Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

TIN CUỐI NGÀY VÀ NHẬT KÝ CỦA MỘT NGƯỜI ĐI CỔ ĐỘNG



Thưa chư vị,

Bây giờ sắp đến 10h đêm. Lâm Khang biết có vị còn đang la đà ở quán nhậu với bạn bè. Có vị còn đang lướt web. Lâm Khang xin bạo gan nhắc chư vị hãy nhanh chân về nhà, vệ sinh cá nhân, rồi đọc Cẩm nang biểu tình trước khi lên giường.

Mai, chúng ta cùng xuống đường biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông.

Thời gian: 08h30 ngày Chủ Nhật 17.7.2011

Địa điểm tập trung: Khu vực xung quanh ĐSQ Trung Quốc tại Hà Nội 
                                    & Lãnh sự quán Trung Quốc tại Tp Hồ Chí Minh

Sau khi biểu tình tại khu vực này, sẽ đi bộ ra Bờ Hồ và Nhà Hát Lớn.

Chúc chư vị một đêm an giấc, và mai dậy đúng giờ! Lòng yêu nước của chúng ta sẽ có tổ tiên linh thiêng chứng giám!

Nguyễn Xuân Diện

Bài nhận được cuối cùng trong ngày (22h23'17'')
TÔI CÓ TỘI
(Viết trước ngày đi cổ động lòng yêu nước)
Nhật ký một người đi cổ động
Hồi Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, tôi đã được chứng kiến đoàn viên, thanh niên quê tôi đi cổ động. Anh chỉ huy đi đầu hô to: “Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược Miền Nam Việt Nam”, đoàn người hô đáp lại “Đả đảo”, “Đả đảo”. Sau vài năm, tôi cũng từng đi cổ động, nào là chào mừng đại hội, chào mừng bầu cử, nào là làm nghìn việc tốt,… Lớn lên, làm giáo viên, làm cán bộ đội, đoàn, tôi còn dẫn học sinh đi cổ động cũng những phong trào và những dịp như thế.
Gần đây, Trung Quốc có quá nhiều thái độ hung hăng, xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam, những người nhiệt tâm nhất tự rủ nhau “tụ tập” (theo cách nói của Thông tấn xã VN), hay “biểu tình” theo cách gọi phổ biến, để phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc, nhưng thực ra cũng vẫn chung bản chất “cổ động” như đã nói trên. Có khác chăng là một đằng được chỉ thị, được lãnh đạo, tổ chức, ai không đi còn bị kiểm điểm, với một đằng hoàn toàn tự giác của mỗi người.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo lại không nghĩ như vậy. Thế cho nên mới có chuyện chặn từ cổng để khống chế người đi cổ động. Còn những ai đã đi được đến chỗ “tụ tập” thì bị ngăn cản bằng mọi cách, và mỗi cuộc đều bắt một ít người đưa về đồn để tra hỏi và bắt viết cam kết không đi nữa. Và sau đó còn không ít chuyện phiền toái.
 Có nghĩa là ngày nay đi cổ động lại là việc hết sức nguy hiểm.
Thế cho nên đa số mọi người nói đến biểu tình thì sợ lắm, dù họ cũng vô cùng căm giận những hành động côn đồ của Trung Quốc. Ai đó đi thì họ hoan nghênh, chứ bạn bè đi thì họ khuyên can, còn con cháu trong nhà đi thì dứt khoát là không được.
Tôi cũng như họ thôi, rất hoan nghênh người đi cổ động, nhưng bản thân tôi quyết định đi thì chẳng hễ dễ dàng. Tôi đã nín nhịn cả 4 cuộc đầu, chỉ ngồi nhà dán mắt vào màn hình theo dõi xem đồng bào mình “chiến đấu” như thế nào. Nhưng đến cuộc thứ năm thì tôi không thể ngồi nhà được nữa. Cảm thấy khong đi là một món nợ. Thấy xấu hổ. Và thế là xuống đường. Và cũng không thấy có gì là quá nguy hiểm.
Tuy nhiên sau đó bạn bè tôi rất ái ngại cho tôi. Chưa biết cái gì sẽ còn rình rập ở phía trước. Cho nên lần thứ bảy này họ lại hết sức khuyên can. Thấy tôi vẫn khăng khăng, có người bảo: “Tổ quốc có của riêng anh đâu mà anh phải nhọc nhằn”. Tôi bảo “Tổ quốc không của riêng tôi nhưng cũng không ở ngoài tôi”. Lại bảo: “Anh chỉ là hạt cát thôi”. Tôi bảo: “Đúng thế, nhưng không có mỗi hạt cát, làm gì có ngôi nhà”. Họ lại bảo: Anh nên lo lấy cái gia đình đầy gieo neo của anh. Những người khác, họ có điều kiện hơn, họ sẽ làm”. Thầy tôi, một giáo sư già, cũng bảo: “Hoàn cảnh của em không nhất thiết phải tham gia những việc nguy hiểm như thế. Em có thể làm việc khác cũng có ích”. Ôi, toàn những người tốt. Tôi không trách gì họ.
Nhưng có một số đông khác, khi tôi hỏi đến, họ hết sức dửng dưng. Người thì bảo bận việc, người thì bảo không biết gì những sự kiện Trung Quốc gây sự. Người lại bảo đi biểu tình thì có ích gì. Mà trong số này, có rất nhiều người học hàm học vị rất cao. Tôi so với họ chỉ là bạch đinh.
Buồn, lại giở Phùng Quán ra đọc.
Phùng Quán kể rằng Tuân Nguyễn (người cùng tiểu đội với ông những năm 50 trên mặt trận Huế, người từng san sẻ những đồng lương ít ỏi của mình khi ông mắc vào Nhân văn giai phẩm và cũng là người bị tù gần 10 năm vì những chuyện vu cáo chính trị không đâu), từng định viết một bài thơ dài có nhan đề “Tôi có tội”. Tuân Nguyễn giải thích: “Tôi ở đây là nghệ sỹ chân chính của đất nước. Tôi có trách nhiệm với tất cả những lỗi lầm, những oan uổng, đớn đau, những xấu xa, hèn mạt đang lăng nhục và xúc phạm con người. Trong mọi chuyện, chính tôi là người có lỗi. Vì tôi chưa đem hết sức mình thực hiện sứ mệnh cao cả mà thượng đế trao cho người nghệ sỹ”.
Tôi có viết văn nhưng chưa thành nhà văn; tôi có được học hành, có tham gia những hội nghề nghiệp của trí thức nhưng chưa thành trí thức. Nhưng tôi có mối lo canh cánh về số phận đất nước.  Và đặc biệt, tôi làm sao chịu nổi khi Tổ quốc tôi đang bị kẻ lớn bắt nạt và lăng nhục.
Tôi im lặng lúc này nghĩa là tôi có tội.
Tôi có tội vì tôi đã khoanh tay trước cảnh đồng bào tôi ra khơi đánh cá luôn bị người láng giềng được mệnh danh “bốn tốt” xua đuổi, bắt bớ, cướp cá, đâm chìm tàu,…
Tôi có tội vì tôi im lặng khi biển của mình để cho “tàu lạ” ngang nhiên vào đánh cá, cắt cáp, tìm đủ trò gây sự với dân ta.
Tôi có tội vì tôi viết báo, viết sách, giảng bài đều dạy trẻ em phải biết yêu Tổ quốc nhưng một hành động tối thiểu là đi cổ động lòng yêu nước cũng không dám, nói gì chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc.
Tôi có tội vì dải đất hình chữ S ba trăm ba mươi nghìn cây số vuông này tổ tiên tôi đã phải đổ xương máu suốt mấy nghìn năm gìn giữ và mở mang, có thể bị giặc Tàu gặm dần rồi bất ngờ nuốt trọn bất cứ lúc nào.
Đi cổ động thì rất có thể ai đó buộc tội tôi. Nhưng không đi thi tôi có tội với đất nước, với người xưa, với người nay và với người sau.
Đôi lúc tôi nghĩ cứ đà này thì cuộc mất nước rồi sẽ tới. Một số ít người chân yếu tay mềm vùng vẫy cứu nguy không có nghĩa gì.
Nhưng chả lẽ ngồi nhìn cái chết từ từ của đất nước? Lương tâm luôn dày vò tôi.
Do đó dù chỉ là một hạt cát thì tôi cũng quyết làm một hạt cát. Và dù nhiều người can ngăn và dù vẫn có nỗi sợ, ngày mai tôi vẫn đi cổ động lòng yêu nước. Nếu công an bắt tôi thì tôi cũng trả lời những điều như trên.
Đêm 16-7-2011


Đọc tiếp...

GS PHẠM DUY HIỂN: HÃY BÊNH VỰC VÀ BẢO VỆ DÂN ĐÁNH CÁ QUÊ TÔI!

Giáo sư Phạm Duy Hiển tham gia biểu tình sáng 12.6.2011. Ảnh: LTA
Các bạn ơi! Tôi, Phạm Duy Hiển đây!

Dân đánh cá này ở quê tôi đấy. Cửa biển Mỹ Á chỉ cách nơi tôi sinh ra chưa đầy một cây số. Mà đây không phải là lần đầu.

Hẹn gặp nhau sáng chủ nhật này (17.7.2011) để bênh vực dân đánh cá quê tôi nhé!
PDH
 
Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt nói với RFA lý do ông tham gia biểu tình như sau:

"Tôi là một công dân, trong trường họp này thì phải nghĩ đến đất nước mình chứ còn nhiều người khác họ lên tiếng được, từ ông Chủ tịch nước, ông Thủ tướng đều lên tiếng cho tới các hiệp hội hội Luật sư, hiệp hội Dầu khí... tất cả họ đều lên tiếng còn tôi chỉ là một cá nhân, một công dân mà tôi không biết lên tiếng ở đâu đựơc thì tôi đi biểu tình!

Lý do thứ hai tôi không thề chịu đựng nổi những người đánh cá quê tôi là Quảng Ngãi, vợ con cứ bồng bế nhau ra trước biển ngóng chờ chồng con mình về và sau khi nghe tin họ bị ức hiếp ở ngoải biển Hoàng Sa thì tôi không thể chịu đựng được. Đó là hai lý do cơ bản khiến tôi nghĩ rằng phải xuống đường.

Tôi cho rằng cái việc tôi làm thì hiều người khác vẫn có thể làm được và chính phủ không nên ngăn cản người ta làm gì, việc đó chỉ có lợi cho đất nước thôi, không có việc gì mà chính phủ phải ngăn cản cả. Những người đi biểu tình đấy tôi thấy họ rất hiền hòa, rất có trách nhiệm, nói cách khác là họ rất có văn hóa vì vậy không có gì đáng sợ cả.
"


Cùng xem lại những hình ảnh đẹp của lòng ái quốc: 








 


























   Ảnh: Nhiều tác giả

Đọc tiếp...