Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

CHIỀU CUỐI NĂM, ĐỌC TÙY BÚT CỦA PHẠM CHUYÊN

Những dòng sông 

Tùy bút của Phạm Chuyên

Bốn con sông. Tranh HS Đinh Quân tặng Phạm Chuyên

Những dòng sông mang nặng phù sa cõng trên lưng biết bao thân phận người. Thế mà người đời cứ qua sông rồi là quên mất cả dòng sông. 

Còn nhớ lắm, ngày tôi sinh, nơi tôi sinh ở ngôi nhà ông bà ngoại, bờ phải phía trên khúc sông chảy qua kinh thành Thăng Long - Hà Nội. 

Tôi biết đến Hà Nội vào những năm sáu mươi, thời bao cấp, tôi được giáo dục cầm súng đi đánh Mỹ. Được tập huấn ở Cầu Chui, Gia Lâm - Hà Nội. Mang quân hàm binh nhì, phụ cấp hàng tháng 5 đồng. Số tiền vừa đủ mua xà phòng tắm 72%, díp đánh răng Ngọc Lan và tem thư. Còn lại, chỉ đủ đi bộ qua cây cầu Long Biên, lượn một vòng xung quanh Hồ Gươm, ăn một que kem Hồng Vân, lại đi bộ qua cầu, trở về Cầu Chui để học cách đánh Mỹ. 

Cây cầu Long Biên và dòng sông Hồng mang trong tiểu sử của nó biết bao sự kiện, bao chiến công, bao thương tích, lịch sử đã ghi chép lại khá cụ thể, khá đầy đặn. Còn với tôi cây cầu ấy, khúc sông ấy là những cuộc cuốc bộ, bụng đói, bước chân như ngắn lại, như con ngựa đi nước kiệu, thở hồng hộc để kịp về doanh trại. Điểm danh cho kịp trước khi tiếng kẻng vang lên. 

Năm mươi năm đã trôi qua. Vào một ngày của năm Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, ngày hội trên cầu Long Biên. Năm mươi năm tôi mới lại thả bộ trên cây cầu Long Biên bên người bạn đời xuống bãi giữa, cô ấy mua mấy bắp ngô nướng. 

Chúng tôi qua đầu cầu bên Gia Lâm, uống một trái dừa xiêm. Mua một con tò he. Cô ấy được ký họa một bức chân dung, bằng bàn tay của một họa sĩ trẻ đang hành nghề trên cầu. Tôi kể cho cô ấy những cuốc đi bộ trên cầu Long Biên mà chưa một lần cô ấy nghe, được chứng kiến nhiều việc tôi đã được phục vụ để trả nợ cho dòng sông Mẹ nơi tôi sinh ra, nơi tôi sống những năm tháng đáng sống nhất, gian nguy nhất và chan chứa yêu thương nhất mà người dân Hà Nội ưu ái dành cho tôi. 

Biết ơn mãi mãi là một cảm hứng đi suốt cuộc đời tôi. Dù thời khắc ấy là bình minh, là giông bão. Là thơm ngát mùi hương những loài hoa Hà Nội. Là gương mặt người. Là những bóng đêm. 

Có một lần tôi đề xuất với những người có trách nhiệm ở Thủ đô ta, xin đừng đặt tên nước cho tên quận... Cái quận Hoàng Mai bây giờ, các vị ấy dự định đặt tên là quận Vạn Xuân. Mọi việc như ván đã đóng thuyền. Tôi thức suốt một đêm để thuyết trình cái lý lẽ đừng có đặt tên nước làm tên quận. Xong việc bốn giờ sáng, tôi, hai nhà báo và một hoạ sĩ ngồi bên bờ hồ Trúc Bạch, ở nơi ranh giới giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch.

Tướng Phạm Chuyên. Ảnh: N.X.D
Thời ấy dân Hà Nội bảo là nơi ranh giới giữa cái hồ sống (hồ Tây) và cái hồ chết (hồ Trúc Bạch). Không rượu, không bia, chỉ có mấy chai lavie và thuốc lá, tôi thanh thản mà đọc mấy câu ghi lại cảm xúc biết ơn cái đêm ấy của anh em chúng tôi. 

Biết ơn nhiều cái đêm không ngủ
Đêm bàng hoàng đêm hốt hoảng về đâu
Trời chưa sáng mà mặt người ngời sáng
Đêm tưởng dài đêm có dài đâu! 

Sáng hôm sau tôi đọc tờ thuyết trình viết ở cái đêm ấy. Ý kiến của tôi được chấp thuận. Thế là có cái tên quận Hoàng Mai bây giờ. Còn tên nước Vạn Xuân từ thời vua Lý Bôn - Lý Bí vẫn là tên nước. Cái hồ sống và cái hồ chết mà chả bao giờ chết được vốn là một phần của con sông Mẹ đã xui khiến tôi và các bạn tôi làm được một việc thật ra là chả mang lại tiền của gì, nhưng nó là cái duyên mà phải làm để trả ơn, để biết ơn tất cả, biết ơn những con sông, những dòng sông, và những gương mặt người.
Hà Nội - bên dòng sông Cái
Tháng Chạp - Canh Dần
Phạm Chuyên
.

Con đê

Tùy bút của Phạm Chuyên


Người Việt Nam mình có ngàn ngàn cây số con đê. Đê sông, đê biển, đê ngòi… Tuổi thơ ai mà chả có những kỷ niệm về những triền đê và con đê. 

Tôi là ai là ai mà yêu quá đời này (Trịnh Công Sơn)... 

Triền đê tuổi thơ tôi. Cái con đê và triền đê kéo dài từ Trung Hà đến triền đê Thăng Long Hà Nội. Đã có thời tôi như một trẻ vô phúc chả làm sao đi lại trên triền đê của tuổi ấu thơ. Đến khi không nghèo như những người công nhân đứng máy, những nhà máy dệt may, nhà máy giày da, nhà máy kính đáp cầu, nhà máy Nai, nhà máy a di đát… Cũng không nghèo như người dân quê tôi giữa những năm hai nghìn - thôn Bài Nha, xã Cam Thượng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây - mà nay di về Thăng Long - Hà Nội. Cũng không giàu có như các đại gia, xanh có, đỏ có, xanh vỏ đỏ lòng cũng có. Đủ tiền tôi gọi một cuốc xe đến thắp nhang bốn mươi chín ngày của cụ bà, quê Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội.


Người lái xe lầm lì và kiệm lời lắm. Nhờ có duyên trời cho, anh thổ lộ bảo em người núi Voi, Hải Phòng, là họa sĩ, lái tắc xi chỉ để chơi thôi. Tôi bảo thế cuốc xe này bao nhiêu tiền. Hai triệu. Trời ơi là trời. Có trên dưới bốn chục cây số mà những hai triệu. Họa sĩ lái cái giá nó khác đấy ông anh ạ. Hết biết rồi. Tôi trả anh triệu rưỡi.

Vàng hương xong, chúng tôi xuôi theo triền đê sông Hồng trở về Hà Nội. Tôi bảo chỉ đi trên đê, không đi trên đường thiên lý, trên đường cái quan. Ô kê đi. Họa sĩ nói thế.

Từ Tản Hồng, họa sĩ dừng xe đột ngột. Bảo rẽ vào đình Chàng (đình Chu Quyến) đi bác. Tôi bảo: Ừ. Cái ngôi đình này là cả tuổi thơ tôi. Ông bà già tôi. Ông cố nông - không một thước đất cắm dùi. Lấy mẹ tôi, con cụ tiên chỉ của làng. Hai người sau khi sinh ra tôi về ngụ cư trên chính vùng đất quê mình - chợ Chàng, Chu Quyến, Quảng Oai, Tùng Thiện, Sơn Tây.

Thế là tôi học A, B, C ở đình Chàng cho đến lớp hai. Đình Chàng có những cột đình to đùng, to đoàng. Vào tuổi ấy phải bốn đến sáu đứa trạc tuổi tôi mới ôm khít một cột đình. Còn nhớ chỉ học A, B, C mà ông giáo làng đã viết một tờ giấy dó mấy chữ Tổ quốc trên hết. Cứ mỗi ban mai, chúng tôi hái những bông hoa, họa dại có, hoa người ta trồng có, kết một vòng hoa xung quanh mấy chữ Tổ quốc trên hết của ông giáo làng.

Rời đình Chàng, chàng họa sĩ lại bon bon trên triền đê sông Hồng. Rồi chàng họa sĩ lại thắng gấp đánh hự một cái, rẽ trái một cái. Chúng tôi đứng trước cái cổng sắt nhà cụ tiên chỉ. Cổng đóng then cài. Mợ tôi (chủ nhà) đang mưu sinh trên đường thiên lý. Nhìn qua cánh cổng sắt tôi mơ màng thấy cái cuống rốn tôi bay bay trên vườn nhà ông ngoại.

Chúng tôi lại bon bon trên triền đê sông Hồng xuôi về Hà Nội. Trời vẫn mưa. Ổ trâu, ổ gà, ổ voi, cơ man nào là ổ. Chàng tắc xi - họa sĩ bảo, bác có biết lái không. Tôi bảo, cứ thử xem. Tôi cầm vô lăng chở chàng họa sĩ bon bon trên triền đê sông Hồng xuôi về Thăng Long Hà Nội. Bụng cứ bảo dạ, hai anh em mình về Hà Nội thôi. Hà Nội có những người chị, những người em, có cả Thắng ngớ đang chờ ta.

Khự một phát, người ta đắp ụ chắn đê, đành rẽ vào phố phường. Qua triền đê Liên Hà, Liên Mạc, tôi nằm phịch trên chiếc giường sau cùng, ngôi nhà sau cùng. Chắc sẽ cho đến lúc về chầu ông bà ông vải.

*Tác giả Phạm Chuyên, Thiếu tướng, nguyên GĐ Sở Công an Tp Hà Nội.



6 nhận xét :

  1. Vốn ở trong Nam, trước đây tôi không hề để ý đến bác Phạm Chuyên dù đôi lúc có nghe tên bác ý các phương tiện truyền thông. Bác ý từng là công an, lại là công an "gộc", cấp bậc Thiếu tướng, Giám đốc Sở ngay ở thủ đô... thú thiệt, nghe cũng ớn quá! Đọc hai đoạn tùy bút trên đây, tôi thật không ngờ! Không ngờ một sĩ quan công an cao cấp mà tâm hồn lại đẹp đến thế này!

    Đã bao nhiêu lần tôi cố có cái nhìn thiện cảm hơn về ngành công an và các chiến sĩ công an nước mình mà không được, dù tôi may mắn được quen một hai vị rất tốt - trong đó có bác công an khu vực nơi tôi ở trước đây.

    Hai bài tùy bút trên thực tình đã làm tôi rúng động! Thì ra trong bất cứ giới nào, tầng lớp nào cũng đều có người tốt bên cạnh kẻ xấu, những nhân cách cao thượng bên cạnh những con sâu làm rầu nồi canh!

    Cám ơn bác Thiếu tướng Công an Phạm Chuyên! Cám ơn bác Diện! Cám ơn những người con quê hương Sơn Tây! Ngày cuối năm, đọc được những bài như thế này thấy lòng nhẹ đi hẳn, yêu đời yêu người hơn hẳn!

    Trả lờiXóa
  2. Bác Phạm Chuyên kính mến,

    Những lời Bác viết rất là cảm động và do đó thì xin gửi tặng Bác những giòng chữ ghi vội dưới đây. Xin chúc Bác cùng gia đình luôn an bình, hạnh phúc và an khang trong năm Nhâm Thìn.

    Nhà tôi nằm cạnh ven sông
    Bờ đê xanh cỏ cong cong tuyệt vời
    Ngọc Lan tỏa sắc gọi mời
    Giàn bầu xanh ngắt, chim trời họp nhau

    Đêm về tiếng sóng rì rào
    Gió lay nhè nhẹ, vườn đào lung linh
    Trăng thanh cảnh vật thêm xinh
    Nhà tôi nơi ấy, lửa binh thiêu rồi !

    Ngày qua, ngày đến bồi hồi
    Nhớ nơi chôn rún, nhớ đồi Bửu Long
    Nhớ từng cơn gió mùa đông
    Nhớ từng lời dặn Cha Ông thửơ nào.

    Trả lờiXóa
  3. Một Bác Phạm Chuyên khác qua. Không ngờ Bác cũng văn chương bay bổng nghê, chứ có khô cứng đâu, mong Bác tiếp tục phát huy.

    Trả lờiXóa
  4. nghe hai bài tùy bút của tướng công an phạm chuyên mà tôi cứ bồi hồi xúc động , văn quá hay đi vào lòng người, nó cứ nhâm nhi mà thấm đẫm chất thơ và nó đi vào lòng những người con xa hà nôi trong những ngày cuối năm nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn giờ đây lưu lạc tứ phương mà cứ muốm níu mãi ký ức tuổi thơ trong những chặng cuối của một kiếp người đấy dông bão và có một thời hào hùng, có một thời sôi nổi trong đó có cả một mối tình đầu của một thời trai trẻ...hà nội ơi ... tôi yêu hà nội... cám ơn anh phạm chuyên những lời văn của anh khiến tôi kinh ngạc , bởi nó xuất phát từ một ông tướng công an mà tôi đã từng biết.. ngả mũ chào anh , chúc anh cùng gia đình một năm mới an khang và tràn đầy hạnh phúc

    Trả lờiXóa
  5. Quá nhạc nhiên luôn, từ trước đến nay mình chưa bao giờ tưởng tưởng 1 ông tướng công an lại có một tâm hồn và viết lách như một văn sĩ thế này.

    Bravo bác Phạm Chuyên

    Trả lờiXóa
  6. Giá như CA ai cũng văn chương lai láng như chú Chuyên thì chắc chả đến nỗi lại đạp vào mặt dân biểu tình bảo vệ TQ. Cả ngành CA chắc chỉ có mỗi mình chú Chuyên thơ văn hay vậy. Năm mới chúc chú Chuyên mạnh khỏe , viết nhiều.

    Trả lờiXóa