Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

TIN ĐẶC BIỆT TỪ VTV


Báo Thể thao & Văn hóa số ra hôm nay cho biết: Cho đến 20h tối qua, tương lai của cả hai bộ phim lịch sử: Huyền sử thiên đô [dừng phát sóng] Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long [lên sóng từ ngày 30.6.2011] vẫn chưa được định đoạt khi những người có trách nhiệm của Đài Truyền hình Việt Nam chưa có tuyên bố chính thức.

Vào lúc 15h hôm nay (8.6.2011), Giáo sư Lê Văn Lan điện thoại cho biết: có nguồn tin cho biết Đài Truyền hình Việt Nam không phát sóng phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long.

Cách đây ít phút (15h15) tôi có điện thoại tới Ông Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam để tìm hiểu thông tin này. Ông Trần Bình Minh đã nghe máy và nói đang bận họp; vì vậy tôi chưa kịp hỏi chuyện.

BẢN TIN CỦA BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG LÚC 15h26' HÔM NAY

Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh:
Chưa phát sóng phim “Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long”
 Thứ tư, 08/06/2011, 15:26 (GMT+7)

(SGGPO).-Chiều 8-6, trả lời phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng về việc VTV có phát sóng bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long vào ngày 30-6 tới như đã thông báo trên lịch phát sóng phim được đăng trên Tvad- Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, ông Trần Bình Minh khẳng định: Phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long sẽ phát sóng vào thời điểm khác.

Đến chiều nay 8-6, lịch phát sóng phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long 
vẫn đang có trên lịch phát sóng phim của VTV (http://www.tvad.com.vn/vn/calendar.aspxn)

Được biết, sau khi có thông về việc VTV sẽ ngừng phát sóng phim Huyền sử thiên đô- một trong số rất ít phim truyền hình về lịch sử của Việt Nam để chiếu phim một bộ phim truyền hình lịch sử khác là Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long, đã khiến dư luận bức xúc. Song ông Trần Bình Minh cũng khẳng định, thông tin về ngày chiếu chiếu phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long vào cuối tháng 6 trên VTV là kế hoạch từ trước.

Bộ phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long dài 19 tập. Ngay sau khi phát đi những đoạn giới thiệu ngắn về phim này trên mạng, đã có nhiều ý kiến phản hồi về tính không thuần Việt của bộ phim này. Sau đó, phim đã bị “thổi còi” của Hội đồng duyệt phim Quốc gia. Lý do: Trong phim có nhiều cảnh quay dễ khiến người xem nhầm tưởng với phim truyền hình Trung Quốc và nhất thiết phải được chỉnh sửa lại cho thuần Việt, bằng cách cắt bỏ một số cảnh thường thấy ở phim sử Trung Quốc như: cảnh vua đi lại ở cầu zíc zắc trên mặt hồ; một số đại cảnh có đông diễn viên quần chúng là người Trung Quốc; trang phục Trung Quốc; sửa lại nhiều đoạn có lời thoại ngôn ngữ hiện đại chưa phù hợp... 

 Cảnh trong Phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long

MAI AN
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới chư vị về diễn biến của "Đường tới thành Thăng Long"

Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện


Đọc tiếp...

ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM GẶP HẠN LỚN


Lời dẫn của Nguyễn Xuân Diện:

Vừa qua, báo Tiền Phong đã đưa tin về việc: "Ngày 3-6, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét nơi ở đối với ông Phạm Thanh Hải (SN 1977, kế toán Cục Điện ảnh Việt Nam) về hành vi “giả mạo giấy tờ nhằm chiếm đoạt tài sản”. Từ năm 2009 đến nay, Hải đã lợi dụng chức vụ được giao để làm giả hàng loạt hồ sơ ủy nhiệm chi của Cục Điện ảnh Việt Nam rồi rút khoảng 42 tỷ đồng để tiêu xài cá nhân. Khi vụ việc bị phát hiện, ngày 25-5, nghi can này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. CQĐT đang hoàn tất thủ tục để ra lệnh truy nã bị can này. 

Nhân sự kiện này, chúng tôi đưa lại hai bài viết của Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh và Nhà văn Phạm Viết Đào  - cán bộ Bộ VH - TT -DL đều trên Blog cá nhân. Bài của Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã được gỡ khỏi Blog, nhưng vẫn được giữ lại trên bản  cache của Google.

ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM GẶP HẠN LỚN
Nguyễn Thị Hồng Ngát 

Suốt từ tuần lễ trước, "tin đâu như sét đánh ngang" từ Cục Điện ảnh- cơ quan đầu não quản lý ngành ' "kế toán Cục Đ.A đã ôm 42 tỷ bỏ trốn" làm bao người trong ngành...ngã ngửa! Mình từng làm Cục phó phụ trách Nghệ thuật ở đó- dù đã nghỉ 6 năm nay nhưng cũng không khỏi bàng hoàng, đau xót.Tối qua trò chuyện qua phôn với Nguyên Cuc phó Hồng Thái- người từng phụ trách tài chính của Cuc ĐA , mới về hưu 3-4 năm nay.H-Thái kêu "nằm ngủ mà trong mơ  cứ khóc suốt vì lo ngành không còn tiền để hoạt động.Mới thấy mình còn nặng lòng gắn bó với CQ Cuc bao nhiêu sau 12 năm công tác ở đấy!".

Khỏi nói là anh em cán bộ nghệ sĩ ở trong và ngoài ngành bàng hoàng ngơ ngác như thế nào trước tin này.

Bây giờ mọi người mới hỏi : Tiền ở đâu ra mà nhiều thế?Ngân sách cấp cho hoạt động ngành mỗi năm là bao nhiêu, làm những việc gì sao không triển khai mà để dồn tích lại những hơn 40 tỷ? Hoạt động sự nghiệp thì ngân sách phải nằm ở kho bạc, mà lấy tiền ra từ kho bạc là rất khó- làm sao một vị kế toán lại có thể lấy ra được những 42 tỷ suốt từ 2009 đến giờ?Chả nhẽ chủ tài khoản không thường xuyên kiểm tra tài khoản ư?.Tất cả những câu hỏi này  CQ có thẩm quyền rồi sẽ có lời giải đáp.

Sáng thứ 6 tuần trước, theo lịch, mình lên duyệt KB phim ngắn thì thấy bao nhiêu là công an kinh tế đang làm việc.Cuc phó Lê Ngọc Minh đang ngồi duyệt KB bị công an gọi xuống thẩm vấn.Cục trưởng thì phân bua là " mình chỉ toàn quan tâm đến nội dung , sợ sai về chính trị...mình là nghệ sĩ, không giỏi kinh tế...!!"Chao ôi, thế thì còn gì để nói  nữa.Chỉ có một điều là rất cảm thấy buồn, thấy nơi mình đã từng công tác sao giờ lại xảy ra nông nỗi....Dù nguyên nhân gì, dù sau này cụ thể ntn thì trách nhiệm người đứng đầu CQ là rất nặng " thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng!". Có người thì lại dựa vào tâm linh- cho rằng đất của Cục ĐA là rất dữ.20 năm trước xây trụ sở Cuc , gây thất thoát gì đó nên một ông đã phải vào tù, ông đứng đầu thì mất chức phải chuyển sang ngành khác. 20 năm sau, lại sửa sang nhà cửa, nghe đâu tốn 10 tỷ đồng...nên lại bị" động long mạch"!!!

Chao ôi, xin SX 1 phim H Hình 10 phút giá có 500 triệu cho 1 đạo diễn trẻ vừa được giải Bông sen vàng của LHPQG mà suốt 3 năm mỏi cả mồm ( dù KB đã được duyệt) mà Cục trưởng không cho, lúc nào cũng bảo " để tính" làm ra vẻ " nguyên tắc " lắm.Tài chính mà, khoản nào vào khoản ấy rồi...Chao ôi, bây giờ mới biết cái nguyên tắc đó là ntn...Cuộc đời, cái gì cũng có giá của nó. Chẳng ai mong điều xấu xảy ra nhưng hậu quả đã rành rành về một sự quản lý vô cùng non nớt, yếu kém và nặng hơn, có thể nói là vô cảm, vô lương tâm nữa...Cả ngành đầy khó khăn, nghệ sĩ thiếu tiền làm phim, sống tạm bợ đi làm thuê làm mướn khắp trong Nam ngoài Bắc...Trong khi đó thì tiền nằm ở Cục- CQ đầu ngành hơn 40 tỷ...!!!!!
6.6.2011. 

VỀ VỤ THỤT KÉT 42 TỶ ĐỒNG Ở CỤC ĐIỆN ẢNH 
Phạm Viết Đào

Blog Phamvietdaonv: Theo thông tin ban đầu mà Blog Phamvietdaonv nhận được từ thứ 6 tuần trước thì đây là khoản tiền do Đài truyền hình Trung ương chuyển cho Cục Điện ảnh để xây dựng chương trình Điện ảnh chiều thứ bảy...Gần đây do quan hệ giữa Vê...Tê...Vê và Cục... trục trặc nên chương trình này bị xếp xó nhưng tiền thì Vê...Tê...Vê chẳng thèm đòi về...Thành ra các bác ở Cục mới thầy đây là tiền nhàn rỗi, tội gì không xơi...Các bác bị tay kế toán lừa hay đây là vở kịch được dàn dựng để bỏ túi khoản tiền 42 tỷ trên ? Hạ hồi chờ các cơ quan chức năng phân giải ??? Theo thông tin thì cái khoản 42 tỷ này các bác lãnh đạo Cục đều thò tay ký hay do thằng thằng kế toán mạo chữ ký?

Sao mà mạo chữ ký và lấy dấu xác nhận ở Cục Điện ảnh và ở Ngân hàng dễ thế ? Ai đã từng rút tiền ở Ngân hàng thì thấy việc kiểm tra chữ ký ở đây không đơn giản chút nào?

Ở Bộ Văn hóa ...đã có nhiều vụ thụt két kiểu này...

Ông Nguyễn Xuân Diện ơi,

Chuyện thụt két ở Cục Điện ảnh lần này không phải là lần đầu, cách đây 20 năm đã xảy ra vụ án 5,9 tỷ; 5,9 tỷ hồi năm 90 của thế kỷ trước là rất to, Liên hiệp Điện ảnh VN hồi đó, tiền thân của Cục Điện ảnh bây giờ đã được nhà nước tài trợ cho khoản tiền lớn trên để đưa về làm phim. Số tiền đầu tư trên cuối cùng đã không mang lại hiệu quả mong muốn, đã xảy ra tham ô, tham nhũng và kết quả là 4 người của Liên hiệp đã phải vào tù…

Người phát hiện ra vụ này, và là người đầu tiên đưa thông tin này lên báo là Phạm Viết Đào; hồi đó đang là chuyên viên theo dõi sáng tác của Vụ Điện ảnh…

Do từ thông tin báo chí mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Thanh tra Tài chính vào thanh tra để làm cơ sở cho vụ án…Sau vụ này, Cục Điện ảnh được thành lập trên cơ sở sát nhập Liên hiệp Điện ảnh VN vào Vụ Điện ảnh…Khi sát nhập, Phạm Viết Đào được xếp vào diện dôi ra, mặc dù hồi đó Vụ Điện ảnh chỉ có 7 người; Phạm Viết Đào không được xếp việc trở lại điện ảnh. 

Do dư luận báo chí ( Báo Đại Đoàn Kết, Báo Thanh Niên, Báo Quân đội nhân dân, Báo Lao động) nên cuối cùng Phạm Viết Đào được chuyển về làm công tác thanh tra mà không phải ra đứng đường…

Theo mình, đối với điện ảnh thì chuyện thụt két là chuyện nhỏ, chuyện đầu tư vào cơ sở vật chất kỹ thuật không mang lại hiệu quả; việc đầu tư những khoản tiền lớn vào những bộ phim hoành tráng, “cúng cụ”, không có người xem mới là những thất thoát lớn ở ngành điện ảnh mà rất khó tìm ra thủ phạm.

Theo tính toán của mình, hiện này từ sau khi mình ra khỏi điện ảnh đầu những năm 90 thế kỷ trước đến nay, Nhà nước trong đó có Bộ Văn hóa…đã đầu tư cho điện ảnh gần 1000 tỷ đồng cho việc mua sắm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại vào loại bậc nhất Đông Nam Á…Thế giới có loại máy gì đắt tiền, Việt Nam có tất…Trong khi đó phim là do các nghệ sĩ làm ra chứ không phải do máy móc như các ngành công nghiệp khác, hiện nay lương của các nghệ sĩ tại một số cơ sở làm phim trả chưa đủ hệ số…

Mình đã từng làm Trưởng Đoàn thanh tra Trung tâm kỹ thuật Điện ảnh VN, một cơ sở kỹ thuật có những trang thiết bị đứng đầu Đông Nam Á, đầu tư trên 100 tỷ vào giữa nhưng năm 90; văn bản kết luận thanh tra đã có kết luận: 30 % trang thiết bị mang lại hiệu quả; khoảng 20 % trang thiết bị có sử dụng còn khoảng 50 % trang thiết bị mua về đắp chiếu không sử dụng…

Thế mà điện ảnh vẫn tiếp tục đầu tư lớn; có những trang thiết bị như thiết bị kỹ xảo điện ảnh, lọai thiết bị “biến người thành ma”, mua đến 3-4 triệu USD về nhưng không dùng được. Thật khôi hài, một cơ sở như Trường Đại sân khấu Điện ảnh mua thiết bị kỹ xảo tới 400.000 USD để làm thiết bị giảng dạy, từ khi mua về đến nay không sử dụng một giờ nào…Mình đã vào kiểm tra thiết bị này, yêu cầu cán bộ trông giữ bật máy lên xem, kỹ sư này không dám bật vì sợ máy treo làm hỏng máy…

Máy quay phim nhựa Ariflex, loại máy quay hiện đại vào loại nhất thế giới, một chiếc mua trên 200.000 USD; Hiện nay Việt Nam có hàng chục chiếc…Mỗi năm Việt Nam làm được bao nhiêu phim nhựa ?

Tóm lại góp thêm thông tin buồn với Nguyễn Xuân Diện để mọi người hình dung thêm về cách chi tiêu, quản lý tiền của điện ảnh ngoài nội dung ra tư tưởng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành này…

Phạm Viết Đào.
--------------------------------------------------
 
TIN DO BÁO TIỀN PHONG ĐƯA:
Kế toán Cục Điện ảnh ôm hơn 40 tỷ đồng bỏ trốn

TP - Ngày 3-6, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét nơi ở đối với ông Phạm Thanh Hải (SN 1977, kế toán Cục Điện ảnh Việt Nam) về hành vi “giả mạo giấy tờ nhằm chiếm đoạt tài sản”. 

Từ năm 2009 đến nay, Hải đã lợi dụng chức vụ được giao để làm giả hàng loạt hồ sơ ủy nhiệm chi của Cục Điện ảnh Việt Nam rồi rút khoảng 42 tỷ đồng để tiêu xài cá nhân. Khi vụ việc bị phát hiện, ngày 25-5, nghi can này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. CQĐT đang hoàn tất thủ tục để ra lệnh truy nã bị can này. 

Đọc tiếp...

DƯ LUẬN LÊN TIẾNG MẠNH MẼ

Đừng nên chiếu "Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long"!

Thứ Tư, 08/06/2011 00:08 

Không chỉ không đồng tình với những giải thích của người có trách nhiệm cho phép phổ biến bộ phim này, bạn đọc còn cảnh báo sự nguy hiểm của nó nếu được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia.

Sau bài viết “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long: Vẫn là phim Trung Quốc... nói tiếng Việt!” và bài phỏng vấn ông Lê Ngọc Minh, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Duyệt phim Quốc gia (“Không phạm vào điều cấm (?!)”) đăng trên Báo Người Lao Động các số ra ngày 6 và 7-6, hàng trăm bạn đọc quan tâm từ khắp nơi đã gửi ý kiến bày tỏ thái độ của mình.

Không đơn giản là chuyện dã sử
Bạn đọc Đặng Sơn không đồng ý với cách nhìn nhận đây là phim dã sử: “Nếu là phim thuộc dòng phim thị trường hay dã sử thì ông Lê Ngọc Minh có thể nói thế được nhưng bộ phim này được xây dựng để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nói về chính sử của dân tộc, điển hình ở đây là nhân vật Lý Công Uẩn.
Ngoài ra, còn biết bao nhiêu nhân vật lịch sử khác liên quan được đề cập trong phim. Vậy thì không thể lấy nhân vật có thật và lịch sử hào hùng có thật của dân tộc Việt Nam ra để làm phim với những cốt truyện và bối cảnh sai phạm như thế được. Nên nhớ là phim ảnh có sức truyền tải văn hóa rất lớn tới mọi tầng lớp trong xã hội”.
Cảnh trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Phản ứng tương tự, bạn đọc Hoàng Lân viết: “Lý Công Uẩn là nhân vật lịch sử có thật. Yêu cầu làm phim về ông cũng phải thật theo lịch sử. Như vậy, bộ phim Lý Công Uẩn - Đường  tới thành Thăng Long phải là phim lịch sử, không phải là phim dã sử. Do vậy, nội dung phim phải chân thật, chi tiết từ trang phục đến lời thoại, bối cảnh đều là Việt Nam. Hư cấu chẳng qua là thêm tình tiết cho hấp dẫn; trau chuốt cho đẹp hơn về hình ảnh nhân vật, chứ không thể làm thay đổi theo cách bịa đặt, xuyên tạc...”.
Bạn đọc Minh Nghĩa đặt vấn đề: “Phim ảnh không đơn thuần là giải trí mà còn có chức năng giáo dục. Nhưng phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long lại đậm đặc văn hóa Trung Quốc, bóp méo lịch sử dân tộc Việt Nam như vậy, xin hỏi công chiếu phim này để làm gì?”. 
Sao chuyền “quả bóng trách nhiệm” cho người xem?
Bạn đọc có nick name ABC đặt vấn đề: “Nhà nước giao nhiệm vụ cho Hội đồng Duyệt phim Quốc gia là duyệt phim để cấp phép phát hành hay không, bây giờ hội đồng lại chuyền “quả bóng trách nhiệm” cho nhân dân, như lời ông Lê Ngọc Minh  nói: “Chốt lại, phim không phạm vào những điều cấm... Còn hay dở thế nào thì để khán giả quyết định”. Nếu nói vậy, có lẽ không cần đến Hội đồng Duyệt phim Quốc gia  thẩm định làm gì và nếu chỉ thẩm định nó có phạm điều cấm hay không thì tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam thừa sức làm điều đó”.
“Dù là “dã sử” thì người Việt vẫn phải là người Việt, không thể dùng tính “dã sử” để biến người Việt thành người Trung Quốc như thế này được”.
Bạn đọc Mai Anh
Một bạn đọc tên Sơn viết: “Với chức năng, nhiệm vụ của mình, những người có trách nhiệm nên làm hết trách nhiệm, đừng thoái thác, đùn đẩy lẫn nhau và bây giờ đẩy cho cả người xem. Chưa xem mà chúng tôi đã yêu cầu ngừng chiếu rồi, vậy không còn gì để bàn nữa. Nhờ có tinh thần bất khuất mà chúng ta mới được độc lập như ngày nay. Việc hủy bộ phim này cũng là bài học cho những người làm phim. Không phải cứ đã quay là phải chiếu”. 

Bạn đọc Trần Văn không đồng tình với quan điểm để người xem quyết định: “Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật ra công chúng phải cân nhắc kỹ chứ. Một bộ phim có thể làm người xem hiểu sai lịch sử, hiểu sai bản sắc, truyền thống của người Việt vậy mà những người có trách nhiệm nhắm mắt cho qua?”. 

Hãy thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc!
Bạn đọc Thu Minh viết: “Trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ nhà đài càng không nên chiếu bộ phim lịch sử Việt nhưng lại mang đậm nét Trung Quốc (từ đạo diễn, ê kíp, diễn viên, trang phục, đến bối cảnh...). Chúng ta hãy thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc bằng hành động chứ không chỉ hô hào...”.
Bạn đọc Nhật Minh đưa ra lời khuyên: “Nếu đây là bộ phim bình thường thì không có gì phải bàn cãi, nhưng đây lại là bộ phim mang tính lịch sử dân tộc, không thể dựa vào một vài ý kiến của cá nhân! VTV nên cân nhắc kỹ”.     
Với bạn đọc Hoàng Nga: “Theo tôi, ý kiến dừng bộ phim như giáo sư Lê Văn Lan là hợp lý”.
Bạn đọc Quang Hòa cho rằng: “Bộ phim lai căng này nếu không thể chiếu trong dịp đại lễ 1.000 năm  Thăng Long - Hà Nội thì nay lại càng không thể chiếu. Như một món ăn nấu hỏng, đã không thể ăn hôm qua thì mãi mãi cũng sẽ không thể ăn được bởi nếu ăn vào là sinh đủ thứ bệnh tật. Mà cái bệnh đáng sợ nhất là bệnh làm mất đi niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc. Một khi đã làm mất đi niềm tự hào, kiêu hãnh đó, chúng ta sẽ không còn là người Việt Nam nữa”.
“1.000 năm Thăng Long là sự kiện trọng đại của quốc gia dân tộc, chúng ta có thể không làm gì để kỷ niệm, con cháu cũng sẽ không trách chúng ta, nhưng đã làm thì phải làm cho đúng. Thăng Long được hình thành trong bối cảnh dân tộc ta quyết tâm xây dựng nền độc lập dân tộc, tự lực tự cường, đứng ngang hàng với nhà nước phong kiến phương Bắc và tổ tiên ta đã làm được, nay sao lại đưa lên phim những hình ảnh lệ thuộc phương Bắc như vậy? Chiếu phim này, theo tôi, sẽ không những gây ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của thế hệ trẻ chúng ta, gây bức xúc cho người dân mà còn có tội với tổ tiên, những người 1.000 năm trước đây đã làm tất cả để xây dựng một nước Đại Việt độc lập”- bạn đọc có nick name ABC viết.  
Huy Nguyên
Đọc tiếp...

PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC ĐIỆN ẢNH: KHÔNG PHẠM ĐIỀU CẤM!

Lời dẫn của Nguyễn Xuân Diện:

Dưới đây là bài trả lời PV báo Người Lao động của Ông Lê Ngọc Minh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh. Ông Lê Ngọc Minh hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Vụ việc thất thoát 42 tỷ đồng ở Cục, trong đó có 26 tỷ đồng do Ông Lê Ngọc Minh ký (hiện đang được làm rõ).


Phim Lý Công Uẩn- Đường tới Thăng Long: Không phạm điều cấm (?!)
Thứ Ba, 07/06/2011 10:35

Ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng Duyệt phim quốc gia, nói như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Người Lao Động

* Phóng viên: Dù Hội đồng Duyệt phim Quốc gia đã duyệt tới ba lần nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long quá giống phim truyền hình Trung Quốc, ông nghĩ sao?

- Ông Lê Ngọc Minh: Phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long thực hiện ở Trung Quốc nên đúng là có rất nhiều cảnh, đặc biệt là đại cảnh, mang yếu tố Trung Quốc. Phim cũng có nhiều cảnh đánh nhau khốc liệt, những câu thoại không phù hợp với người Việt. Khi xem phim, Hội đồng Duyệt phim đã thống nhất là không thể phổ biến trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vì bối cảnh Hoa Lư, Thăng Long quay ở nước ngoài sẽ gây phản cảm trong nhân dân. Chúng tôi đã họp 3 lần, yêu cầu cắt gọt tối đa những cảnh phim mang nặng yếu tố nước ngoài, gây hiểu lầm cho người xem, không trung thực với lịch sử. Tuy nhiên, phải nói thẳng là nếu cắt hết thì không cắt được vì phim quay ở nước ngoài, dùng bối cảnh nước ngoài, nhà sản xuất đã khắc phục cơ bản ở các đại cảnh. Với những cảnh máu me kinh hoàng, chúng tôi đã yêu cầu nhà sản xuất cắt bỏ.

Hội đồng Duyệt phim cũng đã yêu cầu nhà sản xuất phải làm sao cho thuần Việt nhất, những gì lộ ra là của nước ngoài phải hạn chế. Những câu thoại nào không trung thực với lịch sử thì phải bỏ hết và họ đã bỏ, ví dụ như trận đánh trên núi Chu Tước, thiền sư Vạn Hạnh khuyên tướng Lê Hoàn: “Con ra trận, chớ sát sinh nhiều”. Lời răn này trong Phật giáo là đúng, nhưng chiến tranh thì làm sao tránh khỏi gươm đao máu đổ. Đại loại những câu nhạy cảm như thế đã bị loại bỏ. Những từ không thuần Việt như “khởi bẩm”, “tại hạ”, “nô tài” cũng đã sửa. Còn lại những gì không minh định được, thôi hãy coi như đó là sự giao thoa về văn hóa, dù mình không khuyến khích điều này như việc người phụ nữ Việt Nam xưa thường mặc váy nhưng trong phim có những nhân vật phụ mặc quần...

Chúng tôi cho rằng phim không sai phạm về tinh thần lịch sử, có tinh thần nhân văn, nếu xét dưới dạng phim dã sử thì có thể phát sóng được.
.
Một cảnh quay trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long:
Từ bối cảnh đến trang phục và diễn viên quần chúng đều của Trung Quốc (ảnh do đoàn phim cung cấp)

* Nhưng thực tế, có những ý kiến lại cho rằng có nhiều nhân vật không đúng với lịch sử? 

- Về nhân vật Dương Vân Nga, trong chính sử chỉ nói về bà có ba đoạn ngắn. Điểm quan trọng nhất của nhân vật này là bà đã trao lại vương quyền cho Lê Hoàn vào đúng lúc nước sôi lửa bỏng, bộ phim đã thể hiện được. Với nhân vật này, Hội đồng Duyệt phim đã thảo luận rất kỹ, nhưng cuối cùng cũng thống nhất với nhau, điều lớn nhất là trao vương miện cho ông Lê Hoàn, bà đã làm được, còn đời tư thì có thể châm chước. Đời tư sử không chép, vậy cũng nên dành một khoảng nào đó cho người ta sáng tạo, còn sự sáng tạo này có được chấp nhận hay không thì phải chờ khán giả. Thực ra, trong văn học, nghệ thuật, các tác giả có thể sáng tác theo quan điểm của mình. Trong phim này, các nhà làm phim muốn thể hiện tinh thần của người phụ nữ, vì không muốn thất tiết mà định tự tử, đó là quyền của người làm phim.

Về nhân vật Lê Hoàn, thực ra, để nói về một nhân vật anh hùng dân tộc như mình mong muốn thì phim làm cũng chưa tới, nhưng đẩy ông Lê Hoàn từ một ông vua được kính trọng sang thái cực khác thì không phải. Một ông vua cũng có những giây phút đời thường, cũng có những lúc quyết liệt, có lúc buồn đau, sung sướng. Theo tôi, hãy để công chúng luận bàn.

Phải khẳng định không phải Hội đồng Duyệt phim ủng hộ tuyệt đối với phim này. Nhưng trong phong trào xã hội hóa, một phim dã sử, cổ trang cũng đáng được ghi nhận. Phim không phạm vào những điều cấm, không quá sai lệch lịch sử, không thóa mạ danh nhân. 

* Ông vừa nói phim không quá sai lệch lịch sử?

- Có những phim trung thực với lịch sử, có phim theo tinh thần lịch sử, có phim dã sử, thậm chí có những phim phản biện lịch sử.

* Vậy thì Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long có thể gọi là gì? 

- Phim làm theo tinh thần lịch sử. 19 tập phim này không thể coi là phim lịch sử, gọi là dã sử cũng được. 

* Ông nghĩ gì khi có rất nhiều ý kiến cho rằng không nên phát sóng bộ phim này? 

- Chốt lại, phim không phạm vào những điều cấm. Vậy nên trong văn bản gửi Đài Truyền hình Việt Nam, chúng tôi cho rằng đây là bộ phim có thể phát được, nhưng phát sóng phim vào thời điểm nào là tùy đài và phải hạn chế những cảnh bạo lực. Là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi phải có trách nhiệm nhắc nhở như vậy, nhưng quyết thế nào là tùy đài. Luật đã ghi  rõ giám đốc đài chịu trách nhiệm về việc phát sóng bộ phim. Phải nói thêm rằng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là một thời điểm nhạy cảm nên Hội đồng Duyệt phim Quốc gia mới duyệt phim này chứ thời điểm khác thì lãnh đạo đài phải chịu trách nhiệm, chúng tôi làm sao có thể duyệt được tất cả các phim phát trên sóng truyền hình. 

* Khi tham gia duyệt bộ phim này, ông có gặp áp lực gì không? 

- Thực lòng mà nói, nếu không phải duyệt bộ phim này là tốt nhất. Nhưng là cơ quan quản lý Nhà nước, việc đến tay thì phải làm. Luật Điện ảnh khuyến khích việc xã hội hóa, mình cũng nên động viên họ. Còn hay dở thế nào thì để khán giả quyết định. Nếu phim hay, khán giả sẽ đón nhận, còn nếu ngược lại, biết đâu sau vài tập, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ dừng như những phim khác.
 
Ý kiến bạn đọc 
Hãy tôn trọng lịch sử, văn hóa dân tộc

LTS: Sau khi Báo Người Lao Động số ra ngày 6-6, đăng bài “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long: Vẫn là phim Trung Quốc... nói tiếng Việt!”, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến phản đối của độc giả về nội dung bộ phim và quyết định cho phát sóng trên VTV. Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu

“Dân tộc ta, nhân dân ta đã rất tự hào về lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc Việt Nam, nếu những gì mà bộ phim thể hiện theo như lời của GS Lê Văn Lan thì đúng là xuyên tạc lịch sử, hạ thấp lòng tự hào, tự tôn dân tộc”.
CaoTung

“Nếu sự thật đúng như GS Lan nói, chúng ta cần cấm hẳn bộ phim này không những trên sóng truyền hình mà trên cả các phương tiện khác. Đây cũng là bài học cần thiết cho những người làm văn hóa, hãy biết tôn trọng lịch sử và văn hóa của đất nước ta”.
Hà HN
“Phim lịch sử Việt Nam mà đi mướn Trung Quốc làm thì làm sao ra cái hồn Việt Nam được. Cái gì cũng đều có thể đặt hàng được nếu có kinh phí nhưng riêng về văn hóa thì phải chính con người Việt Nam làm thôi”.
LTD

“Một bộ phim đã không đủ chất lượng, nội dung sai lệch lịch sử; cảnh trí, phục trang, diễn viên phụ, diễn viên quần chúng người Trung Quốc sao lại cho phát sóng trên đài truyền hình quốc gia? Một bộ phim như vậy không thể cố chiếu lấy được. Tôi đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam xem xét lại chuyện này. Chưa kể trong thời điểm này, càng không thể đơn giản đem chiếu cho người Việt Nam xem được”.
Trịnh Minh Anh

“Cần phải xem vì sao Đài Truyền hình Việt Nam lại lên lịch phát sóng bộ phim “Trung Quốc hóa” này? Ai ra quyết định, nhằm mục đích gì? Là người xem, chúng tôi kiên quyết phản đối, nhất định sẽ tẩy chay không xem phim này”.
Minh Ngọc

“Hy vọng bộ phim này không vì lý do đã lỡ làm và quá tốn kém kinh phí rồi lại chạy chọt để được công chiếu, thu hồi vốn. Người Việt Nam phải có lòng tự tôn dân tộc. Đã làm phim về đề tài lịch sử thì phải đúng, không được bóp méo hay xuyên tạc. Đài truyền hình quốc gia mà công chiếu bộ phim này thì hệ thống giáo dục trong nhà trường về môn lịch sử Việt Nam sẽ như thế nào đây?”.
Đặng Sơn

“Nếu những nhà làm phim, những người có trách nhiệm liên quan còn lòng tự tôn của dân tộc Việt thì không thể cho phát sóng bộ phim này. Và tốt nhất là không bao giờ phát sóng nó nữa. Tiền cũng quan trọng nhưng lịch sử, văn hóa, lòng tự tôn của một dân tộc còn quan trọng hơn rất nhiều”.
Vũ Viết Tuân

“Có hai cách lý giải: Một là, đây là phim “lỡ làm” thôi cho chiếu giống như cách giải quyết đối với các loại “lỡ” trước đây; hai là, xem lại tư cách của những người làm phim có khách quan, vô tư?”.
Thanh Thư

“Theo tôi, VTV3 không nên chiếu bộ phim này vì với những sai sót nghiêm trọng về nội dung, phục trang và cách diễn xuất giống với các phim Trung Quốc, nếu công chiếu sẽ phản tác dụng, tôi và gia đình tôi sẽ không xem phim này, đặc biệt là với các con cháu tôi. Tôi không hiểu vì sao và vì cái gì mà phải “cố đấm ăn xôi” để chiếu phim này?”.

Phạm Sĩ Hùng
Hoàng Lan Anh thực hiện
Đọc tiếp...

HOAN NGHÊNH BÁO TIỀN PHONG

Toàn văn trên báo Tiền Phong, số 159 ra ngày thứ Tư 8-6-2011, trang 8:
Phát sóng phim Đường tới thành Thăng Long, GS Lê Văn Lan:
Tôi phản đối kịch liệt

Tin VTV dự định phát sóng bộ phim dài tập Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long từ 30-6 đang gây xôn xao dư luận. Cũng có ý kiến cho rằng cần chiếu rộng rãi, mới biết hay dở, để có cơ sở khen chê. Rộng đường dư luận, Tiền Phong đưa ý kiến của GS Sử học Lê Văn Lan (ảnh) người đã có dịp xem phim này.

Thưa GS Lê Văn Lan, vì sao ông phản đối việc VTV định phát bộ phim “Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long” thời điểm này?

Không chỉ thời điểm này. Nhưng càng trong thời điểm này, thì càng rõ một vấn đề cơ bản qua các thời điểm là: Không như công văn của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch gửi Đài TH Việt Nam ngày 15-3-2011, phim này chuyển tải cho người xem biết và tự hào về một giai đoạn lịch sử của nước ta. 

Qua tất cả các thời điểm, tôi đều không thể tự hào về cách người ta đưa giai đoạn lịch sử của nước ta lên phim như thế này.

Được biết tên của ông có trong danh sách những người cố vấn cho bộ phim mà chưa được phép của ông?

Ở lần xem phim thứ nhất, khi thấy tên tôi trên giê-nê-ríc, đề là cố vấn lịch sử, tôi đã trực tiếp phản đối với ông Trịnh Thanh Sơn, Giám đốc hãng Trường Thành đơn vị sản xuất phim này. Đồng thời tôi viết hai bài báo để nói rõ chuyện đó, rằng tôi có được biết phim làm lúc nào và làm ở đâu để mà nhận việc cố vấn. 

Thưa, vậy đến nay, tên của giáo sư có còn trên giê-nê-ric? 

Họ vẫn đề tên tôi với danh hiệu là Người tu chỉnh kịch bản. Nhưng đáng tiếc là những điều tôi đề nghị tu chỉnh thì họ không tiếp thu. 
.
Giáo sư có thể giải thích rõ vì sao không nên chiếu bộ phim này? 

Thứ nhất, không như công văn của Bộ VHTTDL đã nói: "Về cơ bản, tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng". Xin nêu một ví dụ: Cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất (980 - 981) là niềm tự hào của tất cả những người Việt chân chính. Nhưng phim  lại chỉ nói về cuộc kháng chiến này dưới dạng một trận đánh ở một ngọn núi ất ơ nào đó tên là núi Chu Tước. Ở lần xem phim thứ nhất, tôi xem thấy trận đánh này diễn ra cảnh Thiền sư Vạn Hạnh khuyên và trao cẩm nang cho anh hùng dân tộc Lê Hoàn, nói rằng: “Không cần đánh! Giặc sẽ tự tan”. Và trên phim, vai Lê Hoàn còn ra lệnh: “Kẻ nào bàn đánh, chém!”

Đến  lần xem phim thứ hai và thứ ba (tức là lần duyệt cuối), sau ý kiến phản kháng kịch liệt của tôi, họ đã sửa lại nhưng vẫn kéo toàn bộ cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc thời đó vẫn vào trận núi Chu Tước ất ơ ấy. Và lại còn cho ông Vạn Hạnh đón đường hành quân ra trận của ông Lê Hoàn và khuyên: "Chớ sát sinh nhiều". Vai diễn Lê Hoàn thì thể hiện sự băn khoăn về lời khuyên trận mạc này.

Nói chung, tinh thần và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta oanh liệt là thế, nhưng Đường tới thành Thăng Long thể hiện rất mờ nhạt, còn chủ yếu là đấu đá, sát phạt nội bộ, thậm chí chém giết, và được tô đậm bằng những trường đoạn rất rùng rợn. Có nhân vật Hạng Lang sau khi đánh nhau với anh ruột là Đinh Liễn, thì đã chết với những mũi chông cắm xuyên từ gáy sang bên mặt, rất rùng rợn.

Lê Hoàn- nhân vật lịch sử chính của giai đoạn này thể hiện như thế nào trong phim, thưa giáo sư?

Mọi người Việt Nam chân chính đều hiểu và tôn vinh Lê Hoàn là anh hùng dân tộc. Hơn nữa, đây là nhà thủy lợi đầu tiên với việc đào kênh Nhà Lê, bây giờ còn sử dụng. Nhưng trong phim này, Lê Hoàn hiện ra như một ông vua có lối sống xa xỉ, chỉ biết bắt dân xây dựng cái gọi là "vườn ngự uyển", không cần biết đến những lời can gián, thậm chí còn trừng phạt Lý Công Uẩn vì đã dám ngăn vua xây dựng những công trình phục vụ cho việc ăn chơi xa hoa.

Lê Hoàn còn hiện ra như một ông vua nhu nhược, đi kinh lý thì lại để cho giặc cỏ nó bắt được. Rồi sa thải các trung thần. Tóm lại là một ông vua không đúng như lịch sử đã ghi chép và các nhà sử học xưa nay đã nhận định và tôn vinh.

Còn những nhân vật lịch sử khác?Thái hậu Dương Vân Nga chẳng hạn?

Tôi và một số nhà nghiên cứu đang được dòng tộc họ Dương mời làm hội thảo khoa học về các nhân vật họ Dương trong lịch sử. Tôi sợ rằng dòng tộc họ Dương sẽ có thái độ phản kháng dữ dội khi phim này được chiếu trên sóng truyền hình quốc gia với hình tượng một Dương Vân Nga ủy mị, sướt mướt, treo cổ tự tử khi được Lê Hoàn tỏ tình. Trong khi chính sử chép bà là người thông tuệ sắc sảo và quyết đoán trong những tình huống cam go.

Chi hậu Đào Cam Mộc hiện lên trong phim, từ đầu chí cuối là một ông tướng võ biền, cha của một ông tướng trẻ khác, cũng chỉ suốt ngày đòi thách đấu với Lý Công Uẩn. Khi được giao việc hộ vệ Lê Đại Hành tuần du thì lại ngơ ngẩn, sơ xuất, để cho vua của mình bị giặc cỏ bắt sống. Trong khi đó, mọi người đều biết Đào Cam Mộc là quan Chi hậu, tức là người quản mọi việc trong nội cung, và là quan văn.

Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật mà hơn thế qua đây, việc giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các sự kiện lịch sử quan trọng trong giai đoạn này thì sao?

Một sự kiện quan trọng bậc nhất là Thái tổ Lý Công Uẩn lên ngôi. Phim này không chỉ gọi "lên ngôi" là "đăng cơ" (từ Hán hoàn toàn). Rành rành lịch sử viết Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư, được triều đình đồng thuận, nhưng trên phim thì Lý Công Uẩn lên ngôi ở một ngôi chùa Trung Quốc!

Trang phục của phim là đề tài được bàn luận nhiều. Cụ thể tranh phục của Lý Công Uẩn ra sao?

Không chỉ trang phục của nhà vua, mà của văn võ bá quan và trăm họ đều rất Trung Quốc. Rồi thì cảnh chùa chiền, cung điện, nhà cửa, ngựa xe, binh khí cũng đều rất Trung Quốc.

Tóm lại đó là những cảnh trên phim, ở lần duyệt cuối cùng phải không ạ? Và khán giả sẽ được xem đúng như thế?

Vâng! Đúng thế. Chính vì thế tôi mới kiên quyết phản đối việc chiếu bộ phim này ở các rạp và trên sóng truyền hình quốc gia cũng như các đài địa phương. Tôi tin chắc rằng đồng bào tôi cũng như tôi, không thể "tự hào" về mình, và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng mà lại được làm “rất Trung Quốc” như thế này.

Nguyễn Xuân Diện (thực hiện)



Đọc tiếp...

BBC: TRUNG QUỐC ĐÒI VIỆT NAM XỬ LÝ ....DƯ LUẬN


Hôm thứ Ba 7/6, Trung Quốc lên tiếng thúc giục Việt Nam hãy có "những nỗ lực nghiêm túc" nhằm giải quyết tình trạng giận dữ quanh vùng lãnh hải đang tranh chấp ở Biển Đông, sau khi hàng trăm người tham dự cuộc biểu tình hiếm hoi tại Hà Nội nhằm phản ứng lại hành động của Bắc Kinh.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên căng thẳng trong 10 ngày qua, quanh cuộc tranh cãi kéo dài lâu nay về vấn đề chủ quyền ở vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa giàu trữ lượng tài nguyên.

Hãng tin AFP trích lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa và các vùng lãnh hải lân cận."

"Trung Quốc và Việt Nam đã nhiều lần đạt được nhận thức chung quan trọng về phương cách xử lý các vấn đề trên biển và duy trì sự ổn định ở Nam Hải."

"Chúng tôi hy vọng là phía Việt Nam sẽ có những nỗ lực nghiêm túc nhằm thực thi các nhận thức chung đó."

Bản tiếng Anh trích thuật tuyên bố của ông Hồng Lỗi dùng từ "Spratlys" là tên tiếng Anh của quần đảo Trường Sa, còn biển Nam Hải là tên mà Trung Quốc dùng để chỉ khu vực Việt Nam gọi là Biển Đông.

Một nhóm chừng 300 người đã biểu tình tại Hà Nội, mang theo các dòng chữ như "Đả đảo Trung Quốc gây hấn".

Họ đã gặp gỡ âm thầm chừng nửa giờ đồng hồ hôm Chủ Nhật, trước khi giải tán trong ôn hòa khi bị chừng 50 cảnh sát có vũ trang yêu cầu.

Phớt lờ hiện trạng 
Chúng tôi hy vọng là phía Việt Nam sẽ có những nỗ lực nghiêm túc nhằm thực thi các đồng thuận có liên quan.

Phát ngôn nhân Hồng Lỗi
Hồi tháng Năm, tàu hải giám của Trung Quốc đã chặn một tàu thăm dò khai thác dầu của Việt Nam ở Biển Đông, điều bị Hà Nội coi là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và vi phạm công ước quốc tế của Liên hợp quốc về luật biển.

Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc mở rộng phạm vi tranh chấp và đòi Bắc Kinh phải bồi thường thiệt hại trong vụ trên. Trung Quốc thì đòi Việt Nam phải chấm dứt hoạt động ở các vùng biển đang tranh cãi.

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm xa hơn về phía nam đều giàu trữ lượng tài nguyên và nằm trên các tuyến hàng hải chiến lược.

Cả Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng đòi chủ quyền từng phần hoặc toàn phần đối với vùng lãnh hải đang có tranh chấp này.

Những căng thẳng mới đây khiến cho Hoa Kỳ hôm thứ Bảy đã phải ra lời cảnh báo rằng các tranh chấp có thể sẽ dẫn tới cuộc xung đột có vũ trang.

Hôm 7/6, báo New York Times, ấn bản online có bài của tác giả Philip Bowring, bình luận rằng Trung Quốc đã tấn công tàu thăm dò của Việt Nam ở ngay vùng biển mà các nước khác đều coi là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bài báo này nhận xét hành động mới nhất, cùng các hành động hồi năm 2010 như gây sự về vấn đến lãnh thổ với Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và Ấn Độ, hay việc Bắc Kinh khiến Nam Hàn tức giận vì đã không lên án sự hung hăng của Bình Nhưỡng, cho thấy Trung Quốc đang tỏ thái độ không tôn trọng hiện trạng thực tế trong vấn đề lãnh thổ với các quốc gia láng giềng.

Cũng trong ngày 7/6, báo chí Philippines trích lời quan chức nước này nói rằng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ "là đảm bảo an toàn" cho vùng biển có tranh chấp.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Voltaire Gazmin nói Hoa Kỳ "có quyền lợi trong việc duy trì ổn định, an ninh và tự do tại tuyến hải hành bận rộng thứ nhì thế giới".

Ông cũng cho rằng sự có mặt của Mỹ có tác dụng răn đe mọi hành động bất hợp pháp ở vùng biển này.

Đọc tiếp...