Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

PHÁT NGÔN TUẦN VIỆT NAM: ẤN TƯỢNG 2011

Phát ngôn Tuần Việt Nam: Ấn tượng 2011

“… một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử hiện đại, hàng chục cuộc biểu tình yêu nước tự phát đã nổ ra tại Thủ đô Hà Nội, cùng với các cuộc biểu tình của Việt kiều ở nước ngoài. Tất cả đều hướng về Biển Đông, hướng về Hoàng Sa- Trường Sa.”

“Đó là sự khẳng định, cần thực hiện điều 69 Hiến pháp 1992, quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật, phù hợp với Hiến pháp, đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Đồng thời nó góp phần điều chỉnh thái độ sống của con người trong xã hội pháp quyền.”

“Sự kiện ngoài Biển Đông, vô tình tạo ra áp lực, thúc đẩy cả một quốc gia phải tự lớn lên, tự nâng mình lên trước sự tồn vong và phát triển. Thúc đẩy một xã hội dân sự, dân chủ và pháp quyền, sớm muộn đã bắt đầu nảy nở, hình thành.”

Phát ngôn Tuần Việt Nam: Ấn tượng 2011

Tác giả: Kỳ Duyên

Chỉ còn một ngày nữa, năm 2011 sẽ khép lại. Khép lại một năm có rất nhiều sự kiện, con người với những phát ngôn và hành động ấn tượng, khiến dư luận xã hội chú ý và bàn luận. Có nỗi đau và sự phẫn nộ. Có nỗi buồn và sự bất bình. Nhưng cũng có cả những niềm hy vọng, dù mỏng manh….Phát ngôn Tuần Việt Nam cuối năm xin chọn một số sự kiện, nhân vật tiêu biểu và gây ấn tượng mạnh trong năm, gửi tới quý bạn đọc để chia sẻ. Cũng là gửi tới những nỗi niềm trải nghiệm một năm cũ sắp qua, với lời chúc sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và an lành trong tâm hồn tất cả chúng ta, khi Năm mới 2012 đã rất gần.


Sự kiện ấn tượng: Biển Đông và lòng người nổi sóng

Năm 2011 sắp qua. Nhưng có thể nói, sự kiện Biển Đông là dấu ấn đậm nhất trong con tim mỗi người Việt yêu nước. Một dân tộc gian truân, luôn khao khát hòa bình như dân tộc Việt, một lần nữa phải đứng trước thách thức của số phận- độc lập dân tộc?

Có quá nhiều sự kiện gây bất bình và phẫn nộ giữa người với người, giữa láng giềng với láng giềng, như để đo nắn lòng yêu nước và khí phách tự tôn, tự cường một dân tộc? Hay “trang sử mới” 1000 năm Bắc thuộc vẫn muốn được mở ra, để láng giềng viết tiếp cho láng giềng? (đoạn này đã được biên tập  cắt bỏ-BS).


Biển Đông thì rất sâu, nhưng lòng yêu nước của người Việt chắc chắn còn sâu hơn thế.

Những con sóng bạc đầu của Biển Đông rất dữ, nhưng lòng yêu nước nơi người Việt còn dữ hơn những con sóng bạc đầu. Lịch sử dân tộc Việt trong quá khứ đã viết điều đó, thấm đẫm máu, mồ hôi, và nước mắt.

Ngay cả những ngôi mộ gió bên Biển Đông, nơi chứa đựng linh hồn của những ngư dân Việt mãi đi không về, cũng nói một điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm về biển đảo.

Hoàng Sa- Trường Sa không chỉ tạc trên tấm bản đồ Việt Nam, giữa sóng nước Biển Đông, nó còn tạc trong tâm thức của hơn 80 triệu con dân Việt.

Và, một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử hiện đại, hàng chục cuộc biểu tình yêu nước tự phát đã nổ ra tại Thủ đô Hà Nội, cùng với các cuộc biểu tình của Việt kiều ở nước ngoài. Tất cả đều hướng về Biển Đông, hướng về Hoàng Sa- Trường Sa.

Đó cũng chính là tiếng nói của lý lẽ phải trái công minh, của khí phách người Việt trước vận mệnh dân tộc.

Đỉnh cao của ‘đối thoại” về chủ quyền biển đảo, sau rất nhiều những tranh luận, phát ngôn, những chứng cứ pháp lý lịch sử, cuối cùng được công khai và minh bạch “danh chính ngôn thuận”, trong một văn bản sáu điểm, được ký kết giữa hai nước Việt- Trung. Được đánh dấu vào ngày 11/10/2011, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc.

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng  Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào

Theo đó, hai nước Việt Nam- Trung Quốc lấy đại cục quan hệ hai bên làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, với phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, theo tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Khi mọi thông tin được đưa ra ánh sáng, giữa thanh thiên bạch nhật, công khai và minh bạch, thì nó buộc mỗi con người, mỗi quốc gia, mỗi láng giềng, dù nhỏ, dù to, phải hành xử như chính danh quân tử – nhất ngôn.

Công khai và minh bạch, như trả lời chất vấn của TT Nguyễn Tấn Dũng tại Kỳ họp thứ 2, QH khóa 13 mới đây trước sự chờ mong của nhân dân. Trước những vấn đề cực kỳ hệ trọng, sinh tử của quốc gia, trước những vấn đề quyền con người trong một xã hội đang hướng tới văn minh và hội nhập.

Cả nghị trường, đúng hơn, cả xã hội như lặng phắc trước những thông tin chính thức từ người đứng đầu Chính phủ.

Đó là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa-  Trường Sa căn cứ trên các cơ sở pháp lý và lịch sử không thể phủ nhận. Với những dẫn chứng, cứ liệu và cơ sở luật pháp quốc tế.

Đó là sự khẳng định, cần thực hiện điều 69 Hiến pháp 1992, quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật, phù hợp với Hiến pháp, đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Đồng thời nó góp phần điều chỉnh thái độ sống của con người trong xã hội pháp quyền.



Sự công khai và minh bạch thông tin, không chỉ là tiêu chí quản lý một xã hội hiện đại. Nó còn có ý nghĩa hóa giải mọi hoài nghi, lo lắng, mọi tổn thương trong dư luận xã hội lâu nay xung quanh vấn đề Biển Đông và hiện tượng biểu tình.

Sự kiện ngoài Biển Đông, vô tình tạo ra áp lực, thúc đẩy cả một quốc gia phải tự lớn lên, tự nâng mình lên trước sự tồn vong và phát triển. Thúc đẩy một xã hội dân sự, dân chủ và pháp quyền, sớm muộn đã bắt đầu nảy nở, hình thành.

Phát ngôn ấn tượng: Khó phát triển và… nguy cơ?

Năm 2011, có rất nhiều phát ngôn ấn tượng của các nhân vật nổi tiếng và không nổi tiếng (nói đúng hơn, nhờ phát ngôn “ấn tượng” mà có những nhân vật không tên tuổi trở thành nổi tiếng, cho dù là tiếng… xấu).

Nhưng người viết bài xin chọn một phát ngôn gây ấn tượng nhất. Vì nó rất trí tuệ, sâu sắc và hàm chứa nhiều vấn đề của một xã hội thời hội nhập. Đó là phát ngôn của tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công An.

Bình về hiện tượng một Bộ trưởng trẻ- Đinh La Thăng, đang phải đối mặt với một ngành khó khăn nhất nhì đất nước- giao thông, tướng Lê Văn Cương lưu ý nhà báo, cũng là lưu ý bạn đọc về đặc điểm của cơ chế xã hội: Việt Nam không  phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là khó phát triển (Tuần Việt Nam, ngày 27/10/2011).

Một phát ngôn không chỉ nhiều suy ngẫm, mà còn nhiều trải nghiệm thực tiễn ở đời.

 
Thiếu tướng Lê Văn Cương

Vì sao Việt Nam ta khó phát triển?

Trước đó, lý giải về sự thành công của quốc gia Singapore, theo tướng Lê Văn Cương: “Một người trợ lý của của cựu TT Singapore Lý Quang Diệu từng nói với tôi, các ông cứ thần thánh hóa ông Lý Quang Diệu chứ ông Diệu chỉ là một người bình thường. Chỉ là ông ta đi khắp thế giới và rút ra được mấy vấn đề. Một đất nước nhỏ như vậy, muốn phát triển được trước hết phải có một bộ máy hành chính tử tế. Hai là nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Ba là hệ thống hạ tầng thông suốt. Việc lớn nhất ông Diệu làm được chính là tập hợp được một đội ngũ những người giỏi xung quanh ông ấy. Và đến giờ phút này, chưa có ai kêu ca gì về gia đình ông Lý Quang Diệu, họ hoàn toàn trong sáng”.

Nếu so với ba vấn đề, đất nước nhỏ Singapore đã rút ra được, thì đất nước to như Việt Nam ta đang ở trạng thái… bó tay. com.

Bởi con người là yếu tố quyết định của bộ máy và cơ chế quản lý. Nhưng trong cơ chế ấy, con người vừa bất lực, vừa tích cực tham gia vào quá trình làm “tha hóa” xã hội, chỉ vì lợi ích nhóm, lợi ích riêng mình.

Ngày 25/12/2011 mới đây, Tuần Việt Nam có bài Quyền “đuổi đầy tớ” của dân”, với chủ đề cải cách hành chính. Công cuộc CCHC của chúng ta triển khai đã gần 10 năm, thế nhưng hiệu quả ra sao, khi mà nền hành chính quốc gia còn rất ì ạch?

Bài báo cho biết: Từ thời “dân chủ cộng hòa” cho đến nay, hơn 65 năm qua, người dân vẫn chưa biết “đuổi đầy tớ” bằng cách nào, khi “đầy tớ” “không làm được việc cho dân…. Khi nhân dân không thực quyền trong tuyển dụng và sa thải “đầy tớ” thì tính chịu trách nhiệm của các “đầy tớ” trước nhân dân, của toàn bộ bộ máy Nhà nước nói chung sẽ thấp. Tính chịu trách nhiệm thấp sẽ dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước thấp, tham nhũng tăng.

Tham nhũng từ lâu đã được người dân kinh hãi tặng danh hiệu quốc nạn. Mặc dù, Nhà nước thành lập hẳn bộ máy chống tham nhũng các cấp từ trên xuống dưới, nhưng tại buổi Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 10, được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/11, Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng cho biết: Trong 5 năm qua (2007-2011), các cơ quan tố tụng khởi tố bình quân mỗi năm khoảng 280 vụ, với hơn 600 bị can về các tội tham nhũng.

Đó mới chỉ là con số của các đồng chí… bị lộ so với các đồng chí … chưa bị lộ.

Dưới con mắt của nhiều chuyên gia quốc tế, số điểm và vị trí xếp hạng của Việt Nam năm 2011 không thay đổi bao nhiêu so với năm 2010. Thế nên, một đại biểu QH từng cảm thán: Chống tham nhũng giống như dòng văn học cuối thế kỷ 19 – hiện thực phê phán – thấy hiện trạng nhưng không có giải pháp tháo gỡ.

Chả lẽ, lại nên có một khái niệm mới: Tham nhũng- dòng văn học hiện thực phê phán?

Ngày 26/12/2011 mới đây, VietNamNet đưa lại bài viết của Cổng TTĐT Chính phủ. Đọc tít, người ta giật mình: Chỉnh đốn Đảng vì sự tồn vong của chế độ. Có lẽ chưa bao giờ, một Tổng Bí thư Đảng phải có một phát ngôn thẳng thắn, và cũng đau đến thế, cấp báo đến thế. Vì đó là sự thật!


Trong nhiều nội dung bức thiết, theo TBT, Trung ương chọn ba vấn đề thực sự cấp bách cần làm ngay, để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…

Như để “minh họa” cho nhận định của người lãnh đạo cao cấp, mới đây, ở tỉnh nghèo Sóc Trăng, có đông người dân tộc, hai quan chức Nguyễn Thanh Lèo (Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải) và Trần Văn Tân (Giám đốc TT Đào tạo lái xe loại 3) đánh cờ tướng với nhau. Mỗi ván, các ông cược từ 1-5 tỷ đồng (!) Chuyện vỡ lở. Cả xã hội bàng hoàng. Người ta tự hỏi, với chức quan nhỏ như của hai ông, mà sao tiền đã như vỏ hến?

 
Căn biệt thự của ông phó Sở đánh cờ bạc tỷ tại  Sóc Trăng

Nhà nước thường lo lắng, đề phòng nguy cơ các thế lực thù địch từ bên ngoài. Nhưng lại thường coi nhẹ nguy cơ “kẻ thù” nằm ngay trong một bộ phận không nhỏ ở đội ngũ được gọi là đầy tớ của dân. Đó là sự quan liêu, sự vô cảm và “bắt nạt” dân. Là sự ích kỷ, tham lam, sa đọa đạo đức, lối sống của chính họ. Trong khi, nhân dân- những người được gọi là người chủ xã hội, mất lòng tin, thậm chí phẫn nộ, mà không biết làm sao có thể “đuổi đầy tớ” bằng cách nào.

Một nền hành chính quốc gia còn nhiều khiếm khuyết, quốc nạn tham nhũng, và sự sa đọa của không ít cán bộ, quan chức…Đó không chỉ làm cho đất nước khó phát triển, mà còn là nguy cơ cho sự tồn vong một chế độ.

Nguy cơ này, liệu đã nhãn tiền chưa?
(Còn tiếp)
Nguồn: Tuần Việt Nam & Ba Sàm.

10 nhận xét :

  1. Chúc mừng những người biểu tình yêu nước! Kể tất cả các báo lề phải đều đăng lại bài này hay ủng hộ những người biểu tình thì Chính Quyền Hà Nội chắc cũng phải xem lại những quyết định sai trái của mình trong việc đối xử với người biểu tình!

    MT

    Trả lờiXóa
  2. Nếu công luận OK bài này thì hảy phục hồi nhân phẩm cho những người biểu tình yêu nước.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi đọc được bài này bên Anh Ba Sàm cách đây mấy tiếng đồng hồ, đang trong giờ đi làm, qua cái điện thoại cà tàng của tôi. Ban đầu không tin vào mắt mình! Rồi lại hồ nghi không biết cái phone của mình có bị... mát dây không? Rồi đọc lại lần nữa mà ứa nước mắt! Lật đật mở qua trang bác Diện thì chưa thấy bác Diện đăng. Tôi nhủ thầm: "Bớ bác Diện ơi là bác Diện ơi! Tin vui! Tin vui quá chừng đây này!".

    Cám ơn ký giả Kỳ Duyên! Cám ơn Vietnamnet! Rất nóng lòng chờ phần tiếp theo của bài báo!

    Trả lờiXóa
  4. http://vietnamnet.vn/vn/tin-nhanh/54358/chan-dung-2-quan-choi-co-tien-ty-o-soc-trang.html
    Chân dung lừa đảo cướp đất của 2 tên quan đánh bạc do Vietnamnet đưa lên.

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết đã nêu được nhiều vấn đề nổi cộm,đáng quan tâm của thực trạng xã hội,của đất nước.
    Việc các cuộc biểu tình trong thời gian qua ở HN là do tinh thần yêu nước là chính xác.Chính vì sự bức xúc của nhân dân trước những hành động ngang ngược của nước "láng giềng".Trong khi nước "láng giềng" có hành động ngang ngược như vậy mà nhà nước có phản ứng mạnh mẽ,thì có thể người dân cũng an tâm,chưa chắc họ đã biểu tình nhiều như vậy.Nguyên nhân do nước "láng giềng" ngang ngược là chính,và một phần vì dân không thấy nhà nước có thái độ phản ứng mạnh mẽ,nên vì lòng tự hào dân tộc mà họ phải bất chấp sự ngăn cản của chính quyền,họ bắt buộc phải bày tỏ thái độ của mình với hành động ngang ngược của ông bạn"Láng giềng".Nên các cuộc biểu tình đó là biểu tình vì chủ quyền của Tổ quốc là chính xác.
    Trong bài có đoạn viết"Nhà nước thường lo lắng,đề phòng nguy cơ các thế lực thù địch từ bên ngoài.Nhưng lại thường coi nhẹ nguy cơ "Kẻ thù"nằm ngay trong một bộ phận không nhỏ ở đội ngũ được gọi là đầy tớ của dân.Đó là sự quan liêu,sự vô cảm và"bắt nạt"dân...Đó không chỉ làm cho đất nước khó phát triển,mà còn là nguy cơ cho sự tồn vong một chế độ."
    Rất đúng!Nếu dẹp yên được "kẻ thù" đội lốt đầy tớ cuả dân này,thì dân sẽ một lòng tin yêu nhà nước,tin yêu các vị lãnh đạo, thì có gì mà phải lo lắng các thế lực thù địch từ bên ngoài nữa.

    Trả lờiXóa
  6. Những giòng chữ chân tình nầy làm tôi thật cảm xúc và muốn khóc. Rất cảm ơn bạn Kỳ Duyên đã can đảm viết lên sự thật. Và cũng cảm ơn Bác Diện đã đăng lên để mọi người cùng tường.

    Trả lờiXóa
  7. Đoan Trang trong bài "Giọt nước mắt của lề phải" đã nói đúng, không phải tất cả phóng viên lề phải là văn nô, bồi bút hết. Cảm ơn Kỳ Duyên đã có bài này như một sự ghi nhận tấm lòng của người biểu tình yêu nước dịp hè qua.

    Trả lờiXóa
  8. Tôi nhớ một câu nói - không chính xác là của Khổng Tử hay Mạnh Tử: Nước tự mình đánh mình trước, sau mới bị người đánh. Nhiều bậc trí thức thượng lưu bây giờ hễ cứ nói đến chống xâm lược là sẵn một tinh thần THUA "VN nhỏ yếu, Trung Quốc lớn mạnh". Đó là một điều ngộ nhận. Môt nước gần 90 triệu dân, đứng thứ 13/193 quốc gia không thể là một nước nhỏ. Thời Lý, Trần, Lê, lãnh thổ đất nước chỉ có miền Bắc bây giờ với vài triệu dân mà ông cha ta vẫn tự hào mình là nước lớn (Đại Việt) và thực sự là một nước lớn. Nhiều học giả nước ngoài cũng đã "giáo dục" người VN điều này. Còn cái yếu thực sự của VN không phải là quân ít, vũ khí kém mà "giặc" nội xâm: tham nhũng, vô trách nhiệm, tham lam, ích kỷ, sa đọa,... và trên hết là cái vòng kim cô "cơ chế" khiến ai cũng cảm thấy bất lực, chán nản, buông xuôi, đi theo cái xấu.

    Trả lờiXóa
  9. Quả là một bài báo có văn phong bất thường so với bấy lâu nay của báo chí lề phải.
    Qua năm mới 2012 cần phát huy tiếp những điều tích cực, mong muốn lắm thay !

    Trả lờiXóa
  10. Dù không biết ông Kỳ Duyên là ai,nhưng qua điều ông nói chứng tỏ ông rất dũng cảm :nói những điều mà các vị "cầm quyền" rất "dị ứng".Trong thâm tâm đại đa số đều biểu dương các "cuộc biểu tình" và phẩn nộ trước các hành xử đối với những người tham gia biểu tình.Nhưng mấy ai đã dám công khai "biểu lộ" tình cảm này,đăc biêt lại biểu lộ công khai trên "diễn đàn lề phải".Tôi nghĩ rằng chắc chắn ông phải có "một vị thế" vững chắc vì cho đến bây giờ bà Hằng vẫn bị giam giữ bất hợp pháp.Theo tinh thần của ông Kỳ Duyên phát biểu thì hành động "bắt giam" bà Hằng phải được hiểu như thế nào.Chúng ta cảm ơn về hành động rất quả cảm của ông Kỳ Duyên và mong rằng năm 2012 xu thế phát triển đất nước sẽ đúng như những nhận xét và đánh giá của ông Kỳ Duyên
    Còn về điều "tại sao nước ta khó phát triển" mà ông Lê Văn Cương đã nêu lên thì mọi việc quá rõ ràng,chẳng cần phải "dài dòng văn tự",chẳng phải tự dối mình,lừa người. Chúng ta thử nhìn "bánh xe bò hình vuông" thì xe có thể tiến lên được không.Chắc chắn là không.Thế mà người ta vẫn cứ để bánh xe bò hình vuông và hò hét mọi người đẩy xe,trong khi chỉ một điều đơn giản là thay bánh xe hình vuông bằng bánh xe hình tròn,một điều mà ai cũng nhận thấy,nhưng người ta vẫn không chịu làm và rồi họ cứ hò và cứ hò...Vậy điểm mấu chốt ở đây là điều mà không phải một người mà là nhiều người (chỉ những người không có tâm hoặc có mưu đồ xấu) đã nhìn ra .Đó là sự "mất lô gic " là "lỗi hệ thống".Mất lô gic chô nào và lỗi hệ thống chỗ nào ai mà chả thấy.Nó đã rõ như ban ngày. Không thể có sự vật nào phát triển được theo con đường mất lô gic,đi nhược với qui luật

    Trả lờiXóa