Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

TỰ CƯỜNG KHU VỰC 2011

Tác giả: Huỳnh Dũng Nhân
Tuần Việt Nam xuất bản.: 26/12/2011 05:00 GMT+7

Hồ sơ Biển Đông tới đây có được xử lý tích cực như hai năm vừa qua hay không? Vì có lần Tổng Thư ký ASEAN đã nói: "Năm nay, Biển Đông được đề cập và năm khác, vấn đề đó sẽ không được nêu lên. Điều này tùy thuộc vào sự năng động của môi trường"(?)

Dự báo như vậy, vô hình chung ông Surin đặt cược uy tín của ASEAN vào bá quyền nước lớn, chưa đánh giá hết tinh thần tự cường khu vực, một "bí mật công khai" về sức mạnh và tính đàn hồi của ASEAN.

Tự cường khu vực (regional resilience) bàn ở đây là xu hướng sẵn sàng thích nghi, phát triển năng động của ASEAN trong tiểu vùng Đông Nam Á, với tư cách là một cộng đồng kết nối mạnh mẽ về kinh tế, chính trị và an ninh. Vấn đề này đã được các nước trong và ngoài khu vực nói tới từ rất lâu, và mỗi quốc gia thường đánh giá xu thế này từ những góc độ cũng rất khác nhau. Tại sao khái niệm ấy giờ đây lại trở thành tiêu điểm và thước đo cho quá trình kết nối và hội nhập ngày càng sâu giữa các thành viên trong ASEAN cũng như giữa các thành viên ASEAN với các nước ngoài khu vực, nhất là với các nước lớn?

Tiền đề cho hòa bình, ổn định khu vực

Câu trả lời trước hết nằm ở tính đàn hồi bền vững và khả năng thích nghi cao của ASEAN trước sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh tế và an ninh trong kỷ nguyên mới. Tại một phiên họp kín của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vừa qua, Chủ tịch ASEAN là Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã tóm lược một trong các nội dung thảo luận bằng cách ghi nhận, các vấn đề an ninh hàng hải là chủ đề thích hợp với chương trình nghị sự. 16/18 thành viên của EAS đã chủ động đặt vấn đề Biển Đông lên bàn hội nghị, dù không hề có sự vận động hành lang nào; thậm chí trước đó TQ còn tuyên bố không muốn bàn đề tài Biển Đông tại phiên họp. Cuối cùng thì TQ đành phải "chiều lòng" các nước, cho dù lập luận rằng EAS không phải là nơi chốn thích hợp. Trước phản ứng của đa số, TQ buộc phải điều chỉnh lập trường, vốn rất quyết đoán và chỉ nhấn mạnh đến đàm phán song phương trong vấn đề biển đảo.

Có thể nói năm 2011, các nước châu Á-Thái Bình Dương đã tiến thêm một bước trên con đường giải tỏa các lưỡng nan an ninh. Cách đây hai năm, Mỹ tuyên bố trở lại châu Á, nhưng trên thực tế vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng trước băn khoăn của nhiều nước về vai trò của Mỹ trong khu vực. Năm nay, một mặt Mỹ vẫn kuyến khích quá trình thảo luận về kiến trúc an ninh mới, nhưng mặt khác, Mỹ đã có những động thái cụ thể để khẳng định việc "trở lại và ở lại" của mình. Sự mở rộng số thành viên tham gia Hiệp định TPP, đồng thời tuyên bố gửi quân tới Bắc Ốtxtrâylia là hai biểu hiện rõ rệt nhất. Đối với nhiều nước, tham gia TPP là nhân tố quan trọng phục vụ cho an ninh quốc gia vì nó tạo ra thế đứng mới cho đất nước trong quan hệ quốc tế. Mặt khác, dường như đã có sự đồng thuận đối với vai trò của Mỹ tại đây bằng các thể chế mở và linh hoạt, trong đó EAS là một điển hình. Một số nước củng cố quan hệ liên minh, một số khác đang thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương chặt chẽ hơn với Mỹ.

Tại các Hội nghị của ASEAN và ARF trong năm, đợt tháng 7 và tháng 11 vừa qua ở Indonesia, TQ buộc phải lên tiếng cam kết thực hiện DOC, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, duy trì hoà bình và ổn định ở biển Đông. Tuy nhiên, con đường đi tới hoà bình, ổn định ở khu vực còn dài, nhất là trong hai năm tới, khi Campuchia và Myanmar, lần lượt sẽ làm chủ tịch ASEAN (CPC và Myanmar là hai nước không nêu vấn đề Biển Đông tại EAS). Bất chấp các chỉ trích quốc tế về yêu sách "đường lưỡi bò", TQ vẫn tái khẳng định yêu sách này, tuy không viện dẫn được bằng chứng để chứng minh và vẫn chủ trương giải quyết song phương với từng nước tranh chấp. TQ dường như không có nhu cầu lý giải về mặt pháp lý đối với yêu sách "đường đứt khúc chín đoạn" này của mình.

.


Dư luận mong đợi rằng, tại các diễn đàn của ASEAN và các hội nghị liên quan năm 2012 tới, các nước trong và ngoài khu vực sẽ thúc đẩy sáng kiến về việc yêu cầu các bên tranh chấp ở biển Đông giải thích rõ các tuyên bố và yêu sách chủ quyền của mình dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế và thảo luận sáng kiến của Philippines về thành lập Khu vực hoà bình, tự do, hữu nghị và hợp tác ở Biển Đông, trong đó có việc phân biệt rõ ràng các khu vực biển có tranh chấp và khu vực biển không có tranh chấp. Theo tinh thần của các sáng kiến này, những tuyên bố và yêu sách chủ quyền bất chấp luật pháp quốc tế hiển nhiên phải bị lên án và bác bỏ; các tuyên bố và yêu sách chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển của các bên tranh chấp phải phù hợp với luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế; các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển trong khu vực được xác lập phải phù hợp với Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc.

Xu thế hợp tác đa phương dưới các hình thức như Diễn đàn ARF, ASEAN + 3, Hội nghị EAS và nhiều cơ chế khác đang ngày càng tiến triển. Trong bối cảnh đó, ý tưởng về "tính chất trung tâm của ASEAN" trong cấu trúc khu vực mới cần phải dựa vào hai điều kiện: ASEAN phải đủ sức để tạo thành một khối liên kết và các nước thành viên cần có lập trường chung trên một số vấn đề quốc tế. Ngoại trưởng Philippines del Rosario cho rằng: "ASEAN hiện đang đứng giữa một ngã tư quan trọng, cần phát huy vai trò tích cực và có ý nghĩa đối với giải quyết hòa bình tranh chấp biển Đông". Ông bày tỏ hy vọng, các thành viên khác trong ASEAN sớm hỗ trợ giải quyết các vấn đề nhạy cảm này. Muốn ASEAN không đánh mất vai trò chủ đạo trong các tiến trình an ninh và kinh tế trong vùng, các thành viên cần gấp rút trao đổi kinh nghiệm với nhau và với các nước ngoài khu vực. Phải tìm được tiếng nói chung và không để ASEAN bị tách đôi thành hai khối "lục địa" và "hải đảo" như một số cảnh báo liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Độc lập dân tộc gắn với tự cường khu vực

Kinh nghiệm thành công của nhiều nước trong khu vực chỉ rõ, muốn vừa có an ninh vừa phát triển, phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế. Nước nào nắm vững độc lập-tự chủ theo đường lối dân tộc-dân chủ thì thành công; nước nào kém độc lập-tự chủ, xa rời dân tộc-dân chủ thì thất bại. Độc lập dân tộc là thể hiện cao nhất của độc lập tự chủ, và đấy cũng là nguyên tắc cao nhất của quan hệ quốc tế hiện đại. Các nước tham gia vào hệ thống quốc tế với tư cách là những nhà nước có chủ quyền. Tuy nhiên, độc lập không đồng nghĩa với biệt lập. Độc lập dân tộc phải gắn với tự cường khu vực thông qua hội nhập quốc tế thì đấy mới là nền độc lập bền vững, có chất lượng cao. Đấy là giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu và phương thức để đạt mục tiêu đó.

Tiến trình tự cường khu vực bao gồm các giai đoạn phản ứng và thích nghi, phục hồi và phát triển của các quốc gia để tiến cùng các xu thế chủ đạo. Đích cuối cùng của quá trình này là để tạo nên trạng thái quân bình đa chiều, môi trường tối ưu cho an ninh, thịnh vượng của các thành viên trong và ngoài khu vực. Ở đây phải chăng chìa khóa thành công nằm ở quan hệ cân bằng của các nước vừa và nhỏ với Mỹ và TQ. Khả năng duy trì sự cân bằng lý tưởng và dung hòa các lợi ích mâu thuẫn nhau giữa TQ và Mỹ sẽ là thách thức lớn đối với nền ngoại giao của nhiều nước ASEAN, kể cả VN. Một quốc gia muốn duy trì nền độc lập của mình, tránh sự phụ thuộc vào các quốc gia bên ngoài, cho dù đó là đại quốc hay siêu cường, không có sự lựa chọn nào khác là phải "buôn có bạn bán có phường". Ở đây không chỉ có "nhận" mà còn phải "cho" như Bác Hồ từng căn dặn: "Mình đã hưởng cái hay của người thì mình cũng phải có cái hay cho người ta hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả".

Độc lập dân tộc gắn với tự cường khu vực đúng là quá trình "có đi có lại mới toại lòng nhau". Trong ý nghĩa này, khái niệm tự cường khu vực sỡ dĩ ngày càng trở nên thời sự là vì các nước vừa và nhỏ ngày càng buộc phải đối phó với nhiều nguy cơ đe đe dọa sự ổn định về chính trị, kinh tế cũng như an ninh trong vùng. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa trong những năm gần đây có xu hướng chững lại, thậm chí theo một số dự báo, không loại trừ khả năng đổ vỡ, thụt lùi như đã từng diễn ra trong lịch sử. Cộng hưởng của các dấu hiệu khủng hoảng đều là tác nhân dẫn đến điều kiện bên ngoài của các quốc gia dễ bị tổn thương. Các dấu hiệu đó có thể là: chững lại/thụt lùi về tăng trưởng, căng thẳng do các tranh chấp biên giới lãnh thổ, lãnh hải, nguồn tài nguyên hay mâu thuẫn trong việc bảo vệ môi trường.

Trước hiện trạng đó, giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và tự cường khu vực thể hiện ở quá trình xử lý các mối quan hệ nội khối trong ASEAN, cũng như các quan hệ giữa ASEAN với các nước lớn. Quán triệt trong nội bộ về Hiến chương ASEAN, coi đây là bước tiến quan trọng trên con đường xây dựng cộng đồng khu vực. Đánh giá đúng hiệu dụng và tác động của Hiến Chương. Nên phổ biến rộng rãi nội dung của Hiến Chương trong mọi tầng lớp xã hội, nhất là trong doanh nghiệp và thanh niên. Nhận thức rõ tính hai mặt của hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Nhận thức rõ những thách thức trên con đường xây dựng cộng đồng ASEAN tới năm 2015.
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Phnom Penh để trao đổi về vai trò chủ tịch ASEAN của CPC trong năm tới. Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ được tổ chức trong hai ngày 10 và 11/1/2012 tại Siem Reap. Nội dung chính được các ngoại trưởng thảo luận sẽ là hội nhập kinh tế, liên kết khu vực, Tuyên bố chung về Nhân quyền và các vấn đề đã đạt được tại Hội nghị ASEAN-19 ở Bali, Indonesia. Chưa bao giờ lời kêu gọi của Philippines "ASEAN cần đoàn kết!" lại có giá trị thời sự như thời gian tới. Nếu ý đồ ngăn cản 10 nước ASEAN thúc đẩy đàm phán đa phương về vấn đề tranh chấp lãnh thổ thành công, đặc biệt là trì hoãn các nỗ lực đi đến COC, thì rõ ràng đấy sẽ là bước thụt lùi trước xu thế đang lên của tự cường khu vực.

Cuối cùng thế quân bình động trong một thế giới khác biệt và nhiều đảo lộn phải được tạo dựng trên căn bản tự cường khu vực. Cho dù đối với các quốc gia khác nhau, hiệu ứng của tự cường có thể khác nhau. Trong một phát biểu tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nói về lợi ích của Mỹ và ghi nhận rằng, quan hệ với Việt Nam không chỉ quan trọng về giá trị tự thân, mà còn quan trọng với tư cách là một phần của chiến lược nhằm tăng cường sự can dự của Mỹ vào châu Á-Thái Bình Dương và đặc biệt là vào Đông Nam Á. Thông qua chuyến thăm cấp nhà nước của TBT Nguyễn Phú Trọng tới TQ và chuyến thăm của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình sang VN, hai bên đã đưa ra những lời lẽ hữu hảo và cam kết giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình. Ngoại giao song phương và đa phương của Việt Nam trong năm qua đã gặt hái được các thành tựu nổi bật trong quan hệ với các nước lớn cũng như trong quan hệ nội khối ASEAN chính là nhờ đặt trên căn bản của phương châm độc lập dân tộc gắn với tự cường khu vực.

Nguồn: Tuần Việt Nam.

1 nhận xét :

  1. Trang blog của Bác Diện bị chặn rồi,e phải dùng phần mềm vượt tường lữa để vào ah.không hiểu sao lại bị chặn nữa.

    Trả lờiXóa