Thắng (nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT), PGS.TS Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di Sản), PGS.TS Trương Quốc Bình (cựu GĐ Bảo tàng Mỹ thuật), TS Lê Thị Minh Lý (Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VHTTDL), PGS. TS Trần Lâm Biền, Đại diện Ban liên lạc Họ Trần Việt Nam và Ban Liên lạc họ Trần Nam Định, Chủ tịch Phường Lộc Vượng, đại diện của người dân khu vực đền Trần...

Rất đông các PV báo chí TW và địa phương cũng đã có mặt: Nguyễn Hòa (Văn hóa), Hà Hương (Tuổi trẻ), Xuân Thi (SGTT), Quang Hưng (Thời nay)...


08h10: Khai mạc

Chủ tịch đoàn: Ông Nguyễn Chí Bền (Viện trưởng Viện VHNT), Ông Đỗ Thanh Xuân (GĐ Sở VHTTDL Nam Định), bà Cao Thị Tính ( PCT TP Nam Định).

08h17 - 08h25: Bà Cao Thị Tính, PCT UNND TP Nam Định đọc lời chào mừng, ca ngợi nét đẹp của lễ hội đền Trần và khẳng định thành công của lễ hội đền Trần và lễ khai ấn cũng như những bất cập trong những năm qua.

08h26: Ông Nguyễn Chí Bền (Viện trưởng Viện VHNT) đọc báo cáo đề dẫn. Bài phát biểu của ông có lời đề nghị các PV báo chí tham dự với tư cách như những đại biểu đến dự hội thảo chứ không chỉ với tư cách phóng viên đến ghi chép và đưa tin, viết bài. Ông cũng nói, trong hội thảo sẽ phát phiếu để lấy ý kiến về 2 phương án cho lễ hội năm 2012, với cách trả lời "đồng ý"(Yes), "không đồng ý"(No)

08h35 - 08h56: Ông Lương Hồng Quang (PGS.TS) trình bày Đề án tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012. Lời phát biểu của ông cũng thừa nhận lễ khai ấn những năm qua là "hỗn loạn". Ông nói: Nếu cấm phát ấn thì tức là chính quyền Nam Định bất lực trước việc không quản lý được lễ hội. Và: "phải làm thế nào để đối mặt với dư luận?"(câu này được nhắc 2 lần), "phải cân bằng các lợi ích, tất nhiên cân bằng có nguyên tắc",...

GS. TS  Kiều Thu Hoạch và PGS.TS Đặng Văn Bài (trái). Ảnh: NXD
TS Phạm Lan Oanh. Ảnh: NXD.

TS. Nguyễn Hồng Kiên (phải). Ảnh: NXD
08h56: Tiếp theo là phát biểu của ông Trần Phúc Văn (80 tuổi) phường Tức Mặc, Tp Nam Định. Cụ đang trình bày về tâm linh và về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Cụ khen chị Bích Hằng quá trời. ...Và bây giờ cụ lại nhắc đến Bác Hồ đến đền Trần và phát biểu 1 bài, nhưng cụ chưa tìm được in ở trong sách báo nào.

Ối!, đến 09h07, cụ mới đọc vào bài tham luận, lúc trước mới chỉ là "đề dẫn". Bài cụ dài quá! 09h24 cụ mới phát biểu xong.

Ông Nguyễn Chí Bền nhắc lại lời của ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VHTTvaf DL về việc khai ấn và lễ khai ấn đền Trần.

09h27: Đại diện họ Trần Việt Nam phát biểu. Ông nói ông thay mặt 12 triệu công dân họ Trần gửi tới hội thảo lời chúc tốt đẹp. Ông nói đã đi dự hơn chục lần khai ấn trong đêm 14 tháng Giêng. Ông nói hùng hồn như đứng trước 12 triệu người bà con họ Trần ở một quảng trường. Đến 9h40 bài phát biểu của ông mới chấm dứt.

09h41 là phát biểu của ông Chủ tịch UBND phường Lộc Vượng. 

09h55: Bài phát biểu của ông Chủ tịch kết thúc. 

09h55: Giải lao, cafe hành lang. BTC nói, các vị đại biểu dùng cafe cho tỉnh táo! Hi hii...BTC cũng dí dỏm ra phết! 

 Người Đại diện họ Trần Việt Nam với các PV báo chí.

 Ông Trương Quốc Bình trong vòng vây của báo chí trong giờ giải lao.

10h00: Hội thảo tiếp tục làm việc, với bài phát biểu của TS Trần Chiến Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT DL. 

Ông cho biết, từ 8 năm trước, Bộ đã phê duyệt dự án 1.000 tỷ (một ngàn tỷ đồng) về lễ hội và di tích đền Trần. Ông nói việc phát ấn là cuồng tín. Không ai đưa ra một thống kê được rằng ai là người được ấn mà đã thăng quan tiến chức, ai khuynh gia bại sản, mất chức, ...Bản thân ông cũng đã vào đến hậu cung nhận ấn, đã được cán bộ tình Nam Định gửi ấn, vậy mà 10 năm vẫn không thăng chức, chỉ là Thứ trưởng đến khi về hưu. ..Ông cũng nói, quá chú trọng đến việc phát ấn, bán ấn mà bỏ qua các hạng mục khác của lễ hội.

10h40: Ông Trần Chiến Thắng kết thúc bài phát biểu.

10h41: Ông Hồ Đức Thọ phát biểu.Ông muốn việc phát ấn trong đêm 14 tháng Giêng và cả những ngày sau đó.

10h52: Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (bác Gốc Sậy) tham luận: VỀ CÁI GỌI LÀ LỄ KHAI ẤN ĐỀN TRẦN. 

TS Nguyễn Hồng Kiên phát biểu. Ảnh: NXD
Ông dẫn ra bài báo của báo Quân đội nhân dân, với 3/4 là sai. Lễ khai ấn không nói gì được về tinh thần yêu nước, không có gì nói về tinh thần thượng võ của dân tộc, của nhà Trần.

Ông nhắc là các Giáo sư: Nguyễn Quang Ngọc, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Văn Huy ...không đến được hội thảo, vì vậy ông nói, ông muốn có thời gian gấp đôi để trình bày, tức là 20 phút.

Ông nói: trước khi nói đến lễ Khai ấn thì phải nói đến cái ấn. TS Nguyễn Hồng Kiên nhắc đến các ấn tín đạo giáo bùa phép được nhắc đến trong cuốn sách Ấn chương Việt Nam của TS Nguyễn Công Việt. Cái ấn Trần Miếu Tự Điển được dùng trong việc đóng ấn chỉ là ấn tín ngưỡng và nó chỉ quan trọng đối với dân làng Lộc Vượng, chứ không có ý nghĩa gì đối với toàn quốc như cách hiểu của nhiều quan chức và người dân.

TS. Hồng Kiên: Ai đã sáng tác ra chuyện vua Trần có khai ấn, ban tước? Ai xui Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp đóng ấn và phát ấn (như báo chí đã nêu)? Việc làm đó là việc của Chánh tổng Lý trưởng ngày trước ở đây. 

Tôi xin được hỏi 1 câu: Tôi được thông tin rằng có một người tên Sinh ở Xuân Trường bị chết trong lễ phát ấn. Thông tin đó đúng hay sai? Có hay không?

Ý kiến của tôi là: Đề chấm dứt việc xuyên tạc lịch sử, xin hãy trả lại lễ đóng ấn đầu năm cho nhà đền. Chính quyền các cấp không nên tham gia vào việc này nữa.

11h20 - 11h40: TS Nguyễn Xuân Năm (nguyên GĐ Sở VHTT DL Nam Định) phát biểu.Ông nói ông chính là người nghiên cứu và nâng lễ hội này đến tầm như bây giờ.Ông nói ông chưa thấy có người chết ở lễ hội đền Trần, chỉ thấy có người chết ở lễ hội Phủ Giày nhưng mà là chết vì nghẹn vì ăn oản. Còn chuyện mất giày, dép thì có. Ngay như Thủ trưởng của tôi đây, là anh Trần Chiến Thắng cũng đã từng bị mất ví và điện thoại trong lễ khai ấn đền Trần. 

Tôi tán thành phương án 2: Khai ấn tối 14 âm lịch, phát ấn ngày Rằm tháng Giêng. 

11h40: Hội thảo nghỉ, ăn trưa.
13h30: bắt đầu làm việc buổi chiều.

13h41: Hội thảo tiếp tục làm việc. Với phát biểu của TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH TT DL): Cách tổ chức hội thảo như thế này là cách mà UNESCO khuyến khích, đó là có sự tham gia của cộng đồng, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý địa phương và trung ương.

Về lễ khai ấn, tôi xin có 3 ý kiến khuyến nghị:

- Phải kiểm kê để nhận dạng các di sản văn hóa có ở đền Trần (cả văn hóa vật thể, phi vật thể).

- Vấn đề ở đây là nhận thức và thông tin: tăng cường thông tin, về giá trị đích thực của di sản. Phải trao quyền lại cho cộng đồng để họ tự thực hành, tự làm ...để nhận thức và đừng mở rộng quy mô, đừng nâng tầm lên. Nó như thế nào thì cứ để như thế! Tôi nhất trí với các nhà khoa học: Không có dấu hiệu hành chính ở lễ hội này, không phát ấn trong lễ hội đền Trần. 

- Vấn đề bảo vệ và tổ chức an toàn lễ hội là có thể giao cho chính quyền.  Và phải làm rõ trách nhiệm của từng bên (chính quyền và cộng đồng) để bảo vệ được toàn vẹn di sản đúng như nó có.

13h55: Chủ tịch Hội Sử học Nam Định đọc tham luận.
Sau đó là Nguyễn Xuân Diện.
Ý kiến của Nguyễn Xuân Diện: Những người  đau lòng vì lễ hội máy năm qua tổ chức tràn lan ,sai lệch, không phải là nơi hội tụ nét đẹp, mà đi vào lầm lạc, không cổ vũ những điều tốt đẹp. Nếu nói về lễ hội đền Trần thì có hai điều:
Tư tưởng lễ hội là gì? lễ hội đền Trần Nam Định là gì? là tinh thần của hào khí Đông A, quân dân một lòng, gác hiềm khích để lo việc nước. thể hiện ra trong các hành động để giáo dục con người. Có làm được điều đó không? Nhà Trần không nói chuyện ấn tín, coi rẻ ấn tín, Trần Nhân Tông rời bỏ ngai vàng năm 35  tuổi, không thiết chức tước nói gì đến ấn tín. Tinh thần của triều Trần  phải xây dựng trên tinh thần đó.
Hội thảo khoa học thì phải căn cứ vào những căn cứ khoa học lịch sử; khảo cổ, hán nôm, chưa phát hiện được tài liệu gì hết, đúng như tham luận của TS Hồng Kiên. Nếu không có chứng cứ vào lịch sử, phải dựa vào dân gian: lễ hội nền tảng là ở trong dân gian. Khai ấn và phát ấn có hay không?
Ấn Trần miếu tự điển chỉ mới có máy chục năm nay thôi. Nhìn hình thức, biết không phải là một vật xưa. Vậy nếu lễ khai ấn là của dân gian thì trả về cho dân gian. Không nên mời các vị lãnh đạo về đóng ấn, phát ấn, dẫn đến dư luận khắp nơi hiểu sai về ấn tín đền Trần.
Phải trả lại lễ phát ấn đền Trần cho các cụ ở Lộc vượng, đóng 9 cái ấn đó là ấn tôn giáo, lấy uy của Đức Thánh Trần để trị bệnh trừ tà, ban ra cho 9 cái đền xung quanh, trừ tà sát quỷ, không có thăng quan tiến chức gì trong đó. Trả lại cho các cụ bô lão cho họ vẫn tự tiến hành, không nên tổ chức rầm rộ, nếu phát ấn tràn lan sẽ tạo thêm thói hư cho nhân dân mình. Nếu tỉnh và thành phố hay phường Lộc Vượng thua thiệt một nguồn thu, nhưng chúng ta được gì?
PV Hồng Minh của báo Nhân Dân điện tử ghi tại hội trường.
14h20: Ông Nguyễn Chí Bền yêu cầu Chủ tịch UBND xã Lộc Vượng trả lời TS Nguyễn Hồng Kiên về việc có một người chết trong lễ hội Khai ấn Đền Trần. Ông nói: chuyện ngất, mất trộm mất cắp là có nhưng chuyện người chết là không có. Tôi cam đoan là không có.

14h25: Phó Chủ tịch UBND Tp Nam Định nói: Ý kiến về việc có 1 người dân đi lễ Khai ấn chết là không có, trong suốt các mùa lễ hội vừa qua. Về nguồn thu: Địa phương thu. Sau 2000 thì TP quản lý về mặt nhà nước, còn thu là UBND Phường thu.

14h26 - 14h47: PGS. TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản. Ông nói, ông đến đây và phát biểu với tư cách cá nhân. Ông nói, phải đặt lễ khai ấn vào trong tổng thể văn hóa ở đây. Về khai ấn đền Trần, tôi muốn nói có những điều chính sử không chép nhưng dân gian thì có lưu truyền và nếu sưu tập thì sẽ bổ sung cho chính sử. Việc phát ấn, nếu dân có nguyện vọng thì chính quyền phải đáp ứng thôi.

14h47: GS.TS Kiều Thu Hoạch phát biểu: Tại sao Lê Lợi sau khi thắng quân Minh thì không có phát ấn. Vậy sao thời Trần có phát ấn. Đó là câu hỏi phải đặt ra. 

Các khoa học phải nghiên cứu liên ngành để nghiên cứu về một đề tài. Ông nói về văn hóa dân gian, về truyền thuyết, rồi tôn giáo tín ngưỡng...

15h47: PGS. TS Trần Lâm Biền phát biểu: Các anh phát biểu hết cả rồi, tôi không biết phát biểu gì nữa. Tôi chuyển vấn đề. Tại sao nhà Trần được đề cao như thế? Tại sao chỉ có Trần Hưng Đạo là thành Thánh. Lý Thường Kiệt, Lê Lợi sao không thành Thánh.

Duy chỉ có Trần Hưng Đạo trở thành Thánh, sống trong tâm thức dân gian...Ông là ai? Trần Hưng Đạo là hóa thân của Ngọc Hoàng Thượng đế tại Kiếp Bạc, với hai núi Nam Tào - Bắc Đẩu. Đức Thánh Trần có thanh gươm thiêng chém Phạm Nhan. Ông là một thầy thuốc tâm linh. Ông là người giữ công bằng xã hội, đặc biệt là các thương thuyền. Đức Thánh Trần trở thành vị thần linh liên quan đến thương mại.

Quay trở lại với lễ Khai ấn đền Trần thì, chúng ta đều hiểu lễ Khai ấn có liên quan: Khai ấn, Ban ấn, Phát ấn. Việc khai ấn của triều đình chuyển hóa vào trong dân. Khai ấn là hiện tượng khai mở cho một mùa lễ hội ở đây.

Ông nói không nhất thiết phải đi tìm trong chính sử, văn bản như TS Nguyễn Hồng Kiên. Ông cho rằng việc phát ấn cũng nên để rộng rãi hơn chứ không nên chỉ giới hạn trong giới thanh đồng nhận ấn trừ tà sát quỷ.

Chúng ta không thể nào tránh thoát được việc phát ấn. Việc phát ấn là yêu cầu của mộ bộ phận nhân dân. Đương nhiên, khi một cái gì bồng bột bao giờ cũng có những nhược điểm. Nhưng đó là chỉ là nhất thời mà thôi.

15h55: Ông Nguyễn Văn Thư, GĐ Bảo tàng Nam Định phát biểu tham luận. 

16h10: Mặc dù hai TS Nguyễn Hồng Kiên và Nguyễn Xuân Diện đề nghị BTC để được phát biểu phản biện ý kiến. Song ông Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện VHNT đề nghị không thảo luận nữa vì hết giờ, các nhà nghiên cứu có thể phản biện trên các diễn đàn (?). 

Tôi - Nguyễn Xuân Diện cho rằng: Bài thơ chữ Hán của Đỗ Hựu (1441 - ?), Tiến sĩ Khoa Mậu Tuất (1478) là tư liệu được Đề án Lễ hội 2012 đưa ra làm căn cứ chính cho rằng việc Khai ấn có ở tk XV, là tài liệu chưa được kiểm chứng, không đáng tin cậy, có thể là bịa đặt! 

Ông Nguyễn Chí Bền phát biểu tổng kết hội thảo. Ông nhắc đến lệnh và kết luận của Ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ VHTT và DL (từ sáng đến chiều nhắc khoảng 4 lần). Ông Hoàng Tuấn Anh mà là người hiểu văn hóa và có năng lực quản lý về văn hóa thì văn hóa Việt Nam không đến mức xuống cấp như thế này!

Hội thảo kết thúc lúc 16h20!

Nguyễn Xuân Diện tường thuật từ Khách sạn Vị Hoàng, Nam Định

Đọc tiếp...